Vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa (I)

Trương Nhân Tuấn

disputesThử phân tích các lập luận của Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lập trường của Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được trình bày rõ rệt qua bài viết “Vietnams Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys: Its Maritime Claims” của TS Nguyễn Hồng Thao (TS. NHT). Không biết đây có thực sự là quan điểm chính thức của VN, như tựa đề muốn nói, hay chỉ là ý kiến riêng của tác giả. Điều quan tâm là một số lập luận được sử dụng trong bài có thể không thuyết phục.

1/ Thử xét lập luận: “Người ta không thể từ bỏ về cái mà người ta không có chủ quyền.”

Lập luận này thường được dẫn đi dẫn lại ở các bài viết của các học giả VN[i]. Ý kiến này nguyên của học giả Monique Chemillier-Gendreau, trong tập tài liệu “La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys”. Nguyên văn lẽ ra phải viết đầy đủ như sau:

“Dans ce contexte, les déclarations ou pris de position éventuelles des autorités du Nord-Vietnam sont sans conséquences sur le titre de souveraineté. Il ne s’agit pas du gouvernement territorialement compétent à l’égard des archipels. On ne peut renoncer à ce sur quoi on n’a pas d’autorité[ii]”.

Tạm dịch: trong bối cảnh đó, những tuyên bố hay lập trường nào đó của nhà cầm quyền miền Bắc thì không ảnh hưởng lên danh nghĩa chủ quyền. Nhà nước này không phải là nhà nước có thẩm quyền về lãnh thổ đối với các quần đảo. Người ta không thể từ bỏ về cái mà người ta không có thẩm quyền.

Các học giả VN “vắn tắt” bớt, do việc người sau trích dẫn người trước, không kiểm chứng lại nguồn. TS. NHT viết:

It had no right to give up the territory that it did not have[iii]”  – “Người ta không thể từ bỏ lãnh thổ mà người ta không có thẩm quyền”

Người đầu tiên sử dụng lý lẽ này có lẽ là ông Từ Đặng Minh Thu, qua bài viết ở đây. Tác giả này dịch đoạn văn trên như sau :

“Trong những điều kiện này, những lời tuyên bố hoặc lập trường nào đó của chính quyền miền Bắc Việt Nam không có hiệu lực gì đối với chủ quyền. Đây không phải là chính quyền có thẩm quyền trên quần đảo này. Người ta không thể chuyển nhượng những gì người ta không kiểm soát được…”

Tác giả dịch “Dans ce contexte – bối cảnh này” thành ra “trong những điều kiện này”, theo tôi là không phù hợp. Vấn đề cần tìm hiểu: bối cảnh đó là bối cảnh nào ?

Trang 122, tác giả Monique Chemillier-Gendreau nhắc đến ông L. Thomas Bradford, trong “The Spratly Island Imbroglio : a tangled web of conflict”; ông này cho rằng, qua công hàm Phạm Văn Đồng, “Vietnam réaffirmé sa reconnaissance de la prétention chinois sur les archipels” – “Việc Nam tái xác nhận sự công nhận của họ về chủ quyền của Trung Quốc ở các quần đảo”.

Nguyễn Hồng Thao. Nguồn: nld.com.vn
Nguyễn Hồng Thao. Nguồn: nld.com.vn

Một số lập luận của bà Monique Chemillier-Gendreau nhằm mục đính phủ nhận ý kiến của Thomas Bradford (cho rằng VN bị Estoppel). Không thể diễn giải Công hàm 1958 như là “tái xác nhận việc công nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS”.

Đó là “bối cảnh” của câu văn.

Các học giả VN, chỉ dựa vào câu “Người ta không thể từ bỏ lãnh thổ mà người ta không có thẩm quyền”, từ đó kết luận công hàm PVĐ là không có giá trị ràng buộc. Điều này hiển nhiên thiếu thận trọng. Bởi vì, nó có thể đúng trong bối cảnh này (estoppel) nhưng chưa chắc đúng trong các bối cảnh khác (thí dụ: acquiescement).

Có hai điều cần xem xét:

1/ Vào thời điểm 1958, VNDCCH có là một “quốc gia” như các học giả VN đã nói hay không? Nếu có, quốc gia này có  “thẩm quyền quốc gia – compétence étatique” ở HS và TS hay không ?.

2/ Sau 1976, VN thống nhất đất nước, dĩ nhiên nhà nước CSVN có thẩm quyền trên toàn lãnh thổ đất nước. Câu hỏi đặt ra: VN có bị ràng buộc bởi công hàm 1958 hay không ?  

Điều thứ nhất sẽ khảo sát ở dưới. Điều thứ hai, cũng là sự lo ngại của bà Monique Chemillier-Gendreau. Ý kiến của bà học giả không chỉ vỏn vẹn trong câu văn dẫn trên. Vài dòng trước đó bà viết :

Néanmoins, son silence devant l’affirmation de souveraineté chinoise sur les iles peut être interprété comme un acquiescement, et cela autant plus qu’il est renforcé par la déclaration relative aux zones de combat et les articles du Nhan Dan.[iv]

Tạm dịch: “dầu vậy, sự im lặng (của nhà nước VNDCCH) trước sự khẳng định chủ quyền của Trung Hoa tại các đảo có thể được hiểu như là một sự đồng thuận. Việc này càng được củng cố qua các tuyên bố liên quan đến vùng chiến sự và những bài viết trên báo Nhân Dân.”

Phải hiểu thể nào về “acquiescement – sự đồng thuận” theo luật Quốc tế ? Điều này cũng sẽ nói sau đây.

 2/ Về ý nghĩa pháp lý “acquiescement – sự đồng thuận” của các “tuyên bố đơn phương”

Điều cần nói rõ, Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc về lãnh hải quốc gia, là Tuyên bố đơn phương có hình thức “décision[v] – quyết định” (hơn là hình thức “notification[vi]”).

Theo tập quán quốc tế hiện nay, khi quốc gia ra tuyên bố về bề rộng lãnh hải của nước mình, thường thông báo đến các quốc gia khác “lập trường » của nước mình qua hình thức “notification – thông báo”. Các nước khác, nếu công nhận lập trường này, sẽ gởi công hàm trả lời mang hình thức “reconnaissance[vii] – công nhận”. Trường hợp không đồng ý thì gởi công hàm “phản đối – protestation[viii]”.

Bất kể tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của TQ mang hình thức “Désision – quyết định” (mang tính ép buộc cho phía nhận quyết định) hay “Notification – thông báo”, công hàm của ông Phạm Văn Đồng là một Tuyên bố đơn phương, công khai, mang hình thức “công nhận” tuyên bố của TQ. (Ở đây là công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cũng như việc mở rộng lãnh hải 12 hải lý của TQ).

Monique Chemillier-Gendreau. Nguồn: ehess.modelisationsavoirs.fr
Monique Chemillier-Gendreau. Nguồn: ehess.modelisationsavoirs.fr

Vấn đề là, VN hôm nay có thể nói ngược lại, là chỉ công nhận lãnh hải 12 hải lý của TQ ở mọi vùng lãnh thổ của TQ, mà không tôn trọng ở HS và TS, với lý do HS và TS thuộc VN hay không?

Như bà Monique Chemillier-Gendreau có ghi nhận, VNDCCH đã tôn trọng quyết định của TQ qua nhiều hình thức khác nhau, trong một thời gian dài, trong đó có việc nhìn nhận vùng biển và vùng trời của TQ tại HS, qua bài báo trên nhật báo Nhân Dân. Mặt khác, nhà cầm quyền miền Bắc cũng nhiều lần cho in bản đồ trong đó ghi chú Nam Sa và Tây Sa thuộc TQ (chứ không phải HS và TS thuộc VN).

 Các động thái trên là hình thức “comportement actif[ix] – thái độ chủ động”, dấu hiệu của “acquiescement”.

Ngoài ra, nhà cầm quyền miền Bắc đã giữ thái độ im lặng khi TQ xâm lăng HS của VN năm 1974. Đây là hình thức “comportement passif – thái độ thụ động”, một dấu hiệu khác của acquiescement”.

Khoản 1 của Nguyên tắc Hướng dẫn về Tuyên bố Đơn phương của Quốc gia được  Ủy ban Công pháp Quốc tế thuộc LHQ[x] thông qua có nội dung:

Des déclarations formulées publiquement et manifestant la volonté de s’engager peuvent avoir pour effet de créer des obligations juridiques. Lorsque les conditions pour qu’il en soit ainsi sont réunies, le caractère obligatoire de telles déclarations repose sur la bonne foi; les États intéressés peuvent donc en tenir compte et tabler sur elles; ils sont fondés à exiger que de telles obligations soient respectées.

Tạm dịch: “Những tuyên bố phát biểu một cách công khai và bày tỏ ý muốn tôn trọng (những gì đã tuyên bố) có thể có tác dụng tạo ra các nghĩa vụ pháp lý. Khi các điều kiện được hội đủ, tính cách ràng buộc của các tuyên bố này được dựa vào sự thành tín. Quốc gia liên hệ có thể xem xét và dựa vào tuyên bố này làm căn cứ, để đòi hỏi các nghĩa vụ đó phải được tôn trọng.”

Công hàm 1958 hội đủ hai yếu tố “công khai” và “ý chí tôn trọng”. Vì vậy nó có thể tạo ra một nghĩa vụ pháp lý.

Nhà nước CHXHCNVN hiện nay – nhà nước kế thừa VNDCCH –  khó có thể cho rằng “công hàm 1958 công nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc ở mọi nơi, ngoại trừ HS và TS”.

Sai lầm là vì, năm 1958, thay vì đưa ra tuyên bố “phản đối – protestation”, theo đúng như thủ tục của luật quốc tế, nhằm bảo lưu chủ quyền của VN tại HS và TS, VNDCCH lại viết công hàm “công nhận – reconnaissance” nội dung tuyên bố của TQ.

 Theo tập quán quốc tế, các quan Tòa thường rất thận trọng khi kết án một quốc gia trên nguyên tắc acquiescement”, nếu chỉ đơn thuần dựa trên một vài “dấu hiệu” nào đó. Trường hợp VN, nếu so sánh với các bản án mẫu, với thái thái độ thụ động của CSVN trước việc xâm lăng của TQ ở HS năm 1974, cách hành sử của nhà nước CSVN qua việc nhìn nhận và tôn trọng vùng biển, vùng trời của TQ tại HS và TS, các việc in ấn các bản đồ, cùng với các các tuyên bố của các viên chức nhà nước… tất cả tạo nên thành tố “acquiescement – nhìn nhận” chủ quyền của TQ tại HS và TS.

TS Nguyễn Hồng Thao dẫn vụ án xử Tân Tây Lan và Úc cùng kiện Pháp năm 1974 lên CIJ về việc Pháp “Thử bom nguyên tử trong khí quyển” :

 “If States make statements by which their freedom of action is to be limited, a restrictive interpretation is called for”.

Tạm dịch: Nếu một quốc gia có tuyên bố mà (nội dung của tuyên bố) có thể hạn chế hành động của quốc gia này trong tương lai, việc giải thích cần hạn chế.

Hàm ý cho rằng việc diễn giải công hàm 1958 cũng cần sự hạn chế.

Trường hợp vụ án, các viên chức có thẩm quyền của Pháp đã ra các tuyên bố, theo đó nước Pháp sẽ không thử bom nguyên tử trong khí quyển nữa. Tân Tây Lan và Úc vịn vào các tuyên bố này kiện lên CIJ, yêu cầu Pháp không được thử (khi thấy Pháp lăm le muốn thử nữa).

Ta thấy rõ ràng tuyên bố của các viên chức Pháp có hệ quả hạn chế tự do của nước Pháp trong tương lai. Nhưng kết quả phân xử cho thấy, phía Tân Tây Lan và Úc thắng kiện. Pháp không được quyền thử bom nguyên tử trong bầu khí quyển (nhưng sau đó thì thử dưới lòng đất!).

Tuyên bố của ông Đồng hạn chế hành động nào của VN trong tương lai ? Không có điều nào cả !

Vấn đề tranh chấp chủ quyền HS giữa VN và TQ bắt đầu từ năm 1909. Còn tranh chấp TS thì sau Thế chiến II. Nhà cầm quyền VNDCCH không thể vịn lý do “không biết” để mà tuyên bố “công nhận” đòi hỏi của TQ.

TS NHT ghi lại nội dung của điều 7[xi] của bản Nguyên tắc Hướng dẫn về Tuyên bố Đơn phương của Quốc gia được  Ủy ban Công pháp Quốc tế thuộc LHQ. Người viết đã từng tham khảo và tạm dịch (từ tiếng Pháp) như sau:

Một tuyên bố đơn phương chỉ có khả năng ràng buộc quốc gia (đã phát biểu) khi nội dung (của bản tuyên bố) có một mục đích rõ ràng và cụ thể. Trong trường hợp có nghi ngờ về mức độ cam kết của tuyên bố, thì văn bản phải được giải thích một cách hạn chế.

Trở lại vụ án “Thử bom nguyên tử” 1974 giữa Tân Tây Lan và Pháp trước CIJ, Tòa cũng nhấn mạnh:

Một tuyên bố đơn phương chỉ có thể tạo nghĩa vụ pháp lý đối với quốc gia tuyên bố khi mà nó có mục tiêu rõ rệt và cụ thể[xii].

Các tuyên bố của các lãnh đạo Pháp đã có mục tiêu rõ rệt và cụ thể. Vì vậy nó tạo nghĩa vụ pháp lý, buộc nước Pháp phải giữ lời.

Tương tự, tuyên bố của Phạm Văn đồng cũng rất rõ rệt và cụ thể: nhìn nhận và tán thành tuyên bố về lãnh thổ cũng như việc mở rộng 12 hải lý lãnh hải của TQ. Vì vậy nó sẽ tạo nghĩa vụ pháp lý, buộc VN phải giữ lời. Có nghĩa là VN phải tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của TQ ở mọi nơi có liệt kê trong bản tuyên bố của TQ. Tức kể cả ở HS và TS.

TS NHT cũng dẫn vụ án giữa Mã Lai và Singapour về chủ quyền các đảo Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge, CIJ[xiii], ngày 23-5-2008 nhằm biện hộ cho công hàm 1958:

The declaration by PM Pham Van Dong did not have a constitutive character for giving up territory. In the case concerning sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks, and South Ledge (Malaysia/Singapore) regarding the Singapore argument that the Johor Authority recognized Singapore sovereignty over those islands, the Court took a position not to consider the Johor reply as having a constitutive character in the sense that it had a conclusive legal effect on Johor. The text of PM Pham Van Dong does not have any constitutive character regarding South Vietnamese territory. Consequently, it had no conclusive legal effect on the fate of the Paracels and Spratlys.

Tạm dịch: Tuyên bố của Phạm Văn Đồng không có giá trị thiết định cho việc từ bỏ lãnh thổ. Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền  tại các đảo Pedra Branca / Pulau Batu Puteh, Middle Rocks et South Ledge (Malaisie / Singapour), liên quan đến lý lẽ của phía Singapour, (nước này) cho rằng lãnh đạo của Johor đã nhìn nhận chủ quyền của Singapour tại các đảo. Lập trường của Tòa thì không xem lá thư của Johor có giá trị thiết định trong chiều hướng (lá thư này) có hiệu quả pháp lý đối với Johor. Văn thư của ông Đồng không có giá trị thiết định đối với những vấn đề lãnh thổ của miền Nam. Do đó, không có một hiệu quả pháp lý nào trên vấn đề HS và TS.

Phạm Văn Đồng và một phần Công hàm 1958. Nguồn: ONtheNet
Phạm Văn Đồng và một phần Công hàm 1958. Nguồn: ONtheNet

TS NHT, cũng như nhiều học giả VN khác, thường dẫn thí dụ về quan điểm của Tòa đối với lá thư của Bộ trưởng Ngoại giao Johor trong vụ án dẫn trên. Nhưng việc trích dẫn này không phù hợp, nếu không nói là thiếu thành thật.

Trong vụ án CIJ xử vụ tranh chấp giữa Mã Lai và Singapour về chủ quyền các đảo PedraBranca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge, việc giải thích hiệu lực công hàm 1953 của Johor chiếm một thời lượng lớn, từ đoạn 192 đến đoạn 230 trong biên bản ghi chép phiên xử.

Đoạn trích dẫn của TS NHT về hiệu quả lá thư của Johor là đoạn 227, nguyên văn như sau:

227. Pour ce qui est du premier argument, la Cour ne considère pas la réponse du Johor comme revêtant un caractère constitutif au sens où elle aurait eu pour celui-ci un effet juridique décisif. Il s’agit plutôt d’une réponse à une demande de renseignements. Ainsi qu’il apparaîtra plus loin, cet argument est, compte tenu des circonstances, étroitement lié au troisième.

Tạm dịch: về lý lẽ thứ nhất, Tòa không cho rằng lá thư trả lời của Johor bao gồm một giá trị thiết định trong chiều hướng nó đem lại cho lý lẽ này một hiệu quả pháp lý quyết định. Đúng ra đây là câu trả lời cho một câu hỏi tham khảo. Cũng như nó sẽ trở lại ở phần sau, lý lẽ này, với hoàn cảnh như vậy, có liên hệ chặt chẽ với (lý lẽ) thứ ba.

TS NHT đã trích dẫn không đầy đủ, sau đó diễn giải ý nghĩa xa rời bối cảnh.

Ở đây Tòa không hề cho rằng lá thư của nhà nước Johor không có hiệu lực pháp lý, mà chỉ cho rằng nó không có một hiệu quả pháp lý quyết định cho lý lẽ thứ nhất. Vấn đề là lý lẽ thứ nhất đó là gì ?

 Tòa cũng cho rằng lý lẽ này quan hệ chặt chẽ với (cái) thứ ba. (Cái) thứ ba đó là cái gì ?

Muốn biết lý lẽ thứ nhất và “cái” thứ ba là gì, ta phải xem đoạn 226 :

226. Pour conclure son examen de la correspondance de 1953, la Cour relèvera trois aspects connexes de l’argumentation développée par les conseils de Singapour à partir de celle-ci. Premièrement, Singapour a présenté la réponse du Johor comme une «déclaration de non-revendication expresse» ou «officielle» du titre sur Pedra Branca/Pulau Batu Puteh; deuxièmement, elle a invoqué la notion d’estoppel ; troisièmement, elle a fait valoir que la réponse du Johor équivalait à un engagement unilatéral obligatoire.

Tạm dịch: Để kết luận việc khảo sát của Tòa về lá thư 1953, Tòa đưa ra ba phương diện liên hệ đến lý lẽ được khai triển bởi các Ủy viên Singapour ở lá thư này. Thứ nhất, Singapour đã trình bày thư trả lời của Johor như là một “tuyên bố minh thị từ bỏ chủ quyền”, hay “chính thức”, về danh nghĩa ở đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh ; thứ hai, viện dẫn khái niệm Estoppel; thứ ba, lập luận rằng thư trả lời của Johor tương đương với một cam kết đơn phương bắt buộc.

 Như vậy, đoạn trích dẫn của TS NHT chỉ liên quan đến khía cạnh thứ nhất : Singapour đã trình bày thư trả lời của Johor như là một “tuyên bố minh thị từ bỏ chủ quyền”, hay “chính thức”, về danh nghĩa ở đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. Tức là, theo Tòa, lá thư không có giá trị thiết định để việc “tuyên bố minh thị từ bỏ chủ quyền” có hiệu quả pháp lý quyết định.

 Điều này không có nghĩa, lá thư không có giá trị pháp lý nào khác. Tòa còn có ý kiến riêng của tòa, có điều các học giả VN “quên” không nhắc mà thôi.

 Tòa cho rằng lá thư này là một câu trả lời của Johor cho câu hỏi của Singapour. Câu hỏi của Singapour đại khái là: Đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh có thuộc chủ quyền của Johor không ?

 Bộ trưởng Ngoại giao lâm thời Johor trả lời: Đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh không thuộc sở hữu của Johor.

 Đoạn 275, ý kiến của Tòa về lá thư:

Il s’agit de la déclaration, faite dans des termes clairs en 1953 par le secrétaire d’Etat par intérim de l’Etat du Johor, selon laquelle le Johor ne revendiquait pas la propriété de Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. Cette déclaration revêt une importance capitale”.

Tạm dịch: Về tuyên bố 1953 của Ngoại trưởng lâm thời Johor, thể hiện bằng những lời lẽ cụ thể, theo đó Johor không tranh dành chủ quyền đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. Tuyên bố này mang một tầm quan trọng quyết định.

 Cuối cùng Tòa phán đảo Pedra Branca/Pulau Batu thuộc về Singapour, mặc dầu hồ sơ phía Mã Lai đã lập rất công phu, bao gồm nhiều văn kiện lịch sử quan trọng, chứng minh được rằng Mã Lai có chủ quyền lịch sử tại đảo tranh chấp.

Mã Lai bị mất chủ quyền lịch sử ở đảo này vì nhiều lý do, ngoài lý do “effectivité”, Singapour đã hành sử các quyền chủ quyền một cách hòa bình và liên tục tại đảo này, còn có lá thư của Johor là một yếu tố quyết định “importance capitale”. 

Trở lại tuyên bố 1958 của ông Đồng, thật vậy, nội dung lá thư không hề nói đến chủ quyền HS và TS. Nhưng lá thư này có thể diễn giải tương tự như trường hợp lá thư của Johor, đó là “ý kiến” của VNDCCH về một quyết định của TQ.

Ngoài ra Công hàm 1958 có tính cách pháp lý ràng buộc của một tuyên bố “công nhận[xiv]”, trong khi lá thư Johor chỉ là một “câu trả lời cho một câu hỏi tham khảo – une réponse à une demande de renseignements.”

(Còn tiếp phần II)

 


Nguồn: Vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Nhan Tuan Truong. Blog Những vấn đề Việt Nam. July, 14, 2013. DCVOnline minh họa.

[i] Ngoài TS Nguyễn Hồng Thao và hầu hết cảc nhà nghiên cứu trong nước, còn có các ông Thái Văn Cầu, Tạ Văn Tài cùng một số nhân vật khác ở nước ngoài.

[ii] Monique Chemillier-Gendreau – La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys – NXB Harmattan 1996, page 123.

[iii] Nguyễn Hồng Thao, bài đã dẫn link.

[iv] Monique Chemillier-Gendreau, sdd, tr 123.

[v] Nguyen Quoc Dinh, Patrick Daillier, Mathias Forteau, Alain Pellet – Doit International Public, L.G.D.J, 8e Edition, đoạn 242, tr 405

[vi] Doit International Public , sdd, đoạn 242, tr 405.

[vii] Doit International Public , sdd, đoạn 237, tr 396.

[viii] Doit International Public , sdd, đoạn 237, tr 396-397.

[ix] Jean Barale, L’ acquiescement dans la jurisprudence internationale, In: Annuaire français de droit international, volume 11, 1965. pp. 389-427.http://www.persee.fr/web/revues/home/prescript/article/afdi_0066-3085_1965_num_11_1_1827

[x] Texte adopté par la Commission du droit international à sa cinquante-huitième session, en 2006, et soumis à l’Assemblée générale dans le cadre de son rapport sur les travaux de ladite session (A/61/10). Le rapport, qui contient également des commentaires sur le projet d’articles, sera reproduit dans l’Annuaire de la Commission du droit international, 2006, vol. II(2).

[xi] Texte adopté par la Commission du droit international… tài liệu đã dẫn.

[xii] Essais nucléaires (Australie c. France; Nouvelle-Zélande c. France), C.I.J. Recueil 1974, p. 267, par. 43, p. 269, par. 51 et p. 472, par. 46, p. 474, par. 53

[xiii] Souveraineté sur Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks et South Ledge (Malaisie/Singapour), arrêt, C.I.J. Recueil 2008, p. 12. ISSN 0074-4441 ; ISBN 978-92-1-071046-6

[xiv] Doit International Public , sdd, ghi chú 5. Đoạn 239, tr 400.

2 Comments on “Vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa (I)

  1. Tác giả viết như sau :
    “2/ Sau 1976, VN thống nhất đất nước, dĩ nhiên nhà nước CSVN có thẩm quyền trên toàn lãnh thổ đất nước. Câu hỏi đặt ra: VN có bị ràng buộc bởi công hàm 1958 hay không ? ”

    Tô Mã Ý nói như sau:
    Tác giả cho rang đất nước đã” thống nhất ” ;vậy, vì lẽ gì, sau 1975, Thủ
    tuớng Đồng lặp đi lặp lại nguyên ý này ” Việt Nam đã thông nhất về mặt nhà nước,” tức như là thống nhất về phạm vi quản lý, mà chưa về pháp lý.

    Vả lại, theo cam kết các bên, theo quy định của Hiệp đinhParis 1973, thì sau khi Miền Nam dả có chánh phủ thống nhứt trong hòa giải, thì hai miến Nam Bắc sẽ bàn tới vấn đề thống nhứt VN.

    Vấy, sự thông nhất mới diễnra giữa Bắc Viêt và MTPMN,vậy đâu là ViệtNam CộngHòa? Nếu cho là VNCH đã” đấu hàng,” thì sự thốngnhất càng có nghĩa
    là man trá,vô pháp lý; và nếu xét ra, la vô giá trị. Bất cứ khi nào, HĐ Ba Lê 1973, do đó, rât có thể được xem xet lại. Khi đó, sẽ cótrả lời cho HoàngSa.

    • Xin thưa: Có một sự vô cùng phi lý: toàn thể quốc tế giữ im lặng
      trước hành động xâm lăng, ăn gian nói dối của CS Bắc Việt.
      Đó, ,chính sẽ là câu hỏi và câu trả lời, khi chung kết vấn đề VN.