Tản mạn chuyện chữ Hán-Việt

Ngũ Phương

hanviet1DCVOnline: Xin giới thiệu lại với bạn đọc một bài viết đã đăng tháng 3, 2012, trong mục “Văn hóa Nghệ thuật”; bài viết của tác giả Ngũ Phương có 145 ý kiến của bạn đọc và là một trong những bài đã có nhiều lượt đọc nhất trong tháng; những bài khác được đọc nhiều trong tháng 3, 2012 là “Phạm Duy là ai?” (Trần Thị Bông Giấy), “Nhân quyền cho Việt Nam” (YouTube SBTN), đều có trên 3.000 lượt đọc.

Tôi có hai người bạn, một không thích dùng chữ Hán-Việt, một lại rất thích thú và giỏi chữ Hán-Việt. Tôi gọi người không thích là “Anti-HV”, còn người kia là “Pro-HV”.

Anti-HV không thích chữ Hán-Việt tới mức hễ cứ đụng tới chữ Hán-Việt là anh ta lại loay hoay dịch nó ra chữ thuần Việt cho bằng được. Như có một lần tôi dùng chữ “thậm chí” trong câu “Công an lấy đất của dân, thậm chí người có công với cách mạng…” Thế là Anti-HV gạch đánh xoẹt chữ thậm chí, bảo tại sao không viết cho dễ hiểu hơn như: “Công an lấy đất của dân, ngay cả người có công với cách mạng”.

Tôi trả lời rằng “ngay cả” không sai nhưng nghe không mạnh bằng “thậm chí”. Chữ “thậm” dấu nặng nên nghe như cái búa của ông quan tòa giáng xuống một cái đùng, nghe đanh thép hơn chứ. Anti-HV nhất định không chịu thua, bảo mình có tiếng mình thì dùng, mắc gì dùng chữ người. Tôi cười xòa, không cãi nữa nhưng tự nhủ cái bệnh dị ứng chữ Hán-Việt của gã này đã đến độ… “thậm (cấp) chí nguy”.

Mà cái sự ở đời nó lạ lắm, khi mình ghét cái gì thì mình sẽ lại chú ý tới cái đó hơn, hơn cả những cái mình ưa thích nữa, nên Anti-HV từ khi treo bảng “Nói Không với chữ Hán-Việt” thì đâm ra phải tìm hiểu chữ Hán-Việt tỉ mỉ hơn để hòng cãi lại người thường dùng chữ Hán-Việt là tôi.

Giản yếu Hán Việt từ điển. Tập hạ. Lê Văn Tân- Hà Nội 1932. Nguồn ảnh: http://sachxua.net
Giản yếu Hán Việt từ điển. Tập hạ. Lê Văn Tân- Hà Nội 1932. Nguồn ảnh: http://sachxua.net

Lần khác, tôi viết chữ “bao tử”, Anti-HV không chịu, bảo phải gọi là “dạ dày” vì chữ “bao tử” có chữ “bao” nghĩa là “bọc” và chử “tử” nghĩa là “con”, vậy “bao tử” nghĩa là “bọc lấy con”. Anti-HV còn bảo rằng chữ “bao tử” vẫn được dùng để chỉ động vật còn là thai trong bụng mẹ như “heo bao tử” hoặc trái cây còn rất non như “mướp bao tử”. Kết luận, “bao tử” đúng ra phải là “dạ con”. Tôi bèn vào tự điển tìm, chỉ thấy chữ “vị” là chữ Hán-Việt chỉ dạ dày, như trong câu “ăn cháo nấm hương để bổ tỳ vị” (lá lách, dạ dày) mà thôi, không thấy chữ “bao tử”.

Tôi đuối lý nhưng cố vớt vát, cãi rằng người mình quen dùng chữ “bao tử” rồi, dù có sai cũng rất khó sửa lại, như chữ “cải lương” trước kia vẫn được dùng với nghĩa tốt là “thay đổi [cải] cho tốt hơn [lương]”, thế nên mới có bộ môn nghệ thuật hát Cải Lương, nhưng bây giờ thì ai cũng dùng chữ “cải lương” với ý chê bai là “(ăn mặc) lòe loẹt sặc sỡ (như đào kép hát Cải Lương)”. Bây giờ có ai dám dùng chữ “cải lương” theo nghĩa ban đầu nữa hay không? Cũng thế, “dạ dày” là “bao tử”, còn “dạ con” là “tử cung”, xài lẫn lộn thiên hạ lại bảo rằng mình hâm.

Gần đây nhất, tôi dùng chữ “vô song” trong câu “sức mạnh vô song”, thế là người yêng hùng chống (giặc) Hán hùng dũng diệt ngay chữ “vô song” tội nghiệp của tôi để thành “sức mạnh không hai”. Tôi đọc lại, cười muốn té ghế. Vừa phải thôi, “vô song” mà đổi thành “không hai” thì nghe có khác gì “máy bay trực thăng” thành “máy bay lên thẳng”. Nhưng Anti-HV cứ cãi, cho rằng “vô” là không, “song” là hai (như “song sinh” là hai đứa bé cùng sinh ra), vậy “vô song” là “không hai” chứ gì nữa.

Tôi thuộc loại chữ Việt chưa đầy lá mít, chữ Hán-Việt chưa đủ lá me nhưng nhất định không chấp nhận cái “zero two” này, bởi lẽ, “vô song” đi kèm với chữ “sức mạnh” chỉ có nghĩa bóng là “mạnh ghê lắm” chứ không theo nghĩa đen là “không ai sánh bằng”. Ngoài ra người ta thường nói “Có một–Không hai” để dịch câu “Độc nhất–Vô nhị”, nếu như dùng chữ “không hai” cụt ngủn thì thế nào người đọc cũng bảo người viết dốt thành ngữ.

Kể ra lỳ lợm như Anti-HV cũng là “có một, không hai”. Thôi, một cũng đủ chết cha người ta. May sao anh bạn kia, Pro-HV, là kẻ “cùng phe”. Pro-HV vốn là dân Đại học Văn khoa Sài Gòn trước 1975 với cử nhân Việt Hán hẳn hoi. Chính vì rành chữ Hán hơn người bình thường nên Pro-HV cứ phom phom viết những chữ Hán-Việt lạ hoắc như “thống hợp”, “ố kỵ”, “xung tranh”,… rồi tưởng ai đọc cũng hiểu như mình..

Ba kích thiên (t) Rễ cây ngao, vây nhàu rừng (Radix Morindae Officinalis); Thông thảo (p) nhánh cây thuộc họ cam tùng(Medulla Tetrapanacis) Nguồn ảnh: Flickr
Ba kích thiên (t) Rễ cây ngao, vây nhàu rừng (Radix Morindae Officinalis); Thông thảo (p) nhánh cây thuộc họ cam tùng(Medulla Tetrapanacis)
Nguồn ảnh: Flickr

Nói của đáng tội, có được người bạn biết chữ Tàu là may cho tôi, ví như có cuốn tự điển Hán Nôm biết nói, lại biết tra cứu giùm mình, thật tiện lợi trăm bề. Chả hạn những cái tên Trung Hoa, Pro-HV có thể phiên âm chớp nhoáng. Gì chứ tôi không thể nghe vô mấy chữ phiên âm tiếng Tàu (pinyin)(1). Nghĩ mà xem, khi trong bài viết có một đống tên Tàu mà nếu cứ để y sì chữ pinyin thì đọc lên sẽ ra thế nào? Thay vì Lưu Hiểu Ba thì là Liu Xiaobo, Mao Trạch Đông thì là Mao Tse-tung (Mao Zedong; Mao Tse-tung là hệ thống Wade-Giles cũ – DCVOnline) , còn Lý Bạch sẽ ra Li Po (hay Li Bai – DCVOnline), v.v. Vậy là thay vào những âm thanh mềm mại dễ thương của tiếng Hán Việt sẽ là một mớ tiếng động loảng xoảng chát chúa “tchùng, tchéng, tchỏng”, “xằng, xáo, xẻng”, “pạch, pỉn, páo”… Ôi thôi, nghe điếc cái lỗ tai!

Nhờ có Pro-HV, tôi còn hiểu thêm nhiều điều thú vị về chữ Hán-Việt mà chỉ có dân “pro” mới biết. Như vừa rồi trong bài “Hiểu Sai Nên Dịch Sai” tôi có nhắc tới ba chữ Hán-Việt “vô”, “phi” và “bất” đều mang nghĩa Việt là “không” (như “không có, không còn”). Sau khi đọc bài viết của tôi, Pro-HV bảo:

– Còn điều này cũng nên biết thêm. Theo văn phạm tiếng Tàu, đi sau chữ “vô” và chữ “phi” phải là danh từ, như trong “vô lý, vô danh, vô đạo đức” và trong “phi nhân, phi pháp, phi chính phủ”, nhưng sau chữ “bất” lại phải là động từ, như trong “bất bạo động, bất tòng tâm, bất biến, bất thành nhân dạng”, v.v.

– Thật không, tôi vẫn thấy chữ “bất” đi chung với danh từ nhiều lắm, như câu “vô độc bất trượng phu”?

– Câu “Không độc địa không là đàn ông” tôi nghĩ động tự “là” (“thị” trong chữ Hán-Việt) có thể đã được bỏ ra ngoài, được hiểu ngầm, giống như ta vẫn bỏ qua những chữ “thì, là, mà, rằng” để câu văn bớt nặng nề.

– Vậy “bất lực” thì sao? “Bất lực” nghĩa là “không đủ sức”, như “Nhà cầm quyền bất lực trước nạn tham nhũng”. Chữ “lực” là danh từ kia mà.

– Trong tiếng Tàu làm gì có chữ “bất lực”, chỉ có chữ “vô năng” thôi. “Năng” là danh từ nên đi kèm với “vô”.

– “Vô năng”? Chữ gì lạ hoắc, chưa nghe qua.

– À, thì mình là người Việt chứ có phải người Tàu đâu mà chữ nào của Tàu mình cũng xài.

Câu chuyện của hai chúng tôi dừng tại đây. Bẵng đi mấy ngày, bỗng tôi nhận được email của Pro-HV, anh cho biết:

– Tôi đi tìm lại chữ “bất lực”, tình cờ tìm ra website này, “Trung Hoa Tự Điển Từ Điển”) để tra song song với “Hán Việt Từ Điển” của cụ Đào Duy Anh. Kết quả, thấy rằng cái nguyên tắc “chữ ‘bất’ không đi trước danh từ” mình vẫn tưởng là đúng, nhưng thật ra có nhiều ngoại lệ quá: “bất nghĩa”, “bất nhã”, “bất nhân”, “bất nhất” (tiền hậu bất nhất)… Ngay cả “bất lực” 不力 cũng có trong từ điển Tàu, với nghĩa “ineffective”. Trong Trung Hoa Tự Điển cũng còn ghi luôn cả thành ngữ “lãnh đạo bất lực” 領導不力 (ineffective leadership) nữa chứ. Đồng thời cũng có cả chữ “vô năng” 無能 được dùng để dịch nghĩa “powerless”; những người không ưa ông Tổng thống Mã Anh Cửu của Đài Loan đang xài chữ này để chỉ trích ổng trên Net.

– Nhưng tôi dám cá với bác, người mình chỉ nói “đàn ông bất lực”, chả ai nói “đàn ông vô năng” đâu.

– Ấy, không, không, cái này lại khác nữa bác ơi. Bác nói chữ “bất lực” ở đây là ý gì? Là “công không ngủ” đó hả. Không được, vì cả từ điển Tàu và từ điển Hán-Việt đều không ghi “bất lực” với nghĩa “sexually impotent”, không hiểu tại sao lại thành như thế , theo tôi nghĩ đây có lẽ là một hình thức biến thể của chữ Hán-Việt – mượn nghĩa trừu tượng của chữ “bất lực” để mô tả một trạng thái cụ thể về sinh lý, rồi vì được dùng quen lâu ngày trở thành một nghĩa mới chăng? Nhưng người Tàu dùng chữ khác.

– Vậy à, chữ gì?

– “Liệt dương”, “tánh vô năng” hay “dương nuy”. Nhưng về cái vụ “này” thì phải dùng chữ của Yên Tử Cư Sỹ mới tuyệt chính xác.

– Yên Tử Cư Sỹ – Trần Đại Sỹ phải không? Ổng nói cái gì?

– “Dương bất cử – Cử bất kiên”

– Hà, để đoán thử coi: “dương bất cử” thì “cử” nghĩa là “đưa lên”, như trong “cử tạ”. Vậy “dương bất cử” nghĩa là cái “dương” nó không đưa lên được. Còn “cử bất kiên” thì chịu, không đoán được.

– “Kiên” là “giữ được lâu” như trong “kiên trì” ấy mà.

– Hahaha, thì ra là vậy, “cử bất kiên” nghĩa là “ngóc lên nổi nhưng dek giữ được lâu”.

– Chính thế. Thành ra nếu muốn nói đến chứng “bất lực” thì phải gồm đủ cả hai trạng thái nguy nan là “không lên và không lâu”, tức là anh nhỏ không chịu ngỏng lên cho, mà dù ảnh có ngỏng lên thì cũng không chịu bền cho.

– Ầy, cái vụ “bất cử-bất kiên” này đúng là “bất trị” đấy!

– Đừng có “bất mãn” chứ. Báo tin vui, có bài thuốc hay, uống vào sẽ “bất tri lao”.

– Vậy sao? Tiên dược nào đây?

– Thì cứ hỏi tiên sinh Trần Đại Sỹ khắc rõ.

Bạn đọc muốn biết thêm về “Dương bất cử – Cử bất kiên”, xin mời đọc “Điều Trị Chứng Bất Lực Sinh Lý” của bác sĩ Trần Đại Sỹ – ở đây.

Công bằng mà nói hai anh bạn của tôi đều giúp tôi rất nhiều, một người giúp tôi hiểu thêm cái hay của chữ Hán-Việt, còn một người giúp tôi tìm ra cái hay của chữ thuần Việt, đàng nào cũng cần nếu muốn viết đúng tiếng Việt.

Tôi vào Net tìm đọc những bài viết về chữ Hán-Việt và tóm tắt một số ý kiến như sau:

Nên dùng chữ Hán-Việt trong các trường hợp dưới đây:

1 – Để tỏ lòng kính trọng, như trong các danh xưng ta gọi “người quá cố” thay cho “người đã chết”, “nhạc phụ (mẫu)” thay cho “cha (mẹ) vợ” khi ta nói trước đám đông.

2 – Để tránh những hình ảnh sống sượng hay ghê tởm: giao hoan (làm tình), xuất huyết (chảy máu), hoại thư (thối thịt), đại tiện (đi ỉa), v.v.

3 – Làm ngắn gọn một câu dài: vô song (không ai sánh được), khả thi (có thể làm được), tòng phạm (kẻ hùa theo cùng làm ác), tư cách (cách cư xử của một người),…

4 – Dùng cho trong chuyên môn để không lẫn lộn với đời thường, như trong ngành xây dựng gọi “trắc địa” thay vì “đo đất”; trong vật lý “quán tính” chỉ “sức ỳ” của vật, “mã lực” là đơn vị đo lực chứ không là “sức ngựa”; trong báo chí “tốc ký” là một phương pháp “viết nhanh”; trong ngoại giao, hai quốc gia “đối thoại” với nhau chứ không “nói chuyện”, trong tôn giáo “tịnh xá” của tu sĩ không thể gọi là “nhà yên (lặng)”, v.v…

5 – Cách xưng hô của những nhân vật thời cổ. Dù ta không biết những người thời xưa gọi nhau như thế nào, nhưng để tạo không khí cổ kính cho câu chuyện, ta cần dùng những danh xưng Hán-Việt như: huynh đài, các hạ, tiểu thư, hàn sĩ, phu nhân, v.v.

Một nhận xét cũng đáng để ý là chữ Hán-Việt thường ít cụ thể hơn chữ Nôm, nhưng chính nhờ tính ít cụ thể đó mà chữ Hán-Việt mang cho ta một cảm giác lãng đãng, mênh mang; ví dụ những chữ “thuyền viễn xứ”, “khách tha phương”, người “đồng hương”, lời “ly biệt”, cho ta cái cảm giác bàng bạc dạt dào mà sẽ không thể có được nếu dùng chữ thuần Việt tương đương là “thuyền xa bến”, “khách xa nhà”, người “cùng quê”, lời “chia tay”.

Tức nhiên tiếng Việt (và tiếng Hán-Việt) không đơn giản như thế, nhưng ít ra, từ nay tôi có một cái khung khá rõ ràng để phân biệt. Mỗi lần tôi tính dùng một chữ Hán-Việt tôi sẽ xét xem nó có rơi vào một trong sáu trường hợp kể trên hay không, nếu không thì tôi sẽ cố tìm ra chữ thuần Việt tương đương. Như bây giờ, khi muốn viết chữ “thậm chí” tôi sẽ dừng lại, tìm chữ Nôm thay thế, như câu “Thậm chí bạn bè thân cũng ghét” nếu viết “Đến nỗi cả bạn bè thân cũng ghét” sẽ nghe dễ hiểu hơn chứ.

Điều cần tránh nhất là dùng chữ Hán-Việt bừa bãi như nhiều quan chức trong nước. Vừa rồi, khi nói về việc đường sắt Việt Nam lúc gần đây có nhiều tai nạn hơn, câu trả lời của ông Nguyễn Hoàng Hiệp (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia) được phóng viên đài Á Châu Tự Do ghi lại như sau:

“Theo nhận định của ông Hiệp thì đây là một điều bất thường và ông cho rằng tính chất của các vụ tai nạn giao thông đường sắt chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông.”

Tại sao phải dùng đám chữ cồng kềnh người “tham gia giao thông” trong khi từ trước tới nay ta vẫn gọi đó là “người đi đường”. Hẳn ông Phó Hiệp muốn chứng tỏ mình là người lịch sự nên phải dùng chữ Hán- Việt cho nó sang, cho ra vẻ quan cách. Cứ cái đà này thì tới khi cần nói “thiến heo” chắc ông Phó nhà ta sẽ trịnh trọng bảo rằng đấy là “tham gia giải phẫu heo”!

Cái này không được gọi là chữ Hán-Việt. Cái này phải gọi là chữ “Hán-Vẹm”.

© DCVOnline


– “Hiểu sai nên dịch sai”.Ngũ Phương, DCVOnline, 24-05-2011.

Vì sao tai nạn đường sắt gia tăng?, Hòa Ái, RFA, 02/16/2012

DCVOnline: (1) Pinyin – bính âm: Phương án phát âm tiếng Hán; Hán Việt: Hán ngữ bính âm phương án; bính âm là cách thức sử dụng chữ cái Latinh để thể hiện cách phát âm các chữ Hán trong tiếng phổ thông Trung Quốc. Bính âm được phê chuẩn năm 1958 và được thi hành năm 1979 tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nó đã thay thế các hệ thống Latinh hóa cũ hơn như Wade-Giles (1859, sửa đổi năm 1912) và Hệ thống phiên âm Bưu điện, và thay thế hệ thống Chú âm trong việc dạy cách đọc chữ Hán tại Trung Hoa lục địa. (Wikipedia.org)