Tự Lực Văn Đoàn và những điều chưa nói (I)

Phạm Thảo Nguyên

phnnBáo Phong Hoá và Ngày Nay được dân chúng hoan nghênh, tinh thần yêu tiếng Việt, yêu dân tộc được xây đắp, ẩn tàng lòng yêu giống nòi, yêu đất nước. 

Câu chuyện Tự Lực Văn Đoàn, và những điều chưa nói

Mục đích bài biên khảo này là tìm hiểu việc xây dựng báo Phong Hoá Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn trong suốt thập niên 1930, đưa đến việc hiện đại hoá nghề báo và thúc đấy nguyên một cuộc cách mạng văn chương, văn hoá Việt Nam. Đồng thời khám phá sự thực về đời sống của thành viên Tự Lực Văn Đoàn, cái phần lâu nay vẫn bị hiểu lầm.

Cuối thập niên 1920, Nguyễn Tường Tam đi Pháp du học ba năm, đỗ cử nhân giáo khoa Vật Lý, đồng thời tìm học thêm nghề báo, xuất bản, in ấn, và tham khảo văn chương các nước. Đối với ông văn bằng cử nhân chỉ dùng để dạy học kiếm sống khi cần, và là cái cớ để xin chính phủ thuộc địa cho đi du học, phần học thêm mới thật quan trọng. Ông hiểu sâu sắc rằng chỉ có báo chí và văn học mới giúp dân trí chóng tiến hoá, nên trước đó đã bỏ nửa chừng việc học Y khoa và Mỹ thuật. Chẳng khác người anh cả của làng báo Việt Nam Nguyễn văn Vĩnh, từ đầu thập niên 1920 đã mang hết cuộc đời đi mở mang báo chí và dịch tài liệu từ nhiều thứ tiếng sang tiếng Việt, để giúp dân nâng cao kiến thức, hiểu biết thế giới bên ngoài. Ông Vĩnh từng nói: “Nước Nam ta sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”.

Về nước, ông Tam đi dậy trường tư thục Thăng Long của Phạm Hữu Ninh, chờ thời. Sau khi xin ra báo không xong, gập lúc báo Phong Hóa của ông Ninh sắp đình bản vì ế ẩm, không người đọc. Ông Tam xin mua tờ Phong Hoá, nghĩa là mua cái tên báo, cái giấy phép ra báo, rồi thay đổi toàn bộ ban biên tập: Nhất Linh Nguyễn Tường Tam làm chủ bút, với hai người bạn: Khái Hưng Trần Khánh Giư, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, cùng hai em: Tứ Ly Nguyễn Tường Long và Việt Sinh Nguyễn Tường Lân.

Ngày 22/09/1932 báo Phong Hóa số 14 của nhóm Nguyễn Tường Tam ra đời, là tờ báo trào phúng đầu tiên của Việt Nam. Mục đích là:

Bàn một cách vui về các vấn đề cần thiết:
Xã hội, chính trị, kinh tế- nói rõ về hiện tình trong nước…

Nhờ tính thời sự và giọng trào lộng châm biếm với tư tưởng phóng khoáng về văn học, nghệ thuật, tờ báo lập tức nổi tiếng.

Đó chính là khởi đầu tinh thần dân chủ mở rộng và bình đẳng trong tư tưởng, văn chương, báo chí của cuộc cách mạng chữ nghĩa Việt Nam thế kỷ 20, mà chúng ta còn được hưởng tới ngày nay.

Nhất Linh hiểu rõ là dân chúng chán ngấy văn chương, báo chí cổ, chỉ đều đều một giọng mô phạm dậy đời, họ chờ đợi một tờ báo có tinh thần mới, phù hợp với nhu cầu muốn biết, muốn hiểu, muốn tiến về đời sống đang thay đổi mạnh mẽ. Cho nên Phong Hoá làm một cuộc lột xác báo chí: báo ngày càng gần gụi đời thường, qua những bài bình luận về thời sự, kinh tế, xã hội, chính trị mới mẻ sắc sảo, và những bài phóng sự diễu cợt rất được chờ đón.

Với dòng văn học nhẹ nhàng dễ đọc, dẫn đầu bởi Khái Hưng và Nhất Linh, Phong Hoá thay đổi sâu xa chữ nghĩa, câu văn Việt Nam với những tiểu thuyết ngắn, dài, kịch, thơ mới…. Tất cả được lồng trong hình thức mỹ thuật hay, lạ, dí dỏm, có duyên, với những truyện vui, văn vui, những bức tranh khôi hài. Một loạt nhân vật hoạt kê trào phúng được sáng tạo: Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh… Lúc đầu chỉ có Đông Sơn (Nhất Linh) và Tứ Ly vẽ minh hoạ, về sau là do những hoạ sĩ hàng đầu, tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Đông Dương phụ trách.

Với tinh thần rộng mở vui vẻ, tinh nghịch tạo không khí trẻ trung yêu đời, Phong Hoá Ngày Nay dần trở thành món ăn tinh thần mới, không thể thiếu của dân chúng khắp nơi. Số báo phát hành tăng vọt, vượt trên 5000, rồi trên 10 000, những con số chưa từng có trong lịch sử báo chí.

Hai nhân tố làm cho Phong Hoá Ngày Nay nổi bật lên chính là: Sức trẻ tiên phong về văn học nghệ thuật và tinh thần chiến đấu trên mặt trận văn hoá kiêm chính trị. Ta thấy ở đây cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm nhận đầy tinh thần đổi mới vì sự tồn vong và tiến bộ của dân tộc, đầy khí huyết của lớp nhà văn khao khát kéo đất nước đến với trào lưu chung của thế giới. Tóm lại, Phong Hoá Ngày Nay là cái mới, hứa hẹn điều tốt đẹp cho Việt Nam, vì vậy đã lôi cuốn hấp dẫn được trí thức và tầng lớp trung lưu đến thế.

Không lâu sau, Nguyễn Thế Lữ, một cây viết trẻ, đã có ít nhiều thành tựu về thơ văn, về hợp tác với Phong Hoá. Ngay khi thấy nhân sự đã đầy đủ, báo đã vững vàng, Nhất Linh đề nghị thành lập Tự Lực Văn Đoàn, một loại “hạt nhân”, để giúp đỡ che chở nhau cùng tiến lên, tự lập, không dựa vào ai khác “Nguyên tắc là làm ăn dựa trên sức mình, theo tinh thần anh em một nhà, tổ chức không quá mười người nên không phải xin phép nhà nước, không cần có văn bản điều lệ: lấy lòng tin nhau làm cốt, chỉ nêu ra trong nội bộ, mục đích , tôn chỉ, anh em tự giác tuân theo”. (theo Tú Mỡ (1)), (Lúc đó Pháp trợ cấp cho Nam Phong của Phạm Quỳng 600fr mỗi tháng, Trung Bắc Tân Văn 500fr mỗi tháng, trong khi một lạng vàng giá 30fr).

Bốn trong bảy thành viên Tự Lực Văn Đoàn: Xuân Diệu, Thế Lữ, Nhất Linh, Khái Hưng (thời Tự Lực Văn Đoàn) - Ảnh: Wikipedia
Bốn trong bảy thành viên Tự Lực Văn Đoàn: Xuân Diệu, Thế Lữ, Nhất Linh, Khái Hưng -Nguồn ảnh: Wikipedia

Tự Lực Văn Đoàn thành lập vào trung tuần tháng 7/1933, gồm toàn bộ nhân viên toà soạn Phong Hoá: Nhất Linh, Khái Hưng, Tứ Ly (Hoàng Đạo), Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ. Trên Phong Hoá số 56 vào ngày 22 tháng 7-1933, nhóm chữ-Tự Lực Văn Đoàn đã xuất hiện lần đầu tiên trong hai khung quảng cáo sách Hồn Bướm Mơ Tiên, và Vàng và Máu:

Tự Lực Văn Đoàn.
Tự Lực Văn Đoàn.

“Không cần có văn bản điều lệ: lấy lòng tin nhau làm cốt”, cho nên lúc đầu Văn Đoàn không công bố tôn chỉ. Nửa năm sau, mới đưa ra trên báo Phong Hoá số #87 ngày 2/3/1934. Điều này không do ý muốn của văn đoàn mà vì bị bên ngoài hỏi thăm nhiều quá. Đó là:

Tự Lực Văn Đoàn.
Tự Lực Văn Đoàn.

1- Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài, nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích để làm giầu thêm văn sản trong nước.

2- Soạn hay dịch những cuốn sách có giá trị xã hội, chủ ý làm cho Người, cho Xã hội ngày một hay hơn lên.

3- Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân, và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.

4- Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách Annam.

5- Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời. có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ

6- Ca tụng những nết hay, vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả, quý phái.

7- Trọng tự do cá nhân.

8- Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.

9- Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Annam.

10- Theo một điều trong chín điều này cũng được, miễn là đừng trái ngược với những diều khác.

Hiện nay, căn cứ trên Di Cảo “Đời Làm báo” của Nhất Linh, được gia đình ông cho công bố, chúng tôi xác định:

Thành viên Tự Lực Văn Đoàn: Ngoài sáu vị đầu tiên, không ai bàn cãi. Trên Di Cảo chỉ một mình Xuân Diệu có thêm hàng chữ “Có chân trong Tự Lực Văn Đoàn”. Vậy, thi sĩ Xuân Diệu là thành viên thứ bẩy.

Những trường hợp dư luận có nghi vấn:

* Đỗ Đức Thu: Nhất Linh đã chính thức gửi thư mời, nhưng ông từ chối, vì không muốn bị ràng buộc vào tôn chỉ của bất cứ văn đoàn nào.

* Họa sĩ Nguyễn Gia Trí cũng như các hoạ sĩ khác, đều không thuộc Văn Đoàn vì không phải là nhà văn, tuy các ông làm việc sát cánh trong toà soạn Phong Hoá Ngày Nay nhiều năm.

* Cuối thập niên 1950 tại Saigon, ba nhà văn Duy Lam, Tường Hùng và Nguyễn thị Vinh, được Nhất Linh lựa chọn dự bị cho nhập văn đoàn, nhưng việc không thành.

Các nhà văn của Tự Lực Văn Đoàn cùng nhau làm việc rất hăng hái suốt gần một thập kỷ, trong tinh thần anh em bình đẳng, không ai làm chủ, mỗi người bắt buộc làm chủ bút trong 6 tháng, khiến Tự Lực trở thành một văn đoàn kiểu mẫu chưa ai so sánh được (chỉ Tú Mỡ và Xuân Diệu không làm việc toà soạn). Nhờ con mắt tinh đời của Nhất Linh, các thành viên được mời đều là những tài năng độc đáo xuất sắc hiếm có. Và nhờ tinh thần dân chủ, đậm chất thân ái kính trọng nhau, đã tạo nên một tình thân bền chặt khiến mỗi thành viên đều hăng hái làm việc hết mình, tài năng ngày càng nẩy nở.

Sự nghiệp văn chương lừng lẫy của họ đã được nhiều nhà phê bình công nhận. Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam được ca tụng là những nhà văn hàng đầu, mở đầu cách viết văn mới, tiểu thuyết mới. Thế Lữ, Xuân Diệu là những thi sĩ sáng chói, tiên phong, xây dựng phong trào thơ mới. Trong khi lối viết trào phúng hoá chính trị; hài hước đen tố cáo thực tế khốn cùng của dân nghèo, cùng những lời thúc dục tuổi trẻ tiến lên theo mới, thay đổi xã hội của Hoàng Đạo, đã làm rung động bao trái tim thanh niên thuở đó.

Tranh châm biếm của Phong Hóa với nhân vật Lý Toét. Nguồn: OntheNet.
Tranh châm biếm của Phong Hóa với nhân vật Lý Toét. Nguồn: OntheNet.

Báo Phong Hoá và Ngày Nay được dân chúng hoan nghênh, tinh thần yêu tiếng Việt, yêu dân tộc được xây đắp, ẩn tàng lòng yêu giống nòi, yêu đất nước. Để tiến tới mục đích nâng cao dân trí, xây dựng tinh thần cho dân chúng, và mong mỏi người Việt trí thức nhìn ra tương lai của dân tộc mình, cũng như sửa soạn cho ngày đất nước thoát khỏi ách nô lệ; trong những năm về sau, nhất là từ khi Mặt trận bình dân lên nắm chính quyền ở Pháp, Phong Hoá đưa ra nhiều loạt bài như Công dân giáo dục, Trước vành móng ngựa, Thuộc địa ký ước,… cũng như viết những lá thư gửi những người Pháp có tinh thần rộng rãi, công bình, hiểu những bất công dân thuộc địa phải gánh chịu.

(Còn tiếp)


Nguồn: Câu chuyện Tự Lực Văn Đoàn, và những điều chưa nói. Phạm Thảo Nguyên. Chim Việt Cành Nam Số 52 / 15-08-2013.

(1) Tú Mỡ, Tạp chí Văn học, HN, số tháng 5,6/1988.

1 Comment on “Tự Lực Văn Đoàn và những điều chưa nói (I)

  1. Cách thức hoạt động văn nghệ, cách thức ra báo, ra nhà xuất bản, cách thức viết tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn là cách thức hoạt động văn nghệ của các nước Tây phương. Đó là thế hệ học văn hóa Tây phương xuất hiện và hoạt động đồng thời đem tư tưởng phóng khoáng, tự do cá nhân của Tây phương ra áp dụng và ảnh hưởng nhiều đến thanh niên thời đó.

    Sau 1954, Tự Lực Văn Đoàn bị xem là phản động và bị cấm vì miền Bắc theo ảnh hưởng văn hóa Nga. Lý do đảng CSVN coi Tự Lực Văn Đoàn là phản động vì Tự Lực Văn Đoàn đề cao chủ nghĩa cá nhân. Mà Cộng Sản Nga thì xem chủ nghĩa cá nhân là xấu xa, và đề cao chủ nghĩa tập thể, nghĩa là cá nhân không là gì cả mà phải suy nghĩ và nói theo tập thể.

    Ông Hồ Hữu Tường trước 75 có lúc bàn tại sao người Nga lại theo chủ nghĩa Cộng Sản. Ông cho rằng vì người nông dân Nga quen làm ăn theo lối tập thể. Đó là những nông nô, sống dưới quyền một ông chủ, họ làm việc chung với nhau, sống chung với nhau.

    Như vậy, sau văn hóa Tây Phương, Việt Nam chứng kiến thêm văn hóa Nga du nhập vào ở miền Bắc. Tại miền Nam, sự xuất hiện của người Mỹ làm cho những người trước đây ảnh hưởng của văn hóa Pháp thấy có sự khác biệt giữa văn hóa Pháp và Mỹ. Người Mỹ có tính thực dụng hơn là lối thiên về lý luận của người Pháp.

    Trên mảnh đất hình chữ S của Việt Nam, bao nhiêu nền văn hóa đã ảnh hưởng. Lúc xa xưa là văn hóa Phật Giáo từ Ấn rồi đến văn hóa Trung Hoa. Sau này là văn hóa Pháp, văn hóa Nga, văn hóa Mỹ. Một nước chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa như thế có thể trở thành một nước văn minh nếu biết dùng cái hay của mỗi nền văn hóa, cũng có thể thành nước nát bét nếu dùng cái dở của mỗi nền văn hóa.