Nghĩ về chữ hiếu (I)

Sơn Diệu Mai

Filial_Piety2Vì tìm kiếm những bóng ma phía sau lá cờ đỏ sao vàng mà tôi phải lật xới xã hội Việt nam và đụng đến Khổng Tử, ông thánh của các nhà nho ta từ ngàn năm nay. Giờ đây ông ta vẫn đang ngồi chồm chỗm trong Văn miếu, thủ đô nước Việt. Đương nhiên, một số tín đồ của ông ta tìm cách đập lại tôi. Cái chiêu thức quan trọng nhất của bọn họ là lý lẽ này:

“Đành rằng Khổng Tử bảo vệ ngai vàng của bọn vua chúa nhưng ông ta cũng dạy con cái phải hiếu đễ với bố mẹ. Đạo đức cổ truyền, lòng hiếu đễ giờ đây là ngôi lều trước cơn bão mà chúng ta phải tìm mọi cách bảo vệ…”

Chắc hẳn đám lãnh đạo Bắc kinh đã dựa trên lý do này để chuẩn bị ra luật Khổng Tử. Chính quyền nào chẳng lạm dụng sự u mê của quần chúng để củng cố quyền lợi cho mình? Cũng chắc chắn những người bảo vệ luật Khổng Tử đều tin rằng chỉ cần dựng cái thây ma Khổng Khâu lên là con cái họ sẽ quay trở lại “ngoan ngoãn như thời xưa”, chúng lại cắm đầu tuân theo những hình mẫu cổ, những điển tích được nêu lên như Kinh thánh phương Đông, thứ Tiên dược có thể làm thoả mãn lòng kiêu hãnh của kẻ làm cha làm mẹ, hứa hẹn cho họ một tuổi già được chăm sóc kỹ lưỡng và ưu biệt, một hồn ma được tưởng niệm và được tôn thờ vĩnh viễn. Ít nhất, đó là giấc mơ của họ.

Cần phải nói thêm rằng trong những năm gần đây, giống như một trào lưu, hoặc một kiểu áo quần thời thượng, vô số sách báo in lại những ngụ ngôn, cách ngôn, những giai thoại để giáo dục lớp trẻ về chữ Hiếu, tôi chỉ xin nêu lên hai mẩu chuyện làm ví dụ:

1. Tự thân nếm thuốc dâng mẹ

Thời Tiền Hán, vua Hán Văn Đế, tên Hằng, là con thứ ba của Cao Tổ. Đầu tiên, ông được phong làm thân vương đất Đại, sau lên ngôi vua. Ông tôn mẹ ruột họ Bạc lên làm Thái hậu và phụng dưỡng bà rất tận tuỵ. Bạc Thái hậu mắc bệnh ba năm, nhà vua lúc nào cũng y phục chỉnh tề, thức canh mẹ. Thuốc ông phải nếm rồi mới dâng cho mẹ uống. Tiếng đồn về đức nhân hiếu của ông lan khắp thiên hạ.

2. Vì mẹ nguyện chôn con

Quách Cự đời Hán, gia cảnh nghèo nàn. Vợ chồng ông có đứa con ba tuổi, mỗi bữa mẹ ông thường san sẻ thức ăn cho cháu. Quách Cự bèn nói với vợ: “Chúng ta nghèo nàn không thể chăm lo chu đáo cho mẹ, mà đứa con nhỏ lại ăn bớt phần của người. Chúng ta nên đem con chôn đi, con còn có thể có nữa, còn mẹ thì không bao giờ có nữa.” Người vợ không dám trái ý chồng. Họ liền đào một cái hố sâu hơn ba thước, đột nhiên trông thấy một hũ vàng. Trên hũ đề: “Trời ban cho người hiếu thảo Quách Cự, quan không được giữ, dân không được giành.”

Hai mẩu chuyện trên lấy trong sách Thái Ất tử vi Quý Tỵ 2013 do Vương Dung Cơ luận giải, trang 657 và 663 (tổng phát hành PO. Box 9585). Tôi chọn chúng vì chúng được ra lò năm nay, chúng biểu hiện rõ rệt cái goût của người biên tập, đang sống trong cộng đồng người Việt tại Mỹ. Được in bằng thứ chữ to và đậm, chúng hẳn được coi là các lời vàng ý ngọc, loại phương châm chỉ đạo nhân quần.

Vợ chồng Quách Cự (Guo Ju 郭巨) chôn con vì ưu tâm đến mẹ già (Một truyện trong Nhị thập tứ hiếu của Trung Hoa, quách cư kính biên soạn.) Nguồn: http://history.cultural-china.com/
Vợ chồng Quách Cự (Guo Ju 郭巨) đà hố chôn con vì ưu tâm đến mẹ già (Một truyện trong Nhị thập tứ hiếu của Trung Hoa, Quách Cư Kính biên soạn.) Nguồn: http://history.cultural-china.com/

Trước hết, tôi cho rằng chủ trương giáo dục chữ Hiếu là một chủ trương đúng đắn. Nhưng giáo dục ra sao, theo kiểu nào, với những chuẩn mực nào là vấn đề phải bàn. Bởi trong tất thẩy mọi xã hội, Chuẩn mực được coi là một nhu cầu cần thiết. Con người có thể tự do đến đâu? Nơi nào là biên giới giữa Tự do và suy đồi? Đâu là đường phân cách giữa tự do và tội ác? Đâu là ranh giới giữa tự do và sự vô đạo đức? Những câu hỏi này không mới mẻ mà cũng không cũ kỹ. Chúng là thứ băn khoăn muôn thuở của con người, một khi họ còn tồn tại.

Thời gian gần đây, ở nước Pháp, một số người cao giọng tuyên bố: Dám là mình!

Đại để: “Tôi ngưỡng mộ anh ấy (hoặc chị ấy), anh ấy (hoặc chị ấy) dám sống như chính con người mình”. Động từ Dám (oser) được chia tía lia trên các đầu lưỡi.

“Đích thị một người dũng cảm, anh ta dám là mình!”

Những lời lẽ vô cùng quyến rũ. Động từ Dám được xem như quả xê-ri trên miếng bánh ga-tô, tức là thứ người ta thèm muốn nhất.

Đương nhiên, ai cũng muốn sống theo ý mình. Ai cũng muốn thực hiện những giấc mơ lớn của đời mình: thành đạt trong công việc, lấy được người mình yêu, thực hiện những hoài bão, thoả mãn những mong muốn thầm kín khác…Tóm lại, no nê cả phần hồn lẫn phần xác.

Vấn đề đặt ra là, có một số người khi họ Dám là mình, họ xâm phạm đến đời sống tha nhân. Ví dụ, những kẻ mắc chứng bạo dâm, tiêu biểu là ông Sade. Rồi có những kẻ vì Dám là mình nên họ đạp lên những tiêu chuẩn mà xưa nay nhân loại vẫn gọi là đạo đức. Có bà mẹ “dám là mình” nên cướp bồ của con gái, với lời lẽ: “đây chỉ là chuyện dục tình chứ không liên quan đến trái tim”. Lại có những người đàn bà “dám là mình” nên đương ngủ với ông bố thì quyến rũ cậu con rồi nhẩy sang giường của cậu ta, đó là bà Carla Bruni vợ ông Sarkozi. Lại có ông bố “dám là mình” đến mức trở thành con quỷ mà khắp hoàn cầu biết tiếng. Đó là trường hợp Joseph Fritzl, một nông dân nước Áo, hiếp Elizabeth, con gái đẻ của y khi cô ta 11 tuổi, sau đó xây một cái hầm kiểu hầm chống bom nguyên tử rồi giam Elizabeth vào đó. Trong 24 năm ông ta đã quan hệ với con gái như với một cô vợ lẽ và cho ra đời 7 đứa con loạn luân, trong số đó một đứa chết từ khi mới lọt lòng. Trong 24 năm, cô Elizabeth và lũ con sống dưới hầm sâu, với nỗi sợ hãi thường trực là bị chôn sống một khi ông bố chết đột ngột hoặc bỏ đi nơi khác. Nhà nước Áo, hẳn không kiêu hãnh gì khi phải xử vụ án này nên xử kín. Còn dân làng nơi Joeph Frizl sống, lảng tránh tất cả mọi câu hỏi liên quan tới y. Về phần những đứa con, có đứa Dám là mình đến mức đặt bom dưới gầm giường để giết bố mẹ. Có đứa bỏ thuốc độc phản ứng chậm vào thức ăn để bố mẹ chết sớm nhằm chiếm tài sản. Có đứa tổ chức tai nạn để giết chết bố mẹ nhằm được sớm thừa kế, v.v.

Với những hiện tượng vừa kể trên rất nhiều người kinh hoảng la lên rằng thế giới đã hoàn toàn suy đồi, kiểu như ngày tận thế sẽ đến vào năm 2012. Nhưng cứ bình tĩnh đọc lại lịch sử thì mọi hiện tượng bại hoại vừa kể trên đã có từ mấy ngàn năm trước rồi. Đặc biệt là trong các triều đình, phương Tây cũng như phương Đông, nơi con người sống trong xa hoa, dâm dật. Lớp vỏ của nền văn minh không đủ dầy để che chắn cho con người trước các xung năng. Nhân loại đã qua bao nhiêu vạn năm sống đời sống nguyên thuỷ, ăn thịt lẫn nhau, những con khỉ đầu đàn ngủ với con cháu của nó, rồi khi tranh mồi hoặc tranh con cái (femelle) thì người rừng xé xác nhau. Muộn hơn nữa, cách đây vài thế kỷ, khi dân châu Âu phát hiện ra châu Mỹ, người thổ dân (da đỏ) vẫn cắt đầu lóc da và ăn thịt kẻ thù như một thứ “hành xử tự nhiên” giữa các bộ lạc. Vì thế, chúng ta cũng chẳng nên hốt hoảng mà cũng chớ lấy làm bi quan trước những thứ quả đắng của cuộc đời.

Thời gian như dòng nước chảy xuôi, thế nhân biến cải và phong tục cũng đổi thay. Đó là sự tất nhiên, quay ngược lại bánh xe lịch sử là điều không tưởng. Tuy nhiên, khi con người còn tồn tại thì các mối quan hệ giữa người với người vẫn là vấn đề đầu tiên phải quan tâm. Ngoài một số bậc tu hành lánh đời sống trên các đỉnh núi cao hoặc nơi sa mạc, chúng ta sống thành bầy đàn, từ thứ bầy đàn bé tí là gia đình, rồi đến thứ lớn hơn như chung cư, làng xóm, quốc gia và bây giờ, với cái gọi là Thế giới hoá (mondialisation) các mối quan hệ càng ngày càng mở rộng. Một khi các cánh cửa mở rộng, ngoài chân trời của mình còn vô số chân trời khác, ngoài nền văn hoá của mình còn vô số nền văn hoá khác và những nền văn hoá này giao thoa, thẩm thấu, hoà trộn như những dòng sông. Nền văn hoá nào cũng có đặc điểm riêng của nó. Cái được với người này sẽ là cái mất của người kia. Cái ưu điểm của người này sẽ là sự khiếm khuyết đối với người kia và ngược lại. Vần đề còn lại là sự lựa chọn và sự chấp nhận của mỗi người.

Sống ở Pháp, tôi được nghe khá nhiều người Ả-rập (Arab) nói rằng họ kinh hoàng khi nhìn thấy người Pháp cư xử với lớp người già, khi chứng kiến mùa hè năm 2002 có những người chết thối trong căn hộ của họ vào lúc con cháu phơi nắng trên các bãi biển hoặc đi leo núi. Họ cũng kể những trường hợp cha mẹ bị đẩy vào các nhà dưỡng lão khi không còn đủ sức tự lo cho mình, đứa con bán nhà rồi tiêu hết tiền, không nộp chi phí hàng năm cho cha mẹ. Những người này bị đuổi ra đường ngay ở tuổi 90. Một bức tranh u ám.

Ngược lại, tôi cũng nghe khá nhiều người Pháp lên án dân theo đạo Hồi cấm đoán vợ và con gái họ ra sao, có những trường hợp cha gả bán con gái, lừa con về quê chơi rồi bỏ cô ta lại đó mà lẻn về Pháp một mình. Lại có hiện tượng cưỡng hôn những đứa con gái vị thành niên, 11, 12, 13 tuổi dẫn đến một số vụ tự thiêu giữa đám thiếu nữ trên. Các ông bố bà mẹ tuyên bố xanh rờn: “Đó là con chúng tôi, chúng tôi muốn làm gì nó là việc của chúng tôi”. Tệ hơn nữa, báo chí đưa lên những hình ảnh rùng rợn về luật trừng trị của đạo Hồi: ném đá đến chết. Tôi nhớ bài báo cuối cùng tôi đọc nói về một gia đình ở Afghanistan, trong gia đình ấy người cha và người anh trai đã ném đá cô con gái đến chết vì cô ta mắc tội ngoại tình. Một bức tranh còn ảm đạm hơn.

Dân Việt nam, may mắn là chưa có nhiều trường hợp được nêu lên báo làm “dẫn chứng” theo kiểu đó. Tuy nhiên, do quan hệ cá nhân, tôi cũng từng gặp những đứa con vô cùng bạc bẽo, chỉ có điều sự bạc bẽo này nằm trong vùng nửa tối nửa sáng, chưa đến mức thành sự kiện, thành vụ án nên chưa ai tố cáo đó thôi.
Vì thế, bàn đến chữ Hiếu là việc đáng làm, nó là nhu cầu thiết yếu cho các bậc cha mẹ lẫn những đứa con, bởi chúng cũng sẽ làm mẹ làm cha trong một tương lai gần gũi.

Yêu và muốn được yêu là một nhu cầu tha thiết và tự nhiên của con người. Ai chẳng yêu con, bởi chúng là máu thịt ta san sẻ ra và chúng là niềm hy vọng lớn lao nhất của đời ta. Ai chẳng mong ngày nào đó tóc bạc, răng long, gối mỏi sẽ có kẻ ôm ấp, vỗ về, nuôi dưỡng. Con cái là cuộc đầu tư quan trọng nhất của đời người, cuộc đầu tư ấy không chỉ đòi hỏi tiền bạc và thời gian mà trước hết là con tim và khối óc. Người nông dân Việt có câu:

“Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ khô dành cho con
Miếng nạc con ăn, miếng xương mẹ gặm”

Ấy là vì nhà nghèo, trời mưa, nóc nhà dột thì mẹ phải nằm vào chỗ ướt; bữa cơm có một con cá thì phần thịt phải gỡ cho con trẻ, còn mẹ chỉ gặm lại vây, xương. Sự hy sinh cho con cái của những kẻ làm mẹ làm cha không con số nào cộng nổi. Biết bao gia đình nông dân Việt nam ăn khoai, ăn sắn độn hàng mấy năm trường để giành gạo cho con mang đi ăn học. Biết bao nhiêu người đàn bà phải ở goá vì e ngại sự làm lại cuộc đời có thể gây nên những đổ vỡ tâm lý và huỷ hoại tương lai của đứa con. Thời đói khổ ở Hà Nội mấy chục năm trước, bao nhiêu người phải bán máu để duy trì bữa cơm cho con nhỏ? Những người ấy không kể đến thân mình vì họ muốn thực hiện cái ước nguyện duy nhất, “Con hơn cha là nhà có phúc.”

Trong chế độ cộng sản Hà Nội, có thời rộ lên câu châm ngôn, “Hy sinh đời bố, củng cố đời con.”

Một số đông quan chức thanh liêm, đến lúc nào đó chợt phát hiện ra sự thật cay đắng này: Vì họ thanh liêm nên con cái họ khổ sở, trong khi đó các thượng cấp hoặc đám đồng liêu khôn ngoan giả dối, mồm nói một đằng, tay làm một nẻo thì vơ vàng hốt bạc, và do đó, vợ con họ có điều kiện để sống một cuộc sống đế vương. Thế là, ông nào ông nấy quyết vơ một mẻ Lớn, chịu mất chức, vào tù để con cái có cơ ngoi lên. Kể ra, thời nào cũng vậy, sự hy sinh của kẻ làm mẹ làm cha đáng ví là “cao như núi, dài như sông”.

Tuy nhiên, theo quy luật “Nước mắt chảy xuôi”, cha mẹ thương con như vậy nhưng liệu những đứa con khi trưởng thành có đủ đạo nghĩa để thương yêu lại cha mẹ họ cùng một niềm chan chứa như thế hay không? Chẳng có gì bảo đảm. Bởi những đứa con khi lớn lên, rời khỏi mái nhà xưa, buộc phải hoà nhập với môi trường sống mới để đến lúc nào đó, dựng lên mái nhà của chính chúng. Chúng chịu tác động của bè bạn, dư luận xã hội, và trước hết người đồng hành. Đứa con trai nghe vợ có thể quay về nã tiền và đốt nhà cha mẹ. Đứa con gái nghe chồng có thể đuổi bố đi. Hiện trạng này xảy ra ở khắp các gầm trời. Và hiện trạng này xảy ra từ xửa từ xưa. Đọc lại bi kịch vua Lia là thấy rõ.

Tôi tóm tắt chuyện Vua Lia (King Lear, của William Shakespeare, 1603-1906): Ba công chúa con ông vua Hy lạp cùng sinh ra nơi gác tía lầu son, cùng được nuôi dưỡng và dạy dỗ theo chế độ quy định của hoàng gia nhưng tính tình trái ngược nhau. Hai cô con lớn khéo nịnh cha, tuyên bố rằng họ yêu ông ta nhất trên đời, còn cô út lại công khai nói rằng cô tôn kính và yêu quý cha theo đúng tình phụ tử, nhưng tình yêu nồng nàn nhất, cô phải dành cho người đàn ông cô sẽ lấy làm chồng, người gắn bó với cô suốt cuộc tồn sinh. Vua Lia giận dữ đem toàn bộ đất đai chia cho hai cô con gái lớn và tước phần thừa kế của cô gái út. Khi mà vua cha đã trở thành kẻ trắng tay, không còn đất đai cũng chẳng còn bạc vàng, châu báu, hai cô con gái lớn cùng chồng họ đuổi nhà vua ra khỏi kinh thành. Vua Lia, đau đớn vì sự phản bội của hai cô gái yêu, liền tự chọc mù mắt để khỏi nhìn thấy sự thật. Lúc ấy, chính kẻ đi tìm ông, đưa ông về nhà phụng dưỡng lại là cô công chúa út, người nghèo khổ nhất vì đã bị ông tước đi quyền thừa kế. Bi kịch Vua Lia là một trong số các bi kịch nổi tiếng, được Shakespeare dựng vào khoảng từ năm 1603 đến 1606, nhưng nó lấy cảm hứng từ một câu chuyện xảy ra ở nước Anh vào thời văn minh Celtique, 800 năm trước công lịch, có nghĩa là còn xa hơn thời Khổng Khâu ra đời. Vậy, ngay từ hồi đó vấn đề quan hệ giữa cha và con, nói rộng hơn là quan hệ giữa già và trẻ, giữa thế hệ cầm quyền và thế hệ chờ đợi để cầm quyền, bi kịch gia đình,… Tất thẩy những mối mâu thuẫn đó đã được đặt ra, không cần chờ đợi đến hôm nay, bởi các bi kịch chẳng phải phải mốt thời trang của thế kỷ XX hay đầu thế kỷ XXI.

Ở nước ta, dân chúng giải thích các mâu thuẫn này bằng câu, “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính.”

Họ quy trách nhiệm cho Trời, bởi vì chỉ có Trời mới đủ năng lực biến những đứa con mà họ thương yêu chăm chút từ thuở lọt lòng bỗng nhiên quay đầu quay cổ phản trắc bậc sinh thành, những đứa con mà họ đặt tất cả niềm hy vọng trong tương lai bỗng nhiên trở thành kẻ bội bạc, hoặc tệ hơn nữa, tên đao phủ đầy đoạ mẹ cha vào địa ngục.

Quản tử, tể tướng nước Tề, người được tôn danh là Nhà chính trị lỗi lạc, một vĩ nhân thời Đông Chu (sống trước Khổng Tử gần 200 năm) đã nói về vấn đề này một cách rành rọt như sau:

Một ông vua mà để mất Lục quyền, tức là quyền sinh, quyền sát, quyền làm cho người ta giàu, quyền bắt người ta nghèo, quyền cho người ta quý hiển, quyền bắt họ hèn hạ, chỉ trong một năm thôi, ông ta sẽ không thể nào giành giật lại. Người cha cũng vậy, khi ông ta để lọt sáu quyền trên vào tay con, dẫu biết đứa con bất hiếu mà chẳng có cách nào đổi thay được tình thế. Bởi lẽ ấy, thời Xuân thu, đã có những bề tôi giết vua và có những đứa con giết cha.,
(Quản tử – Phạm tất Đắc biên dịch, trang 146-147. Nhà xuất bản Xuân thu P.O.Box 720065, Houston, Texas)

Pháp trị.
Pháp trị.

Quản Tử là một trong những người đầu tiên của nước Trung hoa xưa chủ trương trị nước bằng hình luật, gọi vắn tắt là Pháp trị. Vì thế, ông có óc thực tiễn sâu sắc. Nhận định vừa nêu trên là sự tổng kết những nghiệm sinh của chính ông. Tóm lại, ông là một trong số những người đủ sáng suốt để đối mặt với sự thật. Bởi sự thật thường đắng cay, hà khắc, nó chẳng có chút nào mùi vị lãng mạn nào, nó trụi trần và tàn nhẫn. Vậy mà chất lãng mạn lại vốn là ma tuý ngàn năm của nhân quần. Con người là con vật của ảo tưởng nên yếu tố lãng mạn, sự mộng ước, sự chờ mong ở một ngày mai tươi sáng… là những phẩm chất cốt lõi mà họ khó lòng kháng cự. Có thể nói đời người là con thuyền nan mỏng manh, bập bềnh giữa hai bờ ước vọng và thất vọng. Không có ước vọng, cuộc sống không còn ý nghĩa. Nhưng tất thảy mọi ước vọng đều hàm chứa phần hiểm nguy. Tình yêu là một cuộc phiêu lưu. Tình cha con hay mẹ con, đáng tiếc thay, cũng là một cuộc phiêu lưu tuy mang mầu sắc khác.

Bởi vì, không có gì chắc chắn trong tương lai; bởi vì đã từng có quá nhiều đổ vỡ nên con người mới cầu viện đến các khoa học tướng số, các loại chiêm tinh, các thuật bói toán để tìm kiếm đôi ba tia sáng, ngõ hầu có thể rọi vào đám mây mù tương lai. Cũng bởi vì lo sợ cho cuộc đầu tư lớn nhất của đời mình thất bại nên giờ đây, con người mới truy tìm cái công ty bảo đảm an toàn cho thắng lợi của chữ Hiếu, ông Thánh Khổng được sử dụng chính vì mục đích ấy. Tuy nhiên, điều khác nhau căn bản là ở chỗ này: Các Sở Bảo hiểm được đẻ ra trong xã hội phương Tây, trong thể chế dân chủ, nơi con người buộc phải sống theo luật pháp. Thế nên, khi xe hơi bạn cháy hoặc cửa hàng nhà bạn bị bọn côn đồ đập vỡ thì bạn được đền. Còn cái công ty bảo hiểm mang tên Khổng phu tử kia thì không được quản lý bằng luật pháp, mà nó chỉ là sự mong chờ, nó không có chuẩn mực của chân lý mà co giãn tuỳ theo sở thích của con người, nên tin cậy ở nó là ảo tưởng.

Mời độc giả đọc lại đoạn sau đây:

“…Năm 490, Khổng Tử qua huyện Diệp, thuộc Sở. Diệp công hỏi ông về phép trị dân, ông đáp:
– Phải làm sao cho người ở gần vui lòng và người ở xa quy phục.
Lần khác, Diệp công bảo:
– Làng tôi có một người ngay thẳng tên là Trực Cung, cha bắt trộm cừu, con đi tố cáo.
Khổng Tử đáp:
– Người ngay thẳng ở làng tôi khác vậy. Cha giấu tội cho con, con giấu tội cho cha, sự ngay thẳng ở trong đó.
Ông cho là đạo cha phải từ, đạo con phải hiếu, con tố cáo cha là bất hiếu, trái đạo, không phải là ngay thẳng. Cha bất từ, con bất hiếu thì nước sẽ loạn”.
(Khổng Tử – Nguyễn hiến Lê; trang 70)

Trước hết, chúng ta phải công nhận rằng tình phụ tử hay mẫu tử vốn là thứ tình cảm tự nhiên của con người, máu của máu, thịt của thịt, hình hài của hình hài, chẳng cái gì có thể gắn bó sâu đậm hơn thế. Cho nên, chữ Tình làm nao núng con tim là việc hiển nhiên.

Khổng Tử đúng khi ông cho rằng việc con tố cáo cha là bất hiếu. Nhưng ông sai khi nghĩ rằng: cha bao che cho con, con bao che cho cha là ngay thẳng. Đây là sự đánh tráo khái niệm, sự gian lận chân lý. Nhân danh chữ hiếu hay bất cứ thứ tình nào, huynh đệ, phu thê, bạn hữu để đổi đen thành trắng là điều không thể chấp nhận. Bởi nó cho phép con người đạp bừa lên pháp luật lẫn công lý để thoả cái tình riêng.

Ở làng mạc Việt nam thời trước thường vẫn có hiện tượng này: Một người làng Ẻm qua làng Mơ ăn cắp bò bị đánh. Bạn anh ta chạy về làng hô hoán: “Bọn làng Mơ nó đánh người làng mình.” Thế là dân làng Ẻm vác câu liêm, đòn gánh, dao phay sang làng Mơ đánh chém, bất kể phải trái, cũng chẳng cần phân bua. Thứ lý lẽ của Khổng Tử có thể làm thoả mãn tâm hồn kẻ làm mẹ làm cha; nhưng nó đẩy đứa con vào vòng phạm pháp. Thói bênh vực người thân bất kể trắng đen, phải trái đó chỉ có thể tồn tại ở những xã hội hoặc chưa có luật pháp hoặc thiếu tôn trọng luật pháp, điều không thể tránh được là nó sẽ gây ra sự rối loạn lẫn những cơn kịch phát của bạo lực.

2013: Trộm chó bị dân làng -Đồng Hới, Quảng Bình - đánh bất tỉnh. Nguồn: http://nld.com.vn/
2013: Hai người trộm chó bị dân làng phường Bắc Lý, Đồng Hới-Quảng Bình đánh bất tỉnh. Nguồn: http://nld.com.vn/

Nhà văn chiếm giải Nobel nước Colombia, Gabriel Garcia Marquez có viết một kịch bản về đề tài này. Kịch bản đã được quay thành phim và cuốn phim đó khá hấp dẫn, chiếu vào những năm 8O, nếu trí nhớ của tôi còn dùng được. Câu chuyện kể về một tù nhân mãn hạn trở về làng, anh ta bị tù vì đã giết một người láng giềng, một gã cường hào tham tàn, bạo ngược tìm mọi cách thôn tính tài sản, đồn điền của anh ta. Vốn là một dân quê hiền lành, con người khốn khổ ấy đã bị xô đẩy đến mức hoàn toàn tuyệt vọng, và trong một phút uất ức, liều lĩnh, trở thành kẻ sát nhân. Sau mấy chục năm sống kiếp tù khổ sai, chàng trai năm xưa đã trở thành một người đàn ông quá ngũ tuần, mặt nhầu nát nếp nhăn, chai sạn vì đau khổ. Anh ta quay về làng, gặp lại người đàn bà của mình, hy vọng sống nốt quãng đời còn lại một cách an lành. Nhưng đứa con trai gã cường hào kia đã lớn, nhất quyết đòi trả thù, bất kể là cha mình đã hãm hại người khác, cũng bất kể rằng người ta đã phải trả giá cái chết của ông ta bằng mấy chục năm tù, tóm lại, bất cần suy nghĩ. Người tù già nhún nhường hết sức, tìm mọi cách hoà giải, tìm mọi cách lảng tránh nhưng đối phương không cho ông ta một phút bình yên. Đứa con trai được di truyền dòng máu bạo ngược của ông bố, và cũng như ông bố, cậu ta chủ trương: Muốn là được. Câu chuyện diễn ra theo cuộc săn đuổi vô hình đó: sự lùi dần của người tù già trước những bước tiến công của đứa con trai kẻ thù cũ. Ông ta càng nhún nhường bao nhiêu, gã trai càng hùng hổ và quyết liệt bấy nhiêu. Cũng như trước kia, tình thế đó xô đẩy ông ta vào bước đường cùng. Và câu chuyện kết thúc bằng cuộc đọ súng, tựa hồ một vòng tròn định mệnh.

Bây giờ, chúng ta sẽ đặt ra hai tình thế:

1. Gã trai bắn chết người tù già: Anh ta sẽ phải lặp lại thân phận của chính kẻ bị giết, trở thành tù khổ sai và chỉ được trả tự do khi tóc đã muối tiêu.

2. Người tù già bắn chết gã trai: Ông ta bị buộc quay lại kiếp tù khổ sai, có khi đến lúc tàn đời.

Trong hai giả thuyết ấy thì dường như giả thuyết thứ hai mạnh mẽ hơn. Gã trai kia, là kẻ sinh sự, kẻ đẩy người khác vào bước đường cùng, kẻ muốn có cuộc đọ súng, muốn huỷ diệt tha nhân, nhưng trong khi huỷ diệt tha nhân thì anh ta cũng huỷ diệt chính cuộc sống của mình. Tất thảy cái bi kịch ấy đặt trên bệ đỡ của một chữ Hiếu mù quáng.

Xã hội phương tây mà chúng ta đang sống hôm nay cũng đầy rẫy bi kịch. Cứ mở báo ra xem là thấy. Đa phần kẻ sát nhân đều có con. Khi họ vào tù, những đứa con ấy được các tổ chức xã hội đem vào các trại mồ côi hoặc gửi nuôi trong các gia đình mà chính quyền có nhiệm vụ chu cấp. Những đứa bé ấy có thể trở thành những con người bình thường, có cuộc sống bình thường như mọi đứa trẻ khác nếu chúng biết từ bỏ quá khứ, biết ghê sợ tội ác, biết khinh bỉ các hành vi vô đạo đức hoặc phạm pháp, biết tuân thủ luật và sống một cách lương thiện. Nhưng nếu chúng được giáo dục theo đạo Khổng, coi: “cha bao che cho con, con bao che cho cha, ấy là sự ngay thẳng” ắt chúng sẽ đi vào vệt xe đổ, và không có tương lai.

Trở lại câu chuyện Ăn cắp cừu của Diệp công, tôi muốn nói với Khổng Khưu thế này:

“Ông có một phần và chỉ một phần thôi lẽ phải khi nói rằng con tố cáo cha là bất hiếu. Nếu là tôi, thay vì dùng từ bất hiếu, tôi sẽ dùng từ Chẳng nỡ. Chẳng nỡ có thể diễn dịch nôm na như sau: sự giảm nhẹ (Atténuer) trong phán xử. Cùng một tội, nhưng nếu là cha con, anh em, chị em, bạn hữu…thì vì sự lưu luyến của chữ tình, người ta nhìn bằng con mắt khoan dung hơn. Nhưng sự khoan dung ấy không thể vượt qua giới hạn cho phép, nó không thể biến đen thành trắng, biến tội ác thành sự ngây thơ. Trước ông 200 năm, Quản tử đã chỉ ra Bốn đức tính căn bản để gìn giữ một đất nước và xây dựng nhân cách con người. Đó là Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ. Nếu căn cứ vào ý nghĩa của bốn chữ ấy, thì lời khuyên của ông đã tiêu diệt chữ Liêm và chữ Sỉ mất rồi. Liêm tức là không che giấu lỗi của mình. Sỉ tức là ngay thẳng không làm điều gian manh, khuất tất. Khi ông bảo đứa con phải bao che cho cha, có nghĩa là ông tặng cho nó chữ Hiếu bằng cách đánh mất chữ Liêm và chữ Sỉ. Vậy nhân cách của đứa con sẽ bị xâm phạm và nó sẽ không còn tìm được một chỗ đứng xứng đáng trong tương lai. Thế nên, sự ngay thẳng phải biện bạch như sau: Người con ngay thẳng không đi tố cáo cha nhưng cũng không thể bao che cho cha, anh ta phải mang cừu đem trả cho chủ của nó, nếu người cha lỡ ăn thịt thì anh ta phải đem tiền mà đền, nếu không đủ tiền đền thì anh ta phải tự nguyện làm công cho người kia để bù vào đó.”

Cách lý giải chữ Hiếu của ông thánh Khổng biểu hiện rõ ràng lối suy tư của hạng người tự cho mình quyền dẫm đạp lên sự thật lẫn luật pháp. Chữ Hiếu mà ông ta dậy, nếu giờ đây áp đặt lên đầu đám thanh niên, ắt xô họ vào thứ bi kịch mà Gabriel Garcia Marquez đã viết. Nó là sự kéo lùi lịch sử vào bóng đêm.

Tình cảm giữa người với người là sợi dây vô hình. Nó có thể bền chắc hơn mọi thứ vật liệu bền chắc trên đời, nó cũng có thể mong manh hơn cả sợi tơ nhện. Nó tồn tại tuỳ theo chữ Duyên của nhà Phật. Còn Duyên, dùng đại bác bắn không vỡ. Hết Duyên, lấy sơn ta gắn cũng không xong. Nó là con đường thẳng đi từ trái tim đến trái tim. Không thứ luật lệ nào áp đặt được chữ Tình. Còn để giáo dục, ắt chỉ có làm gương là biện pháp tối ưu. Một người cha không thể dạy con mình hiếu thảo nếu ông ta bất hiếu với chính bố đẻ của mình.

Hãy nhớ lại chuyện ngụ ngôn: Cái bát mẻ. Đứa con trai thấy cha nó cho ông ăn trong một cái bát mẻ, liền giữ lại một cái bát mẻ khác và bảo bố: “Con cất sẵn để khi nào bố già sẽ cho bố ăn”. Tình thực thì không cần phải biện bạch, cũng chẳng cần các hình thức lễ nghi rườm rà. Nếu chỉ có mấy ông quyền cao chức trọng, khăn sa áo gấm, đứng ở thềm phía đông trước cửa miếu đường lậy tổ tiên là có hiếu, những người dân đóng khố, mặc ảo vải cụt, không có tiền xây miếu là những kẻ không có lòng yêu thương cha mẹ họ chăng?

Đến đây, tôi nhớ lại một truyện ngắn của Nguyễn công Hoan “Trả Nghĩa Cho Mẹ”.

Truyện kể một gã trọc phú ở cùng phố với tác giả, chủ một toà nhà lộng lẫy, vô cùng giàu có, công việc bán buôn phát đạt nên nhà lúc nào cũng nườm nượp khách khứa, lại đông đúc đầy tớ, gia nhân.

Có thời, nhà văn thấy thấp thoáng phía sau hàng rào một bà già đầu cạo trọc, răng đen, dáng điệu rụt rè, nhớn nhác. Bà sống lẫn với đám đầy tớ con hầu nhưng không khi nào xuất hiện ở phòng khách, cũng không bước chân qua khung cửa, đặc biệt là không bao giờ tiếp xúc với láng giềng. Tác giả tò mò gạn hỏi đám gia nhân thì được biết đó là mẹ của chủ nhân.

Ông đoán ngay rằng đứa con trai, gốc gác dân quê, khi thành đạt, không biết quẳng mẹ cho ai nên đành đón bà lên thành phố, nhưng để giấu tung tích, cấm bà tiếp xúc với mọi người. Thế nên, bà lão tội nghiệp sống nơi phố phường mà ngơ ngẩn thương nhớ làng quê, bởi bà phải chịu kiếp tù lỏng giữa bốn bức tường, quanh năm suốt tháng ru rú nơi xó nhà, còn thua kiếp con mèo trong góc bếp vì, ít nhất, con mèo còn có lúc được trèo lên mái ngói hoặc rông sang vườn hàng xóm. Hơn thế nữa, thấy mặt láng giềng là bà phải vội vã lủi vào phòng ngay như đứa con đã dặn. Điều đó có nghĩa bà sống thường trực trong sự sợ hãi, tủi nhục, và phải chịu nỗi đau đớn âm thầm này mà chẳng dám kêu với ai.

Vài năm sau, bà mẹ chết, gã con trai làm đám ma to nhất phố, cờ trướng rợp trời, kèn Tầu kèn Tây thổi inh ỏi. Chỉ có điều, bà già đầu trọc răng đen rụt rè ngơ ngẩn đã được thợ truyền thần biến thành một bà lão sang trọng, khăn nhung, áo gấm, chân dận hài cườm, tay đeo xuyến ngọc, tai lủng lẳng hột kim cương. Tấm ảnh truyền thần to bằng cánh cửa sổ, ngự trên nóc xe tang. Đứa con trai cùng vợ, đầu quấn khăn xô trắng than khóc ầm ĩ…

Trước khi nhà văn Nguyễn công Hoan viết truyện “Báo hiếu mẹ”, dân quê đã nói về cái kiểu Lễ Nghĩa trên, nói từ lâu, theo cách mộc mạc hơn:

“Mẹ sống thì chả cho ăn,
Đến khi mẹ chết, làm văn tế ruồi.”

Như vậy, những khía cạnh giả dối, bất nhân núp sau tấm áo Lễ Nghĩa Khổng Khâu cũng đã được dân chúng chiêm nghiệm và phân tích, dẫu ở mức thô sơ.

Trong cuốn Khổng Tử, ông Nguyễn Hiến Lê viết:

“Muốn cho chế độ Tôn Pháp được vững, đời Chu tạo ra chữ hiếu và đề cao hiếu, đễ: con phải hiếu với cha mẹ, kẻ nhỏ tuổi phải tôn trọng, vâng lời người trên. Và ai cũng nhận rằng dân tộc Trung hoa là dân tộc coi trọng chữ hiếu nhất. Vì coi trọng chữ hiếu, nên họ cũng rất chú trọng đến tang lễ, tế tự.”
(Khổng Tử – trang 22, 23)

Về tang lễ, tế tự, như trên tôi đã dẫn, có thể là biểu hiện chân thành chữ hiếu của một số người này, nhưng cũng có thể là cách phô trương, diễn trò của một số người khác. Cho nên, căn cứ vào tế lễ mà định giá lòng người thì quả là thói chuộng hình thức nếu không muốn nói là kẻ hời hợt, phù phiếm. Để phân biệt rõ ràng hơn, tôi xin đưa một so sánh như sau:

1. Một ông nhà giàu làm giỗ mẹ cả trăm mâm, nhưng trong óc chỉ toan tính mời những ai để có thể giúp rập cho con đường hoạn lộ của mình, những ai cần thắt chặt quan hệ trong việc làm ăn buôn bán, những ai cần trả nợ miệng… Tóm lại, tâm tư ông ta có cả trăm con tính, tất thảy những con tính này xoay quanh cái trục là cuộc sinh tồn của chính ông ta, còn hình ảnh người mẹ thì bị cuốn mịt mù trong khói sương quên lãng.

2. Một người nghèo đến mức không mua nổi chiếc bánh chưng lẫn nén nhang để cúng mẹ, nằm trong lều khóc than cho số phận, nhưng tâm hồn lẫn óc não anh ta ngập tràn những kỷ niệm với người đã khuất.

Giữa hai người đó, tôi tin và trọng chữ hiếu của kẻ cùng đinh hơn.

Giờ, đến nhận định của ông Nguyễn Hiến Lê:

“Và ai cũng nhận rằng dân tộc Trung hoa là dân tộc coi trọng chữ hiếu nhất.”

Tôi không rõ chữ Ai ở đây nhằm chỉ đám người nào?

Nếu tác giả cuốn Khổng Tử có ý định so sánh dân tộc Trung hoa với các dân tộc khác, ông phải làm một cuộc điều tra trên quy mô toàn thế giới và kết quả cuộc điều tra này phải được Liên hiệp quốc xác nhận. Nếu không, đó chỉ là sự võ đoán hoặc thói bốc thơm.

Giữa hai nền văn minh, người phương Tây có thói quen gọi người phương đông là man rợ và ngược lại. Để đi đến sự hoà giải, cần phải có những tiêu chuẩn chung và trước khi đi đến được mục tiêu ấy, chớ ai nên kết luận hàm hồ. Ông Nguyễn hiến Lê, có thể vì mối tình cảm sâu đậm với nền văn hoá Trung hoa mà quên đi điều này: Nếu như triều nhà Chu đã sáng tạo chữ Hiếu và chữ Đễ, thì cũng tại xứ sở ấy, đã xẩy ra những hiện tượng tàn ác, phi nhân khiến toàn thế giới kinh hoàng. Hãy nhớ lại Cuộc cách mạng văn hoá dưới sự chỉ đạo của Mao trạch Đông và bà vợ ông ta, hàng chục triệu thiếu niên Trung quốc đánh đập, tra tấn những người già, trước hết là giáo sư các trường đại học, các thầy giáo trung học và tiểu học, các cán bộ lãnh đạo không thuộc bè cánh của Mao, rồi đến tất thảy những người vô tội mà lũ trẻ gán cho hai từ “tạo phản”. Trong cơn say giết chóc, lũ trẻ không từ một thủ đoạn tàn ác, một hành vi phi nhân nào để giải phóng bản năng dã thú. Không những họ chửi rủa, nhổ nước bọt, đấm đá, lấy gậy phang, lấy đá ném đến phọt óc mà còn dùng chính đôi bàn tay họ để móc mắt quân “tạo phản”.

Nước Anh, nước Mỹ, nước Ấn và hàng trăm quốc gia khác trên hành tinh không có cái may mắn được một Chu công dạy cho chữ hiếu và chữ đễ nhưng để bù lại, họ có luật pháp để cai trị, có các hệ thống luân lý khác để giáo dưỡng dân chúng và họ không chịu cảnh hàng chục triệu đứa trẻ nhảy lên đấm đá, bẻ răng, móc mắt những người già.

Phải chăng khi viết cuốn Khổng Tử, vì quá mê say quá ngưỡng mộ thần tượng của mình mà ông Nguyễn Hiến Lê cố tình quên đi sự kiện này? Vì ông viết cuốn Khổng Tử vào năm 1978, chỉ cách cuộc Cách mạng văn hoá của Trung hoa một thập kỷ thôi.

Hơn nữa, xét trên thực tế, chữ Hiếu của Khổng Khâu được tưới tắm hai ngàn năm trăm năm ở đất Trung hoa cũng không ngăn nổi những đứa con giết cha, giết mẹ.
Chính ông Nguyễn Hiến Lê đã viết :

“…Chế độ lập đích tử đó không làm giảm sự tranh ngôi vua được bao nhiêu, vì có khi cả mấy chục người con trai, thì cũng có cả chục kẻ ngấp nghé ngôi báu, và ngay đời Chu đã có ba vụ con giết cha, anh em giết nhau trong các triều vua chúa rồi; mà suốt mấy ngàn năm sau cũng vậy…”
(Khổng Tử, trang 21)

(Còn tiếp)

© 2013 DCVOnline