Giải Nobel Y Khoa và Sinh Lý Học năm 2013

Kiều Tiến Dũng

nobelMới 17 tuổi đã có thể nói rành rẽ 5 ngôn ngữ. Khi còn sinh thời ông là một kỹ sư, một nhà hóa học và đã sáng chế ra chất nổ. Khi mất đi ông đã để lại gia tài ngày nay tương đương với 265 triệu Mỹ kim cho một loạt các giải thưởng. Đấy là cuộc đời của Alfred Nobel và những giải thưởng mang tên ông.

Alfred Nobel (1833-1896) sống gần suốt  đời ở Ý và Pháp. Nguồn: nobelprize.org
Alfred Nobel (1833-1896) sống gần suốt đời ở Ý và Pháp. Nguồn: nobelprize.org

Khi di chúc của Nobel được công bố vào năm 1895, nó đã gây bao sóng gió và tranh cãi. Tuy không có vợ con, nhưng những thành viên khác trong dòng họ ông Nobel đã cực liệt tranh giành và phản đối việc dành số tiền quá to lớn như vậy cho các giải thưởng mà không dành cho họ! Vì thế nên cho mãi đến 5 năm sau, các giải thưởng Nobel mới được bắt đầu trao tặng từ năm 1901 cho tới nay, tổng cộng cả thẩy là 112 năm.

Để rồi, cứ mỗi tháng 10 hàng năm, Hội Đồng Nobel sẽ lần lượt công bố các giải thưởng Nobel. Theo truyền thống, đầu tiên là kết quả giải Nobel Y Khoa, rồi lần lượt đến các giải Vật Lý, Hóa Học, Văn Chương, và Hòa Bình. Riêng giải thưởng về Kinh Tế thật sự ra không phải là giải thưởng được để lại trong di chúc của ông Alfred Nobel, nhưng lại được lập ra về sau này để tưởng niệm ông Nobel. Giải Kinh Tế này thường được công bố sau cùng.

**

Hôm thứ Hai 7/10/2013 vừa qua, Hội Đồng Nobel (Nobel Assembly) tại Học Viện Karolinska tại Thụy Điển đã ra một thông báo báo chí là giải thưởng Nobel Y Khoa năm nay 2013 sẽ được trao tặng cho hai khoa học gia người Hoa Kỳ là các Gs James Rothman và Randy Schekman, và một Gs người Đức là ông Thomas Sudhof.

Các vị này đã có những công trình nghiên cứu về các hệ thống chuyển tải của các tế bào sinh học, giúp cho nhân loại hiểu biết thêm về vai trò của những trì trệ, gián đoạn của hệ thống chuyển tải của tế bào trong các chứng bịnh thần kinh và rối loạn hệ miễn nhiễm.

Khi công bố giải thưởng trị giá 1 triệu 2 Mỹ Kim này, Hội Đồng Nobel đã tuyên bố là:

“Với những khám phá của mình, các Gs Rothman, Schekman và Sudhof đã bọc lộ được một cách chi tiết các hệ điều khiển tinh vi cho việc chuyển tải và phân phối các “kiện hàng phân tử” (cellular cargo).”

Đây là những khám phá quan trọng cho sự hiểu biết về cơ thể con người và các chứng bệnh về hệ thần kinh, bệnh tiểu đường và các chứng rối loạn hệ miễn nhiễm. Chẳng hạn như chúng đã giúp ta hiểu rõ hơn chất insulin được chế tạo như thế nào trong tế bào, và được tiết vào máu ra sao cho đúng nơi và đúng lúc để các bộ phận có thể hấp thụ được lượng đường trong máu.

 **

Mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta là một nhà máy sản xuất các phân tử. Chẳng hạn như các phân tử insulin tiết vào trong máu, hay các tín hiệu hóa học gởi từ một tế bào thần kinh này tới một tế bào thần kinh khác. Các nhà khoa học trên đây đã tìm ra được nguyên tắc về sự chuyển vận các phân tử này trong tế bào và về việc phân phối những phân tử này sao cho đúng nơi và đúng lúc, hoặc ở ngay bên trong tế bào hoặc xuất cảng ra khỏi màng của tế bào.

Gs Randy Schekman vào thập niên 70s đã tìm ra các di truyền tử (genes) cần thiết cho việc vận tải các tế bào này. Gs James Rothman vào thập niên 80s và 90s khám phá được cơ chế dùng để chất hàng các phân tử này lên những “chiếc xe vận chuyển” gọi là vesicles. Và cuối cùng, Gs Thomas Sudhof vào thập niên 90s tìm ra các tín hiệu để giúp cho các xe vận tải vesicles này rỡ hàng một cách chính xác. Nếu công việc vận chuyển và giao hàng này bị rối loạn hay trì trệ, như khi việc giao thông vận tải không còn luật lệ và trở nên hổn loạn, thì cơ thể sẽ sinh ra các bệnh thần kinh, tiểu đường hay các bệnh hệ miễn nhiễm.

**

Sơ lược về tiểu sử các vị giáo sư đạt giải năm nay

Nguồn: news.yahoo.com
Nguồn: news.yahoo.com

Gs James Rothman, 63 tuổi, sinh tại tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp tiến sĩ tại trường thuốc của đại học Harvard, và đã từng làm việc tại các trường MIT, Stanford, Princeton và Columbia. Hiện thời ông là Khoa Trưởng phân khoa Sinh Học Tế Bào tại đại học Yale ở tiểu bang Connecticut.

Gs Randy Schekman, 65 tuổi, sinh tại tiểu bang Minnesota và đã hoàn thành luận án tiến sĩ tại đại học Stanford, California vào năm 1974, dưới sự hướng đãn của Gs Arthur Kornberg, người cũng đã từng được giải thưởng Nobel năm 1959. Ông hiện đang làm việc tại phân khoa Sinh Học Tế Bào và Phân Tử của đại học California ở Berkeley.

Còn Gs Thomas Sudhof, năm nay 58 tuổi, sinh ra tại thành phố Gottingen, nơi có nhiều truyền thống về khoa học của Đức. Ông hoàn tất luận án tiến sĩ năm 1982 tại đại học George August Universitat tại Gottingen về bộ môn Hóa Học Thần Kinh (neurochemistry). Năm 1983, ông qua Hoa Kỳ làm việc tại đại học Texas tại Dallas, và sau đó trở thành Giáo Sư ngành Sinh Học Tế Bào và Phân Tử tại đại học Stanford từ năm 2008.

**

Nói về tuổi tác trong lịch sử của giải Nobel Y Khoa thì tuổi trung bình là 57 tuổi. Trong đó người trẻ tuổi nhất là 32, và lớn nhất là 87 tuổi. Cũng xin nhắc lại là giải thưởng Nobel không trao cho người quá cố, nên các số tuổi trên đây là những số tuổi khi các nhà khoa học nhận giải thưởng.

Riêng quý vị nào có con em sinh vào các ngày 28 tháng Hai hay 21 tháng Năm thì cũng nên khuyến khích các em trong việc học hành và nghiên cứu. Biết được đâu đó! Vì đây cũng là ngày sinh nhật chung của nhiều vị được giải thưởng Nobel.

**

Hàng năm ủy ban chấm giải Nobel đều nhận rất nhiều hồ sơ đề nghị các nhân vật đáng được trao giải. Ủy Ban này phải tranh cãi, nhiều khi rất kịch liệt, để chọn ra ai là người xứng đáng trong năm nay. Tuy nhiên các hồ sơ đề cử này đều phải giữ kín và chỉ được bạch hóa sau 50 năm.

Kể từ năm 1901 đến nay là 112 năm, nhưng chỉ có 103 giải Nobel về Y Khoa. Giải thưởng này đã không được trao vào 9 năm: liên tiếp từ năm 1915 cho đến 1918, và năm 1921, năm 1925, và sau đó liên tiếp từ năm 1940 đến 1942. Lý do gián đoạn là vì các trận thế chiến thứ I và thứ II, và cũng vì Hội Đồng Nobel đã không tìm ra ai xứng đáng để trao giải.

Tổng cộng tới nay có tất cả 204 người được giải thưởng Y Khoa, nhưng trong số đó chỉ có 10 phụ nữ! Ngoài ra, cũng có lần nhà độc tài Adolf Hitler đã ngăn cấm Gs người Đức ông Gerhard Domagk không được nhận giải thưởng Y Khoa vào năm 1939. Về sau vị Gs này cũng được trao Chứng Chỉ Nobel, nhưng lại không được số tiền thưởng thường đi đôi với giải thưởng.

**

Với một tấm lòng rộng rãi, với một tầm nhìn xa rộng, Alfred Nobel hơn trăm năm trước đây đã để lại cho đời những giải thưởng để khuyến khích các công trình quan trọng trong việc phụng sự nhân loại. Qua đó ông cũng đã gián tiếp cổ võ cho việc sáng tạo, và cái quyền tự do tìm hiểu và sáng tạo của con người.

Trong khi đó ngay ngày hôm nay, ở thế kỷ 21 này, ở trên đất nước Việt Nam, chế độ cầm quyền vẫn đang tiếp tục trấn áp tự do, thao túng đất nước, vơ vét của cải, bán biển buôn đất thì không những biết đến bao giờ dân tộc ta mới theo kịp nhân loại ngoài kia, mà còn không biết liệu dân tộc ta còn tồn tại được bao lâu nữa!

Melbourne, Úc Châu

Tháng 10, 2013


Nguồn: Bài đã phát thanh ngày Thứ tư 09/10/2013 do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline