Bài Học Nhật Bản (5)

Khôi Nguyên, HVR

wealth-strengthTuy là một quốc gia nằm trong khu vực Châu Á nhưng từ thời phong kiến Nhật Bản không chỉ tiếp nhận nền văn minh Trung Hoa mà còn học hỏi một cách có chọn lọc nơi các dòng văn minh khác của nhân loại.

Giáo Dục (3/3)

Trên thực tế, chính sách mở cửa giao tiếp với Tây Phương trong thời đại Mạc Phủ vào đầu thế kỷ thứ 19 hoàn toàn không được đa số quan lại tán thành. Nhưng cùng lúc, các võ tướng nắm quyền lãnh đạo quốc gia lại nhận thức được rằng việc bế môn tỏa cảng đối với thế giới, đặc biệt là với Tây phương chỉ đem lại sự cô lập và nghèo nàn cho quốc gia. Vì vậy, sau khi chính quyền Mạc Phủ nới lỏng quan hệ với bên ngoài và nhất là dưới áp lực của phương Tây như Anh, Pháp cùng Hoa Kỳ, Nhật Bản càng nhìn thấy được sự cần thiết phải hội nhập với thế giới bên ngoài một cách nhanh chóng hơn qua việc chính quyền phong kiến đã rất chú trọng về phát triển giáo dục, đào tạo trí thức nên tinh thần học tập được khơi dậy và khuyến khích trên toàn quốc.

Từ đó, trào lưu học hỏi về nền học thuật Hòa Lan gọi là Lan Học (Rangaku) rồi sau được gọi chung là nền học thuật Tây Dương (Yogaku) đã đặt nền móng cho công cuộc cải cách Duy Tân của vua Minh Trị Thiên Hoàng.

Do đó, không phải chỉ đến thời vua Minh Trị, Nhật Bản mới đặt trọng tâm vào nền giáo dục để phát triển đất nước và thời đại Minh Trị được coi là một dấu ấn quyết đoán mạnh mẽ trong kế hoạch thực hiện chính sách canh tân toàn diện mang tích cách quyết định sự tồn vong cùng tương lai quốc gia dân tộc.

Với phương châm “Phú Quốc Cường Binh” (Fukoku Kyohei), vua Minh Trị chẳng những đã thực hiện công cuộc hiện đại hoá đất nước theo chủ trương tiếp tục giữ gìn những giá trị truyền thống dân tộc cùng những tinh hoa nền văn minh Trung Hoa đã thu nhận, mà còn nhận định rằng chính sách mở cửa học theo Tây Phương là điều kiện tiên quyết để chấn hưng quốc gia lúc đương thời.

Thay đổi cách nhìn vê phuowng Tây Nguồn: blog.naver.com
Thay đổi cách nhìn vê phuowng Tây Nguồn: blog.naver.com

Điều này được thực hiện bằng các quy định pháp lý cụ thể và các hình thức học tập đa dạng. Trong đó, việc mở cửa và khuyến khích công dân ra nước ngoài du học là một chính sách ưu tiên được ghi trong bản Hiến Pháp tạm thời khi vua Minh Trị mới giành lại quyền lực, đó là: “Giới trí thức được xuất dương du học để xây dựng cho tiền đồ dân tộc.” Rõ ràng, thời đó chính quyền Nhật Bản đã nhận thức được rằng họ đang kém xa các nước phương Tây và chỉ có con đường học hỏi họ mới có cơ hội và điều kiện để sánh vai cùng các cường quốc. Tuy nhiên, trong chính sách gửi người sang du học ở các nước phương Tây cũng có sự lựa chọn lựa kỹ lưỡng về ngành nghề hoặc quốc gia đào tạo với mục đích là chọn lọc những quốc gia, ngành họ có thể ứng dụng trực tiếp cho công cuộc kiến thiết đất nước. Thí dụ như trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, Nhật Bản đã chọn Pháp để học về hành chính và luật, trong khi lại đưa học sinh sang Hoa Kỳ và Đức để học về kinh doanh.

Vào cuối thế kỷ 19, trong chương trình canh tân của Minh Trị Thiên Hoàng (1872-1912), cải cách giáo dục cùng với tăng cường lực lượng quân sự và phát triển kinh tế – kỹ thuật là 3 lĩnh vực quan trọng nhất. Đặc biệt trong giáo dục, với tư tưởng “Tinh thần Nhật Bản – Kỹ thuật Tây phương” (Nippon Seishin, Saiyo Gijutsu), nền giáo dục tại Nhật đã thay đổi toàn diện và trở thành bệ phóng đưa xứ Phù Tang tiến đến tầm vóc của một “quốc gia của trí tuệ” theo như nhận định của giới chuyên môn. Trước đó, Bộ Giáo dục Nhật Bản thành lập vào năm 1871 đã sớm ban hành các chính sách phát triển hệ thống giáo dục là chính sách “Không để một trẻ em nào trong gia đình và không để một gia đình nào trong cộng đồng không được giáo dục”. Qua đó, Nhật Bản còn hướng đến phẩm chất giáo dục theo mục tiêu bảo đảm sự phát triển hài hòa của trẻ em về mọi mặt từ trí tuệ, tình cảm, tinh thần, thái độ cư xử và những đặc điểm giáo dục này được coi như hệ thống giá trị, nhân văn của xã hội rồi trở thành triết lý giáo dục cơ bản của nước Nhật.

Điều này được thể hiện rất rõ nét ở các lớp mẫu giáo ngày nay tại Nhật khi các em ngay từ lứa tuổi mầm non đã được hướng dẫn về tính tổ chức, tự lập, kỹ luật, phát triển thể chất, trí tuệ và nhất là cách chào hỏi, tươi cười khi tiếp xúc với mọi người khiến nhiều phụ huynh ngoại quốc sống tại Nhật phải ngạc nhiên.

Về tính tổ chức, các em học sinh mẫu giáo khi đến trường thường phải mang theo nhiều loại túi đựng có độ lớn khác nhau và tự mình phải để các đồ vật cần thiết trong mỗi túi một cách ngăn nắp, gọn gàng mà không cần phụ huynh phải giúp đỡ Từ đó, cũng giúp cho các em tự nhận biết khi đổ rác phải phân loại ở các thùng rác khác nhau. Trong khi đó, về mặt kỷ luật nhà trường đặt trọng tâm vào việc đưa ra ý niệm tự giác qua cách dạy các em tuân giữ giờ giấc, cách xếp hàng, hoặc lúc lên xe bus, xe điện trong trật tự mà không cần phải được nhắc nhở. Còn về tính tự lập, thì ở trường mẫu giáo Nhật Bản các em thường phải quần áo, giày dép nhiều lần để thích hợp với giờ sinh hoạt ngoài trời nhưng không phụ huynh nào được giúp con em mình thay đổi y phục mà phải tự các em làm lấy. Chỉ cần nhìn qua hình ảnh các em loay hoay, luống cuống vụng về khi thay quần áo hay mang giày vớ, có lẽ chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của hình thức giáo dục cho các em tập thói quen tự lập.

Tính tự lập còn thể hiện nơi các em học sinh trung học khi việc đưa đón con em đến trường được coi là một điều bất đắc dĩ, trừ khi các em bị bệnh bất ngờ trong giờ học. Ngoài ra, hầu như không có việc phụ hưng đưa con em ở lứa tuổi trung học đến trường. Ngược lại, có rất nhiều học sinh ở vùng thôn quê phải đi xe đạp đến nhà ga hoặc trạm xe điện rồi từ đó dùng các phương tiện giao thông công cộng để đến trường mỗi ngày mất khoảng 2 đến 3 tiếng cho giờ đi và giờ về. Về thể chất, các em bé mầm non cũng được rèn luyện thường xuyên qua nhiều trò chơi ngoài trời và những buổi thi đấu thể dục thể thao.

Một giáo viên mẫu giáo thường phụ trách mỗi lớp có khoảng từ 10 đến 30 em nhưng họ vẫn chăm lo đầy đủ khi nắm vững tất cả cá tính cùng năng lực của học sinh. Đặc biệt, là giáo viên mẫu giáo hoặc tiểu học, trung học tại Nhật cũng phải hòa đồng cùng học sinh trong việc rèn luyện thể chất qua điều quy định họ chỉ được mặc đơn sơ một chiếc ao len mỏng bên ngoài vào mùa Đông giá lạnh khi đến trường vì các em học sinh tiểu học luôn mặc đồng phục với quần ngắn trong khi các em học sinh trung học nữ thì mặc váy.

Ngoài ra, trong giờ giảng bài, giáo viên cũng không được ngồi dù ở sau chiếc bàn của họ có sẵn ghế. Giáo viên còn phải kiêm luôn công việc thay nhau đứng ngoài cổng đón các em học sinh đến trường và kiểm tra đồng phục. Mối liên quan giữa giáo viên phụ trách và phụ huynh tại Nhật Bản rất chặt chẽ qua những thư thông báo về học lực cũng như liên lạc về tình trạng học sinh được gửi đều đặn hàng tháng hoặc đôi khi hàng tuần.

Về thành thích học tập ở mỗi học kỳ, giáo viên sẽ có buổi tiếp xúc với từng phụ huynh cùng học sinh để trình bày và đưa ra ý kiến đóng góp. Trường hợp những em học sinh kém sẽ có những buổi dạy thêm do đích thân giáo viên phụ trách hướng dẫn.

Đối với các em học sinh trung tiểu học người ngoại quốc thì cũng có những giờ dạy riêng biệt về Nhật ngữ để giúp các em thông hiểu ngôn ngữ rồi mới bắt đầu theo học cùng bạn đồng lớp. Tại một số trường trung tiểu học ở Kobe, Osaka có đông học sinh người Việt tị nạn theo học, nhà trường còn bỏ ra ngân sách để mời những người Việt làm nghề thông dịch hoạc đang học bậc đại học cùng hướng dẫn cho các em với giáo viên phụ trách tùy theo các môn học cần thiết, đặc biệt là về Nhật ngữ đối với các em vừa mới đến Nhật. Trong Nhật ngữ ngoài Kanji là Hán tự mà người Nhật vẫn không thống nhất cách đọc, còn có bộ chữ Hiragana (Bình Giả Danh) và Katakana (Phiến Giả Danh), là hệ thống chữ viết do người Nhật đặt ra. Học sinh tiểu học Nhật từ lớp một đến lớp sáu mỗi năm học gần 200 chữ Kanji quy định, tức sau khi qua bậc tiểu học thì các em nhớ được trên 1000 chữ, sau đó lên lớp chín thì phải thuộc 1945 chữ thông dụng mới có thể đọc báo.

Ngoài ra, đứng trước một vấn nạn xã hội là hiện tượng tự tử xảy ra trong giới học sinh trung học xuất phát từ nguyên nhân thường thấy là tình trạng bắt nạt học đường, nhiều nhà trường đã có sáng kiến mời người Việt tị nạn đến để trình bày cho các em nghe về kinh nghiệm trải qua những cuộc hải trình, vượt biên tìm tự do để nêu bật sự quý trọng vô giá của sinh mạng. Đồng thời, nỗ lực vượt qua những hoàn cảnh khó khăn lúc ban đầu trong cuộc sống tại Nhật của người Việt tị nạn cũng là một đề tài để các em học sinh Nhật Bản tìm hiểu và thực hiện các bài luận văn trong môn Quốc Ngữ.

Hai môn học khó khăn nhất đối với các em học sinh ngoại quốc ở lứa tuổi trung tiểu học nhưng chưa thông hiểu Nhật ngữ là Quốc Ngữ (Kokugo) và Xã Hội (Shakai) vốn được coi như môn Văn học và Công Dân, đòi hỏi sự hiểu biết về nét đặc thù của tiếng Nhật hay nói cách tổng quát là nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Vì vậy, một học sinh Nhật Bản từ bậc trung tiểu học thi vào đại học Nhật Bản phải trải qua thời gian học tập gian nan hơn rất nhiều so các du học sinh ngoại quốc được vào trường đại học ở Nhật Bản.

Hệ thống giáo dục của Nhật Bản gồm 7 cấp: Mẫu giáo (3-6 tuổi), tiểu học (6-12 tuổi), trung học cấp 2 từ 12-15 tuổi và cấp ba từ 15-18 tuổi), sau đó Trung học chuyên môn, đại học, cao học, tiến sĩ. Ở Nhật, hầu hết các trường tiểu học đều là trường công, chỉ có khoảng 0,7% trường tiểu học là trường tư. Các trường trung học cấp 2 có khoảng 97% là trường công và 27% trường trung học cấp ba là trường tư.

Hệ thống Giáo dục Nhật Bản. Nguồn: akashi.ac.jp
Hệ thống Giáo dục Nhật Bản. Nguồn: akashi.ac.jp

Bước vào lĩnh vực đại học và các trường cao đẳng chuyên nghiệp thì những cơ sở đào tạo này thuộc 3 hình thức sở hữu: quốc lập, công lập và tư thục. Trong trường đại học có hệ đại học thông thường và hệ cao học. Khóa trình đại học chính thức thường là 4 năm, riêng y khoa, nha khoa, dược khoa, thú y là 6 năm. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng cử nhân. Hệ cao học gồm có chương trình thạc sĩ 2 năm và chương trình tiến sĩ 5 năm; chương trình tiến sĩ được chia thành giai đoạn đầu (2 năm) và giai đoạn sau (3 năm).

Còn chương trình đại học ngắn hạn thông thường là 2 năm, sau khi hoàn thành sẽ được cấp bằng cao đẳng. Các loại hình thức trường đào tạo chuyên biệt có trường trung học phổ thông chuyên môn, trung học chuyên nghiệp v.v…

Trường trung học chuyên nghiệp tuy không phải là cơ sở nghiên cứu như đại học, nhưng lại là một hình thức đào tạo rất độc đáo và thiết thực cho xã hội. Trong đó, các lĩnh vực như thiết kế, nhiếp ảnh, vẽ truyện tranh hay làm phim hoạt hình được đào tạo nhiều hơn đại học.

Bậc Đại Học Nhật Bản có 3 đặc điểm gồm:

-Thứ Nhất: thực hiện việc nghiên cứu học thuật ở trình độ tiên tiến và đào tạo nhân lực có khả năng lãnh đạo.

Mục tiêu đào tạo ở bậc đại học lấy học thuật làm nòng cốt, để nâng cao năng lực tri thức và chuyên môn, khác với trường Trung cấp chuyên nghiệp là tập trung vào nội dung giảng dạy sát thực tiễn. Trường đại học chú trọng vào nghiên cứu và lý luận. Có thể nói mục đích cuối cùng của đại học là phát hiện và khai triển lý luận mới, kỹ thuật mới rối cung cấp những thành quả đó cho xã hội, cống hiến cho sự phát triển của xã hội, đào tạo những kỹ sư, cử nhân có trình độ học vấn và chuyên môn cao.

-Thứ hai: mô hình học tập, đi sâu nghiên cứu chuyên môn

Thông thường bậc đại học có thời gian học 4 năm thì trong 2 năm đầu học kiến thức cơ bản theo chiều rộng, hai năm cuối phân ngành đi sâu nghiên cứu chuyên môn. Sinh viên bước vào giai đoạn nghiên cứu sẽ tự quyết định đề tài của mình và tham gia nhóm nghiên cứu gồm một số sinh viên. Giáo sư hướng dẫn nhóm nghiên cứu là giảng viên nhà trường có trách nhiệm phải thảo luận và hỗ trợ cho sinh viên trong việc nghiên cứu đề tài mà sinh viên đóng vai trò chính yếu.

-Thứ ba: chứng chỉ tốt nghiệp đại học là cơ hội cống hiến cho xã hội

Tại Nhật Bản, chứng chỉ tốt nghiệp đại học được coi là cơ hội mở rộng cánh cửa bước vào đời, bởi vì hầu hết doanh nghiệp, hãng xưởng ở Nhật Bản có một tiêu chuẩn tuyển dụng đó là “Thành tích học tập”. Hơn phân nửa các doanh nghiệp mở cửa đối với sinh viên đã tốt nghiệp đại học, ngoại trừ các công việc cần đến tay nghề chuyên môn. Do đó, những sinh viên học các ngành liên quan đến công việc sản xuất của những doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đều được gửi thư ngỏ ý kiến tuyển dụng ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Tuy gần đây, các doanh nghiệp của Nhật Bản đã bắt đầu có khuynh hướng đi theo chủ nghĩa thực dụng nên cách đánh giá thiên về bằng cấp đang giảm dần, nhưng trên căn bản vẫn coi trọng thành tích học tập. Đặc biệt, khi tuyển dụng nhân lực ở vị trí tương đối cao trong hãng xưởng thì điều kiện vẫn là phải tốt nghiệp đại học.

Kế đến, về nội dung giáo dục của bậc đại học chia thành 10 khối

1. Khối Khoa học Nhân Văn – Là lĩnh vực nghiên cứu sâu rộng về tâm lý và hành động của con người đồng thời giải thích và làm sáng tỏ bản chất của con người. Đối tượng nghiên cứu là hành vi ngôn ngữ, phương cách giao tiếp, lịch sử giải thích quá trình phát triển của loài người, tư tưởng, tôn giáo, ý hướng tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, nền văn hóa, văn minh của nhân loại v.v…

Dưới sự hướng dẫn của giáo sư hoặc các nhà nghiên cứu, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội tiến bước trên con đường thênh thang này. Khối KHNV có các môn học như: Triết học, Tôn giáo học, Văn học Nhật Bản, Ngoại ngữ, Lịch sử, Khảo cổ, Địa lý, Tâm lý học, Văn hóa, Thông tin thư viên…

2. Khối khoa học xã hội – Gồm những ngành nghiên cứu sự hình thành và cơ cấu xã hội, những hiện tượng xảy ra trong đời sống hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn. Có nhiều nghành liên quan đến kinh tế, thương mại. Bên cạnh việc đào tạo những những ngành nghề chuyên môn như luật gia, tư vấn kinh doanh, còn đào tạo những kiến thức tổng thể hữu ích cho bất cứ công việc nào. Môn học: Luật học, Chính trị, Kinh tế, Thương mại, Kinh doanh, Xã hội học, Phúc lợi, Du lịch, Tin học…

3. Khối khoa học tự nhiên – Gồm những bộ môn nghiên cứu về hiện tượng nhiên, những tri thức hữu ích cho phát triển khoa học kỹ thuậtvới các môn gọc gồmToán, Vật lý, Hóa học, Sinh vật, Địa lý…

4. Khối kỹ thuật công nghiệp – Gồm những bộ môn nghiên cứu tri thức, kỹ thuật “tạo ra sản phẩm” làm cho xã hội sung túc hơn như những hệ thống điều hành, máy móc, trang thiết bị.

Điểm khác biệt với bộ môn công nghiệp của Trung cấp chuyên nghiệp là ở chỗ không chỉ nắm bắt được kỹ thuật tạo ra sản phẩm mà còn nghiên cứu những kỹ thuật tiên tiến nhất đang phát triển từng ngày. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên đi theo con đường nghiên cứu, khai thác và phát triển. Môn học: Kỹ thuật cơ khí, Điện- Thông tin, Điện – Điện tử, điện toán, Xây dựng, Môi trường, Kiến trúc, Vật lý ứng dụng, Hóa học ứng dụng, Năng lượng nguyên tử, Gia công cơ khí, Kỹ thuật vật liệu, Kỹ thuật hàng hải – hàng không, Kinh doanh, Sinh vật học, Tài nguyên học.

5. Khối nông nghiệp – Nông nghiệp là một lĩnh vực đi đầu thời đại thể hiện qua sự phát triển mạnh mẽ của ngành sinh học. Các bộ môn nông nghiệp được kỳ vọng nhiều về mặt xã hội do tập trung nghiên cứu việc cung cấp ổn định và sử dụng hữu hiệu nguồn tài nguyên lương thực thực phẩm, bảo vệ hệ sinh thái của sinh vật bằng cách bảo toàn và tái sinh môi trường tự nhiên.

Môn học: Nông nghiệp, Hóa học nông nghiệp, Kỹ thuật nông nghiệp, Kinh tế học nông nghiệp, Thú y, Chăn nuôi, Thủy sản, Lâm nghiệp, Sản xuất sinh vật, Tài nguyên sinh vật….

6. Khối y tế, bảo vệ sức khỏe – Tuy những ngành học 6 năm được biết đến như y khoa, nha khoa, dược, nhưng gần đây cùng với việc mở rộng chăm sóc y tế theo khu vực, theo nhóm nên số khoa đào tạo nhân viên bảo vệ sức khỏe ở Nhật đã tăng lên rõ rệt. Mục đích của hệ 4 năm đào tạo những chuyên viên có kiến thức y tế cao hơn qua các môn học: Y học, Nha, Dược, Kỹ thuật bảo vệ sức khỏe- vệ sinh- y tế, Khoa học tuổi thọ, Khoa học sức khỏe, Thể thao, Chăm sóc phúc lợi, Phục hồi chức năng, Vật lý trị liệu.

7. Khối Gia Chánh & đời sống – Gồm những môn học lý luận và kỹ thuật cần thiết để tạo nên môi trường sống lành mạnh, thoải mái với kiến thức tổng hợp về môi trường xung quanh cuộc sống. Đặc điểm của ngành này là phạm vi nghiên cứu rộng và nhiều đề tài được xã hội quan tâm nhiều như phòng ngừa bệnh do thói quen sinh hoạt của phụ nữ, vấn đề sinh thái….

Môn học: Gia chánh, Khoa học tuổi thọ, Món ăn, May mặc, Dinh dưỡng…

8. Khối giáo dục – Giáo dục ở đây là đào tạo giáo viên cho những trường yêu cầu với phạm vi nghiên cứu rất rộng và có liên quan từ mọi ngành học như triết học, tâm lý học, xã hội học, sinh lý học. Môn học: Giáo dục học, Sư phạm, Giáo dục thể chất, Nhi đồng học, Giáo dục mầm non…

9. Khối nghệ thuật – Gồm những bộ môn đòi hỏi tính sáng tạo và kỹ thuật thể hiện của nghệ thuật. Mục tiêu là đào tạo những nghệ sĩ hay những nhà sáng tác trong lĩnh vực nghệ thuật như mỹ thuật, thiết kế, âm nhạc. Đặc điểm của khối này không chỉ học kỹ thuật trình diễn mà còn học cả lý luận làm nền tảng cho sự thể hiện nghệ thuật.

Môn học: Mỹ thuật, Thiết kế, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Phát thanh, Sân khấu, Văn nghệ, Thẩm mỹ….

10. Khối tổng hợp – Hiện nay, các trường đại học Nhật Bản đều đang thực hiện cải cách giáo dục. Các môn học vốn có nay lại càng thay đổi nhiều hơn. Đặc biệt, quan niệm “Nghệ Thuật Tự Do” (Liberal Art) đang phổ biến trong những lĩnh vực rộng lớn của cả ngành khoa học xã hội lẫn tự nhiên, nên có nhiều môn học ra đời vượt ra ngoài khuôn khổ của hệ thống môn học từ trước đến nay.

Để tiến đến những lĩnh vực rộng lớn, Nhật Bản đang thực hiện các chương trình thử nghiệm mang tính bước ngoặc như liên kết với các trường đại học khác với nhau. Trong lĩnh vực này, sinh viên có thể học nhiều các môn học một cách có hệ thống như: Giáo dưỡng học, Tích hợp học, Nhân loại học, Quan hệ quốc tế, truyền thông báo chí, Chính sách tổng hợp, Tin học môi trường, Xã hội học khu vực.

Hiện nay, Nhật Bản đang thực hiện các chính sách thu hút sinh viên nước ngoài đến du học. Rất nhiều trường dự bị được mở nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho sinh viên ngoại quốc. Chính phủ Nhật còn hỗ trợ cho du học sinh thông qua các chương trình học bổng như Học bổng toàn phần, miễn trừ học phí, hỗ trợ tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, để phụ giúp cho các chi phí như tiền học và các khoản sinh hoạt khác, sinh viên được phép làm việc bán thời gian và vay tiền từ Tổ chức học bổng của chính phủ. Nhiều tổ chức khác từ chính quyền địa phương, cơ quan phi lợi nhuận cũng góp phần không nhỏ về mặt tài chính hỗ trợ cho sinh viên.

Nhờ chính sách mở rộng cửa giáo dục, các trường học Nhật Bản đã có những chương trình mang tính cách quốc tế như đón nhận sinh viên và giáo sư nước ngoài, thúc đẩy các chương trình nghiên cứu và giảng dạy song ngữ cũng như khuyến khích giới trẻ Nhật Bản du học, tạo điều kiện cho sinh viên tìm việc sau khi tốt nghiệp. Chính sách này xuất phát từ sự thiếu hụt dân số trẻ tại Nhật Bản do tốc độ lão hóa nhanh đã tạo ra những bước cản lớn cho việc đẩy mạnh phục hồi nền kinh tế

Qua chính sách mới này, Nhật Bản hy vọng sẽ tạo nên động lực lớn để thay đổi nền giáo dục theo hướng toàn cầu hóa, đồng thời với cải cách giáo dục phù hợp theo thời đại khoa học và kỹ thuật mới nhằm đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có hệ thống giáo dục phát triển nhất thế giới với môi trường học tập lý tưởng cho sinh viên Nhật Bản và sinh viên nước ngoài.


Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.

1 Comment on “Bài Học Nhật Bản (5)

  1. CHỖ ĐỨNG
    Không ai thay được
    Diện tích nhỏ nhoi tôi đang chiếm này
    Một chỗ đủ nương đôi chân
    Khoảng không vừa cho thân thể
    Không ai nói được
    Thanh điệu lời tôi
    Cảm xúc như tôi theo những buồn vui

    Tôi tìm về hoài cho lòng đỡ nhớ
    Nhưng chưa bao giờ gặp lại
    Dáng nón che vai con đường mùa thu
    Hương dậu chỉ một lần nào đã thơm
    Thác tình chỉ một lần nào đã đổ
    Vun nửa đời qua tôi bằng trí nhớ
    Nuôi nửa đời sau tôi bằng bỡ ngỡ
    Thuộc lòng đời tôi như những mẫu tự
    Nhưng từng chữ đứng xa nhau
    Sẽ rất lang thang vô nghĩa
    Không nói lên thành lời
    Không là câu văn xuôi

    Vì thế cho nên
    Trăm trang mới là cuốn sách
    Ngàn cây mới gọi là rừng
    Triệu người hợp thành một nước
    Đất và suối ngàn liên kết cây rừng
    Lúa gạo, tình thương xây nền xứ sở
    Xứ sở có riêng một quá trình
    Riêng dòng lịch sử với nhục cùng vinh
    Riêng những huy hoàng
    Không gì thay thế

    Không gì thay thế
    Dáng nón che vai con đường mùa thu
    Sáo diều trong chiều mùa hạ
    Câu hò con đò nhặt khoan
    Bưởi Biên Hòa qua bến đò ngang
    Hương quế cao nguyên Yên Bái bạt ngàn
    Không như nơi nào khác
    Chùm nắng đầu tiên trong ngày
    Vừng trăng từ biển cả
    Sáng soi riêng quê hương này
    Một vòng lưỡng nghi chũ S
    Như phượng múa rồng bay

    Không ai thay được
    Diện tích nhỏ nhoi tôi đang chiếm này
    Không ai nói được thanh điệu lời tôi
    Cảm xúc như tôi theo những buồn vui
    Không gì thay được
    Vị trí quê tôi dưới ánh mặt trời
    Màu Xanh quê hương tôi
    Không gì thay thế được
    Việt Nam
    Việt Nam muôn muôn đời.

    ( YY. Màu Xanh Cho Quê Hương )