Sài Gòn Thất Thủ – Kỳ 18

Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR

sg75fNgày 30/4/1975 là một ngày mà tôi không thể nào quên được. Bởi vì đó là ngày Sài Gòn thất thủ và được cho là dấu ấn kết thúc cuộc chiến Việt Nam.

Kẻ thắng nhập thành

Xe tăng của quân Cộng sản bắc Việt trên Đại lộ Thống Nhất ngày 30 tháng 4, 1975. Nguồn: flickr.com
Xe tăng của quân Cộng sản bắc Việt trên Đại lộ Thống Nhất ngày 30 tháng 4, 1975. Nguồn: flickr.com

Ngày 30/4/1975 là một ngày mà tôi không thể nào quên được. Bởi vì đó là ngày Sài Gòn thất thủ và được cho là dấu ấn kết thúc cuộc chiến Việt Nam. Hơn nữa, bản thân tôi vào ngày hôm đó cũng có mặt ở thủ đô Sài Gòn của miền Nam Việt Nam hay nói cách khác là tôi đã chính mắt mục kích sự kiện mang tính cách lịch sử này nên tôi không thể nào quên được.

Hàng năm, mỗi khi đến ngày 30/4 thì trong đầu tôi lại nhớ đến tình cảnh “ngày này năm xưa” và cứ mỗi lần như vậy tôi lại có sự thay đổi suy nghĩ với câu hỏi “có thực sự đó là ngày chấm dứt cuộc chiến VN?”

Trong lịch sử đầy biến động của thế kỷ 20, cuộc chiến tranh Việt Nam đúng là một sự kiện quan trọng mang tầm ảnh hưởng đến cục diện thế giới. Trải qua bao năm tháng cho đến nay, cuộc chiến Việt Nam với màn chung kết là sự kiện Sài Gòn Thất Thủ đã mang ý nghĩa như thế nào?

Đầu tiên có lẽ phải đặt tiền đề về sự minh ám của lịch sử.

24 tháng Tư, 1965 - nhóm hoạt động Beheiren lần đầu tiên biểu tình phản chiến. Beheiren (‟Betonamu ni Heiwa o Shimin Rengo” - Liên minh Công dân vì hòa bình tại Việt Nam) là một nhóm hoạt động Nhật Bản đã sinh hoạt trong gia đoạn 1965-1974 là một liên minh của một vài trăm nhóm chống chiến tranh phản đối sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Nguồn ảnh: Kingendai / AFLO.
24 tháng Tư, 1965 – nhóm hoạt động Beheiren lần đầu tiên biểu tình phản chiến. Beheiren (‟Betonamu ni Heiwa o Shimin Rengo” – Liên minh Công dân vì hòa bình tại Việt Nam) là một nhóm hoạt động Nhật Bản đã sinh hoạt trong gia đoạn 1965-1974 là một liên minh của một vài trăm nhóm chống chiến tranh phản đối sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Nguồn ảnh: Kingendai / AFLO.

Việc ghi chép và bình giải về một cuộc chiến đương nhiên sẽ mang nội dung khác biệt tùy theo người thực hiện. Nghĩa là sẽ có hai loại bút mang lập trường tương phản giữa người chiến thắng và kẻ bại chiến nên tạo thành những điểm sáng và những điểm tối mà ta gọi là sự minh ám của lịch sử. Thông thường, kẻ chiến thắng tạo nên những thiên hùng ca, còn trái lại người chiến bại viết thành một bi kịch uất nghẹn. Nhưng cho dù là người truyền đạt hoặc kẻ đọc lại lịch sử đi chăng nữa thì sau khi trải qua một thời gian dài, tất sẽ có khuynh hướng đưa cảm quan nghiêng về một phía.

Hơn nữa, nếu cho rằng kẻ thắng là phe thiện còn người thua là phe ác thì chắc chắn khuynh hướng nghiêng một về phía càng trở nên cực đoan hơn. Trong khi sự thật của lịch sử nếu không được suy xét tìm hiểu sẽ dễ dàng bị vất bỏ và bị lãng quên. Vấn đề ghi chép và bình giải cuộc chiến Việt Nam cho hậu thế cũng giống như vậy, sau một thời gian trôi qua, sự bóp méo lịch sử của cuộc chiến này càng được đơn thuần hóa và trải rộng nên ít người ngoại quốc nhìn thấy được sự thật.

Trường hợp giới truyền thông Nhật Bản cũng có cái nhìn thiên kiến về cuộc chiến Việt Nam ngay từ lúc ban đầu vì họ thông tin theo chiều hướng cảm tính bị ảnh hưởng từ các luận điệu tuyên truyền chính trị đầy hư cấu, ngụy tạo của phe CSBV. Và cho dù sự thật đôi khi được đưa ra nhưng với cảm quan chính trị đầy cố chấp, giới truyền thông Nhật không bao giờ chấp nhận những gì trái ngược với nội dung thông tin của họ về cuộc chiến Việt Nam. Trải qua năm tháng, những sự thật đầy uẩn khúc bên trong của cuộc chiến Việt Nam lại đương nhiên được chấp nhận một cách vô tình, thờ ơ hoặc vì đã quá mệt mỏi trong các cuộc tranh luận. Điều này quả thật nguy hiểm và bất công đối với những trang chính sử của cuộc chiến Việt Nam. Vì vậy, cũng do vấn đề thời gian, nếu ta không suy gẫm và soi sáng các điểm minh ám trong lịch sử, cuộc chiến Việt Nam sẽ mãi mãi không bao giờ được nhìn ra ý nghĩa chân thật của nó.

Qua tiền đề minh ám lịch sử, tôi mạo muội tự ý tiếp tục tìm hiểu và lược qua các điểm chính yếu của cuộc chiến Việt Nam từ lúc mở màn cho đến khi kết thúc để giới thiệu đến dư luận Nhật Bản vốn có rất ít người hiểu rõ chân tướng. Và đây cũng là lý do tôi thực hiện loạt bài ký sự Sài Gòn Thất Thủ.

30 April 1975: Tướng Dương Văn Minh (G, cúi mặt), tổng thống sau cùng của VNCH, bên cạnh cựu nghị sĩ Vũ Văn Mẫu – Thủ tướng nội các DVM - và đoàn tùy tùng rời Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 1975 sang đài phát thanh đọc lời tuyên bố  đầu hàng sau khi bị Cộng quân Bắc Việt bắt. Tiền cảnh là sĩ quan CSBV Phạm Xuân Thệ (P) và Bàng Nguyên Thất (T). Nguồn ảnh: AFP/Getty Images
30 April 1975: Tướng Dương Văn Minh (G, cúi mặt), tổng thống sau cùng của VNCH, bên cạnh cựu nghị sĩ Vũ Văn Mẫu – Thủ tướng nội các DVM – và đoàn tùy tùng rời Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 1975 sang đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng sau khi bị Cộng quân Bắc Việt bắt. Tiền cảnh là sĩ quan CSBV Phạm Xuân Thệ (P) và Bàng Nguyên Thất (T). Nguồn ảnh: AFP/Getty Images

Vào ngày định mệnh, từ sáng sớm những đám mây đen u ám với những cơn mưa nhẹ bao bọc bầu trời thành phố Sài Gòn. Từ máy radio, người dân nghe rõ giọng nói nặng nề của vị tổng thống cuối cùng là ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng:

“Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương trao lại cho chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.”

Đó là thời điểm quá Ngọ ngày 30/4/1975, tôi đã gửi ngay bức điện tín tốc báo sự kiện quan trọng này gửi về tòa soạn báo Mainichi ở thủ đô Tokyo.

Thế nhưng, dù nội dung bản văn đầu hàng được ông Dương Văn Minh tuyên đọc, nhưng phía CSBV vẫn không tiếp nhận và tiếp tục công kích các đơn vị phòng thủ của quân lực VNCH. Rồi chỉ khoảng chừng hai tiếng sau, quân lính CSBV với đoàn xe tăng đã tràn vào đến tận Dinh Độc Lập bắt ông Minh đi đến đài phát thanh để đọc bản văn đầu hàng do họ biên soạn. Tại đây khi giọng nói của ông Dương Văn Minh cất lên, coi như lần đầu tiên miền Nam Việt Nam tức nước VNCH chính thức tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước dư luận thế giới. Thế nhưng, khi nghe Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên đọc những lời đầu tiên, tôi đã phán đoán rằng thế lực chiến đấu của quân đội VNCH đã thực sự bị tan rã nên tôi vội vã chạy ra ngoài đường phố.

Một người cha miền Nam Việt Nam gánh con và túi vật dụng gia đình rời khỏi ngôi làng của mình gần Trảng Bom trên Quốc Lộ 1 phía tây bắc của Sài Gòn ngày 23 tháng 4 1975. Nguồn ảnh: AP Photo / KY Mhan.
Một người cha miền Nam Việt Nam gánh con và túi vật dụng gia đình rời khỏi ngôi làng của mình gần Trảng Bom trên Quốc Lộ 1 phía tây bắc của Sài Gòn ngày 23 tháng 4 1975. Nguồn ảnh: AP Photo / KY Mhan.

Lúc đó từ phía đông thành phố Sài G có hàng ngàn quân nhân VNCH cùng với xe tăng thiết giáp và xe jeep xuất hiện trong quang cảnh đổ xô nhau chạy loạn khắp nơi và trong đó có nhiều người tuy bị thương nhưng cũng cố gắng bỏ chạy. Trải qua những giây phút mà tôi có cảm tưởng như thời gian ngưng đọng lại, thì quân đội Bắc Việt bắt đầu tràn vào thành phố từ bốn phương tám hướng. Giờ đây nghĩ lại, lúc đó tôi thật liều lĩnh vì cho dù trên danh nghĩa cuộc chiến đã chấm dứt, nhưng tại nhiều nơi vẫn còn những cuộc chạm súng đẩm máu và thực tế là tiếng súng chưa im hẳn. Chính vì vậy, cho dù có nhận thức rằng bao nỗi nguy hiểm đang rình rập quanh mình, nhưng với sự suy nghĩ là không thể nào bỏ qua được giây phút lịch sử chứng kiến cảnh chấm dứt cuộc chiến Việt Nam nên tôi đã quên đi tất cả mọi thứ.

Lần đầu tiên, tôi đã nhìn thấy tận mắt quân đội Bắc Việt với khoảng hai mươi mấy người ngồi trên chiếc xe vận tải của Liên Xô trong quân phục màu cỏ xanh, đầu đội nón cối trên tay nắm chặt súng và nghiêm chỉnh trong tư thế sẵn sàng đối ứng với các tình hình bất ngờ (có thể) xảy ra. Trên khuôn mặt vừa có vẻ ngơ ngác vừa đăm đăm nhìn cảnh vật chung quanh là màu da rám nắng của những binh sĩ Bắc Việt. Trông họ đều là những người có cử động nhanh nhẹn và dường như đã trải qua nhiều trận đánh trên chiến trường. Rõ ràng đây là những đạo quân tinh nhuệ và thiện chiến của phía Bắc Việt.

Sau đó, tôi cũng chứng kiến cảnh quân Bắc Việt chiếm cứ Dinh Độc Lập. Từ những toán quân ngồi trên vài chiếc xe vận tải có ngụy trang lá cây, họ đã dừng lại trước Dinh Độc Lập và nhóm quân lính này nhanh nhẹn nhảy xuống xe tiến vào sân cỏ mà không hề gây ra âm thanh ồn ào nào. Kế tiếp, họ chia thành nhiều nhánh quân trên tay cầm loại súng AK-47 hoặc đeo các loại súng ngắn bên hông lần lượt tiến vào trong. Lúc đó, một người có lẽ là sĩ quan cầm đầu ra hiệu lệnh lớn tiếng rồi không quá một phút sau, tôi nhìn thấy các quân nhân VNCH xuất hiện với cờ trắng trong tay. Khi ấy, viên sĩ quan của phía Bắc Việt cũng chĩa mũi súng về hướng những người ra dấu đầu hàng.

Vì tôi đứng ở vị trí khá gần người sĩ quan này nên khi đưa ống kính chụp hình để chụp lại quang cảnh thì tôi cũng bắt gặp những tia nhìn sắc bén của các binh sĩ Bắc Việt, nhưng chỉ một chốc sau họ tỏ thái độ không thèm để ý đến sự hiện diện của tôi. Ngay khi đó trên nóc Dinh Độc Lập, lá cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH cũng bị thay bằng cờ của phe chiến thắng, đánh dấu màn chung kết của cuộc tranh Việt Nam. Tuy đó chỉ là giây phút ngắn ngủi nhưng tôi lại cảm thấy nhiều cảm xúc dâng tràn khi lá quốc kỳ VNCH bị hạ xuống một cách phũ phàng…

Một phiên họp chung phần còn lại của lưỡng viện Quốc hội miền Nam Việt Nam để bỏ phiếu ngày Chủ Nhật 28 Tháng 4, 1975 yêu cầu Tổng Thống Trần Văn Hương để trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh. Hành động giờ thứ 11 (không hợp hiến -DCVOnline) của dân biểu và nghị sĩ quốc hội  nhằm thương lượng với các quân cộng sản Bác Việt. Nguồn ảnh:AP Photo / Errington.
Một phiên họp chung phần còn lại của lưỡng viện Quốc hội miền Nam Việt Nam để bỏ phiếu ngày Chủ Nhật 28 Tháng 4, 1975 yêu cầu Tổng Thống Trần Văn Hương để trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh. Hành động giờ thứ 11 (không hợp hiến -DCVOnline) của dân biểu và nghị sĩ quốc hội nhằm thương lượng với các quân cộng sản Bác Việt. Nguồn ảnh:AP Photo / Errington.

Từ buổi trưa cho đến tối 30/4/1975 đã có hơn 100.000 quân Bắc Việt tiến vào Sài Gòn. Tất cả đều là bộ đội thuộc lực lượng chính quy của quân đội Bắc Việt, tức quốc gia VNDCCH. Trong kế hoạch tấn công Sài Gòn mà phía Bắc Việt gọi là chiến dịch HCM do tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy đã dùng quân số lên đến 15 sư đoàn để đánh chiếm thủ đô miền Nam Việt Nam. Trong khi phía quân đội VNCH chỉ có chưa đầy 5 sư đoàn bảo vệ thủ đô nên trong một thời gian ngắn họ bị vỡ trận.

Đối với tôi, việc quân đội cộng sản Bắc Việt tràn vào Sài Gòn với một lực lượng hùng hậu và còn được trang bị vũ khí đủ loại, đã cho thấy mức độ quy mô và áp đảo hẳn lực lượng quân VNCH như chiến xa T-54, loại pháo cực đại 130 ly, loại xe tăng lội nước PT-76 có tính cơ động đa năng của Liên Xô, cùng với đủ loại xe tải và vũ khí khác ghi hàng chữ tàu do Trung cộng sản xuất như hỏa tiễn, đại pháo. Qua đó chỉ có thể kết luận rằng quân Bắc Việt đã được trang bị ở cấp đại chiến lực cùng với nhiều loại vũ khí cận đại.

Tóm lại, những gì diễn ra trước mắt tôi quả thật đã hoàn toàn trái ngược với cái gọi là “cuộc kháng chiến thần thánh của người dân Nam Bộ dưới ngọn cờ MTGPMN đã đánh tan chính quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ xâm lược” mà phía Hà Nội đã tuyên truyền và được đa số dư luận thế giới tin theo.

©Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR

(Kỳ tới: Kỳ 19: Đại sứ bất tại)


Nguồn Sài Gòn Thất Thủ – Kỳ 18. Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR.