‘Chợ tình’ ở miền núi Việt Nam

DCVOnline | Tin AFP

sapa3SAPA, VIỆT NAM – Hẹn hò không bao giờ là chuyện dễ dàng, nhưng tìm được đối tượng vừa ý khi bạn sống ở môt ngôi làng nhỏ, hẻo lánh ở vùng núi Việt Nam gần như là việc bất khả thi. Giải pháp là gì? Chợ tình.

Tình yêu trong thời đại của du khách

Nhạc sĩ cổ truyền người Hmong Giàng A Vàng, trái, và vợ của ông Vàng Thị Xô, phải, đang nhảy một điệu múa tình yêu ở thị trấn Sapa trên miền núi phía tây bắc Việt Nam.  Ảnh AFP.
Nhạc sĩ cổ truyền người Hmong Giàng A Vàng, trái, và vợ của ông Vàng Thị Xô, phải, đang nhảy một điệu múa tình yêu ở thị trấn Sapa trên miền núi phía tây bắc Việt Nam. Ảnh AFP.

Từ nhiều thế hệ qua những người trẻ của nhiều dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam đã đến thị trấn Sapa vào tối thứ Bảy để tìm người bạn đời tương lai của họ. Ông Vàng, 50 tuổi, cho biết lần đầu tiên ông đến thăm “chợ tình” ba mươi năm trước, và trong vài tuần sau đó, ông trở lại “chợ tình” để gặp người yêu Vàng Thị Xô và cùng nhau chơi nhạc như là một phần của nghi lễ tán tỉnh của người Hmong – ông Vàng chơi đần vĩ cầm và bà Xô thổi kèn lá. Ảnh AFP)

“Thật là quá thú vị. Tôi muốn biết tôi sẽ gặp được cô gái đẹp nào không,” nhạc sĩ Giàng A Vàng, 50 tuổi, cho biết ý nghĩ trong chuyến thăm chợ tình lần đầu tiên của ông ba mượ năm về trước.

Một thiếu nữ đã nổi bật trong đám đông năm đó.

“Khi thấy cô ấy lần đầu tiên thì tôi đang chơi vĩ cầm. Tôi đã hỏi cô ấy có thích tiếng đàn của tôi không, và cô ấy có có thích tôi không. Tôi thật sự đã hơi lo,” ông Vàng nói nói.

May mắn thay, tình cảm của chàng nhạc sĩ trẻ đã được đáp trả. Trong vài tuần sau đó, Vàng trở lại chợ tình để gặp lại người thương, cô Vàng Thị Xô, và cùng nhau hòa nhạc như là một phần của một nghi lễ tán tỉnh của người Hmong – chàng đánh đàn vĩ cầm, nàng thổi kèn bằng lá.

Dân Hmong làm kèn bằng lá – thường là lá chuối – bằng cách cuộn lá chuối lại và thổi cho lá kèn rung và phát ra những âm thanh cao vút.

Đôi trẻ Vàng Xô đã kết hôn không bao lâu sau đó và đã chung sống với nhau từ ngày ấy.

Vàng nói, “Tôi là một thanh niên rất may mắn khi gặp được cô ấy ở chợ tình, nhưng tôi nghĩ rằng cô ấy cũng đã may mắn gặp được tô!”

Trong những năm gần đây, Sapa đã trở thành một địa điểm du lịch rất phổ biến, với du khách trong và ngoài nước đổ xô đến thị trấn đẹp như một bức tranh vẽ, nổi tiếng với những cánh đồng lúa bậc thang và quang cảnh tuyệt đẹp.

Ruộng nấc thang và càn đẹp Sapa. Nguồn: journeyvietnam.com
Ruộng nấc thang và càn đẹp Sapa. Nguồn: journeyvietnam.com

Sapa là điểm du lịch chính của tỉnh Lào Cai; theo số liệu chính thức thì thị trấn này đã đón tiếp khoảng 1,2 triệu khách du lịch trong năm 2013, so với con số 360.000 du khách của năm 2003.

Làn sóng du khách này đã mang lại sự thịnh vượng và phát triển nhất định cho Sapa nhưng nó cũng đã có một số ảnh hưởng tiêu cực đến phong tục tập quán địa phương, bà Vàng Thị Xô nói.

“Chợ tình, với chúng tôi, rất đặc biệt vì nhờ nó mà tôi đã gặp được một người chồng tốt như anh Vàng,” bà Xô nói.

“Nay tôi không còn thích chợ tình nữa vì mọi người chơi nhạc ở đó chỉ để mua vui cho khách du lịch để kiếm được tiền, và chúng tôi đang mất đi một phần của nền văn hóa của chúng tôi.”

Từ kèn lá đến điện thoại

Vì ngày nay đã có nhiều người trẻ đi học hoặc làm việc ở khu du lịch Sapa họ không thực sự cần có chợ tình hay hôn nhân xếp đặt – một tập tục của người Hmong ở đây, nhạc sĩ Vàng cho biết.

“Họ có thể tìm gặp một người bạn trai hoặc một người bạn gái trong làng, hay ở thành phố … họ lựa chọn bạn cho mình,” ông nói.

“Tôi muốn các con tôi tự tìm lấy vợ chồng của chúng nó – cách đó tốt hơn.”

Sapa không có một sân bay và du khách chỉ có thể đến đây bằng chuyến xe lửa qua đêm từ Hà Nội hay phải lái xe một chặng đường dài. Nhưng đường xá xa xôi cũng không làm khách du lịch chùn chân.

“Vì vậy, nhiều du khách Việt Nam đến Sapa và họ đã cho tiền những đôi vợ chồng (người dân tộc thiểu số) để họ chơi nhạc ở chợ tình,” Lý Thị Mỹ, 54 tuổi, một phụ nữ người Hmong đã gặp người yêu ở sapa nói.

Bà Mỹ than thở, “Ngày nay mọi người chỉ trình diễn – họ không còn hòa nhạc vì yêu.”

Nhưng không phải chỉ có du lịch đã thay đổi truyền thống của các bộ lạc địa phương. Điện thoại di động và Internet cũng đã góp phần thay đổi đời sống dân miền núi, Mỹ cho hay.

“Trước đây, chàng trai sẽ đứng trước nhà của cô gái  huýt sáo, rồi cô ấy sẽ xuất hiện và thổi kèn lá để cho biết là cô cũng thích anh ta,” bà Mỹ mô tả nghi thức theo đuổi truyền thống của những đôi uyên ương người Hmong.

“Bây giờ họ có điện thoại di động! Thật là quá dễ. Trước đây tìm được tình yêu là cả một thử thách một thách lãng mạn. Tôi muốn trở lại 20 năm trước.”

Đối với Lý Thị Do, 52 tuổi, người của bộ tộc H’mong đen, chợ tình yêu đã trở thành “một trò đùa”. Bà Do nói tiếp,

“Trước khi có du khách đến đây, khi tôi còn trẻ, khi chúng tôi vẫn còn trồng thuốc phiện và đãi vàng bên sông, chợ tình chỉ dành cho người dân địa phương. Bây giờ nó là chuyện mua bán … mọi người đến đây để kiếm tiền và bán nữ trang.”

Sapa đã là điểm du lịch từ lâu rồi

Thanh thiếu niên Hmong trình diễn một bài hát trong một chương trình công cộng tại thị trấn miền núi Sapa phía tây bắc Việt Nam vào ngày 11 tháng 5, 2014. Ảnh AFP.
Thanh thiếu niên Hmong trình diễn một bài hát trong một chương trình công cộng tại thị trấn miền núi Sapa phía tây bắc Việt Nam vào ngày 11 tháng 5, 2014. Ảnh AFP.

Khi Việt Nam còn là một thuộc địa của Pháp, thị trấn trên đỉnh đồi này là là một nơi nghỉ mát phổ biến, mặc dù các biệt thự thời thuộc địa đã bị quân đội Trung Quốc đốt phá hủy trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

“Du lịch đã có ở đây từ cả 100 năm … nói du lịch đã thay đổi văn hóa các dân tộc thiểu số là hơi thiếu tôn trọng sự thật,” Chris Carnovale, một giảng viên khoa Du lịch tại Đại học Capilano (bắc Vancouver) của Canada cho biết.

“Nền văn hóa Hmong là rất mạnh. Nếu họ muốn thay đổi, họ sẽ thay đổi,” Carnovale, quản lý một dự án ở khu vực Sapa hướng dẫn các nhóm dân tộc thiểu số hiểu cách cho du khách thuê nhà trọ, cho biết.

Vì Sapa đã trở nên phổ biến với du khách Việt Nam ở các vùng đất thấp, “Chợ tình đã phát triển” nó ngày càng trở nên một điểm hẹn hò cho khách du lịch hơn là cho người dân địa phương, ông nói.

“Hiện vẫn còn chợ tình thật của người Hmong – nhưng tôi sẽ không nói khi nào chợ tình họp và họp ở đâu,” ông nói.

Nhưng ngay cả ở chợ tình yêu nguyên thủy ở Sapa, giữa đám đông du khách trong và ngoài nước cổ đeo máy ảnh, một số thanh niên thiếu nữ địa phương vẫn đến để tìm kiếm tình yêu.

Hà Ngasu, 26 tuổi, một nông dân, đã đến chợ tình nhiều lần để tìm vợ.

“Cha mẹ tôi đã gặp nhau ở chợ tình, vì vậy tôi cũng đến đây,” anh nói với AFP; bên cạnh Ngasu là người bạn gái hẹn hò tối hôm ấy, cô Giang Thị Si, mới 16 tuổi.

Cả hai người đã gặp nhau trong làng của họ nhưng chưa bao giờ nói chuyện – đã dành cả buổi tối tại chợ tình để trò chuyện và nghe nhạc sống – nay đã có máy để khuếch đại và sân khấu trình diễn do chính quyền địa phương xây cho ngành du lịch.

“Tôi thích được ở bên anh ấy ở đây,” Si nói. “Tôi không chắc đó là tình yêu nhưng tôi cũng thích anh ấy chút chút.”

© 2014 DCVOnline


Nguồn: Vietnam’s rural ‘love market’. AFP, 7 Aug 2014.