Năm Mùi nói chuyện dê

Đỗ Chiêu Đức

7deTa hãy thử chờ xem anh hùng nào sẽ tận ở dương cước là cuối năm dê 2015 nầy, để cho năm thân năm dậu tới đây thế giới được an hưởng thái bình thịnh vượng, mong lắm thay!

Hết Ngọ tới Mùi, hết Ngựa tới Dê, cũng như chữ MÃ 馬, chữ DƯƠNG 羊 là Con DÊ cũng thuộc dạng chữ Tượng Hình với diễn biến như sau:

1deHình con dê được nhìn bởi mặt trước, với 2 chiếc sừng dài cong về 2 phía, qua diễn biến đã trở thành chữ DƯƠNG 羊 như hiện nay. Sau đây là Thư Pháp bằng bút lông của chữ DƯƠNG qua các thời đại:

2deDê cũng là một trong Lục Súc nuôi trong nhà, gồm: Mã, Ngưu, Dương, Cẩu, Trư, Kê (Ngựa, Trâu Bò, Dê Cừu, Chó, Lợn, Gà). Dê được thuần hóa rất sớm và sống chung với con người suốt mấy ngàn năm qua.

Theo thứ tự tử vi, năm mùi, con dê, thuộc âm, đứng hàng thứ 8 trong 12 địa chi. Tháng Mùi là tháng 6 Âm lịch trong năm. Giờ Mùi là khoảng thời gian từ 1 đến 3 giờ trưa. Tuổi hợp với Mùi là Mão và Hợi (Hợi Mão Mùi: Tam Hạp). Tuổi xung khắc là tuổi Sửu, Tứ Hành Xung là: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Tuổi có hại cho nhau là tuổi Tý (nằm trong Lục Hại: Tí-Mùi, Sửu-Ngọ, Dần-Hợi, Mão-Tuất, Thìn-Dậu, Tị-Thân).

Tuổi Dương Cưu trong Tử Vi Tây Phương là người sanh từ 21/03 – 19/04, theo truyền Thuyết…

Athamas, vua xứ Croneus có con trai Phrixus và con gái Helle với người vợ đầu Nephele. Như các vì vua khác ham mê nhan sắc, khi chán vợ, Athamas đuổi Nephele đi để cưới Ino, con gái của Cadmus, vua xứ Thebes. Có hai con với nhà vua, Ino ghen ghét với con của Nephele và tìm cách để con mình kế vị ngôi báu. Lúc đó bắp là mùa màng chính của xứ Croneus. Ino làm cho bắp không nảy mầm bằng cách kín đáo thuyết phục phụ nữ của vương quốc rang nó lên trước khi gieo trồng, đồng thời hối lộ cho nhà tiên tri được nhà vua sai đi hỏi các vị thần về hiện tượng này để ông ta nói dối rằng hai con của Nephele chính là nguồn gốc hiểm họa. Nhà vua phải mang họ tế thần thì mùa màng mới trở lại. Thương con, nhưng để cứu vương quốc, nhà vua nghe theo lời khuyên này. May mắn, lo cho sự an toàn của con, Nephele đã phái một người bảo vệ đội lốt con cừu có lông bằng vàng tên là Aries (Bạch Dương) do thần Zeus tặng cho bà. Ngày tế lễ đến, con cừu thúc Phrixus và Helle ngồi lên lưng và bỏ chạy băng qua đại dương nhưng chẳng may Helle bị rơi chết ở biển (nơi nàng chết được gọi là Hellesponte). Phrixus sống sót và cưới con gái của vương triều Colchis. Để cám ơn Zeus, chàng tế lễ con cừu và treo bộ lông cừu ở vị trí đặc biệt tại Colchis. Còn Zeus thì treo Aries trên bầu trời để tôn vinh lòng can đảm của con vật.

Từ Đông sang Tây, biểu tượng dê thật phong phú và phức tạp, đặc biệt nhất là chòm râu dưới càm: “Râu Dê”! mà cả dê đực và dê cái đều có cả, lúc nhỏ nghe các bạn thường đố nhau là: “Đàn bà mà có râu” chính là chỉ con dê cái đó vậy. Cả dê cái và dê đực đều được “cắm sừng” cả. Sừng dê cái biểu tượng cho sức sản sinh phồn thịnh. Dê đực thì tượng trưng cho mãnh lực và nhu cầu tính dục vì loài dê vốn tràn đầy sinh lực tình dục, Trong thực tế một con dê đực có thể giao phối với cả đàn dê cái và cũng từ đây con dê lại bị nhìn dưới khía cạnh của thói dâm đãng với hình tượng con dê già hay máu dê của đàn ông mà dân gian gọi là đồ “dê xồm”! Ngoài ra, dê còn là biểu tượng cho sự hiến tế ở cả hai nền văn hóa Đông-Tây: Dê là Vật Tế Thần!

Dê tế thần ở Nam Phi. Nguồn: www.saatchiart.com
Dê tế thần ở Nam Phi. Nguồn: www.saatchiart.com

Trong các kinh Cựu Ước và Tân Ước có đề cập đến hình tượng hai con dê dùng để hiến tế. Con thứ nhất là con dê tạ tội tức là con dê bị giết để tạ tội với Chúa, còn con dê thứ hai là con dê gánh tội là con dê bị yểm trù mọi tội lỗi của người Do Thái trút lên nó rồi đuổi nó vào sa mạc. Cả hai con dê đều liên quan đến nghi thức hiến tế và được đề cập rất cụ thể, từng chi tiết và sống động trong các tài liệu của Kitô giáo.

Con dê gánh tội hay còn gọi là oan dương.

Ở Trung Quốc, theo sách Luận Ngữ, người nước Lỗ thời Chiến Quốc trước đây hay mổ thịt Dê đực làm lễ Cốc Sóc, về sau lễ ấy được bỏ đi nhưng người ta vẫn theo lệ mà nộp dê. Tử Cống muốn bỏ hẳn lệ ấy đi, nhưng Khổng Tử lại bảo: Ngươi tiếc con dê còn ta thì tiếc cái lễ ngầm nói rằng triều vua bây giờ đã suy, bỏ mất lễ Cốc Sóc nhưng vẫn giữ tục nộp dê thì người ta vẫn nhớ đến lễ ấy và Lễ Cốc Sóc không mất hẳn.

SÓC 朔: là ngày Mùng 1 hàng tháng. Cốc Sóc 告朔 (chữ cáo đọc theo âm xưa là cốc): là một nghi thức tế lễ thời chiến quốc. Hằng năm cứ vào khoảng cuối năm thì Thiên Tử ban bố sách lịch năm mới cho các Chư Hầu. Chư Hầu nhận lịch mới về đặt trong nhà Tổ Miếu, hằng tháng vào ngày mùng một, dùng dê sống cáo tế, đoạn giở lịch của tháng đó ra xem để thi hành chính pháp và bố cáo với lân bang. Theo sách “Chu Lễ, Xuân Quan, Đại Sử”《周禮.春官.大史》.

Nói đến Dê trong văn học Trung Hoa là người ta nghĩ ngay đến Tô Võ Chăn Dê đời Hán Vũ Đế. Thiên Hán Nguyên niên (Năm 100 trước Công Nguyên) Tô Võ phụng mệnh đi sứ Hung Nô; vua Hung Nô là Thiền Vu mến tài muốn chiêu hàng. Tô chẳng khứng, nên bị đày ra Bắc Hải chăn dê. Thiền Vu phát cho một đàn dê đực và phán rằng: Khi nào dê đực đẻ con thì sẽ cho về! Lại không phát thực phẩm, bắt Tô phải tự mưu sinh trong vùng băng tuyết giá lạnh không một bóng người. Tô phải ăn tuyết nằm sương, chịu đói chịu lạnh suốt 19 năm trường, vẫn giữ vững khí tiết. Sau nhờ nhà Hán và Hung Nô thay đổi chính sách ngoại giao hòa hoãn hơn. Tô được tha cho về nước. Bấy giờ đã là năm thứ 6 đời Hán Chiêu Đế (năm 81 trước Công Nguyên). Tô Võ được xưng tụng như là một biểu tượng của sự Trung Quân Ái Quốc, và thành ngữ Tô Võ Mục Dương 蘇武牧羊 dùng để chỉ những ai dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào cũng vẫn giữ vững lập trường không thay đổi.


Trình tấu tì bà bài Tô Vũ Mục Dương

Tô Võ Mục Dương còn là tên của bài hát nổi tiếng, dùng để ca ngợi sự tích của Tô Võ, phổ biến rộng rãi khắp dân gian. Bài hát nầy hiện nay được lồng vào những lời trong kinh Phật của nhóm Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm 明月居士林 ở Đài Loan, Chợ Lớn VN, ở Mỹ và ở… khắp thế giới, nên, nếu ai có dịp dự tang lễ của người Hoa trong nhà quàn sẽ có dịp nghe được nhóm nầy đọc kinh siêu độ bằng cái “E” (air) nhạc của bài Tô Võ Mục Dương nghe rất êm tai. Một số người Mỹ cho rằng người Hoa tụng kinh Phật nghe hay hơn người Việt tụng kinh Phật là vì thế!

Cũng trong đời nhà Hán, có anh chàng Đinh Lan là một trong Nhị Thập Tứ Hiếu 二十四孝, tương truyền trước khi trở thành Hiếu Tử, anh chàng nầy là đứa con rất… bất hiếu, nhưng nhờ hình ảnh của con dê quì 2 chân trước xuống khi bú vú mẹ mà cảm hóa anh chàng trở nên có hiếu. Truyện kể như sau:

Lúc nhỏ nhà nghèo, mồ côi cha, Đinh Lan phải đi chăn Dê để nuôi mẹ. Mỗi ngày, mẹ phải xách cơm ra đồng cho Đinh Lan ăn. Tánh háu đói lại nóng nảy. Hôm nào mẹ mang cơm ra trễ Đinh Lan đói quá hóa giận, cầm roi chăn dê đánh mẹ, nên bà mẹ rất sợ… Một hôm, Đinh Lan quan sát thấy tất cả dê con khi bú mẹ đều quì 2 chân trước xuống, chợt động lòng nghĩ rằng: Dê còn có hiếu, biết được công ơn của mẹ thế kia, sao ta lại nở đánh mẹ ta thế? Trong lòng rất hối hận, định đợi mẹ xách cơm ra để xin lỗi mẹ. Nào ngờ hôm ấy bà mẹ mang cơm ra trễ, xa xa trông thấy mẹ, Đinh Lan bèn chạy mau đến định xách hộ giỏ cơm trên tay của mẹ, nhưng lại quên vứt bỏ cây roi chăn dê. Bà mẹ thấy con cầm roi hùm hổ chạy a đến, sợ quá, quăng giỏ cơm mà chạy….

Đinh Lan càng chạy nhanh hơn, miệng lại kêu to: Mẹ! Mẹ! Bà mẹ càng sợ hơn, nên khi đến bờ sông, bí quá, bà bèn nhảy luôn xuống sông khi nước đang chảy xiết. Đinh Lan bèn nhảy theo định vớt mẹ lên, nhưng không còn kịp nữa, nước đã cuốn mẹ đi mất rồi. Mò mãi chỉ vớt lên được có khúc gỗ của một gốc cây già. Đinh Lan bèn đem về nhà nhờ người khắc thành tượng Cha Mẹ mà thờ phượng.

Truyện ta đã được học sau đây:

Truyện Thứ XII: Đinh Lan

Người đất Hà Nội (tỉnh Hà Nam hiện nay), đời Đông Hán, mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, khi trưởng thành, nhớ công ơn cha mẹ, thuê thợ tạc tượng cha mẹ bằng gỗ để thờ phượng. Ngày dâng hai bữa cơm, tối đến lại lo quạt màn, sửa soạn gối chăn, hầu hạ chăm nom in như hồi cha mẹ còn sống. Phụng thờ như vậy trong mấy mươi năm. Về sau, vợ Đinh Lan sinh chán nản, lại dùng kim châm vào kẻ tay trượng gỗ xem có gì lạ không. Không ngờ nơi ấy cứ nhỏ từng giọt máu tươi xuống mãi.

Đến bữa, Đinh Lan bưng cơm vào cúng, nhìn thấy tượng gỗ rươm rướm nước mắt, kẻ tay lại chảy máu. Ông biết là vợ đã châm kim vào tay cha mẹ, liền đuổi bỏ người vợ ngay.

Trong Chương Trình Cổ Văn của lớp Đệ Thất ngày trước (lớp 6 sau này), có phần học về tác phẩm Nhị Thập Tứ Hiếu 二十四孝 của Lý Văn Phức 李文馥. Bài nầy đã được ông diễn ra Quốc Âm bằng thể thơ Song Thất Lục Bát như sau:

Hán Đinh Lan thuở còn thơ ấu,
Bóng xuân huyên khuất dấu non xanh.
Đến nay tuổi đã trưởng thành,
Cám công sơn hải, thiệt tình trân cam.
Tưởng dung mạo khắc làm mộc tượng,
Cứ bữa thường phụng dưỡng như sinh,
Khi chăn gối, buổi cơm canh,
Mấy mươi năm, vẫn lòng thành trước sau,
Phải người vợ kính lâu nên trễ,
Thử lấy kim châm kẻ ngón tay
Bỗng đâu giọt máu chảy ngay,
Ai hay tượng gỗ lâu ngày thiêng sao ?
Khi đến bữa chồng vào đặt lễ
Mắt tượng rơi hàng lệ chứa chan
Xét xem mới biết nguồn cơn,
Nỗi bừng lá giận, dứt tan dây tình.
Há phải nhẫn, mà đành phụ nghĩa,
Hiếu với tình nặng nhẹ phải cân,
Cho hai thành hẳn lên thần,
Há rằng u hiển, mà phân vân, tồn.

Thật ra trong Nhị Thập Tứ Hiếu có mấy truyện không nên cho học sinh học chút nào cả, Đinh Lan là một trong những Truyện đó. Cái anh chàng nầy vừa dị đoan mê tín, vừa vô tình vô nghĩa vô lý vô vị. Ai đời hằng ngày bỏ công đi chăm sóc hầu hạ 2 cái tượng bằng gỗ, rồi lại vì chuyện dị đoan vô lý của 2 tượng gỗ mà đuổi đi người vợ là con người thực tế bằng xương bằng thịt đã cùng nhau đầu gối tay ấp, đồng cam cộng khổ…

Trong Tăng Quảng Hiền Văn, một tác phẩm huấn mông (giáo dục trẻ em) có từ đời nhà Minh, tập hợp lại tất cả những câu nói hay được đúc kết bởi kinh nghiệm trong cuộc sống thực tế, có câu:

羊 有 跪 乳 之 恩 , 鴉 有 反 哺 之 義 ,

Dương hữu qụy nhũ chi ân, Nha hữu phản bộ chi nghĩa,

你 及 他 未 及 ?

Nễ cập tha vị cập?

Chú Thích:
Quỵ Nhũ: Quỵ là Quỳ, Nhũ là Vú. Động từ có nghĩa là Bú. Quỵ Nhũ là Quỳ xuống để bú.
Bộ: là Mớm mồi cho ăn. Bộ nhũ: cũng có nghĩa là cho bú.
Phản Bộ: là Mớm ngược lại cho ăn.
Cập: là Bằng. Vị Cập là Chưa Bằng. Bất Cập là Không Bằng.

Nghĩa Câu:

Con dê vì biết ơn của mẹ nên quỳ xuống mà bú. Con quạ có cái nghĩa là khi mẹ già thì nó đi kiếm mồi Mớm ngược lại cho mẹ ăn.

Bạn có bằng được chúng chưa hay là không bằng?

Cừu quỳ gối ăn cỏ. Nguồ: Ambersky235
Cừu quỳ gối ăn cỏ. Nguồn: Ambersky235

Quả là một bài học luân lý và là một câu hỏi hóc búa khó trả lời! Mong rằng những ai còn Cha còn Mẹ hãy ráng mà trân trọng!

Trở lại thời Chiến Quốc với điển tích Năm Bộ Da Dê, kể về Bách (Bá) Lý Hề 百里奚 (700-621 trước Công Nguyên) là người nước Ngu, gia cảnh cơ hàn, ba mươi tuổi mới lấy vợ, sanh con đầu lòng xong, Bá Lý Hề mới từ giã vợ con lên đường lập nghiệp, nhà chỉ vỏn vẹn còn có con gà mái, nhưng làm gà xong lại không có củi để nấu, vợ phải chẻ cả cánh cửa tre để làm củi nấu gà làm tiệc tiễn chồng ra đi tìm sự nghiệp. Tội nghiệp, bà phải đợi đến 40 năm sau chồng mới thành đạt làm quan….. Bá Lý Hề ra đi lưu lạc khắp nơi, chăn dê rồi chăn trâu với người bạn nối khố tên là Kiển Thúc ở nước Tấn…

Năm 655 TCN, Tần Mục công sang nước Tấn, hỏi cưới Mục Doanh làm phu nhân. Bá Lý Hề cũng theo Mục Doanh về nước Tần. Giữa đường, Bá Lý Hề bỏ trốn sang đất Uyển, bị dân biên giới nước Sở bắt được và giam giữ. Tần Mục công nghe Bá Lý Hề là người hiền tài, bèn sai người sang chuộc về nước, nhưng sợ người nước Sở biết ông là người giỏi mà không cho chuộc, nên chỉ dùng Năm Tấm Da Dê theo giá chuộc một nô lệ để chuộc. Bá Lý Hề được về nước Tần. Năm đó ông đã hơn 70 tuổi.

Tần Mục công đích thân ra đón Bá Lý Hề, và cùng bàn quốc sự suốt ba ngày. Sau đó, vua Tần phong ông làm Thượng khanh, cai quản quốc chính, gọi là Ngũ Cổ Đại Phu 五羖大夫. (Ngũ Cổ tức là năm tấm da dê). Sau, Bá Lý Hề giúp Mục Công dựng nên nghiệp lớn.

Bỏ qua ông ngũ cổ đại phu nầy, ta chỉ nói về 5 tấm da dê…

Năm tấm da dê là dịch ở nhóm từ Ngũ Trương Hắc Công Dương Bì 五张黑公羊皮. Có nghĩa là: Năm tấm da dê đực màu đen. Dê ở đây là Miên Dương 綿羊, ta gọi là con cừu. Da Cừu đực màu đen dày và bóng rất đẹp, nhất là loại cừu của đất Hồ: Hồ Cừu, dùng may áo ngự hàn thì không chê vào đâu được: Áo Hồ Cừu quí giá! Nhưng dù quí giá đến đâu, 5 bộ da Hồ cừu đổi lấy một Tướng Quốc cũng còn rẻ chán!

Thời Chiến Quốc còn nổi tiếng với 2 câu truyện Tri Âm và Tri Kỷ. Tri Âm thì ai cũng biết đến câu truyện của Bá Nha và Tử Kỳ rồi, nhưng Tri Kỷ thì ít người biết đến Câu Truyện giữa Dương Giốc (Gíac) Ai và Tả Bá Đào lắm!

Trong Bách Gia Tính (Trăm Họ) ngoài họ Dương 楊 là Dương Liễu ra, còn có họ Dương 羊 là con Dê nữa, đó chính là họ của Dương Giốc Ai đó vậy. Truyện kể…

Vua nước Sở là Sở Nguyên Vương rất sùng Nho trọng Đạo, chiêu hiền đãi sĩ. Người trong thiên hạ nghe tiếng tìm đến rất đông.

Thuở ấy, tại núi Tích Thạch xứ Tây Khương có một hiền sĩ họ Tả tên Bá Đào, cha mẹ đều mất sớm, nhưng có chí học hành, sớm trở thành người có tài an bang tế thế. Nghe tiếng Sở Vương cầu hiền bèn lên đường tìm đến, giữa đường trọ nhờ nhà của Dương Giốc Ai cũng là một hiền sĩ. Vì mến tài nhau nên cùng nhau kết nghĩa kim bằng. Tả lớn hơn Dương 5 tuổi nên làm anh, Dương kính Tả như là một huynh trưởng, Đoạn 2 anh em rủ nhau cùng lên kinh đô nước Sở để tìm chữ công danh.

Dọc đường, gặp lúc thời tiết khắc nghiệt, mưa tuyết bảo bùng mà phải băng rừng vượt núi. Tả Bá Đào càng ngày càng kiệt sức, tự biết sức mình khó lòng vượt qua được đoạn đường dài gian nan hiểm trở nầy, hơn nữa cũng tự biết rằng tài học vấn của mình không sao bằng được Dương Giốc Ai và điều quan trọng nhất là lương thực mang theo chỉ còn đủ dùng cho một người khỏe mạnh cố gắng vượt qua đoạn đường hiểm trở lạnh lẽo nầy; nếu nấn ná cho cả 2 người thì có nguy cơ cả 2 đều phải chết lạnh chết đói trong vùng rừng núi mịt mùng gió tuyết nầy. Nên, Tả quyết định hy sinh bản thân mình cho người em kết nghĩa hoàn thành tâm nguyện thi thố tài năng để cầu chút công danh.

Thừa lúc Dương đi tìm củi sưởi ấm trong cơn bão tuyết, Tả bèn cởi hết quần áo ra, nhường áo để Dương mặc thêm cho đủ ấm. Khi Dương về đến thì Tả mới thều thào nói cho người em kết nghĩa biết ý định của mình và khuyên Dương hãy tranh thủ lên đường, khi nào cầu được công danh hãy trở lại an táng cho mình, nói xong thì tắt thở. Dương đành phải gạt lệ lên đường.
Khi đến nước Sở yết kiến Sở Vương và dâng lên 10 sách lược rất thiết thực để làm cho nước Sở phú cường. Nhà vua vui mừng, bày ngự yến thết đãi rồi phong Dương Giốc Ai làm chức Trung Đại Phu. Dương khóc và kể lại chuyện Tả Bá Đào đã hy sinh cho mình đi lập công danh. Sở Vương thương tình cũng truy phong cho Tả Bá Đào làm Trung Đại Phu và cho Dương Giốc Ai dắt đoàn tùy tùng đi an táng cho Tả Bá Đào.

Truyện được kết thúc bằng cách cho Dương Giốc Ai tự sát sau khi nằm chiêm bao thấy Tả Bá Đào về cho biết là mình bị Kinh Kha của ngôi mộ kế bên đến ức hiếp. Chết để cùng với Tả Bá Đào chống lại Kinh Kha và Cao Tiệm Ly. Truyện có vẻ hoang đường, nhưng kết thúc như thế cho trọn nghĩa kim bằng của tình anh em Tri Kỷ.

Đây cũng là nhân vật có họ Dương là Dê hiếm hoi trong trong văn học Trung Hoa và Việt Nam ta.

Sau khi diệt Ngô và Thục, Tư Mã Ý lên ngôi, lập nên nhà Tấn. Truyền đến đời cháu nội là Tư Mã Viêm (236-290), con trưởng của Tư Mã Chiêu, ở ngôi 35 năm, sử xưng là Tấn Võ Đế.

Tấn Võ Đế là ông vua hoang dâm của nhà Tấn. Vừa lên ngôi, ông bèn ra lệnh cho dân gian ngưng ngay việc cưới hỏi, rồi cho hoạn quan đến từng địa phương để tuyển gái đẹp đem về hậu cung. không phải như Bạch Cư Dị tả hậu cung của Đường Minh Hoàng là: Hậu cung giai lệ tam thiên nhân, 後宮佳麗三千人. (ba ngàn người đẹp sau hậu cung).

Hậu cung của Tấn Võ Đế có đến 5 ngàn người đẹp từ khắp nơi tuyển về, đủ mọi từng lớp sang hèn quí tộc bình dân… Tất cả người đẹp phải qua sơ tuyển ở địa phương và chung tuyển trước khi được đưa vào cung. Ôi, 5.000 giai nhân cung nữ, làm cho nhà Vua đâm ra vui mừng đến bối rối, không biết phải hưởng dụng như thế nào? May thay có một cận thần đưa ý kiến: Vua nên ngồi trên xe do 2 con dê kéo đi vòng quanh hậu cung, xe dê ngừng ở cửa của cung nhân nào thì tối hôm đó Vua sẽ ngự ăn tối và ở đêm lại với cung nhân đó. Nhà vua đã rất hoan hỉ mà nghe theo, báo hại các cung nhân phải nhờ người tìm hái lá dâu của dê ăn mà rắc trước lối vào cửa cung của mình để mong rằng xe dê sẽ ngừng lại vì dê muốn ăn lá dâu.

Trong tác phẩm Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng có câu:

Phải duyên hương lửa cùng nhau,
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.

Và…

Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ,
Dấu dương xa đám cỏ quanh co.

Tội nghiệp thay, 5000 cung nữ chỉ chờ đợi có một ông Vua mà thôi!

Trong Tam Thập Lục Kế của Tôn Tử Binh Pháp, kế thứ 12 là: Thuận Thủ Khiên Dương 順手牽羊, có nghĩa: Thuận tay dắt luôn con dê của người khác, Ý muốn nói phải biết lợi dụng thời cơ, sơ hở của người khác để thủ lợi cho mình. Kế nầy giống như là “Thừa nước đục thả câu” của ta vậy.

Trong binh pháp TÔN TỬ ghi Kế thứ 12 như sau: Vi khích tại sở tất thừa, Vi lợi tại sở tất đắc. thiếu âm, thiếu dương.微隙在所必乘;微利在所必得。少阴,少阳。

Có nghĩa: Phải biết lợi dụng cái sơ hở nhỏ nhặt nhất của kẻ địch, Phải biết tranh thủ lấy cái lợi nhỏ nhặt nhất cho mình. Ý là: Phải biết thừa cơ nắm lấy cái khuyết điểm nhỏ nhất của địch để biến nó thành cái lợi nhỏ nhất cho mình, nhưng lại đưa đến cái kết quả lớn nhất! Điều nầy nghe như không có gì, nhưng lại rất quan trọng trong phép dụng binh, hành quân. Mời đọc…

Công Nguyên năm 383, Tiền Tần Vương Phù Kiên sau khi thống nhất một dãy ven sông Hoàng Hà, định tập trung đủ 90 vạn quân sẽ đem quân đánh ụp tiêu diệt nước Đông Tấn, bèn phái em là Phù Dung làm tiên phong chiếm lấy thành Thọ Dương. Phù Dung đánh lấy thành một cách dễ dàng, biết Đông Tấn binh yếu lại thiếu lương thực, mới đề nghị với Phù Kiên nhanh chóng đánh chiếm Đông Tấn. Phù kiên không đợi binh lực tập trung đầy đủ, lập tức đem quân tấn công Đông Tấn ngay.

Tướng Đông Tấn là Tạ Thạch biết được binh lực của Tần chưa tập trung đầy đủ, bèn dùng kế khích tướng thách Phù Kiên nếu muốn phân cao thấp thì hãy lui binh một dặm, mình sẽ đem binh qua sông Phì Thủy quyết một trận hơn thua, bằng nếu sợ thua thì hãy đầu hàng ngay đi. Phù Kiên cả giận, định giả vờ lui binh, đợi cho binh Tấn qua sông nửa chừng sẽ quay lại đón đánh một trận cho tan tác binh nhung. Nào ngờ, lòng binh Tần đã chán nản vì chinh chiến lâu ngày, nay thấy sứ giả quân địch vừa rời trại thì chủ tướng bèn ra lịnh lui binh, nên lòng càng hoảng sợ mạnh ai nấy chạy người ngựa ngổn ngang dẫm đạp lên nhau hổn loạn thành một khối. Phù Kiên ra lệnh dừng lại thì đã không còn kịp nữa. Bên kia sông Tạ Thạch thấy thế bèn thừa cơ hạ lịnh quân sĩ cấp tốc sang sông truy sát. Quân Tần thấy quân Tấn qua sông ráo riết càng hoảng sợ hơn dẫm đạp lên nhau mà chạy trốn, đến nỗi nghe cơn gió thổi qua cây cỏ lào xào cũng tưởng là quân Tấn đã đuổi đến nơi rồi. Sự kiện nầy đưa đến câu thành ngữ Thảo Mộc Giai Binh 草木皆兵, có nghĩa: Cỏ cây cũng đều là binh lính cả! Điều nầy làm ta nhớ lại đầu tháng 4 năm 1975 với cuộc Di Tản Chiến Thuật của Miền Nam, dân quân của Vùng 1 và Vùng 2 Chiến Thuật chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy trối chết, làm hỗn loạn cả Miền Trung, Cộng Sản Bắc Việt bất chiến tự nhiên thành, chiếm trọn Miền Trung một cách dễ dàng và uy hiếp Sài Gòn trong chớp mắt…

Còn trận đánh trên quân Tần cũng đại bại. Phù Dung chết trong đám loạn quân, còn Phù Kiên trúng tên bị thương may mà chạy thoát được. Sử gọi trận đánh nầy là Phì Thủy Chi Chiến 淝水之戰.

Tạ Thạch cũng như Cộng Sản Bắc Việt đã biết lợi dụng cái nhược điểm của kẻ địch để làm cái thuận lợi cho sự chiến thắng của mình, tức là biết Thuận Thủ Khiên Dương tiện tay “dắt luôn con dê” của đối phương một cách dễ dàng!

Còn rất nhiều chuyện Thuận Thủ Khiên Dương từ xưa đến nay, như đến đời Tam Quốc, Lưu Bị vào ở trọ đất Kinh Châu rồi thi ân bố đức cho dân chúng, tạo uy tín để làm chủ và chiếm luôn đất Kinh Châu trong khi Lưu Biểu nhu nhược bệnh hoạn yếu đuối, và Lưu Bị đã thành công trong việc “dắt luôn con dê” là đất Kinh Châu về tay mình theo kế sách của Khổng Minh Gia Các Lượng….

Không nói đến chuyện xưa nữa, ta nói chuyện bây giờ, chuyện trước mắt ở tại nước Mỹ đây… Hệ thống bán lẻ lớn nhất nước Mỹ và lớn nhất thế giới là Siêu thị Walmart có một qui định khôn ngoan là: Ta có thể lấy bất cứ giá sale trên báo của bất cứ siêu thị nào khác cho tất cả các mặt hàng trong siêu thị đến Walmart để mua, Walmart sẽ tính theo giá của siêu thị đó cho ta. Nghĩa là Walmart sẽ bán hàng cho ta theo giá sale của tất cả các siêu thị, trong kinh doanh gọi đó là price-matching. Walmart làm thế là áp dụng kế sách Thuận Thủ Khiên Dương vào thương trường để “dắt hết tất cả những con dê” của siêu thị khác về cho mình!

Trở về với Việt Nam….

Trong Lĩnh Nam Chích Quái chương đầu tiên, viết về họ Hồng Bàng, đã kể lại rằng từ thời xa xưa, người Việt trong hôn nhân, đã biết giết trâu, dê làm đồ sính lễ, con dê đã được nuôi làm gia súc và sử dụng vào việc tế lễ. Vào giữa thế kỷ 16, trong bài Đào Nguyên Hành thì Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã tả cảnh nông thôn Việt Nam là:

Trâu bò, gà lợn, Dê ngan,
Đầy lũ đầy đàn, rong thả khắp nơi.

Đây chắc cũng là nguồn gốc của câu tục ngữ “Gà Kê Dê Ngỗng” mà ta nói trại riết rồi thành “Cà Kê Dê Ngỗng”, để chỉ những người hay ngồi lê đôi mách, nói hết chuyện nầy đến chuyện kia, lải nhải mãi không thôi.

Theo Ðại Nam Thực lục Chính Biên, dưới triều đại vua Minh Mạng, mùa Ðông năm Minh Mạng thứ 17 (Công Nguyên 1836), nhà vua sai mua 220 dê đực và 100 dê cái, chọn 20 con dê đực giao Tể Sinh làm lễ vật tế lễ Nam Giao, đặt tại đàn Thượng có thịt dê ướp dương hải.

Dê cũng có những hình tượng tiêu biểu đi vào thơ văn Việt Nam. Trong tác phẩm Hịch Tướng sĩ, Trần Hưng Đạo cũng có nhắc đến hình ảnh con dê và coi đó là biểu hiện của bọn sứ giả Mông Cổ hống hách, ngạo mạn:

Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình,
Đem thân dê chó mà ngạo mạn tể tướng.

Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu cũng có câu gởi phần tâm sự và lời chê trách những người làm tay sai tiếp tay với thực dân hà hiếp dân lành đau khổ như:

Hai vầng nhật nguyệt chói loà,
Đâu dung lũ treo dê bán chó.

Câu tục ngữ nổi tiếng: “Treo đầu dê, bán thịt chó” dùng để chỉ về sự không thống nhất giữa nội dung và hình thức, Chỉ người nói một nơi, làm một nẻo, nói và làm không ăn khớp nhau với hàm ý gian lận hoặc lừa dối người khác.

Trong ca dao và văn học dân gian, dê cũng hiện lên một cách sinh động với:

Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi,
Còn tôi cam chịu ngậm ngùi tuổi Thân!

hoặc như:

Ru em buồn ngủ buồn nghê,
Con tằm chín đỏ, con dê chín mùi,
Con tằm chín đỏ để nuôi,
Con dê chín mùi làm thịt em ăn.

Hình ảnh con dê còn trở nên thân thiết, gần gũi với đông đảo quần chúng nhân dân hơn qua những trò chơi và lễ hội truyền thống. Như trò Bịt Mắt Bắt Dê rất vui vẻ, sinh động. Trò chơi này thường được tổ chức trong các ngày Hội đầu Xuân, Trung Thu…. hoặc các cuộc chơi thể thao văn hoá dân dã, với các cách khác nhau tùy theo đối tượng tham dự. Đối với trẻ con, trò chơi này là thú vui lành mạnh hồn nhiên sinh động, nhưng đối với các cô cậu thanh niên, thiếu nữ thì đây là một dịp để họ tiếp cận, đụng chạm về thể xác vui đùa với nhau, vượt qua ranh giới lễ giáo một cách hợp pháp:

Giả vờ bịt mắt bắt dê,
Để cho cô cậu dễ bề… với nhau !

Về bản tính tự nhiên, dê là con vật giao phối và sinh sản rất mạnh nên dê được gán cho hình tượng của sự dâm đãng và thô tục, điều này là điểm tương đồng trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Chính vì khả năng sinh lý rất mạnh của mình, con dê bị gắn liền với nhiều thành kiến. Người ta hay dùng từ Máu Dê để chỉ những người có ham muốn, không kiểm soát và muốn thể hiện khả năng sinh dục mạnh mẽ, Thói Dê khái quát bản tính ham chinh phục người khác giới hay sự dâm tiện, Dê Cụ hay Dê Già chỉ kẻ rất dâm đãng, Dê Xồm cũng có nghĩa tương tự. Hãy xem trong văn thơ cổ điển của ta….

Trong Lục Vân Tiên, bộ mặt của Bùi Kiệm đã từng giở trò với Kiều Nguyệt Nga, trở thành trơ trẽn qua câu thơ:

Con người Bùi Kiệm máu dê,
Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng từng miêu tả về những nhu cầu tính dục khá thầm kín thông qua từ ngứa, buồn, châm, húc, như:

Ong non ngứa nọc châm hoa rữa,
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.

Trước năm 1954, ở Sài Gòn – Chợ Lớn, có hai chỗ đánh bạc rất nổi tiếng, đó là các sòng Kim Chung và sòng Đại Thế Giới. Hai casino này đã bị xóa tên từ năm 1956, bằng quyết định của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Khu Dân Sinh ở đường Nguyễn Công Trứ bây giờ là Kim Chung ngày trước, còn Đại Thế Giới đã trở thành Nhà Văn Hóa Quận 5 (đường Trần Hưng Đạo B) bây giờ. Trong các trò chơi cờ bạc như Hốt me, Tài Xiểu, Xì Dách… Còn có trò chơi Xổ Đề 36 rất thu hút cả giới trí thức lẫn bình dân. Các con số đề từ số 1 là con Cá Trắng, có tên chữ là Chiếm Khôi, là một trong Tứ Trạng Nguyên…. cho đến số 36 là Bà Vãi cầm tinh con Chồn, tên chữ là An Sĩ, thuộc Nhất Đạo Cô. Trong đó có một con số đề rất nổi tiếng, đi sâu vào đời sống sinh hoạt của quần chúng và còn sống mãi cho tới hiện nay, đó là con số 35, tên chữ là Kiết Phẩm, cầm tinh con Dê, thuộc một trong Tứ Hảo Mệnh.

Vì bản chất sinh lý mạnh mẽ của con dê, nên hễ đàn ông con trai nào thích ve vãn đàn bà con gái thì gọi là Dê. Chữ Dê là Danh từ, được sử dụng như hình dung từ khi dùng để chỉ bản chất: Cái thằng cha đó Dê lắm; và trở thành Động Từ trong cách nói: Đi Dê gái, thích Dê gái… Và có thể thay thế bằng con số 35 trong các cách nói sau:

– Thằng cha đó 35 lắm!
– Thứ cái đồ 35!
– Ông già 35! Tức là ông Già Dê.

Trong Ca Dao bình dân của bà con Lục Tỉnh lúc bấy giờ có câu:

Phượng hoàng đậu nhánh sa-kê,
Ông thần sao không vật mấy thằng Dê cho rồi!

Hoặc:

Dê xồm ăn lá khổ qua,
Ăn nhiều sâu rọm, chết cha dê xồm.

Nạn số đề không những chỉ ở Sài Gòn – Chợ Lớn mà còn được phổ biến ra khắp đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể như ở miệt Cần Thơ do lực lượng Hòa Hảo tổ chức cùng khắp như Chợ Cái Răng, Cái Chanh… đều có sòng Tài Xiểu, Hốt me, Xổ đề 36…. Trong bài ” Vè Thua Đề 36 ” của Thầy giáo Kiến ở ấp Yên Thượng Ba Láng ngày xưa có đoạn như sau:

Gái xuân đi chợ mới về,
Gặp trai bóp vú, đánh Dê hết tiền.
Đề nghe “bẻ cổ” liền liền,*
Hai mươi chín, mười tám, chữ Thiên đứng đầu.**
Lái buôn thua thiếu câu mâu,
Bạn bè đuổi hết ngồi sầu lái ghe!….

(*) Bẻ Cổ: Đề xổ mỗi ngày 2 cử: Sáng và Chiều. Con số nào sáng xổ rồi thì chiều không được quyền xổ lại. Nhưng Sáng hôm sau thì xổ lại con số của Sáng hôm trước được. Sáng nay xổ lại con của sáng hôm qua, hoặc chiều nay xổ lại con của chiều hôm qua, thì gọi là Bẻ Cổ.

(**) Số 29 là con Lươn, tên chữ là Thiên Lương, nằm trong nhóm Tứ Hòa Thượng. Số 18 là con Mèo nhà, tên chữ là Thiên Thân, nằm trong nhóm Tứ Phu Nhân.

3deTrở lại với nguồn gốc của chữ Dương 羊 là con Dê, vì đồng âm với chữ Dương 陽 là Mặt trời, là Ánh nắng, là khí dương sáng sủa sau những ngày tháng âm hàn của mùa đông. Nên trong đầu mùa xuân cũng là lúc mở đầu của một năm với khí dương của Trời Đất và Con Người mở ra cái Vận Khí mới, gọi là Tam Dương Khai Thái 三陽開泰. Vì 2 chữ Dương đồng âm nên Tam Dương Khai Thái được vẽ thành hình của 3 con Dê trong những bức tranh treo ở trong nhà trong những ngày đầu xuân Tết đến để lấy hên.

Chữ Dương 羊 còn có tự dạng giống như chữ Tường 祥, nên còn được dùng thay thế cho chữ Tường trong lời chúc Cát Tường Như Ý 吉祥如意. Có thể viết là Cát Dương 吉羊 nhưng ta phải biết đó là Cát Tường 吉祥 như những hình ảnh minh họa dưới đây.

Cát là Tốt, Tường là Lành, nên Cát Tường là Tốt lành! Vạn Sự Cát Tường là: Muôn điều đều tốt lành. Cát Tường Như Ý thì nghĩa đã quá rõ ràng rồi!

Thịt dê còn là món ăn khoái khẩu của giới ăn uống, nhất là những tay bợm nhậu. Nào là Dê thui, Dê Nấu Chao, Lẩu Dê, Cà-Ri Dê, nhất là món Ngọc Dương hầm thuốc Bắc thì được ưa chuộng vô cùng. Đây là món mà Ông ăn nhưng bà lại khen… tuyệt diệu!

Hai câu chót của bài Sấm Trạng Trình là:

Mã đề dương cước anh hùng tận,
Thân dậu niên lai kiến thái bình!

Ta hãy thử chờ xem Anh Hùng Nào sẽ tận ở Dương Cước là cuối năm Dê 2015 nầy, để cho năm Thân năm Dậu tới đây Thế Giới được an hưởng Thái Bình Thịnh Vượng, mong lắm thay!


Nguồn: Năm Mùi Nói Chuyện Dê. Đỗ Chiêu Đức. ptgdtdusa.com. DCVOnline hiệu đíng và minh họa bổ túc.