Từ Việt Nam đến Hội trường Danh vọng Vệ tinh

Lou Zacharilla | Trà Mi lược dịch

dr_xuyen2s

Rất ít kỹ sư hay khoa học gia đã đi cùng con đường đến thành công với Tiến sĩ họ Vương và cũng ít người đã được Giám đốc điều hành Artel, Ted Hengst, công nhận là người gắn liền với sự thành công của công ty của họ trong lĩnh vực vệ tinh như ông.

Dr. XT Vuong. Nguồn: Satellite Executive Briefing, Feb. 2015.
Dr. XT Vuong. Nguồn: Satellite Executive Briefing, Feb. 2015.

DCVOnline | Nhân vật chính trong bài “Khủng bố hay anh hùng” đăng ngày 26 tháng Hai, 2015 trên DCVOnline là một cựu sinh viên du học ở Seattle, Hoa Kỳ bằng học bổng “Leadership”, nhóm II, của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Bài viết dưới đây của Lou Zacharilla cho thấy nhân vật trong câu chuyện, một nhà khoa học hàng đầu người Mỹ-Canada gốc Việt, cũng là một cựu sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ bằng học bổng “Lãnh đạo” của USAID, trong nhóm I.

Bài của Zacharilla một lần nữa cho thấy nhận định của Ngô Vĩnh Long(*) như đã trích dẫn trong bài “Khủng bố hay anh hùng” chỉ là những tuyên truyền nhảm nhí của những người phù cộng.

Mời bạn đọc theo dõi lời giới thiệu của Lou Zacharilla và trao đổi giữa tác giả với Tiến sĩ XT Vương.

Lou Zacharilla | Trà Mi lược dịch

Ngày 17 tháng 3 năm 2015, Tiến sĩ XT Vương, Phó Giám đốc và Khoa học gia Trưởng của công ty Artel, sẽ được đưa vào Hội trường Danh vọng (Hall of Fame) của ngành công nghiệp vệ tinh.

Rất ít kỹ sư hay khoa học gia đã đi cùng con đường đến thành công với Tiến sĩ họ Vương và cũng ít người đã được Giám đốc điều hành Artel, Ted Hengst, công nhận là người gắn liền với sự thành công của công ty của họ trong lĩnh vực vệ tinh như ông.

Trong thời gian 14 năm Ts Vương làm việc với Artel, công ty này đã đi từ thời điểm không có khả năng quản lý vệ tinh cho đến khi chủ động quản lý băng thông cho khoảng 60 vệ tinh trong hợp đồng Dịch vụ Truyền thông Vệ tinh DISN – Tòan cầu (DSTS-G) và đã đưa Artel lên vị trí công ty cung cấp băng thông lớn nhất cho Bộ Quốc phòng và Bộ Nội An Hoa Kỳ. Trong khoảng 10 năm, từ 2001 đến 2011, Artel đã từ một công ty nhỏ trở thành một doanh nghiệp lớn với mức tăng trưởng đáng kể. Ông XT Vương đã đóng góp rất nhiều với ngành công nghiệp vệ tinh trong gần 40 năm, từ việc phát triển những Microscope IM [phương pháp mới dùng trong phân tích phi tuyến các tín hiệu của các hệ thống truyền thông liên lạc vệ tinh] với Khuếch đại Ma trận và Hệ thống Định tuyến (MARS) [là một kỹ thuật trong ngành vệ tinh có thể dùng cho cả hai loại vệ tinh truyền thông thương mại và quân sự để tăng năng suất và tính linh hoạt]. Tôi muốn tìm hiểu thêm về ông ấy. Sau đây là trích đoạn cuộc trao đổi của chúng tôi.


Lou Zacharilla (LZ): Tôi muốn bắt đầu bằng một câu hỏi không khoa học. Mọi người trong ngành đều biết ông là “XT”. Nhưng tên của ông là Xuyên Vương. Tại sao lại có chữ “T” vô đây?

XT Vương (XT): Tên tiếng Việt của tôi trong khai sinh là Vương Thanh Xuyên. Ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước châu Á khác, tên đứng trước là họ của gia đình và tên đằng sau là tên đặt cho mình. Tôi đã dùng tên XT từ năm 1984 sau khi thấy rằng, đối với một số người, thì tên Xuyên khá khó phát âm. Tôi đã đổi thành XT.

LZ: Khá phù hợp với tính khí của ông nhỉ. Rõ ràng ông là người có tham vọng và ý thức được tài năng của mình. Nhưng khi tôi đọc về câu chuyện cuộc đời của ông, thì nó có thể đã khác. Ông từ Việt Nam sang Mỹ bằng một học bổng “Lãnh đạo” (Leadership Scholarship) của USAID trong những năm1960. Trong hoàn cảnh và điều kiện nào ông đã xa nhà?

XT: Tôi rất biết ơn Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã cho tôi học bổng. Học bổng đó gồm tất cả các chi phí cho tôi đi học lấy bằng Cử nhân. Học bổng đó đã trang trải cho tất cả mọi chi phí, từ vé máy bay, lớp học tiếng Anh cho đến học phí và tiền ăn ở. Nếu không có học bổng đó, tôi tự hỏi không biết đời mình sẽ như thế nào.

LZ: Cuộc sống của ông ở Việt Nam ra sao?

XT: Tôi là con trong một gia đình dưới trung lưu. Cha mẹ tôi có chín người con. Tôi không nghĩ rằng cha mẹ tôi thậm chí có thể có đủ tiền mua một vé máy bay một chiều cho tôi đi chứ đừng nói tới những chi phí khác mà chương trình USAID đã cung cấp cho tôi.

LZ: Như vậy, đâu phải ông qua Mỹ như là con nhà giàu có?

XT: Không. Học bổng đó dựa trên thành tích học tập. USAID đã không áp đặt điều kiện cụ thể nào đối với cá nhân tôi khi tôi nhận học bổng.

LZ: Như vậy, ông đến Mỹ vào năm 1967. Tới khi nào thì ông bị vệ tinh quyến rũ?

XT: Tôi đến Mỹ vào tháng 2 năm 1967 và hoàn tất bằng Cử nhân Khoa khọc Kỹ sư Điện (BSEE) ở Sacramento State College (nay là California State University) vào tháng Giêng năm 1971.

Nhưng khi lớn lên ở Việt Nam, những tin tức về Sputnik, về người đầu tiên trong không gian và sau đó là việc đặt chân xuống mặt trăng đã làm cho chúng tôi quan tâm đến vệ tinh. Mặc dù chúng tôi nói chuyện về hoả tiễn. Đó có lẽ vì Việt Nam không có sách giáo khoa về vệ tinh viễn thông, nhưng có rất nhiều sách về hỏa tiễn. Vì vậy, ban đầu tôi đã bị hỏa tiễn quyến rũ hơn là vì vệ tinh.

LZ: Bước đầu tiên của ông là được nhận vào trường đại học Bách Khoa Phú Thọ có uy tín. Đó có phải là nơi ông đã học về vệ tinh chăng?

XT: Không, mặc dù thi đậu vào vào Đại học Bách khoa Phú Thọ là một điều tôi vẫn tự hào, vì đó là trường kỹ sư duy nhất tại miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó. Tôi tin rằng tôi trúng tuyển vì đã có thể nghĩ ngoài-cái-hộp và đã giải được một bài toán về hỏa tiễn, mà đó là phần chính của kỳ thi tuyển.

LZ: ”Out-of-the-box” như thế nào?

XT: Tôi đã sáng tạo vượt ra ngoài tầm các bài học và lý thuyết về vệ tinh trong sách giáo khoa bậc trung học. Tôi đã giải được bài toán về hỏa tiễn mà đó phần chính của kỳ thi tuyển vào đại học Phú Thọ.

LZ: Ông đã giải đáp xuất sắc, tôi tin như thế. Ông đã đi vào ngành công nghiệp, mà tháng ba này sẽ đưa ông vào Hội trường Danh vọng, ở đâu?

Dr. Vương Thanh Xuyên,  áo đen, đưng hàng thứ 2 , với những nguofi bạn trẻ ở Ottawa những năm đầu thập niê 1970. Nguồn : DCVOnline.
Dr. Vương Thanh Xuyên, áo khoác đen, hàng thứ 2 , với những người  bạn trẻ ở Ottawa những năm đầu thập niên 1970. Nguồn: DCVOnline.

XT: Đó là Canada. Tại các trường cao học của Đại học Carleton ở Ottawa vào đầu những năm 1970. Bộ Truyền thông Canada đã làm việc với NASA (National Aeronautics and Space Administration) và ESA (European Space Agency) để phát triển một thử nghiệm phát sóng trực tiếp năng lượng cao bằng vệ tinh viễn thông Ku-band gọi là Kỹ thuật Truyền thông Vệ tinh (CTS).

LZ: Vệ tinh Hermes phải không?

XT: Đúng. Nó đã được đưa lên không gian vào năm 1976. Đại học Carleton và Stanford đã tiến hành nghiên cứu chung với các cuộc hội thảo và các khóa giảng truyền hình bằng CTS.

LZ: Đó đã là chuyện bình thường với chúng ta hôm nay. Cuộc gặp gỡ gần thứ hai là với vi sinh vật học. Có thể xem đó là một cuộc hội ngộ giữa “khoa học kỳ dị” với vệ tinh, phải không?

XT: Cuộc hội ngộ này cũng đã diễn ra tại Canada. Lần này tại Đại học Western Ontario. Trong luận án tiến sĩ, tôi đã áp dụng kỹ thuật tương tự như đã dùng để điều khiển quỹ đạo của vệ tinh hầu kiểm soát sự tăng trưởng của vi sinh vật. Một trong những giáo sư cố vấn của tôi, một nhà vi sinh vật học, lắc đầu và nói rằng ông đã không nghĩ rằng có sự liên hệ nào giữa một vệ tinh và một phản ứng sinh học. Tôi nghĩ rằng tôi đã thất bại trong việc cho ông ấy thấy những điều kỳ diệu của toán học khi áp dụng trong kỹ thuật tạo mô hình và điều khiển.

Đến năm 1978, tôi rời đại học đi làm việc với một nhà sản xuất vệ tinh để học thêm kinh nghiệm thực tế trong ngành công nghiệp của chúng ta.

LZ: Đó có phải là nơi ông tìm thấy tình yêu của mình với vệ tinh không?

XT: Tôi thích dạy. Đây được coi là một công việc tạm thời. Khi tôi ngày càng liên quan với công việc về vệ tinh thì tôi thấy nó càng hấp dẫn. Tôi không bao giờ nhìn lại. Nó tăng tốc. Tại Spar Aerospace, tôi làm việc với ông Lorne Keyes, người đã nhận giải thưởng Sarnoff vì những đóng góp xuất sắc trong việc phát triển một vệ tinh viễn thông có hiệu quả kinh tế, gồm cả việc dùng lại tần số do sự phân biệt phân cực – đó một bước đột phá rất lớn.

LZ: Ông còn nhớ dự án đầu tiên của ông chứ?

XT: Thật rõ. Nó đáng lẽ là một nghiên cứu về các sản phẩm điều biến qua lại thụ động nhưng tôi đã vấp phải sai lầm và đã nghiên cứu về các sản phẩm điều biến qua lại dải gốc gây ra do vật mang FM/FDM đi qua một bộ lọc tuyến tính.

LZ: Một sai lầm tốt.

XT: Tôi đã làm việc trong các dự án hấp dẫn khác như Cánh tay của Phi thuyền Con thoi (Space Shuttle) và Sarsat (Tìm kiếm và giải cứu trọng tải của vệ tinh), và dẫn đầu một nhóm các kỹ thuật viên và kỹ sư thực hiện việc tích hợp và thử nghiệm các vệ tinh truyền hình Anik-C và Anik-D của Canada.

LZ: Tôi tò mò về phương cách sáng tạo của ông. Truyền thuyết cho là ông là người có khả năng đưa ra đáp án đúng cho những vấn đề phức tạp. Càng đọc nhiều, tôi thấy rằng thiên tài của ông là khả năng đưa một giải pháp bằng cách quy vấn đề thành một thực tế đơn giản. Tôi nghĩ thế có đúng không?

XT: Tôi hãnh diện khi ông nghĩ như thế. Tôi được như vậy là nhờ ở sự đào tạo đại học chính quy về ngành kỹ thuật hệ thống và những kinh nghiệm lĩnh hội trong nghề tại các điểm dừng khác nhau. Tôi vững tin vào tính khí và các giá trị của cá nhân tôi – xác nhận sự thật, không ngừng học tập và sự cống hiến – là bản chất của tôi.

LZ: Thật khó để xác định nguồn gốc của niềm đam mê và phương pháp của chúng ta, có phải thế không?

XT: Ông nghĩ đúng về cách nhìn vấn đề của tôi. Nó chẳng khác nhiều so với bất kỳ phương pháp kỹ thuật hệ thống nào. Trước tiên, tôi cần phải tìm ra vấn đề là cái gì bằng cách thu thập tất cả các dữ liệu thích đáng. Những gì ông gọi là “thực chất đơn giản” với tôi đó những dữ liệu thích hợp. Đây là bước quan trọng nhất trong việt giải quyết vấn đề. Kinh nghiệm dạy tôi dữ liệu nào là thích đáng, dù chúng có thể không có sẵn ngay đó. Với một số vấn đề, thí dụ như sự nhiễu (sóng), thì tôi cần phải tìm ra sự bất định của dữ liệu và xem chúng có bị ảnh hưởng hay bị dung hòa hay không.

Bước thứ hai là tạo mô hình bằng cách trình bày vấn đề bằng các phương trình toán học. Sự “tao nhã” khai triển từ các phương trình toán hoặc các thông số.

Bước thứ ba là giải các bài toán bằng cách dùng các kỹ thuật tối ưu hóa hoặc kỹ thuật điều khiển hiện có. Nếu những kỹ thuật đó không có sẵn, tôi sẽ tạo ra, hoặc quay lại bước thứ hai để đơn giản hóa tiến trình tạo mô hình. Bước cuối cùng là chuyển đổi chúng thành một giải pháp thực tế.

LZ: Thông báo về Hội trường Danh vọng của Hội Chuyên gia Vệ tinh Quốc tế đã đề cập đến công việc của ông về Khuếch đại Ma trận và Hệ thống Định tuyến [Amplifier Matrix và Routing System] (MARS).

XT: MARS là một kỹ thuật về trọng tải của vệ tinh mà tôi đã may mắn được tham gia và phát triển. Tôi đã làm việc cho Inmarsat về hiệu năng của bộ khuếch đại ma trận cho con tàu vũ trụ của họ trước khi xây dựng. Tôi đã nghiên cứu sâu rộng hơn tại SAIC, và nhờ một giải thưởng của Broad Agency Announcements (BAA) của Trung tâm và Hệ thống Tên lửa (SMC) của Không quân Hoa Kỳ (USAF).

Tôi tổng quát hóa các khái niệm chia sẻ năng suất của MARS, thêm khả năng định tuyến của nó, định rõ đặc điểm các sản phẩm điều biến qua lại liên cảng và nội cảng, và nghiên cứu về ứng dụng khả thi để dùng MARS với các vệ tinh viễn thông quân sự thế hệ thứ ba (DSCS IIIs).

LZ: Cái nhìn của ông về viễn cảnh của kỹ thuật quản lý băng thông sẽ phát triển trong 5 năm tới là gì.

XT: Chúng ta sẽ thấy việc triển khai các vệ tinh thông lượng cao (HTS) nhiều hơn. Chúng ta sẽ thấy việc tăng trưởng về nhu cầu băng thông và các dịch vụ về mạng lưới. Kết quả là, thị trường sẽ chú trọng hơn về mặt quản lý và chất lượng của dịch vụ để hỗ trợ lưu thông trên mạng (ví dụ, độ trễ, tỷ lệ lỗi bit) hơn là giám sát quang phổ của các băng thông (ví dụ như sự nhiễu tần số vô tuyến).

LZ: Chúng ta có một chiến dịch mới trên toàn cầu để quang bá ngành công nghiệp (của chúng ta) gọi là “Vệ tinh Làm Thế giới Tốt hơn” (www.bettersatelliteworld.com). Ông có nghĩ việc ông làm đã làm thay đổi cuộc sống của người dân không?

XT: Khi làm việc tại Spar Aerospace tôi đã tham gia vào việc thiết kế và thử nghiệm các vệ tinh nội địa của Canada và Indonesia. Dù có niềm tự hào quốc gia ở đây, nhưng chúng không phải là những nỗ lực để phát triển hơn mà nhằm vào việc triển khai vì vệ tinh là phương tiện duy nhất để mọi người liên lạc một cách hiệu quả. Điều này rất là quan trọng.

LZ: Chúng ta đã không nhận ra rằng niềm tự hào quốc gia, trông giống như một đề xuất thất thu, thường đáp ứng được nhu cầu để mọi người có thể nhập cuộc như thế nào. Ngành vệ tinh có thể tự hào ở điểm này.

XT: Ở cả trên biển nữa. Tôi từng làm việc tại COMSAT về thiết kế các trạm trên đất liền của Inmarsat-A và B/M. Trước khi có Inmarsat, người trên tàu không thể liên lạc thường xuyên. Radio sóng ngắn, một phương tiện không đáng tin cậy để liên lạc, đã được sử dụng. Hôm nay, nhờ các vệ tinh, người đi biển có thể liên lạc được với mọi người ở phần còn lại của thế giới và có thể xem được cả Super Bowl!

LZ: Ông thích ai trong trận chung kết năm nay?

XT: Tôi có bốn anh chị em với gia đình của họ ở Seattle. Vì vậy, chắc chắn tôi sẽ cổ vũ cho đội Seahawks của Seattle.

LZ: OK. Dự đoán kết quả trận đấu đó chắc khó khăn hơn nhiều so với việc phân tích giao thông qua phi tuyến, phải không? Cảm ơn ông.

Nguồn: http://www.artelllc.com/
Nguồn: http://www.artelllc.com/

Tác giả Lou Zacharilla là Giám đốc Phát triển của Hội Chuyên Gia Vệ tinh Quốc tế. Liên lạc với ông Zacharilla bằng địa chỉ này [email protected]

© 2015 DCVOnline


Nguồn: Lou Zacharilla, From Boyhood in Vietnam to the Satellite Hall of Fame, Satellite Executive Briefing, Vol. 8, No. 1, February 1015, pp. 7-9.
(*) Ngo Vinh Long, Vietnamese Students and the Center, Bulletin of Concerned Asian Scholars, Vol. 3. No. 2. February 1971, p.32-34. Trần Giao Thủy trích dẫn lại trong “Khủng bố hay anh hùng”, DCVOnline, 16 tháng Hai, 2015.

1 Comment on “Từ Việt Nam đến Hội trường Danh vọng Vệ tinh

  1. Cu00f3 biu1ebft cu01a1 man nu00e0o lu00e0 nhu1eefng thanh niu00ean miu1ec1n Nam VN cu00f9ng trang lu1ee9a vu1edbi u00f4ng Vu01b0u01a1ng, lu00fac u0111u00f3 phu1ea3i nu1eb1m xuu1ed1ng u0111u1ec3 u00f4ng Vu01b0u01a1ng ru1ea3nh tay …mu1ea7n research; u0111u1eb7ng u00f4ng Vu01b0u01a1ng u0111u1ebfn “hu1ed9i tru01b0u1eddng Danh Vu1ecdng” tru01b0u1edbc khi ngu00e1p ngu00e1p vu1ec1 chu1ea7u u00f4ng bu00e0?nnHu00e0ng ngu00e0n du hu1ecdc sanh vu00e0o thu1eddi u0111iu1ec3m u0111u00f3 – cu00f3 mu1ea5y ai muu1ed1n tru1edf vu1ec1 lu1ea1i miu1ec1n Nam VN, u0111u1eb7ng phu01a1i/nhai/u00f4m … cu1ee7 cu1ea3i??nnEm nghu0129, Vu1eady cu1ee9 cho lu00e0 u00f4ng Vu01b0u01a1ng cu00f3 …su1ed1 “u0111u1ebb bu1ecdc u0111iu1ec1u” – thu1ebf cu0169ng xong mu1ed9t u0111u1eddi!