Nguyễn Văn Trung

Thụy Khuê

nvtNhư vậy triết lý là thái độ sống, thì có thể là của một cá nhân hay một cộng đồng; còn triết học là một tri thức có hệ thống thì bao giờ cũng chỉ là của một cá nhân, như Triết học Aristote, triết học Kant, triết học Khổng Tử…

Kết luận: người Việt Nam có triết lý mà không có triết học.

Tiểu sử

Ngyễn Văn Trung. Nguồn: DCVOnline
Ngyễn Văn Trung. Nguồn: DCVOnline

Nguyễn Văn Trung sinh ngày 26/9/1930, là nhà giáo, nhà văn – triết Việt Nam, bút hiệu khác: Hoàng Thái Linh, Phan Mai. Sinh tại làng Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, trong một gia đình công giáo đông con. Cha là Nguyễn Văn Tuynh, thầy thuốc Bắc và mẹ là bà Thiệu Thị Tốt. Thuở nhỏ học trường dòng Puginier ở Hà Nội. Khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, tản cư về Hà Đông học ở chủng viện Hoàng Nguyên. Đến 1950, trở lại Hà Nội theo ban tú tài văn chương ở trường Chu Văn An. Năm 1951, đỗ tú tài I, được nhà dòng cấp học bổng du học ở Âu Châu. Đến Toulouse rồi sang Bỉ học đại học Louvain, đậu cử nhân triết học, theo ban tiến sĩ triết học phần I. Cuối năm 1955 về Sài gòn, dạy triết ở trường Chu văn An. 1956 kết hôn với cô Trần Thị Minh Chi. Từ 1957, dạy triết tại đại học Huế. 1961 trở lại đại học Louvain trình luận án tiến sĩ và lấy bằng Tiến sĩ triết học, về nước (1961) dạy triết và văn ở đại học Văn Khoa Sài gòn. Khoảng 63-64, dạy đại học công giáo Đà Lạt. Một thời gian sau, ông bị “đuổi” khỏi đại học công giáo vì ảnh hưởng “độc hại”  của cuốn Ca tụng thân xác trên sinh viên. Sau 1975, ông ở lại Đại học Văn khoa, nhưng các giáo sư miền Nam cũ không được dạy ba môn Văn, Triết, Sử nữa, ông chuyển sang nghiên cứu. Năm 1993, sang định cư ở Montréal, Canada.

Sách đã xuất bản

Sách giáo khoa: Luận lý học (tủ sách Á Châu, 1957). Đạo đức học (tủ sách Á Châu 1957). Luận triết học tập I (nhà xuất bản Nam Sơn). Phương pháp làm luận triết học (nxb Nam Sơn).

Tiểu luận: Nhận định I (nxb Nguyễn Du, 1958). Nhận định II (nxb Đại học 1959). Nhận định III, (nxb Nam Sơn, 1963). Nhận định IV ( Nam Sơn, 1966).Nhận định V (Nam Sơn, 1969). Nhận định VI (Nam Sơn, 1972) .

Lý luận văn học: Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (Cơ sở xuất bản Tự Do, 1962). Lược khảo văn học tập I (Nam Sơn 1963). Lược khảo văn học II (Nam Sơn, 1965). Lược khảo văn học III (Nam Sơn 1968).

Văn học và chính trịChủ nghiã thực dân Pháp ở Việt Nam thực chất và huyền thoại (Nam Sơn 1963). Chữ và văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc (Nam Sơn, 1974). Trường hợp Phạm Quỳnh (phỏng vấn những người viết sách báo đương thời với Phạm QuỳnhNam Sơn 1974). Chủ đích Nam Phong (Trí Đăng, 1975). Vụ án truyện Kiều (tập hợp những bài viết trong vụ tranh luận về truyện Kiều giữa Ngô Đức Kế và Phạm Quỳnh năm 1924, in 1972).

Triết họcTriết học tổng quát (Vĩnh Bảo, 1957). Ca tụng thân xác (Nam Sơn 1967). Hành trình trí thức của Karl Marx (Nam Sơn 1969). Đưa vào triết học(Nam Sơn 1970). Góp phần phê phán giáo dục và đại học (Trình Bày, 1967).Ngôn ngữ và thân xác (Trình Bày, 1968). La conception bouddhique du Devenir(Xã Hội, 1962). Danh từ triết học (làm chung với LM Cao Văn Luận, Đào Văn Tập, Trần Văn Tuyên, LM Xuân Corpet (nxb Đại học 1958).

Tôn giáo: Biện chứng giải thoát trong Phật giáo (nxb Đại học Huế, 1958).Người công giáo trước thời đại (nhiều tác giả) (Đạo và Đời, 1961). Lương tâm công giáo và công bằng xã hội (Nam Sơn, 1963).

Sau 1975: Câu đố Việt Nam (nxb TP Hồ Chí Minh, 1986). Những áng văn quốc ngữ đầu tiên: Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh, 1987; nxb Hội Nhà Văn tái bản). Về sách báo của tác giả công giáo thế kỷ XVII- XIX (nhiều tác giả, nxb TP Hồ Chí Minh 1993).

Bản thảo soạn sau 75, chưa inLục châu họcNgôn ngữ và văn học dân gian,Ăn mặc theo truyền thống Việt NamĐạo chúa vào Việt namHồ sơ về hàng giám mục Việt NamTrương Vĩnh Ký con người và tác phẩmNhận định VII, VIII. [Nxb Trẻ đã in tháng 1, 2015, sách gồm 644 trang khổ giấy 15,5 x 23,5 cm – DCVOnline]

Ở hải ngoại, viết thêm Nhận định IX và X.

Ngoài những tác phẩm liệt kê trên đây còn hàng trăm bài báo đủ mọi thể loại, in trên các báo hàng ngày như Tin sáng, Dân chủ mới, Hoà bình… hoặc các tạp chí như: Văn học, Bách khoa, Đại học, Sáng tạo, Thế kỷ XX, Đất nước, Nghiên cứu văn học, Văn, Sống đạo, Hành trình, Thái độ, v.v… chưa in thành sách.

*

Sau 54, ở miền Nam một số giáo sư đại học như Trần Thái Đỉnh, Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Văn Trung, Trần Bích Lan (Nguyên Sa) v.v… đã thực sự dựng nền móng cho môn triết học Tây phương. Để giảng dậy, họ phải dịch những danh từ triết ra tiếng Việt và viết sách. Trần Thái Đỉnh và Nguyễn Văn Trung là hai người đã có công lớn trong việc phổ biến triết học hiện đại trong đại học và trong tác phẩm văn học, với lối viết trong sáng, dễ hiểu. Trần Thái Đỉnh giới thiệu các lý thuyết triết học, chủ yếu là triết học Kant và triết học hiện sinh. Nguyễn Văn Trung áp dụng triết học vào các địa hạt như phê bình văn học, phê bình xã hội học, nhận định tôn giáo, nhận định lịch sử.

*

Về mặt triết học thuần túy, Nguyễn Văn Trung có hai cuốn tiêu biểu: Ca tụng thân xác(1967) và Ngôn ngữ và thân xác (1968).

Ca tụng thân xác được viết dưới ngòi bút của một triết gia. Ông dùng hiện tượng luận để phân tích vấn đề thân xác, xưa nay vẫn bị khinh miệt, đặc biệt trong tôn giáo: Theo ông, đời sống tu trì có ba kẻ thù chính: “Satan, Ma quỷ cám dỗ thế gian và xác thịt”. Trong ba kẻ thù này xác thịt nguy hiểm nhất vì là nội thù.

Cách đề phòng hữu hiệu nhất là phải khủng bố thường xuyên xác thịt bằng cách hãm mình, ăn chay và đánh tội.

Một đức tu như thế nằm trên quan niệm nhị nguyên về con người: phân biệt tinh thần với thể xác, có từ thời cổ Hy Lạp; coi trọng đời sống tinh thần, còn vật chất và thân xác bị coi như những chướng ngại vật ngăn cản con người hướng thượng.

Sự khủng bố thể xác là một thứ “sa đích đạo đức”. Thân xác bị lãng quên, bị bỏ quên, con người đâm ra không biết gì về thể xác của mình: Con người xa lạ với thể xác của mình. Triết học hiện đại (hiện sinh) cho rằng không thể tách rời thể xác với tinh thần: Khi ốm đau, đói khát, thì tinh thần cũng chịu, không thể minh mẫn mà suy nghĩ được, cho nên: Tôi là thể xác tôi. Do đó có thể nói: con người hiện diện ở đời bằng thân xác, nhưng lại ở trong một tình trạng vong bản vong thân thường xuyên, nghiã là quên mình vì tâm trí lúc nào cũng ở nơi khác, ở đâu đó, chỉ chăm chú đến những đối tượng ngoài mình.

Vì vậy con người cần phải “khám phá” lại mình, khám phá thân xác, lúc ốm đau đói rét, lúc soi gương, lúc xấu hổ e thẹn… để thấy rằng “thân xác là một thực tại mở”.

Biện chứng mở giải thích vấn đề dục tính và đưa đến kết luận: thân xác là một giá trị. Ca tụng thân xác là ca tụng con người. Không chỉ có tinh thần mới thiêng liêng, thân xác cũng thiêng liêng. Vấn đề không phải là chối bỏ hay hủy diệt thân xác, nhưng phải làm sao đảm nhiệm được một cách đích thực sứ mệnh làm người trong thân phận của mình, là một vật có thân xác.

Nguyễn Văn Trung viết Ca tụng thân xác với chủ đích tố cáo những nền văn minh, những chủ nghiã duy thần, duy linh, duy tâm giả dối nói chung trên trái đất và tiếp theo đó ông viết Ngôn ngữ và thân xác để trình bày vấn đề thân xác nhìn từ hoàn cảnh riêng biệt của Việt Nam.

Trước hết ông nêu vấn đề: Có tư tưởng Việt Nam hay không? Nếu có thì nó nằm ở chỗ nào? Để tìm hiểu tư tưởng Việt Nam, ông nêu câu hỏi: Chúng ta có triết học hay không?

Và ông đề nghị: nên dùng chữ triết lý để chỉ định triết lý như một thái độ sống bao hàm một quan niệm sống, và triết học để chỉ định triết lý như một tri thức có hệ thống về cuộc đời.

Như vậy triết lý là thái độ sống, thì có thể là của một cá nhân hay một cộng đồng; còn triết học là một tri thức có hệ thống thì bao giờ cũng chỉ là của một cá nhân, như Triết học Aristote, triết học Kant, triết học Khổng Tử…

Kết luận: người Việt Nam có triết lý mà không có triết học.

Tại sao?

Ông giải thích:

Vì sự lệ thuộc văn hoá ngoại bang trong nhiều thế kỷ: Sĩ phu Việt chống Tàu, nhưng chấp nhận và sùng bài ý thức hệ Nho giáo, trọng sách thánh hiền, không dám tự nghĩ, tự sáng tạo. Đến thời Pháp thuộc, vần đề cũng lại như thế: Trí thức Việt chống Pháp nhưng lệ thuộc vào văn hoá tư tưởng của Pháp. Và đó cũng là vấn đề chung của các nước nhỏ bên cạnh nước lớn như Bỉ, Thụy Sĩ, Luxembourg bên cạnh Pháp, Đức. Cho nên, chúng ta chỉ có triết lý dân tộc.

Vậy triết lý ấy nằm ở đâu?

– Ở trong ngôn ngữ.

Những triết gia theo hiện tượng luận như Heidegger, coi ngôn ngữ như “cái nhà, đền thờ của hữu thể”. Con người hiện diện bằng thân xác, do đó, ngôn ngữ và thân xác là hai yếu tố cấu thành nên tư tưởng dân tộc Việt Nam và ông đã dùng hiện tượng luận để phân tích vị trí của thân xác trong hệ thống ca dao, tục ngữ và ngôn ngữ tục của người Việt.

Về lý luận phê bình, Nguyễn Văn Trung là một trong những người đầu tiên đã giới thiệu và xử dụng lý luận văn học Tây phương một cách có hệ thống. Tác phẩm tiêu biểu của ông trong địa hạt này là bộ ba cuốn Lược khảo văn học.

Lược khảo văn học, Tập INhững vấn đề tổng quát, sườn dựa trên những câu hỏi mà Sartre đề ra trong tác phẩm Qu’est- ce – que la littérature (Văn chương là gì?): Viết là gì? Viết cái gì? Tại sao viết? Viết thế nào? Viết cho ai? Sartre đặt câu hỏi và trả lời những câu hỏi ấy trong bối cảnh ngôn ngữ và xã hội phương Tây.

Nguyễn Văn Trung trả lời những câu hỏi ấy trong bối cảnh Việt Nam. Ông tìm cách định nghiã văn chương, lấy ngôn ngữ văn chương Việt Nam làm đối tượng, và giải thích cho  độc giả Việt Nam, chưa quen với lối phê bình dựa trên nền tảng triết học.

Lược khảo văn học, Tập IINgôn ngữ văn chương và kịch, (1965), bàn về công dụng của văn chương, giới hạn địa bàn trong các thể loại: thơ, tiểu thuyết và kịch, và Nguyễn Văn Trung xác định: muốn tìm hiểu văn chương một cách quy mô, thì phải dựa trên những phương tiện ngữ học. Tiếc rằng ở miền Nam, thời ấy, ngữ học chưa thực sự phát triển, cho nên khó có thể đi đến việc tìm hiểu sâu sắc các tác phẩm văn học.

Lược khảo văn học, Tập III: Nghiên cứu và phê bình văn học, (1968), Nguyễn Văn Trung trình bày quan niệm tìm hiểu tác phẩm như một kiến trúc ngôn ngữ. Đối chiếu những quan niệm phê bình cũ với những quan niệm mới và nói lên giới hạn của phê bình văn học.

Lý luận phê bình của Nguyễn Văn Trung thật sự cần thiết cho nền văn học miền Nam và đã mở cửa cho một phương pháp phê bình hoàn toàn mới lạ, so với lối phê bình tiền chiến, như phê bình giáo khoa của Vũ Ngọc Phan, phê bình ấn tượng của Hoài Thanh, kể cả lối phê bình mác-xít của Trương Tửu. Đặc biệt Nguyễn Văn Trung giới thiệu các trường phái phê bình mới như phê bình ý thức, phê bình mác-xít, phê bình phân tâm học, vv…  Tuy nhiên, ở thập niên 1960-1970, Nguyễn Văn Trung cũng chỉ cập nhật được những dòng tư tưởng đương thời, tức là dừng lại ở trường phái hình thức Nga qua phương pháp phân tích ngữ học của Roman Jakobson. Những khám phá của các trường phái triết ngữ học Đức, mỹ học Bakhtine, ký hiệu học (Roland Barthes), vv… dường như chưa có mặt tại miền Nam, trước 1975.

Bộ sách Nhận định, vừa là tên sách (10 tập) vừa nói lên chủ đích của tác phẩm là “phản ảnh những chặng đường tìm kiếm suy tư”.

Nói khác đi: nhận định có nghiã là nói lên những suy nghĩ của mình về vấn đề này hay vấn đề khác. Và Nguyễn Văn Trung đã dùng hiện tượng luận để mổ xẻ và đưa ra những ánh sáng mới về các đề tài như: Thông cảm, E lệ, Hối hận, Cái nhìn, Tự tử,  v.v…

Vì thế, những nhận định của ông trên nhiều lãnh vực: văn chương, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị… luôn luôn có tính thuyết phục cao.

Nhận định phản ảnh tư tưởng và phong cách của Nguyễn Văn Trung -dù đồng ý hay không đồng ý với ông- cũng phải công nhận ông có ba đặc điểm: óc phê bình, óc sáng tạo và cái nhìn triết học đào sâu tới nguồn cội của vấn đề. Chính ở óc phê bình và tranh luận mà Nguyễn Văn Trung có lắm “kẻ thù” trong mọi địa hạt chính trị cũng như tôn giáo.

Phần văn học và chính trị, chủ yếu đặt trên vấn đề phê bình nhóm Nam Phong và Phạm Quỳnh. Nguyễn Văn Trung cho rằng: Vì Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong đề cao truyện Kiều, cho nên Ngô Đức Kế mới phản bác truyện Kiều. Sự phản bác này là để chống chủ trương theo Pháp của Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong. Nếu Phạm Quỳnh không đề cao truyện Kiều mà đề cao Hoa Tiên, thì Ngô Đức Kế cũng sẽ công kích Hoa Tiên. Do đó vụ án truyện Kiều, theo Nguyễn Văn Trung, là một vụ án chính trị chứ không phải văn học.

Cuốn Chủ đích Nam Phong, mục đích tố cáo Phạm Quỳnh chủ trương theo Pháp trong khi các trí thức khác như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường… đã khẳng khái chống Pháp.

Người ta có thể đồng ý hay không đồng ý với ông trên lập luận này, nhưng một mặt khác, dù Nam Phong có nhận tiền trợ cấp của Pháp và do Pháp chỉ định đường lối, cũng không thể gạt bỏ những đóng góp tích cực của Nam Phong trong giai đoạn đầu của văn học quốc ngữ.

Và Phạm Quỳnh như chúng tôi đã có dịp chứng minh, là một nhà ái quốc, đã sang Pháp cảnh báo chính sách thực dân, định bỏ hẳn tiếng Việt trong các trường tiểu học để chỉ dạy  tiếng Pháp, như họ đã áp dụng ở châu Phi. Phạm Quỳnh thành công qua bốn bài diễn văn tâm huyết đọc trước cử toạ trí thức tại Paris năm 1922, nhắm vào trọng điểm truyện Kiều. Ông nói về cái hay của ca dao và truyện Kiều, hai kho tàng vô giá của dân tộc, không thể dịch sang tiếng Pháp mà không mất đi phần lớn giá trị và người Pháp thực dân không đọc, không hiểu. Phạm Quỳnh giới thiệu bản dịch truyện Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh, để nếu in ra được, người Pháp có thể đọc để hiểu một phần nhỏ cái hay của tiếng Việt qua một nhà thơ lớn, mà công lao đối với quốc âm không khác gì công lao của Rabelais đối với chữ Pháp. Đó là chứng từ không thể chối cãi được về lòng yêu nước của học giả Phạm Quỳnh, nhất là việc giữ cho tiếng Việt được trường tồn trong hoàn cảnh chúng ta có thể mất tiếng nói bất cứ lúc nào trước chính sách thực dân, và đó là một trong những yếu tố chủ chốt khiến 2 năm sau (1924) người Pháp cho mở những trường tiểu học ở Bắc và Trung, học thuần túy tiếng Việt trong ba năm, để thi bằng Sơ học yếu lược.

Sau 1975, Nguyễn Văn Trung chuyên hẳn sang nghiên cứu. Năm 1987, ông tìm thấy đoản thiên tiểu thuyết viết theo lối Tây phương sớm nhất: Thày Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản. Khám phá này đặt lại hoàn toàn vấn đề từ trước đến nay giới nghiên cứu vẫn coi Tố Tâm (1922) của Hoàng Ngọc Phách là tiểu thuyết đầu tiên viết theo lối Tây phương.

Bộ Lục châu học là một công trình nghiên cứu đồ sộ. Nguyễn Văn Trung khai quật trình bày và giới thiệu những tác phẩm văn học và sử học viết bằng chữ quốc ngữ xuất hiện ở Lục châu (Lục tỉnh Nam Kỳ) từ 1865 đến 1930 (phần lớn đi trước ngoài Bắc).

Lục châu học là công trình nghiên cứu cuối cùng của Nguyễn Văn Trung ở trong nước, chủ tâm đặt lại miền Nam vào quỹ đạo tiên phong của nền văn học quốc ngữ.

Tập bản thảo quý giá này được lưu truyền trong giới nghiên cứu trong Nam, ngoài Bắc trong nhiều thập niên, đã ít nhiều thay đổi cái nhìn của những nhà nghiên cứu văn chương quốc ngữ, nhưng người ta thường trích dẫn hoặc diễn lại ý của ông mà không đề xuất xứ.

Cho đến nay Lục châu học vẫn chưa được in thành sách, nhưng đã có bản điện tử trên Internet, trên mạng nguyenvantrung.free.fr

5/2007; bổ sung ngày 30/7/2014

Hồ sơ về Lục châu học Tìm hiểu con người ở vùng đất mới dựa vào tài liệu văn, sử bằng Quốc ngữ ở miền Nam từ 1865-1930.  Nguofn: NXB Trẻ (Tháng 1, 2015)
Hồ sơ về Lục châu học – Tìm hiểu con người ở vùng đất mới dựa vào tài liệu văn, sử bằng Quốc ngữ ở miền Nam từ 1865-1930. Nguofn: NXB Trẻ (Tháng 1, 2015)

© Thụy Khuê 2007-2014


Nguồn: Nguyễn Văn Trung. Thụy Khuê, 5/2007. DCVOnline minh họa.

1 Comment on “Nguyễn Văn Trung

  1. Viết nhiều, tư tưởng lớn, nhưng chỉ thiếu có “sức mạnh” nên tất cả đều “bỏ của chạy lấy than” khi “đàn bò vào thành phố”….Phạm Quynh là nhà ái quốc nhưng “dao sắc không gọt được chuôi” nên con Phạm Quynh đã hồ hởi ca lên rang “như có bác hù trong ngày vui đại thắng….”