Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức: Một chọn lựa bất hạnh (Kết)

Nguyễn Văn Lục

hnn “Sau 30-4-75 lãnh đạo Cách mạng ở Thành phố cho tôi một đặc ân: lên danh sách đề nghị cho một số người có dính dáng đến các hoạt động của tôi khỏi đi học tập cải tạo tập trung. Danh sách khá dài của tôi đã bị lọc bớt khá đông.” – Hồ Ngọc Nhuận.

Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức: Un choix malheureux – Một chọn lựa bất hạnh

(Tiếp theo phần I, phần II)

Những lời kết án của Lý Quý Chung về Ngô Công Đức

Lý Qus Chung và nội các 48 giờ (t), với Võ Văn Kiệt (p). Nguồn: DCVOnline tổng hợp.
Lý Qúy Chung và nội các 48 giờ (t), với Võ Văn Kiệt (p). Nguồn: DCVOnline tổng hợp.

Có thể nói cuốn Hồi Ký không tên của Lý Quý Chung là một là một cái tát vào mặt bạn bè cũ của ông. Khi nó được cho xuất bản với sự chuẩn y của Trần Bạch Đằng cùng với lời đề tựa là lúc Lý Quý Chung biết mình không còn sống được bao lâu nữa.

Vào cái lúc cận kề bên bờ tử sinh mà còn viết được một cuốn Hồi ký như thế kể cũng là điều lạ.

Riêng cá nhân tôi nhận xét về những khuyết điểm của cuốn sách này như sau với tư cách một người đọc.

  • Cuốn sách dành quá nhiều trang để nói về giai đoạn làm báo, làm dân biểu và vai trò nhân chứng của tác giả vào giây phút chót của ngày lịch sử 30/4/1975. Đây là những trang sách vung bút nhất và ‘bốc nhất’. Nhưng lại tỏ ra quá ít ỏi, hầu như không nói được gì để nói về giai đoạn 1975 cho đến lúc tác giả qua đời (3/3/2005). Mà nói đúng ra giai đoạn sau quan trọng hơn giai đoạn trước. Phải chăng cũng là một cách để ông tránh né bị kiểm duyệt và bị cắt bỏ?
  • Đọc toàn bộ cuốn Hồi Ký, nó toát ra hai điều: Sự đề cao mình một cách hơi lộ liễu trong vai trò làm báo, làm dân biểu đối lập, về việc tiếp xúc với vài người ngoại quốc. Sư tự đề cao còn trở nên quá lố như trong vai trò Tổng trưởng thông tin trong chính phủ 48 giờ Dương Văn Minh. Về điều này, nó trở thành đối tượng cho cựu chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh gửi thư cho Ủy Ban Mặt trận Tổ Quốc, thành phố Hồ Chí Minh đặt một số vấn đề với tác giả Lý Quý Chung về sự đầu hàng vô điều kiện của ông Dương Văn Minh và về sự vắng mặt vào hai ngày chót của cuộc đầu hàng-( 30-4 đến ngày 2-5) của Lý Quý Chung. Sự tự đề cao này còn được Hồ Ngọc Nhuận phản bác lại trong vai trò Lý Quý Chung là phụ tá chủ nhiệm, v.v. Một sự đề cử bốc đồng- theo Hồ Ngọc Nhuận- của Ngô Công Đức. Nếu có mặt tự đề cao mình, về mặt kia thì thói đời, ông lại tỏ ra quá nhún nhường nếu không nói là quỵ lụy như việc rắp tâm xin được gia nhập đang cộng sản. Sự tự hạ mình như vậy- cũng khó nói- nhưng nó lại bàng bạc trong thứ ngôn ngữ của những nhà báo tự hạ thấp mình xuống. Chẳng hạn khi ông hạ bút viết:

“30 năm sau nhìn lại ngày 30-4-1975 mới thấy rõ hơn gíá trị của ngày giải phóng. Nếu không có ngày đó- chấm dứt hoàn toàn sự can thiệp của người Mỹ, giành được độc lập và thống nhất xứ sở- thì chắc chắn đất nước hôm nay không an bình phát triển, ổn định như đang có.”(30)

Sự tự hạ mình này cũng được Võ Long Triều ghi nhận:

“Lý Quý Chung là người mà tiếng đời thường gọi là ‘theo voi hít bã mía’. Chỗ nào có lợi lộc là anh hết lòng phò tá. Cho nên mới đọc sơ vài trang ‘Hồi ký không tên’ của anh là tôi đã ngửi thấy mùi nịnh hót cộng sản, bóp méo sự thật để chứng minh cái lý tưỡng ba xu, có lẽ của Trần Bạch Đằng mớm cho anh cũng như cộng sản bóp méo hay sửa đổi lịch sử để biện minh cho cái gọi là cách mạng và chế độ cộng sản.”(31)

Khi viết bốc và nịnh bợ như thế, ông đã quên cái cảnh vợ con ông đói meo, nheo nhóc. Cái cảnh mà người ta chưa hề bao giờ thấy ở miền Nam trước 1975. Đó là cái cảnh cười ra nước mắt khi vợ ông âm thầm ở nhà đã cho người tháo các cửa kính trên lầu ba để lấy tiền mua gạo cho con ăn. Khi về, ông tưởng mấy người đó là ăn trộm.. Mấy dòng sau đó ông viết: “Nhìn đất nước nối liền từ Nam chí Bắc hiện nay, đến bây giờ tôi vẫn tưởng nằm mơ!”

Ông đã tố cáo người chủ nhiệm tờ Tin Sáng, Ngô Công Đức bộ mới, bóng gió gọi là ‘có người muốn theo Tito hay Walesa’ hay ‘móc nối với sư sãi gốc Miên và với Khmer Sơrai của Sơn Ngọc Thành. Đây là sự ám chỉ quá độc ác, giết người dưới chế độ cộng sản. Lý Quý Chung viết:

“Nếu không có mâu thuẫn nội bộ, liệu Tin Sáng có kéo dài được sự tồn tại? Một tờ báo gồm các trí thức cũ Sài gòn, hoạt động như một doanh nghiệp tư nhân, anh Đức nắm tờ báo như một ông chủ báo trước 1975, lại rơi vào thời điểm Đông Âu bắt đầu chứng kiến những biến động.”(32)

Công đoàn đoàn kết của Walesa đã phát động lật đổ chế độ cộng sản ở Ba Lan. Vậy nếu báo Tin Sáng tiếp tục tồn tại thì sẽ ở vị trí nào trong bối cảnh chính trị đó?

Tài liệu dẫn chứng của Hồ Ngọc Nhuận cho thấy Lý Quý Chung là người bất tín, bất nghĩa. Nhưng tôi chỉ không đồng ý với nhận xét của Hồ Ngọc Nhuận đổ cho lòng dạ con người hay thói đời. Nhận thức như thế là trốn tránh sự thật. Việc làm của Lý Quý Chung là việc làm bình thường trong chế độ cộng sản. Trước đây, những trí thức bạn bè của Trần Đức Thảo cũng làm cái việc mà Lý Quý Chung đã làm ngày hôm nay và nhiều người khác cũng đã làm như vậy. Trong cái tổ chức ấy, họ tổ chức sắp xếp, phân tổ để kiểm soát lẫn nhau, rồi rình mò, ám hại nhau, ngay cả tố cáo nhau lấy điểm nếu cần. Chính Trần Bạch Đằng khi cổ võ cho Tin Sáng được tái xuất hiện, ông ta cũng cài một nhân viên thân tín của ông là Kỳ Phương vào tòa báo. Dương Văn Ba cũng phải nhìn nhận: làm báo trong chế độ mới là theo sự hướng dẫn của Đảng. Nhờ sự hướng dẫn và dìu dắt của ông Kỳ Phương mà tờ Tin Sáng an toàn hơn.(33)

Dương Văn Ba còn viết thêm: “Ông Trần Bạch Đằng khá sâu và khá bén nhạy trong vấn đề dìu dắt và hướng dẫn báo Tin Sáng đi theo đường lối Cách Mạng. Những ý kiến có tinh cách chỉ đạo của ông thường được đưa ra rất nhẹ nhàng như những gợi ý, soi đường.”(34)

Trong chế độ VNCH ai có thể chỉ đạo các ông? Các ông hung hăng tố cáo các lãnh đạo miền Nam mà không sợ, vì biết rằng tối nay về ngủ ngon, không có người đến bắt cóc mang đi thủ tiêu! Khác nhau là ở chỗ đó.

Dương Văn Ba nặng nhẹ với Ngô Công Đức

Ngô Công Đức. Nguồn: Bruce McKim / Staff Photographer / The Seattle Times
Ngô Công Đức (6/3/1975). Nguồn: Bruce McKim / Staff Photographer / The Seattle Times

Trước đây tôi cứ đinh ninh bộ ba Ngô Công Đức-Hồ Ngọc Nhuận-Dương Văn Ba là thân thiết nhau lắm. Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba đã từng cứu Ngô Công Đức tại Vĩnh Bình, khi viên tỉnh trưởng là đại tá Chung Văn Bông tìm cách bắt Ngô Công Đức trong việc đánh người trong bữa tiệc nhậu. Hồ Ngọc Nhuận phải mượn máy báy của tướng Kỳ xuống cứu Ngô Công Đức. Khi Ngô Công Đức tìm đường tỵ nạn sang Pháp, họ thường thư từ với nhau, bạn mày tao chia xẻ nhiều chuyện.

Sau 1975, khi Ngô Công Đức từ Pháp về lại Việt Nam, sau 1975, Hồ Ngọc Nhuận và Dương Văn Ba là những người đầu tiên đến nhà Ngô Công Đức ở Thị Nghè (nhà của chị Hai Ngô Công Đức).

Nhưng không phải vậy sau khi đọc Hồi ký Những Ngã rẽ của Dương Văn Ba. Dương Văn Ba có một nỗi bực bội là nghĩ rằng ông bị người khác bót lột, lợi dụng sức lao động của ông.

Ngay khi làm báo Điện Tín, ông Dương Văn Ba đã ‘đốt’ Nghị sĩ Hồng Sơn Đông, một tay chân của Dương Văn Minh là làm giàu trên xương máu ký giả. Ông tính ra tờ Điện Tín bán ra mỗi ngày 80 ngàn số, mỗi số 15 đồng. Tiền bán báo thu vào trên một triệu đồng, tiền quảng cáo thu trên 200 ngàn đồng. Trong khi đó chi phí cho toàn Ban Biên Tập khoảng 200 ngàn đồng. Tiền giấy, tiền công in, tiền thuê thợ sắp chữ khoảng 400 ngàn đồng. Lãi thu hàng tháng khoảng 20 triệu đồng. Lãi tính ra ngoại tệ khoảng 80 ngàn đô-la.

Dương Văn Ba than tiếp,  “Làm chủ báo kiếm lời 80% lợi nhuận còn ký giả, người viết báo, thợ sắp chữ chiếm 15% còn lại.”(35)

Chính ở điểm này mà Dương Văn Ba ghét Ngô Công Đức khi làm tờ Tin Sáng, Bộ Mới, sau 1975. Dương Văn Ba dựa vào câu nói sau đây để thấy Ngô Công Đức không giữ lời:

“Tôi đứng cái, chủ nhiệm tờ Tin Sáng để làm chỗ dựa hoạt động cho các anh em trong thời kỳ mới. Chúng ta cùng ra sức xây dựng và phát triển nhật báo Tin Sáng có sức mạnh và độc giả đông đảo hơn thời kỳ trước đây. Tài chinh thu được, một mình tôi không giữ hết, tôi sẽ lo cho các bạn để các bạn cũng có cơ ngơi, nhà cửa đàng hoàng, sống thoải mái về tài chính…tôi là người đủ khả năng làm việc này. Tôi hứa không quên sau này sẽ chia phần cho các bạn… các bạn hãy làm việc hết sức mình…”(36)

Và như trước đây, Ngô Công Đức dựa vào bọn lái buôn giấy người Hoa như tên Thạch Như Ke, tục gọi là Tỷ Giấy và sự tiếp sức của Nguyễn Tống Hạnh cũng như con trai của Nghị sĩ Hồng Sơn Đông là Hồng Ngọc Hải. Ba người này là những trợ thủ đắc lực cho Ngô Công Đức làm giàu. Công việc làm ăn cứ thế điều hành thông suốt, tiền thu vào ào ào. Gần 6 năm trời làm báo, Ngô Công Đức thu vào được bao nhiêu?

Phần những người làm công viết báo thì được đối xử như chủ và thợ trước đây. “Khi giải thể báo Tin Sáng, dù đó là một điều rất bất ngờ đối với Ngô Công Đức nhưng chính ông ta là người tiếp tục được thụ hưởng hầu hết mọi quyền lợi vật chất được tạo ra trong 6 năm lao động của tập thể viết báo Sài Gòn trong chế độ mới.”

Thế là vào đầu năm 1981 nổ ra cuộc tranh chấp và đã đến tai các cơ quan có trách nhiệm của đảng Cộng sản ở thành phố và Trung ương.

Sự tranh chấp và nứt rạn đến hồi phải chấm dứt. Chính quyền thành phố buộc lòng phải rút giấy phép, không cho phép Ngô Công Đức tiếp tục xuất bản báo Tin sáng. Tin Sáng bị đóng cửa và được gọi một cách văn vẻ là ‘hoàn thành nhiệm vụ lịch sử’ của thời kỳ quá độ.

Chỉ có Lý Quý Chung đứng về phía Dương Văn Ba. Riêng Hồ Ngọc Nhuận vẫn tỏ ra bênh vực Ngô Công Đức bằng mọi giá và lên tiếng phản biện lại Lý Quý Chung và Dương Văn Ba trong một bài báo được đăng trên Dien dan forum ngày 10/7/2015, nhan đề “48 năm , một mẩu chuyện nhỏ”.

Và Dương Văn Ba kết luận, việc Tin sáng nghỉ hưu non không có vấn đề chính trị mà chủ yếu là không thể để một người tiếp tục thụ hưởng và những người khác tiếp tục bị bóc lột bất công.

Dương Văn Ba còn nhắc lại lời của Âu Quang Cảnh, một cựu doanh nhân nổi tiếng của Sài Gòn, ban tặng cho Ngô Công Đức biệt danh rất độc, “người Do Thái da vàng” (c’est un Juif jaune).

Sau khi Hồi ký Những ngã rẽ được lưu hành trên Việt Studies, một số những người từng quen biết hoặc làm việc trên tờ Tin Sáng đã yêu cầuu Hồ Ngọc Nhuận phải lên tiếng thay cho Ngô Công Đức nay đã không còn nữa để có cơ hội trả lời.

Tôi nghĩ là cả hai Ngô Công Đức cũng như Hồ Ngọc Nhuận đã không muốn làm lớn chuyện và vì thế trong Hồi ký Đời của Hồ Ngọc Nhuận, bản cũ đều không hề đả động đến công việc này. Trong bài 48 năm, một mẩu chuyện nhỏ, ông thú nhận không biết viết những gì và viết thế nào. Bởi vì ông cho đó là chuyện gia đình, không muốn tự mình vạch lưng mình. Nhưng có một số sự việc thiết tưởng ông nên bạch hóa. Đó là về các bá cáo mật ông đã đề cập đến trong bài 48 năm một mẩu chuyện nhỏ, đăng trên diendan.org

“Các bá cáo này có bản viết tay, có bản đánh máy cẩn thận, có bản nói về chuyện hằng ngày, về phát biểu trong các các cuộc họp phóng viên, tòa soạn, về việc đi đây đi đó của người này người nọ: có bản phân tích tỉ mỉ về quá khứ, hành động lời nói, thái độ lập trường, tư tưởng, ý đồ… đặc biệt của Ngô Công Đức, cả những lời ‘dặn dò, tâm sự’ của Đức với người nầy, người nọ cũng được nêu lên để dẫn chứng, cả những lưu ý phải tìm hiểu, đi sâu , điều tra thêm về những biểu hiện hay quan hệ với đây đó của Đức. Đặc biệt trong một bá cáo dài, với mấy tóm tắt về quá trình hoạt sđộng của Đức, có một điểm viết:’ Từ 1975-1979: Đức muốn tạo tại Tin Sáng thành một giang sơn, mộc ốc đảo riêng và từ đó làm bàn đạp cho các hoạt động ngầm của mình. Tin Sáng là một khu an toàn’. Tôi cứ nghĩ những bá cáo sẽ mãi mải nằm đó, để luôn nhắc nhở tôi về ‘lòng dạ con người’, về ‘thói đời’. Nhưng tôi cũng nghĩ, ngày nào đó, chúng cũng sẽ trở thành một cuốn sách nhỏ thuộc thể loại ‘ điều tra’ khá hấp dẫn. Nếu thật cần.”

Sự thực mà nói, khi có Hồi ký không tên được xuất bản thì Hồi ký Đời của ông Hồ Ngọc Nhuận và Hồi ký Những ngã rẽ của Dương Văn Ba đều đã tới tay Trần Bạch Đằng.

Trần Bạch Đằng đã xác nhận điều ấy trong lời giới thiệu mở đầu Hồi ký không tên của Lý Quý Chung. Ông Trần Bạch Đằng viết: “Gần đây, tôi có hồi ký của Hồ Ngọc Nhuận, cùa Dương Văn Ba, và bây giờ của Lý Quý Chung. Sắp tới sẽ còn nhiều hồi ký nữa.”(37)

Sự lên tiếng muộn màng của Hồ Ngọc Nhuận chỉ vì tình thế không cho phép ông giữ im lặng được nữa. Tuy nhiên, Hồ Ngọc Nhuận tỏ ra thẳng thừng với Lý Quý Chung, Nhưng đối với Dương Văn Ba, ông do dự và tìm cách gỡ rối cho Dương Văn Ba.

Hồ Ngọc Nhuận đối đầu với Võ Long Triều-Dương Văn Ba-Lý Quý Chung

Võ Long Triều 2011. Hình chụp lại từ YouTibe Nguoi Viet Online.
Võ Long Triều 2011. Hình chụp lại từ YouTube Người Việt Online.

Trước 1975, tôi không có cơ hội để biết đến tên tuổi Hồ Ngọc Nhuận. Tôi chỉ thực sự biết đến ông khi về Việt Nam và có dịp đọc một bản Hồi Ký Đời của ông. Hồi Ký Đời, nếu tôi nhớ không lầm thì hầu như không có mấy ai có cơ hội đọc hồi ký này. Vì trên nguyên tắc nó không được phép xuất bản.

Phải thú thực là tôi đã đọc kỹ.

Theo tôi và có thể dưới mắt ông Võ Long Triều cho thấy Hồ Ngọc Nhuận khá nhất trong đám Dân biểu đối lập. Ông có thể là bạn thân của Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Huỳnh Công Minh, Lý Chánh Trung, nhất là Võ Long Triều và nhiều anh em làm việc ở quận tám như Uông Đại Bằng, Hồ Công Hưng, Võ Văn Bé, v.v. Về phía dân biểu thì có các dân biểu như Dương Văn Ba. Ngoài ra còn có dân biểu Kiều Mộng Thu mà hai người sát cánh nhau như bóng với hình. Họ hoạt động chung với nhau ban ngày, ban đêm về lại nhà của… Dương Văn Minh. Cũng chính Hồ Ngọc Nhuận bảo lãnh chẳng những cho Kiều Mộng Thu mà còn cả ông chồng của bà là ông Nguyễn Chức Sắc khỏi đi học tập. Ngoài ra còn có các ông Lâm Phi Điểu, cụ Nguyễn Văn Huyền, luật sư Trần văn Tuyên, v.v. sinh viên tranh đấu như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Dương Văn Đầy.

Sau này qua Võ Long Triều, ông có thể quen cả Nguyễn Cao Kỳ và nhiều người khác trong chính phủ.

Khi ông có dịp qua Pháp và có cơ hội tiếp xúc với đại diện chính quyền cộng sản như đại sứ Nguyễn Văn Tiến, ông Đinh Bá Thi. Về sự tiếp xúc liên lạc này cũng như gặp gỡ với Trần Bạch Đằng sau này, ông đều dấu kín không thấy viết trong Nhật ký.

Về phía các nhân vật chính quyền cộng sản, ông thân quen với Trần Bạch Đằng, Tạ Bá Tòng, Nguyễn Hộ, Mai Chí Thọ, nhất là ông Sáu Dân tức Võ Văn Kiệt.

Cứ nhìn chung, người ta thấy ông Võ Long Triều có một sự ưu ái đặc biệt với Hồ Ngọc Nhuận. Ông viết:

“Hồ Ngọc Nhuận là người thuộc đàn em, tôi quý mến vì có tài, có tình, khá lanh lợi, năng nổ, nhưng rất tiếc thay thiếu sự hiểu biết sâu xa về chính trị. Ngày nay, viết về anh ta, tôi hối tiếc vì đã mất một người cộng sự đắc lực có khả năng. Tôi buồn gần như mất một người em, một người bạn đồng hành.”(38)

Tôi cho rằng những giãi bầy của ông Võ Long Triều là chân thành. Trên thực tế, chính ông Triều đưa ông Hồ Ngọc Nhuận về làm quận trưởng quận 8. Còn hơn thế nữa, ông Triều đưa bạn mình về giữ chức Tổng Giám Đốc thanh niên và sau này tính giao Bộ Thanh niên cho Hồ Ngọc Nhuận. Về công việc làm báo, cũng chính ông Triều đưa Hồ Ngọc Nhuận về làm giám đốc chính trị của tờ báo Đại Dân Tộc. Khi Hồ Ngọc Nhuận cần tiền để tranh cử cũng chính Võ Long Triều đòi Ngô Công Đức đưa 100.000 cho Hồ Ngọc Nhuận. Ngô Công Đức không đưa tiền mà chỉ đưa cho Hồ Ngọc Nhuận chiếc xe La Dalat cũ để đi vận động tranh cử.

Về phía Hồ Ngọc Nhuận, ông cũng không phải loại người vô tình. Chính Võ Long Triều cũng nhìn nhận “Nhuận là người đã giúp tôi rất nhiều trong mọi hoạt động.”

Khi Võ Long Triều ra tranh cử dân biểu thì chính Hồ Ngọc Nhuận vận động cho Võ Long Triều ở khóa II tại Bến Tre dưới nhãn hiệu của tờ Tin Sáng. Sau 1975, khi Võ Long Triều bị đi học tập cải tạo thì cùng với người cậu của ông Triều là ông Trí Việt cùng với Dương Văn Long vận động xin cho ông Triều được đi học tập cải tạo về sớm. Khi được có giấy xuất cảnh, ông Triều gặp rắc rối với giấy nợ thiếu thuế 25 triệu. Số tiền 25 triệu này do ông Triều đã đứng ra bảo lãnh cho người quản lý báo tại một ngân hàng. Cũng chính Hồ Ngọc Nhuận phải can thiệp với ông Mai Chí Thọ và cuối cùng ông Trưởng Ban Thanh Lý đã cho một tờ giấy hợp lệ ngân hàng.

Vậy thì nếu có sự bất đồng giữa hai người chỉ vì họ không cùng đi một hướng? Năm 1968, khi sang Paris, ông Hồ Ngọc Nhuận đã gặp phía bên kia. Và cụ thể khi về Sài Gòn, ông đã được móc nối với Trần Bạch Đằng.

Ông trở thành người của phía bên kia. Sự ngăn cách chia đôi giữa tình bạn và chính trị là một chọn lựa mất mát cho cả cả hai phía? Mặc dầu vậy, họ vẫn giữ liên lạc cho đến 1994.

Vào những ngày 27, 28, 29 tháng Tư, do được lệnh của phía bên kia, ông cũng như Hồ Văn Minh, Lý Chánh Trung đã lánh mặt không liên lạc với nhóm ông Minh và không có trong danh sách trong chính phủ Dương Văn Minh. Và cũng nhờ cái thế liên lạc với phía bên kia mà Hồ Ngọc Nhuận được cái đặc ân là lên danh sách những người khỏi phải đi học tập.

Năm 1994, Hồ Ngọc Nhuận sang Paris và gặp lại Võ Long Triều, họ đã để cả một đêm để dốc bầu tâm sự và rồi đường ai nấy đi. Hồ Ngọc Nhuận cũng nhìn nhận việc chọn lựa theo cộng sản là một choix malheureux. Nhưng cả hai người hiểu chữ malheureux khác nhau. Và căn cứ vào lời thú nhận này, Võ Long Triều trách cứ Hồ Ngọc Nhuận nặng lời và cuốn Hồi Ký của ông đã được tờ Người Việt đăng tải.

Từ đó câu chuyện trở thành lớn hơn kéo theo Đỗ Quý Toàn (Ngô Nhân Dụng) vào cuộc.

Tình bạn mà những người như Hồ Ngọc Nhuận, Võ Long Triều, Dương Văn Ba, Ngô Công Đức coi như lẽ sống ở đời, như gạch nối giữ họ lại với nhau lại luôn luôn bị thử thách vì những tham vọng chính trị hay những tham vọng danh vọng và nhất là tiền bạc vật chất chia rẽ họ.

Cho nên sứt mẻ và đổ vỡ lúc nào đó sẽ bộc phát không tránh khỏi. Võ Long Triều cuối cùng đã dành chia tay với Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Dương Văn Ba và nhất là Hồ Ngọc Nhuận. Đến lượt Ngô Công Đức với Lý Quý Chung, Dương Văn Ba rồi Hồ Ngọc Nhuận với Lý Quý Chung, với Ba. Để còn lại gì?

Trong khi vô số những người bạn bên lề, bạn thân không đủ thân, đồng chí không đủ mức độ tin cậy, làm báo, làm xã hội không đủ tài trí ngang tầm, luôn luôn ở thế nghe, thế thi hành một số đông như thể thì vẫn giữ được một khoảng cách không quá xa mà cũng không quá gần.

Họ vẫn giữ được cái quan hệ tình người và sống đẹp cho đến ngày hôm nay.

Viết điều này, tôi muốn những người bạn của Dương Văn Ba có cơ hội nhìn lại mình. Rất tiếc những người như Lý Quý Chung, Ngô Công Đức đã không còn nữa. Phần Dương Văn Ba thì nay sống cũng như thể chết sau ba lần bị đột quỵ; thần chết gõ cữa nhà ông có thể đã không tìm ra số nhà, vì ông thuê nhà, đổi địa chỉ nên thần chết đành quay gót!

Nay chính thức chỉ còn có Hồ Ngọc Nhuận, một mình.

Phần Hồ Ngọc Nhuận, ông đã để công viết một bài dài nhan đề 48 năm, một mẩu chuyện nhỏ. Mẩu chuyện tuy gọi là nhỏ này kéo dài 48 năm và viết dài khoảng 42 trang. Ông đã đi lại từ đầu những ngày chung nhau làm báo, cùng hoạt động trong môi trường chính trị khuynh đảo miền Nam, cùng tìm tới một ngã rẽ chung và chia xẻ những khó khăn, niềm hãnh diện nếu có của tờ Tin Sáng trong một chế độ cộng sản.

Niềm vui này đã tắt lịm sớm sủa sau 6 năm thử thách. Cái test và bài học làm báo tự do không thể nào có thể có được trong chế độ cộng sản,

Cái câu nhắn nhủ Ngô Công Đức và Hồ Ngọc Nhuận “làm một tờ báo y như cũ” của “mấy ông lãnh đạo cách mạng” là một câu lừa phỉnh từ đầu đến cuối.

Mặc dầu là một bài viết biện hộ cho Ngô Công Đức với rất nhiều chi tiết, nhiều thiện ý vun xới vào. Tôi cũng chỉ nhìn thấy bài báo được tô hồng như một hoài niệm quá khứ, hoài niệm về những giai đoạn hào hùng của tuổi trẻ chống lại chế độ miền Nam. Và sau 1975 họ ăn một cái bánh vẽ có chia phần.

Nhưng họ lại tưởng lầm họ đang viết lại lịch sử.

Sự có mặt của tờ Tin Sáng như một trắc nghiệm xem, người ta có thể nào sống hòa đồng xây dựng trong một chế độ XHCN được không? Câu trả lời, đây là một ảo tưởng hay một đánh giá sai lầm nghiêm trọng về bản chất CNXH.

Đó là thất bại thứ nhất của bài viết của Hồ Ngọc Nhuận.

Thất bại thứ hai của bài 48 năm, một mẩu chuyện nhỏ là ông Hồ Ngọc Nhuận viết mà không dựa trên thực tế và những con số, viết mà che đậy rồi cũng lòi cái đuôi viết không trung thực. Tự bài viết nó tố cáo cái sự không trung thực ấy như sau.

Trong trường hợp Lý Quý Chung, tôi cũng không đồng ý là ông Lý Quý Chung tỏ ra võ đoán khi gán ghép xa gần Ngô Công Đức với phong trào đoàn kết, với Walesa ở Ba Lan trong âm mưu lật đổ chính quyền cộng sản. Đây là cách thức hành xử thường thấy trong các tổ chức cộng sản, muốn ám hại ai thì gán cho tội âm mưu, tội phản động. Đó là một bản án tử hình đối với Ngô Công Đức rồi. Nhưng về mặt đời sống vật chất Lý Quý Chung có cái lý của ông. Tuy được sắp xếp là phụ tá chủ bút thứ ba của Tin Sáng, đồng lương không biết là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là đồng lương chết đói. Nếu tất cả đều ăn ngô độn khoai thì còn chấp nhận được. Trong khi đó Ngô Công Đức, chủ nhiệm lại có đời sống quá dư thừa làm sao không so sánh và bực bội?

Trong bài viết của ông Hồ Ngọc Nhuận, ông không che đấu được niềm vui và hãnh diện vì tờ Tin Sáng được độc giả miền Nam ái mộ. Báo bán chạy, nhiều khi các trẻ bán báo đã bán chợ đen. Nếu như thế thì số phát hành phải nhiều lắm. Tiền lời ấy đi đâu, để vào đâu? Nhân viên tòa soạn thì đã có mức lương do chính công đoàn quyết định. Tuy nhiên, trong Nhật ký của ông, không bao giờ ông nói rõ ràng, minh bạch về tiền. Lương công nhân bao nhiêu. Lương chủ nhiệm, chủ bút bao nhiêu? Ông Và Ngô Công Đức góp vốn vào Tin Sáng lúc đầu báo nhiêu? Phải có một tổng kết tài chánh cuối năm chứ? Rõ ràng là không minh bạch.

Trong khi đó, qua ông Nguyễn Hữu Hiệp, trả lời nhà báo Alain Ruscio, tác giả cuốn sách “Vivre au Vietnam”, 1981, các ông lại có thể đưa ra những con số rất chính xác. Trong mục ‘liên lạc với bạn đọc ‘do ông Dương Văn Long phụ trách đã ghi nhận từ tháng 7-1975 đến tháng 7-1979, tòa báo đã nhận được 39. 673 thư, 2.7000 cú điện thoại., v.v.”(39)
Thợ bửa củi hay thợ mộc? Cũng trong sách của Alain Ruscio có ghi lại câu trả lời của Lý Quý Chung như sau:

“Comme la plupart de mes amis ici, j’ai vécu l’experience des deux régimes de presse. Tu connais le mot de Duc, notre Directeur: Auparavant, nous étions des bucheron, aujourd’hui des menuisiers.”

Trong khi đó, trong hồi ký của Hồ Ngọc Nhuận ghi khác: “Trước đây chúng tôi là thợ bửa củi, bây giờ chúng tôi là thợ mộc đục và bào nhẵn.

Ý nghĩa trong câu trích dẫn của Hồ Ngọc Nhuận ngược hẳn. Phải chăng Lý Quý Chung hay chính Alain Ruscio đã sửa và cắt bỏ các chữ “đục, bào nhẵn”?

Ông Hồ Ngọc Nhuận luôn nói tới Đại gia đình Tin Sáng. Điều đó cũng đúng, sau 1975, mọi gia đình đều sa cơ lỡ vận nên bám vào Tin Sáng. Hằng trăm nhân viên là bạn bè, là bà con thân thuộc, ngay cả vợ con các nhà báo, các giáo chức, các sinh viên đã chạy vào Tin Sáng như một chỗ tựa. Vợ Dương Văn Ba, em gái, em rể cũng làm cho Tin Sáng. Hai người con trai lớn và con dâu của cựu nghị sĩ Hồng Sơn Đông cũng là nhân viên Tin Sáng. Ông Nguyễn Chức Sắc, chồng bà Kiều Mộng Thu, một phó tỉnh trưởng hành chánh, vì không viết báo nên cùng con trai làm ở ban sắp chữ. Con trai lớn của Lý Quý Chung, chưa đủ tuổi đi làm cũng được sắp xếp làm văn phòng.

Opposition deputies stage a 24-hour sit-in hunger strike on the steps of the national assembly to protest what they term ?The corrupt, inefficient and oppressive administration? of President Nguyen Van Thieu in Saigon, Feb. 10, 1975. One deputy hoists a placard with defaced photo of Thieu which says: ?If Thieu still remains in power, there will still exist war, poverty and starvation. Mr. Thieu must resign.? (AP Photo/Ut)
DB Kiều Mộng Thu (bìa phải hàng sau), DB Ls Trần văn Tuyên (ngồi giữa, hàng trước), kế bên là DB Trần Văn Sơn (mặc veston, cầm giấy, Hải quân Trung tá, bút danh sau 1975 là Trần Bình Nam) và những dân biểu đối lập khác trong cuộc tuyệt thực 24 giờ trước thềm quốc hội để phản đối cái họ gọi là “Chính quyền tham nhũng, không hiệu quả và áp bức” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Sài Gòn, ngày 10 tháng 2, 1975. Một dân biểu cầm bảng với ảnh TT Thiệu bị gạch chéo với hàn chữ: “Còn Thiệu là còn chiến tranh, nghèo đói. Thiệu phải từ chức” trước một bàn thờ có lư và chân đèn cầy với một tu sĩ Phật giáo. Nguồn ảnh: AP Photo / Ut

Điều đó tự nó bầy ra một thực trạng là dân miền Nam, ngay cả nhũng thành phần hợp tác với cộng sản cũng không có đất sống. Họ đổ xô vào Tin Sáng để kiếm miếng cơm và để có tư thế chính trị tạm ổn.

Báo bán chạy mà để gần hai trăm nhân viên ăn những bữa ăn thanh đạm thì đó là một điều tủi nhục đầy nước mắt cho họ. Ông Hồ Ngọc Nhuận ghi:

“Bếp ăn tập thể thời đó ở đâu cũng có và cũng vậy thôi, nghĩa là cũng cơm độn bo bo, khoai lang hay nhiều nhất là mì sợi, nhưng cái đáng nói là Đức và tôi, với sự giúp sức của anh chị Hồ Ngọc Cứ, đã đặt bếp ăn và phòng ăn tập thể ngay tại phòng khách lớn của nhà báo, người ăn cả chủ lẫn khách mời, kể cả khách nước ngoài đều có thể quan sát các chị bếp, qua các ô kính sạch trơn, trong suót.”(40)

Không ai đặt câu hỏi: vì sao nên nỗi này? Vì sao trong chiến tranh, người dân miền Nam vẫn có của ăn của để? Vì sao sau chiến tranh, đã dành được độc lập, họ im lặng chịu đựng như thế? Tại sao sau chiến tranh, người ta phải ăn cơm độn ngô, độn khoai? Tại sao thế?

Trong khi chủ nhiệm báo mỗi ngày nhậu nhẹt, uống rượu Tây với mấy tên bao thầu phát hành báo gốc người Tầu? Nhân viên Tin Sáng không có đủ tiền phải uống rượu pha cồn, rượu Lebon, uống xong người nào cũng ngất ngư, nửa sống, nửa chết. Không bao giờ Ngô Công Đức hoặc Hồ Ngọc Nhuận công bố kết quả tài chánh trong năm cho anh em Tin Sáng biết. Nhưng đây là hoàn cảnh của Lý Quý Chung viết lại một cách gián tiếp tố cáo Tin Sáng:

“Có một hôm đi làm về tôi thấy có bóng ai leo bên ngoài cửa sổ phòng ngủ lầu một, tôi định hô lên ăn trộm thì vợ tôi kịp cản lại. Nàng bảo nhỏ: ‘Không phải ăn trộm đâu, em bán cửa kính cho người ta.’ Tôi định phản ứng. Sao lại tận cùng thế này! Nhưng kịp nhớ lại: những gì có giá trị có thể bán được thì đã bán hết rồi! Lúc đó không bán kính cửa sổ thì đào đâu ra tiền để chi dùng trong nhà. Nhà tôi bà tầng có đến hàng chục cái cửa sổ, cho nên cũng thu về một số tiền kha khá, có thể đối phó thêm một thời gian nữa. Ngay tức thời chiều hôm đó, cả gia đình tôi có một buổi cháo gà xé phay bù đắp những ngày ăn uống kham khổ. Nhưng bán mãi rồi cũng không còn gì để bán nữa. Thế là chúng tôi chỉ còn một giải pháp cuối cùng là… bán nhà. Nhà lúc đó giá rẻ mạt. Căn nhà đó bây giờ có thể bán với giá 600-700 cây vàng, nhưng lúc ấy bán không hơn hai chục cây. Khi dọn ra că nhà thuê ở đường Lê Lợi, nằm phía sau bệnh viện Sài gòn, vợ chồng tôi chỉ mang theo một số bàn ghế và một cây đàn Piano. Đây là chiếc Piano thứ hai. Chiếc đầu tiên chúng tôi đã bán trong những ngày đầu gỉải phóng.”(41)

Vợ Lý Quý Chung xoay ra bán cơm tấm bì ngoài lề đường, nhưng bị phường ngăn cản, vào ngõ, ế khách nên đành dẹp.

Ông Hồ Ngọc Nhuận nghĩ sao khi đọc đoạn trên? Sau khi Tin Sáng ‘hoàn thành nhiệm vụ’, ông Lý Quý Chung ra Hà Nội làm tổng thư ký báo Lao Động, năm 1990; ông viết:

“13 năm tôi sống với Cúc Phượng tràn đầy hạnh phúc (chúng tôi có một đứa con trai Lý Quý Phúc). Hầu như chúng tôi không có một cuộc cãi vã to tiếng nào. Cuộc sống vật chất của gia đình dễ chịu hơn khi tôi bắt đầu làm báo Lao Động.”(42)

Xin đọc tiếp những lời tố cáo của Dương Văn Ba. Theo Dương Văn Ba, do quen biết các linh mục trong nhà in Nguyễn Bá Tòng, các linh mục này đã đồng ý cho Ngô Công Đức xử dụng toàn bộ hệ thống máy in được coi là tân tiến nhất lúc bấy giờ với căn nhà ba tầng lầu, góc đường Bùi Chu và Bùi Thị Xuân. Tiền thuê nhà trả cho các linh mục là bao nhiêu không ai biết. Dương Văn Ba còn cho biết rõ báo Tin Sáng bán rất chạy. Theo Dương Văn Ba,

“Các bạn cứ tưởng tượng, một tờ báo phát hành 60, 70 chục ngàn số một ngày, có cả gần một trang quảng cáo, thu hoạch lợi nhuận của tở đó to cỡ nào? Tờ báo tư nhân cũa Ngô Công Đức được chính quyền thời kỳ mới không đánh thuế, dành ưu đãi về giá giấy, doanh thu được hưởng trọn vẹn trong gần 6 năm trời, số lợi nhuận có được Ngô Công Đức sử dụng vào những việc gì?”

Dương Văn Ba viết tiếp,

“Quan hệ chủ thợ trong việc trả lương báo Tin Sáng vẫn giống như thời kỳ trước giải phóng. Mọi người được cấp phát lương cố định suốt 6 năm, không có một lần tăng lương, ngoài việc cấp phát một ít quà cấp nhân dịp lễ lộc.”

Sở dĩ Dương Văn Ba ta thán như vậy, bởi vì khi mới thành lập tờ báo, Ngô Công Đức có nói riêng với mấy anh em chủ chốt được mời như Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Dương Văn Ba, Nguyễn Hữu An và một vài anh em khác:

“Tôi đứng cái, chủ nhiệm tờ Tin Sáng để làm chỗ dựa hoạt động cho các anh em trong thời kỳ mới. Chúng ta cùng ra sức xây dựng và phát triển nhật báo Tin Sáng có sức mạnh và độc giả đông đảo hơn thời kỳ trước đây. Tài chính thu được, mộ một mình tôi không giữ hết, tôi sẽ lo cho các bạn để các bạn cũng có cơ ngơi, nhà cửa đàng hoàng, sống thoải mái về tài chính..tôi là người đủ khả năng làm việc này. Tôi hứa không quên sau này sẽ chia phần cho các bạn, các bạn hãy làm việc hết sức mình.”

Phần Ngô Công Đức, theo Dương Văn Ba, đã biết xử dụng những người như ông Hồng Ngọc Hải, con trai nghị sĩ Hồng Sơn Đông tham gia vào việc tổ chức in ấn và phát hành, cùng với một tay trùm buôn giấy người Hoa tên là Thạch Như Ke, tục gọi là Tỷ Giấy với sự tiêp tay của Nguyễn Tống Hạnh. Bộ ba này vừa có tiền, vừa chạy áp phe giỏi, làm kinh tế giỏi, đẻ ra tiền để hỗ trợ cho Ngô Công Đức. Ba viết tiếp,

“Họ thuộc vào loại “dân nhậu có cỡ”, sáng sớm đã có thể lai rai 5-3 chai bia, chiều tối luôn luôn có mặt ở các quán nhậu với 5 -7 chai rượu chát đỏ (thời kỳ đó thịnh hành rượu Cabernet của Hungary) ông Đức đã vận dụng được tài năng làm ăn của nhóm người này, để vẫn có thể trót lọt trong các ngóc ngách của phát hành, dù là phát hành thời kỳ mới, nhưng trong giai đoạn đầu vẫn nằm trong hệ thống của những anh chị có máu mặt thời kỳ phát hành cũ. Biệt tài của ông Đức là “nhậu“ thì vẫn cứ “nhậu”, đi “chơi” thì vẫn cứ đi “chơi”, “bồ bịch” trai gái (mặt này ông cũng mạnh không thua gì nhậu), thì vẫn cứ trai gái, nhưng quan trọng hơn, việc làm ăn vẫn cứ điều hành thông suốt, guồng máy vẫn cứ chạy đều, tiền tiếp tục vẫn thu vào ào ào. Đó là bản lãnh một nhà kinh doanh tài giỏi.”(43)

Thay lời kết luận

Nay thì kẻ còn sống để có thể trao đổi vỏn vẹn còn có hai người: Võ Long Triều-Hồ Ngọc Nhuận.

Võ Long Triều-Ngô Công Đức-Hồ Ngọc Nhuận vốn cùng xuất thân trường St. Joseph Mỹ Tho (Lasan Mỹ Tho), rồi trường dòng Taberd ở Sài Gòn, tình như thủ túc, mà lúc cuối đời họ cũng đành chia tay nhau vì ý thức hệ. Võ Long Triều đi về một phía, hai người kia về một phía mà cuối cùng những người chọn lựa đi về phía kia cũng phải nhìn nhận như Hồ Học Nhuận với Võ Long Triều: un choix malheureux(44).

Phần Ngô Công Đức mà cuộc đời được kể là có rất nhiều thành tựu, nhưng lên voi xuống chó cũng không thiếu, nhưng trước khi chết lại ví mình như cánh lục bình trôi bập bềnh trên sông nước Hậu Giang!

Phải chăng ít nhiều, người dân miền Nam cũng rơi vào hoàn cảnh lục bình trôi?

Có những người từng trôi từ Bắc vào Nam, rồi cuối cùng trôi ra hải ngoại? Phải chăng đó là những người may mắn, tốt số? Còn những kẻ khác như Ngô Công Đức-Hồ Ngọc Nhuận-Un choix malheureux. Lục bình trôi ấy trở thành bèo băm cho heo ăn?

Đúng vậy. Tôi nhìn lại thì thấy hầu như như không một người nào, trí thức, chuyên viên của miền Nam, trong đám họ đã được trọng dụng.

Họ chỉ là thứ bèo băm, độn thêm cho lợn ăn!

Ngay những loại chuyên viên như Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Xuân Oánh hay nhóm Chiều thứ Sáu với các ông Trần Bá Tước, Phan Thành Chánh, Đỗ Hải Minh, Nguyễn Thông Minh, Lê Mạnh Hùng, Võ Hùng, Vốc Văn Huệ, Mai Kim Đĩnh, Trương Quang Sáng, Lê Đình Khanh, Tuấn Anh, Võ Gia Minh, Trần Quý Hỷ, Đỗ Nguyên Dũng, Phan Tường Vân, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Hồ Xích Tú, Nguyễn Ngọc Hồ, Đỗ Trung Đường cũng chỉ được dùng như một chuyên viên có tính giai đoạn mà không bao giờ có vai trò quyết định, vai trò lãnh đạo.(45)

Ông Lâm Võ Hoàng, một chuyên viên ngân hàng trước 1975 là người có thiện chí thuộc loại ‘khùng’, hết lòng phục vụ mong cho đất nước khá hơn cũng đã có lần mai mỉa: “Nhiệm vụ của tôi như nhiệm vụ con gà đẻ trứng. Đẻ ở đâu cũng không hay, đẻ rồi người ta mang đi làm gì cũng không biết, họ luộc ăn hay đem đi ấp cũng chẳng quan tâm.”(46)

Nhưng một nhận xét sâu sắc hơn nữa về chế độ cộng sản của Lâm Võ Hoàng nằm trong câu sau đây,

“Việt Nam không có chuyện gì là không dám làm. Chỉ có một điều không dám thôi! Đó là làm đúng!”

Nay thì Lâm Võ Hoàng đi ‘tu cạn’, làm các công tác xã hội từ thiện dưới bóng Thánh giá của Chúa.

Riêng trường hợp nhóm lực lượng thứ ba tụ tập chung quanh Ngô Công Đức để làm tờ Tin Sáng. Một mục tiêu của bài viết này, nói cho chính xác thì chính Hồ Ngọc Nhuận là cái mắt lưới, chỗ trung gian liên lạc giữa cộng sản do ông Trần Bạch Đằng-Hồ Ngọc Nhuận trước 1975. Ông Hồ Ngọc Nhuận viết:

“Sau 30-4-75 lãnh đạo Cách mạng ở Thành phố cho tôi một đặc ân: lên danh sách đề nghị cho một số người có dính dáng đến các hoạt động của tôi khỏi đi học tập cải tạo tập trung. Danh sách khá dài của tôi đã bị lọc bớt khá đông.”(47)

Bao nhiêu người không phải đi học tập mà chỉ phải đi học tập tại chỗ là do sự quyết định cũng như sự can thiệp của Hồ Ngọc Nhuận? Trường hợp Dương Văn Ba đáng lẽ phải đi học tập như mọi người mà nếu không có sự vận động can thiệp tích cực của Hồ Ngọc Nhuận thì cũng phải đi học tập như mọi người khác.

Nhưng có hai người mà đáng lẽ, theo tôi, Hồ Ngọc Nhuận phải can thiệp. Đó là trường hợp luật sư Trần Văn Tuyên, trưởng khối Xã Hôị-Dân tộc trong Hạ Nghị viện thì Hồ Ngọc Nhuận phải miễn cưỡng chịu bó tay. Quá khứ hoạt động đảng phái Quốc Dân Đảng trong hầu như suốt cuộc đời của luật sư Tuyên không thể nào cân bằng với vài năm đứng đầu nhóm dân biểu đối lập dù ông có tên trong danh sách đề nghị “khỏi đi học tập cải tạo tập trung” của Hồ Ngọc Nhuận.

Và một người quan trọng hơn cả, gấp hai lần luật sư Trần Văn Tuyên, đàn anh và người đỡ đầu cho nhóm Hồ Ngọc Nhuận-Ngô Công Đức-Dương Văn Ba trong nhiều năm, là kỹ sư Võ Long Triều. Hồ Ngọc Nhuận cũng đành ‘bó tay’! Có lẽ đây là một nỗi cay đắng để lại trong nhiều năm đối với kỹ sư Võ Long Triều và cũng đưa đến sự chia rẽ không hàn gắn được.

Nhìn lại tờ Tin Sáng sau 1975, nó như một cái phao cứu sinh cho đám chủ lực thành phần thứ ba. Hầu như không thiếu một ai cả.

Nhập vào nhóm Tin Sáng ít ra có một bảo đảm chính trị như thể gia nhập hội trí thức yêu nước. Vì thế có mặt những người đã từng viết cho Tin Sáng, hay Điện Tín như các ông Phan Ba, Minh Đỗ, Trần Trọng Thức, Trương Lộc, Kiên Giang Hà Huy Hà, Sơn Nam, Vũ Hạnh. Rồi hàng chục nhà giáo bạn bè của Dương Văn Ba như Huỳnh Công Minh, Hoàng Ngọc Biên, Cao Thanh Tùng, Võ Văn Điểm, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đồng, Đào Văn Phước, Nguyễn Ngọc Thạch, Diễm Châu.

Hai gương mặt chống đối nổi tiếng Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan.

Trung tá Trương Minh Đẩu, chánh văn phòng Đại tướng Minh.

Tiếp theo là các cựu dân biểu đối lập thời VNCH như Nguyễn Văn Binh, Phan Xuân Huy, Hồ Ngọc Cứ, Đinh Xuân Dũng, Hồ Văn Minh, Dương Văn Long, Tạ Văn Bo, Huỳnh Ngọc Diêu, Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Công Hoan, Trần Văn Thung, Nguyễn Hữu Hiệp.

Chưa kể thêm bà con anh em, vợ con đem vào làm cho Tin Sáng. Càng đông người đổ xô về Tin Sáng càng chứng tỏ sự thất thế, sự mất chân đứng của họ trong chế độ mới. Tổng cộng gần 200 người sống dựa vào Tin Sáng!

Sau đó, một số đã tìm cách vượt biển đi ra nước ngoài như Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đồng, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Công Hoan, Trần Văn Thung, Diễm Châu, Đinh Xuân Dũng, v.v. Những người này thường ẩn mình để khỏi lộ diện một cách không cần thiết!

Một vài lời nhắn với Ông Hồ Ngọc Nhuận

Đọc hồi ký của ông, cảm tưởng chung là không đến nỗi nào. Tuy nhiên, tôi vẫn tìm ra nhiều sụ việc ông đã cố tình che dấu.

  • Thứ nhất: ông đã không cho biết rõ ràng khi làm dân biểu và được đi sang Pháp, ông đã tiếp xúc với các đại sứ cộng sản tại Paris cũng như có dịp gặp ông Trần Đình Thi, v.v. Ông đã dấu tất cả công việc đi đêm lén lút với phía cộng sản mà sau này ông Võ Long Triều đã hé lộ ra một phần.
  • Ông bỏ qua không đề cập đến lời tố cáo của Dương Văn Ba về ông và về Lý Chánh Trung. Lời tố cáo đích danh hai người đã nhận tiền của cộng sản Hà Nội, tiền đô-la la hẳn hoi, để tổ chức, chi trả cho sinh viên xuống đường đi biểu tình. Chuyện này như thế nào? Có thật như lời Dương Văn Ba tố giác không?
  • Khi từ Pháp về, ông đã được Trần Bạch Đằng móc nối và ông là lá bài tay sai cho cộng sản. Về điều này, Lý Quý chung đã biết được và nói với bạn bè là: “Hồ Ngọc Nhuận đã móc nối với cộng sản và sau này, Hồ Ngọc Nhuận sẽ là cái dù che chắn cho anh em miền Nam.” Ông cũng là người móc nối với Họa sĩ Ớt, tức Huỳnh Bá Thành và vì vậy, Huỳnh Bá Thành đã khuyên ông cũng như Hồ Văn Minh, Lý Chánh Trung, vào phút chót không có mặt trong chính phủ Dương Văn Minh. Ông đã lánh mặt trong những ngày này ở dinh Hoa Lan.
  • Đúng như nhận xét của Lý Quý Chung, ngay sau giải phóng, ông được trao cho nhiệm vụ chọn lọc một số người có công với cách mạng và khỏi phải đi trình diện học tập. Chỉ phải học tập tại chỗ. Ông cũng là trí thức miền Nam duy nhất có hy vọng nằm trong bộ máy chính quyền cộng sản sau 1975.
  • Ông là người trích dịch khá nhiều cuốn sách của Alain Ruscio như phần dẫn chứng về tờ Tin Sáng. Nhưng ông lại cố tình không nhắc nhở gì tới Annexe no. 5 nhan đề ‘Lettres aux amis d’Occident’(48). Trong lá thư dài 4 trang và hai trang với chữ ký của các trí thức miền Nam trong đó nội dung là lên án Tàu Cộng không muốn Việt Nam độc lập và ý đồ xâm lăng của Trung Quốc. Phần thứ hai nội dung tập trung vào việc giải thích và biện hộ cho chế độ cộng sản Hà Nội sau khi cưỡng chiếm miền Nam đã không có tắm máu, không có khủng bố đỏ, không có bách hại tôn giáo, không có sự tố cáo công khai, không có bạo lực khủng bố ý thức hệ, không có tẩy não, học tập cải tạo,

“Không phải là những người tù khổ sai, cũng không phải là những người tù chính trị và những trung tâm này mà chúng tôi có đến thăm một vài nơi, không có giống chút nào với những trại tập trung. Ở đây, người ta học tập và làm việc. Người ta nghe đài radio và đọc báo. Những chuyến viếng thăm của gia đình, việc gửi thư và gửi quà được cho phép. Một phần lớn những người học cải tạo đã được trở về với đời sống bình thường . Dĩ nhiên, đối với gia đình và cá nhân những người ấy thì đây là một thử thách lớn lao . Nhưng sự tham gia vào xã hội mới có cái giá phải trả.

Hồ Chi Minh ville 29-6-1979.”

Trong số những người ký tên có ông và những người bạn của ông như Lý Quý Chung, Ngô Công Đức, Châu Tâm Luân, Phan Khắc Từ, Huỳnh CôngMinh và không thể thiếu Lý Cháng Trung.

Chẳng những ông là người ký tên vào ‘Lá thư gửi cho bạn bè ở Âu Châu’, có nhiều lý do cho thấy, chính ông là người đi vận động xin chữ ký vì ông là người giao thiệp rộng rãi với nhiều người nhất.

Phải nhìn nhận với sự thú nhận của ông với Võ Long Triều là: Đó là một chọn lựa bất hạnh. Thưa ông, có đúng phải vậy không?

Tôi còn một thắc mắc cuối cùng đặt ra với ông Hồ Ngọc Nhuận. Đó là thường thì những nhà văn, nhà bất đồng chính kiến trong nước muốn phổ biến tài liệu, sách vở của mình thì thường gửi cho một số cơ quan truyền thông ở hải ngoại. Chẳng hạn như

Tủ sách Tiếng Quê Hương do các anh Uyên Thao, Trần Phong Vũ chủ trương đã từng in nhiều sách vở từ trong nước gửi ra, nhiều khi biết là lỗ, nhưng vẫn cho in để có dịp giới thiệu những người bất đồng chính kiến trong nước. Những nhà văn, trí thức bất đồng chính kiến này thường là những người xuất thân từ trong lòng xã hội cộng sản từ 1954-1955 trở đi như các trường hợp sau đây:

  • Vũ Thư Hiên với Đêm giữa Ban Ngày, Trắng trên đen (sách dịch Gonzalez-Gallego)
  • Bùi Ngọc Tấn với Hậu Chuyện kể năm 2000, Viết về bè bạn, Vũ Trụ không cùng
  • Nguyễn Mạnh Tường, Kẻ bị khai trừ
  • Tô Hải, Hồi Ký của một thằng hèn
  • Lê Mỹ Hân, Một Người – Một đời, Quê Hương Ngày trở lại
  • Tạ Duy Anh, Sinh ra để chết, Đi tìm nhân vật
  • Võ Thị Hảo, Dạ tiệc Quỷ
  • Vũ Cao Quận, Gửi lại trước khi về cõi
  • Nguyễn Thanh Giang, Nhân Quyền và Dân Chủ ở Việt Nam.(49)

Sau này thì có thêm công ty Người Việt vào cuộc và đã in một vài cuốn như Bên Thắng Cuộc (I và II) của Huy Đức và gần đây đây cuốn Đèn Cù của Trần Đĩnh.

Liệt kê tạm đầy đủ như thế để thấy rõ ràng những nhà bất đồng chính kiến trên có một sự tin tưởng vào các cơ quan truyền thông hải ngoại như Tủ Sách Tiếng Quê Hương. Trí thức ‘thiên tả’ miền Bắc và trí thức chống cộng hải ngoại có một sự đồng thuận không cần nói ra.

Nhưng riêng những thành phần lực lượng thứ ba, vốn có gốc gác miền Nam, sau đó theo cộng sản thì hình như có một điều gì đó để họ cảm thấy dị ứng, e ngại đối với những người Việt hải ngoại.

Như trường hợp Lữ Phương, ông chỉ gửi bài, tài liệu cho Viet-studies.org và Diendan.forum vốn nằm trong nhóm lực lượng thứ ba. Hai nhóm này cũng chả ưa gì cộng sản, chán mứa với cái chủ nghĩa ấy và công kích cộng sản một cách kịch liệt. Phê bình, công kích cộng sản là một chuyện, họ vẫn tránh né cộng đồng người Việt Quốc gia hải ngoại.

Có điều gì tương đồng giữa lực lượng thứ ba hải ngoại và lực lượng thứ ba trong nước?

Riêng trường hợp hai ông Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận có nhiều bạn bè thân đang làm truyền thông ở hải ngoại và có một số bạn bè từng cộng tác với tờ Tin Sáng sau 1975 mà hiện nay cũng đang ở hải ngoại.

Vì cớ gì, các ông không gởi để bạn bè mình phổ biến?

Chẳng hạn bạn bè cùng lớp và thâm giao của Dương Văn Ba như Huỳnh Phan Anh ở San Jose, Hoàng Ngọc Biên (không học cùng lớp), Phạm Phú Minh cũng cùng lớp hiện là chủ bút tờ báo mạng Diễn đàn Thế kỷ 21, Nguyễn Đồng và vợ là chị Nguyễn Thị Hợp làm việc cho Tin sáng sau 1975 và đã làm việc lâu năm cho tờ Người Việt. Tôi rất rõ ràng là không phải cứ làm việc cho Tin Sáng sau 1975 là cùng phe phái.

Nếu muốn in cuốn hồi ký Những ngã rẽ mà giao cho Phạm Phú Minh thì chắc cũng được anh tận tình lo liệu không mấy khó khăn. Hoặc tôi cũng thẳng thắn – không cần dấu diếm, úp mở gì cả – là nếu giao cho tôi thì tôi cũng có thể tôi nhờ Tủ Sách Tiếng Quê Hương xuất bản không mấy khó khăn gì.

Trường hợp Hồ Ngọc Nhuận lại càng dễ dàng hơn nữa. Ông có thể nhờ Võ Long Triều, một người cũng rất có uy tín với tờ báo Người Việt; hoặc giao cho dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ thì chắc ăn, một trong những người sáng lập góp vốn trong công ty Người Việt ngay từ lúc sơ khởi, cũng vốn là bạn trong Phong trào TSC, cũng được điều về làm giám đốc trong bộ Thanh Niên.

Và chắc ăn hơn nữa là giao cho ông Đỗ Quý Toàn, thuộc lớp cựu trào và hiện nay vẫn là cây bút chống Cộng chủ lực của tờ Người Việt, thành viên sáng lập công ty Người Việt, có tờ báo mà trước khi có những xích mích ông coi là

“Tờ báo đó lại là của những người tôi từng coi là bạn và tới giờ nầy tôi vẫn muốn kính nể như là những người không thể để cho bất cứ ai lợi dụng để dựng chuyện bôi xấu bạn bè mình.”(50) 

Theo Hồi ký Đời, khi hay tin ông có dịp sang Pháp, thì ông Đỗ Quý Toàn từ Montréal đã bay sang Bordeaux để gặp ông. Cũng theo ông thì vợ ông Đỗ Quý Toàn “và các bạn khác trong tờ Người Việt, tại Quán Văn Nghệ của anh Nguyễn Ngọc Thạch ở số 14 đường Lam Sơn, Quận Bình Thạnh, Sàigòn.”

Phòng Trà VĂN NGHỆ 14 Lam Sơn, P 6, Q. Bình Thanh TP Hô Chí Minh ĐT ( 3510-4390 ). Ảnh (2010), http://www.phongtratiengxua.com/
Phòng Trà VĂN NGHỆ, 14 Lam Sơn, P 6, Q. Bình Thạnh, TP Hô Chí Minh, ĐT ( 3510-4390 ). Ảnh (2010), http://www.phongtratiengxua.com/

Nhưng khi ông gửi thư cho ông Đỗ Quý Toàn ghi địa chỉ báo Người Việt về bài số 28, Hồi ký Võ Long Triều đăng trên báo Người Việt thì tờ Người Việt đã tự động cắt bỏ đoạn này.

“Sau khi nói để ông hiểu, chúng tôi vẫn cho đăng nguyên văn thư của ông để rộng đường dư luận và xin giành quyền cắt bỏ những điều không liên quan gì đến vấn đề được nêu trong thư.”
(Trích thư báo Người Việt, trên số báo ngày thứ hai 26-02-2007).

“Không biết quý vị chủ trương báo NV cắt bỏ đoạn nầy chỉ vì cho rằng nó không liên quan đến vụ việc, hay vì quý vị không thích về Sàigòn, cũng không muốn cho độc giả biết ở báo NV cũng không thiếu người về Sàigòn, mà không chỉ một lần.”(51)

Và vì thế có sự xích mích giữa đôi bên. Nguyễn Ngọc Thạch là cựu sinh viên Đà Lạt, đồng khóa với Dương Văn Ba năm 1961, và cũng là cây bút viết phiếm sâu sắc của Tin Sáng trước 1975 và sau 1975.

Nhân tiện đây cũng nói thêm, và chả có gì cần dấu diếm, là tôi có dịp ra Bắc và chỉ mong gặp nhiều trí thức, nhà văn miền Bắc ở Hà Nội. Vì thế, tôi có đến thăm và đến chơi tòa báo tiến bộ Tia Sáng của các trí thức thuộc loại ‘bô xít’ ngoài Bắc. Nơi đây, tôi có dịp gặp một số nhà văn, trí thức miền Bắc, dự hội thảo, dự các buổi trao giải thưởng, v.v.

Ở Sài Gòn, tôi có được đi dự một buổi vinh danh ông Trần Văn Khê. Dự như thế là vừa được ăn thật ngon, thật đắt tiền, vừa có bao thư, về mở ra có 50.000 đồng. Đủ để bao bạn đi ăn phở và uống cà phê! Chỉ không biết mấy ông lãnh đạo từ miền Bắc vào dự như ông Vũ Mão, tiền máy bay, tiền Hotel và tiền bao thư là bao nhiêu?

Cứ nghĩ đến chuyện bao thư 50.000 đồng là lạ thật.

Trong đó đặc biệt có nhà thơ Lê Đạt (nay đã qua đời) và nhất là nhà văn Nguyên Ngọc. Biết tôi từ Montréal, họ hỏi thăm tôi có biết Đỗ Quý Toàn không. Tôi gật đầu. Họ khen ông Toàn lắm, khen đó là một người chống cộng sản ‘đứng đắn’.

Với những bạn bè tâm giao như vậy, không hiểu vì lý do gì ông Hồ Ngọc Nhuận lại không trao cuốn Hồi Ký Đời cho công ty Người Việt, mà lại trao cho đám trí thiên thức tả ở Paris đã lỗi thời rồi! Và họ không có chủ trương và cũng có thể không có điều kiện xuất bản thành sách.

Bây giờ mà còn tả cái nỗi gì! Thưa ông Nhuận. Và tôi tin chắc cuốn sách sẽ được công ty người Việt giới thiệu chả kém gì cuốn “Bên Thắng Cuộc” hay “Đèn Cù” cả.

Cờ đến tay mà không phất thật uổng.

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


(30) Lý Quý Chung, Hồi ký Không Tên, phần sau ngày 30 tháng tư
(31) Võ Long Triều, Hồi ký Võ Long Triều, kỳ 26, 19/1/2007
(32) Lý Quý Chung, Ibid.
(33) Dương Văn Ba, Những ngã rẽ, chương 13, Làm báo trong chế độ mới
(34) Dương Văn Ba, Ibid.
(35) Dương Van Ba, Ibid.
(36) Dương Van Ba, Ibid., Chương 14, Nội bộ báo Tin Sáng rạn nứt.
(37) Lý Quý Chung, Ibid., Đọc hồi ký không tên, Trần Bạch Đằng, tháng 8, 2004
(38) Võ Long Triều, Ibid., bài 27.
(39) Alain Ruscio, Vivre au Viet Nam. Con số vừa trích dẫn ở trên chỉ nằm trong phần chú thích của Alain Ruscio.
(40) Hồ Ngọc Nhuận, Đời, Chương X, Anh em Tin Sáng của tôi.
(41) Lý Quý Chung, Ibid., Chương sau ngày 30/4/1975
(42) Lý Quý Chung, Ibid.
(43) Dương Văn Ba, Ibid., Chương 14, Nội bộ Tin Sáng rạn nứt.
(44) Hồ Ngọc Nhuận, Ibid., Bản 2010.

“Ông đã trả lời với tôi “không sai, nhưng mà c’est un choix malheureux.” Đúng nghĩa chữ Pháp un choix malheureux c’est-à-dire un mauvais choix. Tôi không muốn buộc ông phải nhận sai lầm, tôi càng không muốn chạm tự ái ông làm gì, tôi chỉ muốn hiểu ông rõ hơn thôi.” [Thư Võ Long Triều viết cho Hồ Ngoc Nhuận từ Paris, ngày 12 tháng 6, 1994.]

“Còn tôi nói “ choix malheureux ” là vì cái lý tưởng mà đã hơn một lần tôi sống thật chớ không chỉ nói, nó không thành hay chưa thành, thế thôi… Và vì đất nước vẫn chưa như lòng tôi muốn. Còn như ông muốn hiểu chữ malheureux chỉ có nghĩa là sai, thì đó cũng là cách hiểu vốn có của ông vậy.” [Thư Hồ Ngọc Nhuận viết cho Võ Long Triều từ Bordeaux ngày 17 tháng 6, 1994.]

(45) Người viết bài này có hai cuốn sách của ông Lâm Võ Hoàng, tập trung những bài viết báo của ông trong khoảng 20 năm, in tháng 08-2002.
(46) Xem thêm Đông Hải, Đường hòa nhập của những nhân sĩ chế độ cũ, tuanvietnam.net, tháng 6, 2010.
(47) Hồ Ngọc Nhuận, Đời, trang 163.
(48) Alian Ruscio, Ibid., trang 229
(49) Tiêu Dao Bảo Cự, Tiếng Chim Báo bão, là trường hợp ngoại lệ, tác gỉa là dân miền Nam, theo MTGPMN.
(50, 51) Hồ Ngọc Nhuận, Ibid., “Thơ gởi Đỗ Quý Toàn” 9 tháng 2 năm 2007.