Tương lai nào cho Giáo triều Vatican và Giáo hội nhà nước Việt Nam? (I)

Nguyễn Văn Lục

crossKhái niệm tội sinh ra phúc là một khái niệm tốt đẹp giúp con người mỗi ngày một tiến lên, đứng dậy trong hành trình nhân thế. Mỗi ngày, mỗi giờ khắc là một niềm hy vọng hướng đến chân thiện mỹ.

Designer Helmer Joseph trình bày bộ sưu tập mùa xuân hè 2012 của mình tại nhà thờ St. jean Baptiste ở Montreal thứ ba 20 tháng 9, 2011. Photograph by: Peter McCabe / THE GAZETTE
Designer Helmer Joseph trình bày bộ sưu tập mùa xuân hè 2012  tại nhà thờ St. jean Baptiste ở Montreal thứ ba 20 tháng 9, 2011.
Photograph by: Peter McCabe / THE GAZETTE

Cho đến nay, có một sự sa sút tín đồ công giáo ở các nước phương Tây phát triển đến mức báo động! Sự sa sút ấy do những nguyên nhân nào? Ở vùng Montréal, Quebec cứ vài con phố lại có một nhà thờ. Sự đông đảo giáo dân vào thập niên 50-60 như một thời vang bóng; nay nhà xứ không có đủ tiền để chi phí cho việc bảo trì và điều hành cơ sở.

Sự lớn mạnh của số giáo dân trong những năm 50-60 đó biến đạo trở thành một sức mạnh chính trị trong các cuộc bầu cử từ thủ tướng đến các vị dân cử.

Thiên chúa giáo một cách mặc nhiên được coi như một “quốc giáo” ở Quebec(1).

Các trường học đều có các giờ học giáo lý hoặc do các sơ hoặc các linh mục điều hành. Các ngày lễ nghỉ cũng dành ưu tiên cho các lễ công giáo. Các trường đại học nổi tiếng cũng như trung học đều do giáo hội điều hành.

Các trường học, các cơ sở công cộng như Quốc Hội đều treo tranh ảnh tượng Thánh Giá. Các buổi họp dù là chính trị đều bắt đầu bằng việc đọc kinh.

Nhưng chỉ trong vòng vài thập niên gần đây, mọi chuyện đều như đổi khác.

Có một trào lưu thế tục hóa vận động và đòi hỏi tách giáo hội ra khỏi các tổ chức công quyền. Việc dạy học giáo lý công giáo không còn là một ưu tiên như trước nữa. Viện trưởng các trường đại học và cao đẳng nguyên khởi từ các chủng viện dần được thay thế bằng các viện trưởng dân sự được sự bổ nhiệm và ăn lương của đại học nay đã là những cơ sở dân sự độc lập, tự trị(2).

École d'architecture. Faculté d'aménagement et des arts visuels. Vieux Séminaire. Nguồn: Université Laval.
Trường Kiến trúc, Đại học Laval hiện dùng cơ sở của chủng viện Quebec do François de Montmorency-Laval thành lập năm 1663 (Vieux Séminaire). Nguồn: Université Laval.

Phần giáo dân có thể được phân ra hai loại. Loại còn tích cực đi lễ, tham dự các sinh hoạt tôn giáo phần lớn là những người lớn tuổi. Phần còn lại hầu hết là giới trẻ xa lánh dần.

Nhà thờ không còn là nơi tụ họp giới trẻ tìm đến. Có thể đây là dấu hiệu đáng lo ngại nhất.

Có loại người theo đạo chỉ là thói quen gia đình, tập tục quen thuộc từ thời nhỏ. Bảo bỏ hẳn thì không đúng. Nhưng còn cố níu kéo đến cái danh xưng một năm đến nhà thờ đôi ba lần. Còn có người nay cả đời chỉ đến nhà thờ trong một vài dịp đặc biệt: Lúc sinh ra cho con rửa tội, lúc lập gia đình cần có hôn thú chính thức và lúc chết cần có lễ nghi tiễn đưa cho phải phép.

Nhưng nay thì những thói quen tối thiểu này cũng không còn được giữ nữa. Đám cưới ở nhà thờ cũng dần thưa thớt.

Về tổ chức cơ sở, nhà thờ mười cái đóng cửa 5 cái vì không có giáo dân. Ngòi phần tấm linh, dù có đủ giáo dân có nhà thờ đã phải phát triển sinh hoạt văn hoá – tổ chức nhạc trẻ như của Patti Smith, David Byrne, và Death Cab for Cutie hay trình diễn thời trang – để tăng thu nhập bảo trì cơ sở(3).

Tỉ số giáo dân hành đạo ở Mỹ và Canada. Nguồn: Pew Research Center
Tỉ số giáo dân đi lễ ít nhất một lần mỗi tháng ở Mỹ và Canada. Nguồn: Pew Research Center

Nhà thờ càng ngày càng vắng hoe vì không có người tham dự, không đủ tiền chi phí bảo trì. Vài chục người già lọm khọm vẫn chịu khó đến nhà thờ mỗi buổi sáng. Nó như cái gì sắp tàn còn cố níu kéo lại.

Giáo sĩ vốn là động lực cho sự phát triển đạo thì số người đi tu hầu như không còn nữa. Nhiều nhà dòng tu đã đóng cửa hoặc chỉ còn lại một số người già. Mới đây tôi được coi một phóng sự (Grands Reportages, http://ici.radio-canada.ca/) cho thấy một dòng tu Phan Xi Cô đã nhận được ba tu sinh mới gia nhập và nay trở thành tu sĩ nhà dòng đã có lời khấn.

Tỉ số giáo dân nhập cư và sinh tại Canada. Nguồn: Pew Research Center
Tỉ số giáo dân nhập cư và sinh tại Canada đi lễ ít nhất 1 lần mỗi tháng. Nguồn: Pew Research Center

Nhìn cảnh tượng các vị tu sĩ già khiêm cung, đạo hạnh, đơn sơ bên cạnh những thanh niên tập sinh có một điều gì vừa phấn khởi, vừa lo ngại.

Liệu ba người tu sĩ tập sinh này có đủ lôi kéo giáo dân cùng thế hệ đàn anh của họ, những người sắp sửa rủ nhau về thế giới bên kia?

Nhưng việc ấy vẫn trở thành một biến cố lớn cho nhà Dòng mà theo một vị cho biết trước đây số linh mục và tu sĩ là vào khoảng gần 500 người. Nhiều nhà thờ thiếu tu sĩ đã nhận các linh mục từ Phi Châu sang.

Hình như có hiện tượng truyền giáo ngược chiều.

Càng trẻ càng ít đi nhà thờ. Nguồn: Pew Reserach Center
Càng trẻ càng ít đi nhà thờ. Nguồn: Pew Reserach Center

Trước đây các thừa sai Tây Phương sang các nước nghèo để rao giảng tin mừng thì nay đến lượt các nước nghèo họ sang các nước giàu làm công việc truyền giáo!

Xem ra càng phát triển thì hình như càng xa lìa tôn giáo. Dầu vậy, cho đến nay thì cũng chưa có một cuộc nghiên cứu nào đầy đủ giúp hiểu được tại sao có sự xa lìa ra khỏi tôn giáo như thế?

Giáo dân Quebec (titnh bang có tỉ lệ tín hữu cao nhất) là những người ít quan tâm đi nhà thờ nhất ở Canada. Nguồn: Pew Reserach Center.
Giáo dân Quebec (titnh bang có tỉ lệ tín hữu cao nhất) là những người ít quan tâm đi nhà thờ nhất ở Canada, từ 48% cuối những năm 1980, chỉ còn 17% vào năm 2012. Nguồn: Pew Reserach Center.

Nhiều câu hỏi tại sao lắm.

Nhưng câu trả lời đến nơi đến chốn thì quả thực không có.

Cộng đồng Vatican II phải chăng không đủ thổi một luồng gió mới như người ta mong đợi?

Hình ảnh Giáo Hoàng Phao Lô Đệ Nhị đã lôi cuốn hằng triệu giới trẻ khắp nơi trên thế giới tụ họp chung quanh Ngài, tung hô và vui mầng coi Ngài như một sứ giả mới cho thời đại! Ảnh hưởng ấy tồn tại được bao lâu? Đã có được bao nhiêu thành phần giới trẻ quay lại với nhà thờ?

Nhưng, điều rõ rệt khác là người ta nhận thấy rằng tại nhiều nước chậm tiến và kém mở mang hoặc đang phát tiển như tại các nước Phi Châu thì ngược lại có xu hướng gia tăng dân số tín đồ.

Phải chăng Giáo Hội chỉ thật sự phát triển, thật sự cần thiết khi con người còn nghèo nàn?

Câu hỏi này xem ra cũng đáp ứng đúng đối với trường hợp Việt Nam. Số tín đồ không giảm. Số thanh niên thiếu nữ đi nhà thờ vẫn chật ních nhà thờ mỗi sáng chủ nhật.
Nhưng điều này, theo tôi, cũng đừng nên vội mừng sớm quá.

Nhưng nói chung, giáo hội công giáo như mọi tổ chức khác chịu ảnh hưởng mạnh mẽ khi các biến định xã hội thay đổi, khi mức sống dân chúng cao, khi các nhu cầu giải trí đủ loại xuất hiện, khi có các phương tiện truyền thông thay đổi ngay cả cách suy nghĩ, thay đỗi não trạng, cách sống, cách làm của con người.

Điều rõ rệt là tôn giáo và các định chế của nó đã không theo kịp các biến động xã hội, không đáp ứng kịp các nhu cầu của thời đại và nhất là không hội nhập vào thế giới đang chuyển động đó.

Có một sự ngưng trệ trong tôn giáo và có một biến động xã hội không ai lường trước được.

Giáo hội cũng từ con người nên nên không tránh được những thời kỳ – có hồi hưng thịnh, có hồi trồi sụt, có lúc nhếch nhác. Vinh quang cũng nhiều. Nhưng để lại những vết nhơ trong lịch sử cũng không thiếu. Vết nhơ thì dễ nhớ và lan truyền, cái tốt đẹp thì người ta mau quên.

Sự Biến Chất

Theo tôi, cái mối lo ngại lớn lao nhất và đe dọa nhất của một tổ chức tôn giáo là sự biến chất. Biến chất từ mỗi cá nhân, nhưng biến chất lớn hơn là cả một tổ chức, cả một cộng đồng theo thời gian. Mà thời gian như có sức làm hoen rỉ, sói mòn tất cả.

Người ta nhận rõ được sự biến chất đó, nhận rõ được sự ngưng trệ ở mặt nào. Mặt nào không theo kịp được thời đại.

Để cắt nghĩa và giải thích được sự ngưng trệ và biến chất này. Hãy lấy một trường hợp một người trẻ tuổi làm tỉ dụ.

Về phương diện cá nhân, một thanh niên đã quyết chọn lý tưởng tu trì với sự hăng say và lòng quyết tâm và đã đi tới cùng. đã vượt qua nhiều thử thách cá nhân.

Hình như không có những con đường bằng phẳng ở ngoài đời cũng như trong việc tu trì. Người ta thường nói đùa, đi tu là trốn tránh việc đời, tránh chuyện cơm áo, chuyện lo toan gia đình, nợ phu thê, v.v.

Nhưng thật sự nó có đơn giản như thế không? Bên này đã có thời kỳ người ta xôn xao về một cuốn film: L’homme qui se cache pour mourir. Con người ẩn mình tìm đến cái chết.
Lúc chịu chức linh mục – một quyết định tối hậu sau nhiều ngày trăn trở – người thanh niên trẻ đã tưởng mình chọn đúng đường và cúi đầu với hai tiếng: Xin vâng – Fiat với tất cả nghị lực và niềm hăng say.

Tân linh mục lúc ấy như chim mới ra giàng thể hiện đúng vai trò Người của Chúa. Nhưng tháng ngày qua đi dần dần vị linh mục trẻ đó mất cái nghị lực ban đầu do thói quen, do giao tiếp xã hội. Nhất là do mối quan hệ rộng rãi với giới trẻ, nhất là phụ nữ, đã biến chất lúc nào không hay.

Chúa trước giờ lâm chung khẩn thiết yêu cầu các tông đồ của ngài: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Nào đã có mấy ai tỉnh thức?

Những lời tuyên thệ khi sấp mình trước bàn thờ nhận chức linh mục bị chà đạp bỏ quên dễ dàng.

Đó là sự thoái hóa, biến chất. Càng già càng sinh tật.

Người đời thường nói như thế. Càng được nhiều người hâm mô, quý mến. Càng hưởng nhiều bổng lộc vật chất, càng chức quyền cao hơn, sự thoái hóa càng cao theo tỉ lệ thuận.

Hành lý càng cồng kềnh thi con đường vào Thiên đàng càng hẹp vì trèo cao vác nặng!

Và tính theo thời gian, cùng tu lâu càng hỏng tu. Người ta thường có thói quen sai lầm cho rằng càng tu lâu, càng đắc đạo!

Sai. Sư cụ chùa Long Giáng trong Hồn Bướm Mơ tiên của Khái Hưng nay kiếm mỏi mắt không ra lấy một người. Quan điểm tu lâu đắc đạo chắc cần phải được xét lại. Và lối thoát của những người này chọn lựa thường là sự che dấu. Từ che đấu đến đóng kịch. Từ đóng kịch đến sống giả, sống hai mặt.

Sự khốn khổ cho con người không hẳn là đã phạm tội, đã vấp ngã mà vấp ngã rồi tiếp tục đôi chân lấm bùn sống một cuộc sống che mắt, sống kịch. Nhưng không lẽ đóng kịch cả đời?
Không lẽ họ dựng nên một vở kịch, tự đạo diễn, tự đóng vai chính và sẽ sống một vở kịch suốt đời?

Trong khi đó, cuộc sổng đích thực là cuộc sống thực, sống đúng vai trò của mình. Vợ ra vợ chồng ra chồng, cha mẹ con cái cũng vậy. Ngoài đời là chính trị gia, người lãnh đạo thì phải ra người lãnh đạo. Trong tôn giáo linh mục phải ra linh mục, giám mục ra giám mục. Nếu không thì nên đi ra để khỏi rách việc, mang tiếng mang tai.

Sống đúng nhiệm vụ và vai trò của mình ở đời đó là mục đích cũng như hạnh phúc cho một người ở đời. Không gì khổ cho bằng không thể đóng vai trò một người chồng mà cứ phải đóng kịch vai trò đó trước mọi người.

Một ông linh mục cũng thế thôi. Tôi đã từng có một lần có một vị linh mục bạn đã tự thú nhận ông không đóng nổi vai trò linh mục mặc dầu ông vẫn phải đóng kịch mỗi ngày!

Đó là nỗi khổ cho con người còn hơn là tội lỗi.

Trong một đề thi tú tài ban thực nghiệm tại Pháp năm nay có ra một đề thi nội dung như sau: Theo anh chị, người làm chính trị có quyền che dấu sự thực không? Và đó là một câu trả lời không dễ cho mọi người. Có dám nói sự thật không?

Trong một cuốn nhật ký tôi đọc đã lâu nhan đề Confessions d’une religieuse, 2008 – tác giả là bà sơ Emmanuelle. Mục đích của cuốn sách là để thú tội. Bà cũng là tác giả trước đó một cuốn sách khác rất có giá trị: Richesse de la pauvreté, 2001.

Nguồn: J'ai lu
Nguồn: J’ai lu

Sơ Emmanuelle mắc phải một cái “tội” là thủ dâm ngay từ hồi 6 tuổi vào thời ký chiến tranh thế giới thứ nhất. Và cả đời bà là một cuộc chiến đấu cái điều mà bà cho là “tội lỗi” ấy! Thật không dễ và khổ cho bà sơ. Bà đã nhiều lần cầu cứu đến Chúa, nhưng Chúa không đáp lại, cũng không trả lời. Cho nên có thể nói như Victor Hugo, Kẻ nào sống, chính là kẻ đang chiến đấu. Cuộc chiến đấu của Sơ Emmmanuelle kéo dài từ năm 1914-1970. Rồi tiếp theo được những năm hạnh phúc từ 1971-1993.

Nhưng gần 60 năm trời. Cuộc đời sơ là một cuộc chiến đấu nội tâm, chiến đấu chính mình, chiến đấu chống lại điều mà bà cho là tội lỗi, là súc vật.

Vậy mà đã có một thời sơ quyết định đi tu làm sơ như một đòi hỏi không cưỡng lại được. Sau đó bà được gửi sang Thổ Nhĩ Kỳ và sống ở Istanbul ở đó suốt hơn 20 năm từ 1931-1955, sau đó là Ai Cập cho đến những ngày cuối đời vào những năm 1994.

Người nào đọc cuốn hồi ký của sơ Emmanuelle cũng có thể tìm thấy một chút mình khi đọc cuốn Hồi ký này. Cho nên đọc sơ Emmanuelle chính là đọc chính mình, tự soi gương thấy mình trong gương.

Trong dòng tư tưởng của sơ Emmmanuelle, tôi tìm thấy một điều là sự tin tưởng và sự lớn lên có thể bắt đầu từ cảm thức tội lỗi. Và sơ đã nhận thấy tội lỗi thay vì nhận chìm con người, nó lại đã là một sức mạnh vươn lên.

Bà cho rằng tình yêu thì lớn hơn cả cái chết.

Những điều tin tưởng của sơ Emmanuelle phù hợp với tư tưởng thần học về sự tội. Tội là cơ hội sinh ra phúc.

Có tội là có cơ hội tìm được sự giải thoát. Vì thế tội là nguồn cơn sinh ra phúc. Felix culpa.

Trong viễn tượng một quan điểm thần học lấy sự cứu độ làm cứu cánh, lấy con người làm nền tảng trong đó xấu tốt như thành phần bản thân của con người. Người ta có quyền có hy vọng sự biến cải điều xấu như cơ hội để tiến tới điều tốt. Sẽ không có một tương quan nhân quả- theo nghĩa nhân làm sao thì quả làm vậy. Làm điều xấu thì lãnh hậu quả xấu.

Không hẳn là như vậy.

Quan niệm nhân quả là một quan điểm định mệnh của tất định thuyết không phù hợp sự tiến hóa, sự chuyển đổi, sức mạnh tâm linh của con người.

Trái lại sau cơn mưa trời lại sáng. Phải chết đi để sống lại. Phải ung thối mục rữa lại chính là mầm mống sinh ra hoa quả tốt. Sau các trận cháy rừng hủy diệt như thể toàn bộ sự sống, môi sinh thì cũng chính từ nơi đó sự sống nẩy mầm, sinh sôi và phát triển.
Như thế, tội là con đường dẫn đến sự cứu rỗi. Gương vỡ lại lành. Và đứa con phung phá sẽ trở về nhà Cha. Trong cái tinh thần đầy phấn khởi và hy vọng như thế thì Tội có thể sinh phúc!

Giáo Hội qua Vatican có thế dựa vào tư tưởng thần học này để vực được giáo hội trỗi dậy chăng?

Giáo Triều Vatican và những thách đố của thời đại

Giáo Hội qua Vatican vẫn được coi là giáo hội của nhiều khuôn mặt (L’église aux multiples visages). Mà trổi bật nhất chiếm lĩnh trong nhiều thế kỷ là khuôn mặt của Giáo hội các nước Phương Tây – được coi như các nước phát triển – và cũng là nơi tạo ra nhiều bất ổn và khủng hoảng.

Dĩ nhiên, ai cũng hiểu rằng, những khủng hoảng và những đòi hỏi ở một nơi này thì không đồng một nghĩa với nơi khác. Các nước Phi Châu, các nước chậm tiến và các nước Châu Mỹ La Tinh có một khát vọng giải phóng xã hội, thoát nghèo và công bằng xã hội nên cổ súy cho một thứ thần học giải phóng.

Trong khi đó, nhu cầu của các nước phát triển là vượt thoát ra khỏi các ý hệ chậm tiến như quyền của phụ nữ, vấn đề giới tinh, vấn đề bình đẳng trong những khác biệt về xu hướng tình dục hay vấn đề quyền sống con người.

Nhưng dù muốn dù không thì Giáo Hội mang tính cách hoàn vũ vẫn bắt buộc phải trả lời những thách đố của thời đại mình. Và đó là những thách đố gì?

Nếu Giáo Hội cứ tự đóng khung, tự khép mình và không lắng nghe được tiếng nói của thời đại mình. Giáo Hội sẽ bị vượt qua. Những điều cấm đoán của giáo hội không thích ứng được với các vấn đề xã hội như Cấm phá thai! Và những người trẻ sẽ quay lưng lại Giáo Hội. Chẳng hạn trong các vấn đề như đồng tình luyến ái, vấn đề ngừa thai và phá thai, vấn đề linh mục có vợ, v.v.

Đã thế, trong quá khứ, giáo hội đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, đã nhiều lần giáo hội Vatican đã làm những việc đi ngược với tâm thức chung của con người. Cho nên cơ hội giải thoát giáo triều Vatican ra khỏi vũng lầy quá khứ không nhiều. Và đây là một vài bằng cứ.

Việc bảo trợ các các tội phạm chiến tranh Đức trốn ra khỏi Ý

Căn cước Argentina giả của Eduard Roschmann (chỉ huy khu Riga năm 1943, giam người Do Thái ở Latvia) do Giám mục Hudal cung cấp. Nguồn: Wikipedia
Căn cước Argentina giả của Eduard Roschmann (sĩ quan SS chỉ huy khu Riga năm 1943, giam người Do Thái ở Latvia) do Giám mục Hudal cung cấp. Nguồn: Wikipedia

Đây là một chuyện quá khứ ít người biết. Nhưng Không biết thì không có nghĩa là nó không có. Người viết nêu ra trường hợp này chỉ như một bằng cớ trong nhiều bằng cớ.

Một trong những vết nhơ chính trị sau thế chiến thứ hai của Giáo triều Vatican là vụ Giám Mục Alois Hudal (1885-1863). Cho đến nay, nhìn lại vấn đề hồ sơ của vị giám mục này, tôi vẫn không hiểu tại làm sao ông có thể hành xử như vậy? Giáo hội qua Giáo Hoàng sao có thể đồng lõa với tội ác như thế!

Reichskonkordat Franz von Papen Baron Papal Chamberlain thay mặt Đức Quốc Xã ký Thoả hiệp Concordat 1933 với Vatican
20 Tháng Bẩy 1933 : Giáo hoàng tương lai, Piô XII, tức Sứ thần Eugenio Pacelli ký thoả ước Concordat 1933 giữa Đức Quốc Xã và Vatican. Nguồn ảnh: Süddeutsche Zeitung

Ông giám mục này có xu hướng thân Phát Xít Đức nên sau thế giới chiến tranh thứ hai, ông đã hỗ trợ cho các tổ chức thân Phát Xít Đức có mặt ở Ý. Tổ chức của vị giám mục này được coi là đứng đầu danh sách 22 tổ chức đã tìm cách giúp các nhân vật tội phạm Đức được xếp vào loại tội phạm chiến tranh có được giấy tờ hợp pháp để trốn ra khỏi Ý.

Những người này sau đó thường sang Argentina – nơi có khoảng 250.000 người gốc Đức sinh sống và họ trà trộn vào đám dân Đức này để tránh bị truy nã của quốc tế.

Một trong những nhân vật tội phạm nổi bật nhất của Đức Quốc Xã là Adolf Eichmann và một số người khác. Riêng Adolf Eichmann sau một thời gian trốn chạy đã tìm đường sang Ý. Ở đây do tổ chức của giám mục Alois Hudal, y có được thông hành Ý và sang sống ở Argentina từ năm 1950.

Cạnh đó còn những người như Eduard Roschmann, Joseph Mengele, Guatav Wagner, Alois Brunner đều được giám mục Alois Hudal cung cấp giấy tờ, visa hợp lệ cho họ. Nói chung có khoảng 5000 visa được cấp phát cho những tên Đức Quốc Xã này do Alois Hudal cung cấp.

Sự dính líu vào đường giây tội phạm này có thể còn liên quan đến cả một vài chức sắc lớn khác như Hồng y Antonio Cagguano tại Argentina và Eugene Tisserand của Pháp cũng

như chính bản thân Giáo Hoàng Piô XII.(4)

Sau này, cho đến lúc chết, Alois Hudal vẫn tin tưởng rằng ông đã hành động đúng.

Các điệp vụ của Do Thái sau này đã sang tận Argentina và tìm bắt được Adolf Eichmann và dẫn độ về Jerusalem năm 1960 và kết án tử hình. Ông bị treo cổ tháng 5, 1962. Nhưng còn bao nhiêu những tên tội phạm chiến tranh khác đã bình an vô sự, sống mai danh ẩn tích nhờ Alois Hudal?

Việc che đấu các trường hợp phạm tội ấu dâm

Nếu việc trên ít ai biết thì việc sau trở thành một xi căng đan mà cả thế giới theo dõi. Thời nay việc tố cáo tội phạm ấu dâm đã mang tầm vóc quốc tế, đặt Vatican vào một tình thế phải chọn lựa những quyết định can đảm. Một tội phạm mà từ nhiều năm nay các chức sắc lãnh đạo tôn giáo qua nhiều triều giáo hoàng cũng như nhiều giáo hội địa phương ở các nước như Đức, Canada đã tìm mọi cách để che dấu. Nay tình thế không cho phép sự che dấu, bởi vì càng che dấu, tính cách nặng nề của tội phạm càng được nhân lên nhiều lần. Không che dấu, tội phạm vẫn chỉ là tội phạm. Che dấu, tội phạm trở thành những xi căng đan.

Vì thế, nay tội phạm ấu dâm đã được công khai hóa và chỉ thị đích danh các tổ chức xã hội nuôi cô nhi, nuôi người khuyết tật và nơi các trẻ em các sắc dân thiểu số và nhất là nơi các sơ sở xã hội công giáo. Những nạn nhân đã tố cáo đích danh cá nhân vi phạm và đòi hỏi công lý phải được thi hành.

Một người công giáo bình thường là phải biết cúi đầu nhận những lỗi lầm ấy và cái lỗi lầm lớn nhất của giáo hội công giáo là đã bằng mọi cách che đậy tội phạm. Che đậy dưới nhiều triều đại giáo hội từ Giáo Hoàng Phao Lô Đệ Nhị, Benedict 16 và chỉ thực sự được công khai hóa dưới triều Giáo Hòang Phan Xi cô.

Mỗi ngày, một vị linh mục hay giám mục đọc kinh cáo mình trước cộng đoàn mà không hề ý thức được tội phạm mình đã làm. Đó là tội phạm đến hai lần.
Sự đồng lõa với tội phạm nói cho cùng cũng là một hành vi phạm pháp gia trọng như chính tội phạm vậy.

Nguồn: CBC.ca
Nguồn: CBC.ca

Ngày 12 tháng 8, 2014, tòa án tỉnh hạt Québec, nơi tôi ở đã phạt dòng DCCT (Dòng Chúa Cứu Thế, Rédemptoristes) 20 triệu đồng về trách nhiệm xâm phạm tình dục trên 100 trẻ em trong quá khứ.

Tôi không buồn khi nghe tin này.

Vì thà chấp nhận những vết đau như thế để cải thiện tương lai. Thuốc đắng mới dã tật được. Trong tương lai có thể, người ta sẽ phạm tội một cách khác, nhưng ít ra tội ấu dâm cũng khó còn xảy ra trong các cơ sở tôn giáo.

Nhưng cũng tại cơ sở dòng Chúa Cứu thế này khi họ hoạt động tại Việt Nam vào những năm 1945-1975 tại Hà Nội, Vũng Tàu, Huế, v.v. Chúng tôi có theo học một thời gian tại Hà Nội cho đến lúc di cư, chúng tôi đã không hề được nghe một tiếng đồn xấu xa nào liên quan đến vấn đề tội phạm ấu dâm trong suốt hơn nửa thế kỷ cả.

Và đối với tôi việc Công Khai Hóa là một thái độ can đảm, trung thực và quyết tâm của Giáo Hội. Nó chứng tỏ một thái độ trong sáng, muốn lành mạnh hóa xã hội ở thế kỷ 21 này. Ngoài pháp lý ra còn có khả năng phòng ngừa tội phạm bằng công luận? Không biết bao nhiều điều của lịch sử thế kỷ 20 đã được khui ra, bạch hóa trong các phạm vi chính trị, xã hội, lịch sử và cả tôn giáo nữa.

Vì thế, Vatican cũng là một đối trọng không thể tránh được trong việc phanh phui này.
Giáo hội không phải lúc nào cũng là công giáo, thánh thiện và tông truyền như trong kinh Tin kính mà ta đọc mỗi ngày! Cũng vậy, vấn đề bất khả sai lầm của Giáo Hoàng (Infaillibilité Pontifical) trong những vấn đề liên quan đến Giáo Điều và Luân Lý được cộng nhận từ năm 1870 xem ra là một loạt những cưỡng từ đoạt lý ngày nay không dễ chấp nhận cho mọi người.

Người ta có thể đồng thuận dễ dàng về khái niệm bất toàn (concept incomplet) về bản tính người, nhưng lấy gì để có thể biện minh cho tính không sai lầm của vị Giáo Hoàng?
Trên hàng kệ sách nơi tôi làm việc ít lắm cũng có cả chục hồ sơ như thế phải đọc. Tôi đọc cuốn L’Avorton de Dieu – Une vie de Saint Paul của Alain Decaux để hiểu một cách sâu xa rằng sự lầm lỡ, tội ác không phải là điều gì xa lạ với con người. Con đường Damas (La route de Damas) – nơi thánh Phao Lồ đã trải qua là một con đường đầy bất hạnh. Chính ngài thú nhận từng là người đã săn đuổi, tàn sát người theo đạo Thiên Chúa ngay tại những con hẻm của thành phố Jérusalem.

Nhưng chính tại Damas – không ở Jerusalem, hay Antioche, hay Tarse hoặc nơi nào khác mà thánh nhân nhận ra ánh sáng với sự nhận biết ra Chúa.

Con đường Damas cũng là con đường mà Giáo Hội phải đi, phải trải qua với nhiều chông gai và chướng ngại phải vượt qua.

Bộ mặt giáo hội luôn luôn là một bộ mặt con người, đan chen xấu tốt. Bộ mặt của con đường Damas- bộ mặt của tội lỗi và bộ mặt được cứu rỗi-.

Nhưng vấn đề làm thế nào để cái tốt vượt trên cái xấu trong tinh thần tội sinh ra phúc. Felix Culpa. Như đã trình bày ở trên?

Tôi nghĩ khái niệm tội sinh ra phúc là một khái niệm tốt đẹp giúp con người mỗi ngày một tiến lên, đứng dậy trong hành trình nhân thế. Mỗi ngày, mỗi giờ khắc là một niềm hy vọng hướng đến chân thiện mỹ.

Và nếu có điều gì hy vọng vào Giáo Hội Vatican thì chính là điều này. Và sau đây là những nhân chứng của niềm hy vọng ấy.

Những nhân chứng mang dấu chứng lịch sử của Giáo triều Vatican

  • Giáo Hoàng Gioan XXII
Tranh vẽ Giáo hoàng John XXIII, the pope who convened the Second Vatican Council, is seen in the museum dedicated to him in his birthplace of Sotto il Monte Giovanni XXIII, Italy. Pope Francis has ask the world's cardinals to vote on the canonization of Blessed John XXIII, even in the absence of a miracle. The announcement came July 5 with Pope Francis' decree that cleared the way for the canonization of Blessed John Paul II, the late Polish pontiff. (CNS file photo/Paul Haring) (July 5, 2013) See POPES-CANONIZE July 5, 2013.
Tranh vẽ Giáo hoàng John XXIII, người đã triệu tập Cộng đồng Vatican II. Nguồn: CNS file photo/Paul Haring, July 5, 2013

Nhìn lại có những thời đại Giáo Hoàng đã đem lại những chuyển biến lớn.

Gần đây nhất là triều đại ngắn ngày của Giáo Hoàng Gioan XXIII. Thật sự khi được phong Giáo Hoàng, nói chung người ta đã không chờ đợi gì nhiều nơi vị giáo chủ tương đối lớn tuổi và cũng ít nổi danh là trí thức hàng đầu của giáo triều.

Cùng lắm họ coi như một triều đại chuyển tiếp.

Người ta nói rằng, khi về dự phó hội bầu Giáo Hoàng, Hồng y Roncally đã cẩn thận mua vé khứ hồi Venice-Roma. Vé khứ hồi sau đó đã không được dùng. Cuộc bầu cử cũng gay go sau 11 lần bỏ phiếu!

Nhưng trong Ngài, ngài đã nhìn thấy sự trì trệ của giáo hội và nhu cầu cấp thiết phải canh tân Giáo Hội để biến nó thành một giáo hội hoàn vũ, giáo hội của mọi sắc dân, mọi dân tộc trên trái đất.

Cho nên chỉ trong một thời gian ngắn khi ở ngôi vị giáo hoàng, Gioan XXIII đã mở ra công đồng Vatican hai để canh tân gíáo hội công giáo.

Sự canh tân và tham vọng đổi mới giáo hội là một bước tiến lớn của triều đại Gioan XXIII. Đó là những sự khai sáng mà mỗi triều đại đã tìm được cho mình một hướng đi- hướng đi của lịch sử giáo hội và của con người.

  • Giáo Hoàng Phaolo Đệ nhị
GH Paul II. Nguồn: reallifecatholic.com
GH Paul II. Nguồn: reallifecatholic.com

Sau Gioan XXIII, người ta phải đợi một khoảng thời gian nữa để có người sẽ nối tiếp công trình của vị tiền nhiệm. Và có thể nói, thời đại nào Giáo Hoàng ấy. Mỗi một thời kỳ lịch sử có tiếng gọi đáp ứng đúng lúc, đúng thời.

Vấn đề là ta có bắt được tín hiệu của mỗi thời kỳ đó hay không?

Đó là vào tháng 10, 1978, một vị giáo chủ mới xuất hiện trên bực thềm đền thờ Thánh Phê Rô, thánh giá ngài cầm một bên, tay kia ngài dơ lên chào dân chúng. Ngài đã tuyên bố câu đầu tiên để đời, Non abbiate paura. (N’ayez pas peur). Các con đừng sợ.

Người ta kịp nhận ra ngay, đây là kẻ làm chứng thời đại của Chúa đã gửi đến.
Nhưng ngài khuyên chúng ta đừng sợ cái gì? Mỗi người trong số hàng triệu người sẽ tìm ra câu trả lời trong hoàn cảnh của mình.

Thông điệp ấy hình như có nhắn gửi riêng đến dân tộc Ba Lan và các nước Đông Âu và có thể cho cả Việt Nam nữa. Hơn ai hết, ngài biết và cảm nghiệm được nỗi sợ ấy, nỗi sợ người cộng sản đã thống trị đất nước Ngài sau thế chiến thứ hai!

Dân tộc Ba Lan đã đáp lại tiếng gọi đó.

Có một sự liên hệ kỳ lạ giữa vị Giáo Hoàng gốc Ba Lan và TT Mỹ Reagan trong giai đoạn khủng hoảng ở Ba Lan. TT. Reagan đã chính thức sang gặp Giáo Hoàng Phao Lô đệ nhị sau nhiều tiếp xúc trước đó qua trung gian hồng y Krol. Đó là ngày 7-6-1982.(5)

Dân Ba Lan đã đứng dậy và làm chủ vận mệnh đất nước cũng như Giáo Hội Ba Lan. Cơn bão dân chủ đã thổi đi từ Ba Lan, rồi Hung Gia Lợi, Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria, Romani, tại Nam Tư, v.v.

Và trong suốt 27 năm Giáo Triều của Giáo Hoàng Gioan Phao Lô Đệ Nhị. Mỗi một lời nói của ngài, mỗi bước chân ông đi tới đâu, có sức thu hút hàng triệu người, nhất là giới trẻ.

Khi vị giáo hoàng trên giường bệnh hấp hối. Nhiều người thú nhận khóc như thể nhìn thấy gương mặt của ngài như thể nhìn thấy gương mặt của Chúa.

Đây là một so sánh rất công giáo. Người ta có thể nhìn thấy gương mặt của một mục tử để nhận ra đằng sau là gương mặt của Chúa.

Tôi thầm nghĩ, người nào còn chút tin tưởng vào Giáo triều Vatican thì không thể nào bỏ qua một thời gian khá dài dưới triều đại Phao Lồ Đệ nhị.

Cái đóng góp lớn nhất mà ngài để lại, chính là chất súc tác – một thứ men trong bột- để làm dậy lên sự bừng trỗi dậy của Giáo Hội.

Một trong những biến cố quan trọng là vào năm 2000, giáo Hoàng Phao Lồ Đệ nhị đã làm một cử chỉ vô tiền khoáng hậu là đã thiết lập ‘day of Pardon’ Ngày của sự xin tha thứ. Vào ngày 12 tháng 3-. Ngày để trong sạch hóa Giáo Hội.

Bước vào thiên niên kỷ mới, giáo hoàng nhân dịp này xin Thiên Chúa tha tội cho giáo hội trong suốt 2000 năm vấp phạm của giáo hội. Và cái người được chỉ định để làm công việc này không ai khác là Hồng y Ratzinger – sau này là giáo hoàng. Ông Nói:

“Hãy để cho mỗi người chúng ta cầu nguyện lên Thượng Đế trong tâm tình khiêm tốn nhìn nhận ngay cả những người của giáo hội đã nhân danh niềm tin và luân lý đã có nhiều khi xử dụng những phương pháp không đúng với lời Chúa dạy trong bổn phận thiêng liêng phải bảo vệ Sự Thật”.(6)

Hình ảnh của ngài vì thế cần được làm sống lại mãi mãi, vì đó là gương mặt của Chúa.

  • Giáo Hoàng Benedict 16
GH Benedic XVI. Nguồn: www.papalartifacts.com
GH Benedic XVI. Nguồn: www.papalartifacts.com

Có một sự nhận định trái chiều khi viết về vị giáo hoàng này. Có nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có nhiều người chống đối – nhất là nơi một số nhà thần học nổi tiếng của giáo hội cũng như nơi Giáo Hội Ba Tây với quan điểm Thần Học Giải Phóng mà ngài trực tiềp lên tiềng chống đối. Nhiều người-trong đó có Giám mục Peter Cullimane, Tân Tây Lan- cho rằng: “Benedict 16 là một con người đầy xác tín, trung thực trọn vẹn, trí thông minh lớn lao và sự dâng hiến trọn vẹn cuộc đời.”(7)

Vậy mà triều đại của ngài cũng là thời kỳ giáo hội trải qua nhiều sóng gió và khủng hoảng hơn cả.Tuy nhiên điều đó cũng hé lộ gián tiếp cho thấy Giáo triều Vatican đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng cần một sự thay đổi can đảm.

Hình như bóng dáng của Giáo Hoàng tiền nhiệm – Phao Lồ Đệ nhị lớn quá nên bao nhiêu những đòi hỏi cải tổ Giáo Hội trong giai đoạn giáo hoàng Phao lồ Đệ nhị tạm thời như lắng đọng thì nay nổ bung ra.

Tôi có cảm tưởng giáo hoàng Benedict 16 là nạn nhân bất đắc dĩ kế thừa hình ảnh vĩ đại của giáo hoàng Phao lô Đệ nhị và nạn nhân của chính mình vì những lập trường bảo thủ của ngài về những vấn đề nhạy cảm nhất của thời đại hôm nay.

  • Về những vấn đề của người phụ nữ. Ngài phải đương đầu với vấn đề hạn chế sinh sản, vấn đề quyền được phá thai, vấn đề truyền chức linh mục cho phụ nữ, vấn đề đồng tình luyến ái, vv. Sự phủ nhận quyền của người phụ nữ ở những vấn đề trên được diễn tả là đó là khuynh hướng kỳ thị nữ quyền. (gender discrimination). Mặc dầu giáo hội lên án mạnh mẽ sự bạo hành trên những người đồng tính, nhưng lại coi hành vi đồng tinh như một vấn đế vô luân lý và coi một số ứng xử đối với người đồng tính là một sự kỳ thị hợp pháp.(Legal discrimination). Ngài cũng mạnh mẽ chống đối việc truyền chức linh mục cho phụ nữ. Cái lý do đưa ra thuộc về lịch sử giáo hội là bởi vì Chúa chỉ truyền chức cho 12 tông đồ phái nam và nay giáo hội không có cái thẩm quyền gì để làm ngược lại một truyền thống đã có sẵn. Vấn đề gây trở ngại là trước đây trong thời kỳ cộng sản chiếm đóng tai Tiệp Khắc- vì thiếu người-Giám mục Felix Davidek đã truyền chức linh mục cho một số phụ nữ, đúng ra 6 người được truyền chức linh mục.- Và sau khi chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc sụp đổ, Giáo hội Vatican đã ra lệnh các vị linh mục nữ này phải từ chức. Và vai trò linh mục của họ là không có giá trị. Invalid. Một số đã tuân thủ, nhưng cũng có người chống đối. Những người này cho rằng, vấn đề truyền chức linh mục cho phụ nữ là một nhu cầu và cũng được sự chuẩn nhận của Giáo Hoàng Pio XII ở thời đó.
  • Đặc biệt vào năm 1992, tại Montreal, các giám mục cho rằng đã đến lúc cần truyền chức linh mục cho phụ nữ và đã làm một thỉnh nguyện thư về vấn đề này vào năm 1999. Cũng có 3 triệu chữ ký ở Áo và Đức đồng ý về vấn đề này Các cuộc thăm dò của công giáo ở Mỹ cho thấy hai phần ba đồng ý vai trò của phụ nữ trong chức vụ linh muc.(8) Trong tương lai, những đòi hỏi này có khi phải chờ một vị tân giáo hoàng may ra vấn đề mới được giải đáp thỏa đáng. Hiện nay thì giáo hoàng Francis cũng không có ý định giải quyết vấn đề gai góc này.

Cuộc khủng hoảng trong giáo hội công giáo đã đạt tới đỉnh điểm. Tuy nhiên chưa có một tài liệu nào giúp hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của việc từ chức này. Nó vẫn còn trong vòng bí mật. Với lời tuyên bố từ chức của giáo hoàng Benedict 16. Sự từ chức cho thấy giáo hoàng không thể giải quyết được những căng thẳng, mâu thuẫn trong giáo triều.

Giáo hội cần một vị thuyền trưởng để lèo lái con thuyền giáo hội vượt qua những sóng gió đó.

Tuy nhiên, sự từ chức của giáo hoàng Benedict 16 đã gây một sự ngỡ ngàng và sự hụt hẫng nơi giáo triều Vatican và nơi giáo hội trên toàn thế giới.

Chuyện thay ngựa giữa dòng là chuyện vô cùng hiếm hoi trong lịch sử giáo hội. Nhưng theo tôi, khi cần thì phải tự biết mình phải làm gì.

(Còn tiếp)

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline biên tập và minh hoạ.

(1) 87.1% dân số tỉnh bang Quebec năm 2010 là tín hữu Ki-tô giáo (Nguồn: Roman Catholic Archdiocese of Quebec, Trang Bách Khoa Toàn thư mở, Wikipedia.org). Tài liệu thống kê quốc gia năm 2011 cho biết số giáo dân Thiên chúa gíao ở Canana vẫn là con số tín hữu tôn giáo lớn nhất tại đây, 38.7%. So với thống kê năm 2001, số giáo dân toàn quốc không tăng và không giảm, khoảng 12,8 triệu người.
(2) Hai thí dụ; một là Đại học Laval ở thành phố Quebec là trung tâm giáo dục đại học bằng tiếng Pháp đầu tiên ở Bắc Mỹ, tiền thân là chủng viện Quebec do François de Montmorency-Laval thành lập năm 1663, và trở thành Đại học vào năm 1852 do quyết định của Nữ hoàng Vitoria. Đến năm 1878, Đại học Laval phát triển một cơ sở thứ hai tại Montreal; cơ sở thứ hai này có tên là Đại học Montreal từ năm 1919 bằng một quyết định của Giáo hoàng Benedict XV. François de Montmorency-Laval là Giám mục đầu tiên của Nước Pháp mới (New France tức là Quebec ngày nay); hai là trung học và cao đẳng Collège Jean-de-Brébeuf ở Montreal do các linh mục dòng Tên (Jesuits) thành lập vào năm 1928 và đã thế tục hoá từ 1986. Jean de Brébeuf là tên của nhà truyền giáo và thánh tử đạo ở New France. (Nguồn: Bách thư toàn khoa mở, Wikipedia.org)
(3) Benjamin Shingler, StatsCan: Roman Catholics remains single largest Christian religious group in Canada, Global News, May 8, 2013
(4) Alois Hudal, Wikipedia, the free encyclopedia
(5) Xem The Reagan Diarries, Ronald Reagan, trang 151 và 163
(6)  John L. Allen Jr, Pope Benedict XVI, trang 313
(7)  John L. Allen Jr, Ibid., trang, XI
(8) 
John L.Allen Jr, Ibid., trang 181