Red Star over the Pacific: Sao Đỏ trên Thái Bình Dương

Đào Trường Phúc giới thiệu

redstars“Red Star Over the Pacific: China’s Rise and the Challenge to U.S. Maritime Strategy” (Sao Đỏ trên Thái Bình Dương: Sự trỗi dậy của Trung Cộng và thách thức đối với Chiến lược Hải dương của Hoa Kỳ).

Nguồn: U.S. Naval Institute
Nguồn: U.S. Naval Institute

Đó là tựa đề cuốn biên khảo mặc dù được xuất bản từ năm 2013 nhưng hiện nay vẫn còn đầy đủ giá trị về mặt tài liệu cũng như nhận định, và có thể được dùng làm nền tảng để phân tích các biến chuyển thời sự đang xảy ra từng ngày, từng giờ.
Tác giả cuốn sách là Toshi Yoshihara và James Holmes. Cả hai đều là giáo sư tại Học Viện Chiến Tranh Hải Quân Hoa Kỳ (The Strategy and Policy Department at the U.S. Naval War College).

Tạp chí International Journal of Military History, chuyên nghiên cứu về lịch sử quân sự các quốc gia trên toàn thế giới, đã nhận xét một cách ngắn gọn và chính xác:

“Đây là cuốn sách cần đọc để tìm hiểu xem Trung Cộng nghĩ gì về sức mạnh trên biển – hoặc để tìm hiểu xem Hoa Kỳ cho rằng Trung Cộng nghĩ gì về sức mạnh trên biển.”
(Nguyên văn: Red Star Over the Pacific is the book to read to understand what China thinks of sea power (or what the United States thinks China thinks about sea power.))

Tam cá nguyệt san Joint Force Quarterly, chuyên nghiên cứu về chiến lược quân sự, nhận xét:

“Cuốn sách này đã lấp đầy một khoảng trống đáng kể trong việc phân tích chiến lược quân sự, giữa một bên là những lý thuyết bang giao quốc tế hấp dẫn nhưng thường hay sáo rỗng, và một bên là những bản phân tích quá nhiều chi tiết về các chiến thuyền hoặc các loại vũ khí… Cuốn sách này sẽ trở thảnh một tài liệu tham khảo trong một lãnh vực nghiên cứu đang phát triển mạnh mẽ, mà bất cứ ai cũng có thể rút được nhiều điều hữu ích sau khi đọc, dù chỉ là các độc giả tình cờ, hay các sử gia Hải Quân, các sĩ quan quân đội, và có lẽ luôn cả một số độc giả người Trung Hoa.”

(Nguyên văn: Red Star Over the Pacific fills a significant gap in military and strategic analysis between grand but often empty theories of international relations and overly detailed analysis of specific ships or weapons… Casual readers, naval historians, military officers, and perhaps some Chinese readers should all benefit from this work, which is likely to become a benchmark text in a burgeoning field).

Cuốn “Red Star Over the Pacific” dày trên 300 trang, được chia thành 9 chương với tựa đề như sau:

  1. Hai “Chĩa Ba” của Mahan.
  2. Trung Cộng tiếp cận kế sách của các chiến lược gia.
  3. Nước Đức là bài học sức mạnh biển cho Trung Cộng.
  4. Chiến thuật hải dương với đặc tính Trung Hoa.
  5. Sự hỗ tương trong chiến lược trang bị hỏa tiễn và phòng chống hỏa tiễn trên biển.
  6. Trung Cộng phòng thủ bằng tàu ngầm hạt nhân.
  7. Sức mạnh mềm trên biển.
  8. Chiến lược hải dương của Hoa Kỳ tại Á Châu.
  9. Ai là người nắm giữ “Chĩa Ba”?
  • Tóm lược Chương 1 (Hai “Chĩa Ba” của Mahan): Đô Đốc Hải Quân Alfred Thayer Mahan (1840-1914), với các học thuyết nổi tiếng (thể hiện rõ nhất qua tác phẩm “The Influence of Sea Power upon History”), đã đưa Hoa Kỳ trở thành cường quốc hải dương số một thế giới. Đô đốc Mahan vạch ra các điều kiện thiết yếu để trở thành một cường quốc trên biển: (1) Phải có Hải Quân mạnh, căn cứ Hải Quân và các tuyến giao thông trên biển không bị nước khác kiểm soát; (2) Phải có đội thương thuyền mạnh, với các hải cảng, các tuyến hàng hải hỗ trợ cho hoạt động của đội thương thuyền; và (3) Phải có buôn bán với nước ngoài. Từ ba điều kiện trên, “Chĩa Ba” (trident) thứ nhất được hiểu là 3 yếu tố căn bản tạo nên uy thế của một quốc gia – thương mại, chính trị, quân sự. “Chĩa Ba” thứ hai được hiểu là việc tăng cường thương mại, mở rộng vị trí địa dư, và sức mạnh của Hải Quân.
  • Tóm lược Chương 2 (Trung Cộng tiếp cận kế sách của các chiến lược gia): Từ khi Đặng Tiểu Bình chủ trương “mở cửa”, các học giả tại Hoa Lục đã khai thác học thuyết biển của Đô Đốc Mahan và đặt ra 2 danh từ “Zhihaiquan” (âm Hán Việt: Chế Hải Quyền) và “Zhijiaotongquan” (âm Hán Việt: Chế Giao Thông Quyền). Nói một cách ngắn gọn: Lực lượng Hải Quân Trung Cộng sẽ tập trung “bảo vệ các vùng biển rộng” thay vì chỉ “phòng vệ vùng biển ven bờ”.
  •  Tóm lược Chương 3 (Nước Đức là bài học sức mạnh biển cho Trung Cộng): Khác với Hoa Kỳ có thể ung dung tiến ra Đại Tây Dương và Thái Bình Dương mà không có nước nào ngáng trở, nước Đức muốn ra Đại Tây Dương thì bị chặn bởi nước Anh (một cường quốc hải dương). Trường hợp của Trung Hoa Lục địa cũng tương tự: muốn ra được Thái Bình Dương, Trung Cộng phải xuyên qua 2 chuỗi đảo. “Chuỗi đảo thứ nhất” gồm Nam Dương, Phi Luật Tân, Đài Loan, và Nhật Bản. “Chuỗi đảo thứ hai” gồm những hòn đảo xa hơn, bao gồm quần đảo Marianas, Carolines và Guam của Mỹ. Do đó, Trung Cộng phải lấy Đức (Quốc Xã) để làm gương trong các chiến lược trên biển.
  • Tóm lược Chương 4 (Chiến thuật hải dương với đặc tính Trung Hoa): Như Mao Trạch Đông đã áp dụng các chiến thuật của Tôn Tử – “dĩ nhược chế cường”, “dĩ dật đãi lao” – Trung Cộng tiếp tục khai thác những thủ đoạn như: kéo dài cuộc chiến làm đối thủ mệt mỏi, tấn công bất ngờ khi đối thủ không đề phòng, gây chia rẽ giữa các quốc gia đồng minh hay giữa người dân và chính quyền. Một điểm nổi bật cho thấy “màu sắc Trung Hoa” là lập các căn cứ quân sự tại vùng duyên hải bên cạnh khu dân cư đông đúc, nếu đối phương tấn công vào những căn cứ này sẽ phải giết hại thường dân, tạo ra cái cớ để nhà cầm quyền Bắc Kinh có thể hô hoán là kẻ thù khát máu tàn sát người vô tội, v.v.
  • Tóm lược Chương 5 (Sự hỗ tương trong chiến lược trang bị hỏa tiễn và phòng chống hỏa tiễn trên biển): Trung Cộng phải trang bị hỏa tiễn để đối phó với hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo Aegis (ABMD – Aegis Ballistic Missile Defense System) của Hoa Kỳ. Dù không thể bắn chìm tàu chiến Mỹ, nhưng đủ để ép Hải Quân Hoa Kỳ xài hết số lượng phi đạn dự trữ trên tàu. Khi tàu Mỹ chưa kịp nhận được tiếp tế thì Hải Quân Trung Cộng sẽ tấn công.
  • Tóm lược Chương 6 (Trung Cộng phòng thủ bằng tàu ngầm hạt nhân): Trung Cộng bắt đầu xây dựng tàu ngầm có trang bị hỏa tiễn đạn đạo hạt nhân (nuclear-powered ballistic missile submarines – SSBN) từ những năm 1950 dựa theo mẫu tàu ngầm của Liên Xô. Hiện nay, Trung Cộng đang gia tăng việc hiện đại hóa các tàu ngầm và thiết lập căn cứ tại đảo Hải Nam với loại tàu ngầm được đặt tên là “hình hạt tiềm đĩnh 094” (Jin-class ballistic submarine). Nhưng trở ngại lớn nhất của các tàu ngầm này là sẽ bị lực lượng Hải Quân của Mỹ và đồng minh phát hiện dễ dàng khi chúng tiến vào Thái Bình Dương vì không thoát ra khỏi “chuỗi đảo thứ nhất”.
  • Tóm lược Chương 7 (Sức mạnh mềm trên biển): Trung Cộng vận dụng lịch sử để biện hộ qua việc Đô Đốc Trịnh Hòa – một thái giám thời nhà Minh, đã thực hiện 7 chuyến hải hành tới 30 nước Đông Nam Á, Trung Đông và Phi Châu. Viện lý do rằng, khác với các chuyến hải hành của người phương Tây đã dẫn đến chiến tranh và chế độ thực dân, thì Trịnh Hòa chỉ đem lại văn minh và ổn định; do đó, sự trỗi dậy trên biển của Trung Hoa ngày nay cũng chỉ nhằm nhắm tới việc thiết lập một “thế giới hài hòa”. Tuy nhiên, luận điệu này không thuyết phục được các nước khác, đặc biệt là Ấn Độ – vẫn cho rằng Trung Cộng đang tìm cách dựng lại vương quyền của một nước bá chủ thống trị các chư hầu.
  • Tóm lược Chương 8 (Chiến lược hải dương của Hoa Kỳ tại Á Châu): vì lực lượng Hải Quân của Trung Cộng vẫn chưa đạt đến mức độ đe dọa, do đó theo tác giả, Hoa Kỳ nên thận trọng không để tạo ra những căng thẳng trên biển, tạo cớ cho Bắc Kinh leo thang vũ trang. [Tác giả đã đề ra chính sách “Roi Nhỏ” (Small-Stick Diplomacy) để chọc thủng ý đồ của Bắc Kinh với 5 biện pháp: (1) Xử dụng tàu chiến không quá lớn để tránh bị coi là khiêu khích nhưng là tàu rất hiện đại và linh hoạt; (2) Xử dụng lực lượng phòng vệ biển (Coast Guard) thay vì Hải Quân hay Thủy Quân Lục Chiến; (3) Xử dụng truyền thông để đưa loan tin khắp thế giới; (4) Đối phó nhanh chóng với các luận điệu tuyên truyền của Trung Cộng; (5) Phô diễn cái “roi to” đằng sau “roi nhỏ”].
  • Tóm lược Chương 9 (Ai là người nắm giữ “Chĩa Ba”?): Hải Quân Trung Cộng chưa thể ngang bằng với Hải Quân Hoa Kỳ về mọi mặt, nhất là chưa từng thực sự tham gia chiến tranh. Tuy nhiên, với nhu cầu bức thiết phải “vươn ra biển lớn” nếu muốn thực sự trở thành một cường quốc, Trung Cộng sẽ kiên quyết tăng cường sức mạnh trên biển. Hoa Kỳ sẽ không thể giữ được vị trí hiện nay nếu như không thể hoạt động tự do trên vùng biển Thái Bình Dương.

Tác phẩm đã xuất bản của hai tác giả Toshi Yoshihara & James R. Holmes:

Đồng tác giả cuốn Red Star over the Pacific. Nguồn:  U.S. Naval War College
Tác giả Toshi Yoshihara (P) & James R. Holmes (T) cuốn Red Star over The Pacific. Nguồn: U.S. Naval War College

1. “Chinese Naval Strategy in the Twenty-first Century: The Turn to Mahan” (2008);
2. “Asia Looks Seaward: Power and Maritime Strategy” (2008);
3. “Indian Naval Strategy in the Twenty-first Century” (2009);
4. “Strategy in the Second Nuclear Age: Power, Ambition, and the Ultimate Weapon” (2012).
5. “Red Star over The Pacific” (2013), 304 trang. Nhà xuất bản: Naval Institute Press. Giá bán: 16.62 USD.


Bài giới thiệu trên đây đã đăng tập san Tin Sách số 14 (tháng 7 & 8 năm 2015). www.vnlac.org.
Bài do tác giả nhờ gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.
Xem thêm thuyết trình của Gs Toshi Yoshihara về  “Red Star over The Pacific”

1 Comment on “Red Star over the Pacific: Sao Đỏ trên Thái Bình Dương

  1. Cuốn sách này cho thấy những nét lớn về kinh tế và quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc.

    Điều kiện phải bảo đảm được sự giao thông trên biển trong Chĩa Ba của Mỹ cho thấy Trung Quốc đã đụng chạm đến quyền lợi sinh tử của Mỹ khi họ xây căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo tại Biển Đông để khống chế giao thông đường biển và đường hàng không tại vùng này.

    Trước đây, ông Bùi Viện cũng dâng sớ lên vua nói rằng Việt Nam muốn phát triển thương nghiệp thì phải bảo đảm an toàn cho việc giao thông trên biển từ Bắc cho đến Nam. Cụ thể là ông Bùi Viện xây dựng lực lượng thủy quân để đánh đuổi cướp biển, bảo đảm cho các tàu buôn của Việt Nam di chuyển an toàn dọc bờ biển Việt Nam. Sau khi ông Bùi Việt qua đời thì chủ trương bảo vệ đường giao thông trên biển bị bỏ rơi.