Ai sẽ lãnh đạo Việt Nam?

Alexander L. Vuving | Trà Mi

vietnam-politics-congressHy vọng tốt nhất cho những người muốn thấy Việt Nam trở thành một con hổ khác ở châu Á có thể không nằm trong lựa chọn sẽ được thực hiện [tại Đại hội XII], mà lại nằm trong hậu quả không lường trước được của cuộc đụng độ chính trị mà nó gây ra

Việt Nam trước một sự lựa chọn đặc biệt khó khăn

Một công nhân đang chuẩn bị quảng cáo cho Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam (VCP) tại Hà Nội, Việt Nam. Nguồn: EPA.
Một công nhân đang chuẩn bị quảng cáo cho Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam (VCP) tại Hà Nội, Việt Nam. Nguồn: EPA.

Từ 20 đến 28 tháng Giêng 2016, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ triệu tập Đại hội Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12. Đại hội đảng Cộng sản ở Việt Nam trong một cách nào đó gần giống như cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ: Nó quyết định ai sẽ là những người lãnh đạo Việt Nam.

Nhưng có một số khác biệt rất lớn giữa hai hệ thống chính trị của Việt Nam và Mỹ. Tại Hoa Kỳ, tổng thống được thành viên của cử tri đoàn – những người đã được hàng triệu cử tri bầu ra – bầu chọn. Ở Việt Nam, thì các đại biểu tại Đại hội đảng sẽ người bầu chọn Ban Chấp hành Trung ương, sau đó Ban Chấp hành Trung ương mới bầu Tổng Bí thư đảng (người lãnh đạo tối cao) và các thành viên Bộ Chính trị (lãnh đạo tập thể của nước CHXHCN Việt Nam). Nhưng ngay cả các đại biểu ở Đại hội đảng cũng bị hạn chế trong sự lựa chọn. Thông thường Ban Chấp hành Trung ương sắp mãn nhiệm sẽ chọn người đứng đầu Đảng cùng với các thành viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội kế tiếp, và các thành viên Chính phủ mới. Ban Chấp hành Trung ương sắp mãn nhiệm cũng lập một danh sách các ứng cử viên để Đại hội có thể bầu vào Ban Chấp hành Trung ương kế tiếp.

Tại Hoa Kỳ, người ta chỉ biết ai sẽ là thành viên trong chính phủ sau khi biết ai là tổng thống. Ở Việt Nam, thứ tự lại đảo ngược. Câu hỏi quan trọng nhất sẽ được trả lời cuối cùng, và câu hỏi ít quan trọng nhất sẽ được trả lời trước tiên. Vì vậy, người ta chỉ có thể biết người sẽ lãnh đạo đảng CSVN kế tiếp trong những giây phút cuối cùng trước Đại hội Đảng, nhưng lại có thể biết tên của các thành viên nội các mới sớm hơn nhiều.

(T): Đinh Thế Huynh; (P) Trần Đại Quang. Nguồn OntheNet/DCVOnline
(T): Đinh Thế Huynh; (P) Trần Đại Quang. Nguồn OntheNet/DCVOnline

Mặc dù chính phủ kế tiếp sẽ được Quốc hội mới chính thức lựa chọn – quốc hội mới sẽ chỉ được bầu vào tháng 5, 2016 – nhưng hầu hết các Bộ đã biết khá rõ về những bộ trưởng tương lai của họ. Theo các nguồn tin ngoại giao tại Hà Nội thì Bộ Quốc phòng sẽ là đương kim Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Bộ Công an cũng sẽ thay đổi bộ trưởng, với Thượng tướng Tô Lâm, một trong các thứ trưởng hiện nay, sẽ là bộ trưởng mới. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tiếp tục ở lại trách nhiệm hiện tại. Đến Hội nghị Trung ương 13 vào cuối tháng 12 năm 2015, kịch bản có nhiều khả năng nhất cũng đã tiên đoán Bộ trưởng Bộ Công an hiện tại Trần Đại Quang sẽ trở thành Bí thư Thành ủy của Thành phố Hồ Chí Minh và đương kim Trưởng ban Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đinh Thế Huynh sẽ là Bí thư Thành ủy của Hà Nội.

Bốn vị trí chóp bu – Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước, và Chủ tịch Quốc hội đã được quyết định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14 của ĐCSVN, diễn ra vào đầu tuần này (11–13/1/2016) với một danh sách ứng ứng viên hạn chế vào những vị trí cao nhất, tuy nhiên, bởi vì họ phải là thành viên của Bộ Chính trị hiện nay và hầu hết các thành viên Bộ Chính trị hiện nay sẽ nghỉ hưu sau Đại hội lần thứ 12. Theo một quy luật đó đã được áp dụng trong nhiều năm qua, giới hạn tuổi cho một thành viên Bộ Chính trị để có thể ở lại thêm một nhiệm kỳ là 65 … Mười trong số 16 thành viên Bộ Chính trị hiện nay sẽ quá 65 tuổi tại thời điểm Đại hội lần thứ 12. Hội nghị Trung ương 14 đã quyết định về các trường hợp ngoại lệ cho quy tắc cơ bản này (Ứng cử viên đặc biệt). Câu hỏi căn bản là, ai trong bốn người lãnh đạo cao nhất hiện nay – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng – sẽ ở lại.

Các kịch bản mạnh nhất nổi lên tại Hội nghị lần thứ 13 là TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ là ngoại lệ duy nhất, và ông sẽ ở lại thêm hai năm nữa trong vai trò hiện tại, sau đó chức Tổng Bí thư sẽ được trao lại cho một trong hai người là Trần Đại Quang hay Đinh Thế Huynh. Chủ tịch Nước mới sẽ là được kim Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Nguyễn Thiện Nhân hoặc đương kim Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ngân và Phó Thủ tướng thường trực hiện nay, Nguyễn Xuân Phúc, sẽ là ứng cử viên vào vị trí Thủ tướng. Và một trong ba người đó không được chọn là Thủ tướng và Chủ tịch nước sẽ là chủ tịch Quốc hội mới. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương, theo tin được biết, đã bầu cho Trọng ở lại giữ chức Tổng Bí thư, Trần Đại Quang trở thành Chủ tịch nước, Nguyễn Xuân Phúc trở thành thủ tướng tiếp theo, và Ngân là Chủ tịch Quốc hội mới. (Trong một phát triển quan trọng, Hội nghị Trung ương lần thứ 14 cũng đã thông qua Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, và như vậy chắc chắn rằng Việt Nam sẽ ký và phê chuẩn hiệp ước này.)

Nguyễn Xuân Phúc (T); Nguyễn Thị Kim Ngân (G); Nguyễn Thiện Nhân (P). Nguồn: OntheNet/DCVOline
Nguyễn Xuân Phúc (T); Nguyễn Thị Kim Ngân (G); Nguyễn Thiện Nhân (P). Nguồn: OntheNet/DCVOline

Cuộc đấu đá gay go

Các vị trí lãnh đạo do Hội nghị Trung ương 14 đề nghị sẽ vẫn chỉ là – một đề nghị – cho đến khi Đại hội Đảng lần thứ 12 đi tới quyết định cuối cùng. Cho đến lúc đó, câu hỏi khó nhất, “ai sẽ là Tổng Bí thư kế tiếp,” vẫn không thể được xem như là đã giải quyết xong. Câu hỏi này đã là một trong những khó khăn nhất cho mỗi Đại hội đảng CSVN trong nhiều chục năm vừa qua. Nhưng dấu ấn của Đại hội lần thứ 12 của đảng CSVN vào tuần tới là cuộc chạy đua giành vị cao nhất đảng là cuộc tranh đua gay go hơn bao giờ hết. Các ứng viên hàng đầu tranh ghế TBT là Trọng, Tổng Bí thư đương nhiệm, và Thủ tướng Dũng. Dũng vô cùng quyết tâm để trở thành Tổng Bí thư kế tiếp, và Trọng cũng không kém phần quyết tâm để ngăn cản không cho Dũng ngồi vào vị trí đó. Hơn nữa, hai người là đối cực. Cốt lõi, Trọng là một giáo đồ của đảng, trong khi Dũng là một người tư bản; một trung thành với nguyên tắc, người kia vì quyền lợi của mình. Tương phản cá tính này là một trong những lý do khiến cho cuộc đụng độ của họ lên đến mức độ nghiêm trọng.

Những đặc điểm này không có nghĩa, như nhiều nhà quan sát bên ngoài thường giả định, rằng Trọng theo Trung Quốc và chống phương Tây trong khi Dũng thì thân Mỹ và chống Trung Quốc. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Trong thực tế, không phải Trọng, và cũng không phải Dũng có thể được mô tả là mềm dẻo hoặc cứng rắn đối với Trung Quốc, cả hai kết hợp mềm dẻo và cứng rắn theo cách riêng của họ.

Một trong những tuyên bố được nhớ nhất của ông Dũng là lời nhận định “anh hùng” về mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc,

“Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.”

Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan HYSY 981 vào năm 2014, Dũng chủ trương đưa hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa quốc tế. Gần đây nhất thì Dũng là lãnh đạo Việt Nam duy nhất đã ôm chặt Tập Cận Bình khi Chủ tịch TQ viếng thăm Hà Nội hồi tháng Mười Môt, 2015. Có lẽ để thưởng công cho hành động này và những ứng xử của Dũng trong lần gặp gỡ đó, họ Tập sau đó đã chỉ có lời mời Dũng sang thăm TQ mà không mời hai đối thủ của ông là Trọng và Sang. Một người quan sát kỳ cựu về quan hệ Trung–Việt đã nhận xét rằng đây là hành động Trung Quốc báo hiệu sự chấp thuận cho Dũng làm lãnh đạo kế tiếp của Việt Nam. Một số nhà phân tích cũng lưu ý rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HYSY–981 đến gần EEZ của Việt Nam và cho máy bay thử bay bằng phi đạo mới xây dựng trong quần đảo Trường Sa, ngay trong khoảng thời gian giữa các hai Hội nghị Trung ương 13 và 14, có thể giúp củng cố vị trí của ông Dũng trong cuộc chạy đua tranh ghế Tổng Bí thư đảng CSVN.

Ngược lại, ý kiến công khai của Trọng về quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc lại cùn đục một cách đáng chú ý. Trả lời cho mối quan tâm của người dân Việt Nam về việc Trung Quốc xâm lấn ở Biển Đông, Trọng cho biết,

“Chúng ta đã duy trì nền độc lập và chủ quyền, nhưng chúng ta cũng phải kiên quyết bảo vệ chế độ, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, duy trì một môi trường hòa bình và ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, và duy trì quan hệ thân thiện với các nước khác, kể cả Trung Quốc.”

Tuy nhiên, phía sau hậu trường, Trọng đã thực hiện một số quyết định mà chỉ có thể được xem là cứng rắn với Trung Quốc và mềm dẻo với Hoa Kỳ. Năm 2011, Trọng đã mạnh dạn bảo vệ việc bổ nhiệm Phạm Bình Minh là Bộ trưởng Ngoại giao mới, mặc sự phản đối của Trung Quốc. (Minh là con trai của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người đã phải hưu trí tại Đại hôi đảng lần thứ 7 năm 1991 và đó là một trong những điều kiện để Trung Quốc tái lập bang giao giữa hai nước.) Trong năm 2012, Trọng đã công khai ủng hộ Đạo luật Luật Biển của Việt Nam, đã bị trì hoãn, không được thông qua trong nhiều năm vì sự phản đối của Trung Quốc. Gần đây hơn, vào năm 2015 , Trọng đã nhượng bộ lớn cho đòi hỏi kiên định của Mỹ cho phép các công đoàn lao động độc lập hoạt động, mở đường cho Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.

Đảng vs. Chính phủ?

Nhiều người trong giới quan sát nước ngoài xem các cuộc đấu đá chính trị ở Việt Nam là sự ganh đua giữa đảng và chính phủ, với Trọng chỉ huy phe của Đảng và Dũng đứng đầu nhóm chính phủ. Một lần nữa, thực tế là không thực sự đơn giản như vậy. Trong khuôn khổ của một nhà nước-độc đảng, lằn ranh giữa các cấu trúc đảng và chính phủ rất dễ thay đổi. Điều này còn đúng hơn nữa với việc luân chuyển cán bộ, một tập quán sao chép từ đảng cộng sản Trung Quốc, trong đó các quan chức cao cấp phải thăng chức qua các vị trí khác nhau trong bộ máy của chính phủ và của Đảng ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Trọng và Dũng, với vị trí của ở đỉnh của hai cấu trúc, có thể huy động bộ máy của họ đến một mức độ nhất định, nhưng sức mạnh thực sự của họ dựa trên các mạng lưới vượt lằn ranh đảng chính phủ. Ví dụ, trong năm Phó Thủ tướng, chỉ có một – Hoàng Trung Hải – là đồng minh của ông Dũng; không ai trong số bốn người khác – Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam, và Phạm Bình Minh – thuộc nhóm của Dũng. Đồng thời, nhiều người trong số những ông trùm đảng ở các tỉnh và bộ máy ở trung ương đảng là đồng minh của Dũng, trong khi Trọng cũng có các đồng minh của trong bộ máy quan liêu của Chính phủ trung ương và ở cấp tỉnh.

Và cả khung ý thức hệ bảo thủ và cải cách cũng không có vẻ phù hợp với cuộc đọ sức giữa Trọng và Dũng. Dũng có là một người chủ trương đổi mới hay không vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Những người ủng hộ tin rằng ông Dũng cổ súy cải cách thể chế thị trường nhiều hơn là đổi mới cơ cấu nhà nước. Diễn văn Tết 2014 của Dũng nghe như một bản tuyên ngôn cải cách. Tác giả bài Dũng đọc là cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, một người đổi mới có uy tín, chủ trương cải cách thể chế và dân chủ hóa là hai động cơ chính để phát triển, và thúc giục đảng “giữ vững ngọn cờ dân chủ.” Các nguyên lý chính của bài diễn văn, chẳng hạn như “cốt lõi của đổi mới là dân chủ hóa,” không có gì khác hơn so với những điều đã được Nguyễn Trung, một người đổi mới có uy tín khác, cổ súy từ nhiều năm trước. (Trung là tác giả của bản ghi nhớ năm 1995 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã vạch ra một nền tảng cải cách, và cũng vì nó mà Kiệt đã bị phe bảo thủ tấn công.) Tuy nhiên, giới phê bình đã lập luận rằng có một khoảng cách lớn giữa lời nói và việc làm của ông Dũng. Họ tin rằng ông Dũng sẵn sàng hy sinh lợi ích quốc gia cho lợi ích cá nhân, lợi ích của gia đình và bạn bè của ông. Tên của Dũng đã được mặc định liên kết với các tập đoàn lớn của nhà nước Vinashin và Vinalines, đã gây thiệt hại hàng tỷ đô la.

Trọng, trong khi đó, tốt nhất là một người ôn hòa có khuynh hướng bảo thủ, và tệ nhất là một người bảo thủ mất tầm nhìn thực tế. Trọng khăng khăng bảo vệ chế độ, muốn vai trò hàng đầu trong nền kinh tế thuộc về nhà nước, và những ý kiến bảo thủ khác đã cản trở việc cải cách. Tuy nhiên, Trọng cũng đã phát huy được nhiều đổi mới. Những quan điểm của Vương Đình Huệ, một cựu Bộ trưởng Tài chính đã được Trọng đưa vào bộ máy đảng, đứng đầu Ủy ban Kinh tế Trung ương của Đảng, không phải là quá xa so với những quan điểm của Trương Đình Tuyển. Một người được nổi bật được Trọng bảo kê là Nguyễn Bá Thanh, Bí thư tỉnh ủy Đà Nẵng đã được đưa vào để dẫn đầu ủy ban chống tham nhũng trung ương của Đảng. Thanh là, như một người đầu tư phương Tây đã nhận xét, “một ngườigần nhất mà Việt Nam có so một Lý Quang Diệu.” Sự kháng cự khốc liệt đối đầu với việc Dũng muống tranh quyền lực của Trọng cũng đã thu hút nhiều nhân vật cải cách coi sự lãnh đạo của Trọng là một thay thế khả thi hơn cho một tương lai đầy những bọn tư bản bè phái, tham nhũng, cửa quyền hơn nữa.

Gay go, kết quả khôn lường? Nguyễn Phú Trọng (T); Nguyễn Tấn Dũng (P)
Gay go, kết quả khôn lường? Nguyễn Phú Trọng (T); Nguyễn Tấn Dũng (P)

Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh 26 năm trước đây. Nhưng nhóm tinh hoa cầm quyền của nước này đang phải đương đầu với một sự lựa chọn không dễ dàng. Dù thế, cuối cùng, hy vọng tốt nhất cho những người muốn thấy Việt Nam trở thành một con hổ khác ở châu Á có thể không nằm trong lựa chọn sẽ được thực hiện [tại Đại hội XII], mà lại nằm trong hậu quả không lường trước được của cuộc đụng độ chính trị mà nó gây ra.

Alexander L. Vuving là một giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á–Thái Bình Dương Daniel K. Inouye. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng ông và không phải là quan điểm của tổ chức ông đang làm việc.

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Alexander L. Vuving, Who Will Lead Vietnam? The Diplomat, January 16, 2016