Những tồn tích của cộng sản trong Giáo hội Thiên Chúa giáo (p1)

Nguyễn Tiến Cảnh

churchTinh thần biểu dương sức mạnh niềm tin qua những vụ thắp nên cầu nguyện cho công lý ở Thái Hà, Tòa Khâm sứ, Đồng Chiêm, Tam Tòa, Mỹ Yên v.v. chính là những hoa trái đang làm cho Giáo hội sống lại, cho một ngày mai tươi sáng huy hoàng hơn, đã làm mọi người thán phục.

Vatican hiện rất quan tâm đến tình trạng của các nước hậu cộng sản và đang tìm cách xây dựng lại một Giáo hội đích thực của mình. Những tồn tích của chế độ cộng sản còn đọng lại với những ảnh hưởng trầm trọng của nó về mọi mặt cả vật chất lẫn tinh thần, từ Văn hóa, giáo dục, tôn giáo, xã hội đến kinh tế, chính trị…đang là những ưu tư không nhỏ của những vị lãnh đạo Giáo hội tại những nước hậu cộng sản. Ở đây xin chỉ bàn vấn đề tinh thần một cách tổng quát dựa vào những nhận xét của các giám mục Đông và Trung Âu đã trình bày tại hội nghị ở thủ đô Zagreb của Croatia ngày Thứ Ba, 10 tháng Hai, 2009, rồi từ đó rút ra một vài nhận xét và bài học cho Giáo hội Việt Nam [1].

Hôi nghị Zagreb về những di sản của cộng sản

Hồng Y Josip_Bozanic. Nguồn: www.delcampe.net
Hồng Y Josip Bozanic. Nguồn: www.delcampe.net

“Communism left deep wounds in the lives of individuals and the society as a whole. Help is sought and God and the Church are needed for the healing of these wounds.”
[“Statement from the Meeting of Cardinals and Presidents of Bishops’ Conferences of Central and Eastern Europe”, ika Zagreb, 11/02/2009]

“Chủ nghĩa cộng sản để lại những vết thương sâu trong đời sống của mọi người và cả xã hội. Người ta đi tìm sự cứu giúp và cần có Thiên Chúa và Giáo hội để chữa lành những vết thương đó.”

Đó là thông điệp của các giám mục của 13 quốc gia Đông và Trung Âu đã đưa ra tại cuộc hội thảo chuyên đề ngày 10/2/2009 tại Zagreb, thủ đô Croatia: “Sứ mạng của Giáo hội ở những nước Trung và Đông Âu 20 năm sau khi chế độ cộng sản sụp đổ: 1989-2009. Đây là hội nghị chuyên đề thứ ba tiếp theo hai hội nghị trước ở Budapest năm 2004 và ở Prague năm 2007 về cùng một chủ đề như vậy kể từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989. Hồng y TGM Zagreb Josip Bozanic, phó CT HĐGM Âu Châu là chủ tịch hội nghị đã mời 13 giám mục đại diện HĐGM Âu Châu tham dự để đóng góp ý kiến.

Ngày khai mạc Hội Nghị cũng là ngày kỷ niệm Hồng Y (HY) Alojzije Stepinac được phong Á Thánh. Các đề tài thảo luận cũng đặc biệt chú trọng vào những tàn tích tinh thần do cộng sản để lại và những di sản của các vị tử vì đạo dưới trào cộng sản. Trong bài kết thúc hội nghị, HY Josip Bozanic đã ví “niềm tin của Đức HY Stepinac và của các vị tử vì đạo khác như là kết quả của những khổ đau, nhục nhằn, nhưng can trường và cương quyết không lùi bước trước những cực hình, áp đặt và dụ dỗ đầy mưu mô thâm độc.” HY Bozanic bình luận:

“The Iron Curtain is the image of division, fracture, separation and egotism. It was placed by man who wanted to impede access to man, but its objective was much deeper, that of impeding man’s gaze from being directed toward God and from knowing his love.

God cast the seed, the gift of life, and allowed it to die. And precisely when it seems that the land has impeded life, it generates fruit.”

(“Bishops Seek True History Behind Iron Curtain” | Eastern European Prelates Discuss Communist Remnants, FEBRUARY 11, 2009 ZENIT STAFF)

“Bức màn sắt là hình ảnh của chia rẽ, đổ vỡ, ngăn cách và tính ích kỷ. Nó đã được những người muốn giới hạn sự giao tiếp của con người dựng lên, nhưng mục tiêu của nó còn sâu hơn nhiều, đó là để cản ánh mắt của con người khỏi hướng về Thiên Chúa và không biết tình yêu của Thiên Chúa.

Thiên Chúa gieo hạt, món quà của cuộc sống, và cho phép nó chết. Và ngay khi dường như đất đã chôn vùi cuộc sống, thì nó lại tạo ra quả.”

…Cho đến bây giờ

Hồng Y Bozanic báo động, “Although we have the impression that the system stopped functioning in its previous form, it has transformed, presenting itself as poisoned earth where fruit should have sprung up.”

“Mặc dù chúng ta tưởng rằng hệ thống đó đã ngừng hoạt động dưới những hình trạng trước đây, nó đã biến đổi, khoe mình như là mảnh đất độc nơi quả sẽ mọc lên.”

Thực vậy, một trong những vấn đề mà đa số các giám mục quan tâm đến là cho dù chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, nhưng

“its structure has remained in legislation and in judicial power, in the economy, in education and in culture,” and especially “in the veil of silence that has been hung over the events of the recent past.”

“cấu trúc của nó vẫn còn ở hai nhánh lập pháp lẫn tư pháp, ở mặt kinh tế, giáo dục lẫn Văn hóa” và đặc biệt “trong bức màn im lặng đã che dấu các sự kiện trong quá khứ gần đây.”

Đức hồng y đặt câu hỏi và lưu ý mọi người, nhất là những vị có trách nhiệm trong Giáo hội để tìm hiểu lý do hầu có phương cách sửa chữa.

“Vậy thì làm sao có thể cắt nghĩa được là đã 20 năm sau khi chế độ cộng sản sụp đổ mà sự thật vẫn chư mọc rễ?”chẳng hạn như ở Croatia người ta vẫn né tránh không dám nói đến HY Stepinac? [2]

Hồng Y Bozanic tiếp tục,

“Con cái của dối trá đã thu nhặt những mảnh vụn của “Bức Màn”, dúng chúng để che đậy và phủ lớp sương mù trên sự thật về nhiều cá nhân lẫn một số cơ quan tổ chức. Dùng những mảnh còn sót của “Bức màn” đó, một số người đã gieo mầm mống chia rẽ và nghi ngờ.”

Ông nói tiếp, sự thật là “bức màn sắt đó đã rơi xuống, hệ thống [cộng sản] đã tan vỡ, nhưng những mảnh nhỏ rất bền bỉ, và hiện hình bằng cách cổ xúy cùng loại dối trá, không những bằng chính trị và những liên hệ với quá khứ, mà còn bằng cả giáo dục, khoa học và giảng huấn.”

Ông cũng báo động về “Ồn ào mâu thuẫn về sự thật nhân chủng học về con người”, nhất là vấn đề đời sống và gia đình.

Hồng Y Bozanic nhấn mạnh,

“Chúng ta sẽ không bao giờ đồng ý hay cho phép một sự thỏa hiệp chính trị trong những vấn đề này, bởi vì nó không phải là một vấn đề thỏa thuận của loài người, mà là sự thật cốt lõi mà chúng ta là nguồn cội.”

Một vấn đề khác nữa mà Hồng Y Bozanic nhắc tới là vấn đề hiệp thông giữa các Giáo hội, một sự hiệp thông mà “những ý thức hệ cố gắng phá vỡ” trong lòng những tín hữu ở phương Đông và những tín hữu phương Tây. Ông kêu gọi những người hiện diện “đừng quên sự yểm trợ mạnh mẽ của các Giáo hội đã sống tự do, và sự đoàn kết của các Giáo hội đó đã nâng cao giá trị của các Giáo hội tử vì đạo.”

Trong một lúc khác ở phiên họp Hồng y Bozanic đã lưu ý mọi người: Đây là lúc “truyền bá Phúc âm mới và can đảm để tìm lại cội nguồn Kitô giáo [của chúng ta],” là lúc để “ứng phó với những thách đố do một quan niệm giản hoá luận của con người đặt ra”, đặc biệt là của một “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối.”

Các giám mục cũng  đã xét đến những thách thức của sự toàn cầu hóa, đạo đức sinh học, khoa thần kinh học, vấn đề di cư và xây dựng một trật tự thế giới mới, cũng như việc bảo vệ tự do lương tâm và những hệ tư tưởng mới, đặc biệt là vấn đề liên quan đến cuộc sống và gia đình.

Khôi phục lại quá khứ

Trong một nhận định so ban bí thư của Hồng Y phổ biến có đoạn, “Chủ nghĩa Cộng sản đã ra đi để lại di sản là những vết thương sâu trong đời sống của con người và xã hội, từ đó phát sinh lời kêu gọi để được cứu giúp và sự cần có Thiên Chúa và Giáo hội để chữa lành cho nhân loại.”

Trong lúc thảo luận tham dự viên đặc biệt nêu lên việc cần phải có Giáo hội giúp đỡ xây dựng lại “Ký ức Lịch sử” về những năm tháng dưới chế độ cộng sản, chống lại “khuynh hướng bưng bít những thật đã xẩy ra,” nhất là về những vị tử vì đạo.

Đặc biệt hội nghị cũng nêu lên nhu cầu giúp cho giới trẻ “biết được lịch sử đích thực”“luôn luôn ghi nhớ những vị đã chấp nhận tử vì đạo vì niềm tin.”

Để thực hiện điều này các Giám mục đã quyết địnhcổ xúy nhưng đại hội về lịch sử để thảo luận về đời sống của Giáo hội và những việc làm của giáo dân trong thời cộng sản.

Một vài nhận xét góp ý

Qua nội dung của Hội nghị, người ta thấy những nhận xét của Hồng y Bozanic cũng không khác những gì đang xẩy ra ở Việt Nam hiện nay. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì cộng sản thì ở đâu cũng vậy, nghĩa là độc tài, dối trá, hận thù, chia rẽ và vị kỷ. Và, với cộng sản thì tôn giáo là thuốc phiện mê hoặc con người, cần phải tiêu diệt.

Cộng sản dạy con người gian dối, gian dối với chính mình và với người. Đối với cộng sản, không ai có quyền nghĩ và hành động khác với họ. Nghĩ khác, làm khác là phải bị tiêu diệt. Do đó muốn sống thì phải nói dối, làm gian đúng theo lời bác, đảng và nhà nước dù có trái với ý nghĩ và lương tâm mình.

Cộng sản không nhân nhượng với kẻ thù. Họ quan niệm “giết lầm hơn tha lầm”. Trong cuôc đấu tố cải cách ruộng đất ở miền Bắc sau 1954 có câu:“Đào tận gốc Tróc tận rễ”, nghĩa là không để sót một tên cường hào ác bá ác ôn nào. Ở miến Nam Việt Nam sau 30/4/75, những người lính VNCH đã chết, có muốn mồ yên mả đẹp cũng không được, đã bị đào xới vất bỏ không thương tiếc. Một cái bia kỷ niệm những người vượt biển chết trên đường tìm tự do ở những nơi xa xôi mãi tận Nam Dương cũng không được phép tồn tại…. [3]

Từ dối trá, hận thù đi đến vị kỷ quả không xa. Con người sống trong xã hội cộng sản chỉ biết có mình, chỉ lo cho mình để sống còn, vì người cộng sản buộc mọi người phải kiểm thảo, tố cáo nhau. Tình người không còn, luân thường đạo lý cũng mất.

Một ông bạn về Việt Nam thăm gia đình, ông đã cố gắng hòa đồng để không ai nhận ra mình là “việt kiều”, nhưng vẫn bị lộ ngay ở Saigon. Tại sao?

– Bà bán cho tôi ly café.
Bà chủ quán đem ly café ra cho ông bạn.
– Cám ơn bà chủ.
– Ông là việt kiều phải không? Bà chủ hỏi.
– Sao mà bà biết?
– Bởi vì ông nói “cám ơn”. Ở đây có ai cám ơn ai bao giờ đâu!

Trong xã hội cộng sản, chửi tục / chửi thề là chuyện thường bởi vì cha mẹ đâu có quyền gì trong gia đình; có quyền là đảng; ngay cả học đường bậc tiểu học tuyệt đối không có môn học Công dân Giáo dục. Quí bạn thử nghe một em học sinh lớp nhất tiểu học ở miền Bắc định nghĩa 2 chữ dũng cảm.

– Dũng cảm là gì, em Tuấn? Cô giáo hỏi
– Nghĩa là…. là…đéo sợ. [4]

Đấy, luân lý đạo đức của con người dưới chế độ này là như thế. Rồi đây các thế hệ trẻ miền Nam cũng sẽ vậy thôi .

Phải chăng con người sinh ra nơi đất cằn sỏi đá, đã hít thở không khí bị ô nhiễm thì tất nhiên phải bị ngộ độc.

Một câu chuyện khác do chính người viết chứng kiến khi còn trong trại tù cộng sản. Một hôm mấy anh em tù ngồi nói chuyện với anh quản giáo. Anh khoe:

– Tôi sắp đi phép về Bắc một tháng. Đã gần 30 năm xa nhà đi Nam chưa bao giờ được đi phép, nay hòa bình rồi mới được đi đấy.

Tụi tôi lên tiếng,

– Chà! lâu ngày như vậy gặp lại chị chắc anh vui lắm phải không?

– Ấy chết! đâu có được. Mấy ngày đầu, tôi còn phải nghe ngóng xem vợ tôi nó thế nào chứ đâu có bỗng chốc tự nhiên nhảy vào giường với nó ngay được!

Một ông bạn về Việt Nam chơi, vì sợ thất lạc chiếu khán và sổ thông hành (Visa / Passport) gửi bà chị và ông anh rể giữ hộ. Sau hơn một tuần đi chơi khắp Trung Nam Bắc, trước khi trở lại Hoa Kỳ, anh xin bà chị cho lại cái Visa, nhưng ông anh bà chị nhất định đòi chuộc lại với giá 5000 đô. May mà anh ta còn đủ tiền nên cắn răng nộp tiền chuộc lại tờ thông hành!

Biết bao nhiêu điều chướng tai gai mắt thường xuyên xẩy ra hàng ngày từ gia đình đến xã hội, học đường, cho chí cả tôn giáo, tất cả đều đổ vỡ. Riết rồi lâu ngày cái bất thường trở thành bình thường, chẳng ai thắc mắc.

Một chính quyền tham nhũng, chỉ lo đàn áp bóc lột dân và những người có tư tưởng khác với họ. Giáo dục học đường mất căn bản, bằng cấp giả. Trong giảng huấn, thì lịch sử bị bóp méo, dối trá và sai lạc, không dám nhìn nhận sự thật, quên đi sự thật, nói một đàng làm một nẻo. Như vậy thì xã hôi làm sao không tha hóa được. Xì ke ma túy, cướp giật nhan nhản hàng ngày trên hè phố, đạo đức suy đồi, ăn gian nói dối lửa đảo nhau. Riết rồi chẳng ai tin ai, ngay cả trong gia đình cha mẹ vợ chồng con cái với nhau. Ngoài đường, thấy người bị nạn kêu cứu thì dửng dưng. Vô cảm ở Việt Nam đã thành hiện tượng tự nhiên, ngay cả trong Giáo hội nơi các viên chức cao cấp!

Nạn bạo hành ở học đường là một nạn dịch lớn trong cái xã hội suy đồi của XHCN Việt Nam hiện nay. Ngay trong lớp học một học sinh đánh một học sinh khác một cách tàn bạo và hung hãn mà tuyệt nhiên không thấy ai ngăn cản, ngay cả thầy cô dù chỉ bằng lời nói mà chỉ thấy ồn ào tiếng chửi thề, “Đ.M, đánh cho chết mẹ luôn.”

Tôi không hiều các thầy cô hay bộ Giáo dục Đào tạo dạy học sinh cái gì. Chắc họ không bao giờ quên dạy các em học sinh theo gương đạo đức bác Hồ? và sẽ đưa Việt Nam tụt hậu giáo dục và đạo đức cho cả nước và tạo ra một thế hệ vô cảm, vô luân và mất nhân tính.

Xem Hồng Hạnh / Facebook. November 25, 2015

Đó là chủ đích muốn ngăn cản con người đến với con người, con người đến với thượng đế. Tôn giáo là Đạo là Đường, dẫn con người đến chân thiện mỹ, dạy người ta biết thương yêu quí trọng nhau, giúp đỡ nhau…Nhưng cộng sản coi tôn giáo là thuốc phiện mê hoặc con người, là kẻ thù, nhất là Thiên Chúa giáo, cần phải hủy diệt. Không diệt được thì bằng mọi cách xâm nhập để gây rối, phàm tục hóa, làm mất uy tín, cô lập cho tê liệt luôn.

Loại Văn hóa đó là Văn hóa gì? Có người gọi là Văn hóa “đồ đểu”.

Cộng sản rất thâm độc, còn phân hóa, gây nghi kỵ giữa giáo sĩ với nhau, địa phương này địa phương khác như chúng ta thấy ở Giáo hội miền Nam do Ủy Ban Công Giáo và Dân Tộc với Huỳnh công Minh cầm đầu mà chính loại ủy ban này (Ủy Ban Công Giáo Yêu Nước) đã không thành công ở Giáo hội miền Bắc. Trong HĐGM người ta thường nói đến “Tam Ca Áo Tím” là nhóm giám mục miền Nam đã khuynh đảo, tạo bè phái trong HĐGM. Chẳng lạ gì đã có những thay đổi bất công, vô lý như vụ TGM Ngô Quang Kiệt và GM Nguyễn Văn Nhơn ở Hà Nội, và người ta còn phỏng đoán có lẽ không sai là sẽ xẩy ra như vậy khi HY Nguyễn Văn Nhơn đến lúc già yếu phải về hưu. Và, còn nhiều bất đồng bên trong HĐGMVN là cơ chế đầu não của Giáo hội Việt Nam. Có vị muốn làm theo ý nhà nước, có vị không. Kình chống nhau, chia rẽ là thế. Nước đục cộng sản thả câu hưởng lợi.

Như vậy thì làm sao con người có thể đến với Thiên Chúa và nhận biết tình thương yêu của Người. Cộng sản chưa đạt được hoàn toàn mục đích của họ nhưng đã phần nào hưởng lợi ở miền Nam Việt Nam.

Làm sao để sống chung với cộng sản để hành đạo

HY Phạm Minh Mẫn đã có lúc yêu cầu trí thức công giáo / câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình dựa vào kinh nghiệm sống nơi Giáo hội miền Bắc trước 1975 và Giáo hội miền Nam sau 1975 nghiên cứu tìm phương cách làm sao để giữ đạo, sống đạo và hành đạo.

Lúc đó ở miền Nam có người cho rằng vì Giáo hội miền Bắc từ 1945 đến 1975 cương quyết không hợp tác với cộng sản nên bị trù dập, đàn áp và cô lập về mọi mặt trong khi Giáo hội miền Nam được thong dong vì đã hòa đồng hợp tác?

Bối cảnh hai miền Nam Bắc hoàn toàn khác nhau từ chính trị Văn hóa xã hội đến tôn giáo. Dĩ nhiên Giáo hội rất ưu tư về tình trạng sa sút luân lý đạo đức của đất nước và của Giáo hội và ước mong có cơ hội, hoàn cảnh được tự do để chăm lo, sửa đổi Giáo hội và xã hội. Điều đó cần phải có sự hợp tác hay ít ra là đồng ý của chính quyền để mình tự do làm công tác bác ái, xã hội, y tế và Văn hóa, giáo dục…

Nhưng trường học, bệnh viện, cơ sở bác ái…đã bị cộng sản tịch thu hết rồi.

Không thể nói cách sống của Giáo hội miền Bắc sai và của miền Nam đúng hay ngược lại. Nói vậy là vô tình đã rơi vào bẫy của cộng sản chủ trương gây chia rẽ, phân hóa, đố kỵ đúng như nhận xét của HY Bonizac. Không phải Giáo hội miền Bắc không chịu hợp tác với nhà nước mà phải nói Giáo hội không hợp tác với cái ác. Giáo hội miền Bắc bị trù dập, tàn phá nhưng đức tin của họ không mất, trái lại hoa trái tốt vẫn nảy nở nơi miền đất khô cằn hưu quạnh đó. Biết bao anh hùng thánh đã thể hiện nơi Giáo hội miền Bắc, đúng như Đức HY Bozanic đã nói:

“Bức màn sắt là hình ảnh của chia rẽ, đổ vỡ, ngăn cách và tính ích kỷ. Nó đã được những người muốn giới hạn sự giao tiếp của con người dựng lên, nhưng mục tiêu của nó còn sâu hơn nhiều, đó là để cản ánh mắt của con người khỏi hướng về Thiên Chúa và không biết tình yêu của Thiên Chúa.

Thiên Chúa gieo hạt, món quà của cuộc sống, và cho phép nó chết. Và ngay khi dường như đất đã chôn vùi cuộc sống, thì nó lại tạo ra quả.”

HY Trịnh Như Khuê, HY Trịnh Văn Căn, HY Phạm Đình Tụng, Lm Chính Nguyễn Văn Vinh, thày giảng Đỗ bá Lung ở xứ Ngọc Đồng, Hưng Yên và biết bao ông trùm ông trương đã chết rục tù vì quyết giữ niềm tin vào Chúa và cái thiện, đã không mang tiếng hèn nhát, không theo chủ nghĩa thực dụng, thuyết tương đồi, nên danh thơm còn mãi mãi lưu truyền trong lịch sử Giáo hội. Các ngài đâu cần những lời ca ngợi của chính quyền trần thế, lúc chết có vòng hoa phúng điếu lộng lẫy, có lời chia buồn của chủ tịch nước, tổng bí thư đảng, thủ tướng, để nhà nước lấy tên đặt tên đường phố hay cơ sở. HY Tụng lúc nằm xuống chỉ cần tiếng Chúa kêu gọi: “Con đã can trường chịu đựng gian khổ vì ta, hãy về với ta trên thiên đàng.”

Và đúng vậy Chúa đã chiều lòng ngài không để cho chủ tịch, tổng bí thư, thủ tướng phân ưu, tặng vòng hoa phúng điếu. Các ngài đã là những mục tử, kẻ sĩ chính danh, “Tôi trung chỉ thờ có một Chúa .” [5]

Chưa thấy ai chê trách mà chỉ thấy những lời khen, ca ngợi sự can đảm của hàng giáo phẩm và giáo dân miền Bắc, ngược lại những lời phê phán đôi khi gay gắt hàng giáo phẩm miền Nam cả trong sách báo lẫn nơi cửa miệng người dân, đôi khi làm mất cả niềm tin vào đạo của những người ngoài Công Giáo.

Giáo hội miền Bắc: không còn chọn lựa nào khác

Giáo hội miền Bắc không hoàn toàn hợp tác vói chính quyền cộng sản vì đã hiểu rõ chủ đích và dã tâm của họ: “Tôn giáo (công giáo) là kẻ thù cần phải tiêu diệt.”

Vì có hợp tác hay không thì Giáo hội vẫn bị trù dập, truy nã bằng cách này hay cách khác. Giáo hội miền Bắc không còn chọn lựa nào khác.

Giáo hội miền Bắc từ sông bến Hải trở ra gồm các địa phận Vinh, Thanh Hóa, Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Hải Phòng và Hà Nội. Xin lấy địa phận Hà Nội là tổng giáo phận thủ đô làm chuẩn để nhận xét và phân tích tình hình.

Giáo hội miền Bắc bất hạnh vì bị rơi vào thời mà chủ nghĩa cộng sản còn đang mạnh nên họ thẳng tay thi hành chính sách tôn giáo của họ. Giáo hội miền Nam sau 1975 may mắn hơn, nhất là sau 1989 khi chế độ cộng sản Nga và Đông Âu hoàn toàn sụp đổ, bức màn sắt đã hạ xuống, hơn 2 triệu người dân miền Nam liều chết vượt biển tìm tự do đã làm cho cộng sản luýnh quýnh, thêm kinh tế suy sụp buộc họ phải thay đổi đường lối khiến Giáo hội miền Nam phần nào dễ thở hơn. Có người quá đơn sơ cho rằng vì Giáo hội miền Bắc không chịu hợp tác với chính quyền nên Giáo hội bị bách hại. Năm 1954, khi làn sóng di cư vào Nam đang ồ ạt, HY Trịnh Như Khuê đã cấm các linh mục không được di cư vào Nam, phải ở lại sống chung với cộng sản. Nhưng vẫn bị đàn áp trù dập tù đầy. Tòa Giám Mục đã từng liên lạc, đối thoại với nhà nước, cả Hồ Chủ Tịch, TT Phạm Văn Đồng, nhưng không thành công như vụ thành lập Ủy Ban Liên Lạc người Công Giáo Yêu Nước. Việc họ làm không cần ý kiến của Giáo hội [6]. Cộng sản không bao giờ buông thả những điều cốt lõi của đạo. Giáo hội miền Bắc đã có lúc phải thà tự đóng cửa tiểu chủng viện và đại chủng viện, sơ tán chủng sinh về với gia đình hơn là để cho chính quyền cộng sản điều khiển, quyền tuyển chọn chủng sinh, định đoạt chương trình giáo dục các chủng sinh, cho người nhà nước vào dạy những môn chính trị trái với giáo lý.

Xin kể một câu chuyện xẩy ra ở nhà thờ lớn Hà Nội với Lm chính xứ kiêm tổng đại diện Nguyễn Văn Vinh. Trước ngày lễ Giáng Sinh 1958, nhà nước tự động cho người đến trang hoàng cờ xí ngập trời trước nhà thờ gọi là để mừng Chúa Giáng sinh. Có người báo sự việc cho Lm chính Vinh, ngài chạy ra yêu cầu họ ngừng thì kết quả là Lm Trịnh Văn Căn, phó xứ (sau này lên giám mục rồi hồng y) 12 tháng tù treo, 3 giáo dân Đáng, Chính, Nhiễu bị phạt cảnh cáo, riêng Lm chính Vinh bị 18 tháng tù ngồi vì tội phá rối trị an, vu khống xuyên tạc chế độ và gây chia rẽ nhân dân. Lm bị giam ở Hỏa Lò rồi lên Yên Báy kiên giam, biệt giam ở trại Cổng Trời, ác nghiệt nhất, ai đến đó chỉ có chết. Năm 1975 khi cộng sản chiếm được miền Nam, TGM Khuê hỏi chính phủ “Cha Vinh của tôi đâu rồi?” thì được trả lời là tuần sau Lm Vinh về. Nhưng Lm Vinh đã không bao giờ trở về. Án tù 18 tháng nhưng cha đã kết thúc cuộc đời về với Chúa sau 12 năm ngục tù hành hạ cả thân xác lẫn tinh thần [7].

Ai nói là cộng sản chống phá tôn giáo? Họ giúp đỡ, tạo cơ hội để Giáo hội tổ chức lễ hội đấy chứ? Họ cũng đã từng tuyên bố tại Hội Đồng Nhân dân thành phố Hà Nội trong buổi trao đổi ý kiến với Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và các Lm dòng Chúa Cứu Thế về vụ Tòa Khâm sứ và Thái Hà hồi tháng 9, 2008 là nhà nước đã giúp đỡ, tạo cơ hội dễ dàng cho sinh hoạt tôn giáo nhưng đã bị TGM Kiệt phản bác lại rất đích đáng. [8]

Sau vụ Noel 1958 xẩy ra ở nhà thờ lớn với Lm chính Vinh, ra điều để cho vui vẻ giữa hai bên nhà nước và công giáo, chính phủ đề nghị với Tòa Giám Mục thành lập một Ủy Ban liên lạc giữa nhà nước và Giáo hội, mọi việc liên quan giữa hai bên phải đi qua ủy ban này, nhưng các thành viên thì Tòa Giám mục không có quyền chọn lựa mà do nhà nước sắp đặt [9]. Tòa Giám mục không đồng ý với tổ chức đó vì biết đây chỉ là lừa bịp, một tổ chức tiền Giáo hội ly khai giống như ở bên Tàu.

Sau đó, tòa Tổng Giám Mục và các linh mục trí thức nòng cốt của địa phận trở thành có vấn đề. Lm Tổng đại diện Nguyễn Văn Vinh, du học Pháp, người rất tài giỏi và cương quyết đã từng chống đối tướng De Lattre de Tassigny thì đã bị đem ra làm vật tế thần để dằn mặt trước rồi, tiếp đến Giám Mục Trịnh Như Khuê [10] bị giam lỏng, cấm không cho ra khỏi Tòa giám mục, Lm Phạm Hân Quynh, du học Pháp về, thư ký TGM bị cô lập, quản thúc tại một giáo xứ ở nhà quê 28 năm (1960-1988), Lm Nguyễn trọng Oánh, du hoc Hoa Kỳ về à Nội năm 1955, đúng vào lúc đất nước chia đôi, bị quản thúc biệt giam tại giáo xứ làng quê Truôn Thượng từ 1961 đến 1985 mới được tạm tự do đi lại về giáo xứ Hà Thao thì chết ở đó. Lm Nguyễn Văn Thông, du học Bỉ và Pháp về Hà Nội năm 1955 cùng với cha Oánh cũng bị bắt đem ra tòa kết án 13 năm tù và 3 năm quản chế vì tội tàng trữ sách khiêu dâm, sách báo ngoại quốc và làm gián diệp CIA. Bị giam lúc đầu ở Hỏa Lò 4 năm rồi trại Cổng trời, về Lào Cay rồi lại Cổng trời, rồi lại Hỏa Lò. Cộng chung tất cả là 23 năm tù trong khi án kêu chỉ có 13 năm. Được về nhưng Lm vẫn bị quản thúc, cô lập ở một nơi đồng không mông quạnh 10 năm trời nữa (1976-1987). Khi được thả ra thì đã thân già sức kiệt, Lm Thông qua đời năm 1991 [11].

Cộng sản chủ trương giết rắn phải chặt đầu. Vậy là tất cả các linh mục ưu tú nòng cốt của địa phận đều bị cô lập, tù đầy cho đến chết, không có được cơ hội giúp Đức Giám Mục, phục vụ Giáo hội. Các xứ đạo không có linh mục chủ chăn dìu dắt.

Giáo hội miền Bắc bị trù dập khốn đốn nhưng không tha hóa, bề ngoài trông điêu tàn tưởng là chết, nhưng Giáo hội không chết. Lm chính Vinh, Lm Thông, Lm Oánh, Lm Quynh, thầy giảng Đỗ Bá Long, giáo dân Lâm Văn Túy, các ông trùm ông trương và bao nhiêu giáo dân giáo sĩ vô danh anh hùng khác như những hạt giống được Chúa gieo vào lòng đất, thối đi để sau này sinh ra hoa trái. Tinh thần biểu dương sức mạnh niềm tin qua những vụ thắp nên cầu nguyện cho công lý ở Thái Hà, Tòa Khâm sứ, Đồng Chiêm, Tam Tòa, Mỹ Yên, v.v. chính là những hoa trái đang làm cho Giáo hội sống lại, cho một ngày mai tươi sáng huy hoàng hơn, đã làm mọi người thán phục.

(Còn tiếp)

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa.
[1] Việt Nam, tuy đã mở cửa phần nào về kinh tế và tôn giáo, bức màn sắt không còn, nhưng cốt lõi vẫn còn cộng sản. Tuyên bố cho Tự Do Dân Chủ nhưng vẫn áp dụng độc tài toàn trị. Do đó người viết coi VN vừa là nước cộng sản vừa là nước hậu cộng sản. Vì vậy việc tìm kiếm phương cách xây dựng một Giáo hội đích thực quả là khó khăn, đòi hỏi những nhận xét thật sâu sắc, khôn ngoan và hành động thật cương quyết.
[2] HY Stepinac là một TGM có tinh thần quốc gia mãnh liệt, chống cả Phat Xít và cộng sản một cách quyết liệt, không nhân nhượng. Ngài bị cộng sản Hung bắt tù khổ sai 15 năm. cộng sản từ xưa và cả ngay bây giờ vẫn cố né tránh không nhắc đến tên ngài. Chẳng lạ gì ở Việt Nam, người ta cũng rất sợ, cố gắng né tránh khỏi phải nhắc tới một TGM Nguyễn kim Điền, một HY Trịnh Như Khuê, một linh mục chính Nguyễn Văn Vinh của Hà Nội, một thày giảng Quế ở xứ Đoài, thày giảng Lung ở Ngọc Đồng, Hưng Yên, v.v.
[3] Người Việt Nam tỵ nạn chính trị cộng sản ở hải ngoại có dựng một bia đá để ghi nhớ những thuyền nhân đã chết trên đường vượt biên ở Nam Dương, nhưng đã bị nhà cầm quyền cộng sảnVN dùng ngoại giao áp lực chính phủ Nam Dương phải phá bỏ đài tưởng niệm đó trong khi họ vẫn kêu gọi xóa bỏ hận thù để hòa giải dân tộc xây dựng đất nước.
[4] Người Saigon, Internet
[5] Phúc âm Matthew 4: 10
(6) Sách Phạm Hân Quynh : Con người-Sự kiện-Giai thoại, 2012. tr.93-95
(7) Phaolo Lê đức Trọng: Chứng Từ của một Giám Mục – 2009
(8) Phát biểu của TGM NGÔ QUANG KIỆT tại cuộc họp UBND thành phố Hà Nội ngày 20-9 2008: Trước hết ông Chủ Tịch có nói rằng UBND thành phố đã tạo rất là nhiều điều kiện cho GHCG trong những năm qua, nhất là dịp lễ Noel…Chúng ta phải công nhận trong những năm gần đây có nhiều điều kiện.Tuy nhiên khi như thế, khi nói tạo điều kiện, vẫn còn mang cái tâm lý Xin-Cho, tức là cái này là ân huệ tôi ban cho anh đấy. Nhưng cái tôn giáo là cái quyền tự nhiện con người được hưởng. Và nhà nước vì dân, cho dân phải có rách nhiệm tạo cái điều kiện đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin. Không có. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải cái ân huệ Xin-Cho.
[9] PHAM HÂN QUYNH:Con người-Sự kiện-Giai thoại- tr. 93-95): TGM Trịnh Như Khuê và Monseigneur Quynh, thư ký, đã gặp Thủ Tướng Phạm Văn Đồng và Thủ Tướng đề nghị lập Ủy Ban Liên Lạc giữa nhà nước và Giáo hội. Thủ Tướng đã chỉ định Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, một người Nam tập kết làm đại diện cho chính quyền. TGM Khuê không đồng ý, muốn người đai diện phải là người ngoài công giáo. Cuối cùng, nhà nước tự mình tổ chức thành lập Ủy ban liên lạc những người công giáo yêu tổ quốc yêu hòa bình, gồm các linh mục Vũ Xuân Kỷ, Nguyễn Tất Tiến và hai linh mục tập kết ra Bắc là Hồ Thành Biên và Võ Thành Trinh.
[10] Linh mục NGUYỄN HỮU LỄ: Bút ký TÔI PHẢI SỐNG, trang 19. HY Trịnh Như Khuê bị giam lỏng, cô lập trong tòa giám mục hơn 20 năm. Hàng ngày ngài đi bách bộ đọc kinh trên sân thượng, vết chân ngài đi nhiều đến nỗi đã tạo thành một đường mòn in hằn trên gạch. Sau 1975 TGM Khuê được đi Roma và Pháp. Lần thứ hai đi Roma lãnh chức Hồng Y, khi trở về nước qua ngả Moscow về tới Hà Nội thì ngã bệnh và chết một cách mờ ám, mặc dù trước đó ngài rất khỏe mạnh, không bệnh hoạn.
[11] Tài liệu Nguyễn Văn Lục

1 Comment on “Những tồn tích của cộng sản trong Giáo hội Thiên Chúa giáo (p1)

  1. XÃ HỘI CON NGƯỜI, CHÍNH TRỊ, VÀ TÔN GIÁO
    Xã hội con người luôn luôn là một thực tại phức tạp. Điều này cơ bản do xã hội con người thoát thai từ thiên nhiên mà ra, nó luôn lưu giữ mọi dấu vết từ thiên nhiên đó, tồn tại như những nền tảng tự nhiên không thể không có, không bao giờ xóa đi dù cho có thể biến đổi nhờ chuyển biến, như các loại bản năng tự nhiên chẳng hạn. Xã hội như một loại rừng cây, có bao nhiêu những thành phần khác nhau, không cố định mà luôn đổi mới qua không gian, thời gian, hoàn cảnh, sự xuất hiện mới hay sự xóa đi của các thành phần cũ luôn là điều xảy ra thường trực.
    Chính trị do vậy là một sản phẩm của con người muốn cai quản, điều hòa, chế ngự, sắp xếp một phần nào các diễn tiến của xã hội luôn diễn ra phức tạp. Đó là một sự thích nghi thiết yếu, khôn ngoan, một sự đòi hỏi bắt buộc, không bao giờ hoàn tất, chấm dứt, hay cũng không bao giờ hoàn toàn lý tưởng hay tuyệt đối.
    Nhưng nếu chính trị chỉ là thế tục, tôn giáo lại là ý nghĩa vượt lên, vượt ra thế tục. Bởi nếu chính trị chỉ hướng về phần thân xác, tôn giáo lại nhằm hướng tới phần hồn, phần tinh thần, phần linh thiêng, cao quý nhất của con người. Nên nếu chính trị mang tính ràng buộc, tôn giáo mang tính tự do và giải phóng hay giải thoát, hướng về cái siêu trần thế, cái siêu nhiên.
    Tuy vậy trên đây chỉ nói về xã hội, chính trị, tôn giáo trong các phạm trù hay phạm vi bao quát, lý tưởng, hay chung nhất của chúng. Còn các phần râu ria, các khía cạnh phản diện, các mặt biến thiên tùy tiện nhất thời thì không cần nói đến.
    Trong thực tế như thế thì Mác lại nhìn đảo lộn tất cả. Ông ta cho thế
    giới vật chất là tất cả, ngoài ra không có gì hơn cả. Do vậy Mác bảo kinh tế xã hội mới là phần hạ tầng cơ sở quyết định, tôn giáo hay mọi ý nghĩa văn hóa khác của xã hội loài người chỉ là thượng tầng phản ảnh kéo theo không mang ý nghĩa gì thực tại hay quyết định tối hậu. Mác cho rằng chỉ cần giải quyết được vật chất cũng giải quyết được mọi ý nghĩa hay giá trị tinh thần, và ông đề ra đấu tranh giai cấp như công cụ duy nhất thiết yếu phục vụ cho điều đó.
    Rõ ràng Mác đã cắt cụt và giản lược hóa theo cách đảo lộn mọi vấn đề. Xã hội con người phát triển là nhờ ý thức, tinh thần mà không phải nhờ vật chất. Khoa học tiến bộ tạo nên nền văn hóa, văn minh nhân loại mọi mặt là từ trí tuệ của nhân loại, không phải do đấu tranh giai cấp. Nhìn thế giới vật chất như một thực tại duy nhất đó chỉ mới là cái nhìn cảm tính thực tiển, không phải cái nhìn bao quát của trí tuệ thông minh.
    Con người thương yêu nhau, thông cảm nhau, hiểu biết nhau, làm ích lợi cho nhau là do ý nghĩa tinh thần, không phải do ý nghĩa vật chất. Tôn giáo như vậy trước tiên là ý nghĩa văn hóa, nhân văn, rồi chốt đến mới ý nghĩa siêu nhiên, siêu trần thế. Chính tôn giáo tạo nền tảng chung cho con người gần gũi với nhau và thương yêu nhau mà không phải đấu tranh giai cấp chỉ khiến gây chia rẻ, đố kỵ, độc ác nhau giữa con người và con người một cách giả tạo, bản năng, ngược lại văn minh và văn hóa.
    Chính cái nhìn hời hợt, phiến diện, nông cạn, ấu trĩ, phản khoa học, phản thực tế của Mác về các phương diện kinh tế xã hội chính trị, triết học, tôn giáo cũng như lịch sử tạo nên một học thuyết ảo tưởng, phản thực tế, lại tự mệnh danh là khoa học để cuốn hút nhân loại và các dân tộc cũng như chính mỗi con người vào trong những khổ đau triền miên qua hàng thế kỷ mà đến nay vẫn còn chưa hoàn toàn thoát ra được là như thế.
    Võ Hưng Thanh
    (16/4/16)