Những cuộc đụng độ văn hóa

Nguyễn Duy Vinh

Civilty1Sau bài viết trước [1], tôi cũng học hỏi được nhiều qua các phản biện về hai từ “văn hóa”. Lần này tôi lại viết tiếp về một vài cuộc đụng độ văn hóa (culture clash) và từ đó suy diễn thêm về cách ứng xử “khác người” của hai nhà cựu lãnh đạo Việt Nam.

(Lại chuyện văn hóa!)

Tôi xin tóm tắt lại định nghĩa hai chữ văn hóa dưới mắt tôi như sau: văn hóa là cách sống của một dân tộc. Trong cách sống có nào là cách suy nghĩ (tư duy), cách ăn, cách nói, cách mặc, cách làm và nói chung là tất cả cách ứng xử trong cuộc sống con người trong một xã hội. Dân ta sau 1975 hay dùng chữ “có văn hóa” để chỉ những ai có cách ứng xử thanh lịch, nghĩa là biết tôn trọng bản thân mình và biết tôn trọng người mình giao tiếp. Hai từ “văn hóa” tôi dùng trong bài này không theo nghĩa cao đẹp đó mà chỉ đơn thuần nói lên một thói quen có khi hay mà cũng có khi dở, theo tập quán hay thói quen của một dân tộc.

Năm 18 tuổi tôi được sang Canada du học. Trước khi đi, anh tôi đã bỏ cả tuần để dạy tôi cách cầm dao, cầm muỗng nĩa và cách ăn theo kiểu Tây phương. Vì cầm đũa từ bé đến lớn, tôi còn nhớ có những lúc tôi rất lúng túng dùng muỗng nĩa lần đầu tiên trên máy bay trong chuyến đi rời quê hương. Sau này lúc đi ăn ở ký túc xá sinh viên, tôi vẫn còn nhớ cách ăn súp (potage) và húp từng thìa súp xuỵt xoạt của tôi đã bị các anh sinh viên người Canadien bàn bên cạnh trố mắt nhìn. Từ đó mỗi khi ăn súp, tôi luôn cố gắng không gây ra tiếng kêu khi cho từng thìa súp vào mồm. Và dĩ nhiên tôi vẫn không thoải mái với cách ăn này. Lớn lên ở Việt Nam, có ai cấm tôi ăn phở và húp nước phở kêu rẹt rẹt đâu. Mà phải húp như thế mới đã. Và tôi chắc chắn có rất nhiều bạn người Việt Nam đồng ý với tôi về chuyện này. Nhưng có một số bạn nói với tôi: nhập gia tùy tục mày ơi, mình phải dẹp cái văn hóa (cách sống) mình sang một bên và học cách hội nhập và hòa mình với văn hóa mới. Chẳng hạn như khi ăn thì phải ăn ngậm mồm, không được nhai nhồm nhoàm. Nhai xong và nuốt rồi thì mới được mở mồm nói!

Chợ Steinberg Trois-Rivières, Quebec, 1971 . Nguồn: www.flickr.com
Chợ Steinberg Trois-Rivières, Quebec, 1971 . Nguồn: www.flickr.com

Tôi có một anh bạn khác lùn tì. Anh cao độ một mét năm lăm. Và mấy ông Tây Canadien lại cứ thích xoa đầu anh ấy. Có hôm anh ấy nổi cáu quăng nguyên cái giỏ xách bánh trái vừa mua được ở chợ Steinberg [2] vào người ông Tây. Hôm đó có tôi đi cạnh nên tôi đã can anh bạn bớt nóng và giải thích cho ông Tây là theo phong tục văn hóa Việt Nam, cái đầu chúng tôi là để thờ ông bà tổ tiên nên chúng tôi sẽ rất bất bình khi bị ai xoa đầu. Anh Tây vội vàng xin lỗi vì không biết điều ấy và anh ấy nói anh ấy xoa đầu anh bạn tôi chỉ là một cách bày tỏ sự thân thiện chứ không có ý gì khác và anh ấy rất quý anh bạn tôi (hai người quen biết nhau vì cùng ở chung ký túc xá).

Rồi phải nói đến cách người mình cười. Và ông Nguyễn Văn Vĩnh đã nói đúng. Dân “an na mít” mình gì cũng cười. Đã có nhiều lúc sinh viên Việt Nam bị mấy anh sinh viên Tây hiểu lầm và gây sự vì họ nghĩ mình cười họ nhưng thực ra là mình không cười họ. Mình cười một cách vô tư và vô tội vạ, cười không cần nguyên cớ.

Cách đây vài năm tôi vô tình dạo chơi xem sách trong một hiệu sách và vớ phải một quyển sách mỏng với tựa đề “Chọn cách sống lịch sự văn minh”. Tựa đề này tôi tự dịch từ cái đề bằng tiếng Anh “Choosing Civility” của ông Giáo Sư P.M. Forni, giáo sư dạy môn Civility (hay cách sống văn minh, mà tôi gọi nôm na là công dân giáo dục) tại đại học John Hopkins nổi tiếng của Hoa-Kỳ. Trong quyển sách đó [3], ông đề ra 25 cách sống có văn minh, tức là biết tôn trọng mình và tôn trọng người (chữ tiếng Anh rất chính xác: the 25 rules of considerate conduct). Các bạn có thì giờ nên mua quyển này về đọc cho biết. Hai mươi lăm luật chơi đó có thể đem áp dụng bất kỳ nơi nào trên quả đất và khi mình đi vào khuôn phép của 25 nếp sống này, mình trở thành con người lịch sự, con người có nếp sống đẹp, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác theo ý của tác giả quyển sách.

Dự án Văn minh. Nguồn: Maliyah Highman
Dự án Văn minh. Nguồn: Maliyah Highman

Gần đây tôi vẫn theo dõi những tin tức liên quan đến quê hương xứ sở, nhất là những chuyến đi thăm nước ngoài của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Từ chuyến đi của ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Phú Trọng cho đến các chuyến đi của ông Nguyễn Tấn Dũng. Riêng buổi họp báo của ông Nguyễn Tấn Dũng (NTD) và ông nguyên Thủ Tướng Pháp Jean-Marc Ayrault tại điện Matignon vào tháng 09 năm 2013 đã được nhiều người nhắc nhở và đã được đưa lên mạng ầm ĩ sau đó nhất là khi đài truyền hình Canal Plus của Pháp đem buổi họp báo này ra diễu. Thú thật khi xem cách ứng xử của ông NTD trên YouTube mà bạn tôi gửi cho xem từ Pháp, hôm đó tôi đã không tự hào là người Việt Nam. Cách hành xử của ông NTD có thể được xem là thiếu lịch sự, và hơi quê mùa trong tư cách của một người lãnh đạo nước Việt Nam. Xin các bạn xem cái YouTube này:

Từ cách ông NTD chặn ngang bằng tay cắt lời ông Thủ Tướng Pháp vì không có phiên dịch, cho đến cách ông bày tỏ yêu cầu đóng cánh cửa phía sau lưng (mà không ai biết lý do tại sao). Đó là chưa nói đến cách ông phát âm tên của ông Thủ Tướng Pháp: “Dăng Mạc E Rô” cũng đã làm thành trò cười cho mấy anh chị ký giả đài Canal Plus của Pháp sau này. Chuyện ông phát âm sai tiếng Pháp theo tôi có thể thông cảm được. Nhưng cách ông chận ông Thủ Tướng Pháp ngang xương vì ông không thích cửa mở phía sau trong khi người kia đang nói những lời chào mừng mình thì thật đã làm cho nhiều người khó chịu về thái độ của ông. Bạn người Pháp của tôi còn giáng thêm cho một câu thật nặng ký “mais il est mal élevé ce monsieur!” Ý muốn nói cách hành xử của ông NTD là “mất dạy”, ở địa vị của một vị nguyên thủ quốc gia, theo cái nhìn của cách sống bên trời Âu, nhất là trước mặt công chúng cũng như truyền hình và phóng viên quốc tế.

Gần đây nhất có tấm hình mà chúng tôi phải đặt câu hỏi không biết đây là hình thật hay là hình được biến dạng dùng kỹ thuật photoshop. Hình ông Trương Tấn Sang (TTS) cúi gập lưng trong khi đứng trước toán lính Trung Quốc dàn chào ông tại phi trường Bắc Kinh. Tôi chép tấm hình này xuống dưới đây để chúng ta cùng xem. Tấm hình cho thấy góc độ khum lưng vô cùng cung kính của ông TTS nhưng hình như cách ứng xử này cũng không được nhiều người tán thưởng.

 Ảnh của Getty Images/AFP/Mark Ralston

Một bên (cách ứng xử của ông NTD) thì người dân ở Pháp nghĩ là xấc xược ngỗ ngáo. Một bên (cách cúi gập người của ông TTS) thì nhiều người Việt chúng ta cho là hèn. Xấc xược ngỗ ngáo hay hèn là tùy mình đứng về khía cạnh nào. Nhìn về khía cạnh Việt Nam thì cũng có người nói cách hành xử của ông NTD là rất oai xứng đáng là một lãnh đạo Vieệt Nam. Và cái cúi gập người của ông TTS là vô cùng tự trọng và lễ phép, cũng xứng đáng là một lãnh đạo. Thật ra mọi điều đều có tính cách tương đối của nó hết và dĩ nhiên mỗi dân tộc có cách sống riêng của mình không ai có thể nói người kia sai mình đúng hay ngược lại.

Tuy thế, riêng tôi, đến ngày nay, tôi vẫn còn áy náy và chưa thông cảm được với cách ứng xử kỳ lạ và khác người này của hai ông NTD và ông TTS.

Yaoundé mùa mưa năm 2016

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài và chú thích do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa.

[1] http://www.danluan.org/tin-tuc/20141112/nguyen-duy-vinh-tu-van-hoa-sach-nhieu-den-van-hoa-lam-ngo
[2] những tiệm Steinberg ngày nay đã đóng cửa
[3] P. M. Forni, Choosing Civility: The Twenty-five Rules of Considerate Conduct – quyển sách về 25 cách sống có văn hóa của tác giả P.M. Forni – New York, St. Martin’s Press, 2002

1 Comment on “Những cuộc đụng độ văn hóa

  1. VĂN MINH VĂN HÓA
    Ông cha xưa đã nói rồi
    Giàu sang lễ nghĩa mới thời sinh ra
    Bởi vì phú quý đâu xa
    Phải trong lễ nghĩa mới là hơn ai
    Cái nghèo nếu bám dài dài
    Gạo không đủ nấu lấy chi khoe ngoài
    Cho nên mọi sự ở đời
    Phải nên thông cảm con người cùng nhau
    Nghèo giàu cũng chỉ trước sau
    Có đâu ba họ đọa đày mãi sao
    Chỉ vì ông Mác tào lao
    Đấu tranh giai cấp lộn đầu lộn đuôi
    Hiểu ra mới thấy bùi ngùi
    Cái ngu vốn đã chôn vùi cái khôn
    Cùng nhau lặn biển trèo non
    Làm giàu mới đặng chớ còn cướp ai
    Nên thôi câu chuyện dông dài
    Kẻ ngu khó dạy cho người thành khôn
    Giết nhau chỉ có mỏi mòn
    Thương nhau mới thấy bồ hòn ngọt ngay
    Trăm năm cũng chỉ loay hoay
    Một trăm triệu mạng tháng ngày còn đâu
    Liên Xô sụp đổ cũng hầu
    Giúp đời khỏi cảnh bể dâu vậy hoài
    Chỉ anh dốt nát nghẹn ngào
    Đỉnh cao trí tuệ sụm rồi còn chi
    Thật là cuồng tín chai ỳ
    Một thời điên đảo nói chi được nào
    Nhưng mà lễ nghĩa không cao
    Dẫu cho phú quý cũng lòi cái đuôi
    Cái khôn đâu phải bên ngoài
    Mà là nó vốn ẩn sâu trong lòng
    Nên chi học vấn chẳng xong
    Dù cho địa vị khó hòng sang ra
    Gió đưa cành trúc la đà
    Chỉ cây tùng bách mới là đỉnh cao
    Văn minh văn hóa tự hào
    Ấy là cái chất ở trong con người
    Cóc vàng cũng chỉ hổ ngươi
    Thằng lên địa vị cũng đời cười chê
    Nên thôi sự thế não nề
    Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai
    Dầu cho giông bão chẳng dài
    Hết mưa trời sáng hoài hoài vậy thôi
    NON NGÀN
    (02/5/16)