Washington – Hà Nội: Nhân quyền và súng đạn

Hồn Việt

rightsMột bản tin của hãng Reuters phát hôm Thứ Tư 11/5 cho biết Hà Nội vừa kín đáo và âm thầm tổ chức một cuộc hội thảo quốc phòng với sự tham dự của các công ty chuyên sản xuất chiến cụ hàng đầu của Mỹ.

Chuyện Việt Nam: Hoa Thịnh Đốn, Hà Nội, nhân quyền và súng đạn

Như vậy chuyện Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ sang thăm Việt Nam đã được xác nhận. Theo bản tin của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hôm nay Thứ Năm 12/5/2016 thì

“Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc sáng 10/5 cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 21/5 đến 28/5 trong chuyến công du thứ 10 của ông đến châu Á. Chuyến thăm sẽ nêu bật cam kết không ngừng của tổng thống với chiến lược tái cân bằng của Mỹ sang châu Á và Thái Bình Dương. Đây là chiến lược nhằm tăng can dự của Mỹ về ngoại giao, kinh tế và an ninh với các nước và nhân dân trong khu vực.

Tòa Bạch Ốc cho hay tổng thống Mỹ sẽ thăm Việt Nam trước. Ông sẽ gặp giới lãnh đạo Việt Nam để bàn thảo các cách thức để Quan hệ Đối tác Toàn diện thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, quan hệ giữa nhân dân hai nước, an ninh, nhân quyền, và các vấn đề toàn cầu cũng như khu vực.

Tại Hà Nội, Tổng thống Obama sẽ đọc bài diễn văn về quan hệ Mỹ-Việt. Tại các cuộc gặp và các sự kiện ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tổng thống sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương trong năm nay. Tổng thống cũng sẽ gặp các thành viên của xã hội dân sự, chương trình Sáng kiến Các Nhà Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á, các chủ doanh nghiệp và cộng đồng kinh doanh.”
http://www.voatiengviet.com/content…

Trước đó, từ đầu tuần, 2 Phụ tá của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đã đến Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến đi của ông Obama. Đó là các ông Tom Malinowski, Đặc sứ về giám sát dân chủ, nhân quyền, và các vấn đề lao động, và Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel .

Trong một bản tuyên bố trước khi ông Malowski đi Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ thúc giục Hà Nội “thả ngay các tù nhân chính trị vô điều kiện” và “thực hiện những cải cách phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế”.

Ngược lại các nguồn tin ngoại giao tại Việt Nam nhận định rằng, nhà nước CSVN rất quan tâm đến 2 chuyện, (1) Mỹ xét công nhận Việt Nam nay đã có nền kinh tế thị trường, và (2) tháo bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Hôm Thứ Ba, 10/5 tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel khi được hỏi liệu Tổng thống Obama có dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sau chuyến thăm viếng này hay không đã trả lời rằng “chưa có quyết định nào về chuyện này”. Tuy nhiên, ông Russel nói thêm “lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam vốn đã được áp đặt trong nhiều thập kỷ qua vẫn được tái xét định kỳ.” Phú tá Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại là Hoa Kỳ đã bỏ một phần lệnh cấm này đối với Việt Nam trong năm 2014 cho phép Hà Nội mua một số trang bị quốc phòng giúp bảo vệ duyên hải và mặt biển. Ông nhấn mạnh rằng việc dỡ bỏ một phầnlệnh cấm vận đó đã thể hiện mối quan hệ an ninh-quốc phòng chiến lược giữa 2 nước đang tăng lên.

Phụ tá Ngoại trưởng Russel lưu ý rằng phía Hoa Kỳ đã nói rõ hồi năm 2014 và hiện nay vẫn giữ nguyên lập trường về một trong những yếu tố quan trọng để lệnh cấm bán vũ khí sát thương có thể được hủy bỏ là Hoa Kỳ cần xem xét những tiến bộ cụ thể mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực các vấn đề nhân quyền quan trọng cũng như chuyện cải cách luật pháp.

Từ nhiều năm nay nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vẫn thường xuyên yêu cầu Hoa Kỳ xem xét dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Hà Nội coi đó là biểu hiện của mối quan hệ hoàn toàn bình thường hóa giữa hai bên. Rõ ràng mối lưu tâm hàng đầu và hy vọng của Hà Nội hiện nay là mong được Tổng Thống Obama tuyên bố hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương trong chuyến thăm viếng này.

***

Phi cơ Boeing E3, AWACS (Airborne Warning And Control System) do Boeing sản xuất. Nguồn: www.militaryfactory.com
Phi cơ Boeing E3, AWACS (Airborne Warning And Control System) do Boeing sản xuất. Nguồn: www.militaryfactory.com

Một bản tin của hãng Reuters phát hôm Thứ Tư 11/5 cho biết Hà Nội vừa kín đáo và âm thầm tổ chức một cuộc hội thảo quốc phòng với sự tham dự của các công ty chuyên sản xuất chiến cụ hàng đầu của Mỹ.

Bản tin như sau

http://www.reuters.com/article/us-v…

Trong tuần này, trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm và trong lúc chính phủ Mỹ đang cân nhắc việc tháo bỏ lệnh cấm vận áp dụng với kẻ thù xưa, Việt nam đã âm thầm tổ chức một cuộc hội thảo quốc phòng có sự tham dự của các công ty sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ.

Bí mật bao trùm hoàn toàn cuộc hội thảo do nhà nước Cộng sản Việt nam tổ chức và quy tụ nhiều công ty sản xuất trang bị chiến cụ vũ khí kể cả hãng chế tạo phi cơ Boeing (BA.N) và Lockheed Martin (LMT.N). Cuộc hội thảo này hoàn toàn không được hệ thống truyền thông do nhà nước kiểm soát đề cập tới và cũng không thấy bóng một ký giả ngoại quốc nào chuyên về đề tài quốc phòng tham dự. Hãng Reuters đã hết sức cố gắng xin phép tham dự nhưng không được và rồi cũng không thể liên lạc với Bộ Quốc Phòng (CS) Việt Nam để phỏng vấn.

Trong tình hình Trung Cộng tăng cường nỗ lực củng cố các hòn đảo trên biển Đông (Nam Hải) mà họ đã chiếm hoặc vừa mới bồi đắp, Việt Nam đang ra sức xây dựng sức mạnh quân sự và hiện đứng thứ 8 thế giới về khoản nhập cảng vũ khí nhiều nhất. Theo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm, kết quả theo dõi tình hình mua bán vũ khí trong 5-năm qua cho thấy tổng trị giá khối lượng khí tài quân sự Việt Nam đã nhập cảng từ 2011 đến 2015 tăng tới 699% so với thời gian 5 năm từ 2006 đến 2010.

Cuộc hội thảo ở Hà Nội đã được triệu tập giữa lúc chính phủ Mỹ đang có cuộc tranh luận nội bộ về việc có nên đáp ứng lời yêu cầu lâu nay của Hà Nội xin Hoa Kỳ tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí, chứng tích cuối cùng của thời kỳ chiến tranh giữa 2 bên. Vào cuối năm 2014 Hoa Thịnh Đốn đã nới lỏng một phần lệnh cấm này nhưng đã tuyên bố rằng việc hủy bỏ hoàn toàn tùy thuộc vào chuyện Việt Nam có chứng mình được là họ thật sự có tiến bộ trong lĩnh vực cải thiện hồ sơ nhân quyền. Hồi đầu tuần này, Đặc sứ về nhân quyền của Hoa Kỳ, Phụ tá Ngoại trưởng Tom Malinowski đã đến Việt Nam và chuyến đi này được cho là để kiểm lại tình hình trước chuyến viếng thăm của ông Obama.

Từ nhiều năm qua, (CS) Việt Nam đã liên lạc với rất nhiều công ty chế tạo vũ khí Hoa Kỳ và Tây phương cho mục đích tăng cường phản lực cơ chiến đấu, trực thăng và phi cơ tuần duyên mặc dù Nga vẫn chiếm vị trí chủ đạo (trong số các nước bán vũ khí cho Việt nam).

Các nguồn tin trong giới sản xuất và buôn bán vũ khí nói rằng Hà Nội rất mong mỏi được mua vũ khí của Mỹ nhưng cùng lúc vẫn lo ngại về một lệnh cấm vận trong tương lai, cho dù lệnh cấm hiện nay có thể được hủy bỏ. Tuy nhiên Mỹ và Việt nam có chung mối lo ngại về Trung Cộng vốn đã khiến Hoa Kỳ phải cảnh giác trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh trên biển Đông (Nam Hải).

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đến thăm chính thức Việt nam vào ngày 22/5/2016 tới đây. Đây là cuộc viếng thăm Việt Nam đầu tiên của 1 Tổng thống Mỹ trong mười năm qua, cho thấy mối quan hệ giữa 2 nước càng lúc càng nồng ấm hơn so với tình trạng quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh ngày càng căng thẳng và suy giảm lòng tin vì chuyện tranh chấp chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa Trung cộng chiếm của Việt Nam.

Một phát ngôn nhân của hãng Lockheed Martin xác nhận công ty này đã tham dự cuộc hội thảo quốc phòng tại Hà Nội.

Hãng Boeing cũng xác nhận có mặt và còn nhấn mạnh rằng chuyện dự hội thảo này không hề vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đang có hiệu lực đối với Việt Nam.

Phi cơ chiến đấu F-15E Strike Eagle (Aug. 25, 2000. Nguồn: U.S. Air Force photo by Master Sgt. Thomas Meneguin.
Phi cơ chiến đấu F-15E Strike Eagle (Aug. 25, 2000. Nguồn: U.S. Air Force photo by Master Sgt. Thomas Meneguin.

Phát ngôn viên hãng phi cơ Boeing nói rõ thêm rằng bất cứ chuyện mua bán trang bị quốc phòng nào với Việt nam cũng chỉ diễn ra sau khi chính sách của chính phủ Mỹ đã thay đổi. Boeing tin rằng khả năng của các phi cơ chiến đấu và do thám họ sản xuất đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa quân đội của (CS) Việt Nam.

Trong một bài trên tờ báo mạng của Quân đội (Nhân Dân) CSVN hồi tháng Ba, Thứ trưởng Quốc Phòng Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói rằng

“mối quan hệ giữa Việt nam và Hoa Kỳ còn thiếu khoản hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng”“Hà Nội muốn Hoa Thịnh Đốn cung cấp cho mình kỹ thuật (quân sự) tân tiến, phù hợp và thích ứng (với tình hình Việt Nam).”

Tim Huxley, một chuyên gia về an ninh khu vực thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc tế ở Singapore nhận định rằng

“lý do (CS) Việt Nam mong muốn lệnh cấm vận vũ khí được Hoa Kỳ hủy bỏ, không chỉ vì muốn tiếp nhận kỹ thuật (quân sự) của Mỹ mà còn để tăng thế và lực trong việc mặc cả (với các nước chuyên cung cấp vũ khí) cho nhu cầu cải tiến khả năng quân sự, nhất là về khả năng trên không và trên biển.”

Tạp chí có uy tín Foreign Policies của Hoa Kỳ trong bài xã luận mới nhất nói rằng “bất chấp sự phản đối của một số nhà lập pháp và những người ủng hộ nhân quyền, Tổng thống Mỹ rất có thể sẽ tuyên bố chấp nhận thỉnh cầu của CSVN được hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương!”

Trong bài báo ra ngày 9/5, tạp chí FP nói,

“Có nhiều chỉ dấu cho thấy Tòa Bạch Ốc có vẻ đã sẵn sàng để kết thúc lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam trong chuyến thăm viếng — mang ý nghĩa một bước ngoặt ngoại giao — của Tổng thống Barack Obama vào cuối tháng này, bất chấp mối nghi ngại từ một số nghị sĩ dân biểu Hoa Kỳ và những người ủng hộ nhân quyền. Quyết định này có tính biểu tượng rất quan trọng trong tình hình cuộc tranh chấp ảnh hưởng trong khu vực Tây Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Cộng ngày càng tăng và cũng để khép kín khoảng ngăn cách còn sót lại trong mối quan hệ nhà nước giữa Mỹ và CSVN.

Trong khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cùng các tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ lập luận rằng “bán vũ khí cho CSVN là một bước đi chiến lược quan trọng nhằm đối phó với một Trung Cộng đang càng ngày càng công khai hành động khiêu khích, bất chấp công pháp quốc tế” ( như Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ash Carter trong 1 cuộc điều trần mới đây tại Quốc Hội, đã bất ngờ gây ngạc nhiên cho những nghị sĩ dân biểu thuộc các Ủy Ban Quân Vụ và Đối Ngoại rằng ông ta

“hoàn toàn ủng hộ việc chấm dứt lệnh cấm bán các loại vũ khí sát thương cho nhà nước (CS) Việt Nam) thì các tổ chức tranh đấu bảo vệ cho nhân quyền và dân quyền cùng một số nghị sĩ dân biểu Hoa Kỳ lo ngại là Tòa Bạch Ốc có nguy cơ hủy bỏ chiếc đòn bẩy áp lực rất quan trọng đối với CSVN mà không nhận được đầy đủ những nhượng bộ, đáp ứng đúng mức của Hà Nội.”

Nhiều nghị sĩ và dân biểu, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ cầm quyền – kể cả Thượng Nghị sĩ đảng Dân Chủ Patrick Leahy, người chủ trương tán thành việc mở rộng thêm mối quan hệ mọi mặt với chế độ CSVN – đã lên tiếng phản đối và đòi chính phủ Mỹ cần phải

“giữ lại những phần qan trọng nhất của lệnh cấm vận vũ khí chừng nào vẫn chưa có bằng chứng thật cụ thể và khả tín về chuyện đã tiến bộ thật sự trong lĩnh vực dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, nơi nhà cầm quyền Hà Nội thường xuyên đàn áp mọi bất đồng chính kiến và bắt bớ giam cầm tất cả những ai bị coi là chống đối chế độ.”

TNS Leahy tuyên bố dù ông vẫn chủ trương là Hoa Kỳ cần mở rộng hơn nữa quan hệ với (CS) VN về mọi mặt – kể cả viện trợ kinh tế – và dù đã có dấu hiệu tương đối cởi mở về quyền ngôn luận, nhưng ông vẫn muốn biết chắc CSVN cam kết sẽ làm gì về vấn đề nhân quyền nếu được Hoa Kỳ tháo bỏ lệnh cấm vận để cho phép Hà Nội mua các loại vũ khí ‘mang tính sát thương mạnh của Mỹ’. Phụ tá của TNS Leahy nói

“Chính phủ Mỹ phải thận trọng và mạnh mẽ để biết chắc Hà Nội cam kết sẽ làm gì và lời hứa đó sẽ được giám sát và kiểm soát ra sao, chứ không thể ký một tấm chi phiếu khống rồi giao cho ban lãnh đạo CSVN muốn điền số tiền là bao nhiều thì điền!”

Theo Giám đốc phân bộ Á Châu của Human Rights Watch, John Sifton thì

“Tháo bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho (CS)VN ngay lúc này là quá sớm và không thích đáng, trừ phi Hà Nội có biện pháp cụ thể và thực tâm muốn giải quyết tình trạng hồ sơ nhân quyền quá tồi tệ của họ.”

Một góc đoàn biểu tình ở Sài Gòn (bên hông nhà thờ Đức Bà).
Một góc đoàn biểu tình ở Sài Gòn (bên hông nhà thờ Đức Bà).

Trong Quốc hội Mỹ hiện vẫn còn những quan điểm duy trì lệnh cấm vận vũ khí cho tới khi nào Hà Nội chứng minh cụ thể được họ đã thực tâm cải tiến tình hình nhân quyền và luật pháp. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, TNS Cộng Hòa Bob Corker hồi năm 2014 đã ủng hộ và tán thành quyết định giải tỏa một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Hà Nội nhưng lần này ông có quan điểm dè dặt hơn về đề nghị của Tòa Bạch Ốc muốn bỏ hoàn toàn lệnh cấm. Ông Corker nói rằng bất kỳ sự thay đổi nào rộng lớn hơn trong chính sách đòi hỏi phải xem xét thật kỹ và phải phù hợp với lợi ích của Mỹ, và phải gồm cả những mong muốn về sự tiến bộ rõ rệt của Hà Nội trong lĩnh vực nhân quyền. Đại diện đảng Dân Chủ trong Ủy ban đối ngoại, Thượng nghị sĩ Ben Cardin, cũng nói sẵn sàng ủng hộ đề nghị tháo bỏ lệnh cấm nếu vấn đề nhân quyền được xem xét kỹ lưỡng. Theo ông Cardin,

“điều rất quan trọng cho Hoa Kỳ trong việc xây dựng một chiến lược hợp tác đa diện với Việt Nam là phải thấu đáo để bảo đảm việc bán vũ khí phải có tiềm năng thích ứng với mối quan hệ song phương của nước Mỹ và hỗ trợ cho sự ổn định trong khu vực.”

Ông Cardin từng đến Việt Nam hồi năm 2014 và đã nêu mối quan ngại của mình về nhân quyền với một số viên chức cao cấp CSVN, kể cả Thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng.

Ngược lại, không phải Hà Nội không có đồng minh tại Mỹ. Nhiều người cổ vũ chuyện tháo bỏ ngay lệnh cấm vũ khí nói rằng (CS) Việt Nam đã đạt được tiến bộ theo thời gian về các vấn đề nhân quyền và kỷ lục của Hà Nội xem ra vẫn khá cao so với một số đối tác của Hoa Kỳ bị cáo buộc có thành tích tồi tệ hơn nhiều như Saudi Arabia hay Ai Cập. Một chuyên viên hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Hoa Thịnh Đốn (tổ chức được xem là rất có ảnh hưởng với cả hành pháp lẫn lập pháp Mỹ về chiến lược) Gregory Poling nói

“Nhân quyền không phải là chuyện tuyệt đối mà phải đánh giá dựa trên một quy mô tương đối. Chúng ta cần thưởng cho những người đang cải thiện và trừng phạt những kẻ đang đi thụt lùi”, và theo ông ta thì “Hà Nội đang nằm trong quỹ đạo có chiều hướng đi lên (tức tiến bộ chứ không thụt lùi)”. Theo Poling, “(CS) Việt Nam đang phải nỗ lực để có thể cùng tồn tại bên cạnh Trung Cộng, kẻ láng giềng lúc nào cũng chực chờ sát biên giới phía bắc của họ, nhưng họ đang tuyệt vọng trong việc tìm kiếm để chuẩn bị càng nhiều trang bị chiến lược càng tốt và chỉ có Hoa Kỳ có được chìa khóa giúp họ cơ hội đó mà thôi. Chúng ta (tức Hoa Kỳ) không nên bỏ lỡ!”

***

Như thế rõ ràng trong chuyến đi sắp tới đây của Tổng thống Barack Obama, Tòa Bạch Ốc đã có kế hoạch là sẽ đồng ý tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho CSVN được phép mua những vũ khí quan trọng của Mỹ. Vấn đề là khối công dân Hoa Kỳ gốc Việt – nói riêng – và người Việt khắp nơi, kể cả 92 triệu dân trong nước, nói chung, sẽ làm gì và làm thế nào để có thể tác động mạnh mẽ lên quyết định này nhằm buộc chế độ cầm quyền tại Hà Nội hiện nay phải thực thi các biện pháp cải cách dân chủ và tôn trọng nhân quyền để chính người dân Việt Nam được quyền quyết định về tương lai đất nước!

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Chuyện Việt Nam: Hoa Thịnh Đốn, Hà Nội, nhân quyền và súng đạn Hon Viet Facebook, May 12, 2016

1 Comment on “Washington – Hà Nội: Nhân quyền và súng đạn

  1. MỘT LÀ HAI LÀ

    Môt là vũ khí sát thương
    Đi kèm dân chủ anh bương đường nào
    Hai là Hiệp nghị Thành Đô
    Cả hai cái ấy cái nào ưu tiên ?

    Sát thương nhằm chống biển người
    Còn như dân chủ để đời tự do
    Chỉ duy Hiệp nghi Thành Đô
    Có hay không có làm người hoang mang ?

    Cả hai trái khoáy rõ ràng
    Dễ nào đâu cả hai đàng chọn hai
    Nên thôi phải chọn rạch ròi
    Sát thương, dân chủ, còn ba thì đừng !

    Nhanh lên chớ có lừng khừng
    Coi chừng dụ dự trễ tàu nghe anh
    Việc này tránh kiểu loanh quanh
    Phải cần thẳng thắn tâm tình mới hay !

    Chuyện xưa khác với chuyện nay
    Gió Đông chuyển hướng gió Tây đều thường
    Có gì đâu để vấn vương
    TÌnh xưa đã dứt chọn đường mới thôi !

    Chớ nên uổng phí tháng ngày
    Tuổi già ập đến tóc tai còn gì
    Thanh xuân há để trôi đi
    Cuộc tình chớm nở tốt thì cứ theo

    TRĂNG NGÀN
    (13/5/16)