Dương Nghiễm Mậu (1936-2016)

Lâm Bình Duy Nhiên

dnmDương Nghiễm Mậu, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam, vừa qua đời vào tối 2/8/2016 tại Sài Gòn, hưởng thọ 81 tuổi.

Dương Nghiễm Mậu, hiện thân đau thương của văn học miền Nam trước 1975
Nguồn: TQBT
Nguồn: TQBT

Sinh ra tại làng Mậu Hòa, tổng Dương Liễu, huyện Đan Phương, tỉnh Hà Đông. Dương Nghiễm Mậu cũng như hàng triệu đồng bào miền Bắc đã di cư vào Nam khi đất nước bị chia đôi sau Hiệp định Genève (1954). Được sống trong một bầu không khí tự do, nhân bản, khuyến khích sự sáng tạo, trong suốt hai thập kỷ 60-70, ông đã để lại nhiều tác phẩm văn học quan trọng như “Cũng Đành”, “Địa Ngục Có Thật”, “Quê Người”, “Gia Tài Của Mẹ”, “Gào Thét”, “Sống Đã Chết”…

Nhắc đến Dương Nghiễm Mậu, chúng ta không khỏi bùi ngùi nghĩ đến số phận những người cầm bút của nền văn học miền Nam sau biến cố 30/4/1975. Cần nhắc lại rằng trong suốt giai đoạn đất nước bị chia đôi, chiến tranh triền miên, miền Nam vẫn là mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ cho giới văn nghệ sĩ. Văn học nghệ thuật miền Nam đã sinh ra những tên tuổi xuất sắc như Võ Phiến, Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Du Tử Lê, Phạm Thiên Thư, Tuệ Sĩ, Thanh Tâm Tuyền, Lê Đình Điểu… Nhiều tác phẩm giàu tính nhân văn của họ, lẽ ra phải được tôn vinh trong kho tàng văn học nghệ thuật nước nhà, nhưng buồn thay lại bị rơi vào lãng quên…

Giới văn nghệ sĩ trong và ngoài nước đã viết nhiều về cuộc đời cũng như tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu trong những ngày qua. Riêng đối với một kẻ hậu sinh như tôi, ông và bao nhà văn khác của miền Nam, luôn khơi dậy một sự tò mò, thôi thúc lén lút tìm
hiểu, tìm đọc bất chấp nỗi lo lắng, bất an của cha mẹ trong những năm tháng khó khăn tột cùng tại quê nhà.

Sáng nay, tình cờ đọc được một mẩu tin ngắn trên tờ báo mạng Vnexpress viết về Dương Nghiễm Mậu. Tin thật ngắn, trong đó có đoạn:

“Dương Nghiễm Mậu là một tên tuổi của dòng văn học miền Nam. Nhưng từ khoảng năm 1977 đến nay, ông chủ yếu làm nghề sơn mài mỹ nghệ. Dù có tay nghề cao trong lĩnh vực sơn mài, ông chỉ tự nhận mình là nhà văn làm thợ sơn mài.”(1)

Lặng người!

Một sự chán chường tột đỉnh xâm chiếm tâm trí tôi. Buồn quá! Từ “nhưng” trong bài báo sao nghiệt ngã và tàn nhẫn thế! Trớ trêu thay, nó lại phản ánh bộ mặt thật của cả hệ thống báo chí trong nước đối với những nhà văn, nhà thơ miền Nam. Đó là sự nhỏ mọn, ích kỷ của chế độ đối với những tinh hoa của dân tộc!

Làm sao một nhà văn đang trong giai đoạn sáng tác mạnh mẽ nhất lại có thể bỏ cây viết, để nhảy ra làm thợ sơn mài để kiếm sống, và chỉ từ năm 1977?

Đằng sau từ “nhưng” ấy là cả một sự thật hãi hùng, là những chuỗi ngày đen tối nhất, tủi nhục và đáng quên nhất trong lịch sử dân tộc. Hàng triệu người bỏ nước ra đi tìm tự do, bất chấp hiểm nguy sau ngày 30/4/1975. Trên phương diện văn hóa nghệ thuật, nhà cầm quyền CSVN với chủ trương “Phải nhổ tận gốc rễ những nọc độc về tư tưởng văn hóa, nô dịch, lai căng, đồi trụy cực kỳ phản động cùng các hủ tục, mê tín, dị đoan lan tràn” đã tiến hành cuộc thanh trừng nhằm xóa bỏ cả một nền văn học, văn hóa miền Nam.

Biết bao tác phẩm quan trọng đã bị tịch thu, đốt cháy. Biết bao gia đình lo sợ đã tìm mọi cách vứt bỏ, thủ tiêu những sách báo, tài liệu, âm nhạc, hay đơn giản bất cứ những gì dính líu đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của chế độ cũ. Thậm chí người ta còn dị nghị nhau, sợ bị tố nếu như còn dám tàng trữ đôi cuốn sách, dăm bài báo!

Và đỉnh điểm cho sự trả thù của những kẻ chiến thắng chính là trại tù học tập cải tạo.

Không chỉ riêng giới nhà binh, công chức của VNCH, Dương Nghiễm Mậu cùng bao nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo… đã bị tước đoạt cuộc sống, quyền công dân, sự tự do, sức sáng tạo và tài năng trong những năm tháng tù tội nơi rừng sâu, nước độc. Ra tù, họ lại phải đối phó với nghèo khổ, phải bươn chải kiếm sống khi chế độ vẫn muốn đào thải, ruồng bỏ họ. Làm sao có thể viết, sáng tác khi tinh thần bị bức bách, kiềm chế, uy hiếp và khủng bố.

Ngay cả khi chọn con đường ra đi, rời bỏ quê hương, sống tự do, người văn nghệ sĩ miền Nam vẫn phải lang bạt mưu sinh nơi xứ người. Những tác phẩm của họ cũng thưa dần. Nghiệp bút chỉ là nghề phụ khi phải quần quật làm việc hàng ngày nơi hãng xưởng.

Ở lại trong nước, viết không được. Phải bẻ cong ngòi bút, phải hèn mới có thể sống. Nhưng Dương Nghiễm Mậu chọn lương tâm. Không có tự do, không sáng tạo. Đơn giản thế thôi! Ông thà “lo làm thợ cho con ăn cơm sống lương thiện, còn dành thì giờ rảnh đọc cổ văn, dạy ca dao, truyện cổ…” như lời tâm sự với bạn, thi sĩ Viên Linh.(2)

Sau 1975, ít ai biết đến ông. Tác phẩm của ông bị rơi vào quên lãng, bị cấm đoán. Thế hệ trẻ sinh ra trong những năm đầu của thập niên 70 vẫn không hề được đọc sách ông một cách công khai. Học sinh, sinh viên trong nước, đại đa số, chắc chắn chẳng biết gì về ông, về cả cái nền văn học nghệ thuật miền Nam phong phú, đa dạng.

Những ai có may mắn, được tiếp xúc, đọc lén những tùy bút, truyện ngắn của ông lại qua lời chỉ bảo của gia đình. Có người, can đảm, có lòng, cất giấu vài cuốn như của quí. Nhưng bi thảm đến nỗi, đói quá, bán tháo, bán chạy dăm ba xu để mua ít bo bo nuôi con. Nhiều tác phẩm có giá trị của miền Nam lại trôi dạt trên những vỉa hè tại Sài Gòn, vứt tung tóe bên cạnh đồ phụ tụng xe đạp, để được bán đổ bán tháo…

Và dẫu sau này, khi Việt Nam mở cửa, một số ít tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu được phát hành lại (năm 2007) thì ông cũng còn phải chịu sự tấn công, mạt sát của Vũ Hạnh, đại diện cho nền văn học chính thống đương quyền!

Sách và tác phẩm của miền Nam, nếu có được phát hành lại, thì cũng phải chịu sự kềm kẹp, cắt xén, chỉnh sửa lại theo ý muốn của nhà nước. Không là ngoại lệ cho bất cứ tác giả nào!

Chỉ một bài báo ngắn, với một cách dùng từ có chủ đích, người ta dường như vẫn chưa muốn buông tha kẻ vừa nằm xuống. Chưa muốn buông tha những người cầm bút bại trận. Họ vẫn lo ngại, ganh ghét cái sự tự do, cái tính nhân bản, sự lãng mạn, tiến bộ đã in hằn qua từng trang sách, bài thơ hay bản nhạc của giới văn nghệ sĩ miền Nam.

Tôi chợt nhớ lại một ngày trung tuần tháng 7 vừa qua, một mình lang thang tại Peek Family, nghĩa trang của người Việt tỵ nạn cộng sản tại vùng Little Saigon, miền Nam California. Trong cái nắng gắt đến cháy da, cỏ nơi đây vẫn xanh miết. Không khí tĩnh lặng. Loay hoay tìm mộ phần của những người Việt nổi tiếng, tôi bắt gặp ngôi mộ của nhà văn Mai Thảo. Cảm động khi đọc những vần thơ được chạm trên mộ:

“Thế giới có triệu điều không thể hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.”

Chàng thi sĩ tài hoa bạc mệnh Nguyễn Tất Nhiên, tác giả của những vần thơ day dứt tâm hồn, cũng an nghỉ nơi đây.

“Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định!”

Tôi cũng thấy nơi an nghỉ cuối cùng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và nhiều người khác, để rồi kính cẩn trước phần mộ của Nguyên Sa. Chắc chắn chỉ khi được sống trong một khung cảnh cởi mở, giàu cảm xúc mới có thể thốt nên những lời thơ thật đẹp:

“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường”

Buồn, khóe mắt cay cay, suy nghĩ miên man. Những đứa con Việt vô danh và những kẻ nổi tiếng một thời giờ quay về với cát bụi. Những tinh hoa của nền văn hóa nghệ thuật tại miền Nam phải an nghỉ cách xa nơi chôn nhau cắt rốn đến hơn chục ngàn cây số. Khát vọng sống mãnh liệt hơn mọi hiểm nguy đã đưa đẩy họ rời xa quê hương để tiếp tục duy trì sự tồn tại của cả một nền văn học vốn bị mai một qua năm tháng.

Có lẽ, đến những giây phút cuối đời, họ vẫn dõi mắt ngóng trông về quê hương, về đất Mẹ mến thương với một tình yêu bao la và khoan dung.

Số phận của Dương Nghiễm Mậu cùng bao trí thức, nhà văn, nhà thơ miền Nam bị kẹt lại trong nước và cả những người đã thoát ra ngoài để tiếp tục nghiệp cầm bút khiến chúng ta phải suy tư, chất vấn, dằn vặt về những biến cố đã và đang xảy ra tại quê hương. Một dân tộc bị bắt buộc chối từ những di sản văn học, những luồng tư tưởng cởi mở, tự do bởi những lập luận chính trị phi lý, nhỏ mọn là một dân tộc yếu đuối, bệnh hoạn và…đáng thương!

Biết bao tài năng, tinh hoa của dân tộc (kể cả những người sống tại miền Bắc) đã bị triệt hại, bức bách để nhường chỗ cho một nền văn học nghệ thuật tù túng, dối trá, giáo điều, sáo rỗng, nhuốm màu tuyên truyền chính trị. Lẽ ra, những người cầm bút, làm nghệ thuật, chính là những kẻ tiên phong, mở đường, đưa dân tộc có đủ nghị lực để vượt qua những thời khắc bi thương, tăm tối. Giam cầm tư tưởng, tinh thần, tri thức và sức sáng tạo của họ là một tội ác lớn. Nó đã cố tình hay vô tình kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Ôi, đây mới chính là nỗi bất hạnh lớn nhất của dân tộc Việt!

6/8/2016

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa.

(1) http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/nha-van-duong-nghiem-mau-qua-doi-3446696.html
(2) Thư Dương Nghiễm Mậu viết gởi thi sĩ Viên Linh, http://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/vinh-biet-duong-nghiem-mau/

1 Comment on “Dương Nghiễm Mậu (1936-2016)

  1. CHÍNH TRỊ VÀ VĂN HÓA

    Chính trị và văn hóa là hai phạm trù hoạt động rộng lớn nhất xưa nay của nhân loại. Từ cổ chí kim vẫn thế. Ngày nay có chính trị toàn cầu và chính trị mỗi quốc gia, có nền văn hóa riêng của mỗi dân tộc, và nền văn hóa toàn thế giới, cũng thế.

    Thật ra mục đích cao nhất của chính trị là văn hóa mà không phải ngược lại. Hiểu ngược lại là cách hiểu của kẻ độc tài, của kẻ phản động. Mao Trạch Đông hiểu chính trị trên đầu súng, tức chính trị cưỡng bức, văn hóa dĩ nhiên cũng là văn hóa cưỡng bức, nói khác đó là vô chính trị, vô văn hóa theo ý nghĩa khách quan nhất của nó. Bởi vì nó nhất thiết dẫn đến coi trí thức thua cả cục phân, và quan điểm trí phú địa hào đào tận gốc bốc tận rễ.

    Văn hóa như thế là văn hóa đi ngược lại chính trị chân chính, và chính trị tà ma thì cũng dẫn tới văn hóa phi chân chính. Có nghĩa chính trị chân chính luôn đi đôi với văn hóa chân chính, nếu một trong hai không chân chính cũng dẫn tới cái kia không chân chính,
    cũng dẫn tới xã hội không chân chính, trở thành ngụy chính trị, ngụy xã hội là như thế.

    Thời xuân thu chiến quốc xa xưa bên Trung Quốc, khi Tần Thỉ Hoàng thống nhất được các nước, áp dụng chính sách độc tài mà khởi đầu là sự kiện đốt sách chôn nho (phần thư khanh nho) để nhằm tóm thu mọi quyền lực của xã hội vào tay cá nhân hoàng đế duy nhất. Lý do bách gia chư tử (mỗi nhà một sách) là chân chính về mặt tự do và phát triển văn hóa, nhưng lại không phù hợp chính sách ngu dân bưng bít và tôn vinh duy nhất quyền lực của nhà vua bạo chúa.

    Dưới thời Mao Trạch Đông nắm quyền, cũng xảy ra sự kiện gọi là cách mạng văn hóa để nhằm tiêu diệt văn hóa. Tức văn hóa chung, truyền thống bị tiêu diệt, chỉ còn lại kiểu văn hóa vô sản mà tư tưởng Mao trở thành điển hình, bó buộc. Đó cũng là lý do tại sao sau 1975, có chiến dịch truy lùng, tịch thu và đốt bỏ nhiều sách vở văn hóa của Miền Nam cũ, cho đó là văn hóa đồi trụy, phản động, để còn lại việc tuyên dương duy nhất văn hóa cách mạng mà thực chất nó là văn hóa vô sản kiểu tư tưởng mác xít.

    Như vậy chính trị chân chính và văn hóa chân chính là gì, đó là điều cần nên nói tới. Chính trị chân chính là chính trị bảo đảm xã hội phát triển về văn hóa mà không gì khác. Văn hóa chân chính là văn hóa nhằm phát triển chính trị sao cho tốt nhất, phát triển xã hội sao cho tốt nhất, phát triển con người sao cho tốt nhất. Có nghĩa văn hóa không chân chính là văn hóa chỉ làm tôi mọi chính trị, và chính trị không chân chính là chính trị lũng đoạn văn hóa, lũng đoạn xã hội để nhằm trục lợi theo nghĩa riêng tư nào đó.

    Thực chất, văn là vẻ đẹp, còn hóa là sự phát triển. Văn hóa là sự phát triển đi lên của xã hội loài người trong mọi hình thức đẹp đẽ hay tốt đẹp của nó. Văn hóa là giai đoạn xã hội con người tách khỏi tự nhiên và đi lên. Thiên nhiên cũng có vẻ đẹp riêng của nó, nhưng đó là vẻ đẹp ngoại tại, không phải vẻ đẹp trong tâm hồn con người. Chính con người tiếp thu cái đẹp trong tự nhiên để làm thành cái đẹp trong tâm hồn của mình, vì thiên nhiên tự nó không có văn hóa, chỉ xã hội con người mới có văn hóa.

    Nói khác văn hóa chính là sự nhận thức và việc áp dụng sự nhận thức đó vào cho đời sống xã hội. Xã hội con người gồm cái toàn thể mọi con người và cái cá thể riêng của từng cá nhân. Cái toàn thể mọi người khác làm nền cho mỗi cá nhân. Không có cái nền chung cũng không thể có cá nhân về mọi mặt. Nhưng cá nhân là cái cao nhất của chính nó trên cái nền chung đó. Giống như trên mặt cầu, điểm nào cũng là điểm cao nhất của toàn thể mặt cầu. Có nghĩa nếu không có cá nhân đó, xã hội cũng chẳng còn là gì đối với nó nữa. Cho nên cách hiểu xã hội hoàn toàn theo tập thể kiểu nửa mùa của Mác, thậm chí nâng cao giai cấp lên theo kiểu phiến diện của Mác, chỉ cho thấy sự ngu dốt, sự hợm hĩnh và sự ngông cuồng của Mác.

    Bởi vậy ý thức xã hội đúng nghĩa là bảo đảm sự an toàn, phát triển của cá nhân trước đám đông, không phải sự chà đạp, sự hi sinh vô lối cá nhân cho đám đông. Bởi cá nhân là nguyên tử tạo thành của xã hội, không có cá nhân cũng không có xã hội. Quan điểm tập thể như là giá trị duy nhất của người mác xít tưởng đâu hay, nhưng thực chất đẩy đến tận cùng nó là phi nhân bản, phản nhân bản, bởi vì cá nhân riêng biệt, độc lập, độc đáo bị chà đạp, bị triệt phá, bị tiêu hủy bởi cái xã hội vô danh, phi nhân cách, nhiều khi vô luân. Nói cách khác mọi giá trị của xã hội đều do từng cá nhân mang lại, không có cái gì xã hội vốn tự có và mang đến cho cá nhân cả.

    Văn hóa chính là sự tiến hóa, sự phát triển của từng con người hợp lại, không phải phát sinh từ xã hội nói kiểu chung chung. Cho nên cái quan điểm xã hội tập thể như kiểu trại lính, trại chăn nuôi hoàn toàn rập khuôn, máy móc, mà Mác hiểu là chủ nghĩa xã hội, thực chất là một quan niệm phản khách quan, phản nhân tính, phản động vì quay trở về lại nhiên giới của Mác. Như thế văn hóa không phải chỉ có nghĩa cái đẹp, mà còn có nghĩa sự hợp lý, khoa học, và kể cả đạo đức. Nói chung văn hóa là nhân văn, mà nhân văn thì bao hàm hết mọi ý nghĩa và mọi đặc điểm hay mọi chân giá trị của con người. Nói khác nội hàm của văn hóa và nội hàm của nhân văn chỉ là một, hàm lượng của văn hóa cũng là hàm lượng của nhân văn và ngược lại.

    Nói cụ thể hơn, văn hóa trong xã hội loài người bao gồm hai phương diện, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Văn hóa vật chất là văn hóa vật thể, văn hóa tinh thần là văn hóa phi vật thể. Nền văn minh nhân loại bao gồm cả hai ý nghĩa văn hóa đó, tức văn hóa hữu hình và văn hóa vô hình. Văn hóa hữu hình là toàn bộ thế giới vật chất mà con người tạo ra trong lịch sử để phục vụ cho mọi nhu cầu sinh tồn và phát triển của xã hội. Văn hóa hữu hình thì hoàn toàn nằm bên ngoài con người, nhưng nằm bên trong của xã hội. Văn hóa hữu hình là văn hóa nằm ngay trên mọi sự vật cụ thể mà xã hội con người dùng đến. Văn hóa vô hình là văn hóa nằm bên trong ý thức tâm lý hay hiểu biết của mỗi cá nhân. Nó hòa trộn vào chính sự phát triển hay trình độ nhận thức của mỗi cá nhân. Nó chính là nội dung, nội tâm, tâm hồn, hoặc cả trí tuệ, tâm lý, tinh thần, tình cảm, hoặc năng lực của mỗi cá nhân.
    Tất nhiên văn hóa không bao giờ tự có mà do giáo dục mới có. Truyền thống văn hóa trong xã hội, truyền thống văn hóa trong gia đình, kết quả giáo dục ở học đường, kết quả giáo dục tự học tập và tự rèn luyện, đó chính là kết quả nói chung của văn hóa được thủ đắc qua lịch sử, qua thời gian, qua kinh nghiệm, qua đào tạo mà mỗi cá nhân có được, và nó cũng dần dần tạo thành kết quả văn hóa chung, phát triển văn hóa chung của toàn xã hội. Văn hóa cá nhân phát triển tự trong đầu óc của con người, văn hóa xã hội phát triển qua mọi vật thể, mọi loại hình cấu thành mà xã hội có được. Xã hội không hề có ý thức riêng, vì xã hội không phải là một sinh vật cụ thể, nhưng ý thức xã hội là ý thức của mọi cá nhân cấu thành ra xã hội đó. Do vậy ý thức cá nhân là xác định còn ý thức xã hội thì không xác định. Điều này thu hẹp lại thì ý thức giai cấp, nếu có, cũng hoàn toàn như thế.

    Bởi vậy đóng góp cho ý thức xã hội chính là từ mỗi ý thức cá nhân, sự hiểu biết của xã hội chính là sự hiểu biết của mọi ý thức cá nhân hợp lại. Điều này tạo nên thành quả văn hóa nói chung, nó nằm trong kho tàng văn hóa, trong phong tục tập quán, trong sách vở, sách vở noài đời cũng như trong thư viện, trong báo chí thông tin truyền thông hàng ngày, trong sinh hoạt, giao tiếp, hoạt động hằng ngày về mọi phương diện của một xã hội cụ thể. Văn hóa đương nhiên phải có nền tảng kinh tế. Nhưng kinh tế chỉ như chất liệu, như phân bón phục vụ sự tăng trưởng của cái cây văn hóa, văn hóa không phải do vật chất tiết ra như quan niệm ngu dốt của Ănghen và Mác. Quan niệm hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc mà Mác đưa ra chỉ là quan điểm duy vật thô lậu, giản đơn, ấu trĩ. Mác chỉ nói bừa mà không giải thích tại sao có cơ chế đó và nó vận hành cụ thể như thế nào. Rất nhiều lập luận thô lậu của Mác cũng kiểu như thế, chỉ nói kiểu phang ngang bửa củi mà chẳng cần lý giải khoa học, chính xác, khách quan hay cụ thể.

    Thật ra văn hóa cũng giống như cái cây, văn hóa xã hội hay văn hóa cá nhân cũng thế. Cái cây tăng trưởng, lớn lên, phát triển qua thời gian và qua lịch sử. Cây lá của nó có hái thì mới ra cây lá khác, nếu không thì cũng chỉ để rụng. Ý nghĩa của nhà văn, nhà tư duy, nhà nghệ thuật trong xã hội cũng thế. Phải được tự do sáng tác, phải được đóng góp tự nhiên cho xã hội, nếu không chỉ bị thui chột, chẳng ai thụ hưởng được thành quả của nó cả. Trong xã hội độc tài, mọi cái đều được chỉ huy máy móc, đó là xã hội phản động cực độ, văn hóa trong nó tựa như cái cái cây không được bón phân, trở thành loại cây khô, cây giả, hoa và trái có khi được kết lên kiểu như hoa và trái giả, chẳng hữu ích thực sự cho ai và cũng chẳng có ý nghĩa hay hữu ích gì thiết thực cả. Trong khi đó văn hóa nơi xã hội và cá nhân nếu không được phát triển tự do thì chỉ khô tóp. Văn hóa nơi mỗi cá nhân cũng giống như cành nhánh trong cây văn hóa của toàn xã hội, hay văn hóa trong toàn xã hội cũng chẳng khác cánh rừng rộng khắp kết từ những cây văn hóa phát triển nơi từng cá nhân. Triệt tiêu mọi phát triển văn hóa tự do dân chủ, đó thực chất là tội ác của học thuyết Mác một cách kinh hoàng mà từ cổ chí kim hoan toàn chưa có.

    Bởi hưởng thụ văn hóa là tiện ích chung của mọi người, của toàn xã hội. Nhưng tạo ra mọi thành quả văn hóa cho người khác hưởng thụ, đó phải thuộc những lớp người tài năng qua thời gian và qua phát triển lịch sử. Họ có thể là những nhà văn học, những nhà nghệ thuật, những nhà tư duy triết học, những nhà khoa học mọi loại nói chung. Họ không nhất thiết thuộc riêng một giai cấp nào cả nhưng thuộc chung mọi giai cấp của toàn xã hội. Học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác rõ ràng là học thuyết chỉ thiên về kinh tế, chỉ khung trong kinh tế, trong quan niệm vật chất duy vật kiểu thiển cận, tầm thường, nhưng không vượt lên được hướng văn hóa, tinh thần là gì. Mác quan niệm tất cả chỉ là vật chất, văn hóa hay tinh thần cũng chỉ là vật chất được biến thái ra, thật là một quan điểm hạn hẹp, thấp kém và tầm thường đến độ dốt nát. Học thuyết Mác quả thật là một học thuyết xuyên tạc cả mặt kinh tế lẫn cả mặt văn hóa.

    Thật sự kinh tế phát triển không phải do đấu tranh giai cấp như Mác tưởng mà do hàm lượng của khoa học kỹ thuật được tích lũy và phát huy trong nó. Cũng như văn hóa phát triển không phải do phản ảnh gương máy móc của kinh tế mà do sự tăng trưởng và phát triển của chính bản thân trí tuệ và ý thức của con người. Thành tựu của khoa học kỹ thuật mọi loại thực chất là thành tựu của trí tuệ khám phá mọi mặt của con người. Thành tựu văn hóa mọi mặt là thành tựu của tinh thần, ý thức, tài năng sáng tạo của con người. Mác chỉ nhìn thấy duy nhất có vật chất, chỉ thu mình vào quan điểm duy vật, đó không phải đầu óc của con người thông minh hay nhìn xa thấy rộng. Tính nông cạn, tính nghèo nàn, tính thô lậu, tính thiển cận trong mọi quan niệm của Mác là như thế. Đã thế Mác còn độc đoán và ngụy biện, khiến nhiều người mê lầm và khiếp sợ, đó chính là tai nạn hay nguy hiểm ngay từ đầu của học thuyết Mác đối với nhân loại. Chính cái ngụy tạo lại được bọc vỏ như chân lý thật sự nó còn nguy hiểm hơn mọi sự dốt nát, mọi sự tà mị, bởi vì nó gây lầm lẫn mà khó có ai khám phá ra được.

    Vậy để kết luận, sứ mệnh của nhà văn học là sứ mệnh của văn hóa. Nhà văn dùng kinh nghiệm bản thân, dùng mọi thông tin và nhận định về xã hội trong hiện thực mà mình đã kinh qua để phát họa lên bức tranh xã hội, cho dù toàn diện hay manh mún nhưng cũng đều ích lợi cho tất cả mọi người. Đó là sự đóng góp cho xã hội một cách tích cực và trực tiếp nhất. Bởi văn chương là công cụ gây cảm xúc, tác đồng vào tình cảm cách hiệu quả nhất. Hiệu lực của văn chương là hiệu lực đại chúng, vì nó lan tải rộng khắp đến tất cả mọi nơi, mọi người. Nghệ thuật văn chương, nghệ thuật viết văn, đó là nghệ thuật hấp dẫn nhất, thu hút và lay động lòng người nhất mà ít có nghệ thuật nào hiệu quả bằng hay theo kịp. Thi ca, hội họa, âm nhạc, tuy có chọn lọc hơn, súc tích hơn, sâu lắng hay
    độc đáo hơn, nhưng về mặt hiện thực và phân tích vẫn hoàn toàn hạn chế, khôn thể nào phong phú được như văn học. Đặc biệt tác phẩm truyện ngắn hay tiểu thuyết, đó là sân chơi tưng bừng, phong độ nhất mà chỉ nhà văn đặc biệt mới có được.

    Thế nhưng nếu nhà thơ thì được quyền tưởng tượng, nhà nghệ thuật, âm nhạc được quyền hình tượng hóa, cách điệu hóa tha hồ, thì thực chất nhà văn không được những quyền đó. Bởi nhà văn phải phản ảnh sự thật mà không được xa lìa sự thật. Cho nên nếu mọi nghệ thuật không được sáo ngữ, giả dối thì văn chương lại cần phải tránh xa thật nhiều những điều đó. Người ta đọc văn học là để cảm thụ nghệ thuật văn chương, cảm thụ nghệ thuật bút pháp của nhà văn, rung động với cảm xúc, tình cảm chân thực của nhà văn về chính hiện thực xã hội. Nếu tác phẩm văn học chỉ thuần túy là giả dối, là đóng kịch, là tác phẩm rập khuôn, sao chép, làm theo chỉ thị, theo đơn đặt hàng, điều đó chỉ phản sự thật, phản xã hội, chẳng còn giá trị hay ý nghĩa gì. Cho nên cái cốt yếu của văn chương là phải nghệ thuật và phải thành thật. Chỉ cần thiếu một trong hai cái này thì cũng đã trở thành khập khễnh, què cụt lắm rồi. Thơ văn là tâm hồn, nếu tâm hồn mà giả dối cũng không còn ý nghĩa văn học đích thực nữa. Như trường hợp Phạm Công Thiện quá cường điệu về cá nhân còn Vũ Hạnh quá cường điệu về xã hội cũng là điều đáng tiếc. Đó không phải kiểu văn học để phục vụ khách quan chân lý, phục vụ chính cảm xúc, tình cảm chân thực của mình, mà là thứ chỉ nhằm khuếch đại cá nhân cách lừa dối hay theo lệnh người khác, lệnh của kẻ chỉ huy mình để lừa gạt xã hội thì thực chất nó cũng chẳng còn ý nghĩa hay giá trị cao quý gì.

    ĐẠI NGÀN
    (07/8/16)