Trung– Việt Việt–Trung: Tôi được khai minh…

Đỗ Quyên (Vancouver)

trungvietviettrung_1Bài phát biểu của tác giả tại buổi ra mắt tiểu thuyết Trung – Việt Việt – Trung, 16/7/2016, Toronto.

Nguồn: Người Viet Books / Amazon.com
Nguồn: Người Việt Books / Amazon.com

Thưa quý vị và các bạn,

Thành thực, tôi xin được nói ngay, lời phát biểu trước quý anh chị cùng các bạn có mặt tại đây hôm nay, với tôi, đó là một sự… khai minh!

Vâng, chúng ta ít nhiều cũng quen với từ “khai minh / khai sáng (enlightenment)” theo nghĩa đen là mang lại ánh sáng từ đêm tối.

Và đã từ lâu người ta thường nhắc với niềm kính trọng về tư tưởng rằng, nhà triết học vĩ đại của phương Tây là Immanuel Kant đã có luận văn nổi tiếng viết vào năm 1784 mang tên “Trả lời câu hỏi: Khai minh là gì?”(1) Trong đó, ông đã đưa ra một định nghĩa thâm sâu và cô đọng: “Khai minh là việc con người đi ra khỏi trạng thái vị thành niên do chính mình gây ra.”

Tôi tin là mọi người sẽ tha lỗi cho tôi về việc chưa kịp tỏ lời “cảm ơn gì” đã cậy chữ thánh hiền, sau khi biết sự thật này: đây là lần thứ hai tôi được viết lời phát biểu như là tác giả của một cuốn sách. Nhưng lại là lần đầu tiên được đọc trực tiếp trước chính những vị độc giả mến yêu của mình trong ngày ra mắt sách!

Tức là trước khi bài viết này, dù là một kẻ cầm bút khoảng 40 năm bằng không ít trang văn lời thơ được đăng tải đó đây, thế mà Đỗ Quyên của quý vị và các bạn vẫn chưa “ra khỏi trạng thái vị thành niên” đối với một tác giả!

Đúng vậy, tôi chưa hề biết phải nói năng ra sao, cần cư xử thế nào khi trực diện cùng những độc giả đích thân đến với cuốn sách vừa ra đời của tôi.

Và thế là tôi đã phải tự “khai minh” bản thân. Đêm hôm đó, sau khi sửa thân dọn mình chỉn chu, tôi bèn nằm xuống, bất động mà nhớ lại… Rồi chạy vội ra bàn viết, coi nhanh lại cả tá bài phát biểu của đồng nghiệp – những văn sĩ, thi sĩ, tác gia mà mình lưu tâm. Để xem họ hành xử thế nào, phát ngôn ra sao trong lúc này?

Cuối cùng tôi nhận ra thì cũng bình thường thôi. Tưởng gì, tất cả các tác giả đáng yêu đáng phục đó, dù họ nổi danh hay chưa, dù diễn ngôn dài hay ngắn, cũng đều xoáy vào 4 điểm chính.

Điều tất yếu có là những lời cảm ơn. Cảm ơn tất tần tật những ai, những gì liên hệ với cuốn sách.

Sau đó là tìm cách trả lời trực tiếp hay vòng vo về 3 câu hỏi: Cuốn sách này nói về gì? Động cơ nào khiến viết sách? Quá trình viết ra sao?

Chúng ta, tất cả mọi người có mặt trong hội trường này, đều là những người di dân, di cư, di chuyển đến đây… Tất nhiên rồi, rõ ràng dưới ánh sáng mặt trời Toronto rạo rực hôm nay, chúng ta không thể không biết 3 câu hỏi kể trên cũng chính là 3 câu hỏi dưới đây mà mỗi người di dân từng phải tự hỏi khi quyết định di dân; và ở hầu hết các trường hợp còn phải trả lời 3 câu hỏi đó qua những cuộc phỏng vấn, thẩm vấn của nhà chức trách:

Ông/bà/anh/chị là ai? Động cơ nào đưa ông/bà/anh/chị đến Canada? (Lời đáp trong giai thoại cười ra nước mắt của các vị thuyền nhân Hong Kong: Dạ, động cơ OF 69 mã lực ạ!) Hành trình đến Canada của ông/bà/anh/chị thế nào?

Thế đó… Viết một cuốn sách thì cũng bình thường thôi. Cũng như việc di dân, di cư từ nước này qua nước nọ. Đúng! Viết văn là việc bình thường, vì nhà văn, trước hết và cuối cùng, là con người. Phàm là người, bất kể ai, cũng đằng đẵng đeo trên mình 3 câu hỏi lớn. Đó là 3 đại tự sự của mỗi người theo sự hình thành và tiến hóa chung của loài người:
Ta là ai? Ta từ đâu tới? Ta sinh ra để làm gì? (Mà thi bá Vũ Hoàng Chương từng đúc kết trong câu để đời “Ta đã làm chi đời ta”!)

Về 3 câu hỏi lớn với tiểu thuyết của tôi

Ở câu đầu “Cuốn sách này nói về gì?”, ngoài việc đọc sách trực tiếp, ta có thể biết thêm qua các tham luận, nhận định, ý kiến từ hơn 10 diễn giả hôm nay. Tôi vững tin qua đó, độc giả sẽ thấy tác giả cuốn sách từng được khai minh ra sao trong khi thể hiện bằng văn chương mối bang giao ngàn đời éo le giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa.

Khi sang phần đối thoại kế tiếp, tôi sẽ nói ngắn gọn về nội dung, cốt truyện và chi tiết chính làm nên cuốn sách.

Với hai câu hỏi cuối: tôi cũng sẽ nói về những điều mình được khai sáng hơn trong lao động nhà văn với một cuốn tiểu thuyết không hề dễ viết.

Quý anh chị cùng các bạn thân kính,

Đã tới phần quan trọng nhất của bài nói này, tôi muốn dành những phút quý báu còn lại cho niềm tri ân – cái nỗi niềm đã được bày tỏ chi tiết trong Lời phi lộ của sách mà ở đây mạn phép rút gọn.

Là sáng tác bán hư cấu (docu-fiction) với nhiều câu văn, ý tưởng được tái diễn ngôn, phóng tác từ không chỉ các cách nói quen thuộc, mà chủ yếu từ bài viết, sáng tác của các nhân vật, tác giả khác. Nói cho ngay, Trung-Việt Việt-Trung có tất cả 108 đồng-tác-giả là cá nhân và nhóm tác giả. Con số này vẫn chưa đầy đủ, tôi ngỏ lời xin lỗi các vị đồng-tác-giả khác.

Ngay trong khi viết và lúc sách vừa hoàn thành, tôi thường xuyên nhận được ý kiến, bình luận, sự khích lệ của hàng chục văn hữu khắp nơi trong-ngoài đất nước. Tại Toronto, 3 trong số “108 anh hùng Lương Sơn Bạc” đó là: nhà bình luận Phạm Ngọc Cương, nhà báo Phạm Phương Lan, ký giả Lê Quốc Tuấn…

Tôi nhớ ơn rất nhiều trang mạng trong và ngoài nước hơn 2 năm qua đã đăng tải, giới thiệu Trung-Việt Việt-Trung, trong đó Tạp chí mạng Da Màu đăng nhiều kỳ toàn bộ tập truyện.

Xin tri ân các văn hữu đã dự phần quan trọng vào lúc tác phẩm chào đời và ra mắt lần đầu tốt đẹp, Đó là nhà xuất bản, các nhà thơ, nhà phê bình, nhà văn viết viết Lời Tựa, lời bình in bìa sách, và giới phê bình tại Việt Nam và trên thế giới đã và đang viết tham luận, cổ súy, giới thiệu tác phẩm.

Trong cây bút của một nam văn sĩ luôn có người phụ nữ. Hoài Hương, bạn đời tôi, còn hơn thế, khi đã tham dự qua từng con chữ, ý tưởng ở nhiều chương hồi và bao quát tác phẩm. Đó cũng là người đã khai minh cho tôi nhiều điều trước một tác phẩm khó nhọc mỗi khi tôi toan tính không hợp lẽ.

Như một số tác giả thích cảm ơn yếu tố thúc đẩy, tạo cảm hứng viết sách (có nữ sĩ nọ rưng rưng nhớ chú mèo hàng xóm; có văn hào kia thổn thức nghĩ về quán cà phê đầu đường), cùng không ít đồng bào Việt khác, là người viết tiểu thuyết thời sự Trung-Việt Việt-Trung tôi buộc phải hạ lời “cảm ơn” cái Giàn khoan 981 chết tiệt từng nằm chềnh ềnh suốt 75 ngày kể từ hôm 2 tháng 5 năm 2014 giữa biển Nam trời Việt. Nó, không cái gì khác, đã khai minh khai sáng cho góc phần nào đó còn u tối u uẩn mỗi khi động phải cái u ác tính chạy loạn xị trong tâm tưởng và hành động của chúng ta: hết Trung – Việt rồi lại Việt – Trung!

Trân trọng cảm tạ tất cả quý anh chị và các bạn đã bên tôi, bên cuốn truyện đầu tay của tôi, để khai minh cho tôi qua buổi ra mắt Trung-Việt Việt-Trung. Từ nay, chúng ta đã thành bạn, qua người-bạn-chung là lòng trọng chữ nghĩa, là tình yêu đất nước, là nghĩa đồng bào mà tập truyện đây kỳ vọng chuyên chở phần nào.

Và đại đô thị Toronto, nơi tôi từng sinh sống nhiều năm, hôm nay lại là nơi đầu tiên có các độc giả đáng quý “mở hàng” cho cuốn tiểu thuyết đầu đời của tôi.

Trong số này, thật vui được về lại mái nhà sách báo cùng các văn hữu qua những tháng năm tôi là “người Toronto”. Tôi muốn nói đến các bậc đàn anh và bạn hữu. Còn nhiều vị khác ở Toronto đã rất tiếc khi đi công tác hay nghỉ hè mà để lại lời chúc mừng.

Tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung thật bất ngờ có nhân duyên được một người trong cuộc đáng kính của cuộc chiến biển đảo là nhạc sĩ Trường Sa đến tham dự buổi ra mắt sách lần đầu!

Cuối cùng, để có những giờ phút đằm thắm như đang là, tôi cảm động ghi lời biết ơn gia đình những người bạn viết thâm tình, những người em thân thương mà đời văn bút bên ngoài quê hương đã hào phóng trao tặng cho tôi, cho gia đình tôi…

Mong chúc cho mỗi chúng ta có một-buổi-chiều-Việt-Nam-Toronto ngày 16 tháng 7 năm 2016 đáng nhớ!

Toronto – Quyên Đỗ từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi.

Vancouver & Toronto, đầu tháng 7/2016

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi. Sách bán trên Amazon. DCVOnline hiệu đính và chú thích.

(1) Answering the Question: What Is Enlightenment? (German: Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung?)

Trong số tháng 12 năm 1784 của tờ Berlinische Monatsschrift (Nguyệt san Bá Linh), do Friedrich Gedike và Johann Erich Biester biên tập, Kant trả lời câu hỏi của Mục sư Johann Friedrich Zollner, cũng là một quan chức trong chính phủ Phổ, đã đặt ra một năm trước đó. Câu hỏi Zollner đã được gửi đến giới trí thức ở Bá Linh để trả lời bài viết của Biester, tựa đề là, “Đề nghị không liên hệ các giáo sĩ vào những lễ kết hôn nữa” (tháng 4 năm 1783) và một số trí thức hàng đầu đã trả lời với các bài tiểu luận, trong đó bài của Kant nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất. Đoạn mở đầu trong luận văn của Kant là một định nghĩa, đã được trích dẫn rất nhiều, của sự thiếu Khai sáng vì người ta không có khả năng tự tư duy không phải do họ thiếu trí tuệ, nhưng vì thiếu khả năng quyết định và thiếu can đảm. Đoạn đầu bản dịch tiếng Anh luận văn 1784 của Kant:

“Enlightenment is man’s emergence from his self-imposed nonage. Nonage is the inability to use one’s own understanding without another’s guidance. This nonage is self-imposed if its cause lies not in lack of understanding but in indecision and lack of courage to use one’s own mind without another’s guidance. Dare to know! (Sapere aude.) “Have the courage to use your own understanding,” is therefore the motto of the enlightenment. (Mary C. Smith dịch)