Nhận định về ba vai trò của Bảo Đại: Vua, Cố vấn tối cao, và Quốc trưởng (p5)

Nguyễn Văn Lục

Nếu vai trò vua của Bảo Đại là  bù nhìn như đã nhận định ở trên thì vai trò cố vấn tối cao, tệ hơn một bực, là trò hề.

Tìm hiểu con người Bảo Đại qua cuốn Hồi ký của ông

(Tiếp theo p1, p2, p3, p4)

Bảo Đại trong vai trò cố vấn tối cao

Điều tai hại là khi nhận lời mời của Hồ Chí Minh, Bảo Đại không hoàn toàn nhận thức ra điều ấy. Bảo Đại không thể hiểu rằng: mỗi chức danh nó phải tương xứng với chức vụ. Bộ trưởng thì phải ra bộ trưởng, Thủ tướng ra Thủ tướng, lính ra lính, sĩ quan ra sĩ quan.

Nếu nó không được như thế trên thực tế thì rõ ràng có sự tiếm danh hoặc vai trò làm cảnh. Trong suốt giai đoạn làm Cố vấn tối cao, Bảo Đại đã cố vấn được điều gì cho Hồ Chí Minh? Bảo Đại, ông cũng không có một ý thức nghiêm chỉnh nào khi nhận chức cố vấn.

Khi nhận chức, Bảo Đại chưa có một lần bàn thảo với phía Việt Minh nhiệm vụ của ông là gì? Vai trò của ông trong chính phủ là gì? Không, hoàn toàn không. Bảo ông nhận thì ông nhận, bảo làm gì thì làm theo cái nấy. Đã có một người bạn gặp tôi và biện hộ cho Bảo Đại đã nói rằng: “Bảo Đại trong suốt quãng đời làm vua và làm Quốc Trưởng, có thể ông không làm được gì ích quốc lợi dân, nhưng it ra ông chưa bao giờ ông làm hại một người nào.”

Thoạt nghe, có vẻ có lý. Nhưng chính ở chỗ cả đời ông không làm gì, mà lại nắm giữ các chức vụ tối cao thì cái tội không làm gì là tội nặng nhất và đáng lên án nhất trong cuộc đời Bảo Đại. Và cho đến khi ở bên kia cái dốc của cuộc đời, Bảo Đại vẫn chưa ý thức được vai trò ở đời làm người là gì và phải làm gì?

Sau 25 năm rời bỏ chính trị, ông mới quyết định viết Hồi Ký Con Rồng Annam, 1980. Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa hiểu trọn vẹn ý nghĩa biểu tượng Con rồng Annam là gì về mặt địa lý, mặt lịch sử, hay mặt văn hóa? Hay nó chỉ là một biểu tượng mang tính huyền thoại. Nhưng điều cụ thể và chính xác nhất là ông đã trích dẫn một câu nói của Khổng Tử làm điểm tựa cho cuốn sách như sau:

“Cái bổn phận đầu tiên của người quân tử là đặt cho mỗi sự vật cái tên thật của nó. Người quân tử đặt cho mỗi vật cái tên đúng với nó và mỗi vật đều được đối xử theo cái tên mà ta đã đặt cho nó.” — Khổng Tử.

Nói tóm tắt, Khổng Tử thấy xã hội loạn, vô trật như “Tôi giết vua con giết cha” thì tìm cách tổ chức lại xã hội để trên dưới có quy củ. Đó là một phương thức quản lý con người trong một xã hội được gọi là thuyết chính danh.

[Cốt lõi của học thuyết chính danh nằm trong câu Khổng Tử trả lời Tề Cảnh Công về việc cai trị quốc gia:
“景公问政於孔子。孔子对曰:“君君,臣臣,父父,子子” 。公曰:“善哉!信如君不君,臣不臣,父不父,子不子,虽有粟,吾得而食?”

Tề Cảnh Công vấn chính ư Khổng tử. Khổng tử đối viết: Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử. Công viết: Thiện tai! Tín như quân bất quân, thần bất thần, phụ bất phụ, tử bất tử, tuy hữu túc, ngô đắc nhi thực chư?

“Làm vua ra vua, quan ra quan, cha ra cha, con ra con (làm đúng danh vị của mình)”.

Tề Cảnh Công nói: “Hay quá! Nếu vua chẳng trọn đạo vua, tôi chẳng trọn đạo làm tôi, cha không trọn đạo làm cha, con chẳng trọn đạo con, tuy có lương thực đấy, ta có thể ăn được ư?”

Mỗi người đều phải làm đúng với danh hiệu, có vậy thì nhà mới yên, nước mới yên, và xã hội mới ổn định và phát triển.

Nguồn: Bài 12, Thiên 12 – Nhan Uyên, sách Luận Ngữ, Khổng Tử. — DCVOnline]

Nêu ra nguyên tắc như vậy, nhưng Bảo Đại đem áp dụng vai trò nhà vua thì thấy rõ là nói mà không làm. Bảo Đại sống vua không ra vua thì đấy là chẳng trọn đạo. Vì thế, Bảo Đại có tội với toàn dân VN và có tội trước lịch sử.

Đọc lại Hồi ký của ông, trước khi nhận vai trò cố vấn tối cao đi Hà Nội, Bảo Đại nghĩ đơn giản, đến “vô chính trị” như thế này:

“Le “citoyen” Vinh-Thụy que je suis devenu depuis mon abdication, n’a plus rien à faire à Hué. Je décide donc l’accepter l’inviattion de Hồ Chí Minh et de me rendre à Hà Nội.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 123)

“Kể từ khi thoái vị và trở thành công dân Vĩnh Thụy, tôi đã không có việc gì làm ở Huế cả. Tôi quyết định chấp thuận lời mời của Hồ Chí Minh ra Hà Nội một chuyến)

(Bên phải) Ông Vĩnh Thuỵ — cựu hoàng Bảo Đại, sau khi thoái vị trở thành công dân của nước cộng hòa mới, nhận làm Cố vấn tối cao cho Hồ Chí Minh. Nguồn: Henri Estirac, Tháng 11 năm 1945

Đối với Bảo Đại có thật sự đây chỉ vì không có việc gì để làm? Hay là vì sợ mà phải nhận lời? Đây chắc chắn không đơn giản là một chuyến đi chơi? Việc được mời ra Hà Nội là một cách giam giữ như một con tin. Vì rõ ràng chức danh cố vấn tối cao chỉ sau này mới được kèm theo cho danh chính ngôn thuận?

Thật vậy ngay cả chức Cố vấn tối cao mà Hồ Chí Minh đã trân trọng dành cho Bảo Đại thì cả hai bên cũng đều biết rằng đây chỉ là một tước vị hư danh. Kẻ cho lẫn kẻ nhận đều hiểu rằng đây là một đòn chính trị nhất thời.

Lại nữa, chức cố vấn này ngoài Bảo Đại còn có Gm Lê Hữu Từ cũng được truy tặng theo cách tính toán khôn ngoan của HCM. Hồ Chí Minh cũng đã chẳng tốn kém một đồng xu cắc bạc nào cũng đã tặng không cho tân giám mục Lê Hữu Từ!

Có thể cả hai người Bảo Đại cũng như Gm Lê Hữu Từ đều hoan hỉ nhận lãnh. Với Bảo Đại, ít ra với chức danh đó bảo đảm thêm cho sự an toàn cá nhân của ông. Với Gm Lê Hữu Từ, vai trò cố vấn củng cố thêm cái vai trò tôn giáo lẫn vai trò chính trị của ông. Ông dựa vào thế lực tôn giáo cho mưu cầu dành độc lập mà không lệ thuộc vào các đảng phái chính trị.

Nó cho thấy, khi chính trị còn non nớt, lãnh đạo chính trị chưa đủ tầm cỡ, tôn giáo như điểm tựa để biến các tín đồ thành một đám đông quần chúng chính trị.. Điều này có điểm gì tương đồng với các đạo Cao Đài, Hòa Hảo ở phía Nam?

Tuy nhiên, chỉ khác một điều là Gm Lê Hữu Từ là loại người vừa ái quốc cực đoan, vừa tôn giáo trung cổ chính thống tùng phục Vatican nên không dễ dàng để cho Hồ Chí Minh lũng đoạn. Sau này cho thấy rõ, trong các thư chung của tòa giám mục Phát Diệm gửi cho giáo dân, Gm Lê Hữu Từ luôn luôn dùng danh xưng giám mục, dựa vào các tông huấn của Giáo Hoàng để chống đối lại Việt Minh, bị coi là cộng sản. Cho nên sự hợp tác với Việt Minh chỉ có tính cách giai đoạn.

Nhưng, dù thế nào đi nữa, trong khi Việt Minh chưa lộ rõ mặt, cũng có một sự lợi dụng qua lại mà cả hai phía đều thấy có lợi!

Vấn đề của Hồ Chí Minh là tại sao lại chọn Bảo Đại và một vị lãnh đạo tôn giáo làm cố vấn? Cố vấn về vấn đề gì? Và cái lợi thế thu được của nó là gì?

Theo “télégramme à Jean Letourneau, Hà Noi, le 9-6- 1951, p 262-264”, do Trân Thị Liên trích lược như sau:

“Ông (chỉ Gm Lê Hữu Từ) là người dưới tay có 200.000 gián dân, có quân tự vệ riêng, chạy suốt từ Ninh Bình vào đến Thanh Hóa. Đồng thời dưới chiêu bài tôn giáo bảo vệ đạo và tính trung lập cũng đã dính dáng đến những dịch vụ trần thế nhằm đem lại những lợi nhuận tiền bạc giúp nuôi dưỡng các lực lượng tự vệ.

Người Pháp đã được báo cáo đầy đủ về những hoạt động của gm Lê Hữu Từ, ông muốn biến vùng Phát Diệm thành khu vực trái đệm, một chợ trời giao điểm trao đổi thương mại giữa vùng đồng bằng và vùng Việt Minh. Từ nơi đây xuất phát các chuyến hàng chở gạo, muối, nhất là thuốc men, dầu hỏa, vật dụng để đổi lại lấy nước mắm, tre và và gỗ từ Thanh Hóa chở ra. Các trốt canh của tự vệ công giáo vừa kiểm soát an ninh, vừa là trạm thu thuế tất cả các hàng hóa chuyển giao với sự có phép của địa phận.”

(Tran Thi Liên, “Les Catholiques Vietnamiens pendant la guerre d’indépendance (1945-1954) entre la reconquête coloniale et la résistance Communiste”, 1996, trang 491)

Đấy là cái lợi trước mắt mà Hồ Chí Minh khi cho Gm Lê Hữu Từ làm cố vấn.

Chức cố vấn dành cho Gm Lê Hữu Từ nhằm thu phục chẳng những khối 200.000 người Thiên chúa giáo ở khu Phát Diệm mà còn hơn một triệu Ki tô hữu trên toàn quốc vốn kỵ Việt Minh. Chẳng những thế, Phát Diệm còn là lũy hào che chắn cho sự an toàn của Khu Tư cũng như cung cấp hàng hóa thực phẩm, nhất là thuốc men cho vùng từ Khu Tư trở vào. Có thể nói Phát Diệm là căn cứ hậu cần cho vùng Thanh Nghệ Tĩnh trở vào.

Về chức cố vấn dành cho Bảo Đại, Hồ Chí Minh muốn mua chuộc nhân tâm, tạo ra một hình thức bề ngoài một chính phủ thống nhất, toàn đân, có uy tín để thương lượng với người Pháp. Đã có lúc Hồ Chí Minh tạm thời định nhường chức chủ tịch cho Bảo Đại, vì người Pháp chỉ muốn thương lượng với một người như Bảo Đại.

Tuy nhiên, trên thực tế, chức Cố vấn tối cao của Bảo Đại cũng chỉ là hữu danh vô thực, không có một chút quyền hành trong các quyết định của chính phủ, cũng không có được lãnh dù chỉ một xu so với chức Quốc Trưởng sau này. Ngay cả, tiền riêng của Bảo Đại cũng không được rở mó đến những số tiền để dành trong trương mục ở Nhà Băng Đông Dương.

Tuy nhiên, giữa hai vị cố vấn thì xem ra Bảo Đại đóng vai trò tích cực và nổi đình đám hơn là cố vấn Lê Hữu Từ.

Nếu có một nhận xét gì tích cực về phía Bảo Đại thì chính ở chỗ ông đại diện một vai trò cho tính chính đáng chính trị mà nhiều người khác, ngay cả Hồ Chí Minh, không có được. Chính vì thế mà người Pháp, người Nhật, Hồ Chí Minh, đảng phái quốc gia khi cần vẫn phải dùng lá bài Bảo Đại như một giải pháp.

Đây là một lợi thế chính trị mà Bảo Đại vẫn xử dụng cái thế chính trị chính đáng của ông để mưu cầu lợi ích của ông, nhất là giai đoạn lưu vong ở Hồng Kông và sau này khi ký Hiệp Định Elysée với Pháp tại Vịnh Hạ Long.

Cựu hoàng Bảo Đại rời Điện Elysee tháng 2-1948 sau một buổi họp về việc trao trả quyền tự trị cho Việt Nam.
Cựu hoàng Bảo Đại rời khỏi cung điện Elysee, vào tháng Hai năm 1948, tại Paris, sau một cuộc họp. Năm 1948, chính quyền Pháp bắt đầu đàm phán với cựu hoàng Bảo Đại để đứng đầu một chính phủ “tự trị” của Quốc gia Việt Nam trong Liên hiệp Pháp. Ngày 5 tháng 6 năm 1948, Bảo Đại và Emile Bollaert đã ký Hiệp định Vịnh Hạ Long thứ hai, trong đó Pháp long trọng công nhận nền độc lập của Việt Nam. Tuy nhiên, chính phủ Pháp giữ quyền kiểm soát các mối quan hệ ngoại giao và quân đội và trì hoãn chuyển giao các vai trò khác của chính phủ đến những cuộc đàm phán trong tương lai. Thực tế này bắt đầu cuộc chiến tranh Đông Dương thứ nhất, hoặc chiến tranh Pháp-Việt. Nguồn: OFF / AFP / Getty Images.

De Gaulle vốn chỉ coi Bảo Đại như một thứ lá bài “trop usé”, hết chạy theo chính phủ Vichy thân Đức, rồi bù nhìn cho Nhật, ngoan ngoãn quy thuận Việt Minh. Chắc chắn là không nên tin tưởng vào Bảo Đại.

Người Pháp đã muốn đi tìm một vị vua mới. Bảo Long nằm trong danh sách được lựa chọn? Và như thế, Hoàng hậu Nam Phương phải nắm vai trò Nhiếp chính? Đấy cũng là những điểm thuận lợi. Thế nhưng, nhà cầm quyền Pháp đã nghĩ xa hơn đến một nhân vật từng xuất hiện từ năm 1916? Vua Duy Tân. Một nhà vua trẻ bị truất ngôi và lưu đầy ngay từ khi mới 17 tuổi. Ông đã thân lập thân, làm đủ thứ nghề, sau chọn nghề Vô Tuyến Điện, và mở tiệm Radio — Laboratoire bán hàng sửa chữa máy.

Ông Vĩnh San, cựu hoàng Duy Tân, giữa bạn bè ở đài phát thanh và khi mang lon Thiếu tá Pháp. Nguồn: OntheNet

So sánh với Bảo Đại, Bảo Đại có tất cả cái ưu thế bề ngoài mà Duy Tân không có. Duy Tân thể chất yếu đuối. Nhưng ngược lại, những năm tháng lưu đầy đã tạo nên một Duy Tân nhân cách bên trong mà Bảo Đại không thể có được, như tinh thần võ sĩ Samurai hay như Don Quichotte. Và dưới mắt Duy Tân, Bảo Đại chỉ là kẻ xoán ngôi.

Năm 1940, ông tham gia vào hàng ngũ những người theo De Gaulle cho một nước Pháp tự do.

Những năm 1945, khi Nhật xâm chiếm Đông Dương, ông kêu gọi đồng bào trong nước chống Nhật và ngay cả từ chối nền độc lập mà Nhật trao tặng. Kể từ tháng 3 năm 1945, ông trở thanh lá bài sáng giá nhất kế thừa ngôi vua tính từ Gia Long trở xuống.

“Ngày 5 tháng 5 năm1945, Chuẩn úy Duy Tân về phòng Quân sự của tướng Charles de Gaulle ở Paris. Duy Tân đến Pháp vào tháng 6 năm 1945 thì Đức đã đầu hàng ngày 8 tháng 5. Ngày 20 tháng 7 năm 1945, Duy Tân được đưa qua phục vụ tại Bộ tham mưu của Sư đoàn 9 Bộ binh Thuộc địa (9ème DIC) đóng ở Forêt Noire, Đức.

Ngày 29 tháng 10 năm 1945, Charles de Gaulle ký một sắc lệnh hợp thức hoá những sự thăng cấp liên tiếp của Duy Tân trong Quân đội Pháp: thiếu uý từ 5 tháng 12 năm 1942, trung uý từ 5 tháng 12 năm 1943, đại uý tháng 12 năm 1944 và thiếu tá ngày 25 tháng 9 năm 1945.”

(Duy Tân, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Sau đây là những ý kiến của De Gaulle ghi lại trong “Mémoires de Guerre”:

“Để mọi việc có thể đi đến một kết thúc tốt đẹp, tôi đang hình thành một kế hoạch bí mật. Đó là giúp cho hoàng tử Duy Tân trở lại ngôi báu, nếu như vai trò của Bảo Đại do thời thế đã không còn còn hữu hiệu nữa. Nó đã bị vượt qua. Mặc dầu Duy Tân đã bị người Pháp truất ngôi từ năm 1916 trở thanh hoàng tử Vĩnh San và bị đi đầy ở đảo Réunion. Tuy nhiên, ông đã tình nguyện tham gia chiến đấu trong quân đội Pháp với cấp bậc Thiếu tá.

Đấy là một nhân cách lớn mà 30 năm lưu đầy không đủ để xóa bỏ được hình ảnh vị vua này trong tâm hồn người Việt Nam. Ngày 14 tháng chạp tới, năm 1945, tôi sẽ tiếp ông ấy và cùng bàn thảo với ông ấy để biết có thể làm được việc gì. Dù các nhân viên trong chính phủ của tôi sẽ đi đến việc ký kết các hiệp định thì tôi sẽ dự tính đến Đông Dương để ký chính thức một cách trọng thể nhất khi thời cơ cho phép.”

(Général De Gaulle, Mémoires de Guerre, nxb Plon, trích lại trong Daniel Grandclément, ibid., 235-236)

“Sau cuộc tiếp kiến với De Gaulle, hoàng tử không kìm giữ được sự vui mừng lộ ra bên ngoài. Khuôn mặt hoàng tử vốn thanh tú nhưng khô cằn trái ngược với khuôn mặt Bảo Đại đã nở những nụ cười rạng rỡ. Ông thốt lên: C’est fait, c’est décidé. (Thế là xong, mọi việc đã được quyết định). Chính quyền Pháp sẽ đưa tôi trở lại ngôi vua, tướng De Gaulle sẽ tháp tùng tôi khi tôi trở lại đó. Khi nào? De Gaulle tính chuyến đi vào tháng ba.

Phần ông, sẽ làm gì trong lúc này? Trở về Đức? hay chờ ở Paris? Jacques Soustelle quyết định đưa ông trở về đảo Réunion để chờ. Lá thư thông báo quyết định này do Pierre Mesmer ký.”

(Daniel Grandclément, ibid., trang 236-237)

12 ngày sau, chiếc máy bay chở hoàng tử về lại đảo Réunion. Lúc 13 giờ 50, phi cơ rời Fort Lami để bay đến Bangui, trạm kế tiếp. Ngày 26 tháng 12 năm 1945, khoảng 18 giờ 30 GMT, máy bay rớt gần làng Bassako, thuộc phân khu M’Baiki, Cộng hoà Trung Phi.

Một tai nạn. Vâng đúng thật sự là một tai nạn mà số phận đã dành cho ông. Việt Nam mất đi một vị vua xứng đáng!

Xem ra lúc ban đầu, Bảo Đại đóng vai trò công dân Vĩnh Thụy và cố vấn tối cao một cách nhuần nhuyễn. Đi đến đâu Bảo Đại cũng được dân chúng đón tiếp. Và trong cái cung cách đón tiếp ấy, người ta vẫn nhận thấy người dân vẫn nhìn ông như tính chính đáng của một ông vua, dù đã thoái vị. Và nếu HCM có e ngại điều gì về Bảo Đại thì chính ở chỗ này, chỗ một ông vua đã thoái vị mà vẫn có được sự hâm mộ của dân chúng hơn là chức cố vấn bù nhìn.

Chính ở điểm này mà Hồ Chí Minh nghĩ đến thời điểm thuận tiện để loại trừ Bảo Đại sau khi vai trò cố vấn tối cao xét ra không cần thiết nữa.

Dần dần Bảo Đại đã thay mặt Hồ Chí Minh chủ tọa nhiều buổi lễ: như bế mạc “Tuần lễ vàng” ngày 30-9-1945, chủ tọa buổi lễ cơm chay tại chùa Quán sứ, dự lễ tấn phong Giám Mục Lê Hữu Từ ngày 29-10-1945, dự Đại hội Liên Đoàn công giáo Phát Diệm, khai mạc đại hội Thanh niên thành Hoàng Diệu, khai mạc lễ lạc quyên gạo chống đóivv..

Qua những buổi phát biểu trôi chảy trước đám đông và được hoan hô, ủng hộ, ông dần dần tưởng mình có vai trò quan trọng thật, một vai trò chính trị quan trọng như một lãnh tụ, không phải chỉ là một thứ cố vấn bù nhìn.

Đây đánh dấu tính cách bi kịch của một vai hề, đóng riết rồi tưởng thật.

Có lẽ vì thế, ông chẳng hề quan tâm đến câu chế diễu của dân gian như: Việt Nam là một dân tộc nhỏ, nhưng lại có một ông vua cao to, béo tốt như Tây!

Cứ bề ngoài, Hồ Chí Minh tìm đủ phương tiện vật chất cung cấp cho Bảo Đại và đánh bóng vai trò của ông ta.

Bảo Đại vì thế được ở một dinh thự trước kia dành cho viên đốc lý thành phố, ở số 51 đường Gambetta, (bây giờ là phố Trần Hưng Đạo), Hà Nội mà láng giềng còn lại là một số người Pháp. Luôn luôn có một tiểu đội an ninh trực, bảo vệ hay để giám sát Bảo Đại đóng chốt ở một trại Bảo An cũ bên kia đường.

Mọi lễ lạc, yến tiệc dành cho Bảo Đại trong đó có cuộc viếng thăm chính thức của chủ tịch Hồ Chí Minh đã có người tình nguyện lo liệu. Bữa ăn của ông do khách sạn Asia cung cấp đầy đủ hậu hĩ có thể hơn xa nếp sống thanh bạch bên phủ chủ tịch.

Cung cấp đầy đủ ngay cả gái cũng không thiếu. Lần lượt là Lý Lệ Hà rồi đến kỳ nữ Mộng Điệp. Và nay trước đám đông, cặp kè bên cạnh Bảo Đại một cô gái mà tình báo Pháp gọi tên là Thông Thị, tức Lý Lệ Hà đã được phe cánh HCM cài vào. Thông Thị sánh vai chính thức và công khai với Bảo Đại trong mọi dịp mà cả Hà Nội đều biết, bất chấp dư luận.

Ông dùng chiếc xe hơi riêng Mercury mang từ Huế ra để đi lại khắp nơi. Chiếc xe thứ hai cũng mang từ Huế ra, ông đã tặng cho bộ trưởng Lao Động Lê Văn Hiến, người đã tháp tùng ông từ Huế ra Hà Nội.

Đấy phải chăng là tóm tắt tất cả sự hy sinh từ bỏ ngai vàng cho nền độc lập dân tộc của công dân Vĩnh Thụy?

Bảo Đại sống như thể một người độc thân vui chơi và hưởng thụ trong lúc này Hà Nội đang ở trung tâm bão của nạn đói hoành hành. Chính phủ lâm thời thắt lưng buộc bụng. Dân chúng Hà Nội cũng thế, tối đến là mọi nhà, ban ngày vất vả lao động tất bật kiếm sống, đêm đến lo tắt đèn đi ngủ mà có thể bụng còn réo.

Chỉ trừ Bảo Đại còn la cà ở một vài tiệm nhảy về khuya dành cho những người như Bảo Đại. Trong cả một thành phố trong tình trạng mọi người phập phồng lo toan không biết điều gì sẽ xảy ra, Bảo Đại vẫn thong dong vui chơi như không biết có ngày mai.

Nhiều người bảo hoàng biện hộ cho Bảo Đại là người ít nhất không làm hại ai! Biện hộ như vậy là bất chấp sự thật lịch sử. Sự không làm hại ai không thể bào chữa cho trường hợp một kẻ nắm vận mệnh đất nước mà không hoàn thành trách nhiệm. Tội đó lớn lắm. Bào chữa cỡ nào cũng bằng thừa!

Theo trí nhớ èo uột lúc đó chỉ là một đứa bé con, tôi đã thấy thành phố Hà Nội trong giai đoạn tranh tối tranh sáng này như một thành phố chết, không có một bóng người. Vắng hoe! Ngại ra đường! Cửa nẻo đóng cài then thin thít. Hàng quà, gánh phở gánh xôi, tiếng rao hàng mỗi buổi sáng cũng im bặt. Cũng không thấy thấy bóng dáng trẻ con chơi đùa hoặc đến trường như thường lệ.

Khu phố Tây tôi trú tạm càng không thấy bóng dáng một người Pháp nào. Trước sở Hành chánh tài chánh trông ra hai ba ngả đường, có hai xe tăng bánh cao su chĩa súng đại liên ra bên ngoài trông nghiêm trọng. Và dưới mắt một đứa trẻ thì sức mạnh của Tây là vô địch.

Và nếu tôi nhớ không lầm, cho đến tháng tám, năm 1946, tôi còn thấy đôi lần xe bò chở xác người chết đói, lóc cóc trên đường Hàng Đôi (Bây giờ là đường Hoàng Diệu), hướng về ngõ phố Hàng Than, chắc để đi chôn vội. Bóng dáng tử thần vẫn lảng vảng trong đầu óc người dân Hà Nội.

Hà Nội lúc ấy có thể nói có một thái độ lưỡng lự: Trông và chờ, không biết ngả theo ai, Mọi người như trông chờ một điều gì quan trọng xảy ra mà nó chưa xảy ra. Vậy mà cả cái thành phố ây, lại có một ông cố vấn vô tư lự vui chơi hưởng thụ!

(Cái hình ảnh đói kém ấy tưởng đã qua, vậy mà sau 1975 một vài năm sau, dưới chính sách ngu xuẩn của Lê Duẩn, chính sách vô sản hóa gắn liền với vô học, người dân Hà Nội lại một lần nữa rơi vào cảnh đói ăn trong khi nước nhà đã độc lập. Lê Duẩn đã cướp đi tất cả của cải vật chất như chạm vào nỗi đau, chỗ da non nhất của con người để vô sản hóa.)

Bảo Đại, khi ra Hà Nội làm cố vấn, ông đã có những nhận xét gì về Hồ Chí Minh?

Trong dịp ở Hà Nội, Bảo Đại đã có dịp đọc những tài liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh do Vũ Trọng Khanh, một thành viên chính phủ không phải cộng sản cung cấp tài liệu. Bảo Đại đã nhận ra ngay lập tức tính cách độc quyền trong toàn bộ guồng máy chính phủ để bảo đảm sự trấn áp toàn diện trên dân chúng. Trần Huy Liệu nắm trong tay toàn bộ các phương tiện truyền thông như đài phát thanh Bạch Mai và tịch thu cũng như kiểm soát mọi phương tiện truyền thông như các báo Cứu Quốc (Le salut national), báo Độc Lập (Indépendance).

Và đần dần Bảo Đại bộc lộ viết: tôi nhận ra bộ mặt thật của Hồ Chí Minh đáng kính.

“Je découvre aussi peu à peu le vrai visage du vénérable Ho Chi Minh.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 132).

Theo Bảo Đại nhận xét là Hồ Chí Minh luôn tỏ ra kính trọng và niềm nở đối với ông. Trong mọi trường hợp giao tiếp giữa đôi bên đều hoàn toàn tốt đẹp, không có tranh chấp về ý thức hệ, luôn luôn HCM gọi Bảo Đại bằng Ngài. Đi đâu cũng nhường bước để Bảo Đại đi trước.

Có nhiều dịp họ đi chung đến gặp những người như đại diện Pháp là Sainteny. Ngay cả với những nhân vật Mỹ nổi tiếng như Lansdale hay Thiếu tá Patty. Nhưng ngược lại, HCM không cho Bảo Đại gặp riêng Sainteny, mặc dầu có lời yêu cầu của ông này.

Nhưng Bảo Đại cũng đặt nghi vấn là sự đối xử như thế là thật lòng hay đóng kịch? Bảo Đại cũng thừa hiểu rằng chính quyền Việt Minh tạm thời được chấp nhận mà vẫn chưa chính thức được nhìn nhận. Và sự mượn danh sự có mặt của Bảo Đại bên cạnh Hồ Chí Minh giúp chính thức hóa tính cách chính danh của chính quyền mới.

Pierre Darcourt, sinh ra ở Chợ Lớn, 1926, một cựu học sinh trường Chasseloup Laubat năm 1940; nhờ thế, ông đã có dịp giao tiếp với nhiều nhân vật chính trị đương thời. Ông đã phỏng vấn Bảy Viễn trong cuốn “Bay Vien, le Maitre de ChoLon”, Piere Darcourt, Hachette xuất bản, năm 1977. Muốn biết những ý nghĩ trung thực của Bảo Đại đánh giá thật về Hồ Chí Minh như thế nào có lẽ cần đọc những câu truyện bên lề Bảo Đại đã tâm sự với Bảy Viễn.

“Cuộc sống của ông ta thật ra trái ngược với những gì ông xuất hiện ra bên ngoài, Bảo Đại cắt nghĩa. Trước công chúng, ông đóng vai một người khắc khổ, một người tồn cổ hoàn toàn hy sinh cho lý tưởng. Trong chỗ riêng tư, ông xuất hiện như một người thích truyện trai gái, hút sách và uống rượu “sec”. Ông còn tâm sự cho biết, thói quen uống sec có từ khi còn đi lính thủy quân cho Pháp. Chẳng hạn, ông chỉ hút thuốc lá thơm Philippe Morris. Vậy mà ông còn bỏ túi theo mấy bao thuốc lá Bastos. Loại thuốc lá đen, thuốc dành cho giới nghèo, ông dùng để mời khách. Loại kia, thuốc lá thơm, ông dành cho mình để hút… Ngay đối với tôi, ông cũng đóng hai bộ mặt. Chỗ công cộng, ông thường vồn vã ôm vai tôi. Chỗ riêng tư, ông thường xử sự khác, đầy sự kính trọng và cấm mọi người không được gọi tôi là “đồng chí”. Tôi đã sống cạnh ông trong ba tháng. Tôi đã chở xe đưa ông về nhà cả 20 lần. Và lần nào ông cũng say mèm.”

(Pierre Darcourt, Bay Vien, le Maitre de Cholon, Hachette, 1977)

Phải chăng đây mới là bộ mặt thật của Hồ Chí Minh?

Đọc lại tất cả những chi tiết vừa viết ở trên, tôi có cảm tưởng đây là một câu chuyện thực mà phi thực. Tất cả là một sự đóng kịch dàn dựng và giả đối, lừa bịp trong mọi hoàn cảnh, mọi chi tiết dù nhỏ bé đến không cần thiết phải giả dối.

Tôi thử dở lại tập Hồi Ký “Những ngày chưa quên” của Đoàn Thêm xem có chi tiết nào nhắc đến Bảo Đại? Không một chữ và tên Bảo Đại cũng không hề được nêu ra lấy một lần.

Bảo Đại đã không có trong mắt những người trí thức Hà Nội những năm tháng ấy. Họ coi ông như một kẻ vô danh chăng?

Hồ Chí Minh là một người đóng kịch khéo léo. Nhưng nếu như thế thì người thứ hai là Bảo Đại chỉ là một tên hề vụng về? Xem ra giữa vai trò bù nhìn và con rối, ông cố vấn tối cao thích vai trò thứ hai hơn, bởi vì, ít ra ông được gặp gỡ người này, người kia, được phát biểu, được nói trước công chúng, nhận những tiếng hoan hô.

Vì thế, ông đã viết: “Aussi, Je persiste pour jouer le jeu.” (Tôi phải kiên trì để đóng đúng vai trò của mình)

Nhưng bài diễn văn ông đọc trước đám đông trong “tuần lễ vàng” ai là người viết? Võ Nguyên Giáp hay Trần Huy Liệu? Hay cả hai? Đọc xong, bài diễn văn, ông xúc động đưa mắt nhìn như thăm dò hỏi ý ông giám thị trông coi cái Villa chỗ ông ở? Không lần này ông nói lưu loát, đám đông thỏa mãn và móc hầu bao đóng góp tiền bạc.

Nhưng điều quan trọng là “tuần lễ vàng”, kết quả thu được bao nhiêu? Và còn quan trọng hơn tiền đó dùng để làm gì, ông không hề biết? Theo Daniel Grandclément, hầu hết số tiền thu được, Hồ Chí Minh dùng để hối lộ cho tướng Lư Hán, ngay cả cung cấp gái điếm cho y. (Daniel Grandclément, ibid., trang 189.)

Theo Nguyễn Xuân Thọ, trong Nam cũng tổ chức “Tuần lễ Vàng” từ ngày 16 đến 23-6-1945 và thu được 12 bao bố. Huỳnh Thiện Lộc và Kiều Công Cung dem mười hai bao bố vàng ấy ra Bắc. (Nguyễn Xuân Thọ. “Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thông thuộc địa Pháp tại Việt Nam (1858-1897), Paris 2002, trang 589)

Phần lớn số vàng thâu được ấy sau dùng để hối lộ tướng Lư Hán. Lư Hán hứa sẽ làm áp lực để những phần tử quốc gia kháng chiến thừa nhận sự thỏa thuận với Pháp. (Để Pháp trở lại Bắc Kỳ thay thế quân Tàu).

Tuần lễ cứu đói, mỗi tuần nhịn một bữa nhịn để dành cho người đói, mặc dầu có chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ, kết quả thật không đáng là bao nhiêu!

Việc thay mặt HCM đến chủ tọa lễ tấn phong Gm Lê Hữu Từ, đã có dù một lần ông có dịp được trò chuyện riêng với vị tân giám mục này chăng? Và ông có hiểu rõ nội tình những rắc rối của vị tân giám mục này phải đương đầu với Việt Minh?

Ông có biết rằng nhiều vị linh mục trong nhóm thân cận của vị giám mục này lại có khuynh hướng thân Pháp!! Như linh mục Xuyên, linh mục Hoàng Quỳnh. Chủ trương tự vệ và tự cô lập của vị Gm Lê Hữu Từ có thể đã đi quá xa chăng? Vì thế, De Lattre trong dịp gặp cả hai vị giám mục Phạm Ngọc Chi (mặc áo đen) và giám mục Lê Hữu Từ (mặc áo trắng) đã tuyên bố thẳng thừng:

“Je redoute plus le blanc que le noir, je vous enverrai à Nam Định une éminence grise (le colonel Gambez).”

(Tran Thi Liên, ibid., trang 488)

(Tôi nghi ngờ mầu trắng hơn là mầu đen, tôi sẽ gửi đến Nam Định một mưu sĩ xám (ám chỉ đại tá Gambez)

Cái khó của giới công giáo cũng như người Quốc gia là không thể cùng một lúc chọn lựa Hồ Chí Minh, vì kết quả sẽ tai hại hơn cả chế độ thực dân. Nhưng một mặt khác, cũng không thể chọn lựa Bảo Đại, một tay chân của Pháp trong việc dành độc lập? Đó là cái khó của giám mục Lê Hữu Từ mà đằng sau là Ngô Đình Diệm!!

Làm sao Bảo Đại hiểu rõ được điều này?

Chỉ sau này, sau khi dự lễ tấn phong, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng quay về Hà Nội, còn ông được đi nghỉ mát ở Sầm Sơn, Bảo Đại mới nhận thức được là ông chẳng khác gì một kẻ đi đầy của Hồ Chí Minh. Ông viết:

“Contrairement à la promesse de Ho Chi Minh, aucune nouvelle ne me parvenait d’Hanoi. J’eus l’impression non d’eetre prisonnier puisque j’étais libre de mes mouvements et de mon emploi du temps, máas exilé.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 143)

(Trái với những lời hứa của Hồ Chí Minh, tôi không được bất cứ tin tức gì từ Hà Nội. Tôi có ngay cảm tưởng không phải là tù nhân vì tôi được tự do đi lại cũng như sắp xếp thời giờ của tôi, nhưng tôi đã bị đi đầy.)

Việc đi nghỉ mát ở |Sầm Sơn của Bảo Đại là một nửa đi nghỉ hè, một nửa bị cô lập hay đi đầy. Bảo Đại đã nghĩ đến việc có thể bị giết hoặc bị ám sát bất cứ lúc nào với chỉ cần một viên đạn. Nhưng ông cũng đã chọn một biệt thự của người Pháp, một chủ tiệm kim hoàn nổi tiếng ở Hà Nội, tên M.Beau làm chỗ nghỉ mát. Cả thành phố chẳng còn ai, ngoại trừ một vài gia đình thuyền chài, căn biệt thự vốn bỏ hoang. Cạnh đó là khoảng nửa tá dân tự vệ có bổn phận bảo vệ Bảo Đại. Chính quyền địa phương chỉ cung cấp gạo còn thức ăn thì Bảo Đại tự lo liệu.

Công việc mỗi ngày của Bảo Đại nay là đi câu cá cho hết thời giờ. Vậy mà ba ngày sau, các lính tự vệ cho biết Hoàng thân Vĩnh Cẩn đã chu đáo gửi Lý Lệ Hoa ra cho Bảo Đại dùng. (Daniel Grandclément, ibid., trang 191).

Có câu hỏi ngờ nghệch, có lúc nào Bảo Đại không có gái không? Theo tôi, kể từ khi làm Cố vấn tối cao, Bảo Đại lúc nào cũng có đủ thứ loại gái bên cạnh.

Trong thời gian nghỉ mát ở đây, Bảo Đại được chỉ định ra tranh cử dân biểu ở Thanh Hóa, dưới chiêu bài cộng sản. Đảng cộng sản đã tạm thời giải tán nên ông ra tranh cử với danh nghĩa “cộng hòa” và đã đắc cử với 92% phiếu bầu. Các nhóm quốc gia đối lập đã tẩy chay cuộc bầu cử này, nhưng nó vẫn được diễn ra như đã dự trù. Đại đa số người đắc cử thuộc Mặt trận hay thân Mặt trận. Nhưng để nhượng bộ Việt Quốc hay Việt Cách, Việt Minh đã nhường 70 ghế cho hai đảng này.

Thôi thì cứ coi như một thứ “Dân chủ được hướng dẫn”.

Tuy nhiên, kết quả bầu cử đã chẳng có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của Bảo Đại cho đến lúc tình thế chính trị biến đổi mau chóng ngoài cả ý muốn của Bảo Đại.

Mới ngày nào, ông bị bỏ quên ở bãi biển Sầm Sơn thì nay vai trò chính trị hàng đầu của ông lại được mọi người nhắc nhở tới.

Hồ Chí Minh phải đối đầu cùng một lúc với bọn lính Trung Hoa có mặt khắp nơi, với người Pháp đã có mặt ở ngưỡng cửa của Hà Nội, rồi các đảng phái đòi hỏi, gia tăng áp lực.

Bảo Đại, thay thế chủ tịch Hồ Chí Minh?

Bảo Đại về lại Hà Nội. Đã xong một cuộc nghỉ mát bất đắc dĩ. Cộng lại thời gian là ba tháng. Đã có biết bao nhiêu thay đổi?

Hồ Chí Minh muốn loại bỏ Trung Quốc đành sáp lại về phía Pháp sắp sửa thay thế chỗ của Trung Hoa Tưởng Giới Thạch. HCM đổi giọng:

“Chúng tôi không có mối hận thù gì với người Pháp và dân tộc Pháp. Chúng tôi kính trọng họ và mong muốn tiếp tục mối giây liên lạc đã nối kết hai dân tộc lại với nhau.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 146)

Việc trở về Hà Nội của Bảo Đại gần vào dịp Tết.. Bảo Đại đã cùng Hồ Chí Minh đến tham dự mội buổi mít tinh tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đám đông dân chúng sau buổi lễ đã đứng đợi và vây quanh lấy Bảo Đại như thể vị hoàng đế thuở nào, chứ không phải với tư cách Cố vấn tối cao. Tư thế của Bảo Đại trước đám đông vẫn được kính nể có phần hơn cả Hồ Chí Minh?

Phần Việt Minh, sau chuyến viếng thăm chớp nhoáng của Võ Nguyên Giáp tại Nam Kỳ. Giáp hiểu rõ hơn ai hết là Pháp đã tái lập xong trật tự chế độ thuộc địa tại Nam Kỳ và rồi chẳng bao lâu sẽ tiến ra Bắc. Nỗi lo sợ của Võ Nguyên Giáp sau chuyến đi thị sát này là chính đáng. Tham vọng của Pháp không thay đổi.

Hồ Chí Minh và đám cận thần của ông ta hiểu rõ là họ chưa đủ sức mạnh để có thể chống lại Pháp. Họ chưa đủ trang bị. Ngay cả có súng thì vị tất đã có đạn. Tôi còn nhớ, ngay sáng hôm sau, ngày đầu cuộc kháng chiến bắt đầu, tôi đã nhìn thấy những khẩu súng gỗ vứt vương vãi trên con đường đôi, đối diện với sở Hành chánh tài chánh. Tôi không khỏi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng.

Cuộc chiến tranh đã bắt đầu như thế đấy! Họ ở trong một tình thế khó khăn và chưa tìm ra một lối thoát?

Trước mắt đồng minh, Việt Minh “đỏ” quá. Trước mắt, người Pháp e ngại không muốn thương lượng với Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh nghĩ ra giải pháp là đưa Bảo Đại ra thay thế ông ta.

Sáng ngày 27 tháng 2, 1946, lúc 7 giờ sáng, Hồ Chí Minh gọi điện thoại cho Bảo Đại ở tại nhà đường Gambetta xin gặp. Bảo Đại viết:

“Với vẻ mặt bơ phờ và thất sắc, Hồ Chí Minh nói với Bảo Đại: Tình thế thật nguy kịch và yêu cầu Bảo Đại hy sinh một lần nữa ra gánh vác việc nước thay ông ta. Bảo Đại đặt vấn đề là có quyền tuyển chọn người thành lập một chính phủ mới không? Hồ Chí Minh đồng ý. Sau đó, Bảo Đại đã liên lạc ngay với Nguyễn Mạnh Hà và Trần Trọng Kim, yêu cầu họ có mặt tất cả để bàn thảo. 8 giờ rưỡi có mặt đông đủ. Trần Trọng kim cho ý kiến là lời yêu cầu của Hồ Chí Minh là thành thật, không phải lừa bịp. Vì có thể việc thương thuyết với Sainteny không đạt kết quả gì. Vậy yêu cầu Bảo Đại cứ nhận. 10 giờ, một lần nữa Hồ Chí Minh gọi lại xin xác nhận để kịp đệ trình Quốc Hội. 12 giờ trưa, đến lượt Bảo Đại gọi cho Hồ Chí Minh cho biết, sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm. 1 giờ trưa, Hồ Chí Minh mời Bảo Đại đến gặp. Hồ Chí Minh tỏ bối rối và ngượng ngùng nói:

“Xin Ngài quên những điều tôi đã đề nghị với Ngài sáng nay. Tôi không có quyền rời bỏ nhiệm vụ và việc từ chức của tôi là một phản bội về phần tôi. Tôi xin Ngài tha lỗi cho sự yếu đuối của tôi bằng cách đẩy trách nhiệm sang Ngài. Sỡ dĩ tôi có ý định từ nhiệm vị sợ sự chống đối của các phần tử Quốc gia chống lại những thỏa thuận mà chúng tôi sẽ ký với người Pháp.”

(S.M. Bao Daï, ibid., trang 150-151)

Điều gì đã xảy ra từ lúc 10 giờ đến 13 giờ?

Theo sự suy luận của Bảo Đại thì không phải do sự bảo đảm của Liên Xô qua trung gian Ba Lan. Nhưng có thể do sức ép của tướng Lư Hán trên các đảng phái VNQDĐ và buộc các thành phần này đồng ý thỏa thuận với những gì Việt Minh đã ký kết với người Pháp. Và như thế, Việt Minh không phải một mình đứng ra chịu trách nhiệm những nhượng bộ người Pháp trước công luận.

Đến đây thì thực sự vai trò Cố vấn tối cao thực sự không cần thiết nữa. Chính người Pháp qua Sainteny cũng cho ràng: Không thể đưa lên lại một ông vua đã thoái vị. Đã đến lúc phải loại bỏ!

Cảnh chúc mừng sau khi ký Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946 giữa Pháp (phe theo cộng) và Hồ Chi Minh: Tướng Pháp Leclerc, Hồ Chí Minh, Đặc Sứ Pháp Jean Sainteny (15/3/1946). Copyright Collection Viollet

Sau đó, thỏa ước ký ngày 6 tháng 3 năm 1946, được gọi là Hiệp Ước Sơ Bộ ký kết giữa Sainteny và Hồ Chí Minh nhìn nhận một cách chính thức sự có mặt của Pháp một lần nữa ở Đông Dương.

Phía Việt Minh, ông ta muốn chứng tỏ cho mọi đảng phái khác hiểu rằng, chỉ có ông ta và Việt Minh mới đủ tư cách thương lượng với Pháp.

Theo thỏa ước, sẽ chấm dứt các cuộc đụng chạm quân sự giữa đôi bên. Quân Pháp sẽ thay thế quân Tàu được gọi là thế chân. Theo thỏa ước:

“Lực lượng của Việt Nam sẽ gồm 10.000 người, 15.000 người Pháp, tất cả dưới quyền chỉ huy của người Pháp. Các ủy ban hỗn hợp đôi bên sẽ bàn thảo, sắp xếp một cách thân hứu giữa các lực lượng Pháp và Việt Nam.”
(Philippe Franchini, Les guerres d’Indochine, Tome I, De la conquête francaise à 1949, Pygmalion (23 avril 2008), trang 435-436)

Thỏa ước này đã làm hài lòng về phía những nhà thương thuyết người Pháp như Sainteny, Pignon và Salan, kể từ 9-3- 1945 đã biệt bóng nay lại có mặt. Ngày hôm nay, họ lại chính thức có mặt ở Đông Dương và đối với họ là một thành công. Ví thế, chính phủ Pháp đã phê chuẩn ngay lập tức thỏa ước và hâu như dư luận nói chung đều hài lòng.

“Tờ L’Humanité với Marius Magnien đã chào mừng chính sách chính trị thực tiễn của chính phủ Pháp đã đem lại chẵng những hòa bình mà còn tình bạn giữa nước Pháp và Đông Dương.”
(Philippe Franchini, ibid., trang 193)

Phần Hồ Chí Minh đã vội vã ký chỉ muốn mua thời gian và không đề cập đến hai chữ độc lập vốn quan hệ mật thiết với cuộc tranh đấu của ông.

Không lạ gì những thành phần chủ nghĩa quốc gia cực đoan đã gọi đây là một phản bội của Hồ Chí Minh. Phần Võ Nguyên Giáp đã biện hộ lâu dài trước nhà Hát Lớn hôm 7-3 rằng có nhiều lúc phải tỏ ra cứng rắn, lúc khác phải tỏ ra mềm dẻo. Ít lắm thì cuộc đổ máu giữa đôi bên đã tránh được. Và Giáp đã ví thỏa ước 6-3 như một thỏa thuận Brest-Litovsk, một so sánh có ý nghĩa như một giải pháp để đi dần đến sự độc lập và tự do. Phải chăng Nga Xô đã phải ký thỏa thuận trên để ít nhất ngăn chặn sự xâm lấn của Đức và lợi dụng sự hưu chiến để củng cố lực lượng?

Tuy nhiên, sự giải thích của Võ Nguyên Giáp không dễ gì thuyết phục được mọi thành phần không phải là Việt Minh cộng sản!

“Và chỉ chín ngày sau, tướng Leclerc đã có mặt tại Hà Nội. Và nay lá cờ Pháp lại có dịp tung bay trên thành phố Hà Nội, tại các phố Tây như trên đường Paul Bert. Dân chúng Pháp ẩn núp từ nhiều tháng nay, nay đổ xô ra đường để đón chào sư đoàn xe cơ giới với 200 xe camion và các chiến xa Massu vượt qua cầu Paul Doumer. Chúng ngạo nghễ rú ầm làm rung chuyển đường phố Hà Nội như thách thức ngạo nghễ. Trên trời thì các máy bay Spitfire, sơn cờ tam tài bay là sát mặt đất. Và người ta lại có dịp nghe hát bài Marceillaise. Phần Leclerc đã xuất hiện trước ban công trước sở Cảnh sát cùng với tướng Salan và Sainteny, bên cạnh có tướng Giáp. Ông này mặc áo vét trắng, đội mũ phớt đón chào bằng cách nắm tay lại theo kiểu Việt Minh.”
(Philippe Franchini, ibid., trang 442-443)

“Đâu đây lại có tiếng hô to: Je suis francais, moi. (Tôi là người Pháp đây) một cách hãnh diện

Sau thỏa ước được ký tạm thì nảy sinh nhiều bất đồng. “Giữa người Pháp với nhau, De Gaulle trách: Thật là không chấp nhận được, đến giờ này chúng ta mới đến xứ Bắc Kỳ. Leclerc tỏ ra lạc quan hơn nói: Nếu chúng ta nắm được gạo và cao su ở Nam Kỳ, cảng Saigon và cảng Hải Phòng, các nhóm cách mạng ở Việt Nam buộc phải rút lui im lặng.”
(Philippe Franchini, ibid., trang 437-438).

Từ hai quan điểm đó chia rẽ nước Pháp.

Phía Nam Phần, nhiều giới trí thức thành thị lo ngại một sự trả thù nếu Việt Minh nắm chính quyền. Chính quyền Pháp phải trấn an họ rằng, thỏa ước chỉ liên hệ trực tiếp tới Bắc Kỳ và Trung kỳ. Phía Nam Kỳ hẳn là có quy chế đặc biệt. Một quy chế Nam Kỳ của người Nam Kỳ?

Phần Hồ Chí Minh, ông quyết định một cuộc thương thuyết sẽ được diễn ra tại Pháp với De Gaulle. Ông đã lên chiếc Émile-Berlin ngày 24 tháng 3, 1946, đáp tàu sang Pháp. Trong lúc tàu còn dừng lại ở Ai Cập thì Hồ Chí Minh biết rằng trong Nam đã thành lập một chính phủ Nam Kỳ do ông Nguyễn văn Thinh đúng đầu.

Kể từ chuyến đi Pháp của ông Hồ này, vai trò cố vấn của Bảo Đại thật sự chấm dứt.

Bảo Đại cùng với phái đoàn 6 người, 4 người thuộc phe Việt Minh, 2 người thuộc phe VNQDĐ ngày 16 tháng 3, 1946 rời Hà Nội trên một chiếc DC-3 của Quân đội Lư Hán, trên đó chất ngổn ngang các đồ đã cướp bóc được của dân chúng Hà Nội. Hơn 10 sĩ quan quân đội Tầu, cùng đi về với chiến lợi phẩm, chiếm vị trí tốt trên máy bay. Bảo Đại bị ngồi dồn vào một xó ở đuôi máy bay.

Bảo Đại đi rồi thì lục tục theo sau bằng đường bộ các nhân vật như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam cũng vội vã rút theo với đoàn quân của Lư Hán bỏ lại đầng sau các đồng chí, cán bộ mặc cho Việt Minh thanh toán sau này. Người xem ra không cần đi là cụ Trần Trọng Kim, cuối cùng cũng quyết định ra đi trong những chuyến xe chót!

Trong một cuộc chiến, cuối cùng kẻ còn ở lại, chính là người được coi là kẻ chiến thắng. Các phe phái còn lại lúc bấy giờ chỉ còn mình Việt Minh đối đầu với Pháp!

Embed from Getty Images: Hồ Chí Minh sang Pháp năm 1946

Kỳ tới: Bước đường lưu vong của Bảo Đại

(Còn tiếp)

© DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


DCVOnline biên tập và minh hoạ.

1 Comment on “Nhận định về ba vai trò của Bảo Đại: Vua, Cố vấn tối cao, và Quốc trưởng (p5)

  1. DANH CHÍNH NGÔN THUẬN

    Chuyện chẳng phải do ông Khổng nói
    Mà hằng luôn chân lý ở đời
    Bởi vì danh đúng nên người
    Còn mà gọi trật cũng thời ra chi

    Như Bảo Đại tiếng là vua vậy
    Nhưng vua toàn chỉ biết ăn chơi
    Chỉ vô trách nhiệm trên đời
    Nước non bỏ phế vậy thời vua sao

    Vua lại chỉ kiếp đời nô lệ
    Hết thực dân rồi kế Việt Minh
    Đành làm Cố Vấn giả hình
    Hỏi ra có giúp dân tình được đâu

    Pháp quay lại vốn hầu manh động
    Óc thực dân chưa muốn bỏ đi
    Trở nên Quốc Trưởng làm vì
    Khác gì Cố Vấn nhiều khi buồn cười

    Đấy thực tế ở đời chỉ vậy
    Không thực tài thực bụng khó hay
    Bất tài nào ích chi dân
    Còn như bụng giả mấy khi thực lòng

    Vậy muốn xét con người chính trị
    Trước coi tâm sau xét cái tài
    Giả tâm chẳng ích gì đời
    Còn tài không có khiến đời tầm vơ

    Đều hậu quả gây ra nghiêm trọng
    Lại nguyên nhân còn khiến chán chường
    Dắt dân đi trật con đường
    Kiểu anh thợ mộc đóng bàn vẹo xiêu

    Nên bất lực hẳn hoài có tội
    Còn giả nhân cũng chẳng hay chi
    Đều hai hạng có ích gì
    Đứng đầu đất nước tất thì phải hư

    Vì độc tự do là đúng
    Nhưng vấn đề cốt để làm chi
    Nếu toàn cũng loại cu li
    Cho dù khác chất cũng gì tốt đâu

    Nhiều cớ sự quả hầu khó nói
    Chờ tương lai lịch sử sáng soi
    Khiến dân đều chỉ mù lòa
    Cùng là sợ sệt có mà hay đâu

    Nên danh chính đàng nào đều phải
    Danh chính luôn ngôn thuận đi kèm
    Nếu đời toàn chỉ lèm nhèm
    Nói điều trái khoáy càng thêm não nùng

    Nên rốt cục có hai điều sợ
    Làm dân nghèo và hãi mới ghê
    Dân nghèo bụng dạ tái tê
    Còn dân sợ hãi miệng câm rõ ràng

    Nhìn vào đấy lại càng biết tỏng
    Ai anh hùng hay kẻ vũ phu
    Anh hùng chỉ hóa cho dân
    Vũ phu thường cốt nhắm riêng độc tài

    Thế kết luận làm đời dân chủ
    Mới là người cứu nước cứu dân
    Tự do phấn chấn muôn phần
    Mới người giúp nước giúp dân ở đời

    Còn ngược lại có nào gì khác
    Vẫn chỉ luôn bách hại nhân dân
    Giết từ thân xác tinh thần
    Khiến dân mờ tối vạn phần thương đau

    Chuyện đơn giản ai hầu không biết
    Chỉ vấn đề dám nói cùng không
    Dám ăn dám nói công bằng
    Khiến dân như thế mới nên tôn thờ

    Còn toàn kiểu ậm ờ mù tối
    Khác gì hơn có tội với dân
    Chính danh luôn đúng vạn lần
    Còn danh không đúng triệu phần tào lao

    NGÀN TRĂNG
    (05/01/16)