Petrus Trương Vĩnh Ký trong chuyến đi Tây 1863

Trần Giao Thuỷ

Sau đây là phần bổ túc cho bài “Đoàn sứ giả Việt Nam tại Paris năm 1863” (2012) nhằm trình bầy thêm những tài liệu người viết mới đọc về Sứ đoàn Phan Thanh Giản đi Pháp năm 1863.

Đoàn sứ giả Việt Nam tại Paris năm 1863 (p2)

Đầu tiên là một trong nhưng tập tài liệu do ông Hervé Bernard sưu tập và công bố trên mạng từ năm 2016. Bernard đặt tên cho tài liệu 22 trang này là “L’enseigne de vaisseau Henri Rieunier et L’ambassade Annamite de la cour de Hué de L’empereur Tu-Duc au Palais des Tuileries – Quelques souvenirs du Grand Savant lettré Truong-Vinh-Ky – Documents”
“Thiếu uý Henri Rieunier và Đoàn sứ giả An Nam của Vua Tự Đức tại Điện Tuileries – Vài kỷ vật của Bác học Trương Vĩnh Ký – Tài liệu”

Ở đây người viết chỉ đề cập đến 7 trang đầu của tập tài liệu.

Một là bìa cuốn sách “Cours d’Histoire Annamite” dùng ở Nam Kỳ của tác giả P.-J.-B. Trương Vĩnh Ký, Tập 2, Ấn bản đầu tiên do Nhà in Chính phủ in tại Saigon năm 1879. Ở phần chú thích, Hervé Bernard ghi “trang trong có hàng chữ ‘Saigon Imprimerie du Gouvernement. Avec l’Année 1877’ và chữ ký của Henri Rieunier.”

Nguồn: Hervé Bernard.

Hai là 5 trang thủ bút của Trương Vĩnh Ký. Bernard chú thích cho biết trong hành trình dài từ Saigon sang Suez trên chiếc thuyền chạy bằng máy hơi nước “Châu Âu” (Européen) Petrus Ký đã dạy tiếng Việt cho “người bạn tuyệt vời” của mình – thiếu uý Henrie Rieunier. Cuốn vở dùng dạy học, do Petrus Trương Vĩnh Ký viết tay, có sáu mươi trang bài tập song ngữ Pháp-Việt.

Thiếu uý Henri Rieunier. Nguồn: André Adolphe Eugène Disdéri (1818-1889) chụp năm 1863.
Vở song ngữ Pháp-Việt của Petrus Ký dậy Rieunier trong chuyến đi Tây 1863. Như nhiều người Nam Kỳ lúc đó ông Petrus Ký còn nhiều lỗi hỏi ngã.  Nguồn: Hervé Bernard

Ba là một tài liệu 3 trang, hai phần, tựa đề lớn là “Liste des personages composant L’ambasade Annamite et de leur suite” – Danh sách các nhân vật thành phần của Đoàn sứ gỉa An Nam và tuỳ tùng. Tựa nhỏ ở đầu trang 3 là “Annamites de la Cochinchine Francaise allant en France avec l’Ambadsade du Roi Tu-Duc” – Những người An Nam ở Nam Kỳ thuộc Pháp đi Pháp với Đoàn sứ giả của Vua Tự Đức.

Nguyễn Hữu Cấp (An Nam). Tác giả: Potteau, Jacques-Philippe (1807-1876), Chụp năm 1863. https://bibliotheques.mnhn.fr/

Ba trang danh sách in bằng tiếng Pháp, bên trái là những dòng Hán tự do Petrus Trương Vĩnh Ký viết tay.

Ngay sau đó là bản sao lại lá thư – nhận định và lời dịch (Hán-Pháp) – của Philippe Trương, một người Pháp gốc Việt, bạn của Hervé Bernard mà ông gọi là một học giả lớn.

Tài liệu này, nhờ những phụ chú Hán văn của Trương Vĩnh Ký – tuy không nhất thiết đúng hết – do Hồ Như Ý ghi lại, cho biết tên, chức vụ của thành viên của Đoàn sứ giả An Nam sang Pháp năm 1863 – không như chú thích trong tập ảnh lịch sử của Jacques-Philippe Potteau mà người viết đã phải đoán và đối chiếu với tài liệu Việt ngữ và vẫn còm một số sai sót.

Dưới đây là bản chép lại Danh sách các nhân vật thành phần của Đoàn Sứ gỉa An Nam và tuỳ tùngvới phiên âm và lược dịch.

Trong thư nhắn của Philippe Trương gởi Hervé Bernard, ông giải thích về hàm “Hiệp biện Đại học sĩ” [Tòng Nhất phẩm] của Chánh Sứ Phan Thanh Giản đứng thứ hai sau hàm của Tứ trụ Triều đình – Cần Chánh Điện Đại học sĩ, Văn Minh Điện Đại học sĩ, Võ Hiển Điện Đại học sĩ và Đông Các Điện Đại học sĩ [Chánh Nhất phẩm]. Ông cũng cho biết không có chữ Pháp tương đương. Điện Đại học sĩ và Hiệp biện Đại học sĩ là hàm vua ban cho những quan thượng thư xứng đáng, không giữ bộ nào. Nếu phải dịch sang tiếng Pháp thì gần nhất có thể gọi là “Conseillers Impériaux” Cố vấn Triều đình [hoặc “Quốc vụ khanh”, thuật ngữ thường dùng trong chính thể Việt Nam Cộng hoà.] Và vì đứng sau Tứ trụ nên trong danh sách Đoàn sứ giả ghi là “Vice-Grand Censeur” dù hàm “Grand Censeur” không có trong hàng quan chức Việt Nam. Dù không có ghi trong danh sách Đoàn sứ giả, Hiệp biện Đại học sĩ Phan Thanh Giản lúc bấy giờ là Thượng thư bộ Hộ.

Lương Văn Thể 47 tuổi (An Nam). Tác giả: Potteau, Jacques-Philippe Chụp năm 1863. https://bibliotheques.mnhn.fr/

Với Phó Sứ Bộ Lại Tả Tham Tri người Pháp dịch thành “Premier secrétaire au Ministère” là không đúng. Chuẩn hơn phải dịch là “Secrétaire d’État de Gauche au Ministère”

Với Bồi Sứ Nguỵ Khắc Đản, dùng “Maitre des Cérémonies du Palais” để dịch “Quang Lộc Tự Khanh” là không đúng lắm. Quang Lộc Tự Khanh chức Tòng Tam phẩm là vị trưởng quan của Quang Lộc tự lo lễ bái thờ phụng cung cấp và nấu rượu lễ, đồ lễ, đồ ăn trong các bữa tế tự, triều hội, yến tiệc cung đình trong triều Nguyễn. Philippe Trương cũng thú nhận với Hervé Bernard là ông không biết Nguỵ Khắc Đản là “Quang Lộc Tự Khanh” nhưng biết ông là Án Sát tỉnh Quảng Nam [phó tỉnh phụ trách việc hình]. Trong danh sách Đoàn sứ giả tiếng Pháp ghi là “mandarin de la justice du département de Tourane” lại không đúng vì Tourane tên Pháp hoá của Đà Nẵng, là một thành phố cảng thuộc tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1933 tỉnh đường Quảng Nam đặt ở làng La Qua, thị xã Điện Bàn ven biển phía Bắc của tỉnh.

Philippe Trương xác nhận danh sách Đoàn sứ giả Phan Thanh Giản 63 người đúng như một danh sách ông có gồm 19 viên quan văn võ, 25 người lính và 19 người hầu.

Về những người Nam Kỳ đi Pháp theo Đoàn sứ giả của Vua Tự Đức, danh sách của Philippe Trương không có học trò Simon Của. Những người còn lại đều đúng; tuy nhiên bản tiếng Pháp viết sai hoặc thiếu tên hoặc sai chính tả; ví dụ: “Petrus Key” đúng ra phải là “Pétrus Trương Vĩnh Ký” [Philippe Truong viết Pétrus có dấu sắc trên mẫu tự “e”]. “Petrus SANG” viết đúng là Petrus Nguyễn Văn Sang, “Ba Tuong” và “Hieu” là “nho sinh” Tôn Thọ Tường và Phạm Quang Hiếu [là Ký lục trong chính phủ xứ Nam Kỳ.]

Simon Của (18 tuổi) (An Nam). Tác giả: Potteau, Jacques-Philippe (1807-1876). Chụp năm 1863/ https://bibliotheques.mnhn.fr/

Nhân vật ngay hàng đầu trong chín “người Nam Kỳ đi Pháp”, ông Trương Vĩnh Ký, là người đã gây ra nhiều tranh cãi từ khi ông qua đời (1898) đến nay, đã 118 năm, vẫn chưa chấm dứt.

Bài viết này, như đã trình bầy ngay từ đầu, chỉ là một phần bổ túc cho một bài cũ viết về Sứ đoàn Phan Thanh Giản mà không nhằm vào việc xét công định tội ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Vấn đề này đã được Hữu Ngọc, trong cuốn “Viet Nam: Tradition and Change” 2016, trích lại đánh giá của Lê Đình Bảng tóm lược qua ba thời kỳ cùng nhận định của L.m. Trương bá Cần ở chương “Những người Việt Nam tiêu biểu” – Trương Vĩnh Ký, một nhân vật gây tranh cãi.

1. 1989-1945: Thời kỳ ca ngợi, Đông Dương Tạp Chí mô tả Trương Vĩnh Ký là “một nhà văn, nhà báo có sự nghiệp sáng ngời.” Nhà phê bình Thiếu Sơn gọi Trương Vĩnh Ký là một “bác học”; nhà giao Dương Quảng Hàm coi ông như “một người tiên phong trong văn chương mới bằng chữ quốc ngữ”; riêng nhà nghiên cứu văn phoá Phạm Quỳnh coi Trương Vĩnh Ký chỉ là “một người làm sách dạy trẻ con”.

2. 1945-1974: Giai đoạn phê phán lẫn ca ngợi – đều vì động cơ chính trị. Bên phê phán dựa vào hoạt động hợp tác với thực dân Pháp của Trương Vĩnh Ký. Thanh Lam coi hành động của Petrus Ký là “sự gieo hạt đầu hàng” đồng thời “tạp chí nghiên cứu Sử học” ở miền Bắc, trong những năm 1963-4 mô tả Trương Vĩnh Ký như một người “phục vụ cho giai cấp phong kiến phản động và kẻ thù”, đã dùng ông làm gián điệp cho Pháp khi ông đến Bắc Kỳ, và ông cũng là một người chủ xướng “Giáo dục Thiên Chúa giáo để phục vụ cho bọn tư bản xâm lược.”

Nhà báo Hồ Hữu Tường biện hộ cho Trương Vĩnh Ký; ông viết trên “Tập Bách Khoa”: “Nền giáo dục Thiên chúa giáo cần thiết để mở đường hợp tác, lại cần hơn nữa khi nó bảo vệ để ông không bị trù dập. Ông Ký quyết địng về hưu đúng lúc để làm việc văn hoá.” Những bài báo khác đăng trên cùng tạp chí phản biện lý luận của Hồ Hữu Tường, cho rằng Petrus Ký là tay sai của Paul Bert và bọn thực dân phỏ biến chữ quốc ngữ để loại bỏ ảnh hưởng tôn giáo truyền thống và văn hoá chữ Nho.

3. Sau 1975, kể cả thời kỳ “Đổi Mới”: năm 1990, giáo sư Nguyễn Văn Trung gọi Petrus Trương Vĩnh Ký là một người tiên phong – ở trong hoàn cảnh – suốt đời không thể nào làm khác hơn. 1995, Bằng Giang đánh gía Petrus Trương Vĩnh Ký là người có can đảm và rõ ràng.

Trương bá Cần, “Những người Việt Nam tiêu biểu” – Trương Vĩnh Ký, một nhân vật gây tranh cãi trong cuốn “Viet Nam: Tradition and Change” 2016 của Hữu Ngọc

Mặt khác L.m. Trương Bá Cần đặt ra 3 câu hỏi và tự trả lời để phân tích cuộc đời và tác phẩm của Trương Vĩnh Ký:

a. Tại sao Petrus Trương Vĩnh Ký hợp tác với người Pháp? Ông Cần cũng cho rằng 38 năm hợp tác với Pháp của Petrus Trương Vĩnh Ký là điều không thể tránh được vì hoàn cảnh thời đại của ông. Đương nhiên giáo dục người Ki-tô là điều có ích cho thực dân Pháp và Vua nhà Nguyễn đã trù dập giáo dân trước thời Pháp thuộc; Trương Vĩnh Ký không còng đường nào khác hơn là hợp tác, đặc biệt là khi gíao dân tin rằng sự có mặt của người Pháp tại Việt Nam là do Chúa đã định. Mặt khác, là một người yêu nước, Trương Vĩnh Ký không tin rằng mục đích của cuộc truyền giáo là nhằm giúp người châu Âu chiếm đóng ở Việt Nam. Có lẽ ông Trương Vĩnh Ký đã không hiểu rõ chính trị và không biết hiểu rằng hợp tác với thực dân đồng nghĩa với phản quốc.

b. Trương Vĩnh Ký hợp tác với Pháp ở những lãnh vực nào? Trương Bá Cần cho rằng ông Petrus Ký chưa khi nào tham gia trực tiếp vào việc hành chánh của người Pháp. Trong 6, 7 tháng làm việc với Paul Bert ở Cơ Mật Viện, ông thực tâm nghĩ mình đang làm công việt thuyết phục cả bạn lẫn thù là chống lại Pháp là điều vô ích, cùng lúc hợp tác với Pháp sẽ bảo đảm được nền tự trị tương đối cho Triều đình Huế. Ông Cần cho rằng việc chính của ông Trương Vĩnh Ký là ở phạm trù văn hoá như một thông ngôn, một thầy giáo và một nhà báo.

c. Sự hợp tác của Trương Vĩnh Ký chỉ làm lợi cho thực dân Pháp? Chắc chắn nó đã phục vụ cho chính sách thuộc địa, vì sự phổ quát hoá chữ quốc ngữ nằm trong chương trình của giới cai trị người Pháp. Ông Trương Vĩnh Ký cũng không phủ nhận ước vọng bắc nhịp cầu giữa hai nền văn hoá Pháp-Việt. Những kết quả Trương Vĩnh Ký để lại – hơn cả trăm tác phẩm – hoàn toàn không có tuyên truyền cho thực dân. Chúng là một kho tàng về ngôn ngữ, địa lý, lịch sử, và văn hoá quốc gia.

Hữu Ngọc kết luận người đời sau không nên đánh giá Petrus Trương Vĩnh Ký theo tiêu chuẩn của một anh hùng sẵn sàng chết vì tổ quốc, Như tất cả những người khác bắt buộc phải sống với thực dân, Trương Vĩnh Ký muốn là người hữu dụng. Nay nước nhà đã độc lập người ta nên hưởng di sản văn hoá mà ông đã để lại cho đời.

Huu Ngoc (Author), Lady Borton (Editor), Elizabeth F. Collins (Editor), “Viet Nam: Tradition and Change” (Ohio RIS Southeast Asia Series) Paperback – August 10, 2016, trang 114-7

Hiện nay Trương Vĩnh Ký lại vừa được đem trở lại bàn tranh cãi vì sự kiện chung quanh cuốn sách “Nỗi oan Thế kỷ” của Nguyễn Đình Đầu bị thu hồi, cấm phát hành bằng “lệnh miệng”. Tác giả Nguyễn Đình Đầu cho BBC biết ông có những tài kiệu của Petrus Trương Vĩnh Ký viết ở dạng bản nháp, chưa xuất bản cho thấy sự hợp tác của ông với Pháp không suông sẻ như người ta nghĩ. Ông Đầu cho rằng ông Trương Vĩnh Ký “là một người yêu nước Nam Kỳ, một nhà bác học”, “con người có rất nhiều cống hiến cho Việt Nam”. (Sử gia Nguyễn Đình Đầu buồn vì sách Petrus Ký bị thu hồi. BBC Tiếng Việt, 10 tháng 1, 2017.)

Đó là chuyện trong nước. Ở hải ngoại viết về Petrus Trương Vĩnh Ký, những tác giải xuất thân từ Việt Nam Cộng Hoà có người bênh vực và cũng có người lên án gắt gao. Tiêu biểu là Nguyễn Vy Khanh và Vũ Ngự Chiêu. Vì quan điểm, đôi khi tác giả đã xem thường sự kiện lịch sử, người yêu hay kẻ ghét ông Trương Vĩnh Ký đều không tránh được nhược điểm này khi viết về người của lịch sử.

Thí dụ, Nguyễn Vy Khanh, trong bài “Về Trương Vĩnh Ký và một số vấn đề văn bản, lối nhìn …” (2008) đã đăng ở nhiều trang báo mạng viết

“Trương Vĩnh Ký ra Đà Nẵng làm thông ngôn trong việc ký hoà ước và đòi bồi thường chiến phí này, ông đã tỏ ra có khả năng nghị luận và thẳng thắn khi phải tế nhị giữa hai bên, đã được cả hai phe để ý. Cho nên tháng 6-1863 cụ Phan Thanh Giản đã yêu cầu Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn cho phái đoàn đi Paris và Madrid xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông – trong khi đó một số người như “sử gia” Vũ Ngự Chiêu sai lầm khi nói ông làm cho Pháp, tức theo phái đoàn Pháp.”

Nguyễn Vy Khanh, “Về Trương Vĩnh Ký và một số vấn đề văn bản, lối nhìn …” (2008)

Một người khác, thời Nam Kỳ Thuộc địa Pháp, trước  tác giả Nguyễn Vy Khanh, viết:

“Sa réputation parvint jusqu’à la cour de Hué.
Lorsque l’empereur Tu Duc délégua, en 1863, une ambassade vers Napoléon III, ce fut Pétrus Ky que demanda à s’adjoindre, comme interprète, le ministre Phan thanh Giang, une des plus nobles figures mandarinales de l’ancien Annam.”

Discours de M. Nguyên-Van-Cua à L’inauguration de la statue de Truong-Vinh-Ky (L’Écho annamite, 21 décembre 1927.

“Danh tiếng của ông đã đến Triều đình Huế.
Vì thế năm 1863 khi Vua Tự Đức cử một doàn sứ giả đi gặp Vua Napoleon Đệ III thì Petrus Ký đã xin được đi theo làm thông ngôn cho Thượng thư Phan Thanh Giản, một viên quan cao quý nhất của Nam Triều ngày trước.” (Bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Của tại lễ đặt tượng Petrus Trương Vĩnh Ký (Báo Tiếng Vang Người An Nam, số ngày 21 tháng 12 1927)

Ở điểm Petrus Trương Vĩnh Ký đi Tây năm 1863 làm thông ngôn cho ai thì nhà sử học Vũ Ngự Chiêu đúng, tác giả Nguyễn Vy Khanh và ông Nguyễn Văn Của đều sai – dù sai khác nhau. Ông Vũ Ngự Chiêu có bằng chứng khi cho rằng ông Trương Vĩnh Ký đi Tây làm thông ngôn trong phái đoàn của thực dân. Ông Nguyễn Vy Khanh phản luận theo cảm tính và không có chứng từ biện minh cho quan điểm của mình.

Trong bản phúc trình đề ngày 28 tháng 6, 1863 Toàn quyền Đông Dương La Grandière viết,

“Thể theo nguyện vọng của Phó Đô đốc Bonnard lúc rời Nam Kỳ, tôi cho phép 9 nhân viên làm việc trong nền hành chánh bản xứ ở Saigon được phép tháp tùng phái bộ và được đi trên cùng một chuyến tàu.” (Trương Bá Cần, Phan Thanh Giản đi sứ ở Paris (13-9 đến 10-11-1863), Tập san Sử Địa, số chuyên khảo về Phan Thanh Giản, 1967, trang 17 trích dẫn Văn khố Bộ Hải Quân B.B. 4834)

Mặt khác, gay gắt lên án Petrus Trương Vĩnh Ký, Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu nhất định gọi ông là Petrus Key thay vì Petrus Ký hay Petrus Trương Vĩnh Ký, ông lý luận “Nên trả lại cho Cesar những gì của Cesar,…”

“Trong tập Các vua cuối nhà Nguyễn, tập I, ký tên thực Vũ Ngự Chiêu, tôi đã trình bày trường hợp Petrus Key khá đầy đủ. Dựa trên tài liệu văn khố mà không phải những tác phẩm và nguồn tin đã xuất bản suốt hơn trăm năm qua (thường chỉ sao chép lại những lỗi lầm của người đi trước, rồi thêm thắt chỗ này, chỗ nọ, tự nhận của mình), tôi nghĩ những gì viết về Petrus Key đã tạm đủ. Petrus Key, trong dòng lịch sử quốc dân, chỉ là một tác nhân bản xứ phụ thuộc (thày kẻ giảng bỏ tu, làm thông ngôn và công tác văn hóa) trong chính sách xâm lăng và cai trị Việt Nam của người Pháp (1858-1945, 1945-1955).”

“…gọi Petrus Key bằng bất cứ tên nào đều có thể chấp nhận được. Nhưng để tôn trọng tâm nguyện của Petrus Key [Trương Vĩnh Ký], xuyên suốt bài viết này tôi sẽ dùng tên Petrus Key hay Trương Vĩnh Ký, hoặc “P.J.B. Truong Vinh Ky” mà không ghi “Petrus Ký” hoặc “Pétrus Ký”. Với ai đó, cái tên “Petrus Key” có thể hơi “lạ,” nhưng cách ghi này chỉ là nguyên tắc thông thường thôi. Nên trả lại cho Cesar những gì của Cesar, vật hoàn cố chủ, theo đúng nghĩa đen của chữ.”

Nguyên Vũ, “Góp phần nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký (1837-1898), © 2002, 2010 by Chieu N. Vu. All Rights Reserved.

Người viết tin rằng ông Vũ Ngự Chiêu đã bỏ quá nhiều thời gian và giấy mực để đi đến một kết luận rất cực đoan và gượng ép về cái tên của ông Petrus Trương Vĩnh Ký.

Dựa trên chính những tham khảo và tài liệu tác giả Vũ Ngự Chiêu đã đọc, hẳn ông không thể phủ nhận rằng Petrus Trương Vĩnh Ký là người Việt Nam, có cha là võ quan triều Nguyễn, họ Trương. Như thế chắc chắn ông phải mang họ Trương. Và đã là người Việt Nam, từ Nam chí Bắc hay từ Tokin đến Cochinchine, không ai đặt tên cho con là “Key” cả. Nguyên Vũ cũng trích Nguyễn Văn Trung, “Trương Vĩnh Ký nhà văn hóa”, NXB Hội nhà văn, 1993, trang 63:

“‘Ngoài ra, thủ bút của ông còn ghi “Trương Vĩnh Thế, thày Bửu đỡ đầu, Trương Thị Gia, Bà Se Si La [hay Se Di La] đỡ đầu, Trương Vĩnh Nhi, Mr. Galy đỡ đầu.’ Không rõ Trương Vĩnh Thế, Trương Thị Gia hay Trương Vĩnh Nhi là ai, liên hệ với Petrus Key ra sao. Kết luận duy nhất là trong họ Trương, ngoài Petrus Key, còn có ba người khác được Hội truyền giáo nuôi.”

Nguyễn Văn Trung, “Trương Vĩnh Ký nhà văn hóa”, NXB Hội nhà văn, 1993, trang 63

Kết luận trên đây của Nguyên Vũ về tài liệu này cho thấy khi viết về gia phả ông Petrus Trương Vĩnh Ký rất trung thực về tôn giáo của mình. Tuy nhiên bảo vì có cha mẹ đỡ đầu là là Ki-tô hữu nghĩa là được “Hội truyền giáo nuôi” thì đúng bạo lực chữ nghĩa.

Tất nhiên qua nhiều tài liệu tiếng Pháp, hay thủ bút, chữ ký của ông cũng xuất hiện “Petrus Key”, “Trương Vĩnh Key” hay “Trương Vĩnh Kéy”, “Trương Vĩnh Ký” v.v. Do đó “Petrus Key” không phải là cái tên duy nhất người ta biết tới ông. Càng chắc hơn nữa, không thể là tâm nguyện của ông Petrus Trương Vĩnh Ký muốn người đời sau biết đến ông là “Petrus Key” vì ít nhất ông đã dùng tên Trương Vĩnh Ký khi lập gia đình với bà Vương Thị Thọ vào năm 1861. Bà Thọ cũng là người theo đạo Ki-tô, và tên ghi trên mộ của bà là Maria Trương Vĩnh Ký (mất năm 1907), chữ nhỏ hơn ở dòng dưới ghi khuê danh của bà. Ông Trương Minh Đạt, cháu 4 đời của ông Trương Vĩnh Ký, cho biết, ông nội của ông – ông Trương Vĩnh Tống – em của người con trai trưởng mà ông bà Trương Vĩnh Ký đã đặt tên là Trương Vĩnh Thế. (Nhà mồ giữa thành phố, Tuổi Trẻ Online, 21/04/2012.)

Có lẽ ông Vũ Ngự Chiêu chưa đọc cuốn Sổ Cựu chủng sinh Chủng viện Penang (Alumni Collegii Generalis de Penang) để biết rằng tên “Petrus Ky” đã xuất hiện trên sổ sách tiếng nước ngoài ít nhất từ năm 1852. Dưới đây là trang 13 của cuốn Sổ vừa nêu. Tên “Petrus Ky”  mang số thứ tự 261, 16 tuổi khi vào chủng viện và theo học tại Penang từ 1852-1858

Nguồn: Facebook Hoang Dzung, Jan 8, 2017

Đời nào lại có chuyện ông Petrus Key, “tên “Petrus” và họ “Key””, lại đặt tên cho con là Trương Vĩnh…

Công báo Cộng hoà Pháp ngày 1/5/1937 cũng xác định Trương Vĩnh Tống (Nicholas) là con của ông Petrus Ký được trao huân chương Hiệp sĩ khi về hưu sau hơn 32 năm phục vụ chuyên nghiệp như một Thư ký Chính của Chánh phủ. (Le Journal officiel de la République française, 1 mai 1937 và Le Nouvelliste d’Indochine, 8 mai 1937.)

Dẫn “Thư của Sứ đoàn Đại Nam gửi Phó Vương Alexandrie”, tác giả Vũ Ngự Chiêu lý luận,

“Nội dung thư này chẳng có gì đặc biệt, và được nhắc đến trong một số tác phẩm đã ấn hành. Đáng chú ý là người thông dịch ký tên là Petrus Truong Vinh Key.
Hai chữ “Truong Vinh” đã được thêm vào giữa tên “Petrus” và họ “Key.”
Chữ “Key” vài tháng trước cũng đã được dịch qua chữ nho là “Kí.” Điều này chứng tỏ chậm lắm từ năm 1863-1864, “chú Kí” của Linh mục Borelle năm 1858-1859, đã tìm được phả mới –Trương Vĩnh.”

Vũ Ngự Chiêu, “Vài Tài Liệu Mới Về Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) (1837-1898)(*)”, Hợp Lưu, 17 Tháng Hai 2011.

Nói ông Petrus Trương Vĩnh Ký “họ ‘Key’” và đến năm 1863-4 mới có phả mới là “Trương Vĩnh” thì học giả Vũ Ngự Chiêu đã để ảnh hưởng chính trị, tôn giáo lấn át cả kiến thức và học thuật lịch sử của mình.

Cũng như mọi người đi tìm hiểu về cá nhân vật lịch sử, người viết cũng phải tìm đến những tài liệu có thể tin được. Đầu tiên, tên của ông Trương Vĩnh Ký là gì? Ai lớn lên ở miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975 đều biết Petrus Ký hay Petrus Trương Vĩnh Ký là tên trường trung học công lập lớn và có tiếng nhất miền Nam. Vũ Ngự Chiêu cũng viết “…nơi đây chỉ có con ông cháu cha cùng những học sinh xuất sắc được thu nhận, qua các kỳ thi tuyển khó khăn” (Nguyên Vũ, “Góp phần nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký (1837-1898)).

Nhưng viết như thế chỉ đúng một nửa. Không có tài liệu và tỉ số “con ông cháu cha” của học sinh trường Petrus Ký, nhưng những số liệu tiêu biểu của kết quả những kỳ thi Tú Tài I và II niên khoá 1971-2 cho thấy rõ ràng khả năng của thầy trò trường Petrus Ký chứ không phải cái “gốc” cocc của học sinh là nhân tố phản ảnh vị trí mái trường của họ.

Tú Tài 1 | Ban A: dự thi 77, trúng tuyển 71, với 2 Ưu, “112” Bình (con số “112” in trong Kỷ yếu Trương Vĩnh Ký 1972-1973 là một lỗi đánh máy. Số học sinh đậu Bình phải nhỏ hơn 71. Nó có thể là 11, 12 hoặc 2), 17 Bình thứ, tỉ lệ thi đậu là 92%

Thứ đến, một tấm ảnh của Hội Địa Lý Paris chụp ông Petrus Trương Vĩnh Ký ghi ngày 6/7/1883, năm ông 46 tuổi, mặc áo dài, đầu đội khăn đống – ông vẫn mặc y phục của một nho sĩ thời chữ Nho không còn được trọng. Mặt sau tấm ảnh ghi tên ông: “Joannes Baptistus Petrus Truong Vinh Ky”, với con dấu của Société de Geographie Paris, ngày 6/7/1883. Tấm ảnh hiện lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp.

Nguồn: Thư Viện Quốc gia Pháp

Như thế tín hữu Ki-tô Trương Vĩnh Ký sau khi được rửa tội có tên đạo tiếng La tinh là “Joannes Baptistus Petrus” nên tên ông viết tắt là J.B. Petrus Trương Vĩnh Ký hay Petrus Trương Vĩnh Ký.

“Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký”, “Pierre J.B. Trương Vĩnh Ký” hay “Pétrus Ký” là những dạng Pháp hoá tên của ông mà người nói tiếng Pháp hay dùng trong văn bản tiếng Pháp.

Người viết chỉ dùng tên của ông ở những dạng tôn trọng nguồn gốc chính của danh xưng của ông, một người Thiên chúa giáo có tên Thánh tiếng La tinh và tên Việt Nam do cha mẹ đặt cho khi viết bằng tiếng Việt. Gọi tên ông như thế mới đúng với “nguyên tắc thông thường”.

Annamites de la Cochinchine Francaise Allant en France avec l’Ambassade du Roi Tu-Duc

Nguồn: Chính Đạo Vũ Ngự Chiêu

Trong một tấm ảnh scan nhiều tài liệu đã đăng trong Chính Đạo, “Hồ Chí Minh: Con người & Huyền thoại, tập I (1997)”; & Vũ Ngự Chiêu, “Các vua cuối nhà Nguyễn, tập I (1999)” có một phần là tài liệu danh sách những người trong phái đoàn của Soái phủ Nam Kỳ sang Pháp năm 1863-64, tác giả ghi

“Tài liệu thứ hai là danh sách phái đoàn thông ngôn của Soái phủ Pháp, dưới quyền Trung tá Henri Rieunier, được cử tháp tùng sứ đoàn Phan Thanh Giản qua Pháp và rồi Espania vào tháng 7 năm 1863.

Danh sách này xếp chữ typo, với phụ chú chữ Hán ở phía tay trái, và có chữ ký chứng thực của Rieunier. Phần sắp chữ typo, chỉ đề tên ‘Petrus Key, Giáo sư trường Thông ngôn.’”

Vũ Ngự Chiêu, “Vài Tài Liệu Mới Về Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) (1837-1898)(*)”, Hợp Lưu, 17 Tháng Hai 2011.

Đây là tài liệu mà Hervé Bernard vừa phổ biến năm 2016. Hình chụp lại tài liệu chỉ chiếm ¼ trang trong tác phẩm của Chính Đạo, dù vậy người viết cũng nhận ra hai điểm đáng lưu ý. Một là nó giống y như tài liệu Hervé Bernard công bố; hai là tài liệu Hervé Bernard không “có chữ ký chứng thực của Rieunier”.

Tài liệu do Hervé Bernard công bố không có chữ ký của Henri Rieunier dù ông cho biết đó là một trong những “kỷ vật” của Rieunier trong chuyến về Pháp năm 1863 cùng lúc đưa Đoàn sứ giả Phan Thanh Giản một đoạn đường sang Paris. Trong danh sách nêu tên 7 trong 9 người Việt Nam. Như vậy có thể có ít nhất hai bản “Annamites de la Cochinchine Francaise Allant en France avec l’Ambassade du Roi Tu-Duc”.

Những tấm ảnh chụp vài người trong danh sách Những người An Nam ở Nam Kỳ thuộc Pháp đi Pháp với Đoàn sứ giả của Vua Tự Đức

  • Nhất đẳng thông ngôn Petrus Trương Vĩnh Ký ngồi trước khách sạn ở 17 rue Lord Byron à Paris. Ảnh do André Adolphe Eugène Disdéri (1818-1889) chụp năm 1863.
  • Nhị đẳng thông ngôn Nguyễn Văn Sang, người Bắc Kỳ. Hình do Jacques-Philippe Potteau chụp năm 1863
  • Nhất đẳng nho học Ba Tường (Tôn Thọ Tường), Tri phủ Tân Bình, 38 tuổi, sinh tại Saigon. Hình do Jacques-Philippe Potteau chụp năm 1863 khi Đoàn Sứ giả đến Paris.
  • Sơ học Trần Văn Luông (Trần Tử Long) con của Trần Tử Ca, Tri huyện Bình Long (Hóc Môn ngày nay). Hình do Jacques-Philippe Potteau chụp năm 1863.
  • Người hầu Pedro Trần Quang Diệu. Hình do Jacques-Philippe Potteau chụp năm 1863 khi Đoàn Sứ giả đến Paris.
Thông ngôn của Soái phủ Nam Kỳ đi theo Đoàn sứ giả Phan Thanh Giản 1863.
Nguồn: Thư Viện Quốc gia Pháp.
Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp.

Ai người đã viết tay, phụ chú, chữ Hán song song với danh sách in bằng tiếng Pháp. Trừ ba người hầu và hai học trò cả 4 người đầu danh sách đều có khả năng Hán văn, nhưng hợp lý nhất, người viết những dòng phụ chú đó chính là ông Trương Vĩnh Ký. Ông là bạn, cùng lúc là thầy dạy chữ quốc ngữ cho Henri Rieunier trong chuyến hải hành từ Saigon sang Suez năm 1863; Petrus Ký còn là thông ngôn hạng nhất, thầy giáo dạy nói tiếng Pháp và tiếng Việt Nam (Nhất đẳng Thông ngôn Trương Vĩnh Ký Giáo học Tây Nam Âm Thoại). Ngoài ra còn một tài liệu khác góp phần xác định thủ bút Hán văn trong tài liệu nêu trên là của Petrus Trương Vĩnh Ký: đó là chữ ký bằng Hán tự của ông. Ông Philippe Trương, bạn của Hervé Bernard, cũng cho rằng thủ bút Hán tự là của Petrus Trương Vĩnh Ký.

Tựa đề tiếng Pháp “Annamites de la Cochinchine Francaise Allant en France avec l’Ambassade du Roi Tu-Duc” có thể gây hiểu lầm.

Trước nhất phái đoàn thông ngôn, nho sĩ và học trò người xứ Nam Kỳ do Toàn quyền Đông Dương Pierre-Paul de La Grandière (28/11/1865 – 4/4/1868) cử sang Pháp năm 1863 đi cùng thuyền nhưng không thuộc Đoàn sứ giả Đại Nam của Vua Tự Đức. Cụm từ “Allant en France avec” “đi sang Pháp với” Đoàn sứ giả của Vua Tự Đức dễ gây ngộ nhận. Tuy cùng trong một tài liệu nhưng được chia làm hai danh sách khác nhau: một, người của Triều Tự Đức, hai, người của Soái phủ Nam Kỳ. Vì là người của Soái phủ Nam kỳ nên họ không nằm trong danh sách 63 người của Đoàn sứ giả của Triều Nguyễn nhu đã ghi trong lịch sử biên niên.

Vào thời đó Pháp chia Việt Nam làm ba kỳ: Bắc, Trung, và Nam (Tokin, Annam và Cochinchine) và người Việt Nam ở kỳ tiếng Pháp là Tonkinois, Annamites, và Cochinchinois. Nhưng người Pháp vẫn có thói quen dùng “Annamites” để gọi người Việt Nam ở ba kỳ.

Tài liệu “Liste des personages composant L’ambasade Annamite et de leur suite”“Annamites de la Cochinchine Francaise allant en France avec l’Ambadsade du Roi Tu-Duc” : vài lỗi typo, phụ chú và nhận định

1. Tên của Chánh sứ Phan Thanh Giản viết là PHAN-THANH-GIANG – (Giảng thay vì Giản – không có “g”) vì ảnh hưởng cách phát âm của người xứ Nam Kỳ.

2. Tên của Binh bộ Viên ngoại lang Hồ Văn Long viết là HO-VAN-LUONG. Theo Trần Văn Cư, “Nhật ký của Đoàn sứ giả”, thì Luông là một tên khác của ông Long (Trương Bá Cần, Phan Thanh Giản đi sứ ở Paris (13-9 đến 10-11-1863), Tập san Sử Địa, số chuyên khảo về Phan Thanh Giản, 1967, trang 16)

3. Tên của bác sĩ Ngô Văn Nhuận viết là HO-VAN-HUAN

Ở phần chú thích bằng Hán văn của ông Petrus Trương Vĩnh Ký cũng có vài điểm cần ghi nhận.

a. Tên của quan võ tòng tứ phẩm Hồ Văn Huân được chú thích là 呉文薰, Ngô Văn Huân. Cũng như khi chú thích tên viên quan bác sĩ tòng thất phẩm 呉文潤 Ngô Văn Nhuận ông Petrus Ký dùng , một dị thể của chữ (họ Ngô). Người viết không hiểu lý do ông Trương Vĩnh Ký lại viết là 呉文薰 (Ngô Văn Huân) mà không là 胡文薰 (Hồ Văn Huân).

b. Một trong hai học trò trường Đức ông (Mgr) Adran con Tri huyện Trần Tử Ca là Trần Văn Luông nhưng ở phần chú chữ Hán ông Trương Vĩnh Ký viết là 陳文龍 Trần Văn Long. Lý do viết Long thay Luông có thể vì Long (Trần Tử Long) là một tên khác của Luông theo Nguyễn Duy Oanh, “Chân dung Phan Thanh Giản”, Bộ Văn Hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974.

c. Tên Simon Của, người học trò thứ hai trường Adran được chú bằng tiếng Hán là 吹家貼 Xuy Gia Thiếp. “Xuy Gia Thiếp” không có nghĩa chỉ là phiên âm tên người nước ngoài bằng Hán Văn không khác gì Hoa Thinh Đốn (Washington), Ba Lê (Paris), hay tên Lý â Nhi mà Trương Vĩnh Ký đã dùng khi chuyển âm tiếng Pháp rồi viết bằng tiếng Hán và quốc ngữ tên của Rieunier. Còn nhiều tên vô nghĩa, phiên âm tiếng Pháp thời đó như Gia Lang Gi Y (tên của toàn quyền Đông Dương La Grandière) hay Hà Bá Lý (tên của thuyền trưởng Grabiel Aubaret). Tên Pháp, tên Mỹ nhưng sau khi phiên âm nghe cứ ngỡ người Tầu.

Vũ Ngự Chiêu ép ông Trương Vĩnh Ký lấy họ “Key” chẳng khác nào bảo Henri Rieunier họ “Lý”, Gabriel Aubaret họ “Hà” hay Pierre-Paul de La Grandière họ “Gia”. Khó nghe và gượng ép lắm!

(T): Chữ ký của Trương Vĩnh Ký bằng Hắn tự. Bên cạnh ông viết Trương Vỉnh “Kéy” hay “Ký”. (P) Họ Rieunier tiếng Hán viết theo âm. Nguồn Hervé Bernard.

Cách phiên âm trên đây không khác việc người Pháp và ông Trương Vĩnh Ký thuở mới có liên hệ đã dùng “Key” hay “Kéy” (tiếng Pháp) phiên âm từ tên “Ký” (chữ quốc ngữ) của ông.

Đường của Đoàn sứ giả Phan Thanh Giản đi từ Bến Nghé đến Paris mất 102 ngày (4 tháng 6 đến 13 tháng 9, 1863) dài khoảng 13, 14 ngàn cây số. Mới khoảng nửa đường thì đã có hai người chết. Một là thông ngôn Nguyễn Văn Trường chết khi tàu Européen đến Aden và được an táng tại đây.

Hải-lộ trình Bến Nghé đến Pariss của Đoàn sứ giả Phan Thanh Giản năm 1863. Nguồn DCVOnline.net | Google Maps

Theo Ngô Đình Diệm, “L’Ambassade de Phan Thanh Gian (1863-1864);” BAVH, VI, Số 1bis và 2 (Avril-Juin 1919), trang 170, như Vũ Ngự Chiêu đã dẫn lại trong chương V, “Các Vua cuối Nhà Nguyễn” Chánh sứ Phan Thanh Giản đã chọn phó tế (sau được thăng Linh mục) Nguyễn Hoằng, một trong hai người tín cẩn của Giám Mục Gauthier, làm thông ngôn. Như vậy dù ông Trường đã chết trong Đoàn sứ giả Đại Nam tại Paris vẫn còn một người thông ngôn. Tuy vậy, trong phiên họp chính thức với Vua Napoleon III ở Điện Tuileries, người Thông ngôn (cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp) lại là Gabriel Aubaret.

Trong thời gian tạm nghỉ ở Alexandrie (Alexandria) trước khi vượt Địa Trung Hải thì bác sĩ hạng nhất của Đoàn sứ giả Đại Nam, ông Nguyễn Văn Huy, cũng đã mệnh chung và được chính quyền địa phương an táng tại chỗ.

Cuối danh sách nhân sự trong Đoàn sứ giả Phan Thanh Giản sang Pháp là hai đoạn ngắn liệt kê số lễ vật và hành lý Đoàn sứ giả đã đem theo. Lễ vật cho triều đình Vua Napoleon III gồm có 44 kiện hàng với 1 kiệu và 4 lọng. Lễ vật cho triều đình của Nữ hoàng  Isabella II of Spain gồm 24 kiện hàng. Hành lý của Sứ đoàn gồm 100 kiện hàng, và hơn 500 kiện đựng gạo và heo cùng gà vịt.

Rieunier nhận xét về Chánh sứ Phan Thanh Giản

Theo Bernard, Rieunier đã kể lại câu chuyện lược dịch như sau:

“Phan Thanh Giản đã 70 tuổi; ông ăn nói nhẹ nhàng và bóng gió, dưới sắc diện tươi cười, ông được phú cho một năng lực phi thường. Sau bốn tháng ở cạnh bên ông ấy, chúng tôi có thể hiểu rõ giá trị những đức tính của ông …. Nhắc đến thời điểm này, chúng tôi thấy ông ngạc nhiên suốt chuyến hải hành sóng gió vượt biển Trung Hoa tới Toulon, được hỗ trợ chỉ bằng nhiệt tình yêu nước và lòng mong muốn phục vụ cho đất nước của mình. … Trên đường đi, nhiều lần qua những cảnh thiên nhiên hùng vĩ tuyệt vời gần đảo Karatoa [Indonesisa], đảo Perim [Yemen, cửa biển Hồng Hải], eo biển Mesina [Ý] Ngài Chánh sứ lo âu đến ngồi cạnh chúng tôi ở phòng lái trên tầu Européne, đưa cuộc nói chuyện về mục đích của sứ mệnh của ông. Chúng tôi đã khuyên can ông từ bỏ ảo tưởng về việc ngưng cuộc chinh phục của chúng tôi với hứa hẹn rằng ông sẽ tìm thấy ở Pháp một sự tiếp đón thân thiện nhất và bảo đảm nhất.

Sau đó chúng tôi nói chuyện về tương lai của đất nước của ông, về năng lực của người dân Việt Nam, và những lợi ích mà họ – người dân và quan lại Việt Nam – sẽ thu nhận được từ nền văn minh của chúng tôi. Hơn bất cứ đồng bào nào của ông, ông đánh giá cao giá trị của nền văn minh ấy; và ông luôn luôn kết thúc cuộc nói chuyện với những lời này: ‘Chúng ta vẫn phải chờ cho đến khi hai nước chúng ta sẽ không còn coi nhau là thù nghịch nữa.”

Hervé Bernard, Henri Rieunier et la conquête de la Cochinchine, trang 37 đã trích lại lời tựa cuốn “Lé premières années de la Cochinchine của Pulin Vial” (9/1873)

Sau chuyến đi sứ sang Tây không chuộc lại được ba tình miền Đông, rồi mất thêm ba tỉnh miền Tây ở Nam kỳ, số mạng Phan Thanh Giản thế nào và triều đình Tự Đức đã đối xử với ông ra sao thì sử sách, người đời sau đã ghi lại.

24 tháng 1, 2017 (Cuối năm Bính Thân)

© DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


DCVOnline minh hoạ

1 Comment on “Petrus Trương Vĩnh Ký trong chuyến đi Tây 1863

  1. PHAN THANH GIẢN
    VÀ TRƯƠNG VĨNH KÝ

    Một người yêu nước cực kỳ
    Một người bị hiểu kiểu người thân Tây
    Hai người xuất xứ Nam kỳ
    Đều là những kẻ lưu danh một thời

    Phan Thanh Giản vị triều thần
    Còn Trương Vĩnh Ký người làm thông ngôn
    Cả hai đều tấm lòng son
    Yêu dân yêu nước thôi còn nói chi

    Đường dài vạn dặm ra đi
    Biển xanh sóng trắng xảy gì nữa đây
    Mười ba ngàn cây số quả dài
    Trên trăm ngày chẳng biết ai bạn cùng

    Toàn bầu tâm sự mông lung
    Miền Tây ba tỉnh liệu hòng chuộc chăng
    Mệnh vua nghĩa nước đằn thằn
    Người thì trí thức người trong triều đình

    Cuộc đời đâu chỉ đinh ninh
    Đi về thất bại quả tình ra sao
    Miền Đông ba tỉnh lại nhào
    Phan quân thân phận lao đao lạ lùng

    Thôi đành vì nước mệnh chung
    Cái gan lẫm liệt anh hùng là đây
    Trương quan tháng rộng ngày dài
    Làm người trí thức vì Tây đâu đành

    Chuyển sang văn hóa vang lừng
    Nâng cao dân trí lẫy lừng một phen
    Tâm vàng sánh với gan sừng
    Dãi dầu mưa nắng chưa từng ai hơn

    Chẳng qua vận nước nguồn cơn
    Làm sao trách được hai trang anh hùng
    Đâu như kiểu cách tầm thường
    Đầu hàng quân giặc lập công phỡn phè

    Công danh sự nghiệp nhập nhòe
    Chỉ đều bán nước cá mè vậy thôi
    Cái tâm mới chính trên đời
    Anh hùng nghĩa khí đâu ngoài cái tâm

    Cho dầu ai đó trách lầm
    Con người trí thức cái tâm hàng đầu
    Trương Vĩnh Ký thật nghĩ sâu
    Con đường văn hóa vẫn đường cứu dân

    Trăm năm rồi dẫu xa gần
    Tấm lòng son sắt mười phân vẹn toàn
    Trách vì thời buổi đa đoan
    Nào ai trách được lòng vàng ngàn năm

    NON NGÀN
    (29/01/17)