Thế giới trong mắt Donald Trump

Michael T. Klare | Trà Mi

Trong thế giới quan của Trump, Mỹ trước tiên và mọi thứ khác sẽ là một vốn quý hoặc là một lực cản. Châu Âu ít đáng chú ý hơn Nga, quan hệ với Mỹ sẽ được cải thiện trong một thời gian ngắn, và Trump mong Trung Quốc sẽ cầm chân Bắc Hàn.

‘Intrigue 2’, tranh của Danielle Gutman Hopenblum, 2011

Muốn hiểu rõ chính sách đối ngoại của Donald Trump không dễ. Không giống như các tổng thống tương lai, Trump đã không công bố bất kỳ văn bản nào về vị trí xây dựng các chính sách của mình hoặc đã có những bài phát biểu dài trong khi vận động tranh cử. Tất cả người ta biết được là nội dung một số cuộc phỏng vấn và những tuyên bố khi Trump xuất hiện trong cuộc vận động tranh cử, và bây giờ là những người ông lựa chọn vào những vị trí đứng đầu chính phủ. Đối với một số trong giới quan sát, điều này cho thấy đó là một cách lập chính sách đối ngoại thiếu hướng dẫn hoặc không mạch lạc, phần lớn bắt nguồn từ những hàng tít trên báo đài và kinh nghiệm của Trump như là một doanh nhân đã chu du thiên hạ. Nhưng nhìn kỹ người ta có thể nhận thấy một mô hình bắt đầu xuất hiện. Donald Trump có một cái nhìn rất tỉnh táo về thế giới và vị trí của Mỹ – và trong một số phương diện, nhận thức của Trump hài hòa với thực tế thế giới hơn so với những chuyên gia và những người hoạch định chính sách ở Washington.

Sống một thời gian ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn người ta dần sẽ có một thế giới quan nhất định. Đó là một vũ trụ của những vòng tròn đồng tâm kéo rộng ra phía ngoài từ Toà Bạch Ốc, với Canada, Anh Quốc và các nước đồng minh nói tiếng Anh khác ở vòng đầu tiên; các cường quốc NATO còn lại cộng với Nhật Bản, Nam Hàn và Israel ở vòng thứ hai; đối tác kinh tế và quân sự dài hạn như Đài Loan, Philippines và Saudi Arabia ở vòng thứ ba, và vân vân. Bên ngoài hệ thống của các mối quan hệ phụ thuộc này là đối thủ và kẻ thù của nước Mỹ: Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn. Trong nhiều chục năm, chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm củng cố liên kết với và giữa các quốc gia thân thiện với Washington, và cố gắng làm suy yếu và cô lập thế giới bên ngoài. Vào những lúc như thế có nghĩa là tham dự chiến tranh để bảo vệ những quốc gia trong mạng lưới bên ngoài các liên minh ngại rằng những quốc gia ở trong những vòng tròn bên trong gặp nguy hiểm.

Trump chưa sống lâu bên trong vòng đai Hoa Thịnh Đốn và không chia sẻ quan điểm của hầu hết chính khách Hoa Kỳ là đặt trọng tâm vào Hoa Thịnh Đốn. Ông là một doanh nhân ở New York có lợi ích trên toàn thế giới, hoàn toàn tách rời khỏi bất kỳ quan niệm cấu trúc nào về đồng minh, bằng hữu và kẻ thù. Về mặt này, Trump rất giống Rex Tillerson, giám đốc điều hành của ExxonMobil, người đã được chọn làm Ngoại trưởng Mỹ. Đối với cả hai, thế giới là một khu rừng cạnh tranh rộng lớn, với những cơ hội và nguy hiểm ở khắp mọi nơi, không phân biệt lòng trung thành hoặc thù địch giả định của bất kỳ chính phủ nào đối với Washington.

Trong thế giới theo cách nhìn của Donald Trump, Hoa Kỳ không phải là cốt lõi của một đại gia đình với nhiều quốc gia phụ thuộc mà Mỹ phải bảo vệ, mà Hoa Kỳ là một trong nhiều trung tâm quyền lực cạnh tranh để giàu mạnh và được lợi thế trên bàn cờ thế giới tranh đua khốc liệt. Mục đích của những chính sách đối ngoại của Mỹ trong môi trường này là để thúc đẩy lợi ích của Mỹ lên trên hết, và làm hỏng những mưu cầu lợi thế của tất cả những quốc gia khác dựa vào sứ mạnh của Mỹ. Trong môi trường cạnh tranh này, mỗi chính phủ sẽ được Mỹ đánh giá chỉ bằng những gì nó có thể làm để đẩy mạnh lợi ích của Mỹ hoặc cản trở sự tiến bộ của Mỹ, Trump sẽ sử dụng mọi dụng cụ theo ý của mình để thưởng cho các đối tác và trừng phạt đối thủ. Cộng tác viên tự nguyện có thể được mời làm quốc khách, đến thăm Toà Bạch Ốc, giao dịch thương mại thuận lợi và miễn cân nhắc, thắc mắc về quyền con người; kẻ thù sẽ phải đối phó với mức thuế nhập khẩu cao, bị cô lập ngoại giao và, trong trường hợp nếu có sự khiêu khích cực đoan, sẽ bị trừng phạt bằng hành động quân sự. Những hành động quân sự, dưới hình thức nào, người ta không thể đoán trước được, vì Trump đã nói rất ít về đề tài này, nhưng nó có khả năng là đầy tính chất cơ bắp (có thể là tấn công bằng oanh tạc hay hoả tiễn vào các mục tiêu có giá trị cao).

Để đảm bảo Washington có thể đối đáp với cả hai mặt của phương trình này, Trump đã tập hợp một đội ngũ lãnh đạo cao cấp gồm những người biết thưởng cho cộng tác viên bằng những đối đãi có lợi (Tillerson là Ngoại trưởng), cùng với những người có kinh nghiệm dùng sức mạnh chống lại kẻ thù của quốc gia (tướng Michael T. Flynn là Cố vấn An ninh quốc gia và Tướng James N. Mattis là Bộ trưởng Quốc phòng). Và để chắc chắn rằng các tướng lĩnh sẽ ở một vị trí vượt trội nếu và khi cần phải sử dụng lhành động quân sự, Trump đã kêu gọi khai triển các lực lượng vũ trang – và đặc biệt là hải quân, ngành phù hợp nhất để biểu dương cơ bắp dằn mặt và hoạt động tấn công chớp nhoáng (1).

Cuộc chiến chống lại ISIS

Việc này sẽ diễn biến ra sao trong quan hệ của Mỹ đối với những khu vực và quốc gia nào đó? Trước hết, hãy nhìn về Trung Đông và cuộc chiến chống lại ISIS (cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”). Ngay từ đầu, Trump đã nói rõ rằng mục tiêu đối ngoại hàng đầu của ông là ‘tiêu diệt ISIS’ và đè bẹp các biểu hiện khác của ‘chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan’. ‘Ngay sau khi nhậm chức’, ông tuyên bố ở Philadelphia ngày 7 Tháng 9, 2016, ‘tôi sẽ yêu cầu các tướng lãnh trình cho tôi một kế hoạch trong vòng 30 ngày để đánh bại và tiêu diệt ISIS’ (2).

Ở một mức độ đáng kể, cuộc chiến của Mỹ chống ISIS là một vấn đề nội an hơn là một vấn đề chính sách đối ngoại: Trump tuyên bố khẳng định tiêu diệt cái gọi là “nhà nước Hồi giáo” xuất phát phần lớn từ sự sợ hãi người ủng hộ ông vì tầm vóc quốc tế của ISIS và sự ghê tởm của họ đối với Hồi giáo vũ trang. Trong cuộc chiến chống lại ISIS, Trump hứa, sẽ không có biện pháp nửa vời: tất cả chiến cụ của quân đội sẽ được tung ra trong một chiến dịch không ngừng để hủy diệt; nếu thành viên trong gia đình và những người cộng sự dân sự của ISIS bị mắc kẹt trong cơn lốc, ráng mà chịu.

Nhưng trong khi chiến dịch chống lại ISIS phần lớn sẽ được giao cho quân đội, nó cũng đòi phải có cân nhắc quan trọng trong chính sách đối ngoại. Trước nhất là câu hỏi ai sẽ là những người có thể được yêu cầu để hỗ trợ Mỹ trong cuộc đấu tranh chung kết với ISIS. Đáng chú ý nhất là cuộc thảo luận của Trump, Vladimir Putin là một đồng minh tốt. ‘Không tuyệt sao nếu chúng ta cùng với Nga và đánh tan xác bọn ISIS?’ Trump đặt câu hỏi tu từ trong một cuộc họp hồi tháng 7 năm 2016 ở Bắc Carolina (3). Trump cũng đã bóng gió về một mối quan hệ làm việc tốt với Bashar al-Assad của Syria. ‘Tôi thật không thích Assad, nhưng Assad đang giết ISIS,’ Trump nói trong cuộc tranh luận thứ hai với bà Hillary Clinton vào ngày 9 tháng 10. Giới lãnh đạo các nước này sẽ, tất nhiên, mong đợi sẽ có một sô nhượng bộ từ phía Mỹ – Với Nga là công nhận việc họ chiếm đóng bán đảo Crimea và dỡ bỏ lệnh cấm vận; Với Assad là sự chấm dứt viện trợ cho phiến quân chống chính phủ.

Trump cũng sẽ tìm cách thỏa thuận với các quốc gia có ảnh hưởng khác trong khu vực. Chúng ta có thể sẽ sớm thấy một thỏa thuận với Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan theo đó người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng áp lực với ISIS để đổi lấy việc Mỹ sẽ giảm hỗ trợ cho lực lượng dân quân người Kurd ở miền bắc Syria – mặc dù các nhóm này đã chứng minh họ là các lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất trong những chiến dịch chống ISIS trên mặt trận. Erdoğan là một trong những người lãnh đạo nước ngoài đầu tiên chúc mừng Trump sau khi ông thắng cử, và cả hai được biết đã nói đến việc tăng cường hợp tác trong hoạt động chống khủng bố. Cũng có thể là Trump sẽ đồng ý dẫn độ giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tự lưu vong Fethullah Gulen, bị Ankara cáo buộc Ankara đã tổ chức cuộc đảo chính thất bại hồi tháng bẩy 2016 (4).

Quan hệ của Washington với Saudi Arabia có thể bị ảnh hưởng xấu vì sự tăng cường chống ISIS của Mỹ. Lãnh đạo của ISIS, giống như của Ả Rập Saudi, phần lớn là người Sunni – và phần lớn trong số những người có khả năng là nạn nhân vì sự gia tăng các cuộc không kích của Mỹ vào các vị trí ISIS là thường dân Sunni. Tuy nhiên, nhiều người trong các lực lượng chiến đấu chống ISIS trên mặt đất cũng có người Shia – thuộc lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq hoặc nhóm Alawites và đồng minh của họ ở Syria. Một chiến thắng của những lực lượng dân quân và sự sống còn của Assad sẽ được Riyadh xem là một thắng lợi cho Iran, đối thủ của Saudi Arabia trong cuộc đấu tranh giành ngôi thống trị khu vực ở vùng Vịnh. Có thể khó hàn gắn mối quan hệ căng thẳng của Mỹ với Riyadh, đặc biệt là khi Trump đã nhấn mạnh là Saudi Arabia phải trả giá đắt cho việc họ được Mỹ bảo vệ.

Thoạt nhìn, người Iran có nhiều điều để lo ngại vì Trump lên “làm chủ” Toà Bạch Ốc. Trong suốt cuộc vận động tranh cử, Trump gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran – tên chính thức, Kế hoạch Hành động Toàn diện – là ‘thỏa thuận tồi tệ nhất lịch sử’ và hứa sẽ dẹp bỏ nó một khi nhậm chức. Tướng Flynn, ở vai trò Cố vấn An ninh Quốc gia, là một đối thủ đặc biệt chống lại Iran và có thể sẽ là người duy trì áp lực để Trump thực hiện lời hứa này (5). Nhưng đánh bại ISIS có thể được ưu tiên hơn việc cô lập Iran; Trump có thể thấy một số lợi thế trong sự đồng ý ngầm với Tehran về sự cấp bách của việc đánh và thanh toán ISIS ngay bây giờ và trì hoãn các vấn đề khác, để sau này sẽ tính tới.

Tuần trăng mật Mỹ-Nga

Nếu bất cứ điều gì có thể thay đổi trong những ngày đầu của chính quyền Trump thì đó là mối quan hệ của Mỹ với Nga. Trump đã nói nhiều lần về sự ngưỡng mộ của ông đối với Vladimir Putin, hứa sẽ gặp Putin trong một nỗ lực để cải thiện quan hệ song phương. Sau khi Putin trao đổi với Tổng thống mới đắc cử qua điện thoại, điện Kremlin đã ban hành một tuyên bố cho hay hai người lãnh đạo Mỹ Nga đã đồng ý ‘để bình thường hóa quan hệ và theo đuổi hợp tác mang tính xây dựng trên phạm vi rộng nhất của nhiều vấn đề.’ (6). Nhiều nhà quan sát cũng tin rằng Trump đã chọn Tillerson làm Ngoại trưởng một phần vì quan hệ lâu dài Tillerson đã có với điện Kremlin về năng lượng, xây dựng trên những liên doanh phức tạp giữa Exxon và công ty của Nga ở Bắc Cực và đảo Sakhalin.

Nhưng Putin sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng bất kỳ tuần trăng mật nào trong quan hệ Nga-Mỹ sẽ lâu dài. Như Trump đã nói rất rõ ràng, mối quan tâm chính của ông là đặt quyền lợi của Mỹ lên trên hết, và điều này sẽ không cho phép bất kỳ một sự sắp xếp nào khác có thể được hiểu như Mỹ từ bỏ vị trí thống trị trên bàn cờ thế giới. Người ta không thể lường trước được đến lúc nào những hành động quyết đoán của Nga ở Đông Âu [hay ở vùng biên giới Ukraine] có thể là động cơ thử thách lập trường đó, nhưng Trump sẽ không cho phép Mỹ bị coi như một quốc gia thiếu quyết đoán hoặc nhu nhược trong bất kỳ cuộc đối đầu nào như vậy.

Sự can thiệp bí mật của Nga tại Baltic hoặc các nước vùng Balkan có thể không làm Trump nổi giận, nhưng một cuộc tấn công khai vào một nước đồng minh của Mỹ không có nghi ngờ gì sẽ kích động một trả đũa khắc nghiệt của Mỹ.

Bức tranh tường ở Vilnius, Lithuania, tháng năm 2016 cho thấy Donald Trump hôn Vladimir Putin. Lithuania sợ Trump sẽ bỏ qua mối quan tâm an ninh của họ đối với Nga. Nguồn: Petras Malukas / AFP / Getty

Chế độ Putin cũng phải lo về ý định của Trump nhằm phục hồi năng lực quân sự của Mỹ. Trong khi nhiều đề nghị của Trump, như phát triển tiềm lực của Hải quân phần lớn nhắm Trung Quốc, một số khác sẽ làm cho Nga hồi hộp. Ví dụ như những lời Trump kêu gọi hiện đại hóa các máy bay oanh tạc chiến lược của Mỹ và sắm một hệ thống hoả tiễn phòng thủ với kỹ thuật tối tân, hiện đại nhất. Trong khi đe dọa Trung Quốc, những sáng kiến này cũng đặc biệt rất đáng lo ngại cho Nga hiện phụ thuộc quá lớn vào các loại vũ khí hạt nhân để ngăn chặn hành động quân sự của phương Tây. Putin bày tỏ lo ngại về những đề nghị tăng cường sức mạnh của Trump trong bài phát biểu hàng năm hôm 1 tháng 12, 2016, Putin nói,

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng nỗ lực để phá vỡ cân bằng chiến lược là cực kỳ nguy hiểm và có thể dẫn đến một thảm họa toàn cầu.” (7 ).

Trong suốt cuộc vận động tranh cử, Trump nguyền rủa Trung Quốc đã dùng những mánh khoé thương mại bất công chống lại Mỹ và không tôn trọng Tổng thống Obama bằng những hoạt động xây dựng cơ sở ngang ngược của họ ở Biển Đông.
Trump nói với tờ New York Times hôm 26 tháng 3, 2016

“Trung Quốc đang giỡn mặt với chúng ta … khi họ đang xây dựng trong vùng biển phía Nam Trung Quốc. Họ không sự tôn trọng đất nước của chúng ta và họ cũng tỏ ra bất kính đối đối với Tổng thống của chúng ta.”

Tình thế khó khăn của Trung Quốc

Trump thấy trước một mối quan hệ lôi thôi nhiều hơn với Bắc Kinh và tìm cách đẩy lùi những gì ông coi là lập trường bóc lột và bất kính của Trung Quốc đối với Mỹ. Chủ trương này liệu sẽ dẫn đến một mối quan hệ hoàn toàn trái ngược, ngay cả có thể có xung đột quân sự hay không? Khi được hỏi liệu ông sẽ sử dụng vũ lực để đánh bật Trung Quốc ra khỏi căn cứ của họ ở Biển Đông hay không Trump trả lời: “Có lẽ … nhưng chúng tôi có quyền lực kinh tế rất lớn so với Trung Quốc … Quyền lực của thương mại.” Không khai triển thêm, nhưng có vẻ Trump cho thấy ông thích sử dụng thuế quan và các cơ chế thương mại khác để thay đổi ứng xử của Trung Quốc. Cuộc nói chuyện của Trump với Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) của Đài Loan vào ngày 1 tháng 12 – cuộc trò chuyện đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ vừa đắc cử với một người lãnh đạo Đài Loan kể từ trước khi Mỹ huỷ mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 1979 – có thể được xem như một lời cảnh cáo về các biện pháp cứng rắn hơn Mỹ có thể dùng đến nếu Trung Quốc không chấp nhận theo lựa chọn của Mỹ. Không nói ra, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rất rõ về viễn cảnh của những cú sốc trong tương lai: Mỹ công nhận Đài Loan, hoặc cuộc tấn công bằng quân sự vào những cơ sở của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Trump hiểu rằng có một số vấn đề chủ chốt nhất định ông phải có được sự hỗ trợ của Trung Quốc. Điều này đặc biệt đúng với mối đe dọa của Bắc Hàn – một trong những vấn đề an ninh quốc gia cấp bách nhất mà ông sẽ phải đối phó ngay khi nhậm chức. Mặc dù tách rời khỏi thế giới, Bắc Hàn rõ ràng đã thành công trong việc phát triển kho vũ khí hạt nhân và hệ thống hoả tiễn đạn đạo có khả năng tấn Nhật Bản và lãnh thổ Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Trung Quốc, mặt khác, lại sợ chế độ Bắc Hàn sụp đổ có thể tạo thành một làn sóng người tị nạn tuyệt vọng tràn vào miền bắc Trung Quốc và sự thành hình của một Hàn Quốc thống nhất dưới sự giám hộ của Mỹ – và vì thế đã cung cấp cho Bắc Hàn những vật liệu cần thiết.

Thủy thủ Trung Quốc và Mỹ đậu một tàu khu trục nhỏ ở San Diego trong chuyến Hải quân Trung Quốc đến thăm California vào tháng 12 năm 2016
Bill Wechter / AFP / Getty

Trump biết rằng nếu ông ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân thì ông ắt sẽ cần một lời hứa của Trung Quốc giảm thiểu đáng kể mức thương mại với Bắc Hàn. Trong cuộc tranh luận đầu tiên với bà Clinton, Trump nói “Trung Quốc nên giải quyết vấn đề đó cho chúng ta.” Nhưng việc này, tất nhiên, sẽ kéo theo những cuộc đàm phán phức tạp với Bắc Kinh, và hẳn sẽ phả có những sự đánh đổi. Cùng lúc chờ đợi cuộc rút lui của Trung Quốc trong một số lĩnh vực quan trọng như thương mại, Trump hoàn toàn hiểu rằng ông sẽ cần sự hợp tác của Bắc Kinh trong những lãnh vực khác mà ông quan tâm, và ông cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để có những nhượng bộ của riêng mình.

Châu Âu và NATO

Nhưng cách ứng xử của Trump đối với châu Âu và Liên minh NATO chỉ rõ sự khác biệt giữa niềm tin của ông so với những người tiền nhiệm. Trong khi tất cả các tổng thống Mỹ trước đó xem NATO là nền tảng của chính sách an ninh của Mỹ và xem châu Âu như một bức tường thành của trật tự thế giới tự do, Trump không có niềm tin như vậy. Theo ông, Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã “vắng mặt” ở những cuộc đấu tranh quan trọng nhất của thời đại này – cuộc chiến chống lại “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan”. Và châu Âu, như một tập thể, thiếu năng lực điều hành để thúc đẩy lợi ích sống còn của Mỹ, và do đó ít đáng chú ý hơn so với những quyền lực khác, quyết đoán hơn, như Nga và Trung Quốc.

Trong một cuộc điện đàm với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg vào ngày 18 tháng Mười Một, Trump khẳng định niềm tin của mình về ‘tầm quan trọng lâu dài’ của Liên minh; tuy nhiên, từ đó tới nay ông đã không đưa ra bảo đảm nào khác về cam kết của mình, và không ai trong số những thành viên quân sự cấp cao trong nội các của ông đề nghị quan tâm nhiều hơn đến chiến trường ở châu Âu.

Thật vậy, sự quan tâm của Trump đối với NATO có thể tóm lại ở hai mệnh đề cơ bản: các thành viên Liên minh phải trả tiền nhiều hơn cho sự phòng thủ chung và NATO phải tham gia mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống lại ISIS. Về tất cả các vấn đề lớn khác, chẳng hạn như việc bảo vệ ‘mặt trận miền Đông’ chống lại khả năng tấn công của Nga, Trump tỏ ra rất ít quan tâm – mặc dù, như đã nói, ông bắt buộc phải đáp ứng một cách mạnh mẽ với bất kỳ hành động nào của Moscow nhằm công kích danh dự và quyết tâm của Mỹ. Châu Âu tại thời điểm này là một vùng thứ cấp trong cuộc ganh đua trên bàn cờ thế giới. Trừ khi nó nối chặt với lợi ích then chốt của Hoa Kỳ, Mỹ có thể sẽ không để tâm đến châu Âu. Và điều này, tất nhiên, phù hợp với mô hình lớn hơn của chính sách đối ngoại của Trump: Mỹ trước tiên, tất cả mọi thứ khác, chỉ quan trọng nếu là vốn quý hoặc là sức cản việc hoàn thành mục tiêu cơ bản của Mỹ.

Về tác giả | Michael T. Klare là giáo sư nghiên cứu về Hòa bình và Thế giới và An ninh tại trường đại học Hampshire ở Amherst, Massachusetts, và tác giả, gần đây nhất của cuốn, “The Race for What’s Left” (Picador, 2012).

© DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: The world as seen by Donald Trump. In Trump’s worldview, America comes first and everyone else is an asset or a hindrance. Europe deserves less attention than Russia, with which relations should briefly improve, and China, which will be expected to keep North Korea in check. Michael T. Klare, Le Monde Diplomatic

(1) See transcript of Trump’s 27 September 2016 speech on national security at the Union League in Philadelphia, accessible at TheHill.com.
(2) Ibid.
(3) ‘Donald Trump would consider alliance with Vladimir Putin’s Russia against ISIS’, Reuters, 25 July 2016.
(4) ‘Trump, Turkey’s Erdogan discuss boosting ties, fighting terrorism: sources’, Reuters, 9 November 2016.
(5) See Matthew Rosenberg, Mark Mazzetti and Eric Schmitt, ‘In Trump’s security pick, Michael Flynn, “sharp elbows” and no dissent’, The New York Times, 3 December 2016.
(6) Neil MacFarquhar, ‘Putin and Trump talk on phone and agree to improve ties, Kremlin says’, The New York Times, 14 November 2016.
(7) Andrew Higgins, ‘A Subdued Vladimir Putin calls for ‘mutually beneficial’ ties with US’, The New York Times, 1 December 2016.