Những điều Donald Trump cần biết về Bob Mueller và Jim Comey

Garrett M. Graff | Trà Mi dịch

Hai người có thể lật đổ Tổng thống cả đời họ đã chuẩn bị cho lúc này.

Hai oong James Comey vaf Rober Mueller. Nguoofn:
Getty Images

Khi Jim Comey tìm biết rằng Andrew Card và Alberto Gonzales đang trên đường tới phòng của John Ashcroft ở bệnh viện John Washington Hospital, người mà Comey goi cầu cứu trước nhất là Bob Mueller. Comey biết rằng Chánh văn phòng và cố vấn của Toà Bạch Ốc sẽ cố gắng thúc ép Bộ trưởng Tư Pháp tái gia hạn Chương trình Giám sát Khủng bố của Cơ quan An ninh Quốc gia có tên mã là Stellar Wind. Comey, thứ trưởng của Ashcroft, vài tuần trước đó đã dẫn đầu cuộc phản công chống lại Toà Bạch Ốc và đặc biệt là Phó Tổng thống Dick Cheney, chống lại chương trình Stellar Wind, mà các luật sư của Bộ Tư pháp đã xác định là bất hợp pháp. Đã bao nhiêu ngày trước, Comey phải chịu áp lực mạnh để hiệu lực hoá lại Stellar Wind, cuộc tranh luận trở nên căng thẳng trong những ngày chương trình Stellar Wind gần hết hạn. Văn phòng của Cheney đã nói với Comey một cách chắc chắn rằng nếu chương trình đó không được chấp nhận, người Mỹ sẽ chết – và bàn tay của Comey sẽ dính máu của họ.

Đêm đó, Comey biết ông có đồng minh để gọi. Comey đã yêu cầu Mueller, viên giám đốc FBI thẳng ruột ngựa, đến gặp ông tại bệnh viện, nhưng khi xe của ông trên đường đến bệnh viện – đèn xe nhấp nháy và còi báo động kêu vang – Comey chợt nhớ ra rằng Mueller sẽ không thể đến bệnh viện trước các nhân viên của Toà Bạch Ốc, vì vậy ông ấy lại nhờ Mueller giúp đỡ: Đừng để họ đuổi tôi khỏi phòng của Ashcroft tại bệnh viện.

Comey biết rằng Card sẽ có mật vụ bảo vệ đi cùng, và ông lo ngại sẽ bị bị mật vụ của toà Bạch Ốc ép ra khỏi phòng của Ashcroft tại bệnh viện. Ashcroft, đang yếu vì vấn đề về túi mật, không ở tình trạng sáng suốt để phê chuẩn Stellar Wind – ông đã chuyển quyền điều khiển cho Comey trong khi đang mất năng lực – nhưng, Comey sợ rằng nếu Toà Bạch Ốc cô lập được Ashcroft, đâu ai biết họ sẽ làm gì? Comey suy nghĩ nhanh: Ashcroft có nhân viên FBI bảo vệ, và vì vậy ông đã yêu cầu Mueller gọi điện trước và yêu cầu họ không cho phép để Ashcroft một mình trong phòng. Trong một cuộc thách đố phi thường giữa Toà Bạch Ốc và Bộ Tư pháp, có lẽ là khoảnh khắc độc nhất vô nhị của những năm rối loạn dưới thời Bush: Giám đốc FBI ra lệnh cho nhân viên của ông chống lại nhóm mật vụ nếu họ cố ép Thứ trưởng Tư Pháp ra khỏi phòng của Bộ trưởng. Khi các đoàn xe hộ tống từ khắp nẻo ở Washington tụ về bệnh viện, tất cả mọi người đều tự hỏi: tình hình này sẽ leo thang đến mức nào?

Đặc biệt hơn nữa vì ngoài một nhóm nhỏ giới chức cao cấp ở thủ đô không ai biết về cuộc rượt đuổi như xi nê đang diễn ra. Phải mất hơn ba năm Comey mới đề cập đến truyện phim của đêm đó, và chi tiết chỉ được từ từ tiết lộ trong những năm sau đó.

Câu chuyện về vụ thách thức ngày 11 tháng 3 năm 2004 – tại sao nó xẩy ra và nó đã nói gì về động cơ và la bàn đạo đức của hai người hiện nay đang là tâm điểm của một cuộc thách thức mới ở Washington – có thể làm Toà Bạch Ốc của Trump phải e ngại hơn.

Rốt cuộc, Donald Trump đã tình cờ đối đầu với hai người giàu kinh nghiệm ở Washington ngay trên sân sau của họ, trong cuộc đụng độ sẽ diễn ra ở những cuộc điều trần của Comey ở Quốc hội, ngay cả khi Mueller cùng tham dự với những gì có thể sẽ là một cuộc điều tra yên lặng, bền bỉ, đúng sách vở vào tâm điểm của mối quan hệ giữa cuộc vận động tranh cử của Trump với tình báo của Nga.

Robert Mueller có thể là người chính trực nhất của Hoa Kỳ – một công chức phi chính trị không đảng phái đáng kính trọng với động cơ duy nhất trên đời là đi tìm công lý. Ông là giám đốc FBI có ảnh hưởng lớn nhất và lâu ở vị trí lâu nhất kể từ thời ông J. Edgar Hoover và một người, kể từ khi ông nghỉ hưu việc chính phủ vào năm 2013, để trở thành tiếng nói hiếm hoi mà các công ty và tổ chức muốn tuyển dụng để lãnh đạo các cuộc điều tra khi họ cần nói với các cổ đông hoặc công chúng rằng họ đã thuê người có kinh nghiệm và được tôn trọng nhất mà họ có thể tìm được, một người sẽ theo đuổi cuộc điều tra đến bất cứ nơi nào nó dẫn đến mà không sợ hãi hay thiên vị. Ông trở thành giám đốc FBI đầu tiên phục vụ hết nhiệm kỳ 10 năm kể từ thời Hoover, và sau đó Barack Obama tái bổ nhiệm ông trong một nhiệm kỳ đặc biệt hai năm, một quyết định đã cần có một sắc luật đặc biệt của Quốc hội và khiến ông trở thành người duy nhất được hai vị tổng thống khác nhau, của hai đảng khác nhau bổ nhiệm đứng đầu FBI.

Comey đã nói với tôi vài năm trước, nhớ lại những năm tháng ông cùng làm việc với Mueller.

“Tài của ông ấy là quyết định mà không bốc đồng. Ông ta sẽ ngồi, lắng nghe, đặt câu hỏi và đưa ra quyết định. Vào thời điểm đó tôi đã không nhận ra đó là một người hiếm có ở Washington.”

Để hiểu những gì họ đang phải đối phó, nhóm phụ tá của Toà Bạch Ốc cần phải dành cả ngày để đọc bản báo cáo năm 2015 của Mueller viết cho NFL – tổ chức đã tuyển dụng ông để điều tra sự vi phạm của liên đoàn football trong vụ bạo lực gia đình của Ray Rice. Báo cáo của Mueller đã cho thấy sự tỉ mỉ và những nét độc đáo của một công tố viên có kinh nghiệm – toán nhân viên của ông, một số người hiện đang làm việc cùng ông trong cuộc điều tra về tình báo Nga, đã đọc hàng triệu tài liệu, tin nhắn và email; Theo dõi gần hết mọi người đã ở trong tòa nhà của NFL; Và gọi đến tất cả 938 số điện thoại gọi vào và ra khỏi trụ sở của liên đoàn football trong khoảng thời gian đó. Chỉ riêng phần tóm tắt nội dung về thủ tục nhận thư và bưu kiện đã dài đến năm trang – ông chắc chắn đã biết được những điều mà nhân viên phòng thư tín của NFL không biết, ai đã ký nhận những gói hàng nào.

Sự tỉ mỉ và tính độc lập của Mueller đáng làm cho nhóm Toà Bạch Ốc của Trump kiêng nể.

Jim Comey từ lâu đã tự hào không là bạn của cả hai đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa, nhưng sự sa thải bất ngờ của ông trong tuần này cho thấy rằng không bè đảng kiểu như vậy có thể không được hoan nghênh trong Toà Bạch Ốc của Trump. Comey hẳn đã kết thúc sự nghiệp của mình như một món đồ nhai của cả hai cực của quang phổ chính trị, nhưng một cái nhìn gần hơn về quá khứ của ông cho thấy ông có thể đã ứng xử như vậy từ nhiều năm qua. Từ một cuộc đụng độ với John Ashcroft, Bộ trưởng Tư Pháp trong chính quyền của George W. Bush, vào năm 2005 đến một lời kết án công khai trong vụ xử dụng email của Hillary Clinton một tuần trước khi cuộc bầu cử năm 2016, đây là một cuốn lịch sử hoạt hình của Comey, bị đặt trong tầm ngắm.

Biếm hoạ James Comey | | Chip Bok, Creator’s Syndicate

Tổng thống Trump đã bốc đồng sa thải Comey với hy vọng rằng sẽ dập được cuộc điều tra về vụ tình báo Nga; Tuy nhiên, một tuần sau, ông ta thấy mình phải đối diện với không chỉ một giám đốc FBI đáng nể mà cả hai: thứ nhất là một người tử vì đạo của FBI, và thứ hai là một chuyên gia điều tra nổi tiếng không hề dính vào chính trị.

Những gì diễn ra là lãnh vực quá quen thuộc đối với cả hai Comey và Mueller – đó là diễn trường họ đã tạo nên sự nghiệp và đã lên đến cấp cao nhất trong chính phủ – tuy vậy cách mà những vụ bê bối ở Washington bùng lên thành quan trọng và khó kiểm soát đồng thời với những cuộc điều tra và những vụ truy tố lại rất không quen thuộc với Trump và những cộng sự viên quanh ông. Rất ít người ở Washington hiểu rõ tình cảnh này hơn Comey, khi là Thứ trưởng Tư Pháp đã chỉ định một người bạn, Patrick Fitzgerald, làm công tố viên đặc biệt dẫn đầu cuộc điều tra sự rò rỉ xung quanh vụ Valerie Plame, cuộc điều tra cuối cùng dẫn đến việc hạ bệ phụ tá hàng đầu của Cheney là Scooter Libby.

Như thể giống như sau khi có sự bất đồng quan điểm vì sự hiểu biết đời thường về phim ảnh ở quán bar, Trump đã thách Usain Bolt chạy nước rút 100 mét hoặc thách John Cena đấu một trận chí tử trên khán đài.

***

Gần mười năm trước, khi tôi bắt đầu viết tiểu sử của Mueller, một trong những cộng sự của ông cựu giám đốc FBI nói rằng tôi sẽ không hiểu rõ về việc cuộc rượt đuổi đến bệnh bệnh viện cho đến khi tôi có thể trả lời lý do vì sao Mueller lại có mặt bên giường bệnh của Ashcroft vào đêm tháng Ba năm 2004. Như đồng nghiệp này đã nói, “Tôi chưa bao giờ có thể hiểu được điều đó – đó không phải là chương trình của FBI và FBI không liên quan gì đến lời cố vấn về pháp lý, vậy thì tại sao Bob Mueller lại có mặt trong phòng của Ashcroft ở bệnh viện?”

Chính Comey cuối cùng đã cho tôi câu trả lời, nhiều năm sau khi ông rời khỏi Bộ Tư pháp đi làm việc trong khu vực tư nhân.

Trong văn phòng của ông ở Bethesda, Maryland, tại công ty Lockheed Martin, Comey nói với tôi rằng ông ta đã xin Mueller giúp vì danh tiếng của ông về tính chính trực và cũng vì sức mạnh chính trị của ông ta, và sự công bình vốn có trong vị trí phi đảng phái mà Mueller đã thể hiện. “Tôi biết rằng không ai quan tâm đến việc mất một Thứ trưởng Tư Pháp, nhưng không Tổng thống nào có thể chịu nổi việc mất một giám đốc FBI.”

Đó là một cụm từ, thông thường và tự giải thích tại thời điểm đó, nhưng vừa lùng bùng trở lại trong tâm trí tôi trong tuần qua, khi Washington theo dõi lời khai của Sally Yates – quyền Bộ trưởng Tư Pháp mà Trump đã sa thải vào ngày 30 tháng 1 – và nay là dự đoán những gì có vẻ là những lời điều trần không thể tránh khỏi, và cũng không thể không gây ấn tượng của chính Comey trước Quốc hội.

Trước kia, Comey đã hiểu trong cơn sốt khủng hoảng mà FBI và đề nghị của ông tự chúng có thể không đủ trọng lượng ông cần có với Toà Bạch Ốc. Nhưng không ai trong chính phủ hoặc trong bất kỳ bên nào của hai đảng có thể đặt câu hỏi về động cơ, chính trị hay sự cống hiến của Mueller vì Hiến pháp.

Trong khi Mueller, trên nguyên tắc, là cấp thừa hành của Thứ trưởng Tư Pháp Comey và Comey trẻ hơn Mueller hai mươi tuổi, đã đối xử với Mueller như một người bạn thâm tình và gần như là một bậc thầy. Hai người đã quen nhau từ nhiều năm khi cả hai cùng thăng tiến, trong một nhóm nhỏ những công tố viên ưu tú hàng đầu của Bộ Tư Pháp. Cả hai người đều là tinh hoa của Bộ Tư Pháp: Mueller đã giúp truy tố Manuel Noriega và những người đã cho nổ chuyến bay Pan Am 103; Comey đã giúp điều tra trùm mafia John Gotti và Martha Stewart. Vào đầu năm 2001, khi Mueller là (quyền) Thứ trưởng Tư Pháp, ông đã hướng dẫn Comey, khi đó là công tố viên ở Virginia, truy tố vụ đặt bom ở Tháp Khobar của Ả Rập Saudi.

Họ giống nhau ở nhiều điểm. Cả hai người đều công chức có sự nghiệp lâu dài; Cả hai đã từ bỏ hoạt động chuyên nghiệp trong khu vực tư nhân nhiều lợi nhuận để trở thành công tố viên. Mueller đã thăng tiến trong những năm 1980 để trở thành trợ lý Bộ trưởng Tư Pháp trong bộ phận hình sự của Bộ, chỉ sau khi chính quyền George H.W. Bush đã kết thúc, Mueller thấy mình không hứng thú làm việc trong khu vực tư nhân nên đã tìm cách quay trở lại trở thành một công tố viên cấp nhỏ điều tra những những vụ giết người ở một văn phòng Chưởng Lý ở D.C. Về phần Comey, năm 1996 ông đã bỏ hợp đồng với một công ty luật hàng đầu để làm phó Chưởng lý của Mỹ ở vùng Richmond, Virginia nhiều tội phạm, phát động một chương trình chống mang súng, tên là Dự án Exile, chuyển tội phạm về súng thành tội liên bang và đưa các phạm nhân vào nhà tù liên bang thay vì nhà tù của tiểu bang.

Cả hai người đều là người khôn khéo trong những cuộc đối đầu nội bộ: Họ ghi lại tất cả mọi thứ, thảo bản ghi nhớ cẩn thận và lôi kéo đồng minh quan trọng. Công tố viên được học thói quen ghi lại tất cả mọi thứ, và có nếp văn hoá giữ tài liệu rất mạnh trong cả FBI và Bộ Tư pháp, nơi mà văn bản đã ghi lại thường xuyên dùng làm bằng chứng trong tương lai.

Nhưng mối quan hệ độc nhất vô nhị của họ, một trong những mối quan hệ làm việc gần gũi nhất của Bộ Tư pháp từng được chứng kiến, đã thực sự được nung nấu trong cuộc thử thách của Washington sau vụ khủng bố 911, khi những mối đe doạ như muốn xẩy ra và sự căng thẳng trong việc theo dõi và ngăn chặn những âm mưu chi phối cả Chính phủ liên bang. Comey kể lại với tôi, “Mỗi buổi sáng vòi rồng (thông tin) xịt vào giám đốc FBI, Bộ trưởng Tư Pháp và sau đó là Tổng thống.”

Báo cáo về những đe doạ hai lần mỗi ngày, dòng thông tin tình báo tràn ngập suốt phần còn lại của ngày, những cơn hoảng loạn đáng sợ và những cuộc phản công khủng bố không có kết quả, đã ảnh hưởng sâu sắc đến những nhân sự chính liên quan đến những năm sau vụ 11 tháng 9. Một đêm nọ, sau một ngày theo dõi về một vụ lên quan đến vũ khí khủng bố giết người hàng loạt, nhân viên an ninh đã đưa Comey về nhà ông ở ngoại ô Washington. Nhiều năm sau đó, ông kể lại với tôi rằng ông đã dừng lại trên đường về nhà, thấy ánh đèn vẫn còn bật sáng bên trong; trên lầu năm đứa con ông đã ngủ. Khi bước tới trước cửa nhà, ông dừng lại một chút và định hướng gió, tính nhẩm xem phóng xạ từ Washington có thể sẽ thổi vào gia đình ông hay không. Tôi tự hỏi những đứa con của tôi sẽ được bình an cho đến sáng hay không, Comey thầm nghĩ; Sau đó ông thấy rằng ông đã trở nên quá hoang tưởng. Comey kể lai, “Tâm trí của người ta sẽ bị chi phối vì hậu quả khủng khiếp của các sự kiện có xác suất thấp.”

Tuy nhiên, ngay trong lúc căng thẳng vào thời điểm đó, Comey không ngần ngại phản đối chướng trình Stellar Wind, phản đối Phó Tổng thống. Trong một cuộc họp của Toà Bạch Ốc, Comey cho biết ông không thấy cơ sở pháp lý cho chương trình.

Cheney phản ứng dữ dội, “Những người khác thấy nó khác.”

Comey khoác tay nói, “Phần phân tích sai lầm – thực ra nó sai đến chết người. Không có luật sư nào đọc chương trình đó mà có thể tin tưởng vào nó một cách tương đối.”

Luật sư cố vấn của của Cheney, David Addington, người nổi tiếng hung hăng, đứng ở phía sau phòng, nói: “À, tôi là một luật sư và tôi tin vào nó.”

Comey quay trả miếng, “Không có luật sư giỏi nào (tin vào nó).”

Cả phòng im lặng.

Những vấn đề mà Comey và Văn phòng Cố vấn Pháp luật của Bộ Tư pháp quan tâm đến là chương trình của NSA dường như vượt xa những gì chính phủ được phép theo dõi người trong nước và nếu không có những thay đổi căn bản, họ cho rằng nó vi hiến và bất hợp pháp. Cuối cùng, tuy nhiên, không phải những lập luận của Comey, về pháp luật hay chính trị, đã ngăn cản được Toà Bạch Ốc ngưng chương trình Stellar Wind.

Mà đó chính là Bob Mueller.

Trong những giờ cuối cùng của cuộc thách đố tại bệnh viện, hơn một chục viên chức của FBI và Bộ Tư pháp đã chuẩn bị thư từ chức – một thảm hoạ chính trị có thể xảy ra ngay trong cuộc vận động tái cử mùa xuân năm đó, làm cho vụ thảm sát vào tối Thứ bảy (của Nixon) trông giống như một cơn chấn động nhẹ ở DC – Comey Đđã gặp riêng với Tổng thống Bush, trong một hoàn cảnh kỳ quặc không khác lắm so với việc đã xẩy ra cho ông sau đó với Tổng thống Trump trong các cuộc thảo luận về cuộc điều tra về Michael Flynn.

Trong phòng ăn riêng của Tổng thống Bush, Tổng thống rất vui vẻ và tử tế, nói rằng Comey nên để ông gánh vác việc tái ủy quyền chương trình Stellar Wind. Comey, một người theo học về tôn giáo tại trường Cao đẳng William & Mary, đã cố liên kết với vị tổng tư lệnh tôn giáo, và nói, “Như Martin Luther đã nói, ‘Tôi đứng đây, tôi không thể làm gì khác.’” Họ nói chuyện rất lâu, Trước khi Comey chơi con bài chủ, “Tôi nghĩ Tổng thống nên biết rằng Giám đốc [FBI] Mueller sẽ từ chức hôm nay.”

Ông Bush loay hoay không thoải mái; Khuôn mặt của ông hiện rõ cú sốc ông cảm thấy. Không ai nói với Tổng thống rằng giám đốc FBI của ông sắp từ chức. Ông vội mời Comey ra về và đã cho mật vụ đi gọi Mueller đến gặp ông; Mueller không thay đổi ý kiến. Chương trình của NSA là bất hợp pháp; Nếu chính quyền tiến hành, ông và cấp lãnh đạo Bộ Tư pháp sẽ từ chức. Như Mueller đã nói sau đó trong một bài phát biểu,

“Chế độ pháp trị, quyền tự do dân sự và quyền công dân – đây không phải là gánh nặng của chúng ta. Đó là những gì làm cho tất cả chúng ta an toàn và mạnh hơn.”

Nếu Tổng thống không thay đổi quan điểm, Mueller không có lựa chọn nào khác, ông nói. Ông ấy đã không thề để phục vụ George W. Bush. Ông đã thề sẽ bảo vệ Hiến pháp trước tất cả mọi kẻ thù, cả trong và ngoài nước.

Tổng thống Bush chớp mắt trước. Ông nói với giám đốc FBI vào cuối cuộc thảo luận của họ, “Hãy nói với Jim làm những gì Tư pháp nghĩ rằng cần phải được thực hiện.”

Câu chuyện về cuộc thách đố Stellar Wind kết thúc ở đây, nhưng với Trump, có lẽ những bài học quan trọng nhất trong vụ này là câu chuyện đã được dần soi sáng trong những năm sau đó và cách nó soi sáng và nhấn mạnh sự khác biệt giữa Comey và Mueller – sự khác biệt cả hai bên mà Tổng thống nên lo âu.

***

Thường lạc mất giữa những bất ổn của những tuần gần đây một thực tế là Comey có thể đã chưa bao giờ được làm giám đốc FBI ngoại trừ buổi điều trần gây ngạc nhiên và chấn động Washington của ông vào năm 2007. Cho đến thời điểm đó – khi ông nói nghị viên ở Quốc hội câu chuyện về sự can thiệp ở bệnh viện – ông từng là một công tố viên đáng kính và ngôi sao đang lên trong Bộ Tư pháp nhưng ít được người bên ngoài giới tư pháp biết đến

Thực tế, trong hoàn cảnh bình thường, Thứ trưởng Bộ Tư pháp là một trong những công chức cao cấp vô danh mạnh nhất ở Washington – danh sách các luật sư nổi bật đã giữ vai trò đó kể từ ngày 11/9 ngay cả không ghi dấu trong ký ức với hầu hết chính khách ở Washington: Larry Thompson, Paul McNulty, Mark Filip, David Ogden, James Cole. Trên thực tế, trước năm nay, chỉ có một tên nổi bật lên so với những người khác: Jim Comey – và sự nổi bật và sự nghiệp tiếp theo của ông gần như hoàn toàn là kết quả của lời khai gây ấn tượng của ông vào ngày 15 tháng 3 năm 2007.

Cuộc điều trần này, có vẻ chính là vấn đề chính trị hóa của Bộ Tư pháp và vụ người kế nhiệm Ashcroft, Alberto Gonzales sa thải những Chưởng Lý Hoa Kỳ vì đảng phái là một kịch bản được sắp xếp cẩn thận nhưng diễn ra như tự phát. Nhiều năm sau đó Bharara nói với New Yorker, tuần trước đó, Comey, lần đầu tiên, đã cẩn thận nói lại cho đồng nghiệp cũ, Preet Bharara – khi đó cố vấn cho Thượng nghị sĩ Chuck Schumer – về đoạn phim thách đố năm 2004. “Tóc gáy của tôi dựng đứng vì tôi biết rằng đó là một câu chuyện đáng kể, và tôi đã thề sẽ giữ bí mật và không tiết lộ cho ai biết. Ba người – Comey, Schumer và Bharara – giữ im lặng về câu chuyện mật được kể trước. Sau đó Bharara nhớ lại, “Tôi sợ rằng nếu lộ chuyện những gì Jim sẽ điều trần chính quyền của Tổng thống Bush sẽ tìm cách để ngăn cản ông ấy ra làm chứng. Chúng tôi cần giữ yếu tố ngạc nhiên.”

Sau đó, trong buổi điều trần công khai, họ giăng bẫy – Schumer đưa ra một câu hỏi khai mào nhưng dường như vô hại, tương đương với câu nổi tiếng của CEO Apple Steve Jobs, “À còn một điểm sau cùng…”

Comey sau đó đã kể lại câu chuyện về cuộc nổi dậy năm 2004 – một thời điểm có lẽ chưa từng có trong lịch sử chính phủ hiện đại, ít nhất là cho tới khi những chiếc máy bay trực thăng đuổi theo đoàn xe của Comey ở Los Angeles tuần trước khi Tổng thống bất ngờ sa thải ông giám đốc FBI.

Comey đã giữ sự chú ý của khán giả Thượng viện khi ông kể lại câu chuyện. Phóng viên Chris Cillizza sau đó đã ghi lại rằng người ta có thể nghe thấy tiếng kim rơi trong phòng – và thực sự đã xẩy ra như thế. Một phóng viên khác, choáng váng vì những gì ông ấy đang nghe, thật sự đánh rơi cây bút xuống nền nhà. (Gonzales, đã bị mang tai tiếng trong vụ liên quan đến việc sa thải các Chưởng lý của Hoa Kỳ và chính trị hóa Bộ Tư pháp, đã phả từ chức trong vòng một tháng sau vụ Stellar Wind được đưa ra ánh sáng).

Giai đoạn dưới ánh sáng phim trường ở quốc hội là thương hiệu Comey.

Và câu trả lời của giám đốc FBI đối với lời khai của Comey cũng là thương hiệu Mueller.

Dùng ngôn từ cáo buộc của Tổng thống Trump đã gọi Comey, Mueller không phải là “tàu diễn rong” (“showboat”). Trên thực tế, ông ta đã không nói gì về sự việc. Khi bị Quốc hội Xóa áp lực sau lời khai của Comey, Mueller chỉ nhận rằng chuyến viếng thăm Ashcroft ở bệnh viện là “không bình thường”.

Tuy nhiên, khi Quốc hội hỏi Mueller về những ghi chép của ông từ đêm hôm đó, giám đốc FBI đã nhanh chóng công bố một bản ghi chi tiết nhưng đã được bôi đên rất nhiều chỗ về 23 cuộc họp về chủ đề này, ghi rằng ông nhận thấy Ashcroft “yếu ớt, nói không rõ và rõ ràng đang bị căng thẳng” trong lần ông đến thăm ở bệnh viện. Đây là một ví dụ khác cho thấy văn hoá ghi lại văn bản trong FBI và Bộ Tư pháp là một điều làm cho cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi nó rõ ràng rằng Comey đã ghi chép chi tiết về những cuộc gặp gỡ và trò chuyện của ông với Trump trong năm nay.

Ngay cả sau nhiều năm, khi tôi đã cố gắng hỏi gặn Mueller về phản ứng của ông đối với các sự kiện lạ thường và chưa từng có, ông ấy nạt tôi, theo cách mà cuối cùng rồi tôi cũng quen, “Tôi sẽ không thảo luận việc đó với ông.”

Tuy nhiên, ông đã nói rằng những quyết định của ông vào thời điểm đó rất dễ dàng. Ông biết điều gì là đúng và điều gì sai. Ông nói với tôi năm 2008: “Điều đó không khó. Không phải là nó không làm bạn phải thức giấc nửa đêm, nhưng một khi bạn đã chọn con đường, thì bạn sẽ làm đúng.”

Những người gần gũi với Mueller vào thời điểm đó nói rằng ông cẩn thận để “ở trong giới hạn của mình” khi cuộc khủng hoảng tiếp diễn – ông không phải là người vươn với và nắm bắt mọi vấn đề, điều này hiện rõ trong cuộc điều tra của NFL, trong báo cáo đó ông không có những câu hỏi lớn về việc giải quyết bạo lực gia đình của liên đoàn football nói chung. Ông không coi việc trả lời các câu hỏi về chính sách là trách nhiệm của mình – mà chỉ thi hành luật pháp và điều tra. Ông giải thích, trong một lần xuất hiện hiếm hoi của ông với tư cách là giám đốc của FBI, ông đã đưa ra quan điểm về bạo lực của luật pháp:

“Chúng ta sống trong những thời kỳ nguy hiểm, nhưng chúng ta không phải là thế hệ đầu tiên của người Mỹ phải đối phó với những mối đe dọa an ninh của chúng ta. Giống như những thế hệ trước, chúng ta sẽ bị các thế hệ tương lai đánh giá về cách chúng ta phản ứng với cuộc khủng hoảng này. Và đó không chỉ là chúng ta có chiến thắng trong cuộc chiến chống lại khủng bố hay không, bởi vì tôi tin rằng chúng ta sẽ thắng, nhưng cũng như khi chiến đấu chúng ta sẽ bảo vệ được cho công dân của mình hưởng những quyền tự do mà chúng ta đang chiến đấu để bảo vê.”

Không giống nhiều người ở Washington, nơi mà tình cảm như vậy thường có vẻ là tầm thường, vô vị, ông thực sự nghĩ như vậy. Như cựu Bộ trưởng Tư pháp Richard Thornburgh, người đã biết Mueller hơn 30 năm, giải thích với tôi rằng: “Người ta nên khéo léo không thử thách ông áy về phuong diện này.” Larry Thompson, cũng như Comey, từng là Thứ trưởng Tư pháp thời Ashcroft, nói với tôi, “Khi ông có quan điểm, người ta biết nó là thật và công khai. Không có thêm mục đích hay động cơ nào khác.”

Mueller nhìn chung ít thấy màu xám trên thế giới; Ông ấy là loại người chỉ thấy trắng hay đen, đúng hay sai. Cha của ông, một thuyền trưởng đuổi tầu ngầm của của Hải quân Mỹ trong Thế chiến II, đã gây ấn tượng cho ông về tầm quan trọng của sự tín nhiệm và tính liêm chính. Mueller nhớ lại, “Bạn không giả dối hoặc thay ngay cả định giả dối với ông ấy.” Và kể từ đó, những vấn đề vê danh dự và nguyên tắc đã trở nên đơn giản. Bạn học của Mueller, và một cố vấn của FBI, Lee Rawls nói với tôi cách đây nhiều năm: “Đôi khi ông ấy khó như gì vì quá thẳng thắn.Đã có một vài trường hợp tôi đã đề nghị chấp nhận hèn nhát và bỏ chạy, và ông ấy đã nhất quyết không chấp nhận.”

Quả thực, hèn nhát và bỏ chạy không phải là phong cách của Mueller. Sau khi ông và Rawls tốt nghiệp Princeton vào những năm 1960, trước khi Việt Nam trở thành điểm nóng về văn hoá và chính trị vào cuối thập niên đó, Mueller đã tình nguyện gia nhập Thủy quân lục chiến và ra mặt tận – được trao huân chương Quat tim Tím và Ngôi sao Đồng cho lòng dũng cảm trong một cuộc giao tranh dữ dội. Trong trường Ứng viên Sĩ quan, điểm yếu duy nhất của ông, một đặc điểm quen thuộc với bất cứ ai sau này làm việc với ông giám đốc của FBI và một lần nữa cũng là điều có thể làm cho Toà Bạch Ốc của Trump phải lo lắng hôm nay: Robert Swan Mueller III bị một con “D” về mặt “uỷ quyền”.

Người bạn lâu đời của Mueller là Tom Wilner đã giải thích với tôi: “Bob là tiêu biểu của truyền thống trường tư cũ. Anh ấy là biểu tượng của phục vụ, sự chính trực và đủ tự tin để không bao giờ phải cong lưng. Anh ấy không làm gì cho chính mình.”

Một trợ lý làm việc ở FBI nói với tôi, “Những thứ mà hầu hết chúng ta thấy khó khăn trở nên tương đối dễ dàng vì la bàn đạo đức của anh ấy thật thẳng.”

Mueller rất thoải mái làm việc ở FBI một phần bởi vì nó loại bỏ bất kỳ một sắc nét bè phái nào ở đó. FBI, Mueller tin, là người môi giới trung thực của chính phủ – một cơ quan không bị ảnh hưởng của chính trị và áp lực, tự hào về tính khách quan và độc lập. Mueller nói với tôi, “Bạn được tự do làm những gì bạn nghĩ là đúng. Nó dễ dàng hơn nhiều khi bạn phải không phải ngó trước nhìn sau các xu thế chính trị.”

Là Giám đốc, ông đã có một sự đánh giá sâu sắc những truyền thống và tình đồng đội của cơ quan và nhân viên FBI. Ông nổi tiếng, gần như không thay đổi, mặc những chiếc áo sơ mi trắng và đồ bộ mầu xẫm khi là Giám đốc FBI – bức tranh về một người nhân viên chính phủ (G-man) thời Hoover – và thậm chí còn nhẹ nhàng khía cạnh phụ tá và những nhân viên dám mặc những chiếc áo màu, kinh dị của kinh dị, như hồng hoặc ngay cả áo sơ mi xanh. Tôi từ lâu vẫn nghĩ thói quen của ông bắt nguồn từ phong cách cá nhân và bản chất chính trực của ông, nhưng sau khi ông thôi làm giám đốc, tôi đã từng hỏi ông: Tại sao lại cả tủ áo trắng? Ông trả lời triết lý hơn tôi đã từng nghe ông ta nói trước đây – giải thích rằng ông biết ông phải lãnh đao FBI qua một giai đoạn thay đổi lớn, chuyển nó sang một cơ quan tình báo toàn cầu tập trung xung quanh việc chống khủng bố và ông ta cảm thấy cái biểu tượng quá khứ của cơ quan rất quan trọng, giống như truyền thống mặc áo sơ mi trắng – để giúp những nhân viên hiểu rằng nó vẫn là cơ quan FBI họ đã xin gia nhập phục vụ ngày nào.

***

Một năm sau cuộc thách đố Stellar Wind, Comey đã đi từ Bộ Tư pháp lên Baltimore-Washington Parkway tới Fort Meade, Maryland, trụ sở của NSA. Bài phát biểu của ông hôm đó được coi là công nhận Ngày Luật pháp, nhưng nó mang theo một thông điệp mã hoá cho những người trong phòng biết rõ những gì đã xảy ra trong cuộc thách đố Chương trình Giám sát Khủng bố (Terrorist Surveillance Programme).

Comey giải thích, quốc gia Hoa Kỳ là một đất nước của luật pháp, không phải của con người. Công nhân viên chính phủ tuyên thệ với Hiến pháp, chứ không phải tuyên thệ với Tổng thống. Ông giải thích công việc của các luật sư là loại bỏ cuộc khủng hoảng lù lù bắt nguồn từ một quyết định và kiểm soát xem nó sẽ như thế nào trong tương lai.

Sau đó, ông tiếp tục với những ngôn từ lại vang lên hơn mười năm sau đó và là điềm cho những tuần sắp đến ở Quốc hội, nơi mà ông sẽ một lần nữa được trong những điều kiện thuận lợi. Comey nói với khối nhân viên NSA,

“Chúng ta biết rằng hành động của chúng ta và của những cơ quan mà chúng ta hỗ trợ sẽ được xem xét lại trong một căn phòng yên tĩnh, trang nghiêm, có ánh sáng tốt, nơi mà chúng có thể được xem với một tầm nhìn hoàn toàn và không công bằng. Chúng ta biết rằng chúng sẽ được xem xét lại trong các phòng điều trần hoặc phòng xử án, nơi không thể nào hiểu được ngay cả một ,ảy may khẩn cấp và những đòi hỏi trong thời khủng hoảng.”

Cảnh quan rõ ràng sau khi sựu việc đã xẩy ra là lý do tại sao điều quan trọng nhất trong cuộc đời của luật sư là hiểu được bài kiểm tra lịch sử. Như ông nói, “Phải nói “Không” trong một cơn bão khủng hoảng, với những tiếng ồn ào xung quanh.”

Trong một thời gian ngắn, trong một căn phòng yên tĩnh, trang nhã và thắp sáng tại Quốc hội, Jim Comey sẽ có cơ hội giải thích tại sao ông đã nói không. Và trong lúc đó Bob Mueller sẽ đi lang thang, đi sâu vào chính phủ và biên niên của cuộc vận động tranh cử của Trump, để hiểu chính xác những gì đã xảy ra vào năm ngoái và những sự kiện dẫn đến việc sa thải Comey.

Ngay ở tuổi 72, Mueller vẫn còn rất nhiều năng lực – nơi mà người tiền nhiệm Louis Freeh có một chánh văn phòng gần như toàn bộ nhiệm kỳ của ông, Mueller thường xuyên thiêu cháy một chánh văn phòng hầu như mỗi năm. Comey nói với tôi về Mueller “Ông ấy làm việc ào ào dến mức có thể đốt cháy những người xung quanh. Một số người đốt cháy mọi người bởi vì họ là những kẻ tào lao. Bob đốt cháy người ta chí bằng sức ép của công việc.”

Đêm thách đố Stellar Wind, Mueller đã đến sau khi các phụ tá của Toà Bạch Ốc rời khỏi bệnh viện sau khi họ không thể buộc được Comey hay Ashcroft để cho phép chương trình tái hoạt dộng. Mueller nói ngắn gọn với Comey ở hành lang và sau đó vào phòng bệnh viện của Ashcroft.

Bộ trưởng Tư pháp nói vơi Mueller, “Bob, tôi không biết chuyện gì đang xảy ra.”

Mueller trả lời một cách thoải mái: “Có lúc nào đó trong cuộc đời, người ta sẽ bị thử thách, và ông đã vượt qua cuộc thử thách tối nay.”

Trong khi Comey và Mueller đều có thể nghĩ rằng họ đã vượt qua thách thức lớn nhất của họ vào đầu những năm 2000, giữ cho quốc gia an toàn sau 9/11, nhưng rốt cuộc, cả hai đã bắt tay vào cuộc mà lịch sử có thể sẽ ghi nhớ là bài kiểm tra cuối cùng của đời họ.

Nhà báo Garrett M. Graff (@vermontgmg) là tác giả của “The Threat Matrix: The FBI at War”, và là cựu biên tập viên của tạp chí Politico. Cuốn sách mới của ông, Raven Rock, về kế hoạch Doomsday của chính phủ Hoa Kỳ, đã xuất bản trong tháng này. Có thể liên lạc với tác giả qua điện thư [email protected].

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: What Donald Trump Needs to Know About Bob Mueller and Jim Comey. Garrett M. Graff. Politico, 18 May 2017.

1 Comment on “Những điều Donald Trump cần biết về Bob Mueller và Jim Comey