Lưu Hiểu Ba, Nobel Hoà bình, tù nhân chính trị, 61 tuổi, chết trong tù Trung Cộng

Tom Phillips | DCVOnline

Người được trao giải Nobel Hòa bình và cũng là người hoạt động dân chủ vừa qua đời vì ung thư gan, sau gần ¼ cuộc đời bị giam trong nhà thù cộng sản Trung Hoa.

Lưu Hiểu Ba, 61 tuổi, bị tù từ 2009 sau khi bị kết án lật đổ chế đô và vận dộng cho dân chủ ở Trung Quốc, đã qua đời. Ảnh: Liu Xia / EPA

Beijing – Tù nhân chính trị nổi tiếng nhất của Trung Quốc, người đoạt giải Nobel Hoà bình 2010 và là biểu tượng dân chủ Lưu Hiểu Ba đã chết trong tù khi mới tuổi 61.

Người trí thức và người hoạt động Trung Quốc chủ trương đối kháng ôn hoà như một cách để vượt qua “chuyên chế bạo lực” cũng là người được giải Nobel Hòa bình đầu tiên đã chết trong tù kể từ khi người chủ hoà Đức Carl von Ossietzky, Nobel Hoà bình năm 1935, chết trong trại tập trung của Đức Quốc xã.

Lưu Hiểu Ba được chẩn đoán bị ung thư gan giai đoạn cuối hồi tháng Năm, trong khi đang thụ án tù 11 năm vì ông tham gia viết Linh Bát Hiến chương, tuyên ngôn ủng hộ dân chủ, kêu gọi chấm dứt chế độ cai trị độc đảng của Trung Quốc.

Tháng trước ông đã được tạm tha vì lý do sức khoẻ và chuyển đến một bệnh viện ở đông bắc Trung Quốc, để điều trị trong một khu bị cô lập và có lính vũ trang canh gác
Lãnh đạo thế giới, gồm Thủ tướng Đức, Angela Merkel, và là Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, đã thúc giục Trung Quốc cho phép người bất đồng chính kiến đang hấp hối được ra nước ngoài điều trị mà những người ủng hộ tin rằng có thể đã kéo dài cuộc sống của ông. Nhưng Trung Quốc từ chối, và phải nhận những lời chỉ trích là giới lãnh đạo Cộng sản cố ý rút ngắn cuộc sống của người bất đồng chính kiến, không cho ông được một lần cuối lên tiếng phản đối chế độ của họ.

Hôm thứ Năm, nhà chức trách tại thành phố phía đông bắc của Thẩm Dương, nơi ông đang được điều trị, xác nhận trong một tuyên bố ngắn rằng ông đã qua đời vì nhiều bộ phận trong cơ thể đã ngừng hoạt dộng.

Tin tức về cái chết của Lưu Hiểu Ba làm dấy lên một làn sóng đau buồn và một cơn thịnh nộ. Hoạt động ôn hòa của Lưu Hiểu Ba và những lời chỉ trích cay đắng chế độ cai trị độc đảng khiến ông đã phải ở trong tù gần ¼ cuộc đời.

Tác giả, người hoạt động Liệu Thiên Kỳ, một người bạn lâu năm của Lưu Hiểu Ba nói trong nước mắt khi nhận được tin ông qua đời,

“Thật là đau đớn. Tôi không biết tôi có thể nói gì.

“Tôi ghét chính phủ này … Tôi tức giận và rất nhiều người chia sẻ cảm giác của tôi. Nó không chỉ là nỗi buồn – đó là sự giận dữ. Làm sao một chế độ có thể đối xử với một người như ông Liu Xiaobo như thế này? Tôi không có từ ngữ để mô tả nó.

“Không thể chịu đựng được. Nó sẽ đi vào lịch sử. Không ai nên quên những gì chính quyền này và nội các Tập Cận Bình đã làm. Nó là điều không thể tha thứ được. Thực sự là không thể tha thứ được.”

Hu Ping (Hồ Bình), một người bạn gần ba mươi năm của Lưu Hiểu Ba, Tổng biên tập một tờ báo ủng hộ dân chủ (ở New York) tên Mùa Xuân Bắc Kinh nói,

“Lưu Hiểu Ba bất tử, bất kể ông còn sống hay đã chết. Lưu Hiểu Ba là một người vĩ đại, một vị thánh.”

Zhao Hui (Triệu Huy), nhà văn và người hoạt động với bút danh Mo Zhixu (Mạc Chi Hứa), cho biết, “Tôi cảm thấy căm ghét … Quá độc ác và vô nhân đạo.”

Giới lãnh đạo của Ủy ban Nobel, cho biết chính phủ Trung Quốc “phải lãnh trách nhiệm nặng nề vì cái chết sớm của ông [Lưu Hiểu Ba].”

Berit Reiss-Andersen nói, “Chúng tôi thực sự lo âu tại sao ông Lưu Hiểu Ba không được chuyển sang một nơi ông có thể được điều trị bệnh tình trước khi ông chuyển thành người bị bệnh nan y.”

Eva Pils, một chuyên gia về luật pháp Trung Quốc và nhân quyền ơ King College London, nói rằng trong khi Bắc Kinh nổi giận vì sự so sánh giữa nhà văn họ Lưu với Ossietzky,

“Cách nào đó, thật không may, kết cục này đã củng cố cho sự so sánh đó – Bởi vì rõ ràng họ đã để cho ông ấy chết trong nhà tù của họ.”

Pils nói thêm, “Đó là một kết thúc khắc nghiệt.”

Ông Hồ Bình cho biết hoàn cảnh khó khăn của bạn ông đã làm nổi bật thực tế u ám của những người hoạt động sống dưới thời Chủ tịch Xi Jinping, mà giới quan sát gọi là không khí chính trị ngộp thở nhất kể từ năm 1989 cuộc đàn áp Thiên An Môn.

“Tôi nghĩ rằng hiện tình ở Trung Quốc đang xấu đi – và cách chính quyền đối xử với ông Lưu Hiểu Ba cho chúng ta thấy rõ ràng thực trạng là gì, và nó đã ra ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.”

Sinh ra tại tỉnh Cát Lâm ở miền Bắc Trung Hoa vào năm 1955, Lưu Hiểu ba thuộc thế hệ đầu tiên của sinh viên Trung Quốc được đến trường đại học sau khi chính quyền mở cửa lại sau biến động Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông. Ông theo học khoa văn Trung Quốc và trở thành một nhà văn được kính nể và một tri thức trong cộng đồng.

Khi cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nổ ra ở Bắc Kinh vào mùa xuân năm 1989, Lưu Hiểu Ba đang giảng dạy ở New York nhưng quyết định trở về mặc dù trước đây ít quan tâm đến chính trị.

Perry Link, một chuyên gia về văn học Trung Quốc thuộc trường Đại học California Riverside, biết Lưu Hiểu Ba, nói,

“Ông ấy nghĩ: ‘Đây là nơi tôi nên ở và đây là nơi mà tôi có thể đóng góp. Vì vậy, tôi sẽ trở về.’”

Lưu Hiểu ba trở về Bắc Kinh và đến quảng trường Thiên An Môn, ở đó ông đóng vai trò trung tâm trong các cuộc biểu tình. Ông dẫn đầu một cuộc tuyệt thực lâu trước khi cuộc đàn áp quân sự ngày 4 tháng 6 khiến hàng trăm, có thể hàng ngàn người đã thiệt mạng. Ông đã bị bỏ tù gần hai năm vì vai trò của ông trong những gì Bắc Kinh gọi là bạo loạn “phản cách mạng”. Kinh nghiệm đó là tiếng chuông chính trị đánh thức và biến Lưu Hiểu Ba thành một người hoạt động kiên trì và người cổ xuý cho dân chủ.

Trong những năm sau đó Lưu Hiểu Ba tiếp tục lên tiếng, mặc dù hơn hai lần đã vào tù, không ngừng phản đối chế độ cai trị độc tài của Trung Quốc trong các bài tiểu luận và phỏng vấn. Pery Link đã mô tả Lưu Hiểu Ba như một loại “Gandhi” chủ trương đối kháng ôn hòa nhưng đã có những bài viết “rõ ràng không sợ hãi về những gì có thể xảy đến cho ông ấy.”

Ông cũng là một người tri thức. Perry Link cho biết ông đã “say mê nhiều” chủ đề được đề cập trong những bài viết của bạn, gồm đủ mọi thứ, từ hài hước Trung Quốc, đến lịch sử của quan hệ tình dục, triết học Nho giáo, huy chương vàng Olympic, lần đắc cử đầu tiên của ông Obama và Ngay cả những bài thơ về St Augustine và Emanuel Kant.

Cái “tội” đưa ông Lưu Hiểu Ba vào nhà giam những năm cuối cùng của cuộc đời là ông đã viết Hiến chương Linh Bát, một tuyên bố năm 2008 lấy cảm hứng từ Hiến chương 77, một bản tuyên ngôn được những người bất đồng chính kiến ​​Tiệp Khắc công bố vào năm 1977. Hiến chương Linh Bát kêu gọi chấm dứt sự cai trị độc đảng.

“Hệ thống hiện tại đã trở thành lạc hậu đến mức không thể không thay đổi.”

Nhà cầm quyền TQ đã không chấp nhận. Vài giờ trước khi Hiến chương được công bố, Lưu Hiểu ba, một trong nhũng người đồng soạn thảo Hiến chương, đã bị bắt tại nhà ông ở Bắc Kinh. Năm sau, ông bi lên án 11 năm tù vì “Xúi giục lật đổ quyền lực nhà nước.”
Pery Link nói,

“Hiến chương là văn bản công khai đầu tiên kể từ năm 1949 dám đề cập đến việc kết thúc sự cai trị độc đảng. Nhưng sự đàn áp có một tác động thực tế. Bây giờ, rất nhiều người trẻ không biết về Hiến chương Linh Bát và không biết gì về ông Lưu Hiểu Ba.”

Năm 2010, Lưu Hiểu ba đã được trao giải Nobel hoà bình vì “cuộc tranh đấu lâu dài và phi bạo lực cho quyền căn bản của con người ở Trung Quốc” của ông. Ông đã được đại diện tại lễ trao giải Nobel bằng một chiếc ghế trống. Khi ông được thông báo về giải thưởng Nobel, được biết ông đã nói, “Tôi dành giải thưởng này cho những oan hồn của ngày 4 tháng 6”, ngụ ý nói đến những nạn nhân trong cuộc thảm sát Thiên An Môn.

Giới vận động Nhân quyền và giới hoạt động dân chủ coi giải Nobel cho ôn Lưu Hiểu Ba như là một chiến thắng cho mục đính tranh đấu của họ. Nhưng đối vợ ông, nhà thơ và nghệ sĩ Liu Xia (Lưu Hà), người ông đã yêu từ những năm 1990, đó là một thảm họa. Lập tức, bà bị quản thúc tại gia và những năm gần đây phải sống trong cô lập hoàn toàn, và dưới sự giám sát hầu như liên tục.

Jean-Philippe Beja, một học giả Pháp, một người bạn lâu đời nói, “Chị ấy là một phụ nữ tuyệt vời. Tôi thậm chí không dám tưởng tượng bây giờ chị ấy đang cảm thấy thế nào.”

Eva Pils nói Lưu Hiểu ba sẽ được nhớ đến như một người đối lập chính trị “khôn ngoan và mạnh mẽ”.  Những người ủng hộ ông đã đếm từng ngày đến khi ông được trả tự do vào năm 2019.

“Nay thì quá thất vọng. Đương nhiên, tôi, giống như nhiều người khác, đang đếm ngược đến ngày ông được trả tự do. Thật là bất công.”

Pery Link nói Lưu Hiểu ba sẽ được nhớ đến như là “một người gan lì nói lên sự thật” và một người đã mở ra “sự có thể có một Trung Hoa loại khác”.

“Đó là một di sản lâu dài. Mô hình của một người trí thức độc lập đã đứng lên chống lại nhà nước [độc đảng] sẽ được ngưỡng mộ nếu nó không bị xóa sạch hoàn toàn.”

Jared Genser, một luật sư Mỹ đã cố gắng để xin phóng thích ông Lưu Hiểu ba, cho biết nhà văn đã không chết một cách vô ích.

“Tư tưởng của ông Lưu Hiểu ba và giấc mơ của ông sẽ tồn tại, lây lan, và sẽ, một ngày nào đó, trở thành hiện thực … và bản lĩnh với sự hy sinh của ông cho đất nước của ông sẽ truyền cảm hứng cho hàng triệu những người hoạt động và bất đồng chính kiến Trung Quốc kiên trì cho đến khi Trung Quốc trở thành một chế độ dân chủ đa đảng mà ông Lưu Hiểu Ba tin chắc là trong tầm tay của người dân.”

Học giả Beja nói ông Lưu Hiểu ba sẽ tiếp tục truyền cảm hứng sau ông chết.

“Rất khó để đánh giá tác động của một nhà tư tưởng hay của một diễn viên nhưng tôi tin chắc rằng – bất chấp tất cả các nỗ lực của đảng Cộng sản, Người đời sẽ không quên ông.”

Wang Zhen đưa tin bổ túc.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Liu Xiaobo, Nobel laureate and political prisoner, dies at 61 in Chinese custody. Tom Phillips, The Guardian, Thursday 13 July 2017.

1 Comment on “Lưu Hiểu Ba, Nobel Hoà bình, tù nhân chính trị, 61 tuổi, chết trong tù Trung Cộng

  1. TINH HOA ĐẤT NƯỚC

    Tinh hoa là vượt lên đời
    Nhìn xa thấy rộng vọng về tương lai
    Tỷ người Trung Quốc ít ai
    Tinh hoa như cỡ kiểu người thế đâu

    Lưu Hiểu Ba đáng đề cao
    Bởi từ nước Mỹ trở về quê hương
    Ý nhằm tích cực giúp đời
    Lại thành đày đọa quả điều đáng thương

    Cuộc đời đành mất phần tư
    Tối tăm giam hãm ở nơi nhà tù
    Tướt đi hết cả quyền người
    Mục tiêu tranh đấu cho đời cũng tiêu

    Cuối cùng lại bệnh ung thư
    Vốn là tất yếu những năm đọa đày
    Nobel vinh dự vào tay
    Nhưng rồi kết quả có nào khác chi

    Sáu mươi mốt tuổi phải ra đi
    Tinh hoa biến mất còn gì sau lưng
    Tự do dân chủ rưng rưng
    Thương người tâm huyết ngàn năm hãy còn

    GIÓ NGÀN
    (16/7/17)