Vụ bắt cóc ở Berlin có thể biến FTA của Việt Nam với châu Âu thành mây khói

David Hutt | DCVOnline

EU hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc, và thị trường xuất cảng lớn thứ hai, sau Hoa Kỳ.

Chính phủ Việt Nam có lẽ biết rằng mặc dù nhân quyền có thể là một “vạch đỏ” đối với một số trong giới chức EU, nhưng hứa hẹn lợi nhuận lớn hơn cho các công ty châu Âu có thể đủ mạnh để thúc đẩy các nước khác chấp nhận Hiệp định Thuong mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA).

Thủ tướng Đức Angela Merkel đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 7 tháng 7 năm 2017. Nguồn: TOBIAS SCHWARZ / AFP / Getty Images.

Một thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có thể sẽ đổ vỡ sau khi Bộ Ngoại giao Đức cáo buộc mật vụ của Việt Nam đã bắt cóc một doanh nhân Việt Nam giữa phố ở Berlin vào cuối tháng trước. Chính phủ Đức cho hay, ông Trịnh Xuân Thanh, người đang bị chính quyền Việt Nam truy nã bị cáo buộc là một tội phạm về tài chính, bị bắt cóc vào ngày 23 tháng 7, nhưng Hà Nội cho biết ông đã tự nguyện quay về Việt Nam và tự đến đầu thú với công an. Sau đó, ông xuất hiện trên truyền hình nhà nước Việt Nam để nói “lời thú tội”, nhưng luật sư của ông cho là ông bị “bắt buộc” nói như thế.

Khẩu chiến

Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Đức cho hay rằng, “không còn nghi ngờ gì nữa” cơ quan mật vụ và toà đại sứ Việt Nam đã tham gia vào vụ bắt cóc, và mô tả nó như một “sự vi phạm chưa từng thấy và trắng trợn luật pháp của Đức và luật pháp quốc tế”. Đức cũng yêu cầu Hà Nội trả lại Trịnh Xuân Thanh cho Đức, nơi ông đang xin tị nạn. Sau đó bộ trưởng Ngoại giao Đức mô tả sự kiện này giống như “những bộ phim gián điệp thời Chiến tranh Lạnh”.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), nói:

“Berlin cần đòi Việt Nam trả tự do cho Thanh ngay lập tức và đặt điều kiện tiếp tục quan hệ giữa Đức và Việt Nam dựa trên sự giải quyết vấn đề này một cách tốt đẹp.”

Tuy nhiên, cho đến nay, Đức chỉ tuyên bố người đứng đầu cơ quan tình báo của Việt Nam ở toà đại sứ là “persona non grata”. Hiện tại, dường như Hà Nội không có ý định đưa Thanh trở lại Đức, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kết quả là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức đã nói với Reuters trong tuần này rằng

“Chúng tôi đang xem những gì có thể làm được để làm rõ với đối tác Việt Nam của chúng tôi rằng chúng tôi không thể chấp nhận việc này [vi phạm luật pháp của Đức vag luật quốc tế].”

Ông cũng nói thêm rằng Đức không loại trừ bất kỳ hành động nào để giải quyết vấn đề này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nguồn: JOHN MACDOUGALL / AFP / Getty Images.

Những điểm quan trọng

Một lựa chọn là Đứccó thể hạn chế viện trợ phát triển cho Việt Nam. Vào năm 2015, Đức đã cam kết dành 257 triệu đô la viện trợ phát triển trong giai đoạn hai năm. Theo giới phân tích, một lựa chọn khác có thể là Thủ tướng Đức Angela Merkel, đương là người đứng đầu không chính thức của EU, đã vận động với những chính phủ các nước láng giềng châu Âu để ngăn chặn tiến trình EVFTA, đã đồng ý vào tháng 12 năm 2015 và dự định sẽ được phê chuẩn vào đầu năm tới.

Thỏa thuận này rất quan trọng đối với Việt Nam. Thương mại song phương với EU tăng từ mức 10 tỷ USD năm 2006 lên 48 tỷ USD hồi năm ngoái. EU hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc, và thị trường xuất cảng lớn thứ hai, sau Hoa Kỳ. Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, cho rằng EVFTA có thể đẩy GDP của Việt Nam tăng lên tới 15%.

Ngay cả trước khi có vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã có những đề nghị cho rằng EVFTA có thể bị trì hoãn vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam, mà một số người cho rằng đã xấu đi trong những năm gần đây. EVFTA phải được 28 quốc gia thành viên của EU, cũng như Nghị viện châu Âu chấp thuận và các nhóm nhân quyền đang bận rộn vận động để họ không chấp nhận – hoặc, ít nhất, buộc phải có những thay đổi lớn có nghĩa là EU chỉ chấp nhận thỏa thuận EVFTA nếu chính phủ Việt Nam cải thiện nhân quyền.

Ảnh chụp vào ngày 10 tháng 7 năm 2016, người hoạt động chống lại Trung Quốc Lã Việt Dũng đang được điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội. Là một người hoạt động nổi bật trong một đội túc cầu và cũng là một nhóm chống lại Trung Quốc nói rằng ngày 11 tháng 7 ông đã bị những tên côn đồ mặc thường phục hành hung tàn nhẫn sau trận đấu. Nguồn: ĐOÀN BẢO CHÂU / AFP / Getty Images.

Ông Pier Antonio Panzeri, Chủ tịch Tiểu ban về Quyền con người của Nghị viện châu Âu, cho biết tại một cuộc họp báo vào tháng 2 vừa qua trong chuyến thăm Việt Nam,

“Chúng tôi đã nói với nhà chức trách Việt Nam rằng Liên minh châu Âu sẽ rất khó chấp thuận [EVFTA].”

Chính phủ Việt Nam dường như đã làm dịu những lo ngại của châu Âu trước vụ bắt cóc vào tháng trước, khiến cho sự kiện trở nên khó hiểu hơn. Hồi tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sang Đức tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hamburg. Theo các cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam, ông đã gặp 14 nhà lãnh đạo thế giới gồm Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, Jean Claude Juncker tại đây.

Theo báo chí Việt Nam, ông Phúc cũng thảo luận với Thủ tướng Merkel. Tại cuộc họp, cả hai nước đã đồng ý giáo dịch thương mại giữa hai nước trị giá 1,7 tỷ USD. Sau đó, ông Phúc sang Hoà Lan, nước có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tại Hague, ông Phúc tuyên bố rằng Việt Nam sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với giới nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành.

Một vấn đề gai góc

Chính phủ Việt Nam có lẽ biết rằng mặc dù nhân quyền có thể là một “vạch đỏ” đối với một số trong giới chức EU, nhưng hứa hẹn về lợi nhuận lớn hơn cho các công ty châu Âu có thể đủ mạnh để thúc đẩy các nước khác chấp nhận EVFTA.

Hơn nữa, EU có thể tự bắn vào chân nếu họ bắt đầu gián đoạn EVFTA vì hồ sơ nhân quyền của Việt Nam; như thế họ sẽ lập một tiền lệ cho các thỏa thuận thương mại trong tương lai. EU từ lâu đã muốn hình thành một Hiệp định Thương mại Tự do với khối ASEAN và thảo luận về thỏa thuận này đã bắt đâu lại hồi tháng 3.

Bộ trưởng ngoại giao Đông Nam Á và khách mời chụp ảnh chung trong lễ bế mạc Diễn đàn An ninh Khu vực của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 50 tại Manila vào ngày 8 tháng 8 năm 2017. Nguồn: TED ALJIBE / AFP / Getty Images.

Nhưng nếu EVFTA đổ vỡ vì hồ sơ nhân quyền của Việt Nam – dù không phải vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – thì hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU chắc chắn sẽ không xẩy ra. Liên minh Châu Âu cũng sẽ phải xem xét các điều kiện nhân quyền ở Lào, Campuchia, Malaysia, Philippines và Brunei, tất cả các quốc gia này đều muốn có thương mại tự do với EU, gần như Việt Nam vậy.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: How A Kidnapping In Berlin Could Bring Down Vietnam’s FTA With Europe. David Hutt , Contributor, Forbes AUG 11, 2017.

2 Comments on “Vụ bắt cóc ở Berlin có thể biến FTA của Việt Nam với châu Âu thành mây khói

  1. CỦA MÌNH CỦA NGƯỜI

    Đầu tiên nó vốn của mình
    Nó lây tham nhũng của mình chứ ai
    Tự nhiên dông mất mới tài
    Nó văng qua Đức còn đâu của mình

    Đó là tay Trịnh Xuân Thanh
    Một tay đại cán lại thành nhiêu khê
    Của mình nên lại bắt về
    Ai hay nó đã ở trong nhà người

    Trở thành nửa khóc nửa cười
    Giành qua giật lại biết người nào hay
    Mình cho cần phải ra tay
    Bắt về khai thác quả nay rất cần

    Dây mơ rễ má mọi phần
    Nó thành quan trọng há đành bỏ lơ
    Tóm xong mẻ lưới hò lờ
    Cũng là điều tốt để xem thế nào

    Nhưng người bực bội ngoại giao
    Khác chi đã bị khoét rào ai ưng
    Thành ra hậu quả tưng bừng
    Nhiều điều hứa hẹn dễ chừng xuôi đâu

    Thật là ngang trái một màu
    Lợi ngang cùng hại tính sao bây giờ
    Thôi thì thư thả để chờ
    Vắt xong còn vỏ ta thời trả qua

    Hai đàng như vậy đều hòa
    Trái chanh vắt nước bộ mà quý sao
    Xác phàm của Trịnh Xuân Thanh
    Trả về lại Đức hóa thành tiếu lâm

    TIẾU NGÀN
    (13/8/17)

  2. CỘNG SẢN VÀ QUỐC GIA

    Thành ra mọi chuyện hóa hài
    Bây giờ nhìn lại có cười được không
    Nguyễn Tấn Dũng gặp Merkel
    Hay là Xuân Phúc Merkel bây giờ

    Cả hai tấm ảnh sờ sờ
    Đầy tràn trên mạng ai ngờ vậy đâu
    Merkel Đông Đức ngày nào
    Bây giờ Thủ Tướng của toàn Liên bang

    Còn phần Phúc Dũng trái ngang
    Cũng dân vốn ở Miền Nam thiếu thời
    Học hành năm tháng vui chơi
    Nhưng vì hoàn cảnh đã thời vào bưng

    Cùng hô Mỹ Ngụy rần rần
    Bây giờ hai cuộc chiến tranh qua rồi
    Mỹ nay trải thảm để mời
    Toàn cầu hội nhập thật đời éo le

    Trớ trêu đúng chuyện vậy hè
    Dũng cùng cả Phúc đều thành quan to
    Đều là Thủ tướng ra trò
    Cùng đi dự hội gặp bà Merkel

    Khác chi thế sự cà mèn
    Đổi đời như thế hỏi ai không màng
    Lật kèo ta lại hiên ngang
    Có điều Đức Việt quả càng khác xa

    Đức thì thống nhất Cộng hòa
    Việt thành Cộng sản có là giống đâu
    Quả đời toàn chuyện bể dâu
    Cái hài luôn có cho người nhìn vô

    Đổi tuồng thay lớp ào ào
    Khác nào sân khấu diễn ngay trên đời
    Cười xưa Các Mác ơi hời
    Nói đường ra ngã mê tơi được gì

    Cuộc đời người đến rồi đi
    Sông đời luôn chảy dễ gì đứng yên
    Tuyên truyền đánh đá huyên thiên
    Trăm năm hồ dễ cứ nguyên vậy hoài

    Bây giờ quả thật rõ rồi
    Quốc gia Cộng sản đã hồi xa xưa
    Mây mù quả đến cơn mưa
    Hết mưa lại sáng sự đời vậy thôi

    Quốc gia toàn thảy còn hoài
    Chỉ riêng Cộng sản một thời rồi qua
    Hỏi anh dốt nát ba hoa
    Dũng đi Phúc đến khác nào Merkel

    DẶM NGÀN
    (13/8/17)