Trung Quốc trước phong trào bài Hoa và sự sụp đổ của Saddam

Lưu Hiểu Ba | Hồ Như Ý dịch

Bởi vì khủng bố chính trị làm cho người ta sống một cách quá khôn khéo, đến nỗi họ cam tâm tình nguyện sống trong những lời dối trá và nô dịch.

Phong trào bài Hoa bị điều khiển từ xa

Gần đây, xuất phát từ sự kiện va chạm máy bay chiến đấu và xung đột giữa chính phủ hai quốc gia Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trên một loạt vấn đề, từ người dân đến chính phủ Hoa Kỳ có sự gia tăng địch ý đối với Trung Quốc, có một đợt tạo dư luận xem Trung Quốc trở thành kẻ địch có tính uy hiếp cao nhất đối với Hoa Kỳ. Bằng chính sách của chính phủ George W. Bush trợ giúp phòng vệ cho Đài Loan, cùng hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan lớn nhất kể từ năm 1992, và qua giới truyền thông dòng chính, Hoa Kỳ đem thuyết đe dọa Trung Quốc làm nền và bình luận làn sóng chủ nghĩa dân tộc yêu nước điên cuồng ở Trung Quốc Đại Lục và phổ biến ra khắp thế giới. Bên trong xã hội Hoa Kỳ, cơn gió thuyết Trung Quốc uy hiếp thổi tới không chỉ là đóng gói bao trùm hết người dân Trung Quốc Đại Lục, hơn nữa đã dính dáng đến người Mỹ gốc Hoa. Làn sóng bài Hoa, thù hận Trung Quốc đã sớm vượt xa xung đột giữa hai chế độ.

Đối với những người Mỹ gốc Hoa mà nói, những sắc màu phân biệt chủng tộc khi tạo thành những tổn thương tâm lý đối với cộng đồng người Mỹ gốc Hoa. Đồng thời, nó cũng thúc đẩy cộng đồng người Mỹ gốc Hoa định vị lại mối quan hệ giữa bản thân và xã hội dòng chính Hoa Kỳ, điều chỉnh lại phương thức sinh tồn của bản thân họ ở Hoa Kỳ. Điều này không hẳn là một chuyện xấu đối với những người Mỹ gốc Hoa. Nhưng đối với Hoa Kỳ và đối với Trung Quốc Đại Lục thì đó không phải là chuyện tốt đẹp gì.

Ngày 22 tháng 4 năm 2001, tờ “Thời báo New York” đăng bài bình luận cuối tuần của phóng viên kỳ cựu kiêm chuyên gia về Trung Quốc Nicolas Kristof , “Cảm xúc chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc”. Bài báo cho rằng, thứ cảm xúc chủ nghĩa dân tộc vùa mãnh liệt vừa rộng lớn này, đã vượt xa so với phạm vi mà đảng cầm quyền cố ý kích động, trở thành thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan một cách tự phát từ người dân. Rất nhiều người Trung Quốc Đại Lục đem Hoa Kỳ xem là “xấu xa”, ủng hộ chủ trương dùng vũ lực giải quyết vấn đề Đài Loan, chủ trương nếu như cần thiết thì ngay cả Đạt Lai Lạt Ma cũng bắt giam lại, tống vào ngục. Thậm chí là tác giả đã dự đoán: “Nếu chính trị Trung Quốc có nhiều dân chủ hơn thì sự kiện va chạm máy bay sợ là sẽ càng khó giải quyết hơn.”

Tôi không biết suy luận nghe rợn cả người này của Kristof tiên sinh đến từ những kinh nghiệm thực tế nào, nếu như chỉ căn cứ vào những bản tin truyền thông và trên mạng internet Đại Lục thì ông đã đánh giá quá thấp tính phức tạp của hiện thực xã hội Trung Quốc, đánh giá quá thấp tính khúc xạ của phương thức biểu đạt ý kiến ở Đại Lục. Ngược lại, bài báo cho người ta thấy sự hiềm nghi khi quá dựa vào những giọng điệu trên truyền thông Trung Quốc để đưa ra kết luận. Đằng sau những suy luận nghe rợn cả người như vậy chính là ảnh hưởng ngầm được thừa nhận của tuyên truyền do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trên thực tế, đánh giá của truyền thông dòng chính Hoa Kỳ đối với chủ nghĩa dân tộc Trung quốc cũng như qua đó kích phát tâm lý bài Hoa, tuy cũng có bóng dáng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng bị ảnh hưởng vì truyền thông Trung Quốc Đại Lục.

Như chúng ta đều biết, truyền thông Trung Quốc Đại Lục hoàn toàn nằm dưới sự thao túng nghiêm ngặt của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là dính dáng tới các chủ đề chủ nghĩa yêu nước. Bất luận là thuần túy truyền thông lề đảng chính quyền, bán lề đảng, truyền thông tư nhân, hay là theo phe bảo thủ, phe mở cửa, phe lề giữa, tất cả đều sử dụng một phương thức biểu đạt giống nhau về cơ bản, đó chính là có thể phát ngôn với thân phận đại diện cho toàn dân.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc nói: “Làm tổn thương tình cảm dân tộc của nhân dân Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc tuyệt dối không đáp ứng.” Chuyên gia về vấn đề quốc tế của Trung Quốc nói: “Chính phủ Bush không nên đánh giá thấp quyết tâm và lòng dũng cảm của chính phủ và nhân dân Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền quốc gia và tôn nghiêm dân tộc.” Ngay cả những truyền thông tương đối cởi mở và dám nói thật như “Phương Nam cuối tuần”, cũng dùng ngay số đầu tiên trong ngày, dành vị trí gây chú ý nhất đưa ra một dòng tiêu đề đỏ to đùng “Một tỉ ba người dân Trung Quốc cùng hô một cái tên: Vương Vỹ.” Mà tất cả đều biết, trên thực tế, những người mà luôn tự xưng mình là đại diện cho “tổ quốc”, “dân tộc” và “nhân dân” thì họ không cách nào đại diện cho ngay cả chính bản thân họ và những người thân nhất. Những khẩu hiệu vừa trống rỗng vừa trừu tượng này bất quá chỉ là những từ ngữ bề mặt được nói theo thói quen. Về căn bản chúng không cách nào phản ánh được sự phức tạp của người dân Trung Quốc mỗi ngày đều sống dưới những khẩu hiệu trên.

Bởi vì khủng bố chính trị làm cho người ta sống một cách quá khôn khéo, đến nỗi họ cam tâm tình nguyện sống trong những lời dối trá và nô dịch.

Dùng kinh nghiệm về cuộc sống của tôi ở Trung Quốc Đại Lục, người dân Trung Quốc đã thích ứng sống dưới một loại phân liệt về nhân cách, ngôn từ và hành động trái ngược nhau trở thành phương thức sinh tồn phổ biến. Những phát ngôn nơi công cộng và lời bàn tán chốn riêng tư có thể không liên quan tới nhau, ngay cả khi không có chỉ thị và sắp xếp về nhân sự. Một khi đối mặt với phóng viên, người ta nhất định phải đóng kịch và che giấu từ trong tiềm thức. Lấy sự kiện va chạm máy bay quân sự để nói, tôi đã từng cố tình nói chuyện với những người xa lạ ở quán ăn trong trung tâm thương mại, trên xe taxi, và thấy cái nhìn thực tế của họ đối với sự kiện này có nhiều kiểu. Đa số nhiều người sinh ra hoài nghi đối với hạ lạc của Vương Vỹ, cho rằng chính phủ nên để người dân được biết sự thật, kể cả giải thích từ phía Hoa Kỳ. Trong khi đó những người quen và bạn bè của tôi, hầu như không hề nghe thấy những hô hào cuồng nhiệt của chủ nghĩa dân tộc. Một người bạn còn tiến hành nói chuyện trao đổi một cách nặc danh trong nhóm sinh viên đại học. Khi được hỏi lựa chọn đầu tiên nếu như họ có hơi hội đi ra nước ngoài du học, đại đa số đã trả lời: Hoa Kỳ.

1 tháng Tư năm 2001, một phi cơ tín hiệu tình báo EP-3 của Hải quân Hoa Kỳ va chạm với một máy bay phản lực chiến đấu của Trung Quốc khoảng 70 dặm ngoài khơi đảo Hải Nam. Nguồn: Association for Diplomatic Studies and Training

Loại kinh nghiệm này của tôi, cũng đã được một phóng viên của CNN trú tại Bắc Kinh chứng thực. Cô nói: “Sự kiện Đảo Hải Nam va chạm máy bay đã làm những người Mỹ vốn có địch ý đối với Trung Quốc chuyển từ chống Cộng sang bài Hoa, có một phần lớn là bởi vì học không hề hiểu rõ Trung Quốc.” Toàn bộ những ấn tượng của họ đối với Trung Quốc đều đến từ phía truyền thông; truyền thông Hoa Kỳ lại bị ảnh hưởng từ truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc; những ngôn luận trên truyền thông của Trung Quốc Đại Lục không phải là tiếng nói chân thật từ phía người dân; những tiếng nói trên mạng internet cũng đều được lọc qua, thậm chí có một số người, những góc nhìn và phát ngôn của họ trên mạng cùng với những lời nói của họ nơi riêng tư đều có sự khác biệt rất lớn. Trong số những người mà cô đã phỏng vấn, chỉ có một số rất ít những người bị phía chính quyền xem là phần tử bất đồng chính kiến, mới dám nói ra những góc nhìn bất đồng với chính phủ. Trong khi đó đại đa số người dân đều biểu lộ những quan điểm y như phía chính quyền đưa ra. Ngay cả những ý kiến công khai biểu đạt bất đồng với dư luận, cũng sẽ không nói trực tiếp, mà dùng một cách nói rất uyển chuyển. Ngay cả cả những quan chức và học giả suốt ngày hiện diện trên ti vi và truyền thông, những phát ngôn chốn riêng tư của họ hoàn toàn khác với những ngôn luận nơi công cộng.

Văn hóa Trung Quốc một mực dạy cho người ta sách lược làm người bằng hai bộ quy tắc, ở chốn công cộng và chốn riêng tư. Đảng Cộng sản Trung Quốc sau hơn 50 năm thống trị đã đẩy loại phân liệt về nhân cách này đi tới hướng cực đoan. Bởi vì, người dân Trung Quốc Đại Lục dưới sự nhồi nhét của dối trá và khủng bố chính trị, đưa tới hai bộ ngôn từ, một bộ dùng cho những lần biểu lộ công khai, một bộ dùng để giao lưu nơi riêng tư. Hơn nữa loại cuộc sống sinh hoạt phân liệt nhân cách này mới là cuộc sống thật sự có máu có thịt của người Trung Quốc. Nếu như không có được sự đắm chìm vào trong hoàn cảnh như vậy với thời gian đủ dài, người nước ngoài rất khó có cơ hội trải qua, cũng chỉ có thể đem những khẩu hiệu trống rỗng trên truyền thông và những biểu lộ thống nhất đem trở thành biểu lộ chân thật của người dân Trung Quốc, đem một Trung Quốc giả dối được tạo nên bởi truyền thông nhà nước xem đó là một Trung Quốc chân thật.

Tôi không dám đại diện cho hơn một tỉ người dân Trung Quốc phát ngôn, nhưng với những người mà tôi tiếp xúc, gồm cả những đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và quan chức nhà nước, ít nhất có thể đưa ra hai kết luận có giới hạn: Thứ nhất trong con mắt của họ thì Hoa Kỳ không phải là kẻ xấu xa. Thứ hai, Một nước Trung Quốc dân chủ hóa tuyệt đối không phải là kẻ địch của Hoa Kỳ.

Điều mỉa mai nhất là, Đảng Cộng sản Trung Quốc không những thao túng truyền thông và dư luận công khai ở Đại Lục, hơn nữa loại thao túng này đang không ngừng vươn ra thế giới. Thời đại Mao Trạch Đông thì đóng cửa và tạo phản nổi loạn, cũng được Đảng Cộng sản Trung Quốc thao túng bằng truyền thông để ảnh hưởng lên phong trào sinh viên các quốc gia Phương Tây. Hiện tại, mượn cơ hội từ sự kiện va chạm máy bay Đảo Hải Nam, nó không những tạo ra một xu hướng giả tạo về chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc Đại Lục, lại vừa kích động một làn sóng thù địch với Trung Quốc trong xã hội Hoa Kỳ. Tuy những biểu đạt của địch ý này là thành thật, nhưng thành thật không đồng đẳng với chân thật, bởi vì địch ý thành thật này được dựa trên sự giải dối. Bởi thế, sự phản ánh thành thật của truyền thông Hoa Kỳ và biểu đạt giải dối của truyền thông Trung Quốc Đại Lục, tương hỗ nhau trở thành “Yêu ma hóa”, không chỉ là giữa hai chính phủ mà còn là “yêu ma hóa” giữa người dân hai nước. Nếu kết quả cuối cùng của loại tương hỗ “yêu ma hóa” này, sẽ không chỉ là sự đối kháng giữa hai chế độ chính trị, mà còn là cái nhìn đầy địch ý giữa người dân hai quốc gia hai dân tộc, vậy thì đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới tự do hòa bình, đích thật là một sự đe dọa.

Bắc Kinh, ngày 30 thán 4 năm 2001 tại nhà riêng

Cổ họng Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếc thương bạo quân Saddam Hussein

Báo chí thế giới đưa tin Sadamm Husein bị lực lượng đặc biệt của Mỹ bắt sống khi đang trốn dưới hầm tại Baghdad. Nguồn: US News & World Report.

Saddam Hussein bị bắt, đa số các quốc gia trên thế giới đều bày tỏ vui mừng; lãnh đạo của liên minh lật đổ Saddam như Anh Mỹ cùng các quốc gia đồng minh tự nhiên hưng phấn; ngay cả tới những quốc gia trước nay vẫn kiên quyết phản đối lật đổ chính quyền Saddam như Pháp cũng biểu thị hoan nghênh trong thời gian sớm nhất; thủ tướng Đức Gehard Schroder còn viết thư tay cho tổng thống Bush. Phần lớn các quốc gia Châu Á và Trung Đông cũng ra vẻ chào đón.

Tuy các quốc gia Phương Tây và dư luận quốc tế có hưng phấn đi nữa, cũng không thể so sánh với sự vui mừng của người dân Iraq; khi hình ảnh một Saddam Husein tóc tai bù xù bẩn thỉu xuất hiện trên màn hình ti vi, khi người ta chứng kiến người một thời kiêu hùng đã ngồi im như khúc gỗ để bác sỹ của quân đội Hoa Kỳ ra lệnh. Người dân Iraq cuối cùng có thể khẳng định: bạo quân một thời nay đã hoàn toàn mất đi ý chí đề kháng. Hình ảnh sợ hãi hoảng loạn không ngày kết thúc, cũng với một “con chuột” trốn trong hang không có gì khác nhau. Điều này đánh dấu thời đại Saddam Hussein đã kết thúc, bóng ma sợ hãi mà tên bạo chúa lưu lại cũng theo đó mà tiêu tán. Người dân Iraq cũng sẽ không còn bị những kẻ cuồng chiến tranh lôi kéo vào ánh lửa chiến tranh. Sẽ không còn cần phải ngưỡng vọng những cung điện xa hoa của bạo chúa, cũng không còn phải sợ hãi bị dùng nhục hình và ném vào “hố chôn tập thể”. Từ trên màn hình ti vi, cảnh tượng người dân Iraq đổ ra đường ăn mừng, thậm chí còn hơn cả vui mừng khi liên quân Hoa Kỳ tiến vào Bagdad. Trên ti vi tràn ngập một màu đỏ che trời, những tiếng súng ăn mừng không dứt và dày đặc.

Đây là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử Iraq sau 35 năm từ khi Saddam Hussein lên cầm quyền. Đó cũng là thời khắc quan trọng từ khi chiến tranh Vùng Vịnh bắt đầu. Nó đánh dấu cuộc chiến lật đổ Saddam do lực lượng tự do được Hoa Kỳ và Anh Quốc lãnh đạo, đã triệt để loại bỏ chính quyền độc tài bạo lực và nhân vật tượng trưng của nó, đang đem một nền tảng Iraq tự do chuyển giao lại cho người dân Iraq, thời đại mà người dân lên làm chủ đã tới. Hội đồng tiếp quản Iraq thậm chí đề xuất: đem ngày Saddam Hussein bị bắt này đặt làm ngày “Quốc khánh”. Bởi vậy, Saddam bị bắt, nếu như nói là món quà Giáng Sinh tốt nhất mà Hoa Kỳ và Anh Quốc tặng cho Iraq, không bằng nói rằng đó là món quà tốt nhất tặng cho nhân dân Iraq. Phàm là những người yêu quý tự do, thì nên chúc mừng và chia sẻ niềm vui này với nhân dân Iraq.

Tuy nhiên, phản ứng của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc lại rất chậm chạp. Khoảng 18h ngày 14 thì Tân Hoa Xã mới đưa tin Saddam bị bắt; nhưng mãi tới 2h sáng ngày 15 thì Tân Hoa Xã mới đăng tải về phản ứng của chính quyền Đảng Cộng sản trung Quốc. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu nói về sự việc Saddam Hussein bị bắt:

“Trong thời gian Saddam cầm quyền, nhân dân Iraq chịu đựng một số cuộc chiến tranh và khổ sở vì bị cấm vận nhiều năm. Phía Trung Quốc hy vọng rằng chiều hướng phát triển của sự kiện mới nhất có lợi cho việc nắm giữ vận mệnh của chính nhân dân Iraq, sớm ngày thực hiện mục tiêu Iraq hòa bình ổn định.”

Thái độ thận trọng và im ắng như vậy, vừa không có vui mừng không có phản đối hay đáng tiếc, mà là một loại phản ứng của tâm thái phức tạp hỗn loạn. Đầu tiên, chỉ nhắc tới khổ nạn do chiến tranh ra nước ngoài mà không hề nhắc tới thảm họa nhân quyền trong nước Iraq. Hiển nhiên là Trng Quốc lo sợ sự liên tưởng của người dân đối với chính quyền Đảng Cộng sản, và có ý tránh nhắc tới nền thống trị tàn nhẫn của chính quyền độc tài tàn bạo Saddam đối với chính người dân của mình. Trên thực tế, tình cảnh người dân phản bội, người thân xa lánh Saddam Hussein, vừa nằm ở chỗ chủ nghĩa hiếu chiến với bên ngoài, lại càng nằm ở chính quyền tàn bạo dã man đối với người dân trong nước. Tiếp đó, mặc dù trên vấn đề Hoa Kỳ dùng biện pháp quân sự tấn công Iraq, chính quyền Đảng Cộng sản trung Quốc lựa chọn biện pháp thực tế là im lặng, khiêm tốn biểu lộ, không dẫn đầu xung phong phản đối Hoa Kỳ, mà đi sau Đức, Pháp và Nga gõ trống khua chiêng. Nhưng từ trong xương cốt thì chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc cực lực phản đối Hoa Kỳ tấn công vũ lực đối với chính quyền Saddam. Họ chỉ lo ngại rằng sẽ đắc tội Hoa Kỳ do đó tạo thành khó khăn về ngoại giao, mới không sử dụng các con đường ngoại giao mạnh mẽ. Tiếp nữa, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc khi tuyên truyền trong nước thì dùng thái độ chống Mỹ rõ ràng; ngay từ phát súng đầu tiên của Chiến tranh Iraq vang lên, những bản tin và bình luận của truyền thông cổ họng lề đảng đối với cuộc chiến lật đổ Saddam, cùng với quá trình dẫn dắt dư luận thì luôn tiếc thương Saddam và yêu ma hóa đối với chính phủ Bush. Lần này Saddam bị bắt sống lại một lần nữa cung cấp dẫn chứng cho việc này.

Đối với việc Saddam bị quân Mỹ bắt sống, phản ứng của Đài truyền hình Trung ương rất nhanh nhạy, tin tức một khi được chứng thực, kênh tin tức và kênh Quốc tế (CCTV tin tức và CCTV 4) ngay lập tức đã tổ chức bình luận trực tiếp. Tôi ở nhà đã xem lại hai kênh này, thật sự là đã lĩnh hội được xu hướng phẫn uất và mức độ chuyên nghiệp của người dẫn chương trình, khách mời của tiết mục. Nói một câu nặng nề, chỉ cần nhìn từ góc độ chuyên nghiệp chuyên môn mà nói, sáu vị khách mời trong trường quay của hai kênh truyền hình cộng lại, cũng không thể nào so sánh được với chuyên gia quân sự Hong Kong Mã Đỉnh Thịnh tiên sinh một người. Tôi tin rằng, bất cứ người nào xem qua truyền hình trực tiếp của CCTV, chỉ cần không có thành kiến, khẳng định là sẽ có cảm nghĩ mãnh liệt như sau: Trong trường quay trực tiếp của hai kênh truyền hình trên CCTV, từ đầu đến cuối bị bao trùm bởi một bầu không khí tiếc thương, biểu tình của người dẫn chương trình rất là ngưng trọng chăm chú, ngay cả khách mời là những chuyên gia quân sự và chuyên gia quan hệ quốc tế cũng cùng một kiểu mặt nghiêm trọng. Trên mặt bọn họ không hề có một tơ hào tươi cười, còn thường xuyên mượn nhờ những câu hỏi mà người xem gửi đến đề cường điệu hóa sự tiếc thương cho Saddam và yêu ma hóa chính phủ Bush, dẫn dắt dư luận.

Đầu tiên, bọn họ tỏ ra hoài nghi đối với tính chân thật của việc Saddam Hussein bị bắt sống, mặc dù các kênh thông tin đã chứng thực rằng Saddam bị bắt là không còn gì phải nghi ngờ. Đồng thời, bọn họ thể hiện sự nghi hoặc đối với nước Đức và Pháp: Tại sao lại nhanh nhảu gửi điện chúc mừng Hoa Kỳ như thế? Pháp, Đức không phải là kiên quyết phản đối chiến tranh Iraq hay sao? Chuyển hướng nhanh như vậy, chỉ có thể là chứng minh chủ nghĩa cơ hội đang rất thịnh hành trong chính trị quan hệ quốc tế, chứng tỏ Schroder và Chirac bất quá là những chính khách tùy cơ ứng biến, cơ hội chủ nghĩa.

Thứ nhì, bọn họ cảm thấy đáng tiếc vì Saddam bị bắt sống chứ không tự sát, hy vọng lão ca Saddam có thể trở thành “Liệt sỹ chống Mỹ”, nhằm cổ vũ sĩ khí cho những người hâm mộ, tạo nên phiền phức càng lớn cho Liên quân Mỹ Anh và lực lượng tiếp quản Iraq. Đặc biệt là khi họ nhìn thấy Saddam bẩn thỉu rách rưới, ý chí tiêu tán, đặc biệt kích thích thần kinh của bọn họ, loại cảm giác thất lạc khi tiếc nuối rèn sắt không thành thép đã không còn khống chế được biểu lộ ra ngoài. Phó hiệu trưởng Học viện Ngoại giao Trung Quốc Khúc Tinh (nay là Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ) đã oán trách việc Saddam bị bắt sống, oán trách này hoang đường đến mức độ, anh ta nói một cách phẫn hận: Saddam nếu tự sát thì sẽ giống với chiến tử sa trường, sẽ trở thành anh hùng dân tộc, trong khi đó bị quân Mỹ bắt sống thì sẽ tổn hại tới hình tượng.

Thứ ba, hận rèn sắt không thành thép có thừa, bọn họ lại thay Saddam bào chữa, nói rằng: Saddam tại sao lại có đủ thời gian mà lại không tự sát? Nhìn từ biểu hiện trấn định của Saddam khi bị bắt, nói rõ Saddam chính là muốn sống sót, tiếp tục chiến đấu với người Mỹ, đấu ở trên pháp đình, nói không chừng Saddam đại ca còn tố cáo ngược lại Hoa Kỳ, lợi dụng cơ hội xét xử công khai qua đó tiết lộ sự thật về bộ mặt bố con nhà Bush. Vị phó hiệu trưởng Khúc Tinh kia còn đoán rằng: “Nếu như để Saddam được phát biểu công khai, một Saddam chính trị gia nhất định sẽ nói thế này với Bush: Đừng có cao hứng quá sớm, chúng ta hãy chờ xem!”. Có thể, chỉ có các chuyên gia Trung Quóc mới có thể ở thời điểm mà mọi thứ đã được định đoạt hết, còn đem một tên bạo chúa được thế giới công nhận gọi một cách tôn kính là “chính trị gia”.

Thứ tư, bọn họ không tin rằng sự vui mừng của người dân Iraq là xuất phát từ nội tâm. Họ nói: đo lường thái độ của người dân Iraq, nhất định phải trả lời một câu hỏi không được phép tránh khỏi, đó là nhân dân Iraq đối với Saddam cuối cùng là ủng hộ hay phản đối? Muốn thảo luận vấn đề này, cần phải thông qua biểu quyết công khai để xem Saddam cuối cùng có bao nhiêu tỉ lệ ủng hộ? Mà không thể căn cứ vào những hình ảnh nhìn thấy người dân Iraq ăn mừng trên ti vi để phán đoán. Xem ra, chỉ có chuyên gia và người dẫn chương trình Trung Quốc mới tin rằng, Saddam đã từng nhận được sự ủng hộ 100% khi tiến hành trưng cầu dân ý.
Thứ năm, họ cho rằng cục diện Iraq không vì vậy mà sẽ chuyển biến tốt, thậm chí còn đưa ra dự đoán rằng sẽ càng thêm nghiêm trọng. Một trong những người ủng hộ Saddam nổi tiếng là Trương Thiệu Trung nói rằng:

“…có khả năng, có khả năng Saddam bị bắt sống, cục diện sẽ xoay ngược trở lại, có khả năng tình hình chống Mỹ sẽ càng thêm nghiêm trọng!…Bởi vì, những thế lực quân phiệt lớn nhỏ kia đều chống Mỹ, chỉ có trong thời kỳ Saddam còn tại vị, bọn họ mới không dám có những cử chỉ vọng động…”

Những suy luận hoang đường như vậy, có lẽ chỉ có khách mời do Đài truyền hình Trung ương CCTV mời tới mới nói ra được. Không thể trách có cư dân mạng sau khi xem xong bình luận trực tiếp đã chế giễu nói: “Trương Thiệu Trung giáo sư ah! Tại sao ông không làm như Saddam kia trốn tránh một thời gian? Làm sao lại có mặt dày đứng ra làm chuyên gia? Nếu như ông trốn đi, có một ngày, chúng tôi nhìn thấy bộ dạng ông giống như Saddam lúc bị bắt, chúng tôi nhất định sẽ đồng tình với ông, ít nhất chúng tôi biết rằng ông là loại người có cảm giác hổ thẹn”.

Sau 0h ngày 15, truyền hình trực tiếp của CCTV kết thúc, kênh thời sự quốc tế vẫn tiếp tục. Sau 1h sáng, vừa kết thúc truyền hình trực tiếp tổng thống Bush nói chuyện trên truyền hình, trung tâm Bagdad lại xảy ra một vụ nổ, có vẻ như ứng nghiệm với những dự đoán của các chuyên gia, không khí trong phòng quay có vẻ hoạt bát hơn hẳn, từ người dẫn chương trình cho đến các khách mời, bọn họ xem hình ảnh chớp lửa và khói bụi từ màn hình ti vi, trên mặt ngay lập tức lại có nụ cười, hình như sau đè ép của mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng họ cũng nghe được tin tức tốt. Ngay tại thời khắc đó, tất cả mọi người tại trường quay trực tiếp của đài CCTV, tất cả những gì họ nói đều không còn quan trọng nữa, quan trọng là những thay đổi trong nét mặt của họ. Bởi vì ngôn ngữ có thể nói dối, có thể dùng cái lưỡi dẻo như lưỡi gà trong ống sáo để che lấp sự thật, nhưng những động đậy thớ thịt trên cơ mặt thì khó có thể nói dối được, những điệu cười mỉm từ trên cái miệng của họ, những ánh mắt sáng láng, những cái giao lưu chúc mừng bằng tay, đã đem lòng tiếc nuối Saddam biểu lộ không còn dư thừa. Chính bởi vì loại hình biểu lộ tâm thái tiếc thương Saddam như vậy, mới có thể đem những thứ cong vênh nói thành ngay thẳng, đem suy đoán xem là sự thật, đem bạo chúa độc tài xem là chính trị gia, đem hy vọng của những thanh niên tráng hán chống Mỹ gửi vào ngày xét xử trong tương lai.

Những cái cổ họng của Đảng Cộng sản Trung Quốc không hề che giấu để mặc khán giả nhìn thấy sự so sánh rõ ràng như vậy, cho người dân Trung Quốc thấy rõ tâm lý của các chính quyền độc tài cũng như những kẻ trợ giúp làm điều ác. Sự sụp đổ của một kẻ độc tài bạo chúa, sự tuyệt diệt của một tên bạo chúa là cơn ác mộng của những chính quyền độc tài khác đang cầm quyền. Bồn chồn bất an cũng là điều khó tránh khỏi. Bọn họ rất nhanh sẽ có liên tưởng và bất lực. Ai là kẻ sụp đổ tiếp theo? Làm thế nào để đem cơn ác mộng những ảnh hưởng tiêu cực này hạ xuống thấp nhất? Cho nên, cổ họng của chính quyền độc tài tự nhiên cũng sẽ chia sẻ những vai trình diễn sự tiếc thương. Trong khi đó ý nghĩa vĩ đại của sự kiện tuyệt diệt của bạo chúa đối với giải phóng triệt để của người dân Iraq, tác dụng tích cực đối với cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, đối với hòa bình thế giới và tiến trình dân chủ hóa, tự nhiên sẽ không nằm trong tầm nhìn của bọn họ.

Nhìn tổng quát cả buổi tường thuật trực tiếp và những ngôn từ ủng hộ Saddam trên mạng, điều làm cho những cái cổ họng của chính quyền và các chuyên gia chống Mỹ, các thanh niên yêu nước phẫn nộ khó chịu là: Bọn họ không có cách nào phủ nhận Saddam là một tên bạo chúa bị người ta thống hận, chỉ có thể đi từ góc độ “anh hùng chống Mỹ chống bá quyền” để đi biện hộ giúp cho Saddam. Nhưng mà hiện tại Saddam không còn nghĩa khí nữa. Lúc bị bắt, Saddam không những không tự sát, tuẫn tiết vì đạo. Ngược lại ý chí tiêu trừ, mặt mũi bẩn thỉu tóc tai bù xù, hình tượng “người đàn ông cứng rắn” trong lòng họ đã biến thành một kẻ “nhược phu” bị khinh bỉ. Hình tượng chủ nghĩa anh hùng giúp bọn họ duy trì tín niệm chống Mỹ trên thánh điện. Một chính quyền tàn bạo giống như khi xưa toàn những bức tượng vàng long lanh đã sụp đổ không còn nữa. Cho nên, bọn họ chỉ có thể ôm một tia hy vọng nhỏ nhoi, hy vọng rằng Saddam trong những cuộc xét xử ở tương lai có thể biểu hiện ra một chút “khí phái anh hùng”.

Tôi những ngày này xem các loại tin tức trên truyền thông, thấy được đối với việc Saddam bị bắt mà thể hiện sự đáng tiếc, thương cảm thậm chí phẫn nộ, đại khái có thể chia làm bốn loại. Thứ nhất là những người thân của Saddam. Bất luận thế nào, bởi vì nguyên nhân huyết thống, sự phẫn nộ của người thân thì kể cả không hợp lý cũng hợp tình. Thứ hai là những kẻ thu được lợi ích trong thời gian Saddam cầm quyền, di cùng với sự kết thúc của thời đại Saddam, một tia hy vọng cuối cùng của bọn họ nhằm hồi phục lại tình cảnh cũ đã triệt để phá hủy, tình cảnh cây đổ, bầy khỉ tán loạn cũng là bình thường. Loại thứ ba là những tổ chức khủng bố của Palestine, như Hamas chẳng hạn, bởi vì khi Saddam cầm quyền đã từng viện trợ một số lượng lớn tiền bạc vật chất cho tổ chức Hamas và những tổ chức tương tự để chống Mỹ; bọn họ phẫn nộ bởi vì mất đi người ủng hộ và túi tiền lớn nhất; điều này cũng có thể đoán được. Loại thứ tư chính là những cái miệng nổi tiếng phò Đảng Cộng sản Trung Quốc, những chuyên gia quan hệ quốc tế lề đảng và các thanh niên phẫn nộ yêu nước. Bọn họ thật sự không kiếm đâu ra được lý do phản đối chính đáng để đặt lên mặt bàn. Bọn họ muốn vì chính quyền độc tài tàn bạo đi biện hộ, nhưng lại không thể nói một cách thẳng thắn khí phái được. Họ muốn giảm xuống đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực từ sự sụp đổ của tên bạo chúa nhưng không được quá lộ liễu, bởi thế tạo nên sự ái muội cho những cái cổ họng của đảng. Các chuyên gia với mớ lý luận hỗn loạn và sự hồ đồ của đám thanh niên yêu nước phẫn nộ. Đằng sau thái độ hỗn loạn, ám muội này, chính là sách lược thống trị với chủ nghĩa thực dụng của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc – nằm giữa sự phân liệt về đối ngoại với chủ nghĩa ngoại giao thực dụng và đối nội nhồi nhét ý thức hệ. Với hiện thực ngoại giao thì nhấn mạnh toàn cầu hóa, không ngừng thỏa hiệp và biểu thị hữu hảo với phía Hoa Kỳ, cách một quãng thời gian lại hát lên mấy câu về dân chủ tự do và nhân quyền. Trong khi đó về tuyên truyền đối nội, toàn lực thúc đẩy cảm xúc chủ nghĩa dân tộc và yêu ma hóa nước Mỹ, đem việc chống tự do hóa và từ chối các giá trị dân chủ Phương Tây trở thành nhạc điệu chính trong nhồi nhét ý thức hệ.

Từ trong xương tủy, thà rằng nói, kẻ độc tài và những cái cổ họng phò đảng đều rất thích nghe được những tin tức thất bại hay gặp khó khăn của liên quân Hoa Kỳ và Anh Quốc. Nguyện ý nghe được những tiếng nổ do tấn công khủng bố không ngừng từ Bagdad truyền đến, thậm chí còn ôm cả hy vọng xa xỉ đối với bạo chúa đã sa lưới, hy vọng ông ta có thể ngoan cường đến cùng, hơn nữa trường thọ. Ngược lại thì họ không hy vọng nhìn thấy thắng lợi từ lãnh tụ của thế giới tự do là Hoa Kỳ; họ cũng không muốn nhìn thấy sự hoan hô hướng về tự do của người dân Iraq, và càng không muốn nhìn thấy càng ngày càng nhiều người dân bị nô dịch thoát khỏi sự cai trị của chính quyền tàn bạo. Một câu nói, bất cứ thứ sự kiện quốc tế lớn có lợi cho thế giới đi về hướng dân chủ hóa thì bọn họ không muốn nhìn thấy – từ Slobodan Milosevic bị đưa ra xét xử cho tới Saddam Hussein bị bắt sống; từ chính phủ quân sự Miến Điện bị cấm vận cho đến Kim Jong Il bị Hoa Kỳ Nhật Bản Hàn Quốc hợp lực bao vây.

Kể cả cục diện Iraq trước mắt còn chưa ổn định, nhưng sự phát triển trong tương lai cũng sẽ quyết không để cho những kẻ đồng tình và ủng hộ Saddam vui mừng. Sự phát triển của lịch sử sẽ tiếp tục làm bọn họ thất vọng, bởi vì người dân Iraq tự do sẽ không cho phép một lần nữa quay lại thời đại của bạo chúa và những cung điện dát vàng, những hố chôn tập thể. Nói cách khác, bất cứ kẻ độc tài nào và những đồng lõa khác của chúng, bất kể các người có hay không nguyện ý thay đổi bộ mặt thù địch đối với tự do hay không, cũng bất kể các người đối với sự hủy diệt của chính quyền tàn bạo có bao nhiêu không cam lòng, nhân tâm mà người dân trên thế giới ngày nay hướng về đã chú định sự phát triển của lịch sử và tạo nên đại thế. Nhân tâm hướng về tự do là thiên tính, bởi vậy tự do chính là bất khả chiến bại, cũng không sợ bị phá hủy. Trong quá trình sức mạnh tự do hướng ra toàn thế giới, Nicolae Ceaucescu, Milosevic và một loạt những nhà độc tài của ngày hôm qua chính là Saddam Hussein ngày hôm nay, Saddam của ngày hôm nay chính là ngày mai của tất cả những kẻ độc tài ngoan cố khác.

Kết cục đáng hổ thẹn của Saddam Hussein chính là lời cảnh cáo đối với tất cả những kẻ độc tài và chính quyền tàn bạo – Những người tự do cũng sẽ quyết không dung thứ được nô lệ mãi mãi!

Bắc Kinh, ngày 18 tháng 12 năm 2003 tại nhà riêng

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Trung Văn, Lưu Hiểu Ba, “Lưỡi gươm đơn tẩm thuốc độc: Phê phán chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đương đại”. Nhà xuất bản Boda. 2006. DCVOnline hiệu đính và minh hoạ bản của người dịch.