Cộng sản thắng cuộc bầu cử đầu tiên theo hiến pháp mới của Nepal.

Kathmandu | DCVOnline

Hai đảng cánh tả sắp thành lập chính phủ kế tiếp.

Những ngọn núi Mao

Nguồn: AFP

Sau nhiều thế kỷ trong chế độ quân chủ tuyệt đối rồi tiếp theo là hàng chục năm hỗn loạn, Nepal đang tiến đến nền dân chủ như chưa bao giờ thấy.. Từ tháng 5, dân chúng đã đi bỏ phiếu bầu 753 hội đồng địa phương mới thành lập, bảy quốc hội tỉnh bang mới và 275 dân biểu quốc hội. Cuộc kiểm phiếu chưa hoàn toàn kết thúc cho hai cuộc bầu cử sau cùng, cùng tổ chức trong ba tuần vừa qua, nhưng phe thắng cử đã rõ ràng. Một liên minh của hai đảng bề ngoài là cộng sản là đảng Leninist Marxist Thống nhất (UML) và Trung tâm Maoist, dường như đã nắm phần kiểm soát không chỉ chính phủ quốc gia mà còn thắng ở sáu trong số bảy tỉnh bang.

Liên minh này đã thắng cử sau khi các đảng Maoist đột ngột bỏ đồng minh Hội nghị Nepal của họ là chính phủ vừa mãn nhiệm và liên minh với đảng Leninist Marxist Thống nhất. Nhưng sự sụp đổ dồn dập đã gây sốc cho đảng tự do trung lập Quốc hội Nepal đã cầm quyền suốt một phần tư thế kỷ như là đảng đương nhiên sẽ lập chính phủ. Những người cánh tả chiếm 70% trong tổng số 165 ghế theo quy định đa số tương đối (first-past-the-post, FPTP), so với 14% ít ỏi của đảng Quốc hội Nepal. (Ban bầu cử vẫn đang tính toán cho 110 ghế còn lại, sẽ được phân bổ theo tỷ lệ.)

Trận đòn đau cho đảng Quốc hội lần này có thể không phải là điều xấu. Những người cộng sản Nepal khác những người thuộc đảng khác về tên đảng hơn là ở mặt ý thức hệ, và người dân Nepal sẽ hoan nghênh bất kỳ kết quả nào làm rung chuyển tầng lớp cầm quyền. Những người thua cuộc đáng chú ý khác gồm phe hoàng gia đang vận động để Nepal trở thành một quốc gia Ấn độ giáo, chỉ có một ghế và một nhóm Maoist nhỏ đã đánh bom để phá cuộc bầu cử. Một tập hợp nhiều đảng phái mới được đưa ra chính trường như những lựa chọn thay thế cho những chế độ tham nhũng cũ đã thất bại thảm hại.

Cuộc vận động tranh cử lần này không sôi động và chỉ kéo dài trong vài vài tháng mùa đông. Phe Cộng sản đã thành công phần lớn vì dân chúng đã quá mệt mỏi với đảng Quốc hội, có tổ chức tốt hơn và một cuộc vận động với những lời hứa hẹn phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Không một đảng lớn nào đưa ra những vấn đề kinh niên như sự phân biệt đối xử đối với người Dalits, với phụ nữ và với các nhóm dân bên lề xã hội vào chương trình nghị sự. Và trong những cuộc hội họp vận động tranh cử cũng không có đảng nào đề cập đến những vấn đề như hoàn cảnh khó khăn ở các trường học công lập và bệnh viện cũng như việc thiếu việc làm khiến người Nepal phải ra nước ngoài tìm việc. Nepal có hàng triệu công nhân nhập cư ở Ấn Độ, Trung Đông và các nơi khác, có khoản kiều hối tương đương 30% GDP, nhưng họ không được phép bỏ phiếu bất chấp phán quyết của Toà án Tối cao về mặt lý thuyết cho họ quyền đó.

Tuy nhiên, kết quả này cho thấy Nepal có thể trở lại ổn định chính trị tương đối sau một thập niên chiến tranh và mười năm khác là những cuộc đụng độ chính trị rối loạn. Hiến pháp năm 2015 không cho phép đề nghị bất tín nhiệm trong hai năm đầu, và chính phủ mới có thể sống được hết nhiệm kỳ năm năm. Liên minh cộng sản có kế hoạch kết hợp thành một đảng ngay sau khi đã đạt được thỏa thuận. Trong đó có việc tìm những vị trí thích hợp cho 5 cựu thủ tướng trong liên minh đã đắc cử, và quyết định thành phần của chính phủ thuộc sáu tỉnh cánh tả.

Cuộc bầu cử năm nay cũng cho thấy sự chia rẽ do hiến pháp mới gây ra. Chỉ có một tỉnh bang không rẽ trái; ở đây, tỉnh bang số 2 (tên tỉnh và thủ đô vẫn chưa được quyết định), các đảng phái đại diện cho dân Madhesis, những người dân vùng thấp tìm cách thay đổi một hệ thống chính trị mà họ cho rằng đã dành ưu tiên cho dân vùng cao nguyên Nepal. Lời hứa của họ sẽ sửa đổi hiến pháp, cũng như yêu cầu cho địa phương có quyền nhiều hơn trong một quốc gia đa ngôn ngữ, đa sắc tộc và đa tôn giáo, có thể gây ra rắc rối, trừ khi những người cộng sản từ bỏ ngạo mạn chiến thắng để hoà giải với dân Madhesis và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Vị trí của Nepal trên bản đồ châu Á. Nguồn: Operation World

Trên bình diện quốc tế, chính quyền cộng sản sẽ phải tinh chỉnh khả năng ngoại giao để giữ cho cả hai nước láng giềng khổng lồ của họ vừa lòng. Quan hệ với Ấn Độ mạnh hơn nhờ có một biên giới mở, đã thúc đẩy thương mại và cho phép hàng triệu người lao động Nepal tìm được việc làm ở đó. Nhưng chính phủ mới sẽ là chính phủ thân thiện nhất với Trung Quốc kể từ thời vua Gyanendra Shah, vị vua sau cùng của Nepal, người đã nài nỉ chính phủ Trung Quốc năm 2005 giúp kéo dài chế độ độc tài của mình nhưng không thành công.

Người có thể sẽ trở lại làm Thủ tướng, K.P. Oli, rất quan tâm đến việc đi gần hơn với Trung Quốc. Ông là thủ tướng vào năm 2015 khi Ấn Độ dường như ủng hộ những người gây rối Madhesi đang cố gắng phong tỏa thủ đô Kathmandu. Khi đó ông Oli đã ký các thỏa thuận thương mại và quá cảnh với Trung Quốc. Trong cuộc bầu cử, ông cho thấy mình là một người có thể đôi phó với một Ấn Độ độc đoán.

Nepal đã có các cuộc bầu cử địa phương, tỉnh bang và quốc hội lập pháp vào năm 2017.
Nguồn: Reuters / Navesh Chitrakar

Trong nhiều năm Nepal đã ghen tị với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Ấn Độ và Trung Quốc và cố gắng thu hút đầu tư từ hai quốc gia này. Bất ổn chính trị đã cản trở nhiều dự án. Một trong những quyết định cuối cùng của chính phủ vừa mãn nhiệm là tháo dỡ một kế hoạch thủy điện lớn do Trung Quốc hỗ trợ. Chính phủ mới có thể sẽ đưa cho Trung Quốc danh sách những dự án đầu tư họ mong muốn như sân bay, xa lộ, đập nước và đường sắt cao tốc nối Kathmandu với Tây Tạng. Con đường đi qua dãy Himalaya này sẽ làm cho Nepal ít phụ thuộc vào Ấn Độ hơn. Nhưng phe dân chủ Nepal lo ngại rằng chính trị Trung Quốc sẽ tràn vào cùng với tiền bạc, khuyến khích các giới cầm quyền Nepal bắt chước cách đàn áp của Trung Quốc đối với những người bất đồng quan điểm.

Bài này đã đăng ở phần Châu Á trong ấn bản của tạp chí The Economist dưới tựa đề “Những ngọn núi Mao”

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: The mountains of Mao. Communists win Nepal’s first election under the new constitution. Two left-wing parties are set to form the next government. The Economist. Dec 16th 2017 | Kathmandu.

2 Comments on “Cộng sản thắng cuộc bầu cử đầu tiên theo hiến pháp mới của Nepal.

  1. THẾ GIỚI NGÀY NAY

    Hai điều thế giới ngày nay
    Vẫn thường hay xảy nơi nước nghèo
    Đó là bầu cử quỷ yêu
    Hai là phải có đầu tư nước ngoài

    Quỷ yêu ở nước độc tài
    Cốt hoài độc đảng để mình lợi thôi
    Thành luôn bầu cử chỉ tồi
    Dối dang để thắng chỉ luôn vậy mà

    Nhưng mà trong cõi người ta
    Liệu hai điều ấy còn hoài được không
    Khi đời phát triển dần dần
    Mọi trò láu cá cũng thành giảm đi

    Vậy nên điều đúng là gì
    Đầu tiên bầu cử phải đều tự do
    Phải cần đa đảng đưa vào
    Đồng thời luật pháp thế nào cho hay

    Còn như kinh tế ai tài
    Hễ nghèo buộc có đầu tư nước ngoài
    Hạ tầng mới thể lên cao
    Giúp cho phát triển lẽ nào khác đâu

    Nên chi thế giới ngày nay
    Phải luôn thực tế nói ngày mới cừ
    Phải cần dân chủ tự do
    Độc tài làm hại dân đâu khác gì

    Quả nhiên đâu có lạ chi
    Dân ngu mới nhận những anh độc tài
    Còn khi phát triển lên rồi
    Độc tài hại nước dễ nào líu lo

    TIẾU NGÀN
    (18/12/17)