Tết Mậu Thân: Tính bi kịch của cuộc chiến nhìn từ nhiều phía

Nguyễn Văn Lục

Phần một của bài đã xử dụng một cách vụng về chữ “đứng trong” và “đứng ngoài” cuộc chiến. Các từ trên mà nội hàm của nó chỉ là một tình tự rất riêng tư để chỉ ai là người cùng đứng chung một chiến tuyến, ai không. Và ai là người đứng ngoài chiến tuyến.

Để nói cho rõ hơn trong lần này, đối với tôi đứng ngoài là như kẻ không ở trong hàng ngũ Việt Nam Cộng hòa – thuộc đủ loại người như phản chiến-nằm vùng-chống đối VNCH mà không nhất thiết là cộng sản, hoặc ngả theo bên kia – hoặc những người ngoại quốc, đặc biệt là các phóng viên nước ngoài mà tệ hại hơn cả là họ thù ghét VNCH.

Nói như thế để hiểu rằng nhiều kẻ trên danh nghĩa tưởng là trong hàng ngũ VNCH cũng được đánh giá như kẻ ngoài cuộc. Như một thứ kẻ nội thù chẳng hạn. Đứng ngoài hàng ngũ là tất cả những ai không có lòng với VNCH. Bất kể họ ở miền nào, tôn giáo nào, đảng phái nào.

Trong lúc không làm chủ được mình, và dở là không có thói quen chửi thề, tôi coi họ là người tạo hóa đẻsinh ra mà để thiếu một cái chi đó.

Mặt trận Sài Gòn | Tết Mậu Thân 1968. Nguồn: US Army/National Archive

Đứng trong hàng ngũ, đối với tôi, như thế có thể chỉ là một em bé gái 11 tuổi, mồ côi mẹ mà tôi tin chắc không một ai ngày hôm nay còn biết tới em.

“Em bé gái ấy tên Nguyễn Thị Liên 11 tuổi, một mình dẫn hai đứa em nhỏ là Nguyễn Văn Vinh, 9 tuổi và Nguyễn Văn Hiến 4 tuổi chạy trốn thoát khỏi Lộc Ninh khi VC tràn vào. Lúc 10 giờ đêm. Em dẫn hai đưa em băng rừng chạy về tới An Lộc lúc 8 giờ sáng ngày 31 7. Em là con của Trung Đội Trưởng NQ Nguyễn Văn Đào, 51 tuổi bị VC bắt giữ cách đó 3 tháng khi VC chiếm được vùng này.

Thời gian ở An Lộc, các em đã được đại tá Trần Văn Nhựt, tỉnh trưởng Bình Long đặc biệt chăm sóc và nuôi dưỡng. Và ông đã cho người đưa về Sài gòn ngày 2-8 để tìm bà con và cấp cho các em 5000 đồng.”

(Trích Người Việt Online (2002-2008) trích lại báo Chính Luận. Saigon 4-8-1971)

Dù chỉ là một em bé gái, dù chỉ hành xử theo bản năng sinh tồn, theo cha của em. Em vẫn hơn nhiều người không có một tấm lòng như thế.

Để khỏi mất công định nghĩa, tôi gọi những người đứng trong hàng ngũ có thể là những người tiêu biểu như tướng Nguyễn Ngọc Loan, một người đã chịu nhiều oan gia mà ít được nói tới và tôi sẽ nói nữa về ông, hoặc như tướng Nguyễn Đức Thắng, tướng, Nguyễn Bảo Trị hoặc TT. Thích Tâm Châu, v.v..

Một cách cụ thể hơn nữa, trường hợp một người góa phụ, một người dân thường, mà trước đó có thể chẳng ai biết bà là ai. Bà góa phụ Thạch Thị Định đã dũng cảm, che dấu, nuôi dưỡng 3 chiến sĩ VNCH bị kẹt suốt ba tháng trời trong thời gian địch tạm chiếm tỉnh Quảng Trị. (Bà được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tặng Đệ Nhất Đẳng Chương mỹ bội tinh. Các con bà được nhìn nhận và nuôi học tại trường Quốc Gia Nghĩa tử và được gửi về Trường Thiếu Sinh Quân khi đủ tuổi. (Trích Người Việt Online (2002-2008), Ibid.).

Đấy là những người quốc gia chân chính mặc dù họ không có danh phận. Hoặc họ có thể là bất cứ người lính chiến nào đang ở ngoài mặt trận. Những người lính VNCH không phải chỉ là đi lính có thời hạn mà có khi là đi lính suốt đời. Có vinh quang nào thuộc về họ? (Chữ Arnold Isaacs dùng trong cuốn “Without honor”). Những người lính này chiến đấu không phải cho ông Thiệu, ông Kỳ mà vì họ là quân nhân, có nhiệm vụ bảo vệ mảnh đất miền Nam.

Người đứng ngoài hàng ngũ VNCH không nhiều. Có thể là một số nhà báo ngoại quốc đủ loại như ký giả Oriana Fallaci, Francois Pelou, v.v. và không nhớ hết. Rồi một số trí thức, nhà văn, nhà sư, thương nhân gốc người Tàu mà có thể nói tên ai cũng gật đầu đồng ý.

Bài viết này nhằm tìm hiểu tất cả những quan điểm nhìn từ nhiều phía về cuộc chiến mang tính bi kịch tại Việt Nam, đặc biệt Tết Mậu Thân, của cả những người đứng trong và đứng ngoài.

Nhiều sự bất đồng chính kiến của cả hai phía giúp mở ra những góc kín và giúp bạn đọc nhận ra thực chất của chiến tranh là gì?

Người ngoại quốc thì thái độ chính trị của họ thường minh bạch. Đọc họ, người ta biết bọn họ là ai, thuộc loại gì? Cái nhìn phê phán của họ về VNCH đôi khi cũng có thể là một bài học hữu ích cho chúng ta. Còn bọn người trong nước thì khó biết hơn. Thứ nửa trong nửa ngoài, thứ ẫm ờ, thứ không lộ diện và có thể “đâm sau lưng chiến sĩ”, thứ phản chiến thành phần thứ ba, thứ buôn lậu tham nhũng, thứ nằm vùng ở trong những tình trạng như tết Mậu Thân.

Để chắc ăn hơn, tôi chọn nhà sư Trí Quang và nhóm Phật giáo Ấn Quang cũng như các thành phần nằm vùng ở Huế là tiêu biểu cho những kẻ đứng ngoài hàng ngũ VNCH luôn luôn chống đối lại cuộc chiến và trực tiếp chống đối lại chính quyền Quốc Gia. Nhóm này thường thông minh hơn người, nhưng “ngoan” cũng chẳng thua kém ai và hại thì khó lường hết được.

Về ký giả ngoại quốc, tôi chọn bà Oriana Fallaci, một người chống đối chiến tranh, chống Mỹ và chống VNCH và ngả về phía cộng sản.

Nhưng chính thái độ chống đối của bà Fallaci cho thấy nó che dấu ở bề sâu thẳm tâm hồn bà một nỗi bất lực, một nỗi buồn vô hạn về sự tàn bạo của chiến tranh từ cả hai phía- mà trong đó lại do chính cộng sản gây ra. Và cho dù lúc đầu bà hận ghét những người quốc gia như tướng Loan thì cuối cùng bà cũng phải nhìn nhận cách hành xử của ông đáng được tôn trọng.

Và đó là bi kịch của cuộc chiến tranh này.

Oriana Fallaci

Tôi chọn nữ ký giả gốc Ý này, tiêu biểu cho loại ký giả trí thức ngoại quốc mà “thiên cộng”. Bà thường sống ở Nữu Ước như chỗ đi về mà nước Ý, quê hương của bà chỉ là chốn tạm nghỉ ngơi. Bà có đầy đủ tính chuyên nghiệp, thông minh, triết lý, vừa tàn bạo trong yêu ghét, vừa tính nhân đạo biết cần nói điều gì và không nên nói điều gì. Khả năng thuyết phục của bà cao. Giữa bà và những người như tướng Loan, tướng Kỳ là một sự đối đầu giữa lý tưởng và thực tế, giữa những nguyên tắc đạo đức và thực tế chiến trường, giữa kẻ đứng trong và đứng ngoài. Và cuối cùng thì bà phải nhìn nhận những người như tướng Loan có cái lý của ông.

Coi như bà “thua cuộc”, cái nổi loạn vì chống chiến tranh và niềm kiêu hãnh vì tin tưởng vào một lý tưởng nhân bản sụp đổ trước thực tế tàn bạo của cuộc chiến tranh ở VN(trong la rage et l’orgeuil) và bà đành chấp nhận rời bỏ VN sau Tết Mậu Thân một thời gian ngắn sau đó trong sự buồn bã, chán nản và tuyệt vọng.

Nguồn: Oriana Fallaci, Houghton Mifflin Harcourt, April 1, 1977, John Shepley dịch

Trong cuốn Entretiens avec l’histoire, Broché – 1 janvier 1975 (John Shepley dịch, Interview with History, Houghton Mifflin Harcourt, April 1, 1977), một cuốn sách làm bà nổi tiếng, vì từng phỏng vấn Thủ tướng Golda Meir, lãnh tụ Arafat, Thủ tướng Indira Gandhi, Shah của Iran (Mohammed Riza Pahlavi), v.v.. Liên hệ đến Việt Nam, Oriana Fallaci có phỏng vấn TT. Nguyễn văn Thiệu tại Saigon, tháng 12 năm 1972, Henry Kissinger tại Washington, tháng 11, 1972, Tướng Giáp tại Hà Nội, tháng 2 1969.

Trong cuộc phỏng vấn với Oriana Fallaci, TT. Nguyễn Văn Thiệu cho thấy ông lo sợ bị Hoa Kỳ bỏ rơi.

“Chúng tôi đi tìm đâu ra một cường quốc khác có thể giúp chúng tôi như Hoa Kỳ…Không, không đâu, nếu Hoa Kỳ bỏ rơi thì chúng tôi sẽ sụp đổ, sụp đỏ hoàn toàn, tuyệt đối.”

(Nguyễn Tiến Hưng, “Tâm tư Tổng thống Thiệu”, Lời mở đầu, trích dịch Interview with History, trang 57, của Oriana Fallaci.)

Sài Gòn 2 tháng 3, 1968: TT Nguyễn Văn Thiệu cùng với TT Thích Tâm Châu trong Ngày Cầu nguyện Quốc gia. Nguồn Getty/Bettmann.

[DCVOnline: Oriana Fallaci phỏng vấn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 30 tháng 12, 1972. Nguyên văn bài phỏng vẫn tựa đề “Thiêu: An Interview | Oriana Fallacci and Nguyen Van Thieu” đăng trên Tạp chí New Republic, số ngày 20 tháng 1, 1073, từ trang 16 đến trang 25. Bài phòng vấn này sau trở thành một phần trong cuốn Interview with History, Houghton Mifflin Harcourt, April 1, 1977), do John Shepley dịch.

Phần cuối cuộc phỏng vấn là những câu hỏi mà Oriana Fallaci gọi là những “câu hỏi tàn bạo”. Ví dụ một câu hỏi tàn bạo của Oriana Fallaci và câu trả lời của TT Thiệu

OF: “Có tin cho ông là nhân vật tham nhũng nhất Việt Nam Cộng Hòa.”

NVT: “Thậm chí không đáng trả lời. Bà có khi nào thấy con gái một Tổng thống sống ở nhà trọ do các bà sơ điều hành ở London không? Con gái tôi sống ở đó. […]

Tôi vẫn dùng xe của Tổng thống Diệm, một chiếc Mercedes cũ, thường xuyên tắt máy… Đón Tổng thống đi công du về từ phi trường Tân Sơn Nhứt, quân cảnh phải đẩy cho nó nổ máy, chạy lại.

Mỗi sáng Chủ nhật tôi đi lễ nhà thờ. Tôi cầu nguyện hàng ngày. Tôi cầu cho quân dội VNCH lấy lại được Quảng Trị mà không phải tốn nhiều xương máu. Tôi đi nhà thờ và cầu nguyện trong khi Cộng sản đang pháo kích. Và tôi cũng cầu nguyện khi Tiến sĩ Kissinger đang có mặt ở đây và yêu cầu những điều tôi không thể chấp nhận được.”]

Các cuộc phỏng vấn những tên tuổi như thế làm sự nghiệp nhà báo của bà Fallaci có giá, kiếm nhiều tiền. Bà từng viết:

“Moi, je vis de mes livres. De mes écrits, je vis de mes droits d’auteur et j’en suis fière. (…) mais Je n’écris pas pour l’argent.” (Oriana Fallaci, La rage et l’orgeuil. Plon, 53-52, 2002)

(Tôi, tôi sống bằng tiền sách của tôi. Do những bài viết của tôi, tôi sống bằng tiền tác quyền và tôi hãnh diện về điều ấy. (…) Nhưng tôi không viết chỉ vì tiền.)

Cũng trong cuốn La rage et l’orgueil, bà cám ơn cha mẹ, ông bà Edoardo và Tosca Fallaci, vì đã dạy cho bà biết nói sự thật và chú của bà, ông Bruno Fallaci dạy cho bà biết cầm bút. (Oriana Fallaci, Ibid, trang mở đầu.)

Bà có một lối hỏi phỏng vấn vắn gọn, trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề đặt người phỏng vấn vào thế bị động như “lột truồng” người bị phỏng vấn. Bạn đọc sẽ chứng kiến nhận xét trên trong phần phỏng vấn của bà với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu Thiệu cũng như với Tướng Nguyễn Ngọc Loan.

Đây là một phóng viên thượng thặng. Tôi không mấy có cảm tình với bà, nhưng kính trọng bà vì tôi tìm thấy một sự thẳng thắn, một tấm lòng. Và nhất là bà giúp người đọc nhìn rõ thêm cuộc chiến này ở cả hai mặt hay nhiều mặt.

Cuộc chiến với nhiều góc tối được phơi bày ra, nhiều dữ kiện -dù là người trong cuộc- tôi chưa hề được nghe biết tới. Nhất là những người phía bên kia qua những hồi ký hay qua phỏng vấn của bà Fallaci. Cũng vậy về những người Tầu-Chợ Lớn.

Nhưng lối trả lời của tướng Loan cũng thẳng thừng, tin tưởng vào việc mình làm. Họ có cái lý của họ. Lý của một người cầm súng cũng như cái lý của một người cầm bút. Đôi khi ông đẩy bà vào thế bị động, thế bí và bắt buộc bà phải phải xét lại quan điểm, nhận xét của mình.

Những cuộc trao đổi giữa đôi bên như thế, tôi cho là rất lý thú và tôi cảm thấy hãnh diện những người như tướng Loan. Đối với tướng Loan cũng như một số binh sĩ ngoài mặt trận, cái chết không làm họ bận tâm hay bận tâm mà vượt qua nỗi sợ và nỗi bận tâm ấy. Trước cái chết ai chả sợ. Vượt qua nỗi sợ chính là người lính.

Nhất là đối với cái chết của kẻ thù. Thì đó là công việc hằng ngày của một người lính ngoài mặt trận. Cái chết của kẻ thù là cái chết cần thiết không phải của riêng ai. Anh không giết nó thì nó sẽ giết anh. Cứ mỗi một xác chết kẻ thù nằm xuống thì thấy nhẹ nhõm như bớt đi một gánh nặng. Nghe có vẻ tàn bạo. Nhưng thực tế chiến tranh là thế đấy.

Cái mâu thuẫn của phóng viên Fallaci – một mặt bà ghét tướng Loan từ hình dạnh, cách ăn mặc bên ngoài đến lối xử sự đưa bà vào trạng thái vừa tức giận, vừa như bị chà đạp – nhưng lại bị cuốn hút vào cái phong cách rất anh hùng, can đảm của một người lính như ông.

Oriana Fallaci gặp Tướng Nguyễn Ngọc Loan vào tháng 12 năm 1967, và nhận xét:

Tướng Nguyên Ngọc Loan bị thương trong đợt II của cuộc Tổng Tấn công năm Mậu Thân. Nguồn: Getty Images.

“Người đàn ông nhỏ xíu xấu xí nhất mà tôi từng thấy, với cái đầu nhỏ vặn vào trên đôi vai hom mem. Điểm duy nhất làm người ta chú ý về bộ mặt của ông ta là cái miệng – to quá khổ. Từ miệng người ta nhìn ngay xuống cổ vì cái cằm dường như biến mất và phải tự hỏi hay là nó đã rơi đâu mất … Mắt không phải là mắt; chỉ thấy mí, chỉ có thế, hầu như rất khó nhìn thấy qua mí mắt. Mặt khác, mũi cũng là mũi, nhưng tẹt, lẫn vào trong đôi má phẳng lì.”

(Oriana Fallaci, “Nothing, and So Be It”, Doubleday; First edition (1972), trang 88.)

Rồi bà Oriana Fallci hỏi Tướng Loan, “Ông có phải là một Phật tử không?”
Tướng Loan: “Có phải bà đang hỏi tôi có tin vào Thượng đế hay không.”
OF: “Ông Tướng có tin không?”
NNL: “Không.”
OF: “Thế thì ông Tướng tin vào cái gì?”
NNL: “Vào vận mệnh.”

(Oriana Fallaci, Ibid., trang 91

Chỗ nào có “chuyện” là bà xông tới, như ở Trung Đông và Việt Nam. Mặc dầu biết trước nguy hiểm. Bà đi theo gót chân những người đã bỏ cuộc tại mảnh đất này như Dickic Chapelle (1966), Charlie Chellapah (1966), Sam Castan (1966), Bernard Fall (1967), Ronald Gallagher (1967), Felipa Schuler (1967), và nhiều người khác.

Nếu tướng Loan bị cuốn hút vào guồng máy chiến tranh để phải giết người thì những phóng viên như bà cũng bị cuốn hút vào cuộc chiến để quan sát, để chứng kiến, đưa tin và/hay phê phán.

Đó chỉ là hai công việc trong một cuộc chiến.

Và những ký giả khác…

Và nhiều người trong số họ cũng đã nằm xuống như người lính ngoài mặt trận mà đáng lẽ số phận của họ không phải kết thúc như vậy.

Sau Tết Mậu Thân, trong cuộc Tổng tấn công đợt II, ngày 5 tháng 5, 1968 có bốn phóng viên ngoại quốc bị bắn chết trong khi hành nghề. Đó là 2 ký giả của Reuteurs – Bruce Piggott, người Úc 23 tuổi, Ronald Laramy người Anh 31 tuổi mới đến Saigon – Michael Birch, người Úc 24 tuổi phóng viên của Thông tấn xã Úc (AAP), một ký gỉa người Úc khác là John Cantwell 29 tuổi, đại diện của tạp chí TIME-Life; nhà báo tự do người Úc Frank Palmos là người duy nhất đi cùng xe, sống sót trong thảm kịch lớn nhất của báo giới trong chiến tranh Việt Nam.

Ký giả tự do người Úc, Frank Palmos, ở Sài Gòn. Nguồn: Roger Karam

Năm ký giả ngoại quốc kể trên ngồi trong chiếc xe Mini-Moke, một lại jeep nhỏ, màu trắng lái về hướng Chợ Lớn nơi trực thăng Mỹ đang phóng hỏa tiễn vào những cao ốc có VC ẩn nấp. Thường dân tránh bom đạn chạy ngược chiều hô lớn, “VC, VC, beaucoup VC. Di di mau. Go back, go back!” (“VC, VC, nhiều VC lắm. Đi đi mau, Quay lại đi, quay lại đi!”)

Cantwell phải ngưng xe lại trong một con đường nhỏ vì những thùng đựng dầu đã cản mất lối đi. Bất chợt một toán đặc công VC đứng dậy bắn tiểu liên và AK xối xả về phía chiếc xe của 5 nhà báo. Một số nhà báo đã chết hoặc bị thương khi tên chỉ huy toán đặc công, trong bộ áo trận rằn ri chứ không phải bà ba đen, tiến tới.

Palmos kể lại, khi đó Birch ngồi ghế trước, hét lên trong đau khổ , “Bao chi, bao chi!” Tên đặc công lập lại một cách nhạo báng. “Này thì báo chí” và bắn thẳng vào Michael Birch bằng khẩu súng lục Trung Cộng K54, rồi quay sang xả đạn vào người John Cantwell, bị thương đang nằm ngửa trên mặt đường bên trái chiếc xe.

(James Pringle, “Death in Saigon’s Cholon District”, Asia Sentinel, May 4, 2008).

Không có Công ước Tù binh hay Công ước về Ký giả nào ở con đường nhỏ trong Chợ Lớn ngày hôm đó. Không có ảnh của Eddie Adams trên báo chí thế giới cũng như những thước phim của hãng truyền hình NBC đi vào phòng khách của người Mỹ. Không ai thấy VC bắn chết những nhà báo chỉ có máy ảnh và cây bút hay máy ghi âm là vật dụng ở chiến trường.

Chúng ta chỉ biết được sự kiện này nhờ Frank Palmos đã giả chết và thuật lại. Nhưng cả thế giới thấy Tướng Loan bắn tên Bảy Lốp và VC đã thắng trên mặt trận tuyên truyền. Đúng là bi kịch!

Cuối cùng, khoảng 67 phóng viên đủ loại quốc tịch đã bị sát hại và mất tích trong chiến tranh Việt Nam kể cả chiến trường Campuchia. Nhưng có thể nói ngày 5 tháng 5, 1968 ở Chợ Lớn là ngày kinh hoàng nhất trong lịch sử của phóng viên thế giới ở bất cứ nới nào.

Phóng viên ở một chỗ nào khác như Paris hay London hẳn đã an toàn hơn. Trong danh sách 67 phóng viên nói trên có 3 phóng viên của Bắc Việt, Tran Pham (báo Nhân Dân, 1965, Việt Nam), Trinh Dinh Hy (Việt Nam Thông tấn xã, 1973, Đà Nẵng), Vu Hung Dung (Thông tấn xã Giải phóng, 1974, Cần Thơ). Bốn phóng viên người miền Nam là Huynh Thanh Mỹ (nhiếp ảnh viên chiến trường của Associated Press, 1965, Cần Thơ), Nguyen Man Hieu (nhà báo tự do, 1974, Vietnam), Vu Van Giang (nhà báo tự do, 1974, Quảng Ngãi) và Do Van Vu (Associated Press, 1974, Chương Thiện). [Nguồn : List of journalists killed and missing in the Vietnam War, Wikipedia.org]

Thái độ nhập cuộc với những cái chết của họ tại chiến trường, ở một mặt nào đó, thật đáng kính nể.

Tại sao lại Chợ Lớn? Đó cũng là một câu hỏi cần có câu trả lời.

Chợ Lớn là ổ nằm vùng của giới Ba Tàu thân cộng. Điều đó dễ hiểu. Người Tàu dù ở lâu trên mảnh đất này đôi khi vẫn là người ngoài cuộc. Nó có khác gì người Tàu ở Mã Lai đã khuynh đảo chính quyền Mã Lai những năm nào. Nhiều người Tàu tùy theo mỗi bang có thể theo Tầu–Đài Loan, người khác theo Tầu-Mao Trạch Đông. Trong số hàng triệu người Hoa, đã có bao nhiêu người tình nguyện đi lính cho chính quyền VNCH? Ai trốn lính, ai trốn quân dịch mua chuộc và hối lộ?

Cho nên không lạ gì nhiều khu phố ở Chợ Lớn tan hoang như Huế vì bom đạn. Đến gần nửa nhà cửa các khu này mang dấu vết đạn tàn phá. Người ta không còn nhận ra những con đường vốn quen thuộc ở Chợ lớn nữa. Nhiều khu phố hoang tàn chỉ còn là những đống gạch vụn như cảnh hoang tàn ngoài Huế.

Chợ Lớn , nơi đây là kho vũ khí, cung cấp tiền bạc, thông tin, rải truyền đơn đủ loại, che dấu bọn đặc công, v.v..

Chợ Lớn là Huế của Saigon

Saigon, 15 tháng 5, 1968: Những người tị nạn tạm trú trong chiếc xe vận tải cách nhà của họ vài con đường ở Chợ Lớn. Nguồn Getty/Bettmann.

Nơi nhiều trận đánh với VC kéo dài ngày nhất. Có nhiều khu, sau khi dùng loa, kêu gọi dân chúng ra khỏi nhà. Hai tiếng đồng hồ sau, tướng Loan không còn cách nào khác kêu pháo dội xuống những khu nhà có VC, rồi một đợt máy bay khu trục bỏ bom thêm một lần nữa nữa.

Tướng Loan đã ra lệnh kiểm tra từng căn nhà, tùng gia đình, nhưng làm không xuể. Không có chỗ mà giam vì nhiều người không có giấy tờ.

Người chết hẳn là nhiều. Tôi đã đi coi những xác người được chở đến từ nhiều nơi vể tại Nghĩa địa Chí Hòa và đổ xuống hố. Ngưới ta đổ như đổ rác. Nào còn có thể phân biệt ai là đặc công, ai là tầu-cộng, ai là dân thường? Mùi hôi thối chịu không nổi. Không còn ai có thời giờ nhận xác chết nữa?

Tôi vẫn không khỏi suy nghĩ và thắc mắc tại sao những người phóng viên này đã đến đây? Vậy mà họ đã đến và ở đây, họ tìm thấy cái gì ở đây ngoài nỗi hiểm nguy? Mà giả dụ họ cứ ngồi ngồi ở Sài Gòn thì họ có thấy được bộ mặt chiến tranh không?

Bộ mặt chiến tranh là gì mà họ muốn biết, muốn đi tìm?

Phải chăng chiến tranh là những chiếc phản lực cơ xếp hàng dãy dài trong phi trường Tân Sơn Nhất khi họ bước xuống sân bay? Hay những người lính trong bộ đồng phục, súng đeo lủng lẳng trên những bộ đồ là phẳng phiu với nếp gấp? Hay là những cô nữ sinh, áo dài trắng đạp xe hàng một trên con đường Duy Tân? Hay một bà bán hàng rong quẫy đôi quang gánh kéo lê đôi dép như chạy? Hay một anh phu xe xích lô ngồi ngủ trưa, mặt che một tờ báo cho khỏi chói mắt? Hay những hàng rào kẽm gai trước nhiều dinh thự, cơ quan chính phủ? Hay những cuộc xuống đường của giới sinh viên hay sư sãi?

Họ đi tìm chiến tranh mà không thấy chiến tranh đâu cả trong những thứ ở trên?

Vào khách sạn, máy lạnh chạy đều đều, thang máy, điện thoại, anh bồi tươi cười mở cửa, ly nước đá mát lạnh và bạn muốn gì có nấy. Taxi trực sẵn ngoài cửa.

Và cái bề ngoài êm đềm như vậy, Oriana Fallaci đến Việt Nam vào tháng 11-1967. Ba tháng trước Tết Mậu Thân. Và qua phóng viên này, bạn đọc hiểu thêm được một góc cạnh “khốn nạn” khác của Tết Mậu Thân.

Mậu Thân không là những thứ ấy. Nhưng lại là tất cả những thứ ấy cộng lại.

Tôi tìm được một phần trong câu trả lời là VC đã mang thí mạng cả những đứa trẻ 12 tuổi đến 16 tuổi lao vào cuộc chiến này.

Tướng Loan đã cho trình diện trước báo chí ngoại quốc một số tù binh trong đó có những đứa trẻ 12 tuổi. Phóng viên đã hỏi và nhận được những câu trả lời ngô nghê của chúng. Cuộc trình diện này như một cú tát của tướng Loan vào mặt các ký giả ngoại quốc.

Anh phu xích lô đạp nằm ngủ đấy, nhưng không có gì lọt qua mắt anh. Anh tài xế Taxi trước hotel Continental có thể là một điểm chỉ viên, thu thập tin tức từ các phóng viên ngoại quốc. Chị nhà quê quẩy gánh có thể trong đó chứa chất nổ, lựu đạn, súng AK 47. Cô nữ sinh đẹp và “ngây thơ” mà trong cặp có thể chứa tài liệu tuyên truyền bên cạnh sách vở.

Đó là một cuộc chiến nhiều mặt. Bộ mặt thanh bình và bộ mặt chiến tranh trực diện. Chiến tranh trong thành phố và ngoài trận địa.

Những người như Nguyễn Văn Sâm, cũng như ni cô Thích Như Huệ, TT Trí Quang đều mỗi người trong vai trò của mình, họ có phần đóng góp cả đấy vào Tết Mậu Thân.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline hiệu đính và minh họa.