Kim Jong-un cười nói, có duyên và tự tin nhưng lại mang theo nhà vệ sinh riêng đến hội nghị

Robin Wright | Trà Mi

Kim đang thực sự định làm gì khi bày tỏ sự ôn hòa với ông Moon, Trump và thế giới bên ngoài? Bộ máy tin đồn phân tích ở Seoul xác định ba giả thuyết.

Ở Seoul, người ta có cảm giác rằng Kim Jong Un khôn hơn Tổng thống Trump. Nguồn ảnh: Korea Summit Press Pool/AFP/Getty.

Từ sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử của Đại Hàn tuần trước, Seoul đã tràn ngập với tin đồn nóng — không phải là liệu Bắc Hàn sẽ từ bỏ vũ khí hạch tâm hay kết thúc một cuộc chiến đã kéo dài sáu mươi tám năm mà là những hành vi lạ lùng của Kim Jong-un, người lãnh đạo bí ẩn nhất thế giới. Trong các cuộc phỏng vấn và trò chuyện với những người đã gặp ở thủ đô Nam Hàn tôi nhận thấy người nào cũng có một giai thoại họ thích: người lãnh tụ Bắc Hàn không hút thuốc trong các cuộc họp, mặc dù ông có thói quen xấu này, những tấm ảnh chụp ở Bắc Hàn cho thấy ông luôn có một điếu thuốc trên tay, ở bệnh viện, phòng tập thể dục ở trường học, phòng ngủ của trẻ em và trên phi đạo ở sân bay. Ông thẳng thắn một cách không ngờ về những yếu kém của Bắc Hàn. Trong cuộc thảo luận về chuyến thăm tương lai của Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng vào mùa thu năm sau, Kim khuyên ông Moon nên bay vì đường bộ ở Bắc Hàn rất tệ — một sự thú nhận chưa từng có của một quốc gia từ lâu đã tuyên bố là một thiên đường xã hội chủ nghĩa. Ông công khai thừa nhận có “người đào thoát” khỏi Bắc Hàn, chứ không gọi họ là “cặn bã của trái đất” như đã bị dán nhãn như vậy ở Bình Nhưỡng. Tại bữa tiệc tối, Kim mỉm cười, nói đùa, và thường rất có duyên khi ông đi nói chuyện quanh những bàn tiệc và thân mật ôm các quan chức của một đất nước, trên danh nghĩa, đang có chiến tranh với nước của ông. Để giải trí, Kim mang theo một người làm ảo thuật đã thu hút khán giả bằng cách biến một đồng đô la thành một trăm đô la.

Ở Nam Hàn Quốc, Kim không còn đơn giản là người thái tử béo phì như lợn với một kiểu tóc húi cua hình vuông kỳ lạ đã giết người để lên đỉnh quyền lực bằng cách ra lệnh ám sát một ông dượng đầy quyền binh và một người anh em cùng cha khác mẹ. Tuần này, Moon Chung-in, một cố vấn Tổng thống về các vấn đề Nam Bắc Hàn, đã nói với tôi,

“Trước đây, ông ấy có một hình ảnh khét tiếng. Anh ta đã bị xem là quỷ, ác, bốc đồng, phi lý. Nhưng đó không phải là hình ảnh người ta thấy tại bữa tiệc. Tổng thống Moon sau đó mô tả Kim với nhân viên thân cận là “thẳng thắn, cởi mở và lịch sự.”

Kim jung-un cũng không bao giờ nói đến sự vượt trội về vũ khí hạch tâm – dù thật là như thế.

Trong số thành phân cấp tiến trong chính phủ ở Seoul và những người bảo thủ chống họ, bây giờ đều có cảm giác rằng Kim khôn hơn Tổng thống Trump. Cố vấn Tổng thống Moon nói thêm, tại cuộc đàm phán tại Đại Hàn, Kim đã nắm vững các vấn đề “từ A đến Z. Ở tuổi ba mươi bốn, ông ấy thực sự trưởng thành. Ông ta không cần sự giúp đỡ của nhân viên phụ tá. Ông Moon đã khá ngạc nhiên.”

Cuộc tấn công bằng cái duyên dáng của Kim đang thành công. Trước khi hội nghị thượng đỉnh, chỉ có mười phần trăm người Nam Hàn nói rằng họ tin người lãnh đạo Bắc Hàn — người thứ ba của một triều đại đã cai trị Bình Nhưỡng một cách tàn nhẫn trong bảy mươi năm. Sau hội nghị thượng đỉnh, lòng tin của quần chúng đối với lòng thành của ông Kim đã lên tới gần tám mươi phần trăm. Seoul đang rì rầm suy đoán rằng tuổi trẻ của Kim và những năm học trung học ở Thụy Sĩ đã đúc ông ta thành một con người hiện đại hóa và thực tế. Bỗng chốc, ông ấy ấy trở thành một chính khách toàn cầu.

Nam Sung-wook, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược An ninh Quốc gia, nói với tôi, Hội nghị thượng đỉnh và những nghi lễ được biên đạo chặt chẽ đã tạo ra “loại quảng cáo thông thường phải trả giá một tỷ đô la.” Sự chú tâm của công chúng đối với con người của Kim đã trở nên mãnh liệt đến nỗi một tờ báo lớn của Hàn Quốc đã thuê ba người  đọc môi để diễn giải những điều Kim nói khi ông ấy ngồi trò chuyện với ông Moon trên một băng ghế ở công viên.

Kim, tất nhiên, có thể không thực sự đã thay đổi nhiều. Ngay cả những người Nam Hàn, những người đã cảm thấy rất ấn tượng với màn trình diễn của ông ta cũng thừa nhận rằng Kim đang trình diễn cho gần 3.000 nhà báo đang teho dõi — và giới lãnh đạo nước ngoài, đáng chú ý là Trump, đang quan sát từ xa. Anh ấy vẫn còn bí mật, nghi ngờ và ám muội. Nhà chức trách Nam Hàn nói với tôi là Kim mang nhà vệ sinh của riêng mình đến Panmunjom, vì không muốn để lại chất thải để có thể được dùng để chẩn đoán tình trạng sức khỏe — hay bất cứ điều gì khác. Ông ấy cũng mang theo bút và bút chì cho chính mình. Nhân viên đã xóa sạch mọi thứ ông ta chạm vào. Không để lại bất cứ dấu vết nào ở lại Nam Hàn ngay cả dấu vân tay.

Kim đang thực sự định làm gì khi bay tỏ sự ôn hòa với ông Moon, Trump và thế giới bên ngoài? Bộ máy tin đồn phân tích ở Seoul xác định ba giả thuyết.

(1) Đánh giá lạc quan nhất — nhưng hơi siêu thực, với quá khứ của Kim — cho rằng Kim đã thay đổi chiến lược. Kể từ khi túm thâu quyền lực sau cái chết của cha, vào năm 2011, chính sách hai mũi nhọn của ông là byungjin – hay “tiến bộ song song” — trong chương trình vũ khí hạch tâm và nền kinh tế của Bắc Hàn để tạo ra một “cường quốc hạch tâm xã hội chủ nghĩa tuyệt vời”. Nhưng trong một bài phát biểu hôm 21 tháng Tư, Kim tuyên bố chiến thắng cuối cùng của byungjin. Bắc Hàn đã đạt được sức mạnh hạch tâm của mình, ông nói, và từ đó có thể tập trung vào việc cải thiện cuộc sống của người dân.

Moon, vị cố vấn Tổng thống đã tham dự hai hội nghị thượng đỉnh khác của Đại Hàn, vào năm 2000 và 2007, và đã viếng thăm Bình Nhưỡng tám lần, nói với tôi

“Ông ấy là một thanh niên đã khai ngộ. Người ta có thể thấy rõ sự thay đổi trong tư duy chiến lược của ông ta để tái thiết nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Anh ấy muốn một trạng thái bình thường với đầu tư nước ngoài.”

Trong hội nghị thượng đỉnh Đại Hàn, vị cố vấn kể lại, Kim nói với Tổng thống Moon rằng Bắc Hàn sẽ không cần vũ khí hạch tâm — hoặc khiến người dân phải khốn khổ để đạt được sức mạnh đó — nếu Hoa Kỳ đồng ý gặp thường xuyên hơn, nuôi dưỡng lòng tin và chính thức kết thúc Chiến tranh Đại Hàn bằng một hiệp ước không xâm lược.

Vị cố vấn Tổng thống nói với tôi, “Mối đe dọa đối với Kim thực sự xuất phát từ trong nước, trừ khi ông ấy tạo được một đời sống ấm no cho mọi người. Và vũ khí không thể nuôi sống người dân Bắc Hàn.” Ông kể lại chuyện ông đã hỏi một viên chức Bắc Hàn, chế độ miền Bắc đinh nghĩa an ninh như thế nào.

“Những gì ông ấy nói với tôi là một Tháp Trump bên bờ sông Taedong và một tiệm McDonald và những ngân hàng của Mỹ ở Bình Nhưỡng — như thế thì Hoa Kỳ sẽ không bao giờ tấn công chúng tôi nữa.”

(2) Đánh giá thứ hai là Kim đã quyết định đi theo con đường của các nước cộng sản Á Châu khác, những nước đã chấp nhận đổi mới và hợp tác với thế giới sau một thời gian dài bị cô lập: trong thập niên 1980, chính sách “cải cách và mở cửa” của Đặng Tiểu Bình đã mở đường cho doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, và sự hợp tác với toàn cầu — và đã thay đổi Trung Quốc. Vào những năm 1998, Thủ tướng CHXHCNVN Võ Văn Kiệt là người lãnh đạo chính sách Đổi mới của Việt Nam, để tạo ra một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kết thúc sự cô lập của Việt Nam sau chiến tranh.

Yoon Young-kwan, cựu bộ trưởng ngoại giao tại Đại học Quốc gia Seoul, cũng đã đến thăm Bình Nhưỡng, nói với tôi, “Kim đang chuyển đổi – từ một nhân vật bạo ngược chuyên chế trở thành một người độc tài độc đoán.”

Tôi hỏi, thế thì có gì khác? Ông trả lời,

“Một kẻ bạo ngược thì chỉ muốn đóng cửa đất nước của mình, xã hội của mình. Còn một người độc tài sẽ chấp nhận những cơ chế thị trường và cho phép người dân được hưởng các quyền tự do kinh tế, dù không có các quyền tự do chính trị.”

Ông nói thêm, đó là một mô hình mà giới độc tài quân phiệt cánh hữu ở châu Mỹ Latinh đã đi theo vào những năm 1960, và ngay cả Park Chung- hee, người độc tài và vị cựu tướng lãnh đã hiện đại hóa Nam Hàn vào những năm 1960 và 70 cũng đã theo chính sách đó.

Những người Nam Hàn lại nói với tôi, sự thay đổi của Kim xẩy ra ở giao điểm của sức mạnh hạch tâm và áp lực của cấm vận, đặc biệt là đối với ba triệu người thuộc thành phần tinh hoa ở một đất nước hai mươi lăm triệu dân.” Kim Jung, giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam, nói với tôi, “Đây là thời điểm thuận lợi — khi mà Bắc Hàn có thể nhận được những nhượng bộ tối đa từ Hoa Kỳ vào lúc Bắc Hàn cần đến mức tối đa. Người lãnh đạo Bắc Hàn — ban đầu không phải là người được chuẩn bị để lãnh đạo — nay có vẻ an tâm hơn sau bảy năm cầm quyền, đặc biệt nếu so với cha của ông, nổi tiếng nhút nhát, không thích nói trước công chúng. Ông nói tiếp,

“Thật bất ngờ khi thấy Kim rất thoải mái và tự tin và cười nói. Ông ta có bản lĩnh hơn tôi nghĩ. Ông ấy đã được chuẩn bị rất kỹ để đi vào sân khấu quốc tế này.”

(3) Đánh giá thứ ba — cũng là nỗi sợ hãi sâu sắc ở khắp Seoul — đó là Kim là một tay chơi bậc thầy đang đánh lừa ông Moon, Trump và cả thế giới. Ngay cả trong bối cảnh ngày người ta càng tự tin rằng Bắc Hàn sẵn sàng từ bỏ một số bom hạc tâm và hỏa tiễn đạn đạo đang có, người ta vẫn còn lo ngại rằng Bình Nhưỡng không có ý định từ bỏ tất cả. Chế độ này không muốn hủy diệt kho vũ khí hạch tâm — sau bảy mươi năm và thời gian bị tước đoạt khiến hàng triệu triệu người dân phải chịu cảnh đói nghèo — cuối cùng đã làm cho Bắc Hàn trở thành một cường quốc trên thế giới. Họ không muốn bị xem như đã đầu hàng.

Hahm Chaibong, chủ tịch Viện Asan, nói với tôi, “Để sống còn, Kim cần những vũ khí hạch tâm đó.” Nếu không có hệ thống bom và hệ thống hỏa tiễn đạn đạo, Bắc Hàn sẽ trở thành một nước nghèo khó lạc hậu phải vất vả lắm mới tạo ra được điện lực.

Đối với tất cả sự hớn hở ở Seoul, bản Tuyên bố Panmunjom ba trang, sau hội nghị thượng đỉnh Đại Hàn Quốc, là mơ hồ. Bản Tuyên bố cam kết khử hạch tâm “trên bán đảo Đại Hàn”, và với một số chuyên gia ở Seoul còn có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ phải rút đi “chiếc ô hạch tâm” đang bảo vệ miền Nam và, thực tế, sẽ rút cả hai mươi tám nghìn lính Mỹ khỏi bán đảo. Bản Tuyên bố không nói đến những trách nhiệm của Bắc Hàn về mặt vũ khí hạch tâm, không giống như Tuyên bố chung năm 1992, quy định rằng cả hai mền Nam Bắc đều không thể thí nghiệm, chế tạo, sản xuất, tiếp nhận, có, lưu trữ, triển khai hoặc sử dụng vũ khí hạch tâm.

Chaibong cảnh cáo:

“Nội dung không có gì cả. Nếu tử tế, bạn sẽ nói mọi thứ sẽ được quyết định giữa Trump và Kim. Đó chỉ là một hội nghị tiền hội nghị thượng đỉnh. Nhưng nếu hoài nghi và yếm thế, như giới phân tích thường như vậy, bạn sẽ nói rằng không có một bước tiến nào về việc khử hạch tâm trong chương trình nghị sự của Bắc Hàn.”

Chung Yung-woo, cựu cố vấn an ninh quốc gia và là người đàm phán chính với Bắc Hàn, là một trong những người hoài nghi nhất. Trong nhiều năm, ông là một thuyết khách thường xuyên đến Bắc Hàn.Ông ấy nói vớii tôi, “Kim đang chơi một trò sống còn có nguy cơ cao, có lợi nhuận cao. Ông ta tinh vi hơn nhiều so với ông nội của mình,” Kim Il Sung, người lãnh đạo Bắc Triều Tiên kể từ khi thành lập nước này vào năm 1948, cho đến khi ông qua đời, năm 1994.

“Ông ta nhiều chiến lược hơn, không bị ảnh hưởng vì cảm xúc. Đó là lý do tại sao ông ấy thắng mỗi khi đụng độ với thế giới bên ngoài. Cho đến nay, ông ta không bao giờ thua cuộc.”

Robin Wright đã là một nhà báo viết cho tờ The New Yorker từ năm 1988. Bà là tác giả cuốn “Rock the Casbah: Rage and Rebellion Across the Islamic World.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Kim Jong Un Was Funny, Charming, and Confident but Brought His Own Toilet.
By Robin Wright | The New Yorker, May 3, 2018.