Nhân Đọc Quyển “Hồi Ức Và Suy Nghĩ”

Thế Hệ 1975

Những người trong bộ chính trị … quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong mờ ám và không có lợi cho quốc gia, dân tộc.

DCVOnline | Tập hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ của ông Trần Quang Cơ (1920-2015) lưu chuyển trong nước từ đầu năm 2003. Tác giả nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, thành viên Đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Hội nghị Paris (68–73) về Việt Nam(1).

Đã có nhiều bài nhận định và phê bình chung quanh Hồi ức và Suy nghĩ từ khi Tập hồi ký lưu hành trên mạng Internet(2). Đa số người viết sống cùng hay gần thế hệ với tác giả Trần Quang Cơ. Hôm nay, DCVOnline xin giới thiệu đến bạn đọc vài cảm nhận của người trẻ, những người chưa hề sống qua cuộc chiến Việt Nam . DCVOnline xin cảm ơn Tạp chí Truyền thông đã đồng ý cho đăng lại hai bài Đôi điều suy nghĩ về “Hồi ức và Suy nghĩ”Nhân Đọc Quyển “Hồi Ức Và Suy Nghĩ” của ông Trần Quang Cơ, cựu thứ trưởng ngoại giao của CHXHCN Việt Nam.

Nhân Đọc Quyển “Hồi Ức Và Suy Nghĩ” của ông Trần Quang Cơ, cựu thứ trưởng ngoại giao của CHXHCN Việt Nam

Thế Hệ 1975

Tôi rất thích thú khi được đọc quyển “Hồi Ức và Suy Nghĩ” của ông Trần Quang Cơ, cựu thứ trưởng ngoại giao của nước CHXHCN Việt Nam. Tuy sanh ra thuộc thế hệ 1975 nhưng tên tuổi của ông Trần Quang Cơ thì tôi đã từng nghe đến. Có những sự kiện được tiết lộ trong quyển sách làm cho những người theo dõi tình hình trong nước phải chú ý. Sau đây là những suy nghĩ của tôi khi đọc quyển sách của ông Trần Quang Cơ, quyển sách mà gần đây được phổ biến trên internet.

Việt Nam can thiệp vào chuyện nội bộ của Campuchia

Trong thời điểm các nước đang ngoại giao để tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia thì ta thấy rằng các nước nhỏ hoàn toàn chịu ảnh hưởng của các nước lớn. Trong lịch sử thế giới, sự lệ thuộc của những nước nhỏ vào những nước lớn thì lúc nào cũng có, không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều làm ta chú ý trong quyển sách này là tình hình của Campuchia hầu như hoàn toàn do các nước khác sắp xếp, các phe phái người Campuchia không có quyền quyết định gì trong việc giải quyết vấn đề của đất nước họ. Việt Nam trong thời điểm được miêu tả trong quyển hồi ức thì chịu ảnh hưởng của Liên Xô. Ngược lại, những nước nhỏ như Campuchia và Lào lại chịu sự chi phối của những nước lớn hơn như Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô, v.v..

Tháng 1/1979 quân Việt Nam xâm chiếm Phnom Penh – cuộc chiến kéo dài từ 9/78 đến 12/89. Tháng 2/1979 Trung Quốc tiến đánh Việt Nam. Nguồn: OntheNet

Việt Nam không những chi phối Campuchia mà còn can thiệp sâu vào những chuyện nội bộ của Campuchia. Việt Nam mang quân sang Campuchia và sau đó còn đóng quân trong một thời gian rất dài. Khi bị thế giới phản đối đòi phải rút quân thì Việt Nam vẫn muốn giải quyết vấn đề nội bộ của Campuchia, không tôn trọng chủ quyền và quyền quyết định của người Campuchia. Từ vấn đề Việt Nam chiếm đóng Campuchia, đến quan điểm của đảng Cộng Sản Việt Nam về vấn đề “diệt chủng” của Khmer Đỏ, đến “giải pháp Đỏ”, đến “công thức 6+2+2+2+1” cho ta thấy Việt Nam can thiệp rất sâu và thao túng vấn đề nội bộ của Campuchia.

Cũng liên quan đến vấn đề một nước can thiệp vào công việc nội bộ của một nước khác thì những năm gần đây nhà nước Việt Nam thường phản đối rằng những nước chỉ trích Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo, v.v… là can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam. Qua vấn đề này ta thấy rằng lý do “can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam” mà nhà nước Việt Nam thường đưa ra để bác bỏ những chỉ trích về những vi phạm của Việt Nam về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo là một lý do không chính đáng và không logic. Khi Việt Nam đem quân sang Campuchia và can thiệp trắng trợn vào chuyện nội bộ của Campuchia thì đảng Cộng Sản Việt Nam gọi đó là “nghĩa vụ quốc tế”, còn khi các nước thường xuyên viện trợ cho Việt Nam gợi ý đảng CSVN về những quyền vi phạm về dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo thì đảng CSVN thường dựa vào lý do “can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam”. Ta có thể nói rằng đảng CSVN thường dùng lý do không chính đáng đó để mị dân, tránh né dư luận quốc tế, và tự bào chửa cho việc Việt Nam vi phạm những công ước quốc tế về dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo mà Việt Nam đã ký kết.

Lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam không vì quyền lợi của tổ quốc

Tôi lấy làm thất vọng khi biết được có những nhân vật chóp bu trong đảng CSVN có quyền quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh của đất nước không đặt quyền lợi của tổ quốc lên hàng đầu trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Thật buồn cười khi ta thấy khi phe xã hội chủ nghĩa bị khủng hoảng, bộ chính trị đảng CSVN vẫn đánh giá rằng “dù bành trướng thế nào Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa!” Và đảng CSVN cũng muốn cùng Trung Quốc “bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Điều này cho chúng ta thấy rằng vì muốn bang giao với Trung Quốc, bộ chính trị đảng CSVN đã không nghĩ đến việc bảo vệ tổ quốc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, bảo vệ quyền lợi của dân tộc. Bộ chính trị chỉ có một số người nhưng họ có toàn quyền đưa ra những quyết định có ảnh hưởng lớn đối với đất nước, đối với dân tộc, và họ không xem quyền lợi của tổ quốc là gì cả. Những quyết định của bộ chính trị rất mờ ám và toàn dân không được biết.

Khấu đầu trước Bắc triều cũng là “bọn bành trướng Bắc Kinh”Đoàn quân Việt Nam đi về biên giới phía bắc trong cuộc chiến ngắn ngủi, đẫm máu với Trung Quốc vào năm 1979. Nguồn: Alan Dawson / Bettmann / CORBIS.

Cũng cần phải nói thêm rằng trước khi phe xã hội chủ nghĩa bị khủng hoảng và khi còn chổ dựa Liên Xô thì đảng CSVN sẳn sàng đối đầu với Trung Quốc. Vào năm 1988, khi xảy ra những cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Trường Sa thì Việt Nam công khai phản đối Trung Quốc và phản đối một cách mạnh mẽ. Tôi nhớ lúc đó tôi còn học lớp 7, vào một ngày thứ Hai, trong giờ chào cờ ông thầy hiệu trưởng ở trường tôi có dành một chút thời gian đứng trước bản đồ để giải thích cho học sinh nghe về chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa. Tất nhiên lúc đó bọn học sinh chúng tôi cũng đã được nghe thầy hiệu trưởng giảng về mưu đồ của “bọn bành trướng Bắc Kinh”.

Đó là những gì xảy ra trước khi Việt Nam vẫn còn chỗ dựa ở Liên Xô. Nhưng sau khi không còn có thể dựa vào Liên Xô nữa thì đảng CSVN đành phải khúm núm với Trung Quốc để “bảo vệ chủ nghĩa xã hội”, bảo vệ quyền lợi của đảng CS và không màng gì đến quyền lợi của đất nước. Những miêu tả của ông Trần Quang Cơ trong quyển hồi ức cho ta thấy điều đó. Thêm vào đó, những sự kiện gần đây như hiệp ước trên bộ và trên biển giửa Việt Nam và Trung Quốc, mà nhiều người nghĩ Việt Nam nhượng bộ Trung Quốc rất nhiều, và sự kiện các ngư phủ Thanh Hoá bị hải quân Trung Quốc bắn trên lãnh hải Việt Nam cho ta thấy vì bảo vệ quyền lợi của họ, bộ chính trị và đảng CSVN bất chấp tất cả, kể cả hy sinh quyền lợi của dân tộc và mạng sống của thường dân vô tội Việt Nam.

Lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc và quyền lợi của Trung Quốc

Ngược lại với sự ích kỷ, hy sinh quyền lợi dân tộc của đảng CSVN, qua quyển hồi ức này ta thấy đảng Cộng Sản Trung Quốc đặt quyền lợi dân tộc của họ lên trên hết. Họ luôn muốn thực hiện ý đồ bành trướng của họ để làm lợi cho người Trung Hoa. Ông Trần Quang Cơ cũng nói đến việc “Trung Quốc uốn mình để thích nghi với thế cực”. Đảng CS Trung Quốc đã sẳn sàng thân với Liên Xô và Hoa Kỳ khi cần thiết để củng cố quyền lợi của họ. Đảng CS Trung Quốc không ngần ngại bang giao với một nước khác ý thức hệ với họ giống như Hoa Kỳ. Trong khi đó, cũng là đảng CS, nhưng đảng CSVN vẫn muốn “bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Hiện tại, tuy đã bình thường hóa quan hệ ngọai giao với Mỹ nhưng vẫn có nhiều vị trong bộ chính trị đảng CSVN vẫn xem Hoa Kỳ là kẻ thù, vẫn lo ngại Hoa Kỳ dùng “diễn tiến hòa bình” để thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc – Hoa Kỳ

Cũng liên quan đến “diễn tiến hòa bình”, Việt Nam nên có thái độ như thế nào trong mối quan hệ với Hoa Kỳ? Ông Trần Quang Cơ có nêu lên bốn sai lầm lớn nhất trong đường lối ngoại giao của đảng CSVN trong đó có vấn đề dính líu sâu vào nội bộ của Campuchia và bỏ lở cơ hội bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ vào năm 1977. Ông Trần Quang Cơ cũng đã dự báo rằng “TQ là nguồn xuất xứ chính của những thách thức đe dọa đối với chủ quyền về toàn vẹn lãnh thổ cũng như đối với an ninh và phát triển của VN”. Ông Trần Quang Cơ cũng đề nghị Việt Nam nên thúc đẩy bang giao với Hoa Kỳ để làm đối trọng với Trung Quốc. Ông ta cũng gợi ý chính phủ Việt Nam nên có những chính sách hợp lý để tranh thủ sự đóng góp của các Việt Kiều cho tổ quốc.

Tôi rất đồng ý với ông Trần Quang Cơ ở những điểm nêu trên. Rất tiếc là đảng CSVN chưa làm được những điều này. Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn không được dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Qua quyển hồi ức ta thấy được sự lừa bịp của đảng CS Trung Quốc đối với đảng CS Việt Nam ở Thành Đô, thái độ xấc xược của ông Từ Đôn Tín và những nhân vật ngọai giao khác của Trung Quốc. Ta cũng thấy được sự ngây thơ và yếu kém về ngoại giao của các nhân vật như Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười khi họ muốn đối thoại trực tiếp với Trung Quốc mà không thông qua bộ ngoại giao. Ta cũng thấy được sự không bình đẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc qua sự kiện gần đây ở Vịnh Bắc Bộ khi các ngư dân Thanh Hóa bị hải quân Trung Quốc bắn chết, sau đó Trung Quốc còn vu khống họ là những hải tặc, và thái độ bạc nhược của Việt Nam không dám phải đối mạnh mẽ để bênh vực cho những ngư dân vô tội. Trong khi đó, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn chưa được gần gũi lắm. Việt Nam vẫn còn e ngại Hoa Kỳ là kẻ thù củ và “diễn tiến hòa bình” của Mỹ. Tiềm năng của các Việt Kiều vẫn chưa được tận dụng thích đáng.

Nói tóm lại, Việt Nam cần đẩy mạnh quan hệ với tất cả các nước, kể cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, trên cơ sở bình đẳng thật sự và tôn trọng lẫn nhau. Đặc biệt là Việt Nam nên tiến lại gần Hoa Kỳ hơn nữa và tận dụng mối quan hệ đó để làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc và để bảo vệ quyền lợi của tổ quốc trước sự đe dọa của nước láng giềng phương Bắc. Chính phủ Việt Nam cũng nên có những chính sách hợp lý để tạo điều kiện cho các Việt Kiều về giúp tổ quốc và những lợi ích của dân tộc, chứ không phải giúp riêng đảng CSVN.

Tuổi trẻ Việt Nam nên làm gì?

Trước những chuyển biến của tình hình thế giới, đặc biệt là những chuyển biến có ảnh hưởng đến Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam nên làm gì để đóng góp cho đất nước?

Chỉ có tự do và dân chủ thật sự thì mới cho phép chúng ta bầu ra những người đại diện cho dân, vì quyền lợi của đất nước và dân tộc. Nguồn: OntheNet

Qua quyển hồi ức của ông Trần Quang Cơ tôi thấy rằng tất cả người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, nên tìm hiểu sự thật để biết rõ những quyết định quan trọng của đảng CSVN làm ảnh hưởng đến quyền lợi tổ quốc và dân tộc. Tất nhiên chúng ta sẽ không tìm hiểu được hết tất cả những gì xẩy ra ở thượng tầng, tuy nhiên chúng ta biết càng nhiều sự thật thì càng tốt. Trong thời đại thông tin và toàn cầu hóa chúng ta có rất nhiều phương tiện đệ tìm hiểu sự thật, chẳng hạn như qua internet, báo, đài từ nhiều nguồn khác nhau.

Tuổi trẻ Việt Nam cũng nên đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tự do và dân chủ thật sự. Bởi vì chỉ có tự do dân chủ thật sự, không độc tài, mới cho phép chúng ta tìm hiểu và bày tỏ ý kiến về những vấn đề hệ trọng của đất nước, giống như vấn đề đưa quân sang một nước khác và vấn đề lãnh thổ, lãnh hải, v.v… Chỉ có tự do và dân chủ thật sự thì mới cho phép chúng ta bầu ra những người đại diện cho dân, vì quyền lợi của đất nước và dân tộc. Chỉ có những người đại diện cho dân chính đáng đó mới có quyền quyết định một cách công khai những vấn đề quan trọng đối với quốc gia dân tộc, chứ không phải như hiện giờ: những người trong bộ chính trị không là những đại diện thật sự của nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong mờ ám và không có lợi cho quốc gia, dân tộc.

U.S.A. 15/4/2005

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Tạp chí Truyền Thông Communications, Số Mùa Đông 2004 & Mùa Xuân 2005.

DCVOnline:

(1) Hồi ức và suy nghĩ của cán bộ xã hội chủ nghĩa, Trần Giao Thủy, Tạp chí Truyền Thông Communications, Số Mùa Đông 2004 & Mùa Xuân 2005.

(2) – Thời sự đầu năm 2004 và Giáp Thân: Con đường thoát hiểm là phóng nhanh ra phía trước để hội nhập hoàn toàn với thế giới dân chủ và văn minh, Bùi Tín.
– Những Dấu Hiệu Thay Đổi Chính Sách Ngoại Giao Của Hà Nội, Âu Dương Thệ.
– Góp ý lãnh đạo đảng và nhà nước, Trần Gang Thép.
– Đi Tìm Đồng Minh, Nguyễn Trọng Tuyến.
– Việt Nam trước thế chiến lược của các siêu cường, Nguyễn Đình Toàn.
– Góp ý với ông Âu Dương Thệ về bài ‘Những dấu hiệu thay đổi chính sách ngoại giao của Hà nội, Bùi Tín.
– Người ngủ trên mây, Ngô Nhân Dụng.
– Cuộc Quật Khởi Của Toàn Dân Việt hay là Toàn dân Việt chuẩn bị cho công cuộc phạt Bắc bình Nam, Lê văn Xương.
– Liên–hệ Quốc–tế và Vấn–đề Dân–chủ–hoá Việt Nam, Nguyễn Ngọc Bích.
– Tù Binh Và Chính Trị: Hà Nội Thật Sự Am Hiểu Đến Mức Độ Nào?, Bill Bell và George J. Veith, Chuyển Dịch: Nguyễn Phúc.