Hoa đào và máu đào (II)

Minh Võ

Nhân giỗ 43 Tổng thống Ngô Đình Diệm (2/11/1963)
Tiếp theo phần I

Tiếng nói của vai chính

Đến đây, chắc độc giả nóng lòng muốn biết nhân vât chính là Mieczyslaw Maneli đã viết gì về vấn đề này.

Mieczyslaw Maneli , sinh năm 1922, là giáo sư đại học luật Warsaw, năm 1963 được cử làm trưởng đoàn Ba Lan trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (UHQT). Là một người cộng sản có xu hướng tự do, lại dính líu vào việc liên lạc giữa Sài Gòn và Hà Nội nên năm 1968 đã bị trục xuất khỏi đảng và khỏi nước. Ông đến Nữu Ước (New York) dậy về chính trị học.

Marguerite Higgins: phóng viên New York Herald Tribune. Nữ ký giả đầu tiên nhận giải Pulitzer 1951. Vợ của Thiếu tướng Không quân William Hall. Qua đời vì nhiễm bệnh vùng nhiệt đới khi công tác ở Vietnam, Pakistan and India. (1920–1966). Nguồn: Gore, M. R. (2009) American Woman Journalist Marguerite Higgins. Retrieved from
http://www.suite101.com/content/american-women-journalist-marguerite-higgins-a89256

Trong tác phẩm The War Of The Vanquished – Harper & Row, 1971 (Cuộc chiến của những kẻ chiến bại)(12), Maneli đã dành nguyên chương 6 (dài 20 trang) để kể chi tiết về vai trò con thoi của mình. Mở đầu chương sách, tác giả đã nói đến dư luận báo chí khắp thế giới xôn xao về việc trưởng đoàn Ba Lan trong UHQT đã trở thành môi giới để ông Diệm bán đứng miền Nam cho cộng sản. Sau khi nhắc lại lời tuyên bố chính thức của nhóm tướng lãnh đảo chính kết án ông Diệm phản quốc qua trung gian tác giả, ông đã nhắc lại làn sóng tố khổ và làm nhục gia đình họ Ngô qua báo chí Sài Gòn những ngày liền sau đảo chính.

Mieczyslaw Maneli và tác phẩm do Maria de Gorgey dịch sang tiếng Anh.

Tấm hình bà Ngô Đình Nhu đang thoát y đứng bên cạnh một người ngoại quốc chỉ mặc quần tắm được đưa lên mặt báo(13). Vì có băng đen che nửa mặt người đàn ông nên người ta cứ bảo đó là hình của Maneli. Tác giả đã tốn công cải chính. Nhưng càng cải chính thì lại càng có vẻ gián tiếp xác nhận. Dí dỏm ở chỗ tác giả bảo ông chỉ cải chính lấy lệ, một cách miễn cưỡng, vì phải chăng ông cũng muốn nổi tiếng với người được ví như Lucrettia de Borgia, hay Cleopatra? Nữ ký giả Marguerite Higgins, một người rất mến phục và bênh vực ông Diệm đã đặc biệt chú ý tới tấm hình này. Maneli viết:

“Marguerite mê câu chuyện tôi có dính dáng đến cuộc “giao du thân mật” (chữ của bà Ngô Đình Nhu, tác giả luật gia đình) này. Cô ấy hỏi tôi nhiều câu hỏi thăm dò. Có lẽ cô ta rất lấy làm tiếc không thể cung cấp cho độc giả Mỹ những nhận xét của cá nhân tôi về sự duyên dáng hấp dẫn của một phu nhân mà nhiều người đàn ông thèm muốn và tranh giành còn hơn cả Cleopatra.”(***)

Sau đó Maneli nhắc đến chuyện bịa đặt của tờ Jeune Afrique là ông đã gặp ông Nhu ngày Quốc Khánh của Pháp (14 tháng 7) tại nhà riêng đại sứ Roger Lalouette.

Rồi Maneli xác nhận là có gặp ông Nhu hai lần, ngày 25 tháng 8 và mồng 2 tháng 9. Ông cũng khẳng định sáng kiến không phải do ông mà là do nhiều nguồn khác nhau, và được chuẩn bị xếp đặt từ nhiều tháng trước, vào khoảng thời điểm gần trùng nhau. Tác giả có ý nhắc tới bốn tên tuổi trong giới ngoại giao mà bà Ellen Hammer đã nói trên.

Đáp lại lời khuyên của tất cả là Maneli nên gặp ông Nhu, Maneli một mực bảo mình thuộc một nước cộng sản không nhìn nhận chế độ Sài Gòn, nên không tiện đi tìm gặp. Nhưng nếu được mời thì sẽ tới.

Đại sứ Ấn Độ khuyên Maneli nên bớt ca tụng Bắc Việt, và hãy cố nói những lời tốt đẹp về miền Nam vào lúc và tại nơi thích hợp. Ông khen khái niệm của ông Nhu về xã hội chủ nghĩa, không phải thứ xã hội chủ nghĩa dựa trên triết lý duy vật, hay thứ xhcn của Trung Cộng, Liên Xô. Nhưng nó là xã hội chủ nghĩa gì thì chẳng rõ. Ông Nhu từng đã có lúc nói, trên thế giới chỉ có ông ta là người xã hội chủ nghĩa đích thực. Phải chăng ông ta được soi sáng và gợi hứng từ khái niệm của người Ấn? Hay đó chỉ là một cách nói mà thôi? Maneli tự hỏi thế. Dầu sao thì khái niệm đó cũng làm cho sự ve vãn trở nên dễ dàng.

Về đại sứ Pháp Lalouette, Maneli viết:

Đại sứ Roger LALOUETTE (thứ 2 từ phải) khi là tùy viên Tòa đại sứ Pháp ở Maroc (Mar 1957). Nguồn: Getty Images

“Ông ấy đã có một kế hoạch dài hạn và nhìn thấy những phương tiện dẫn đến sự thực hiện nó. Kế hoạch đó là mở đối thoại giữa Sài Gòn và Hà Nội và trao đổi tượng trưng về văn hóa, kinh tế giữa hai miền. Rồi những hội đàm chính trị sẽ được thực hiện trên nền tảng đó. Căng thẳng, nghi ngờ, thù địch giữa hai chính phủ sẽ giảm bớt và hòa bình có thể được bảo đảm. Một nền hòa bình lâu dài và một cuộc đối thoại chính trị là những điều kiện bất khả vô cho những giải pháp chính trị dài hạn, kể cả sự thống nhất trong hòa bình, bầu cử tự do, và quốc tế kiểm soát. Cần phải bắt đầu bằng bước thứ nhất: tôi sẽ điều khiển những cuộc nói chuyện với Hà Nội. Còn ông ta sẽ duy trì sự tiếp xúc với chính quyền miền Nam về vấn đề này.”

Và sau đây là phản ứng của Hà Nội:

“Lần đầu đến Hà Nội, tôi trình kế hoạch của đại sứ Pháp. Chỉ trong 2 ngày đã có sự đáp ứng. Phạm Văn Đồng nói, đề nghị mà chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đã lâu và bản tuyên cáo của chính phủ vẫn còn hiệu lực: Đó là chính quyền nhân dân sẵn sàng khởi sự thương thuyết bất cứ lúc nào, bí mật hay công khai. Bộ trưởng Xuân Thủy, theo chỉ thị của chủ tịch và thủ tướng, sẵn sàng trình lên một danh sách những hàng hóa có thể trao đổi giữa hai miền….”

Về lập trường và quan điểm của đại sứ Ấn, cũng như của người Ấn nói chung, Maneli cho là họ đứng hẳn về phía anh em ông Diệm và sẽ rất buồn nếu mất lá bài này. Theo Maneli, anh em ông Diệm tinh khôn đủ để thỉnh thoảng nhỏ to với đại sứ Goburdhun về một thứ gì đó liên quan đến thái độ “chống thực dân”, “chống đế quốc”, “chống Mỹ” và “yêu thích trung lập”. Riêng hai từ trung lập đặc biệt hấp dẫn đối với người Ấn. Vì họ tưởng tượng ra rằng với ông Diệm có thể họ sẽ có thêm một thành viên vào khối Không Liên Kết mà Ấn Độ đang lãnh đạo. Vì vậy người Ấn chẳng những trung thành với chế độ Diệm mà còn sốt sắng bênh vực chống lại người Mỹ. Maneli viết:

“Đại sứ Goburdhun nhận vai trò biện hộ cho ông Nhu, giới thiêu ông ta như một chính khách lỗi lạc với người Mỹ, người Anh, người Pháp và Vatican. Và dĩ nhiên với tôi, để tôi sẽ quảng bá ý kiến đó khắp nơi cho mọi người biết ông Nhu là người tốt nhất và người duy nhất để thương lượng.

Về những toan tính của người Pháp mà đại sứ Lalouette có nhiệm vụ thực hiện, Maneli viết một cách bóng bảy:

“Nhưng đại sứ Lalouette thì đang chơi trò này ở một phạm vi rộng lớn hơn nhiều, có thể nói là toàn cầu. Xem ra ông ta muốn cứu chế độ Diệm cho nước Pháp khỏi tay người Mỹ vô tâm. Người Mỹ gạt bỏ món hàng này, thì người Pháp sẽ mua nó với giá hời, cái giá của một cơ sở bị phá sản. Vả người Mỹ cư xử như một người vợ không chung thủy; phản bội chồng, nhưng lại quá ghen không muốn để chồng lọt vào tay ai.”

Khi biến cố Phật Giáo xảy ra thì Maneli đang ở Sài Gòn. Ngày 27/6/63 ông báo cáo cho chính phủ Hà Nội và tòa đại sứ Liên Xô: Trong số phe Phật Giáo đấu tranh chống chính phủ Diệm có 2 thành phần: một là những kẻ ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng, hai là những kẻ có liên hệ mật thiết với Mỹ. Có lẽ có một số người Mỹ muốn dùng phong trào Phật Giáo đấu tranh lật ông Diệm, để sau này người ta khỏi tố cáo Mỹ dàn dựng cú đảo chính.”

Trong một báo cáo khác, tối mật, đề ngày 10/7/63, chỉ gửi cho chính phủ Ba Lan và tòa đại sứ Liên Xô, Maneli lấy làm lạ là Hà Nội và mặt trận Giải Phóng Miền Nam không lợi dụng lúc chế độ Diệm gặp khó khăn này để ra tay. Ông ta suy đoán là ông Hồ muốn để nó sống sót qua cơn ngặt nghèo hầu có thể đi đến một thỏa hiệp với nó sau lưng Mỹ.

“Sài Gòn lúc ấy đầy những tin đồn về những cuộc tiếp xúc mật giữa anh em ông Diệm với ông Hồ. Ở Hà Nội không ai xác nhận những tin này. Nhưng cũng chẳng có ai trả lời câu hỏi của tôi một cách rõ rệt là không có….

“Tôi hỏi Phạm Văn Đồng và Xuân Thủy, nếu Nhu mời tôi tới nói chuyện, tôi sẽ phải hành động ra sao. Họ trả lời ngay: Hãy tới và lắng nghe cho kỹ.

“Tôi lại hỏi: các ông có muốn tôi chuyển đạt điều gì không? Thì được trả lời: “Tất cả những gì mà ông biết về lập trường của chúng tôi về trao đổi kinh tế, văn hóa, về hòa bình, thống nhất. Có một điều dứt khoát là người Mỹ phải ra đi. Trên căn bản chính trị đó, chúng ta có thể thương thảo về mọi sự.

“Tôi hỏi Phạm Văn Đồng, trước mặt Hồ Chí Minh (ông này ngồi im, như là sợ sệt, và lắng nghe chúng tôi nói), liệu họ có thấy khả năng có một thứ liên bang với Diệm–Nhu hoặc một thứ chính phủ liên hiệp không. Đồng đáp: Mọi sự đều có thể thương lượng trên cơ sở nền độc lập và chủ quyền tối thượng của dân tộc.”

Cũng trong báo cáo này (10/7/63), Maneli nói hai bên muốn có thể đi tới một thỏa hiệp mà không có sự tham dự của các đại cường, của Moscow, Washington, và chắc chắn không có sự tham dự của Bắc Kinh.

Về phản ứng của tòa đại sứ Liên Xô, tác giả cho biết tất cả đều cho thấy những kết luận của Maneli là đúng. “Có lý do để nghi rằng người Việt họ muốn thu xếp riêng với nhau”. Ông đại sứ bảo Maneli thế.

Còn phía toà đại sứ Trung Cộng thì xem ra không biết gì về những cuộc tiếp xúc giữa Hà Nội và Sài Gòn, hoặc giả biết nhưng không chấp nhận.

Và Maneli kết thúc chương sách của ông bằng câu:

“Xét về mặt chính trị mà nói thì việc Hà Nội hành động mà không có sự chấp thuận của Bắc Kinh là điều có ý nghĩa nhất.”

Khả năng thực thi và những trở ngại

Qua tất cả các thông tin ở trên do nhiều nguồn, từ Karnow với nhà bác học Bửu Hội và bà Ngô Đình Nhu; qua hồng y Nguyễn Văn Thuận với một công cán ủy viên của nhà vua Bỉ; ký gia Joseph Alsop với tổng lãnh sự Jacques de Buzon; cựu trung tá Nguyễn Văn Minh với đồ án Tam Túc trong quốc sách Ấp Chiến Lược của ông Ngô Đình Nhu; cho đến Ellen Hammer và Mieczyslaw Maneli với rất nhiều nhân vật ngoại giao và các nhà lãnh đạo hai miền Nam Bắc… người ta có thể xác quyết: chuyện tiếp xúc bí mật giữa hai miền là có thật và có lý do thực tiễn của nó. Sở dĩ nó chưa đi đến kết quả cụ thể nào, vì người Mỹ đã sớm ra tay.

Có nhiều lý do để người Mỹ hạ ông Diệm. Nhưng những cuộc tiếp xúc này đã là cái cớ thuận tiện nhất. Đề nghị của Roger Hilsman đã được hội đồng an ninh quốc gia Mỹ chấp thuận. Ngoại trưởng Mỹ đã hối thúc đại sứ Cabot Lodge lệnh cho các tướng đảo chính phải công bố ngay lý do đảo chính là anh em ông Diệm bắt tay với Hà Nội. Những chiến sĩ chống cộng hăng say tại miền Nam ngỡ ngàng. Phần đông cũng lên án âm mưu “bán đứng miền Nam cho cộng sản” và “ngang nhiên đâm sau lưng chiến sĩ”. Ông Cabot Lodge được an toàn không bị lộ diện là sát hại lãnh tụ đồng minh, vì đã có cái cớ chính đáng là tội bội phản, cộng thêm với tội “đàn áp Phật giáo, cho nên Phật tử đứng lên đạp đổ bạo quyền”.

Khi xảy ra đảo chính thì người viết chỉ là một sĩ quan cấp úy đang tu nghiệp tại đài BBC, Luân Đôn. Đã 3 tháng xa nhà, không biết gì về những diễn biến dồn dập trong mấy tháng đó (và 4 tháng sau). Cho nên tâm trạng cũng hoang mang, không biết “tội” của anh em ông Diệm đúng ra ở chỗ nào. Nhưng nghe bài bình luận của đài BBC liền ngay ngày hôm sau đảo chính – lúc ấy tôi có mặt tại phòng vi âm, và được nghe chính người xướng ngôn viên đọc trực tiếp – thì thấy chính phủ Anh(14) không quên nêu lên những việc ích quốc lợi dân mà Tổng Thống Diệm đã làm trong 9 năm cầm quyền và kết luận: lịch sử sẽ công bình đối với ông.

Những năm gần đây, được đọc lại một số tài liệu lịch sử về các biến bố tại Việt Nam, và theo rõi tình hình thế giới suốt nửa thế kỷ qua, chúng tôi xin có một vài ý kiến riêng sau đây.

Trước hết xin được bỏ qua những nhược điểm và khuyết điểm của ông Diệm, cũng như vấn đề tế nhị gọi là “cuộc khủng hoảng Phật Giáo” và các vấn đề khác. Chỉ xin chú trọng đến riêng vấn đề toan tính hiệp thương với miền Bắc mà thôi.

Nhiều người nêu thắc mắc, không hiểu tại sao, hồi 1955–1956, khi ông Hồ kêu gọi hiệp thương để chuẩn bị tổng tuyển cử theo đúng quy định của hiệp định Geneve, thì ông Diệm đã cực lực bác bỏ. Thậm chí năm 1954 thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Cộng ngỏ ý muốn ông đặt liên lạc ngoại giao với Bắc Kinh ông cũng gạt đi. Đặc biệt hơn nữa khi Khrushchev đề nghị cả hai miền Nam Bắc đều gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1957 ông cũng nhất định không chịu. Mà đến năm 1962, 1963 anh em ông lại tính chuyện hiệp thương. Như vậy có phải là tự mâu thuẫn không? Hay phải chăng đây chỉ là đòn tháu cáy của anh em ông với chính quyền Kennedy, khi chính quyền này đang tìm cách lật ông?

Có thể tạm giải thích mấy thắc trên như sau: Năm 1954, vừa về nước trong hoàn cảnh phe quốc gia gần như bị phá sản, sau chiến thắng Điện Biên của cộng sản. Mọi sự phải trông nhờ vào viện trợ của Mỹ lúc ấy do đảng Cộng Hòa cầm quyền với Tổng Thống Eisenhower và ngoại trưởng John Foster Dulles là hai nhân vật quyết liệt chống Cộng hơn ai hết. Chứng kiến cảnh Trung Cộng chiếm toàn lục địa Trung Hoa (1949), rồi xua quân tràn qua vĩ tuyến 38 ở Triều Tiên (1953), phái tướng sĩ sang giúp Hồ Chí Minh điều khiển quân của Võ Nguyên Giáp chiến thắng ở Điện Biên, khiến nửa Việt Nam rơi hẳn vào tay cộng sản, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cương quyết hơn bao giờ hết để đối đầu với khối Cộng. Vì vậy muốn có viện trợ Mỹ, không thể lập liên hệ ngoại giao với Trung Cộng được, dù cho Chu Ân Lai có hảo ý chăng nữa.

Còn việc từ chối gia nhập Liên Hiệp Quốc cùng với Bắc Việt là do nguyên tắc một nước Việt Nam bất khả phân mà ông Diệm ngoan cường tôn trọng. Có người bảo ông ngoan cố hay cố chấp với nguyên tắc All or Nothing (Tất cả hoặc không có gì”) thì có lẽ cũng không quá đáng.

Đến như việc không đáp ứng lời kêu gọi, (hay thách đố?) hiệp thương của ông Hồ những năm 1955 và 1956 là vì cái thế của VNCH lúc ấy còn quá yếu so với Bắc Việt. Hiệp thương để tổng tuyển cử lúc ấy là cầm chắc thất bại. Vì vây ông Diệm đã khôn khéo viện cớ không ký hiệp định Geneve để bác bỏ lời kêu gọi hiệp thương. Và Hoa Kỳ lúc ấy cũng tán thành lập trường này.

Còn việc ông Nhu có ý tháu cáy với Mỹ không thì chúng tôi nghĩ là không. Trước hết, đây là chiến lược dài hạn anh em ông đã có ý định áp dụng từ lâu trước khi có vụ Phật Giáo và toan tính hạ ông Diệm của người Mỹ. Vả lại, theo Ellen Hammer thì chính ông Nhu đã tiết lộ cho ông Cabot Lodge biết ông đang tính liên lạc với Bắc Việt để giảm cường độ chiến tranh. Trong khi đó thì ông ấy lại giấu Maneli, hay đúng ra không dám xác nhận rõ rệt, mà chỉ trả lời câu hỏi của Maneli (về những cuộc tiếp xúc mật giữa hai bên) bằng một câu hỏi thoái thác, cũng giống như Phạm Văn Đồng đã dí dỏm hỏi Maneli một câu tương tư: (“Ông có thích, có tin những tin đồn đó không?”). Chính thái độ không dứt khoát của ông Nhu đã làm đại sứ Pháp thất vọng, vì ông này vốn bênh vực ông Diệm trước ông Lodge, và cũng nói rõ, với ông Lodge: ông Diệm cần ông Nhu.

Có điều chắc chắn là cả ông Nhu lẫn ông Diệm đều chuẩn bị từ lâu để thoát khỏi sự ràng buộc bởi viện trợ Mỹ, vì các ông hiểu rõ nó sẽ trói chặt các ông, không cho thực hiện những chính sách đường lối chống cộng trong các điều kiện của mình mà các ông xác tín là hữu hiệu hơn phương pháp thuần túy quân sự của Mỹ. Quốc sách “Ấp Chiến Lược” vói lý thuyết Tam Túc và tự lực tự cường được đem thực hiện từ đầu 1962 là một bằng chứng. Những lời phát biểu của ông Nhu trong các khóa huấn luyện về Ấp Chiến Lược ở suối Lô Ồ, cũng như lời ông Diệm tâm sự vói ông Võ Như Nguyện được Đỗ Mậu trưng dẫn ở trên là những dấu chỉ khác.

Ngoài ra, tuy rất ghét chủ nghĩa duy vật vô thần trong học thuyết Mác, và những phương pháp hành động tàn bạo dựa trên nguyên lý “cứu cánh biện minh cho phương tiện” mà ông Hồ và đảng của ông ta áp dụng, ông Diệm vẫn có phần nào kính nể, hay ít nhất là nể sợ ông Hồ về phương pháp tuyên truyền hữu hiệu trước quần chúng rằng ông ta chiến đấu chống ngoại xâm, giành độc lập. Mà một trong những điều làm cớ cho luận điệu tuyên truyền đó có tác dụng tốt, là sự hiện diện càng ngày càng đông của người Mỹ trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Hễ cứ có thêm một toán cố vấn đến Sài Gòn, là báo chí khắp thế giới đều biết. Trong khi hẳn là trên miền Bắc cũng có cố vấn Liên Xô và Trung Cộng, nhưng bên ngoài chẳng mấy ai biết, vì họ kín tiếng và giấu kỹ lắm. Vì vậy tuyên truyền Cộng Sản Bắc Việt nói Mỹ Diệm thì nghe xuôi tai. Còn nếu có ai nói Nga Hồ thì nghe lại không ổn. Vì vậy muốn chứng minh cho nhân dân toàn quốc rằng miền Nam hoàn toàn độc lập sẽ khó khăn hơn với sự hiện diện càng ngày càng đông của cố vấn Mỹ.

Kỳ sau: Hòa hoãn, hiệp thương, một sách lược phi vũ trang nhìn dưới lăng kính chiến tranh ý thức hệ.

Copyright © 2006-2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài và chú tích của tác giả. DCVOnline minh họa.
(12): Nguyên tác tiếng Ba Lan. Trích dẫn theo bản dịch Anh ngữ của Maria de Gorgey, NXB Harper & Row, San Francisco 1971. Tác giả đã dành cả chương 6 (từ trang 112 đến trang 132) để nói về vấn đề này.
(13): Vì bà Nhu là một người đàn bà đẹp – (Tướng Trần Văn Đôn, vai chính trong cuộc đảo chính viết trong Our Endless War: “She was an immensely attractive woman, beautiful by everybody’s standard”– Bà ấy là người đàn bà vô cùng hấp dẫn, ai cũng thấy đẹp), lại là “một thứ đệ nhất phu nhân” vì ông anh chồng là tổng thống độc thân, cho nên sau khi chế độ bị lật đổ, những nhà báo muốn câu độc giả bèn cố tạo nên những màn cụp lạc chung quanh bà. Biết đâu tấm hình chỉ là hình ghép khéo? Dầu sao thì Maneli cuối cùng cũng tiết lộ đó là hình một cựu đại sứ Ấn Độ, mấy năm trước cũng từng giữ chưc chủ tịch UHQT.
Hoàng Trọng Miên, một nhà báo nổi tiếng, em ruột Thanh Nghị, một bộ trưởng trong cái gọi là chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã viết hẳn một cuốn tiểu thuyết tràng giang đại hải, lấy bà Nhu, khuê danh Trần Lệ Xuân (mà tác giả gọi vắn tắt là Lệ) làm nhân vật chính cho cuốn Đệ Nhất Phu Nhân. (gần đây, cuốn truyện và tác giả, và những người xuất bản, tái bản nó đã bị Công Tử Hà Đông, tức nhà văn Hoàng Hải Thủy cực lực lên án.) Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là trong cuốn truyện hư cấu này đầy rẫy những vụ tình vụng trộm giữa cô Lệ với những tướng lãnh đương quyền được nêu tên thực, mà nó vẫn được tự do xuất bản. Không lẽ những ông tướng ấy không biết để ngăn chặn? Hay biết mà vẫn hãnh diện vì được “dính” với một “Cleopatra Việt Nam?” Cũng như Maneli tự thú mình cải chính một cách miễn cưỡng, vì còn tiếc cái tiếng “ảo” là được ‘dính’ chút đỉnh?
(***): SĐD trang 114)
(14): Tuy đài BBC, mà hội đồng thống đốc do Nữ Hoàng Bổ nhậm, hoàn toàn độc lập, nhưng các chương trình ngoại ngữ thì lại do bộ ngoại giao chi phối.