Về những người tôi đã biết

Nguyễn Văn Lục

Về Sài Gòn, gặp bạn bè là chuyện mong ước bình thường của một người đi xa về. Mà phần lớn là 30 năm 40 năm chưa gặp. Gặp nhau để thấy mình đã bắt đầu già. Nhiều kỷ niệm thời tuổi trẻ được nhắc nhớ lại mà vui, mà cười, và ngậm ngùi nữa.

Sài Gòn 2006. Nguồn: Stéphanie Barbon

Tôi có may mắn gặp lại khá nhiều bạn bè, từ bạn đi học trước 1955, lúc tiểu học ở ngoài Bắc. Bạn thời sinh viên, bạn đồng nghiệp. Phần đông bọn họ đều có nếp sống tương đối khá. Nhà cửa có thể khang trang hơn trước 75. Nhiều bạn kể là sung túc, có nhà, có xe hơi. Phần đông con cái các bạn ấy cũng học hành thành đạt, có nghề nghiệp. Chỉ một số rất hiếm hoi kém may mắn hơn.

Như vậy là mừng cho bạn bè.

Thường chúng tôi hẹn gặp nhau ăn uống không có vấn đề gì. Bữa ăn trở thành bữa ăn đoàn tụ, nối lại tình bạn xưa. Không biết bao nhiêu truyện được nhắc lại. Thật là quý hoá.

Nhưng có những người tôi muốn gặp, đôi khi phải kéo nhau ra quán nhậu. Có những người tôi đến nhà mà phải mắt trước mắt sau. Nhất là hôm tôi đến gặp một vị thời trước đã gây cả một phong trào chống ông Thiệu tham nhũng, nay phải ngồi xe lăn. Gặp thấy ngại quá. Có người bạn cho tôi coi tài liệu, thấy hay quá muốn chộp mang về. Anh ta nói, “tài liệu để trong nhà tôi thì được, vì công an phường khóm biết tôi rồi. Nhưng đưa cho cậu cầm về, họ có thể bắt cậu ngoài đường.”

Luật lệ nó khó hiểu như thế đấy.

Có người bạn, anh Vũ Sinh Hiên, cho biết cứ bị gọi lên làm việc, mặc dầu chẳng có việc gì. Riết rồi anh đâm lì, lên là cãi vung tý mẹt, rồi ra về. Xin đi thăm gia đình ở ngoại quốc không cho đi, vì sợ. Ở trong nước, anh muốn viết thì không có chỗ nào để đăng, vì báo thì tuyền của nhà nước. Anh viết thỉnh thoảng vài bài báo rất hiền lành như: Nhân đọc chiều chiều của Tô Hoài hay còn hiền hơn nữa như La-Vang: lời kinh dài hai thế kỷ. Anh tức mình bỏ điện thư, bỏ điện thoại. Liên lạc với anh đâm khó khăn quá. Anh có tặng tôi 2 cuốn sách photocopie do anh viết. Nội dung rất tốt, không đả động đến chính trị. Đó là cuốn Sứ vụ Jarai, nói về việc truyền giáo ở Tây nguyên. Cuốn thứ hai Câu chuyện của những cây đại thụ, nói về mấy LM đi truyền giáo trên xứ Thượng. Rồi Bánh chưng Mậu Dần. Cuối cùng giấy phép không có, anh đành in lậu để tặng bạn bè.

Sách in photocopie trở thành bất hợp pháp. Người viết đang là một công dân bình thường trở thành một người công dân có vấn đề, vì viết sách in lậu. Có thể bị nghi ngờ và có thể bị bắt..

Sách nội dung như thế, tại sao không cho giấy phép. Chắc vì không phải ở trong Hội Nhà Văn. Cái tổ chức ấy đã có lần tôi viết: Hội nhà văn như thế đã đến lúc phải bỏ. Nó không có tư cách pháp nhân để có quyền cho phép hay không cho phép một tác phẩm đưọc in hay không in.

Trong khi đó thì tôi thấy có những người viết mạnh, viết gây vấn đề như Nguyễn Trọng Văn (NTV) trước 1975, người của Mặt trận, đi theo cách mạng, nay gần như hơn 30 năm cộng chung viết được mấy bài. Mà viết không còn được như trước nữa. Viết hiền, viết sạch, viết chung chung. (1)

Xin nhắc với bạn đọc là tôi kính phục và trân trọng Nguyễn Trọng Văn, một người bạn của tôi thuở sinh viên. Vào năm 1978, anh đọc một tham luận kể rằng người trí thức miền Nam còn ở lại đất nước tự xưng mình là những tín đồ của chủ nghĩa 3N. Chủ nghĩa 3N là chủ nghĩa gì. Anh giải thích 3N là: Ngu, Nghèo và Nhát. Sau bài tham luận, hai tuần sau, chính ông Trần Trọng Tân, trưởng ban tuyên huấn thành phố HCM xuống chủ trì cuộc hội nghị và đả phá lại quan điểm của Nguyễn Trọng Văn mà họ đánh giá NTV là xuyên tạc, ý đồ xấu Sau đó anh bị cảnh cáo nghjiêm khắc. Từ đó đến nay, anh rút vào im lặng.

Không phải tại anh. Tại sao trước viết như thế, nay ra nông nỗi này.

Tôi có cảm tưởng, chỉ có thể viết, chỉ trở thành nhà văn khi sống ở Hà Nội.

Người của Sài Gòn cũ trở thành một công dân bình thường đã khó, nói chi đến truyện viết. Có viết cũng trở thành què quặt như người bị đứt tay, gẫy chân. Tôi đã gặp người ở Sài Gòn, họ thường dè dặt lắm khi phát biểu. Nói đúng ra là họ sợ. Nhưng những nhà văn, nhà báo Hà Nội thì ăn nói tự nhiên, ăn nói bạo mồm, bạo miệng hơn như thể họ có cái thế để nói.

Người Hà Nội bây giờ và người Sài Gòn cũ khác nhau chỉ ở cái thế

Nguồn: Uta Theile Photography

Gặp Nguyễn Thị Hoàng, tác giả Vòng tay học trò nói viết rất nhiều, rất cao, rất tới. Nói đến đây, chị không dấu được niềm tự hào về chính mình. Tôi hỏi, thế có đọc những nhà văn trẻ không. Trả lời, đọc mình chưa xong hơi sức đâu đọc người khác. Niềm tự hào hình như lại muốn nhô lên một lần nữa qua câu trả lời. Rồi buông thõng xuống: viết nhiều lắm, nhưng viết xong bỏ xó, vì ai cho in. Chị ra vẻ chán chường, cái gì cũng nói tiêu cực, đen tối. Tôi nghĩ lại thời sinh viên, lúc chị ở trên Đà Lạt, chính ở nơi đó trên miền cao nguyên đất lạnh mà chị viết ra tác phẩm đầu tay Vòng tay học trò. Nhân vật Lưu hay các nhân vật khác đều có thật. Lưu, chính là Nguyễn Văn Lan, giáo sư triết trường Trần Hưng Đạo. Tự nhiên, một nhà văn nữ nổi tiếng một thời với hơn 20 chục tác phẩm làm vốn như Giọt hồng thời gian, Về trong sương mù, Tuổi Sài Gòn, Một ngày rồi thôi, Đất hứa, Bóng tối cuối cùng, Gót hồng thời gian, Vào nơi gió cát, Rừng thần tiên, Năm tháng đìu hiu, Ngày qua bóng tối, Bây giờ và mãi mãi, v.v. đã tắt tiếng từ 35 năm nay. Như thế có oan ức không? Có buồn không, có vô lý không?

Nhưng cùng một cỡ, cùng một thời với Nguyễn Trọng Văn có Lữ Phương, viết khá nhiều và khá mạnh, có chất lượng nữa. Ngay từ năm 1997, anh đã viết nhiều bài gây sốc như Chủ nghĩa Mác đã được sáng tạo như thế nào. Rồi dám đụng đến một người ít ai dám đụng là: Hồ Chí Minh với bài viết: Huyền thoại Hồ Chí Minh. Đụng tới nơi, tới chốn. Tiếp theo đó viết vô số bài gửi ra bên ngoài, đăng trên Talawas như Nhân danh Marx, có thể chống bóc lột không. Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam.

Tháng 8, năm 1998, Ủy ban nhân quyền Mỹ tặng cho ông giải thuởng vì đã bị đối xử và bị ngược đãi vì lý do chính trị cùng với 8 người khác là: TT Tuệ Sĩ. Lữ Phương. TT Thích Trí Siêu. Hoàng Tiến. Phạm Thái Thủy. Nguyễn Ngọc Tân và hai người khác dấu tên vì lý do bảo vệ an toàn cho họ. Tài liệu viết như sau:

“Lữ Phương, free lance writer, joined the Viet Cộng in 1968 and after the war worked at the Ministry of culture until he was forced to retire for expressing dissident views. His writing is banned in Vietnam. His foreign correspondence screened by the Ministry of Interior and is closely followed by the cultural police.”

Vũ Sinh Hiên viết sạch, viết hiền bị gọi lên làm việc, bị nghi ngờ, bị để ý.

Nhưng viết mạnh, viết bạo như Lữ Phương thì cho đến lúc này chẳng sao

Nguyễn Ngọc Lan cũng vậy, tác giả cuốn sách Cho cây rừng còn xanh lá với cả thảy 50 bài. Cũng đến 30 bài chửi Mỹ và chính quyền VNCH. Sau này bị thất sủng vì bài Hà Nội tôi thế đó. Ông viết nhật ký liên tục trong nhiều năm như: Nhật ký 1989-1990,1991. Nhật ký 1990-1991, 1993. 1998, v.v. giọng văn dí dỏm, thích chơi chữ, viết xỏ xiên. Viết đủ kiểu, chửi đủ kiểu tất cả đời sống xã hội hằng ngày, nhất là phê bình giới thẩm quyền giáo hội.

Nay Nguyễn Ngọc Lan cũng chẳng sao cả.

Có những người tưởng rằng bị canh chừng dữ lắm. Như LM Chân Tín. Tôi thấy ông đi lại tư do, gặp người mà ông muốn gặp. LM Chân Tín, có cho in vào một tuyển tập, Luồng gió mới, gồm các bài viết trước 1975, từ 1961-1969. Tin Paris xuất bản, năm 2000. Sau 1975, đại biểu Quốc Hội, ông có viết và cho in cuốn Nói cho con người, 1993, in tại Pháp. Ông viết nhiều bài ngắn có tính cách phê phán nhà nước qua các Lá thư Chân Tín. LM mà chuyên viết thư thôi. Cho đến tháng tư-1999, tôi còn nghe tin bị giam lỏng ở Cần Giờ. Nay tôi tới thăm một vài LM bạn khác, trông thấy ông thong dong đi dạo chung quanh nhà thờ.

Chỉ đành cúi đầu chào một người đã nổi tiếng một thời. Nay chỉ còn là một cái bóng nhòa.

Thật khó mà biết nhà cầm quyền Cộng Sản đánh giá mỗi người ra sao.

Lại có trường hợp như nhà văn Đỗ Hoàng Diệu; bà viết bạo lắm, đụng đến cơ chế, những giá trị lịch sử, truyền thống, chính trị. Báo chí trong nước chửi um lên, tưởng bị trù dập ghê lắm. Tôi viết bài bên này phải đắn đo từng chữ, sợ liên lụy cho nhà văn. Biệt hiệu cũng né tránh. Về gặp, thấy nhà văn có vẻ thoải mái, ung dung tự tại lắm. Chung quanh có các nhà văn, cán bộ văn hoá tư tưởng ngồi đấu chuyện.

Tại sao có sự khác biệt giữa những người trên.

Việt Nam mình có nhiều điều như thế, có những điều rất là bình thường, nó trở thành không bình thường. Có những điều tưởng bất bình thường lại là bình thường. Người ta phải đánh giá cái không bình thường và bình thuờng đó từng trường hợp một.

Có thày Lê Mạnh Thát cũng đặc biệt lắm, một người trước đây bị kết án tử hình cùng với thầy Tuệ Sĩ. Một ông thì gầy như que củi, như bộ xương cách trí biết đi. Ông kia thì như con gái. Ở bên này, nghe tin các ông bị tử hình, nghĩ bụng, các ông ấy gầy ốm tong teo, chỉ ở tù cũng chết rục xương. Nay thày Lê Mạnh Thát thay đổi nhiều. Thày khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, mập hơn xưa. Mái tóc không biết có nhuộm không, vẫn còn đen, trông như người trạc 50 tuổi. Ông trẻ ra nhiều so với tuổi. Thói quen lúc nào nói chuyện cũng nhâm nhi tý mất gừng. Ăn nói tự nhiên, bặt thiệp, cười nói vui vẻ và tự tin.

Thời trước, tương quan giữa chính quyền và các tôn giáo là tương quan Xin – Cho. Có những cái đáng nhẽ chẳng cần xin và cũng chẳng cần cho. Chẳng hạn, tổ chức mừng lễ Phật Đản cũng phải làm đơn xin tổ chức. Lẽ dĩ nhiên rồi người ta cũng cho. Nhưng thật ra đó là một sinh hoạt nội bộ bình thường của bất cứ tôn giáo nào, chẳng đụng chạm gì đến nhà nước.

Ông nhận xét bây giờ không phải là chế độ xin-cho như trước nữa mà là đòi, không đòi là dại. Lại cười. Ông thông minh và nổi tiếng giỏi từ hồi còn sinh viên. Có khiếu về ngôn ngữ, biết nhiều tiếng cổ ngữ, viết cũng nhiều, nhưng dịch là chính. Ông dịch vô số, hết bộ này đến bộ kia. Ông viết: Lịch sử Phật Giáo Việt Nam (3 tập). Triết học thế thân Vasubandhu. Trần Thái Tông toàn tập. Trần Nhân Tông toàn tập. Nay chức vụ của ông là Phó Viện Trưởng Thường Trực, Học Viện Phật Giáo Việt Nam. Nay chương trình kế hoạch xây dựng Viện Đại Học Phật giáo rất là vĩ đại, đầy triển vọng tương lai với một Viện Đại Học Phật giáo trên một mảnh đất rộng 30 mẫu tây, tại làng Le, Tân Quý Đông. Nơi đó, trong tương lai sẽ có ký túc xá cho sinh viên và mười ngành học khác nhau. Sắp tới đây, vào ngày 15-16 tháng Bảy, ông sẽ tổ chức một buổi hội thảo: Phật giáo trong thế kỷ mới. Cơ hội và thách thức. Tờ Tư tưởng sau bao nhiêu năm vắng mặt, chừng vài tháng nữa sẽ ra mắt bạn đọc. Cơ sở Viện Đai Học Vạn hạnh cũ, tại số 222 Trương Minh Giảng sẽ được trả lại. Cơ sở quá này quá hẹp chỉ có 4000 mét vuông sẽ chỉ được dùng làm văn phòng.

Một lần nữa cho thấy chính quyền đã nới tay, đã hợp tác và giúp đỡ tất cả các tôn giáo. Chúng ta chờ đợi một tương lai, trong đó mối liên hệ tôn giáo chính quyền tốt đẹp hơn. Căng thẳng, gây khó khăn, gây rắc rối đưa đến đối dầu để làm gì. Chẳng lợi cho ai cả.

Từ một người bị kết án tử hình chống đối chính quyền cách mạng đương thời, ông trở thành cái phao cứu cho mọi phía. Phật giáo cần ông, một trí thức ưu tú hàng đầu và chính quyền cần ông như một chính sách, đường lối hợp tác mới mở ra một viễn tượng tương giao mới cho Việt Nam.

Rất thoải mái, rất thong dong, rất tự tin và rất tự do như khi ở trong tù 4 năm. Cái bản án tử hình đó nay trở thành một bảo chứng, lá bùa hộ mệnh: đã có cái chứng chỉ án tử hình thì còn có cái gì mà sợ nữa.

Mà ông không sợ thật.

Phải chăng, ông là mẫu người thích hợp nhất bây giờ.

Thứ người của tốt đời đẹp đạo. Một thứ le dernier des Sĩ Phu bây giờ.

Thảnh ra, có những vấn đề ở Việt Nam, phải về mới biết, phải sống mới biết. Tưởng rằng rất gay go, rất bi kịch, khủng hoảng đến không cứu gỡ được lại rất là bình thường.

Thật ra chuyến về Việt Nam đối với tôi chỉ là thăm anh chị em tôi và các cháu, sau nữa là gặp những người mà tôi cần gặp và nhất là những người bạn của anh tôi ở ngoài Bắc. Bên cạnh đó, tôi muốn tìm lại bạn bè của anh tôi để truy lùng lại vụ án xét xử anh tôi dẫn đến mấy chục năm tù tội.

Về những người bạn của anh tôi

Trước hết nói qua về anh tôi 1922-1991(2).

Anh tôi, Nguyễn Văn Thông, học Triết Đại học Louvain, xong Tiến sĩ phần 1, sang Pháp học tiếp Thần Học ở Institut Catholique, Lyon, sau đổi sang Institut catholique, Paris, ghi tên học thêm triết học Đông Phương ở trường École des hautes études và Collège de France. Anh tôi kể, học với Giáo sư Gaspardonne, trong đó có 3 sinh viên Việt Nam là các ô. Lê Thành Khôi, Lê Văn Sáu và anh tôi. Ông Lê Văn Sáu, sau về dạy tại ĐHSPTPHCM. Nhận được thư GM Hà Nội bảo về, anh tôi bèn bỏ học và về Sài Gòn, ngày 21-4-1955. Trước khi về, anh tôi có gặp GS Paul Mus ở Collège de France, ông này khuyên không nên về. Trên đường về cùng với Lm Nguyễn Ngọc Oánh, du học Hoa Kỳ, có ghé Rome. Sau khi ở Saigon khoảng một tuần rồi ra Hà Nội. 1955-1957, làm việc ở Toà Tổng Giám Mục Hà Nội. 1957-1960, giáo sư Đại chủng viện. Đại chủng viện bị nhà nước đóng cửa, làm cha phó nhà thờ chính toà Hà Nội với Lm Nguyễn Văn Vinh (Lm Vinh cũng du hoc Pháp năm 1945, sau cũng bi giam trên trại Cổng Trời và chết ở trên đó. Trong bài ký của ông K. Vĩnh có nhắc tới cái chết của Lm Vinh trên cổng Trời).

Hồi 7 gìờ sáng ngày 12-10-1964, nghĩa là 9 năm sau khi về Hà Nội, anh tôi bị dẫn ra tòa án thành phố nghe đọc lịnh bắt giữ, rồi bị tống giam ngay vào Hoả lò. Sau này, anh tôi có kể là các phòng bên cạnh giam chung với các phi công Mỹ. Công an đến lục soát nhà từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Sau đó toà tuyên án 13 năm tù ở và ba năm quản chế. Nhưng thực tế kéo dài thêm 11 năm nữa. Vị chi là gần 30 năm, nếu tính cả quản chế. Giam Hoả lò 4 năm. Sau đó đưa lên trại Cổng Trời Hà Giang, trại được coi là cổng trời là chỉ để chờ chết.

Quý vị muốn biết trại Cổng Trời thế nào, xin tìm đọc ông K. Vĩnh. Ông K. Vĩnh có viết lại một bài nhan đề Cuộc tuyệt thực gửi sang cho báo Thế kỷ 21, vào đầu năm 1997. Thế kỷ 21 đã thêm vào: Cuộc tuyệt thực ở trại Cổng Trời. Đọc đến cảm động. Trong cuốn Đêm giữa ban ngày của ông Vũ Thư Hiên có viết về trại Cổng Trời như sau:

“Cổng Trời là một trại giam ở xa tít mù tắp mãi tận Hà Giang, bên kia Mù Cang Chải, giáp giới Trung Quốc. Cổng Trời đi vào Huyền Thoại là nỗi kinh hoàng của tù. Những người đã từng sống ở Cổng Trời thậm chí không muốn kể về nó, không phải vì sợ bị Công an trừng phạt nghiêm cấm nói đến các trại) mà còn vì sợ người nghe nghĩ mình bịa đặt. Những người tù nói rằng ai đã lên đến Cổng Trời mà còn về được coi như sống lần thứ hai. Chế độ giam giữ ở đây rất khắt khe. Hơi một tý là bị khoá Cánh tiên, bị hạ huyệt, còn nếu bị cùm hộp thì coi như đời đi tong.”

Muốn biết 3 lối tra tấn này, xin đọc Đêm giữa ban ngày  của Vũ Thư Hiên trong đó thi sĩ Nguyễn Chí Thiện chỉ chịu được một giờ thì ngất xỉu.

Anh Lâm Chương trong truyện: Mảnh đất nhiều âm binh, Hợp Lưu, số 87 đã viết như sau về những ngày trong trại cải tạo: Trại cải tạo, tôi đã ở 10 năm. Tôi biết địa ngục là có thật. Trên đời này, tôi sợ nhiều thứ, nhưng không thứ nào tôi sợ bằng trại cải tạo. Nó làm cho con người chết dần chết mòn trong đói khát và lao động khổ sai. Nhiều năm qua rồi, tôi muốn quên đi, nhưng không sao quên được. Nhìn đâu và làm gì, tôi cũng liên tưởng đến nó.

Dù là một truyện ngắn, nhưng tôi nghĩ rằng nó phản ánh cuộc đời thật của anh. Và có chế độ nhà tù nào tử tế đâu. Nhà tù thì ở đâu cũng thế. Nhưng tù dưới chế độ cộng sản là khủng khiếp nhất vì hai lẽ: Không biết mình tội tình gì và không biết bao giờ được tha.

Sau này, anh tôi lại được chuyển về trại Lào Cay. Đưa về giam ở trại Cổng Trời một lần nữa, rồi trở về Hỏa lò lần thứ hai, giam thêm 18 tháng trước khi bị đưa đi quản chế. Khi bị quản chế, người nhà ra thăm nuôi đã được bí thư xã nói như thế này,

“Anh Thông học tập cải tạo cả 20 năm mà chưa thấy tiến bộ bao nhiêu. Vẫn hay cãi, tranh luận.”

Hai lần lên trại Cổng Trời, hai lần về Hoả lò mà không chết cũng là điều lạ.

Mãi đến năm 1987 mới được thả ra và chỉ bị quản chế. Và mãi đến năm 1991, anh tôi mới được vào thăm gia đình ở miền Nam. Lúc đó, anh tôi đã mắc bệnh tâm thần nặng, lúc tỉnh, lúc không tỉnh, thêm bệnh gan.

Một tình trạng nửa sống, nửa chết rồi nhà nước mới cho giấy phép đi vào Nam thăm gia đình. Tôi nghĩ, sao mà bất nhân thế. Vài tháng sau, anh tôi qua đời.

Tôi nghĩ ít ra anh cũng được chết ở miền Nam. Thế là ngót gần nửa thế kỷ, anh em không được gặp nhau.

Thật ra, đối với tôi, anh tôi đã chết từ lâu rồi. Đợi chi đến 1991.

Nguyện vọng của tôi là muốn biết xem anh tôi bị tội gì, bị đưa ra tòa và tòa án xử ra sao.

Một việc đơn giản như thế mà kết cục sau 2 tháng, tôi về tay không. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết anh tôi bị kết án về tội gì và sao bị giam lâu thế. Ra tù là ra tù, sao còn bị quản chế. Quản chế là cái gì mà đầy đọa nhau lâu thế. Cả gần nửa phần đời anh tôi ngồi tù mà có thể đến lúc chết anh cũng không biết mình có tội gì và vì sao, anh lại bị giam oan uổng như thế.

Nay thì tôi chỉ cần một lời xin lỗi gia đình tôi. Mà tôi chắc rằng, một lời xin lỗi cũng không có nữa. Đất nước mình nó như thế đấy. Nếu ở bên xứ này thì tôi có thể bạch hoá tội trạng của anh tôi và đòi bồi thường thiệt hại những năm bị giam tù. Ở Việt Nam thì đến một lời xin lỗi cũng không có.

Trước tiên, tôi đến thăm một người coi như anh em với anh tôi. Ông VĐL, nay ông làm lớn, lớn đến cái độ là có thể ông sẽ có tên đường ở ngoài Bắc. Nhưng tôi chưa thấy tên ông. Số phận đã đưa đẩy thế nào để một người gần cả đời ngồi tù và một người gần cả đời làm lớn. Rất tiếc là ông đã chết cách đây hơn nửa năm.(Xin nói rõ thêm, ông này có giấy phép đi thăm nuôi anh tôi do Phủ Chủ Tịch cấp). Thôi thì tôi cũng mang chút hoa quả và đến vái ông một cái. Bác gái vẫn thật thà chơn chớt và ngay thẳng. Tôi có hỏi thì bác nói tránh ra:

“Cái đó ông nhà tôi biết chứ chú hỏi tôi cũng bằng thừa vì tôi không biết gì. Mà có thể ông nhà tôi cũng không biết, vì lúc đó, ông có thể vào trong Nam rồi.”

Tôi có nhờ một anh thanh niên, có thể là một anh bảo vệ, dùng máy của tôi chụp với bác gái và chụp trước di ảnh bác trai. Tôi dặn anh nhớ chụp cả các vòng hoa phúng điếu. Có tất cả 6 vòng hoa, mỗi bên tường 3 cái. 5 cái lớn là thuộc các tổ chức như Tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, chủ tịch mặt trận gì đó. Rất tiếc ảnh mờ không rõ chữ. Quý vị độc giả nào rành rẽ những chuyện thủ tục này xin chỉ cho cái thứ năm là của ai. Riêng cái thứ sáu, nhỏ nhất của con cháu trong gia đình.

Tôi đã nghe bác gái kể về cuộc đời bác trai, về cuộc tình của hai người, v.v… thì trong lòng tôi thấy cảm phục. Trong bao nhiêu năm trời, những ngày xa nhau thì nhiều, những ngày sống chung thì ít. Bác đi biền biệt. Vậy mà cũng có hai mặt con, một trai, một gái.

Bác dẫn tôi đi thăm nhà và chỉ cho tôi thấy ở bên cạnh toà nhà của bác, nay xây cất một căn nhà lớn 3 tầng để làm trường mẫu giáo quốc tế. Tôi hỏi đây là căn nhà bác trai xây. Không, bác gái trả lời, “Người ta xin xây làm trường và có khoảng 200 học sinh. Học phí họ định ra với phụ huynh vào khoảng 2000 đôla, một năm. Mình chẳng dính dáng gì cả.” Thế tức là mình cho thuê. Bác nói, “Cũng không, có phải nhà mình xây đâu.” Bác nói thêm: chỉ có điều sau 5 năm thì toàn bộ trường ốc thuộc về mình. Ô la la, thế thì là một số tiền khủng khiếp lớn. Hỏi bác như thế thì độ bao nhiêu tỷ. Bác lắc đầu bảo: cũng không biết nữa.

Riêng ông chủ trường, họ chỉ cần đầu tư 5 năm mà đã lấy lại được vốn xây nhà và còn lời nữa. Thật khó mà tưởng tượng được.

Lúc từ giã bác gái ra về, tôi vẫn tin tưởng là bác trai có thể là người trong sạch.

Nhưng tôi tự hỏi, bác trai không tham nhũng. Vậy mà nay bác gái có thể nắm trong tay một số tiền tỉ, tỉ. Số tiền đó ở đâu mà ra và gọi tên nó là gì. Bác đã như thế, thế thì những người tham nhũng thật sẽ có bao nhiêu tỉ, tỉ.

Đó là câu hỏi cho những thực tế ở Việt Nam mà câu trả lời cũng không phải là dễ. Nhân tiện đây, tôi cũng xin kể là tôi có về thăm căn nhà cũ của tôi ở số 224B Nguyễn Huỳnh Đức. Căn nhà hồi đó mua là 5 triệu 3 trăm ngàn, tính giá vàng hồi đó là một vài chục ngàn gì đó. Khi đi sang đây thì chúng tôi có nhận được một tờ giấy cỏn con có ghi, “Căn nhà này do nhà nước quản lý.”

Vậy thì nhà nước quản lý đến bao giờ. Quản lý là giữ dùm chứ không phải lấy. Vậy thì theo quý vị độc giả, bao giờ thì tôi có thể lấy lại căn nhà này?

Khi ra Hà Nội, tôi có đến thăm một bà quen gọi là cô Hương, hồi trước là con nuôi của anh tôi. Nay bà sống bằng nghề coi mạch, bốc thuốc theo nghề ông cụ truyền lại. Căn nhà vẫn giữ nếp xưa, tồi tàn và xuống cấp so với những căn bên cạnh. Mặc dầu tuổi cũng sấp xỉ tôi, bà vẫn giữ lễ gọi tôi bằng chú, xưng cháu. Tôi hỏi thẳng bà về chuyện anh tôi bị bắt, bị xử như thế nào. Bà nói bố bị bắt thì chỉ ít lâu sau, cháu cũng bị bắt, giam cả năm trời. Vì thế cháu không biết. mà cháu có ở ngoài thì cũng là phiên tòa xử kín.

Sau đó bà có đưa tôi ra Hoả lò để xem chỗ anh tôi bị giam cầm. Tôi không được vào xem. Nay thì nó trở thành một Hotel quốc tế sang trọng. Chỉ còn giữ lại ở bên hông Hotel một chút dấu tích. Nhưng điều đó chẳng giúp tôi có ý niệm gì về việc giam cầm ở đây cả.

Tôi chưa thất vọng và đã đến thăm một người bạn cùng lớp với anh tôi và cùng đi du học với nhau. Anh tôi học Pháp, Bỉ. Đức ông Oánh học ở Mỹ. Ông này cũng là một trong số 10 sinh viên Việt Nam đầu tiên học ở Mỹ. Ông sống ẩn dật, mai danh ẩn tích, vì bị quản chế từ mấy chục năm nay rồi. Tôi phải đi khoảng 40 cây số bằng Honda về quê để gặp ông. Người nhà cho biết là nghe tin em bạn mình tới thăm là ông không ngủ được, chỉ chờ sáng để gặp. Mừng lắm. Bà còn tố cáo thêm, cứ nhắc đến anh ông là khóc nhưng nhức. Tôi cũng mừng mừng, tủi tủi.

Sau đó nói chuyện trò một chặp thì tôi có đề cập đến trường hợp anh tôi bị bắt tù và nay muốn ra đây hỏi xem câu truyện như thế nào. Xin nói thêm là tôi có mang theo agenda và mở ra trước mặt, chuẩn bị ghi chép. Cái thói quen xấu này gây ra nhiều hiểu lầm phiền toái cũng như tức cười. Có lần đi xe taxi, tài xế nói đủ thứ, tôi vội vàng ngồi đằng sau ghi chép. Biết được, anh cuống cuồng nói dừng đưa anh lên báo, anh còn vợ con phải nuôi. Tôi phải trấn an anh. Nhưng có lần lên Sapa, tài xế có nhiều nhận xét rất hay. Tôi phải ghi. Biết được, anh tài xế mạnh miệng nói: “ghi thêm tên tuổi đi, thằng này nói, thằng này không sợ.” Trong những bữa ăn, bạn bè nói điều gì hay, tôi lấy sổ ra ghi liền.

Cũng không quên là tôi có mang theo một máy thu băng nhỏ, chưa kịp lôi ra. Cũng là còn may. Ông thấy tôi định ghi chép, đổi thái độ liền, trước còn nói nhỏ, sau ông to tiếng: “À ra đây là để tra vấn tôi hả. Này nói cho mà biết, tôi không biết gì, không biết gì. Đừng có hỏi vô ích.” Nói một chập, ông tính đứng dậy bỏ đi chỗ khác.

Sau cả hơn nửa thế kỷ mà ám ảnh sợ hãi vẫn vây kín lấy ông. Thật tội nghiệp. Ông không muốn nói, tôi đành chịu.

Tôi trấn an ông và nói: bác không muốn nói thì thôi, mình nói chuyện khác, tôi gấp tập agenda cho vào túi. Vậy là bác lại vui vẻ, bá vai tôi dẫn ra vườn. Tôi ở đến xế chiều thì xin về. Bác ra chiều thất vọng. Bắt tôi hứa lần sau ở lâu. Tôi đành hứa đại và nghĩ chẳng biết bao giờ, tôi có thể quay lại. Mà quay lại, chắc gì bác còn sống trên cõi dương gian này. Khi ra về, bác có tặng tôi một cuốn luận án về xã hội để lấy bằng MA của bác ở bên Mỹ.

Nghĩ về người bạn này của anh tôi, tôi xin ghi lại đây lời mở đầu cuốn sách của Mgr Paul Seitz, nhan đề: “Le temps des chiens muets” (Thời của những con chó câm) ghi lại thời gian ông sống trên Kontum, sách photocopie tôi mang theo về: Les chiens muets, ce sont ceux qui ont peur de dire la vérité, qui n’osent plus aboyer. (Những con chó câm là những con chó sợ hãi không dám nói sự thật và cũng không dám sủa nữa).

Thật ra, còn có hai ba người nữa là bạn học, hoặc biết rõ về anh tôi. Thứ nhất là cụ CXH, ở đường Hàng Chiếu, Hà Nội, nay đã chết. Một người ở Nam Định là Giám mục Trọng, người được anh tôi tin cẩn và thân nhất và một người ở Hải Phòng, Lm Phạm Hân Quynh (cũng đã du học bên Pháp, năm 1989, ông được sang Paris vì có sự bảo lãnh của Hồng y Lustiger, Hồng y ở Paris vốn là bạn học cũ).

Tôi đã không có cơ hội đi thăm họ.

Xin trích dẫn một đoạn thư anh tôi viết trước khi lên đường du học như lời kết phần này:

“Anh biết bước ra đi. Anh phải nỗ lực đè nén những thương đau, những nhớ tiếc. Và có nhẽ anh sẽ ra đi trong yên lặng, nghĩa là xa hết mọi người thân mến của gia đình- thày mẹ, anh chị và các em. Anh sẽ ra đi trong im lặng, vì anh không muốn để cho tâm hồn bị đảo lộn, hay cho dòng lệ tuôn rơi. Như thế yếu quá. Anh muốn đi một cách bình thản- yên tĩnh, nhìn trước mắt cái sứ mệnh của ngày mai. Đừng ai trách anh muốn trốn tránh cảnh khổ, đi tìm một chốn thanh bình. Không. Đời anh đã cống hiến. Nó sẽ ngưng, sẽ tắt nhanh chóng trước một viên đạn hay chết dần theo thời gian, nó vẫn là một đời cống hiến. Lâu hay chóng không hệ. Trước hay sau không lo. Nó vẫn là một đời cống hiến. Trong nháy mắt hay trong những ngày tháng miên man, đời sống có thể dập vùi trong giây lát hay hy sinh chậm chạp dần dần. Và như thế, chưa chắc đằng nào sướng hơn. Nhưng anh không tính lợi hại. Anh tính đường phải đi để về tới đích. Anh tính đường phải tiến lên. Đường phải lên tới đỉnh.”

Về người bạn Dương Văn Ba

Trong số bao nhiêu người bạn, chỉ viết về Ba gà, chỉ vì anh có liên quan đến một vụ án chính trị chấn động cả nước. Dương Văn Ba mà chúng tôi quen gọi là Ba gà nổi tiếng trong bọn sinh viên từ lúc đi học năm đầu Đại học rồi. Anh ta một vợ 5 con, trong khi chúng tôi thằng nào cũng cu ky một mình. Lương chỉ có 1500, trệu trạo ăn cơm xã hội mới đủ sống. Vậy làm thế nào, anh nuôi nổi một vợ 5 con, lại còn có vẻ sung túc hơn chúng tôi. Anh đánh xì phé, cá độ Baby foot, một trăm đồng, một trận. Tôi đoán anh và một số đồng bọn lại gõ cửa ông Viện trưởng lợi dụng lòng tốt bụng của ông. Ông này chuyên môn bị lừa vì cái tốt bụng của mình. Có khi ông biết bị sinh viên gạt, nhưng ông vẫn cứ cho tiền. Biết mà vẫn cứ cho, vẫn cười như thể không biết gì.

Sau này, các cựu sinh viên, nhất là sinh viên Chính trị Kinh doanh làm giỗ ông Viện trưởng khắp nơi, Pháp, Canada, Montréal, Toronto và nhất là Mỹ. Họ còn chung góp tiền bạc xây cho ông ở Bình Triệu một căn nhà khang trang để ông di dưỡng tuổi già. Tôi nghe kể lại, ngày lễ giỗ ông ở Sài Gòn, cựu sinh viên tề tựu về Bình Triệu đông như ngày hội. Chính quyền địa phương cũng để yên.

Ra trường được ít lâu đắc cử dân biểu Hạ Nghị Viện. Với tài ăn nói như đinh đóng cột, anh khá nổi tiếng và nằm trong nhóm dân biểu đối lập với Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung, Nguyễn Văn Binh, v.v… dưới trướng của ông Dương Văn Minh. Sau này, có kỳ anh phải sống lẩn trốn trong nhà ông Dương Văn Minh vì sợ mật vụ ông Thiệu thủ tiêu.

Và sau 75, tất cả nhóm dân biểu đối lập như Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung, Nguyễn Văn Binh, Ngô Công Đức, Nguyễn Hữu Hiệp, Hồ Ngọc Cứ, Hoàng Ngọc Biên cụm lại chung quanh tờ Tin Sáng như một lẽ sống còn của họ (raison d’être) để sống qua ngày. Ai cũng hiểu là không thể có một tờ báo tư nhân độc lập trong một chính quyền độc đảng và toàn trị.

Một lúc nào đó nó phải tự biến đi thôi. Không ngờ, nó cũng sống thoi thóp được gần 5 năm. Phần Dương Văn Ba, anh sớm nhận ra điều đó và tìm cách rút lui kiếm đường khác để sinh sống.

Không hiểu bằng cách nào, Dương Văn Ba nhảy vào làm Phó giám đốc công ty CIMEXCOL, Minh Hải. Giám đốc là anh Sáu Khả, phó giám đốc là anh Hai Miên và Dương Văn Ba. Ủy ban Tỉnh lúc đầu cũng chỉ chấp nhận cho Dương Văn Ba làm thử. Riêng lãnh đạo công ty đánh giá Dương Văn Ba làm việc có khả năng, lại gốc Bạc Liêu nên muốn làm một cái gì đó như thành tích cho Bạc Liêu.

Và sau đây là văn bản tố cáo Dương Văn Ba về những tội:

“- DVB xử dụng nhiều ngụy quân, ngụy quyền, đến 200 người, có sĩ quan cấp tá, thẩm phán toà án tỉnh, tòa án quân sự, một số người trong lực lượng thứ ba, nằm trong bố trí kế hoạch hậu chiến của Mỹ.
– Tại Lạc sao (Lào), có điện đài và Quảng Nam Đà Nẵng có điện đài.
– Nhà khách của Bộ Quốc phòng VN tại Đà Nẵng có điện đài.
– Hai tảu viễn dương của Cimexcol là hai tàu để liên hệ với tình báo nước ngoài.
– Cái chết của Trang Thanh Khả năm 1984 và Lâm Thành Sự tại Lào năm 1987 là do Ba âm mưu ám hại.
– Vụ án Hoàng Cơ Minh có quan hệ với người của Cimexcol, có Dương văn Tư là em của Dương Văn Ba.”

Đây là đơn yêu cầu xét sử lại vụ án do Lê Văn Bình (người vẫn bênh vực DVB) nêu rõ các vấn đề vấn đề trên.

Rõ ràng là những tội phạm liên quan đến chính trị, tội âm mưu phản quốc. Nhưng bản phản bác cho rằng đây là vụ án chính trị hoàn toàn bịa đặt, đưa thông tin sai lệch cho Ban Bí thư.

Điện đài ở Đà Nẵng là của bộ Quốc phòng Lào. Hai tàu viễn dương là do Saigon Ship và tổng công ty thuê tàu biển của Bộ Giao Thông trực tiếp xử dụng. Còn công ty Cimexcol hoàn toàn không có người nào ở dưới tàu. Việc Trang Thanh Khả tự sát, kết quả đã được bá cáo đầy đủ của tổ chức điều tra phân công cho ông Tống Kỳ Hiệp, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ phụ trách, kết quả không có dấu hiệu gì DVB ám hại Khả. Vụ án Hoàng Cơ Minh, sự thật không có quan hệ gì với người của Cimexcol. Còn tên Dương Văn Tư cũng không cùng quê quán, không quen biết với DVB. Vả lại Dương Văn Tư lớn tuổi hơn DVB thì làm sao là em của DVB được.

Khi thực hiện vụ án trên với ý đồ là một vụ án phản cách mạng không thành thì lại chuyển ra là một vụ án kinh tế. Đây là vụ án lớn nhất toàn quốc, bố trí cảnh sát dày đặc, cả công an chìm, vừa để ngăn chặn biểu tình, vừa để trấn áp dư luận. Đã thế, còn có mặt hơn 60 phóng viên báo đài từ Trung ương đến địa phương.

Riêng tại Minh Hải, thì truyền thanh trực tiếp phiên toà và truyền hình mỗi đêm.

Phải nói tổ chức một phiên tòa quá đặc biệt. Nhưng nó lại mang tính cách áp đặt, mất dân chủ.

Vụ án này liên quan đến cả bộ chính trị, từ trong Nam đến ngoài Bắc, đến nhiều lãnh đạo đảng. Ban Bí thư Trung Ương đảng đã họp để đánh giá về diễn biến trước, trong và sau phiên toà. Cuộc họp ngày 29-30 tháng 5-1989 kết thúc bằng thông báo: Ý kiến của Ban Bí thư, về vụ án Ba gà và đồng bọn đề ngày 30-5-1989, với chữ ký của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh như sau: Đánh giá kết quả xét xử vụ án là dân chủ, công khai, đạt được yêu cầu. xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Như vậy Bí thư Trung ương đảng mới là Tòa án tối cao, xử chung thẩm. Đó mới là diều để ta suy nghĩ. Người ta nói đến cơ chế cũ đánh cơ chế mới, kinh tế bao cấp đánh kinh tế mở. Hoặc cho rằng lấy cái cũ xử cái mới.

Trong khi đó thì DVB đã nhận một bản án số 01-HS-SCT, ngày 22-4-1989 của Tòa án Nhân dân Tối cao, trong phiên xử sơ chung thẩm về vụ án Cimexcol- Minh Hải, lần thứ nhất và lần thứ hai.

Kết quả là DVB lãnh ba tội: Tham ô tài sản XHCN, cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ.

Áp dụng khoản 3, điều 133, khoản 2 điều 174, khoản 2 BLHS xử phạt: Ba gà tù chung thân về tội tham ô tài sản XHCN, 7 năm tù về cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, 15 năm tù về tội đưa hối lộ. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giam 25-11-1987 và 18 tòng phạm. Và nộp số tiền tham ô là 3700 US.

TP Hồ Chí Minh TM. Toà Hình Sự TAND tối cao. Thẩm phán Nguyễn Quang Thanh.

Chỉ vài ba năm sau, DVB được thả ra ngoài. Người ta bảo DVB là người của ông Võ Văn Kiệt.

Nội vụ tưởng yên, trong khi đó thì lại có đơn khiếu nại tái thẩm của các ông Nguyễn Quang Sáng, giám đốc Cimexcol. Rồi các ông Nguyễn Quốc Sử, nguyên Viện Trưởng VKSND, tỉnh Minh Hải gửi cho ông Viện Trưởng VKSND tối cao Hà Mạnh Trí vào ngày 6 tháng 6 năm 1989.

Tiếp theo là lá thư của các ông Đoàn Thành Vị, Phạm Văn Hoài, Lê Văn Bình, đề ngày 06 tháng 12, năm 1996 viết: Hơn 7 năm qua, là nạn nhân của vụ án, chúng tôi hầu như bị tước đoạt tất cả, nhất là về danh dự và sinh mạng chính trị. Nay đã ở vào độ tuổi gần kề miệng lỗ, không thể kiên nhẫn hơn nữa, chúng tôi không đòi hỏi gì hơn là công lý được sáng tỏ, người ngay phải được minh oan phục hồi, kẻ lừa gạt Đảng, làm việc phi pháp phải bị trừng trị.

Bằng không, nếu có chết đi, chúng tôi cũng không nhắm mắt ngậm miệng.

Và đúng như thế, ngày 04 tháng 9 năm 2003, hai ông Phạm Văn Hoài, Ba Hùng đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi 83. Các ông chỉ bị khiển trách về trách nhiệm tinh thần mà còn phẫn hận như thế. Còn chính Ba Gà bị tù tội thì trong suốt vụ việc này, anh không nói gì, không ký kết kháng thư gì.

Bởi vì một lẽ dể hiểu, anh chỉ là Ba Gà, một con tốt đen của miền Nam.

Trước khi chết, các ông còn ký tên khiếu tố đích danh một số người ở cấp cao nhất đã hãm hại người vô tội.

Sau đó còn có những lá đơn khiếu tố của ông Nguyễn Xuân Thái, giám đốc kho bạc nhà nước Minh Hải. Ông Tô Công Hầu (Năm Trân), phó CTUBND tỉnh Minh Hải nay phó chủ tịch Hội Đồng quản trị Tổng công ty lương thực miền Nam cũng làm đơn khiếu tố lên TBT ông Đỗ Mười, chủ tịch Lê Đức Anh vv..

Nhưng bi kịch nhất vẫn là cái chết bằng tự sát của Trang Thanh Khả, giám đốc công ty gỗ, trực thuộc sở thương nghiệp. Tại cuộc họp Ban bí thư để được nghe bá cáo về cái chết của Trang Thanh Khả như sau: ông ta đã tự cắt lưỡi, tự mổ bụng và cắt đứt rời một khúc ruột, và tự cắt đứt mạch máu ở hai cổ tay.

Quá xúc dộng, một vị Ủy viên Bộ Chánh trị đã nói: Trang Thanh Khả đã tự cắt lưỡi vì có lưỡi mà không được nói, tự mổ bụng cắt ruột để Đảng thấy lòng dạ ngay thẳng mà Đảng không tin, tự cắt tay để cho thấy tay mình là trong sạch.

Và người ta coi cái chết của Trang Thanh Khả là dám lấy cái chết đau thương thảm khốc để cảnh tỉnh người lãnh đạo, một hành động có một không hai trong lịch sử cận đại, để mà tôn vinh cho xứng đáng.

Tôi có cảm tưởng là qua vụ án này, chính quyền CS Việt nam hiện tại đã mất hết cái tính chính nghĩa (légitimité) và chỉ còn lại cái tính hợp pháp giả tạo (fausse légalité).

Câu chuyện DVB, tôi biết thế nào viết lên như thế.

Phần tôi nghĩ rằng, trong suốt vụ án cũng như sau này, DVB, một người ăn nói hùng hổ, bạo trợn. Vậy mà anh đã chọn lựa thái độ khôn ngoan nhất là giữ im lặng. Ai nói gì thì nói. Ai lên tiếng mặc.

Phải chăng, anh cũng chỉ là thứ tốt đen, tốt đỏ như những con cờ thí.

Vụ án còn nhiều uẩn khúc bên trong khó mà biết được. Nó chỉ muốn nói lên rằng đây là vụ đấm đá lớn của những phe phái trong Đảng. Đúng sai bên trong thế nào, thực tình tôi cũng không biết hết được. Tài liệu và những chứng từ cũng như những dữ kiện tôi vừa vừa nêu trên là có thực, vì một lẽ tôi không thể bịa ra được. Không đưa ra những footnote như trong một bài viết khảo luận khác chỉ vì không tiện nói ra vì liên quan đến người khác, liên quan đến những tài liệu inédits. Mong người đọc hiểu.

Về Giáo sư Lý Chánh Trung

Tôi cùng với một người bạn đến nhà ông. Đáng lẽ là 5, 6 người. Nhưng cuối cùng chỉ có hai người. Những người khác, mỗi người có cái cớ để không đến được. Nhân Nguyễn Trọng Văn đau nặng, ông đã nhắn một câu để đời: Nhớ đừng có thua. Đừng có thua ở đây có thể hiểu nhiều nghĩa lắm. Ráng mà sống, ráng mà cầm cự, ráng mà trỗi dậy, ráng mà vươn lên. Ông cũng đã kể lại cho chúng tôi nghe làm thế nào ông đã được đưa vào bưng, gặp lãnh đạo Mặt Trận. Ông có vẻ vui thích khi kể lại những kỷ niệm đẹp và lý tưởng của đời ông. Ông cũng kể lại những hoạt động của ông ở Quốc Hội. Tôi đã vặn vẹo ông nhiều điều. Ông cũng kể lại cái kỳ sau giải phóng, ông cùng một phái đoàn miền Nam gồm cả trăm người được đưa ra tham quan miền Bắc. Trong đó Nguyễn Ngọc Lan đã dại dột viết bài “Hà Nội tôi thế đấy”. Sau bài viết này, tờ báo Đứng Dậy bị đóng cửa, Nguyễn Ngoc Lan bị thất sủng, sau trở thành người đối lập qua những bài viết: Những lá thư nhà.

Ông kể rằng, lúc đi chùa Hương có chị lái đò hỏi ông: có phải ông là gs Lý Chánh Trung không. Cháu có đọc bài của chú trước 75. Cháu thích và phục chú lắm. Lần khác, có một thanh niên hô to: Trong phái đoàn, có ông LCT hay không. Có, có tôi đây. À Bác, trước đây trong thời kỳ chống Mỹ, cháu có đọc bài chú viết. Cháu kính nể chú lắm. Ông nói thêm, không ngờ mình viết bài ở trong Nam mà một chị lái đò cũng đọc bài viết của mình.

Chỉ một điều này thôi thấy dân trí miền Bắc cao hơn biết chừng nào. Ngay cả những tài liệu mật trong miền Nam cũng đuợc phổ biến cho dân chúng đọc.

Người hiểu chuyện thì thấy đây là một màn kịch diễu quá dở. Vậy mà ông không biết, tin là thật. Trong Nam, người ta gọi cái này là thày chạy.

Tôi chỉ xin đưa nhận xét của Đào Duy Anh đã có lần viết như sau: “Những bài anh viết trước 1975, tôi đã đọc hết. Sau 75, tôi biết anh viết gì rồi.”

Nhưng Đào Duy Anh viết như thế thì tôi lại mạn phép xin trích đăng lại trong cuốn ký của ông: “Nhớ nghĩ chiều hôm”. Trần huy Liệu có khuyên ông là: muốn sống, muốn tồn tại thì liệu viết mà lách nữa. Quả thực, việc cầm bút ở ngoài Bắc đã là khó, trong Nam sau 1975 còn khó hơn. Đã có mấy nhà văn, nhà báo trong Nam đuợc cầm bút lại như Lý Chánh Trung. Con số đếm chưa hết một bàn tay.

Dù có cầm bút lại thì có điều chắc chắn viết không còn được như trước nữa.

Tường hợp Lý Chánh Trung là trường hợp điển hình. Ông đã chẳng viết được gì ra hồn sau 1975. Ngọn lửa trong ông đã tắt. Người viết không có lửa thì truyền đạt được gì.

Tôi có tặng ông số báo có bài viết của tôi viết về ông: “20 năm trí thức miền Nam nhập cuộc” và vừa đùa, vừa nói thế này:
“Sự nghiệp viết lách của anh cuối cùng thu tóm tất cả trong câu này, ‘Về một môn học mà thầy không muốn dạy, trò không muốn học’. Sau đó cả ba chúng tôi đều cười đến hả hê. Khi về, ông có tặng chúng tôi một cuốn sách vừa xuất bản. Lẽ ra, ông chẳng nên cho in chúng, vì nó chẳng nói được điều gì cả..

Trước 75, ông viết như thể một người nhập cuộc, kẻ lên đường, kẻ làm chứng, người trí thức dấn thân. Ông viết với một tấm lòng với nhiệt huyết.

Sau 1975, ông viết như một kẻ đứng bên lề, xem đá banh và vỗ tay.

Ông có mấy đứa con trai, đều là đảng viên, vào bộ đội và sau đó đi học sĩ quan lên đến Đại Uý. Bữa đó có ông Lê Đức Anh, từ Hà Nội vào nói chuyện với các cấp sĩ quan từ cấp đại úy trở lên. Chẳng biết thế nào, ông Lê Đức Anh có nhận xét về giới trí thức miền Nam, trong đó hài tên ông ra và nói: Lý Chánh Trung chỉ là một tên trí thức chống Cộng ranh ma. Con ông ngồi dưới, nó tức khí vì chửi ba nó. Nó đã trong một phút nóng giận, bốc đồng chửi lại: Đù má mày Lê Đức Anh, mày nói bậy. Nói xong, thằng nhỏ bỏ đi ra ngoài cái một. Sau đó nó đã không bị tù tội gì cả. Nghe xong câu chuyện vui này, chúng tôi đều cười hả hê. Và ông quay qua tôi nói đùa: nhớ về đừng viết báo nhé. Thật ra thì câu chuyện này được lan truyền ra ngoài đến ai cũng biết. Vì thế, câu chuyện này, bạn đọc cứ coi như là câu chuyện cũ mèm, làm quà bên lề cho những ai chưa biết..

Dù sao, đó cũng là một câu chuyện kể cho vui. Vui mà cho ta một bài học. Cái hay là ở đây là ông Lê Đức Anh đã không chấp. Và cũng mong rằng, một lần nữa, ông cũng không chấp khi tôi kể lại câu chuyện này.

Chúng ta chỉ thấy câu chuyện này đẹp. Ai chửi bố mình, bổn phận làm con là chửi lại, bất kể họ là ai thì nóng tiết chửi lại. Đó là tình cha con, hiếu đễ. Ngưởi bị chửi đã không chấp và bỏ qua. Cũng đẹp nữa. Người nghe tôi kể chuyện này, đừng kể lại với ý xấu.

Vậy là có ba cái đẹp trong một câu chuyện.

Chỉ có điều, cách đây 4 năm trước, đúng trong dịp tranh giải túc cầu thế giới, hai cháu trai chẳng may bị tai nạn xe cộ. Đưa vào nhà thương, một cháu chết, một cháu tật nguyền nặng. Khi chúng tôi ngồi nói chuyện, cháu ở trong nhà lên crise la hét um sùm. Ông vẫn bình tĩnh nối tiêp câu chuyện như thể không có gì xảy ra. Đó là nỗi đau khổ của người cha. Chúng tôi xót xa với nỗi đau đó. Khi ra về, hai chúng tôi đều buồn không nói được.

Có lẽ cũng là nỗi buồn lớn của ông vào lúc cuối đời

Tôi thấy ông gầy hơn và già đi. Tuy nhiên, ông vẫn giữ nụ cười đôi chút khinh bạc. Đó là nét cố hữu của ông từ hơn 40 năm về trước. Lúc mà tôi biết ông.

Hình ảnh ông còn đọng lại khi tôi viết bài này. Tôi tự hỏi, những người như Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Dương Văn Ba, Lý Chánh Trung có phải là những người có cái illusions perdues hay không. Tôi không dám và không thể trả lời thay cho họ.

Nguồn: Pixabay

© 2006-2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline biên tập, đăng lần đầu ngày 15/04/2006 trên Đàn Chim Việt Online edition.

(1) Trích lại trong Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản, Nguyễn Hưng Quốc, trg 214. nxb Văn Nghệ.
(2) Tài liệu gia đình.