Vấn đề thực trong cuộc tranh luận David Frum-Steve Bannon

Stephen Maher | DCVOnline

Những lý luận kém cỏi của Bannon cần dược phản biện. Nhưng người được chọn để bảo vệ những giá trị tự do trong cuộc tranh luận này lại là Frum. Ông ta không phải là người thuộc khối tự do.

David Frum, tác giả và người trước đây viết diễn văn kinh tế cho Tổng thống Mỹ George W. Bush, tại nhà ở Washington, DC, vào năm 2009. Nguồn: David Howells/Corbis via Getty Images.

Vấn đề lớn nhất trong cuộc tranh luận Munk hôm thứ Sáu không phải là Steve Bannon. Đó là David Frum.

Nếu bạn đọc chấp nhận, cho mục đích lý luận, Munk Debates thật khôn ngoan đã mời một nhân vật kích động phân biệt chủng tộc không thu hút được ai lên diễn đàn tại thính đường Roy Thomson Hall thì cũng nên tìm người phản biện có thể băm nhỏ ông ta thành từng mảnh nhỏ.

Nhưng không, ban tổ chức đã để ông ta tranh luận với Frum.

Xem cuộc tranh luận giữa hai người như thế chẳng khác gì xem một cuộc tranh tài thể thao mà khán già lại hy vọng cả hai bên đều thua.

Tiếc quá, vì vấn đề họ đang tranh luận là câu hỏi cấp bách:

“Có phải tương lai của chính trị phương Tây là dân túy chứ không phải là tự do …”

[Người theo chủ nghĩa dân túy thường nhấn mạnh sự tương phản giữa “người dân” với tầng lớp “tinh hoa” và cho là mình đứng về phía “thường đân”.

Vắn tắt, chủ nghĩa tự do nhấn mạnh đến quyền cá nhân. Ở xã hội tự do mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, quyền lực của nhà nước và tôn giáo bị hạn chế, pháp trị, tự do trao đổi tư tưởng, một nền kinh tế thị trường hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tự do, và một hệ thống chính phủ minh bạch, quyền của công dân được bảo vệ. – DCVOnline]

Phần lớn thế giới tự do nằm trong tay những những người theo chủ nghĩa dân túy. Họ không phải là tầng lớp cai trị, nhưng có vẻ đã sẵn sàng để giành lấy quyền lực. Những giá trị tự do chung đã hướng dẫn các nền dân chủ phương Tây từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đang bị một đoàn người chủ trương độc đoán cực quyền đe dọa, trong số đó có Donald Trump, người mà Bannon đã giúp trở thành tổng thống.

Nếu bạn đọc tin vào giá trị của tranh luận, thì còn gì tốt hơn là phản biện Bannon, đặt những câu hỏi để ông ấy không thể trả lời, buộc ông ta phải biện hộ cho tư duy kém cỏi của mình?

Vấn đề của cuộc tranh luận là người bảo vệ chủ nghĩa tự do mà ban tổ chức đã chọn là Frum, không phải là người người thuộc khối tự do.

Không có nghĩa ông ta không phải là một người “Tự do” viết hoa, một người ủng hộ Đảng Tự do. Nó có nghĩa là ông ta không phải là một người đáng tin cậy ủng hộ và bảo vệ cho các giá trị “tự do” viết thường, như tự do và bình đẳng.

Frum đã từng thủ vai như vậy trong các lần xuất hiện trên truyền hình, trên Twitter và trong các trang báo của tờ The Atlantic. Ông thậm chí còn viết cả một cuốn sách — Trumpocracy — tấn công Trump.

Nhưng mặc dù ông ta là người Không bao giờ ủng hộ Trump — một trong những người thuộc đảng Cộng hòa từ chối xếp hàng sau lưng Trump sau khi ứng viên Tổng tống đã đánh bại “oắt con Marco” và “Ted dối như cuội” — và ông ấy rất giỏi trong việc đánh đổ những các lập luận tồi tệ của Trump – nhưng Frum không phải là người bảo vệ chủ nghĩa tự do. Và tệ hơn nữa, thành tích là người tuyên truyền chủ chốt cho cuộc chiến thảm khốc ở Iraq – thời Tổng thống bush – khiến ông ta trở thành mục tiêu dễ dàng bị tấn công.

Nếu tôi là Bannon, tôi sẽ hài lòng tranh luận với Frum, bởi vì Frum là một biểu tượng rõ ràng cho thấy sự thất bại của giới tinh hoa đã dẫn đến phản ứng dân túy của khối cử tri đã chán ghét và sợ hãi ở châu Âu và ở Hoa Kỳ. Thủ vai người tuyên truyền cho cuộc chiến ở Iraq – thảm họa lớn nhất trong lịch sử gần đây của Hoa Kỳ – Frum đã giúp tạo ra các điều kiện để chủ nghĩa dân túy phát triển.

Hồi năm 2002, Frum là một thành viên mới của một nhóm trí thức tân bảo thủ quanh George W. Bush. Là một trí thức người Canada ở Washington, Frum và chí hữu của ông đã thuyết phục Bush rằng người Iraq sẽ hân hoan mở rộng vòng tay đón những người Mỹ đến giải phóng họ, và người Iran, lấy cảm hứng từ những thay đổi ở Iraq, sẽ bỏ gông xiềng của giới tu sĩ và chào đón nền dân chủ. Đem kỷ nguyên hòa bình đến cho khu vực.

Nhưng năm 2003 một cách buồn bã ông viết,

“Một chuyện đùa yếm thế kể rằng ‘Hoa Kỳ thắng cuộc chiến, Iran giành được hòa bình, và Thổ Nhĩ Kỳ đã được hợp đồng.’”

Nhưng mặc dù ông đã công nhận sự thất bại của chiến tranh Iraq, Frum phủ nhận vai trò của ông trong cuộc chiến đó,

“Tôi có thể châm lửa tự thiêu để phản đối ngay trên sân cỏ Tòa Bạch Ốc và chiến tranh vẫn diến ra, không có tôi.”

Điều đó có thể xảy ra, nhưng cuộc chiến sẽ diễn ra không có một công cụ truyền thông quan trọng: “trục ác”, một khẩu hiệu tuyên truyền vô cùng hiệu quả đã lết hợp “Phe Trục” ở Chiến tranh thế giới thứ hai với ba nước ác độc không liên kết theo quan điểm của Bush; đó là Iran, Iraq và Bắc Hàn.

Frum là cha đẻ của cụm từ “trục ác” mà Tổng thống Bush đã dùng diễn văn Tình hình Đất nước năm 2002.

Trong cuốn sách năm 2003 tán dương Bush, The Right Man, Frum đã mô tả cảm giác của khả năng đế quốc mà ông và những chí hữu chủ chiến của ông cảm thấy khi họ đang khoái trá với chiến thắng (ngắn ngủi) của người Mỹ ở Afghanistan.

“Bạn đọc có thể thấy lý do tại sao nhiều người gièm pha nước Mỹ, những kẻ trù ẻo, và kẻ thù sẽ phải giật mình vì chiến thắng ở Afghanistan. Nếu vài trăm người và vài chục máy bay có thể dẹp tan Taliban, thì mười nghìn người và vài trăm máy bay có thể làm gì ở Iraq? Hay một trăm nghìn người và một ngàn máy bay có thể làm được gì cho toàn bộ vùng Vịnh? Đột nhiên có vẻ như sức mạnh của Mỹ có thể làm bất cứ điều gì. Câu hỏi lớn tiếp theo cần được chính quyền Bush trả lười là: Chính xác thì chính phủ này muốn làm gì? ”

Câu trả lời của Frum: xâm lăng Iraq.

Bush nói những lời của Frum “với sức mạnh và sự tự tin – và lần này, không ai ngạc nhiên vì sự thành công của ông ấy.”

Khi Frum rời khỏi Tòa Bạch Ốc sau khi kể công đã đẻ ra cụm từ “trục ác”, ông ta hân hoan gáy về thành công của cuộc chiến và tấn công phe chỉ trích cuộc chiến đó. 25 tháng 3 năm 2003, chỉ vài ngày sau khi kết thúc chiến dịch ném bom “Gây sốc và sợ hãi” đã san bằng phần lớn thành phố Baghdad, Frum đã viết một bài 6,500 từ tấn công những người chỉ trích cuộc chiến thuộc phe bảo thủ, cáo buộc họ cổ vũ cho kẻ thù của nước Mỹ.

“Họ bắt đầu bằng thù hận những người tân bảo thủ. Rồi họ thù ghét đảng của họ và vị tổng thống này. Cuối cùng họ đã ghét đất cả nước của họ. Chiến tranh là một sự gạn lọc tuyệt vời. Nó buộc mọi người phải chọn đứng về một phía. Những người bảo thủ nguyên thủy đã chọn — và những người còn lại trong chúng ta cũng phải lựa chọn. Trong một lúc nguy hiểm, họ đã quay lưng lại với đất nước của họ. Bây giờ chúng ta quay lưng lại, không đếm xỉa tới họ nữa.”

Sau đó vào năm 2003, ông xuất bản một cuốn sách – An End to Evil – với Richard Perle, người đã giúp biện minh cho cuộc chiến bằng cách tuyên truyền tin tình báo sai lệch liên kết Saddam Hussein với nhóm khủng bố Abu Nidal. Đọc cuốn sách này vào năm 2018, sẽ thấy nó ương ngạnh một đáng sợ, những sai lầm trong những phân tích về tình hình vào thời điểm đó đến là buồn cười, nếu hậu quả cho các tác giả của nó không đến nỗi quá khủng khiếp.

Frum và Perle cổ xúy chiến tranh nhiều hơn nữa: những cuộc xâm lược của Mỹ vào Bắc Hàn và Syria, cứng rắn đối với Iran, đàn áp người Hồi giáo ở Hoa Kỳ và một đạo luật đòi hỏi tất cả người Mỹ phải mang theo một thẻ căn cước quốc gia.

Những sự kiện khủng khiếp ở Iraq và Syria sớm cho thấy rằng toa thuốc của Frum-Perle đòi chiến tranh hơn nhiều hơn không thể thắng được trong những cuộc tranh luận ngay cả trong các think tank bảo thủ ở Washington.

Phải phẫn nộ khi đọc danh sách “bảy mục tiêu lớn” mà Frum và Perle đã vẽ ra cho cuộc chiến ở Iraq, gồmcả việc chấm dứt sự đe dọa của vũ khí hủy diệt hàng loạt của Saddam, chiến thắng khủng bố và những bài học quý giá về cách chiến đấu trong khu vực. Trên thực tế là một thảm họa, cuộc xâm lược đã dẫn đến các cuộc nội chiến ở Iraq và Syria, chưa kể cái chết của hàng triệu người, và sự nổi lên của khối ISIS; so với ISIS thì Abu Nidal chẳng khác gì những hướng đạo sinh.

Và một làn sóng khổng lồ những người tị nạn chạy trốn khỏi Trung Đông sang châu Âu để thoát khỏi cuộc xung đột đã dẫn thẳng đến sự trỗi dậy của khối dân túy mà bây giờ Frum đang phản đối.

Trong suốt thời gian đó, Frum vẫn vũng như trụ đồng không chút động lòng với những người khốn khổ đã phải bỏ của chạy lấy người vì chính sách mà ông ta từng hô hào cổ xúy. Trước khi tự chọn làm một người phê bình Trump, ông đã đưa ra những lý luận đến buồn nôn về mối đe dọa của những người nhập cư Hồi giáo, và đổ lỗi cho người Iraq về cuộc chiến mà ông đã hô hào ủng hộ.

Trong An End to Evil, ông yêu cầu bịt miệng những đối thủ ông:

“Những người chỉ trích cuộc chiến Iraq đã cạn kiệt kho kiên nhẫn và lòng dũng cảm của họ trước cả khi súng bắt đầu nổ đã tự loại mình khỏi vai trò lãnh đạo trong những cuộc đấu tranh đó.”

Mặc dù có nhiều thất bại lớn về sự kiện gây hậu quả lớn nhất trong đời sống trí thức của ông – nếu theo lập luận của Frum thì chính ông đã phải bị loại – Frum vẫn là một trí thức có ảnh hưởng với công luận, không có nghi ngờ gì, vì tài hùng biện của ông.

Nhưng sự chán ghét của ông đối với chủ nghĩa dân túy cần được hiểu là một phần của cuộc nội chiến kéo dài giữa những người bảo thủ Mỹ _ giữa những người theo chủ nghĩa trọng công dân đẻ ở địa phương hơn là người di cư trở thành công dân như Bannon ở một phe, và những người thuộc phe tân bảo thủ như Frum. Cuộc nội chiến đó dường như đã làm cho một số người trở nên rối rắm nghĩ lầm rằng Frum có thể là một người đủ sức bảo vệ cho các giá trị tự do.

Frum không phải là người như thế.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: The real problem with David Frum debating Steve Bannon | Stephen Maher | Macleans’ Nov 2, 2018.