Chính quyền Trump lặng lẽ rút lại quyết định trục xuất người Việt Nam tị nạn phạm pháp

Charles Dunst | DCVOnline

Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam – Chính quyền Trump lặng lẽ rút lại quyết định trục xuất người Việt Nam tị nạn đã sinh sống ở Hoa Kỳ nhiều chục năm qua; chính sách này đã đưa Hoa Kỳ vào tình trạng mâu thuẫn với Việt Nam và dẫn đến việc đại sứ Mỹ ở đó đã từ chức hồi năm ngoái.

Người lính Mỹ nhìn đám người tị nạn Nam Việt Nam trên một chiếc thuyền của Hải quân Hoa Kỳ trên đường ra khỏi bờ biển Việt Nam vào năm 1975. Hầu hết những người tị nạn Việt Nam đến Hoa Kỳ trước năm 1995 phải bỏ quê nhà vì chiến tranh Việt Nam. Nguồn: Agence France-Presse – Getty Images

 

Sự thay đổi này thấy rõ trong một phán quyết của tòa án quận ở California vào ngày 18 tháng 10 và được một viên chức của Bộ Nội An xác nhận trong khi Tòa Bạch ốc đang đưa ra những giới hạn khắc nghiệt về người nhập cư và người tị nạn trung tâm của chính sách công của chính phủ hiện nay.

Năm ngoái, chính quyền Trump bắt đầu lùng bắt giam những người nhập cư Việt Nam, Campuchia và các nước khác và chuẩn bị trục xuất họ. Theo Bộ Nội An, một số người nhập cư đó đã có thẻ xanh nhưng chưa nhập quốc tịch Mỹ, và phần lớn trong số họ đã phạm tội — khoảng 7.700 hay 8.000 người nhập cư Việt Nam bị phân loại để bị trục xuất.

Nhưng cụ thể trong trường hợp của Việt Nam, quốc gia đó và Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận vào năm 2008 đồng ý rằng tất cả những người Việt Nam đã đến Mỹ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995 – ngày hai nước cựu thù trong chiến tranh thiết lập lại quan hệ ngoại giao – không thể bị trục xuất. Hầu hết những người nhập cư đã đến Hoa Kỳ vì hậu quả của chiến tranh Việt Nam.

Theo nhà chức trách Mỹ, chính quyền Trump đơn phương quyết định giải thích lại thỏa thuận đó, nói rằng những người bị kết án phạm tội không được thỏa thuận nói trên bảo vệ. Chính quyền Trump bắt đầu làm áp lực với Việt Nam để họ nhận lại một số người tị nạn đã đến Mỹ từ trước năm 1995.

Quyết định này đã khiến Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius, bất mãn và đã bị bãi nhiệm vào mùa thu năm ngoái. Sau ông đã đó từ chức ở Bộ Ngoại giao. Ông đã mô tả việc trục xuất người tị nạn của chính quyền Trump là nuốt lời hứa với các gia đình những người dân miền Nam Việt Nam tị nạn đã là đồng minh của Hoa Kỳ trong chiến tranh và họ sẽ không thể sống an toàn ở Việt Nam.

Ông Osius cho biết, trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, rằng những người di cư Việt Nam bị xếp vào loại bị trục xuất bắt đầu từ tháng 3 năm 2017 là

“những người tị nạn chiến tranh mà chúng ta đang truy tố và một số người trong số họ đã ở trong các trại tù cải tạo; tất cả họ đều là người dân miền Nam.”

Áp lực đối với Việt Nam gồm những việc như không cấp chiếu khán tương tự như những áp lực Mỹ đang áp dụng với các nước “ngoan cố” khác – thuật ngữ “ngoan cố” được Mỹ dùng gọi các quốc gia không muốn nhận lại công dân của họ mà Hoa Kỳ muốn trục xuất. Những nước “ngoan cố” đó là Campuchia, Eritrea, Guinea, Sierra Leone, Myanmar và Lào, và những nước khác.

Theo Phi Nguyen, một luật sư làm việc tại Atlanta giúp người Mỹ gốc Á trong tổ chức Advancing Justice, một nhóm vận động pháp lý, Việt Nam ban đầu đồng ý chấp nhận một số người trước đây được miễn không bị trục xuất. Nhưng sau đó Việt Nam đã kháng cự lại, và chỉ có khoảng một chục người di cư Việt Nam đã bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.

Ted Osius, phản đối chính sách trục xuất người tị nạn, đã bị bãi nhiệm đại sứ Mỹ tại Việt Nam mùa thu năm ngoái. Nguồn: Quinn Ryan Mattingly cho The New York Times

Tuy nhiên, nhiều người di cư bị coi là mục tiêu để trục xuất đã bị Cơ quan Di trú và Hải quan, hoặc ICE giam giữ nhiều tháng. Ba chi nhánh của công dân Mỹ gốc Á đòi công lý bắt đầu tổ chức một vụ kiện tập thể chống lại chính quyền Trump để chống lại các vụ bắt giam, được hai công ty luật thiện nguyện Reed Smith và Davis Adams hỗ trợ.

Thẩm phán Cormac J. Carney của Tòa án quận Hoa Kỳ tại Quận trung tâm California cho biết, trong một phán quyết một phân công nhận vụ kiện tập thể, chính quyền Trump đã nói với tòa án rằng họ đã đạt được một thỏa thuận với Việt Nam vào tháng Tám theo đó “việc loại bỏ những người tị nạn Việt Nam đến Mỹ trước 1995 không thể dự đoán trước một cách hợp lý được.”

Thẩm phán Cormac J. Carney nói rằng chính quyền đã nói với tòa án rằng họ sẽ bắt đầu thả nhiều người đã bị giam giữ và trong một số trường hợp bị giam giữ nhiều tháng trong lúc chờ phê duyệt để trục xuất họ. Văn phòng của Thẩm phán Carney từ chối bình luận về việc này.

Mặc dù chính quyền Trump có thể đã bỏ lệnh trục xuất, nhưng không phải vì họ thiếu cố gắng.

Một phát ngôn viên của Bộ Nội An, Katie Waldman, xác nhận rằng việc trục xuất những người tị nạn Việt Nam này không còn là vấn đề phải giải quyết. Nhưng Waldman lưu ý rằng sự chống đối chính sách trục xuất là hành động nguy hiểm, nói rằng “những lỗ hổng nguy hiểm và những quyết định sai lầm của tòa án” đã buộc chính phủ phải trả tự do cho “những người tội phạm bạo động nước ngoài” thay vì trục xuất họ.

Mặc dù chính quyền Trump đã ngừng trục xuất những người đến trước năm 1995, nhưng vẫn tiếp tục cho rằng ICE có quyền bắt giữ họ vô thời hạn và liên tục.

Thẩm phán Carney đã viết trong phán quyết hồi tháng 10,

“Chính phủ chưa thừa nhận rằng họ vi phạm các quyền hiến pháp của những cá nhân này khi chính phủ giam giữ họ và biết rằng rằng họ không thể và sẽ không bị trả về Việt Nam.” Thay vào đó, “chính phủ rõ ràng đã giữ quyền giam giữ tất cả những người gần đây đã được thả.”

Zadvydas v. Davis, một phán quyết của Tối cao Pháp viện năm 2001, xác định rằng chính phủ không thể giam giữ những người nhập cư hơn 180 ngày nếu việc trục xuất họ không thể “dự đoán trước được một cách hợp lý”. Vào ngày 15 tháng 10, 28 người nhập cư Việt Nam đến trước 1995 vẫn bị giam giữ ICE ; bốn người đã bị giam trong hơn 90 ngày.

Bà Waldman nói rằng Bộ trưởng Nội An, Kirstjen Nielsen, đã yêu cầu Quốc hội đóng lỗ hổng này và bảo vệ cộng đồng người Mỹ bằng cách bảo đảm bảo chúng ta có thể bắt giữ những người nước ngoài bạo động đã bị kết án và giữ không để họ vào cộng đồng người Mỹ.

Khi được hỏi tại sao ICE lại giam giữ những người không thể bị trục xuất – và liệu cơ quan này có kế hoạch thả họ hay không – một phát ngôn viên của Cơ quan Di trú và Hải quan, Brendan Raedy, nói rằng cơ quan này không bình luận về vụ kiện đang chờ xét xử. Khi được yêu cầu xác nhận số người tị nạn Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995 hiện đang bị giam giữ, ông nói rằng “báo cáo về số tù giam của ICE không ghi năm người nước ngoài đến Mỹ.”

Giới chức Bộ Tư pháp đã không trả lời nhiều yêu cầu bình luận giải thích lý do pháp lý họ dùng để tiếp tục các vụ bắt giữ này.

Bài này đã đăng trong ấn bản New York ngày 23 tháng 11 năm 2018, trên Trang A10 với tiêu đề: ‘Hoa Kỳ rút lại lệnh trục xuất người nhập cư Việt Nam.’

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ “trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Trump Administration Quietly Backs Off on Deporting Vietnamese Immigrants | Charles Dunst | The New York Times | November 22, 2018.