Các ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung (I)

Cao Tuấn

Có nhiều người viết về Kim Dung nhưng viết hẳn một quyển sách công phu về riêng một khía cạnh, “ẩn số chánh trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung”, thì ông Huy là người duy nhất. (Hình bên:  bìa cuốn Lộc Đỉnh Ký).

Về một người Việt Nam đi tìm các ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung

Người Việt Nam nói ở đây là ông Nguyễn Ngọc Huy, tác giả quyển sách “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung” xuất hiện ở Hải Ngoại vào khoảng 1985, 1986 nhưng tác phẩm này không được biết đến nhiều như các tác phẩm “chính thống” khác của ông. Tuy vậy, theo thiển ý, đó là một tác phẩm đứng đắn, độc đáo, đáng đọc và đáng suy nghĩ. Nếu ông Huy chứng minh nhà văn Kim Dung, người Trung Hoa, có những hậu ý chính trị khi viết các bộ tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng thì có thể chính ông Huy, một nhà chính trị Việt Nam cũng có những thông điệp chính trị riêng khi bỏ thì giờ viết sách về Kim Dung. Nhưng trước hết ông Nguyễn Ngọc Huy là người thế nào?

Văn là người

Ông Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990) được biết đến đầu tiên là một người làm thơ. Ông làm thơ rất sớm, hầu hết các bài thơ đều được viết vào tuổi sấp sỉ 20. Thơ của ông, với bút hiệu Đằng Phương, nhất quán có một nội dung đặc biệt:

“… Tôi mượn thơ để gây lòng phấn khởi
Cho chính mình trong những lúc gian lao
Trong những khi thất bại, những khi nào
Chân yếu đuối muốn rời đường chiến đấu”

(Trích Thay Lời Tựa tập thơ Hồn Việt xuất bản lần đầu vào năm 1950)

Thơ Đằng Phương nên được xếp vào loại “Anh Hùng Ca” – nói về dân tộc, lịch sử, lòng yêu nước, yêu quê hương, ngợi ca những người tranh đấu vì nước quên thân:

“…Hỡi những ai kia đã luỵ mình
Đã vì non nước chịu hy sinh
Đã vì chủng tộc khai đường sống:
Đây nén hương lòng kẻ hậu sinh!”

(Trích bài Nén Hương Lòng)

Diễn tả cảnh hy sinh bi tráng của họ như trường hợp Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng tuẫn tiết trên đoạn đầu đài:

“…Họ thản nhiên, lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng:
Việt Nam Muôn Năm! Một đầu rơi rụng
Việt Nam Muôn Năm! Người kế tiến lên
Và Tử Thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.”

(Trích bài Ngày tang Yên Báy)

Ý nghĩ của nhà thơ trong sáng, giản dị:

“…Trên đường lối đấu tranh cho lẽ sống,
Bóng anh hùng nòi giống nếu không quên
Thì giang sơn vạn cổ vẫn lâu bền
Và Lịch Sử vẫn luôn bừng nhuệ khí”

(Trích bài Anh Hùng Đất Việt)

Nếu bài hát “Tình Ca” của Phạm Duy “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời …người ơi!…Mẹ hiền ru những câu xa vời… Ạ ạ ơi…tiếng ru muôn đời…tiếng nước tôi….Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui…Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!…” đã khiến người Việt Nam suốt mấy thế hệ không nguôi thương nhớ quê hương thì bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” của Đằng Phương cũng có ảnh hưởng không kém kể từ thập niên 1950 cho đến ngày nay. Lời tâm can vang vọng rất tự nhiên:

“…Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch

Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm tinh trung
Đã hoà hợp làm linh hồn giống Việt.”

Sau tuổi hoa niên ông Nguyễn Ngọc Huy không còn làm thơ nữa hoặc làm rất ít , nhưng cuộc đời còn lại cho đến khi chết ông sống đúng như thơ, từ suy nghĩ đến hành động, luôn hướng về mục đích phụng sự Tổ Quốc.

Có lẽ không cần nhắc quá nhiều đến sự kiện ông Huy là người trí thức đậu cử nhân luật khoa và tiến sĩ chính trị học ở Paris trong trong thời gian sống lưu vong ở Pháp và trở về miền Nam Việt Nam làm giáo sư dạy về Luật Hiến Pháp, Học Thuyết Chính Trị, Bang Giao Quốc Tế tại các trường đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ trong khoảng thời gian 1964-1975. Trong những năm tháng chiến tranh nhiễu nhương ấy, ông Huy nổi tiếng là một nhà giáo dậy giỏi, một lý thuyết gia uyên bác và một lãnh tụ chính trị quốc gia tận tuỵ nhưng cẩn thận, ôn hoà. Trong suốt cuộc đời ông Huy cũng viết nhiều sách báo giá trị bằng cả 4 ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh, Hán

Tuy được xem là một lãnh tụ chính trị quan trọng của người quốc gia Việt Nam nhưng ông Nguyễn Ngọc Huy chưa bao giờ ở vị trí quyền lực để thực thi lý tưởng xây dựng một quốc gia dân chủ pháp trị lương hảo, tạo nội lực đủ sức chống lại chủ nghĩa Cộng Sản độc tài toàn trị.

Lần duy nhất ông đến gần guồng máy quyền lực là khi người đồng chí “như hình với bóng” của ông là ông Nguyễn Văn Bông, giáo sư đại học, thạc sĩ công pháp, chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến mà ông làm Tổng Thư Ký, chuẩn bị ra làm Thủ Tướng vào năm 1971 theo lời mời bất đắc dĩ của ông Tổng Thống “quân phiệt” Nguyễn Văn Thiệu.

Tuy nhiên đảng Cộng Sản Việt Nam, trông thấy trước được mối nguy hiểm, đã mau chóng ra lệnh cho đặc công ở Sài Gòn ám sát ông Nguyễn Văn Bông như họ đã từng ám sát những địch thủ tài năng, đức độ và quan trọng khác của người Việt Quốc Gia là các ông Trương Tử Anh, Lý Đông A, Khái Hưng, Huỳnh Phú Sổ… trong cuộc phân tranh Quốc-Cộng kéo dài 30 năm (1945-1975).

(Từ trái) Các ông Vương Văn Bắc, Nguyễn Ngọc Huy, và Nguyễn Cao Kỳ. (thập niên 1970). Nguồn: http://virtual-saigon.net

Người ta có thể không đồng ý về những quan điểm chính trị của ông Nguyễn Ngọc Huy nhưng không ai có thể phủ nhận được trường hợp của ông Huy: “văn tức là người”. Bởi vì không ai có thể giải thích khác hơn được về một người “lúc hết hơi mới biết đến mạng trời và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động” và khi chết chỉ có vài bộ quần áo cũ và một một ít sách.

Và cũng không có ai có dịp tiếp xúc với ông Huy mà không thấy ông là người chừng mực, tự chủ, quyết tâm. Bình dị trong lời nói nhưng phong phú trong ý tưởng. Không bao giờ làm bộ tịch, không bao giờ “đao to, búa lớn”. Một người “dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch”. Một người “thong dong tựu nghĩa”.

Có nhiều người viết về Kim Dung nhưng viết hẳn một quyển sách công phu về riêng một khía cạnh, “ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung”, thì ông Huy là người duy nhất.

Một câu hỏi đến tự nhiên: Tại sao một người lỗi lạc lại bận rộn như ông Huy lại “mất công” với với loại truyện giải trí bình dân như thế?

Câu trả lời chỉ tìm thấy sau khi đã đọc xong quyển “Những Ẩn Số Chánh Trị…” dầy 290 trang. Và câu trả lời có thể sẽ là như sau.

Mặc dầu truyện võ hiệp nói chung bị xem là loại văn chương bình dân nhưng riêng với Kim Dung ông Huy nhìn thấy hình ảnh của một đại văn hào có một sở học uyên bác và óc tưởng tượng dồi dào. Những bộ truyện trường thiên của Kim Dung đều có thể so sánh được với các bộ sách bất hủ của dân tộc Trung Hoa đã làm say mê cả người bình dân lẫn người trí thức, người Việt Nam lẫn người Trung Hoa, với những ý nghĩa triết lý hoặc các bài học chính trị, đạo đức tiềm ẩn như Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc, Tây Du Ký… Nếu suy nghĩ khi đọc truyện Kim Dung người ta có thể học được nhiều điều hữu ích.

Ông Huy nghiên cứu, quen thuộc với lịch sử, tư tưởng và văn hoá Trung Hoa. Luận Án Tiến Sĩ của ông ở đại học Paris viết bằng tiếng Pháp đã được chính ông dịch sang tiếng Việt có đề tài “Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chánh Trị Trung Quốc Cổ Thời”. Tác phẩm của Kim Dung, vì thế, đã hấp dẫn ông Huy một cách tự nhiên.

Ngoài sự kính nể của người trí thức đối với người trí thức, nhà tư tưởng đối với nhà tư tưởng, ông Huy viết về truyện Kim Dung vì ông cùng chia sẻ với nhà văn một số giá trị căn bản chung, vì thấy ở Kim Dung một tâm hồn đồng điệu bất kể khoảng cách về không gian, thời gian hay chủng tộc. (Lẽ dĩ nhiên nói như thế không có nghĩa ông Huy đồng ý hoàn toàn với những điều ông tìm thấy về tư tưởng của Kim Dung).

Tác phẩm của Kim Dung phong phú, đồ sộ và có thể nghiên cứu, nhận định dưới nhiều khía cạnh. Ông Huy chỉ giới hạn, như đã nói, vào một khía cạnh mà ông quan tâm hơn cả đó là “các ẩn số chính trị” trong tác phẩm. Ông đi tìm những ẩn số này bằng khả năng phân tích và tổng hợp của một nhà khoa học chính trị, một người quen viết nghị luận, cũng như bằng tâm tư của một chính trị gia Việt Nam đang “trong gian truân cố chuyển lại cơ trời”, luôn luôn suy nghĩ về những vấn đề của đất nước mình.

Những “bí mật” của Kim Dung đã bị hay được “bật mí” thế nào?

Nguồn: OntheNet

Để tránh những hệ luỵ rắc rối không cần thiết các tiểu thuyết gia gần như luôn luôn xác định “tác giả không có ý ám chỉ một nhân vật hay một sự việc có thật nào trong đời sống cho nên mọi trùng hợp nếu có chỉ là ngẫu nhiên”. Kim Dung cũng không đi ra ngoài thông lệ ấy khi tuyên bố “Nội dung tiểu thuyết không tránh khỏi sự biểu lộ tư tưởng của tác giả nhưng không phải tác giả cố ý đem nhân vật, sự tích cùng bối cảnh đến một lãnh vực tư tưởng hay một chính sách (có thật) nào đó…Tiểu thuyết võ hiệp không liên quan gì đến tư tưởng chánh trị, ý thức tôn giáo, khoa học trúng hay trật, đạo đức phải hay trái…”

Lập trường “phi chính trị” nhưng “nói để mà nói” của Kim Dung đã không ngăn cản ông Huy đi tim dụng ý chính trị của tác giả rải rác trong các tác phẩm và ông đã tìm ra, đã nhìn thấy một số dữ kiện có ý nghĩa chính trị. Các dữ kiện này vừa đủ số lượng, vừa ăn khớp vào nhau để có thể đưa ra nhũng thông điệp về lập trường của Kim Dung.

Trong phần “Lời Mở Đầu” của quyển “Các Ẩn Số Chánh Trị…” ông Huy nêu một vài chi tiết quan trọng:

“Lúc đảng Cộng Sản Trung Hoa tranh đoạt được quyền lãnh đạo Trung Quốc, Kim Dung vẫn còn ở lại lục địa, sau đó mới dời ra sống ở Hong Kong và làm biên tập viên cho hai tờ báo thiên tả là Đại Công Báo và Trường Thành Họa Báo cho đến năm 1957(1).”

Sự kiện này cộng với các ẩn số chính trị tìm thấy trong một số các bộ truyện của Kim Dung khiến ông Huy suy đoán Kim Dung vốn là người trí thức khuynh Tả, có thiện cảm với các đoàn thể theo Xã Hội Chủ Nghĩa và các quốc gia theo chế độ Cộng Sản và không có thiện cảm với các đoàn thể thuộc phái Hữu và các quốc gia Tây Phương.

Qua thời gian, cái nhìn của Kim Dung dần dần thay đổi khi nhận chân người Cộng Sản áp dụng một chính sách chuyên chế toàn diện, tàn ác và phi nhân nên Kim Dung quay ra kết án họ.

Kim Dung cũng điều chỉnh lại cái nhìn đối với các đoàn thể có lập trường chống chọi nhau, cả Tả lẫn Hữu. Theo Kim Dung, không bên nào hoàn toàn phải, toàn người tốt. Không bên nào hoàn toàn quấy, toàn người xấu. Bên nào cũng có người xấu, người tốt và thường vừa có phẩn phải vừa có phần quấy. Điểu đáng nói là chuyện mức độ – tốt nhiều hơn hay xấu nhiều hơn, phải nhiều hơn hay quấy nhiều hơn. Chính, Tà không đơn giản là chuyện Trắng, Đen.

Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, từ khi xuất hiện từ đầu thập niên 1960s, trong khi làm mưa làm gió ở Hongkong, Singapore, Nam Việt Nam, các nước Đông Nam Á trong giới Hoa Kiều hải ngoại thì tuyệt đối bị cấm cửa ở Đài Loan và cả Hoa Lục ít nhất trong thời kỳ Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông còn sống.

Cũng nên lưu ý đối chiếu thời kỳ Kim Dung viết truyện Võ Hiệp ở Hong Kong bên cạnh lò lửa “Cách Mạng Văn Hoá” ở Hoa Lục… với bối cảnh chiến tranh lạnh giữa hai phe Cộng Sản và Tư Bản.

Trong phần kết luận của quyển “Các Ẩn Số Chánh Trị…” ông Huy cũng dè dặt nói thêm

“không thể loại bỏ giả thuyết là sự trùng hợp giữa các nhân vật và sự kiện trong tác phẩm của Kim Dung với một số nhân vật và sự kiện có thật phát xuất từ nơi tiềm thức của tác giả chứ không phải là một sự cố ý. Nhưng ngay trong trường hợp này, Kim Dung cũng không phải hoàn toàn vô tâm, vì Kim Dung có nhiều ưu tư, nhiều chủ kiến ăn sâu trong tiềm thức thì các tác phẩm viết ra mới biểu lộ các ưu tư và chủ kiến đó cho chúng ta thấy”

Đi vào chi tiết liên hệ đến các ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung ông Huy nhận thấy 2 loại dữ kiện:

“ – Một số nhân vật đã được dùng để tượng trưng cho một vài quốc gia đặc biệt trên thế giới hoặc để mô tả một vài chính khách nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc cận đại.
– Một số sự việc đã diễn tả quan điểm của Kim Dung về vấn đề tranh đấu chính trị và một phần trong quan điểm này dựa vào triết lý Đạo Giáo và Phật Giáo.”

Ông Huy trình bầy những khám phá của ông một cách thứ tự, lớp lang, dựa trên lý luận với rất nhiều chi tiết khá tỉ mỉ. Sau đây chỉ là một số thí dụ rất sơ lược, tiêu biểu về các ẩn số chính trị – xin nhắc lại chỉ là một số thí dụ có giá trị thuyết phục cao trong rất nhiều ẩn số mà ông Huy đã tìm thấy – qua các truyện võ hiệp Kim Dung:

1. Các nhân vật tượng trưng cho một số quốc gia đặc biệt trên thế giới.

Cuộc luận võ trên đỉnh Hoa Sơn được đề cập đến trong các bộ Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp có mục đích xác định vai tuồng bá chủ võ lâm. Cuộc luận võ đầu tiên và quan trọng nhất có 5 nhân vật tham dự. Họ có ngoại hiệu là Trung Thần Thông, Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Nam Đế. Sau cuộc tỷ thí rất gay go, mọi người đều công nhận rằng Trung Thần Thông là người có võ công cao diệu hơn hết và được quyền giữ bộ Cửu Âm Chân Kinh. Những người còn lại thì tài nghệ suýt soát nhau.

Ngoài ra, còn một nhân vật thứ sáu cũng được xem đồng tài nghệ nhưng không tham dự cuộc luận võ này. Đó là bang chủ của Thiết Chưởng Bang tên là Cừu Thiên Nhạn ngoại hiệu là Thuỷ Thượng Phiêu. Cừu Thiên Nhạn có người anh song sinh tên là Cừu Thiên Lý, võ công tầm thường, chỉ hay dùng xảo thuật để loè bịp.

Trong một giai đoạn của cuộc luận võ hay luận kiếm Hoa Sơn, năm nhân vật đầu tiên đã tỉ thí với nhau theo lối “ngũ quốc giao binh”, dịch sát nghĩa là “năm nước tranh chiến với nhau” hàm ý Kim Dung muốn dùng các nhân vật võ lâm để ám chỉ một số quốc gia. Vậy thì, nhân vật nào, quốc gia nào đây?

– Nhân vật tượng trưng cho nước Tầu: Trung Thần Thông

Trung Thần Thông là ngoại hiệu của Vương Trùng Dương. Trung là ở ngay chính giữa. Tự ngàn xưa, người Tầu đã tự hào là họ sống ngay chính giữa địa cầu! Họ đã chính thức gọi dân tộc họ là dân tộc Trung Hoa và nước họ là Trung Quốc.

Về mặt tinh thần, người Trung Hoa theo đạo Trung Dung, đạo của người quân tử lúc nào cũng đứng trong vị thế quân bình. Trong mọi việc làm đều có thái độ thích ứng, vừa phải. Không thái quá, không bất cập. Người cố gắng theo đạo Trung Dung thì sẽ trở thành sáng suốt, hiểu biết và có thể biến cải để ứng phó vượt qua mọi trở lực, nói một cách khác sẽ trở thành Thần Thông.

Phái Đạo Giáo mà Trung Thần Thông đứng đầu là phái Toàn Chân, có nghĩa là sự thật đầy đủ, trọn vẹn. Toàn Chân là môn phái có thật trong lịch sử. Ngoài chủ trương riêng của Đạo Giáo, nó lại còn bao gồm đạo Trung Hiếu của Nho Giáo và các giới luật của Phật Giáo và điều này đã mô tả đúng tính cách tổng hợp của nền văn hoá Trung Hoa cổ truyền.

Tỷ thí tài nghệ để trở thành bá chủ võ lâm, tuy nhiên Trung Thần Thông lại có bản chất ngược lại với tư tưởng bá chủ – lấy được Cửu Âm Chân Kinh nhưng nhất quyết không dùng vì bí kíp võ học tuyệt tác này đòi hỏi phương pháp luyện công quá âm độc, dị thường. Tư cách của Trung Thần Thông, tức Vương Trùng Dương cho thấy cao hơn hẳn Đông Tà, Tây Độc và các nhân vật võ lâm khác, càng chứng tỏ xứng đáng vai trò lãnh đạo, phù hợp với họ Vương, có nghĩa là Vua, người đứng đầu thiên hạ. Đạo lý nhà vua phải theo để cai trị một cách chính đáng, nhân nghĩa gọi là Vương đạo. Chủ trương chính trị Vương đạo là chủ trương chính thức được đề cao trong sử sách Trung Hoa từ ngàn xưa.

Kim Dung là người Trung Hoa nên qua nhân vật Trung Thần Thông Vương Trùng Dương hàm ý nước Trung Hoa có đủ khả năng và tư cách làm số 1 trên thế giới cũng là điều không đáng ngạc nhiên.

– Nhân vật tượng trưng cho nước Nhật: Đông Tà

Đông Tà là ngoại hiệu của Hoàng Dược Sư. Hoàng là mầu vàng ám chỉ Nhật Bản cũng là dân da vàng.

  • Nhật Bản nằm về phía đông của Trung Hoa phù hợp với ngoại hiệu Đông Tà của Hoàng Dược Sư. Đông Tà lại mặc áo mầu xanh, theo vũ trụ quan của người Trung Hoa thì mầu xanh thuộc về hành mộc và liên hệ với phương đông, nhấn mạnh thêm nước Nhật ở phía đông.
  • Căn cứ của Đông Tà là đảo Đào Hoa mà Nhật Bản là đảo quốc và nổi tiếng thế giới là xứ hoa Anh Đào.
  • Đông Tà có tánh sợ lửa. Điều này ám chỉ các đảo Nhật có nhiều núi lửa và thường bị động đất.
  • Bà vợ của Đông Tà có tên là Mai Hương. Mà hoa Mai lại được người Trung Hoa xem là quốc hoa. Điều này có thể ám chỉ dân tộc Nhật có liên hệ và chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa.

Thân thế của Đông Tà còn tỏ rõ hơn nữa ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa rất sâu xa đối với nước Nhật – Đông Tà theo học võ với Châu Đồng. Ông này cũng là thầy của Nhạc Phi, một danh tướng anh hùng Trung Hoa. Trước đó Đông Tà là một thư sinh học theo Nho Giáo nên là người văn võ kiêm toàn. Đông Tà thông thạo các thú tiêu khiển của người Trung Hoa là cầm, kỳ, thi, hoạ; nắm vững mọi loại kỹ thuật Trung Hoa như y dược, bói toán, chiêm tinh, tướng số, nông điền thuỷ lợi, binh lược…; biết thưởng thức các món ăn ngon, các thứ trà quý của Trung Hoa…Tuy nhiên, Đông Tà lại thâm hiểu Đạo Giáo và hướng về sự thanh tĩnh vô vi. Đông Tà cũng có một số đức tính tốt là cương trực, nói lời giữ lời theo kiểu “quân tử nhất ngôn”, kính trọng các bậc trung thần, nghĩa sĩ, nhiều khi ra tay giúp người yếu thế, trừng trị bọn tham quan ô lại, bọn trộm cướp hiếp đáp dân lành.

Các dệ tử của Đông Tà đều mang tên Phong như Khúc Linh Phong, Phùng Mặc Phong, Lục Thừa Phong, Trần Huyền Phong, Mai Siêu Phong…Phong nghĩa là gió, giống như chữ Phong trong danh từ nổi tiếng của Nhật là Thần Phong (Kamikaze) nguyên là danh từ dùng để chỉ trận bão lớn năm 1281 đã đánh đắm các chiến thuyền của hạm đội Mông Cổ, cứu nước Nhật khỏi bị Mông Cổ thống trị. Trong thế chiến thứ hai, Thần Phong là tên của đội phi công cảm tử tình nguyện lao phi cơ chứa đầy chất nổ xuống các chiến hạm Mỹ và nổ tung với các chiến hạm này – một cố gắng hi sinh tuyệt vọng nhưng rẩt anh hùng mang đặc tính Nhật Bản.

Đông Tà tuy vậy không được Kim Dung coi là người theo chính đạo mà là một nhân vật nhuốm đầy tà quái hàm ý người Nhật chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, nhưng chỉ theo một phần, rồi tìm cách biến chế và không cư xử đúng theo quan điểm đạo đức của người (quân tử mẫu mực)Trung Hoa.

Đông Tà, tức nước Nhật, trong mắt Kim Dung đã TÀ như thế nào?

Dựa vào Kỳ Môn Bát Trận của Khổng Minh để lập ra Phản Kỳ Môn Bát Trận để bảo vệ đảo Đào Hoa. Cũng dựa vào nguyên tắc sinh khắc, âm dương, ngũ hành, nhị thập bát tú và 64 quẻ kép của Bát Quái. Tuy nhiên trong trận đồ của Đông Tà, vị trí của các quẻ lại ngược lại vị trí các quẻ trong trận đồ Khổng Minh.

  • Thổi ngọc tiêu kích thích dục tình.
  • Thiếu tự chế – quá bi thương vì cái chết của vợ, gần như điên cuồng khi tưởng mất con.
  • Ăn cướp, tống tiền nhà giầu để có phương tiện lập căn cứ địa kiên cố, sang trọng. Dùng thủ đoạn xảo trá để đoạt Cửu Âm Chân Kinh.
  • Khi tức giận hai đệ tử phản bội đào thoát thì trừng phạt các đệ tử vô tội và hết sức trung thành khác bằng cách cắt đứt gân chân của họ rồi đuổi đi. Đâm mù mắt, chọc thủng tai các đầy tớ, gia nhân, vốn là các thành phần tội phạm, để kiềm chế họ và giữ bí mật về mình.

Sự tàn ác, ích kỷ của Đông Tà ám chỉ nước Nhật sau khi canh tân trở nên cường thịnh thì đi xâm lăng Trung Quốc và các nước khác cốt để làm lợi cho riêng mình, trắng trợn tự xưng là Đế Quốc Nhật Bản, khác với lý tưởng Vương đạo của người Trung Hoa là, theo Kim Dung, “trị quốc” để dọn đường cho “bình thiên hạ” tức là tiến tới “thế giới đại đồng”. Biến cố “The rape of Nanking” năm 1937 gây kinh hoàng, chấn động thế giới khi quân Nhật chiếm thủ đô Nam Kinh của Trung Hoa Dân Quốc, đã hãm hiếp và giết hại 300,000 người dân Tầu, thây chất như núi, máu loang đỏ các sông ngòi, là một tội ác khó có thể nào quên.

(Còn tiếp)

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ “trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn:Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh họa và phụ chú.

(1) Tra Lương Dong hay Louis Cha (查良鏞,1924-2018), bút hiệu Kim Dung (Jin Yong, 金庸), là một nhà báo, nhưng báo chí Anh ngữ thường gọi ông là “Tolkien của Trung Hoa” (‘China’s Tolkien’).

Kim Dung và và cuốn tiểu thuyết võ hiệp đâu tay của ông: “Thư kiếm ân cừu lục”. Nguồn: Reuteurs

Kim Dung là Phó Chủ biên tờ Tân Văn Báo (新晚報, The New Evening Post), Đây là ấn bản buổi chiều của tờ Đại Công báo (Ta Kung Bao,大公报) thành lập năm 1902 tại Thiên Tân (天津, Tianjin). Tân Văn Báo hoạt động từ 1950 đến 1997. Kim Dung làm việc ở Tân Văn Báo từ 1952. Tại đây, ảnh hưởng của một đồng nghiệp, Trần Văn Thống (Chen Wentong,陳文統)  bút danh Lương Vũ Sanh (梁羽生, Liang Yusheng) tác giả nhiều tiểu thuyết võ hiệp, Kim Dung viết cuốn trường thiên tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên “Thư kiếm ân cừu lục” (1955-6). Năm 1957, tuy vẫn viết tiểu thuyết võ hiệp nhưng Kim Dung bỏ nghề báo đi viết truyện phim và đạo diễn  cho The Great Wall Movie Enterprises Ltd and Phoenix Film Company. Đến năm 1959 Kim Dung cùng với bạn thời Trung học Trầm Bảo Tân (Shen Pao Sing, 沈寶新) sáng lập tờ Minh Báo (Ming Pao, 明報). Ông là Chủ biên của Minh Báo trong nhiều năm. Hiện nay ở Bắc Mỹ vẫn còn hai chi nhánh của Minh Báo là Ming Pao Toronto and Ming Pao Vancouver. Kim Dung còn là người đồng sáng lập tờ Tân Minh Nhật báo (Shin Min Daily News) từ năm 1967 ở Singapore. Kim Dung đã nghỉ hưu từ năm 1972 sau khi viết xong cuốn Lộc Đỉnh Ký (The Deer and the Cauldron, 鹿鼎记).