The last chance

Nguyễn Văn Lục

Tập đoàn cộng sản Việt Nam trước cao trào dân chủ của các nước Đông Âu đã quay ngược lại và chẳng những thế bóp nghẹt lại mọi đòi hỏi dân chủ.

Lịch sử bỏ lỡ

Hỗn lọan ở Venezuela. Nguồn CNN.

Tin tức thời sự gần đây cho thấy nước Venezuela hiện đang có nhiều dấu hiệu cho thấy chế độ chính trị tại đây đang có nguy cơ tự hủy diệt. Người ta đặt ra một câu hỏi rất đơn giản, tại sao một nước giầu tài nguyên với trữ lượng giàu hỏa nhiều nhất thế giới, vào năm 1960, bỏ xa nhiều nước láng giềng như Brazil mà nay người dân không có cái để ăn? Lạm phát cao nhất, suy thoái trầm trọng, người dân đang đối diện với sự đói khát vì thiếu thực phẩm, thuốc men?

(Xin đọc thêm bài viết của Keith Johnson, “How Venezuela struck it poor. The tragic-and totally avoidable – self-destruction of World’s richest oil economies”. Tạp chí Foreign Policy, tháng 7-2018)

Chính vì chính sách quản lý kinh tế sai lầm trong việc kiểm soát giá cả, trợ giá và công hữu hóa ngay cả các nông trại, ngân hàng, các công ty. Mọi sinh hoạt kinh tế vốn bình thường nay bị ngưng trệ tê liệt.

Vấn đề Venezuela mặc dầu nay chưa biết ngã ngũ ra sao, nhưng nó gợi hứng cho người viết bài này khi nghĩ tới hoàn cảnh Việt Nam sau 1975.

Không cần nhiều lời, không cần khoa trương điều mà ai cũng biết. Nhưng từ nhà cầm quyền đến người dân dều biết rằng cuộc sống dân miền Nam nói chung trước 1975 đều có của ăn của để. Người viết rất “chịu” mấy câu thơ xuôi cho Trần văn Bá của Dương Như Nguyện nói về cái miền Nam ấy. Nó bàng bạc cái đời sống thong dong thoải mái. Nó có vẻ chẳng nói gì cả, nhưng lại nói đủ:

“Thóc thơm
Gạo trắng
Gió biển
Miền Nam phì nhiêu nắng ấm”

Khi cộng sản chiếm miền Nam chỉ sau một năm, toàn thể dân miền Nam đều trở thành “Chí Phèo”. Gạo bo bo thay vào gạo trắng. Củ mì thay vào thóc thơm. Gió chướng thay vào gió biển. Nắng chang chang người trói người thay vào Phì nhiêu nắng ấm.

Phải chăng họ đã bỏ lỡ cơ hội? Lịch sử đã sang trang? Không phải một cơ hội mà nhiều cơ hội đã bị bỏ qua.

Bên trong thì bần cùng hóa người dân, xóa bỏ mọi cơ cấu hành chánh, nhân sự của guồng máy kinh tế, y tế, giáo dục Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), cầm tù và lưu đầy các viên chức, chuyên viên. Hàng trăm ngàn chất sám của VNCH đã rơi vào tình trạng không được dụng. Một sự sóa sổ chỉ ở mức độ thua kém về tàn bạo việc diệt chủng của Polpot. Một đằng giết luôn. Một đằng giết mòn.

Bên ngoài thì cắt đứt mọi liên hệ ngoại giao với các nước trong khối tụ do. Và điều tệ hại nhất là cắt đứt mọi liên hệ với các tổ chức quốc tế vốn từng giúp đỡ VNCH. Tỉ dụ tổ chức Y tế thế giới. OMS, rồi FAO, UNESCO, FMI, gần 100 tổ chức như thế.

(Xem thêm Hồ Đắc Huân, “Sáu năm hoạt động của Chánh Phủ VNCH”)

Một chính sách “bế quan tỏa cảng ngu xuẩn” chẳng khác gì thời các vua chúa.

Sự hội nhập vào cộng đồng thế giới trong suốt 20 năm miền Nam truowec 1975 trở thành con số không, và nhất là sau này bị cô lập bị Mỹ cấm vận. Những người ở trên rừng trên núi – hoàn toàn vô học- mới hành xử ngu xuẩn như vậy.

Ngay cả cái mà sau này họ hãnh diện gọi là “Đổi mới” chỉ là học mót từ Liên Xô. Khi ở thế đường cùng khánh tận về kinh tế và bị cô lập về ngoại giao, chỗ tựa duy nhất là Liên Xô, Nguyễn Văn Linh vội bay sang Liên Xô ngày 17-5-1987 sang học đường lối đổi mới của Gorbachev.

Gorbachev đã khuyên Nguyễn Văn Linh phải giải quyết sớm vấn đề Campuchia và mở cửa giao thương với các nước tư bản. Ngay khi về VN, ngày 23-5-1987-nghĩa là chưa được một tuần, Nguyễn Văn Linh đã viết một chỉ thị: Những việc cần phải làm ngay đăng trên Báo Nhân Dân.

Thật ra chữ “Đổi Mới” hiểu đúng thực trạng đất nước chỉ là biết điều quay trở về nguyên trạng cái mà VNCH đã làm. Đổi mới chính là quay trở về cách làm ăn sơ đẳng của một nền kinh tế tự do. Tự do lưu thông hàng hóa, giá cả do thị trường định đoạt lên xuống.

Vì không hiểu điều ấy nên trong Đại Hội VI, người ta mới thấy có những bộ quái đản như: Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá: Phạm Văn Tiệm. Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác Kinh tế Văn Hóa với Ai Lao và Campuchia: Đặng Thí. Chỉ vỏn vẹn có hai nước? Bộ Trưởng vật tư: Hoàng Đức Nghi.

(Xem thêm Hoàng Dung. Sau bức màn đỏ, nxb Tiếng Quê Hương, trang 95)

Sau đó, về mặt ngoại giao, họ còn bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa “không điều kiện” quan hệ với Mỹ? Về việc này là quan trọng, có lẽ cần chi tiết hơn một chút.

Ngay ngày 12 tháng 6, 1975, Mỹ đã gửi đến Tòa đại sứ Việt Nam một thông điệp. Thông điệp này do sứ quán Mỹ ở Paris gửi đến sứ quán VN ở Paris:

“Về nguyên tắc, Mỹ không thù hận gì VNDCCH. Đề nghị trên cơ sở đó tiến hành bất cứ quan hệ nào giữa hai bên. Mỹ sẵn sàng nghe bất ký gợi ý nào mà phía VNDCCH có thể muốn đưa ra.”

Sau đó có buổi họp giữa ta và Mỹ, cấp bí thư thứ nhất ngày 10-07, giữa ông Đỗ Thanh và Pratt chủ yếu bàn về vấn đề MIA. Mỹ chấp nhận VN vào Liên Hiệp Quốc, Mỹ có thể đóng góp khôi phục lại VN bằng cách phát triển buôn bán, hợp tác kinh tế.

Và theo ông Trần Quang Cơ, nguyên Thứ trưởng ngoại giao CHXHCNVN, “Năm 1977, ta đã có đủ khả năng để ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Nhưng ta đã bỏ qua.”

(Xem Hồi ức Trần Quang Cơ.)

Phía Việt Nam, đòi hỏi tiên quyết “trọn gói” ba vấn đề một lúc. Bình thường hóa quan hệ ngoại giao, giải quyết vấn đề MIA và viện trợ 3 tỉ 2 như đã hứa. Mỹ bị Quốc Hội bó tay trong vấn đề bồi thường. Nhưng đến khi Việt Nam đồng ý rút bỏ đòi họ là bồi thường chiến tranh hơn ba tỉ như đã hứa. Thì sự đã muộn rồi.

Thật rất tiếc, sự cao ngạo vĩ cuồng và sự ngu xuẩn cùng tột của tập đoàn lãnh đạo cộng sản như Lê Duẫn, Phạm Văn Đồng,Trường Chinh, Đỗ Mười, v.v. đã đưa đất nước vào cuộc chiến tranh với Campuchia và sự đối đầu với Trung Quốc kéo dài trên dưới 20 năm nữa.

Vấn đề của người cộng sản là họ cố tình không tìm hiểu tại sao Đặng Tiểu Bình quyết định xua quân sang dạy cho Việt Nam một bài học. Bài học gì không ai chịu nói ra!

Đó là cái lỗi đối với lịch sử dân tộc VN do sự ngu xuẩn rừng rú của tập đoàn lãnh đạo.

Trong khi TT Mỹ Carter, ngoại trưởng Cyrus Vance đều có thiện chí đón nhận một sự hòa giải.

Người viết nhiều khi nhìn lại một cách cay đắng và cảm thấy xấu hổ đến nhục nhã không phải chỉ những gì dành cho con dân miền Nam như Cướp nhà cửa, học Tập cải tạo, cải tạo kinh tế, đổi tiền. Và chỉ trong một ngày, cả nước trở thành trắng tay.

Và những khẩu phần thực phẩm từ 10 bao thuốc lá thơm, một gói bột ngọt, một ký thịt dành cho công nhân viên. Sau đó rút xuống một bao thuốc lá đến chia nhau 10 thìa bột ngọt mỗi tháng.

Vâng mười thìa bột ngọt.

Đó chỉ là những cay đắng dành cho cá nhân, cho gia đình những con dân miền Nam. Họ kiểm soát, khống chế con người bằng miếng ăn.

Nhưng còn những nhục nhã tầm Quốc tế mà những người như Thủ tướng Lý Quang Diệu đưa ra nhiều nhận xét chí lý, chí tình của ông khi viết về VN sau 1975. Khi CSVN tấn công sang Campuchia ngày 25-12-1978 đặt ra mối lo ngại cho các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Và binh lính cộng sản chỉ thực sự rút quân vào tháng 9-1989.

Nguồn: Lee Kuan Yew

Lý Quang Diệu viết:

“The Vietnamese had been admired by Third World countries as great heroes after they defeated the Americans in 1975 and captured Saigon. Now they were defying world opinion, bullying a small neighbor and becoming international villains.”

(Lee Kuan Yew. From Third World to First. 2011, trang 336)

International villain dịch là gì đây? Côn đồ quốc tế!

Câu nhận xét đầu có thể chỉ là ngoại giao, câu sau là chửi bố cộng sản Việt Nam.

Từ trang 308 đến trang 319 của cuốn sách, ông Lý Quang Diệu nhận xét, đánh giá về các lãnh đạo Việt Nam mà ông đã tiếp xúc như Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Khải, Trương Tấn Sang, v.v.. Ông cho thấy thái độ cao ngạo vô lối, cố chấp khi họ thăm viếng Singapore lần đầu năm 1978.

Chẳng hạn câu chuyện tiếp xúc giữa Lý Quang Diệu và Đỗ Mười. Ông Diệu viết:

“That night, as I walked with him to dinner, he again said Viet nam could not trade, but needed help, Singapore had benefited from the Viet Nam war, selling the American war material, hence, it our duty to help them. I was dumbfounded by this arrogant and belligerent attitude.”

(Lee Kuan Yew, Ibid., trang 311).

Lý Quang Diệu còn dị ứng với giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam nên ông cho rằng Trung Quốc “dạy cho VN một bài học” là đích đáng lắm. Ông viết:

“I was thankful that Deng Xiaoping had punished the Vietnamese. They would have
been unbearable as the victorious Prussians of Southeast Asia.”

(Lee Kuan Yew, ibid trang 314)

Có lẽ chỉ còn có Võ Văn Kiệt là tỏ ra biết điều và mời Lý Quang Diệu sang thăm Việt Nam mỗi năm.

Việt Nam còn làm cao không chịu gia nhập khối ASEAN khi được mời. Cả hai cái làm cao với Mỹ và khối Asian, cả hai điều này phải mất 20 năm sau (1995), Việt Nam mới đạt được một cách khá chật vật.

Cứ cho là họ quản lý người là giỏi, là không ai bằng. Tổ chức công an của họ, trừ nước Tàu, là không một nước nào có thể sánh bằng tính cho đến ngay hôm nay.

Chế độ công an trị tỏ ra hữu hiệu nhất trong guồng máy cai trị của người cộng sản. Họ có quyền tự hào về điều ấy và cũng có thể phải biết xấu hổ nhất về điều ấy. Vì thế đất nước hiện nay, từ trên xuống dưới, từ đảng với đảng, từ đảng tới dân và từ dân với dân hành xử với nhau như bọn côn đồ, vô pháp luật và đồi bại về nhiều mặt gần như không có thuốc chữa.

Vậy mà việc quản lý kinh tế của họ thì tồi tệ nhất cũng không ai bằng.

Mặc dầu có bao nhiêu cố vấn, nhưng họ nghe được bao nhiêu? Cố vấn giỏi mà học trò không chịu học thì đành chịu. Có biết bao nhiêu cố vấn tầm cỡ như Lý Quang Diệu, Nguyễn Xuân Oánh, Nguyễn Văn Hảo và nhất là tập đoàn trí thức chuyên gia có đẳng cấp của chế độ cũ thường có tên gọi là nhóm “Chiều thứ sáu”. Họ làm việc không lương, không trụ sở, không chủ quản, không điều lệ, không chức vụ, không kinh phí. Họ chỉ có một sở trường là tài năng chuyên môn và thiện chí.

Nhóm “Chiều thứ sáu” thành lập khoảng tháng 10-1986, có một số người như như Lâm Võ Hoàng, Phan Chánh Dưỡng, Phan Thành Chánh, Mai Kim Định, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước, Trần Trọng Thức, Hoàng Thoại Châu, Phan Tường Vân Nguyễn Ngọc Bích, Hồ Xích Tú, v.v..

Nhờ có sự đóng góp của những chuyên gia kinh tế này như đưa ý kiến hủy bỏ các trạm kiểm soát để hàng hóa lưu thông tự do và để cho thị trường định giá các sản phẩm do đó kinh tế mới ngóc đầu dậy được.

Một vài bằng chứng của The last chance

Có thể nói đầu thập niên 1980, chính quyền cộng sản đang đi tới sự phá sản có nguy cơ làm sụp đổ chế độ.

Trong nước, sự ngưng trệ toàn diện vì nguyên liệu nhập cảng đã hết, không có ngoại tệ để nhập.

Xin đọc một bá cáo của bà Lê Thị Lý, nguyên giám đốc nhà máy dệt Phước Long, nguyên Phó Tổng Giám đốc công ty dệt Việt Nam, nguyên Giám đốc công ty dệt Việt Thắng.

Bà Lý báo cáo với Nguyễn Văn Linh:

“Tôi thưa với đồng chí: Nhà máy chúng tôi có 1000 máy dệt thoi, 20 máy dệt kim bằng. Năng lực thiết kế 30 triệu mét một năm. Nguyên liệu là sợi tổng hợp 100% nhập khẩu. Hiện tại chỉ sản xuất được 5 triệu mét.”

[…]

“Tôi tiếp tục đưa đồng chí Nguyễn Văn Linh đi xem xưởng dệt nhuộm Khu A. Trên đường đi, đồng chí nhìn thấy phía sau nhà máy có một số chị em đang cuốc cuốc đào đào, đồng chí hỏi: “Ở đó sản xuất gì mà sao công nhân đứng ngoài trời?”

Tôi định giấu nhưng đồng chí đã trót nhìn thấy nên tôi đành phải bá cáo thật: “Dạ đó là hai hầm sợi phế thải, chủ cũ đã vứt bỏ lâu ngày thành hầm rác. Chúng tôi cho đào thử và thấy có thể giặt sạch sấy khô dùng chế tạo sản phẩm phụ như thú nhồi bông, chổi, đệm xe, v.v.. Các công việc thu hút trên dưới 20 công nhân. Có việc làm, có lương, chị em rất mừng.”

(Trích Nguyễn Văn Linh, Hành trình cùng lịch sử, nxb Trẻ, trang 113-4)

Họ hãnh diện về thành tích nên viết ra điều này mà họ không thấy nhục!!

The last chance

Có thể nói thập niên 1980-1990 là thập niên quan trọng nhất kể từ thế chiến thứ hai chấm dứt. Nó làm thay đổi diện mạo một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu như Ba Lan, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria, Romania, tại Nam Tư và đặc biệt chia cắt Liên Xô ra làm nhiều mảnh nhỏ.

Năm 1989, cơn bão dân chủ thổi mạnh làm tan băng các nước Đông Âu và Trung Âu.. Nhờ đó chiến tranh lạnh tạm chấm dứt sau 40 năm dài trong mịt mù kềm kẹp và nghèo túng.

Không một nhà chính trị hoặc một lãnh tụ thế giới nào có thể tiên đoán được điều gì đã xảy ra.

Hai cuộc nổi dậy trước đây ở Hung Gia Lợi (10-1956) và Ba Lan( 6-1956) đều bị Hồng quân Liên Xô đè bẹp càng làm cho người ta tin tưởng rằng Khối cộng sản với bức màn sắt là vô địch.

Tiếp đến “Mùa xuân Prague” chủ trương một chủ nghĩa xã hội nhân bản đã bị 500 ngàn quân trong khối Warsaw đứng đầu bởi Liên Xô dập tắt năm 1968.

Đi một bước nữa, Liên Xô đã xua quân chiếm A Phú Hãn tháng12-1979. Đây là sự sa lầy của Liên Xô vùng với sự kiệt quệ vì chạy đua kế hoạch Star War với Hoa Kỳ (1982)

Chừng ấy nước từ bỏ chế độ cộng sản thì một kẻ ngu xuẩn nhất cũng phải đặt câu hỏi tại sao?

Ở đây, xin ghi nhận một vài sự kiện có thể tác động đến sự sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu.

Chúng ta cần ghi nhận có hai biến cố sau đây: vị Giáo Hoàng Ba Lan, thuộc giáo hội thầm lặng được bầu lên ngôi Giáo Hoàng với tỉ lệ áp đảo. 99 phiếu bầu trên tổng số 108 hồng y. Lý do gì để các hồng y dồn phiếu cho vị Giáo Hoàng Ba Lan?

Ngay khi được bầu lên ngôi vị Giáo hoàng, vị tân giáo chủ xuất hiện trước đân chúng với lời nhắn nhủ gửi đi đến toàn thể thế giới: “Nonabbiate paura! Các con hãy đừng sợ! Mọi người khi nghe xong lời tuyên bố này, có một cái gì đó làm chuyển động bầu trời và sứ mệnh mà vị sứ giả này gửi đến cho mọi người như một chứng nhân thời đại.

Biến cố thứ hai, TT Reagan đã bước vào Nhà Trắng vào những năm 1980.

Hình như có một định mệnh an bài để hai người này có một một mẫu số chung trong việc làm sụp đổ khối cộng sản Đông Âu. Cả hai đều bị ám sát và sống sót.

Mối liên hệ lịch sử mà cội rễ bắt nguồn từ sự xác tín chống lại chủ nghĩa Mác Xít giữa nước Mỹ và Vatican, giữa một siêu cường với sức mạnh của thế quyền và thần quyền phối hợp một cách kỳ diệu. Mỗi lần các cố vấn của Reagan sang Vatican như tướng Walters hay Casey trở về thì Reagan hối hả chờ đợi được nghe bá cáo. Và tất cả các hồ sơ về chính sách, đường lối của Hoa Kỳ thì đều được chuyển đến tay Giáo Hoàng.

Richard Allen, Cố vấn An ninh Quốc gia đâu tiên của Reagan nói:

“Reagan đã có một xác tín sâu xa và không lay chuyển được là vị giáo hoàng này sẽ có thể thay đổi thế giới.
[…]
This was one of the great secret alliances of all time.” (Đây là một trong những liên minh bí mật quan trọng nhất từ trước đến nay.)

(Carl Bersntein, The Holy Alliance, TIME, Sunday, June 24, 2001)

Sự trao đổi thông tin giữa hai bên đã giúp cho Tòa Bach ốc nắm vững tình hình ở Ba Lan một cách chính xác. Bởi vì những nguồn tin mà Vatican có được đều do giáo dân Ba Lan cung cấp thuộc loại thông tin tuyệt đối chính xác, loại thông tin hàng đầu.

Cái ngày đầu tiên của đứa con Ba Lan trở về đất mẹ – ngày 2-6-1979 đã làm lung lay quyền lực của Varšava và Moskva. Ngay từ những giờ phút lịch sử đầu tiên trên đất nước Ba Lan, đã có một triệu người dân Ba Lan đón tiếp Giáo Hoàng từ phi trường về công trường Piłsudski (đặt theo tên Thống chế Józef Piłsudski là người có công trong việc khôi phục lại quốc gia Ba Lan sau Thế chiến. Tên cũ là Công trường Chiến thắng (plac Zwycięstwa, 1946).

Thánh lễ cầu nguyện năm 1979 của GH John Paul ll cho Thánh lễ Ngũ tuần tại Công trường Piłsudski, Warsaw, Ba Lan. Photo: YouTube/WYD2016 Blog 2 – A Pilgrim’s Guide to Warsaw

Cảnh này, nhắc nhở ở một nơi nào đó, Reagan đã chảy những giọt nước mắt chia xẻ, nhưng cũng báo hiệu một ngày tàn không xa của khối cộng sản.

Sau này, vị Giáo Hoàng Ba Lan còn nhớ một giáo dân trương biểu ngữ trên ngay trong buổi lễ ngoài trời ở giáo đường Gniezno tại Gniezno, Ba Lan và đọc to bằng tiếng Tiệp Khắc, “Holy father, don’t forget about the children in Czechoslovakia.” (Thưa Giáo Hoàng, xin ngài đừng quên các con cái ngài là dân Tiệp Khắc.)

(Xem thêm Carl Bernstein. Marco Politi. Sa Sainteté. Jean-Paul II Et l’histoire cachée de notre époque và Hella Pick and Agencies in Warsaw and Gniezno, « Pope tugs at the Iron Curtain” The Guardian, 4 Jun 1979.)

Vị Giáo Hoàng đã không hề quên. Và điều đó cho thấy mối liên hệ ruột thịt giữa hai dân tộc mà Tiệp Khắc là một trong những giáo hội anh em bị đàn áp khắc nghiệt nhất ở Âu Châu.

Chỉ cần một biểu ngữ ngắn ngủi đó thôi. Giáo Hội Ba Lan đã mời Hồng y Tomasek của Tiệp Khắc sang Ba Lan diện kiến vị tân giáo chủ. Cho mãi đến ngay 6-6, ông mới được giấy phép xuất cảnh. Biên giới Tiệp Khắc Ba Lan vốn được qua lại thong thả nhưng chế độ Husak (Tiệp Khắc) đã tạm đóng cửa.

Những nhân vật lãnh đạo hàng đầu của Ba Lan như Gierek, Piotr Jaroszewicz, Stanislas Kania, đặc biệt Jaruzelski cảnh cáo: “chúng ta lo sợ rằng điều này báo hiệu một sự leo thang khó tránh khỏi.” (Carl Bernstein, Ibid, trang 189)

Cho đến ngày thứ ba của chuyến viếng thăm thì có thể nói một cuộc hành hương toàn thắng. Biển người, biển biểu ngữ bày tỏ lòng tín phục. Bất cứ một sự ngăn cản nào của chính quyền cũng đủ làm cho mọi người phẫn nộ.

Không thể nào diễn tả đầy đủ cái bầu khí lúc bấy giờ với những nơi chốn mà vị Giáo Hoàng Ba Lan đã dừng chân, nhất là tại Auschwwitz, nơi có 6 triêu người Do Thái bị chết trong các trại tập trung.

Chỉ cần tóm tắt là đất nước Ba Lan đã không còn như trước nữa.

Và một lần nữa, vị giáo hoàng đã thanh toán những “món nợ lịch sử” mà dân tộc ông đã phải gánh chịu. Hình ảnh vị Giáo Hoàng quỳ trong bóng tối căn phòng hơi ngạt đã được truyền đi khắp thế giới.

Vấn đề còn lại sau khi cuộc viếng thăm Ba Lan là vấn đề của chính quyền cộng sản Ba Lan với người dân của nước họ.

Trong một cuộc phỏng vấn lãnh tụ công đoàn Ba Lan, Lech Walasa, ông cũng cho rằng tất cả những diễn biến xảy ra sau đó là không thể biết chắc được điều gì xảy ra.

“Cứ mỗi diễn biến xảy ra, kết quả cuối cùng là không thể tiên đoán trước được… Chính đời sống quyết định mọi chuyện và đời sống thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.”

Và được hỏi rằng, nếu không có Giáo Hoàng gốc Ba Lan thì sao?

Lech Walasa trả lời là: “Tôi không thể mường tượng được là Giáo Hoàng lại không phải là người Ba Lan.”

(Paris Match. Nos années 80, trang 58)

Người mở đường cho sự sụp đổ của Đông Âu: Gorbatchev

Vào năm 1980, không một ai dám có can đảm nghĩ rằng có một hậu quả dây chuyền về cái được gọi là: perestroika. Ngày 27 tháng 12 năm 1979, Hồng quân Liên Xô tiến vào Á Phú Hãn, loại trừ tổng thống Hafizullah Amin và đưa Babrak Karmal thế vào chỗ trống đó. Liên Xô tuyên bố chỉ đưa một quân số giới hạn và sẽ rút ra ngay khi không còn cần thiết nữa. Nhưng thực tế họ đó ở lại đó 10 năm với hậu quả 1 triệu người Á Phú Hãn chết, tức 9% dân số và 15.000 người chết về phía Liên Xô.

Chưa kể sự tàn phá khủng khiếp do bom đạn tàn phá, đồng thời nó cũng làm nản lòng những binh sĩ Liên Xô.

A Phú Hãn là vũng lầy của Liên Xô chẳng khác gì Vn là vũng lầy của Mỹ ở VN..

Nhưng đối với giới trẻ Sô Viết, Glanost và Perestroika cùng nghĩa với việc rút quân ra khỏi Á Phú Hãn (Afghanistan). 9 năm sau giới trẻ Sô Viết ăn mừng cuộc rút quân khỏi Á Phú Hãn.

Năm 1986, một năm rưỡi sau khi Gorbachev lên nắm quyền tại Moscow, trong buổi họp thường niên của khối Comecon, trong bức hình chụp chính thức, người ta thấy có đủ mặt các lãnh đạo cộng sản Đông Âu, trong đó đứng thụt lùi ở giữa lãnh đạo Liên Xô và Ba Lan là ông Trường Chinh. Cộng chung tất cả là 10 người.

Từ trái sang phải: Janos Kadar (Hung Gia Lợi), Nicolae Ceaucescu (Lỗ Ma ni), Erich Honecker (Đông Đức), Mikhail Gorbachev (Liên Xô), Trường Chinh (Việt Nam) Wojciech Jaruzelsky (Ba Lan), Fidel Castro (Cuba) Todor Jikov (Bảo Gia Lợi), Gustav Husak (Tiệp Khắc) và người cuối cùng Jambyn Batmonh (Mông Cổ).
From left, Janos Kadar of Hungary, Nikolae Ceaucescu of Romania, Erich Honecker of East Germany, Mikhail Gorbachev of the USSR, Truong Chinh of Vietnam, Wojciech Jaruzelski of Poland, Fidel Castro of Cuba, Todor Zhivkov of Bulgaria, Gustav Husak of Czechoslovakia and J Batmunh of Mongolia pose before a Comecon meeting in Moscow on November 10, 1986. Tass / AFP

Không ai ngờ rằng những người đứng vây quanh Gorbachev chẳng bao lâu nữa, phần lớn biến mất dạng trên sân khấu chính trị ở đất nước họ.

Theo người viết, có lẽ đây là một bức hình có ý nghĩa lịch sử nhất của sự sụp đổ Đông Âu.

Hành trình của một người trẻ sau này làm lung lay khối cộng sản

Kinh nghiệm nói chung của người viết khi giao tiếp với những người cộng sản sau 1975 là thái độ lúc nào họ cũng tỏ ra “dè dặt” “nghiêm chỉnh”.

Điều này xem ra ít người để ý tới.

Nhưng kinh nghiệm này giúp hiểu và cắt nhĩa được tại sao về mặt đời sống về mặt con người, người ta không dễ dàng chấp nhận người cộng sản.

Họ không có khuôn mặt con người.

Nhưng bề noài nó tạo ra một kịch tính, một phong thái cộng sản dù một tên nhóc cán bộ phường lên đến huyện, tỉnh và Trung Ương Đảng đều hành xử qua ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ. Kịch tính ấy nhiều khi biến họ thành những tên ngố, lòi cái dốt ra. Đôi khi nó hù dọa làm mình sợ, lúc nào cũng phải kiểm điểm, lúc nào cũng có tâm lý tội phạm dù chẳng có tội gì.

Phải sống với tư cách cán bộ nhà nước mới hiểu được điều này.

Nó làm đời sống con người khô cằn, lạnh nhạt, đa nghi, dình dập nhau, chấp từng cử chỉ lời nói để đừng “mất lập trường”.

Tôi chán ngắt đời sống vô vị của người cộng sản.

Vì thế, những anh em chế độ cũ chúng tôi thường tụ họp, sinh hoạt riêng, tổ chức ăn uống, tếu láo với nhau cho đỡ những ngày tháng buồn tênh. Đó là những ngày tháng vui nhất của chúng tôi trong 4 năm sống với cộng sản. Tôi nhớ từng khuôn mặt bạn bè, chia xẻ và giúp đỡ nhau.. như anh em trong nhà. Tôi muốn nhắc đến Thủy, đến Châu, đến Hiếu và nhất là đến Hoàng Thanh Tâm và nhiều người khác.

Càng bị hành hạ bên ngoài, càng ngọt ngào tình anh em như một bù trừ. Nếu không có thứ bù trừ đó thì không biết sống làm sao đây?

Trong các buổi họp, dù họp nhóm, họp chuyên môn, họp tổ đi nữa, luôn luôn là có thái độ “bài bản” “khẩn trương”. Họ làm ra quan trọng mà thật sự chẳng có gì quan trọng. Một anh bộ đội, môt cán bộ đi đâu cũng sách một cái sắc cốt, tưởng là túi tài liệu quan trọng, mà thực sự đôi khi bên trong chỉ là mấy củ khoai, nắm cơm nắm.

Thái độ này, Tây Phương gọi là thái độ trưởng lão. (Gerontocratie, Lão nhân chánh trị).

Họ già trước tuổi. Nó tạo ra một bầu khí căng thẳng, buồn hiu thường trực không cần thiết.

10 dòng về vấn đề này không phải là hoang phí đâu.

Trong khi cũng là người cộng sản từ trong ra ngoài và ở tuổi 54, ông Gorbachev đã leo lên đến đỉnh của quyền lực. Vậy mà ông vẫn có một cái gì gần gũi, gần con người.

Ronald Reagan & Mikhail Gorbachev, Reykjavik, Iceland, October 1986. Nguồn: Mary Dickson

Đó là cái cung cách, cách sống gần con người của lãnh tụ cộng sản Gorbachev khi ông đưa ra nhận xét: “Không phải vì người ta là cộng sản thì lúc nào cũng phải làm ra vẻ một con gái nông dân.”

Không muốn nhắc lại công việc mà ông đã làm trong nhiều năm. Tôi chỉ muốn nhắc đến cái thái độ sống gần con người của ông, với vợ ông như một biện minh cho việc làm của ông. Chính cái tinh thần cởi mở này đưa đến chính sách “cởi trói” của ông năm 1985 mở đường cho những cải cách rộng lớn trên toàn Đông Âu. Chính gốc gác cởi mở ấy biến Gorbachev thành một người có đầu óc tiến bộ so với thế hệ năm 1970 của Liên Xô như các ông Trùm Brezhnev, Andropov, Chernenko.

Phải chăng nhờ đó mà con người vĩ đại ấy đã làm nên lịch sử đã làm nảy sinh ra cái tinh thần Perestroika mở đầu cho cuộc cách mạng dân chủ?

Có lẽ muốn hiểu rõ điều này, phải duyệt lại vắn tắt một quá trình dài kể từ thời Stalin đến Brezhnev. Đó là những năm tháng nó đã đạt tới cái đỉnh tồi tệ nhất rồi. Cái tinh thần chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa hình thức cũng tính cách phi lý tột cùng trong guồng máy đảng, trong những quyết định. Một guồng máy Đảng già nua cằn cỗi tạo ra tính vô cảm trong mọi quyết định. Điều này, chúng ta cũng nhận thấy được rõ ràng trong cái guồng máy Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay.

Những buổi họp tẻ ngắt “vô trách nhiệm” , ngồi nghe nhàm chán rồi ngủ gật như trong các phiên họp Quốc Hội của Việt Nam, tuyền ngôn từ là ngôn từ, bài bản thuộc lòng, chữ nghĩa bò lổn nhổn, kêu mà rỗng, rỗng mà kêu theo cái kiểu “biết rồi khổ lắm nói mãi”.

Khi cần quyết định thì người nọ đùn người kia, cơ quan này đẩy qua cơ quan khác, dưới đẩy lên trên chờ quyết định. Thủ tục hành chánh vì thế kéo dài vô định, kéo dài ngày tháng chẳng đi đến đâu để rồi đôi khi đưa ra những quyết định liên quan đến tương lai sứ sở đôi khi chỉ trong vòng 5, 10 phút.

Đấy là những kinh nghiệm, bệnh quan liêu hành chánh mà người viết xin đưa ra từ những chứng từ của Borís Yeltsin. Ông kể lại năm 1981, ông còn đang làm Bí thư ở Sverdiovsk, ông có dự án xây một Métro, nhưng trước hết phải được Tổng Bí thư Brezhnev phê duyệt. Tổng Bí thư tiếp đón ông lạnh nhạt hầu như không quan tâm rồi cuối cùng hỏi: Ông muốn tôi làm gì?

– phê duyệt dự án Métro.
– Yeltsin đọc từng chữ cho Breznev ghi
– sau đó, Yeltsin bảo ông ta ký vào.
– Và ông ta đã ký.
(Paris Match, Nos années 80, trang 58)

Cứ nhìn những công trinh xây dựng bị rút ruột ở Việt Nam hiện nay cho thấy, không một ai, không cơ quan nào có trách nhiệm về những thiệt hại công như thế!

Trong cái bầu khí chán ngắt như thế mà tinh thần của Perestroika dần dần được thực hiện và lan tỏa ra, nhất là sau khi Chernenko qua đời thì các biến cố cứ thế mà diễn tiến ra một cách không thể đảo ngược được nữa.

Nó như một sợi dây chuyền, một mắt xích cái nọ xô đẩy kéo theo cái kia.

Biến cố Đông Âu ở Việt Nam. The last chance

Nếu chúng ta nắm được cái nguyên tắc căn bản của đảng cộng sản Việt Nam, Đảng trên hết, thì mọi chuyện chính trị rắc rối đến đâu cũng thành dễ hiểu.

Cho nên ngay cả cái chiêu bài người ta thường nêu ra như một sách lược chính trị của Đảng qua câu nhận xét:

Chơi với Tàu mất nước. Chơi với Mỹ mất Đảng. Còn đảng thì còn ta. Mất Đảng thì mất tất cả. Nhượng đất, nhượng biển cho Trung Quốc thì trong cái mất vẫn có cái được.

Người cộng sản ở trong tình thế bắt buộc phải chọn chơi với Tàu. Mỹ ở hạng chót.

Cho nên, ngay cả cái câu sau đây được ghi trong Hiến Pháp: “Trung Hoa là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất” cũng bị xóa bỏ. Tôi có cuốn Bạch thư kể tội ác của Tàu, nay cũng vất thùng rác.

Vì thế, trong những thập niên 80, người đồng minh duy nhất của Việt Nam là Liên Xô. Nhưng từ năm 1986 trở đi thì mối liên lạc ấy mờ nhạt.

Mờ nhạt với Liên Xô thì nhu cầu phải kết thân với Trung Hoa trở thành cấp thiết hơn. Vì thế, sau khi Đông Âu sụp đổ thì nội bộ đảng phải được sắp xếp lại nhân sự thế nào cho thích ứng với tình thế mới. Bỏ ai, không bỏ ai, đó là công việc nội bộ của họ mình biết gì mà dính vào.

Cũng thế, việc nước cũng là việc của họ, hơi đâu xía vô. Cách duy nhất là tẩy chay dưới mọi hình thức. Nhưng nó canh giữ từng miếng ăn của mình thì bó tay.

Chiêu bài cỗ súy chuyện đá banh coi như bày tỏ tình tự dân tộc đất nước là một lừa phỉnh chính trị. Nó làm cho dân chúng ngủ quên như liều thuốc ngủ qua đêm.

Khán giả không màng nguy hiểm, đốt pháo sáng trên đường phổ tại khu vực Hồ Gươm (Hà Nội)  để ăn mừng chiến thắng AFF Cup 2018. Nguồn: Tuổi trẻ)

Đá banh trước sau chỉ là một trò giải trí với mức thương mại vượt trần. Vì thế, thắng một trận banh thì không có nghĩa là nước mình phát triển hay hùng mạnh thêm. 11 cầu thủ trên sân cỏ chẳng là gì, chẳng đại diện cho ai, cho lý tưởng gì cả cả so với số phận hơn 90 triệu dân còn lại.

Vì thế, tôi có thắc mắc là có hai cơ quan truyền thông ở Hải ngoại là đài BBC và tờ báo Người Việt đã tận tình cổ súy cho việc đá banh. Mấy ông già trong diện H.O. được báo Người Việt phát cho một cái bánh mì, một lon nước như phát chẩn để coi các trận cầu quốc tế? Chẳng biết họ có mục đích gì khác không?

Tôn giáo thì nó cổ súy phát huy các lễ hội cổ truyền mà chẳng qua là chuyện buôn thần bán thánh, mê tín, dị đoan.

Nguyễn Văn Linh là người lo sắp xếp lại để cứu nguy Đảng. Họ đặt quyền lợi của Đảng cao hơn quyền lợi của đất nước. Và để tiếp tục duy trì được quyền lực của mình, họ đã ngả theo Tầu, chọn cái ô dù cộng sản đi ngược lại với những biến động ở Đông Âu.

Cho nên biến cố Đông Âu tưởng nó ảnh hưởng nhiều đến tình hình chính trị Việt Nam. Nhiều người mong đợi một sự sụp đổ dây chuyền như một chuyển tiếp. Nhiều người ở hải ngoại cũng có một thái độ trông chờ như thế. Một sự sụp đổ ôn hòa và không đổ máu. Nhưng tất cả những điều ấy đã không bao giờ xảy ra.

Cởi trói rồi trói lại. Đó là trò hề cộng sản.

Một số nhà văn đã hơn ai hết nhạy bén hơn ai hết phấn khởi trước cao trào cởi trói. Họ là những Nguyễn Huy Thiêp, Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Duy,Trần Mạnh Hảo, Phùng Gia Lộc, Phạm Thị Hoài, Xuân Quỳnh và nhiều người khác.

Trong bài thơ “Tạ lỗi cánh đồng”, Trần Nam Hương nhìn lại:

“Đã có một thời nỗi đau ta phải dấu
Ta đánh mất ta trong nửa con người
Bài thơ phải cắt đi phần thật nhất
Trong báo ta cầm chỉ đọc những niềm vui.”

Trong bài “Nhìn Từ Xa… Tổ Quốc!” Nguyễn Duy đã đặt dấu hỏi nghi ngờ:

“Ðổi mới thật không hay giả vờ đổi mới?
Máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?”

Đổi mới cuối cùng chỉ là một cái bánh vẽ. Tập đoàn cộng sản Việt Nam trước cao trào dân chủ của các nước Đông Âu đã quay ngược lại và chẳng những thế bóp nghẹt lại mọi đòi hỏi dân chủ. Có thể “mở” kinh tế, nhưng “khép chặt” chính trị. Và ngày nay càng tìm cách khép chặt hơn. Cho nên, có thể tạm kết luận là, thêm một lần nữa, đảng cộng sản bỏ lỡ cơ hội đi vào hội nhập thế giới.

The last chance đã mất từ lâu? Hay người ta vẫn đợi The last last chnace?

Nhiều người ảo vọng tin tưởng vào lớp trẻ con cháu những lãnh tụ cộng sản do được ăn học và tiếp xúc với thế giới bên ngoài hơn cha ông chúng. Hy vọng chúng cởi mở hơn!

Không. Chúng đi theo vết chân cha ông chúng từng bóc lột tận xương tủy đồng bào. Nhưng dù sao cha ông chúng còn đôi khi biết dấu mặt. Còn bọn chúng tiếp tục con đường ấy một cách vênh váo ăn chơi hưởng thụ một cách xa xỉ quá lố và khoe khoang cái mà chúng được thừa kế và để tiếp tục hưởng lợi và đàn áp đồng bào.

Người ta gọi chúng là những thái tử đỏ. Chúng còn tồi bại hơn cha chú của chúng một bậc.

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ “trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


DCVOnline hiệu đính và minh họa.