Đường cũ, đường tà và đường mới

Hạ Minh | Hồ Như Ý dịch

Mùa xuân năm 1992, Bbài nói chuyện trong “chuyến tuần du Phương Nam” của Đặng Tiểu Bình đã kết thúc cục diện bảo thủ về chính trị, kinh tế ở Trung Quốc kể từ sau thảm sát Lục Tứ 1989, mở ra một giai đoạn cải cách mở cửa mới.

Một người đàn ông trên đống gạch vụn của một ngôi nhà bị phá hủy ở làng Xian ở Quảng Châu, thành phố đông dân nhất của tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc (2015). Nguồn: David Bandurski

Suy nghĩ lại về cải cách chính trị mô hình Singapore — Bàn về học tập kinh nghiệm Singapore 1(2012.11.02)

Trong chuyến tuần du Phương Nam, Đặng Tiểu Bình thị sát các địa phương, đặc biệt là trong chuyến đi thăm đặc khu Thâm Quyến, đã khích lệ

“Quảng Đông trong vòng 20 năm đuổi kịp “Bốn con rồng nhỏ” Châu Á, không những chỉ nền kinh tế đi lên, mà trật tự xã hội, nếp sống xã hội, công cuộc xây dựng văn minh tinh thần, văn minh vật chất[1] cũng đều cần vượt qua họ, như vậy thì mới là chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc.”

Đồng thời ông ta còn chỉ rõ rằng, “Trật tự xã hội của Singapore được xem là tốt, bọn họ quản lý nghiêm, chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của họ, hơn nữa quản lý tốt hơn họ.” Ông ta hy vọng Trung Quốc có thể tạo ra thêm vài Singapore, vài cái Hong Kong ở trong nội địa.

20 năm đã đi qua, Quảng Đông đã không thể hoàn thành nhiệm vụ đuổi kịp “Bốn con rồng nhỏ Châu Á”. Điều càng làm cho người ta chán nản là, không những khu vực nội địa Trung Quốc không thể tạo ra thêm được mấy cái Hong Kong, ngược lại Hong Kong ngày càng nội địa hóa, dần dần mất đi môi trường pháp trị và sức sống tự do sáng tạo vốn có của nó. Người dân Hong Kong vì thế oán thán khắp nơi, bước lên đường phố để bảo vệ lấy địa vị độc lập của Hong Kong.

Một lần nữa hâm nóng mô hình Singapore

Ngày hôm nay chính đang là thời điểm tổ chức Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy, đội ngũ lãnh đạo sắp sửa tiếp nhận quyền lực đang có ý muốn một lần nữa học tập mô hình Singapore, tìm ra con đường sống cho những thay đổi ở Trung Quốc. Ví dụ, tờ ấn phẩm “Học Tập Thời Báo” của Trường đảng Trung ương do Tập Cận Bình giữ chức hiệu trưởng đã đăng tải một bài viết với tiêu đề “Kinh nghiệm của Singapore đối với việc xây dựng chính phủ phục vụ”, bài viết đã giới thiệu kinh nghiệm cải cách chính trị của đảng cầm quyền ở Singapore. Truyền thông hải ngoại càng trực tiếp đồn đoán; năm 2010 Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ cùng Lý Quang Diệu tại Bắc Đới Hà, tháng 11 cùng năm thì ông ta lại có chuyến thăm tới Singapore, tiếp đó lại có Lưu Á Châu dẫn đầu đoàn khảo sát đến nước này nhằm xây dựng phương án cải cách tiếp theo. Có nhiều sự kiện cho thấy, sau Đại hội 18 thì mô hình Singapore có thể sẽ trở thành đối tượng học tập của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nếu như nói, 20 năm trước, một ông già đã chỉ ra con đường đi cho Trung Quốc, ngày hôm nay lại quay trở về điểm xuất phát, một vòng tuần hoàn quay lại như vậy rất đáng để chúng ta tìm hiểu nó. Đầu tiên, nó cho thấy lần học tập mô hình Singapore về cơ bản đã thất bại. Tiếp đó, nó cũng cho thấy, cái gọi là “Đồng thuận Bắc Kinh[2]“ và “Mô hình Trung Quốc” cũng đang bị lặng lẽ từ bỏ, hoặc ít nhất đã bị lạnh nhạt, phớt lờ. Cuối cùng nó cũng cho thấy rằng, trước đây cái gọi là mô hình “phát triển hướng nội” “mang đậm màu sắc Trung Quốc” luôn được nhấn mạnh thì có khả năng ve vẩy sang mô hình “phát triển hướng ngoại”, một quốc gia tự đại vốn say sưa trong “nghìn năm thịnh thế” lại sẽ một lần nữa nhấn mạnh tâm thái cởi mở và năng lực học tập của nó.

Nhưng mà sau 20 năm bổn cũ soạn lại muốn “học tập Singapore” thì sẽ có rất nhiều vấn đề mới nảy sinh. Đầu tiên, định vị mục tiêu của học tập Singapore là gì? Định vị mục tiêu giữa Đặng và Tập trong 20 năm cách biệt khi học tập kinh nghiệm Singapore có giống nhau không? Thứ hai, tại sao lần thứ nhất học tập mô hình lại không thể thành công? Nguyên nhân thất bại là gì? Thứ ba, từ Lý Quang Diệu đến Lý Hiển Long, mô hình Singapore có phải hay không đông cứng không thay đổi? Nếu như mô hình Singapore đã có nhiều lần tự điều chỉnh trong hơn 20 năm qua, vậy thì nguyên nhân của nó là gì? Sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với việc mô phỏng của phía Trung Quốc? Cuối cùng, tinh túy của mô hình Singapore là gì? Những cái xấu của nó nằm ở đâu? Trung Quốc làm thế nào để tránh khỏi việc ăn mót ăn nhặt của người khác?

Ở đây chúng ta tập trung vào hai vấn đề đầu tiên, hai vấn đề sau sẽ được bàn đến ở bài kế tiếp.

Học tập cái gì ở Singapore? 

Nguồn: Straits Times Press


Hai mươi năm trước, Đặng Tiểu Bình đem mục tiêu định vị ở ba phương diện chính gồm phát triển kinh tế, trật tự xã hội và nếp sống xã hội. Ba phương diện này lại chỉ nhằm phục vụ cho địa vị lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Sau khi Đặng Tiểu Bình đưa ra lời kêu gọi, Giang Trạch Dân đã đi thăm Singapore, đưa ra lời hỏi thăm thỉnh giáo đối với Lý Quang Diệu cùng các lãnh đạo khác về bí quyết thành công của Singapore, đặc biệt là làm thế nào mà quốc gia này có thể thành công trong việc xây dựng niềm tin đối với giới đầu tư nước ngoài, thu hút vốn đầu tư. Lý Thụy Hoàn trong thời gian giữ chức vụ ở Thiên Tân đã bày tỏ hứng thú đối với Singapore. Phó thị trưởng Bắc Kinh Từ Duy Thành cũng có chuyến thăm tới Singapore, khảo sát về “xây dựng tinh thần văn minh” của nó. Tô Châu và Thiên Tân đều hợp tác với Singapore xây dựng khu công nghiệp, lấy đây làm khu thí điểm nhằm dẫn nhập kinh nghiêm Singapore.

Không còn nghi ngờ gì nữa, trong hai mươi năm qua, Trung Quốc đã thực hiện được “tăng trưởng kinh tế”, bình quân GDP đã tăng gấp hơn 3 lần, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng nền kinh tế “tăng trưởng” không hoàn toàn được chuyển hóa thành “phát triển”, ví dụ, môi trường sinh thái bị phá hoại, phân hóa giàu nghèo tăng cao, tỉ lệ cho chi tiêu hộ gia đình và chi tiêu nông thôn không ngừng giảm xuống trong tổng tiêu dùng chúng, vân vân, điều này phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân đi xuống. Sự đi xuống của trật tự xã hội và nếp sống xã hội càng là sự thật không cần phải tranh cãi. Những vấn đề này đã đưa lại nhiều rối loạn và nguy cơ đối với tổng thể xã hội, hơn nữa cũng gây ra khủng hoảng về tính chính danh hợp pháp chưa từng có mà Đảng Cộng sản Trung Quốc buộc phải đối mặt. Đứng trước những thách thức nghiêm trọng này, những lãnh đạo mới của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc càng là đem mô hình Singapore cụ thể hóa vào việc Đảng Hành động Nhân dân làm thế nào có thể giữ được địa vị lãnh đạo trong thời gian dài. Nói thẳng ra, thứ mà lãnh đạo ngày nay muốn học là làm thế nào xây dựng được thể chế chuyên chế có tính co dãn dưới sự thịnh vượng của kinh tế. Cho đến tận bây giờ, còn chưa thể nhìn thấy được rằng hai đợt học tập bắt chước này có được sự khác biệt nào về chất.

Trong hai cuốn hồi ký của mình, Lý Quang Diệu có viết,

“Bất luận là trật tự công cộng, an toàn cá nhân hay tiến bộ và phồn vinh của kinh tế và xã hội, tất cả đều không phải từ trên trời rơi xuống, tất cả những thứ này là thành quả đánh đổi lấy từ sự thành thật và có hiệu quả bởi một chính phủ chuyên tâm toàn ý, nỗ lực không ngừng.”

Dưới góc nhìn của ông ta, bí mật thành công của mô hình Singapore nằm ở việc duy trì một thể chế quan liêu liêm khiết, một chính phủ hiệu suất cao và bảo vệ công bằng xã hội cơ bản. Trong khi đó sự thất bại của Trung Quốc trong đợt học tập mô phỏng lần đầu tiên chính là bởi vì ở Trung Quốc quan chức tham nhũng thành phong trào, bắt đầu bởi thể chế quan liêu không trong sạch. Do vậy, sự hình thành của các tập đoàn lợi ích thân hữu, phớt lờ cuộc sống dân sinh của người dân và công bằng xã hội, tất cả dẫn tới sự oán thán của dân chúng và các sự kiện mang tính tập thể. Bị kẹp trong mâu thuẫn từ cả hai phía trên và dưới, hiệu suất của chính phủ trở thành vật hy sinh. Khi một chính phủ tham nhũng vô năng đứng đối mặt với sự oán hận ngày càng chứa chất của dân chúng thì chỉ có thể càng ngày càng phải sử dụng bạo lực mạnh hơn để duy trì ổn đinh. Hệ thống quản trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng vì thế mà rơi vào vòng luẩn quẩn bất tận.

Đảng Cộng sản Trung Quốc làm thế nào để nhảy ra khỏi con đường quản trị xấu xa? Việc không ngừng lặp lại “kiên trì sự lãnh đạo của đảng” và “tăng cường địa vị của đảng cầm quyền” không phải là cách giải quyết, đó chỉ là phản ảnh sự tham lam và cố chấp của người cầm quyền mà thôi. Chịu sự sai khiến của lòng cố chấp, Đảng Cộng sản cầm quyền rất khó tránh khỏi những thủ đoạn độc tài và chuyên chế, không ngừng chiếm đoạt và kiểm soát, gây tổn hại đối với người dân. Ngược lại, tiến trình dân chủ hóa trên thế giới đã cho thấy, một chính quyền có thể thu hồi lại những biện pháp cứng rắn nhằm cướp đoạt của dân chúng trước đó, đưa lại cho người dân quyền tự trị và tự do thì có thể thu phục được nhân tâm, giành được thiên hạ. Singapore là một ví dụ tốt, có thể truyền cảm hứng và giúp đỡ Đảng Cộng sản Trung Quốc ngộ ra được đạo “buông bỏ”. Cần phải hoàn toàn hiểu hết được nguyên do của nó, từ đó mới có thể nghe tiếp được những điều ở phía sau.

Mô hình Singapore và Cải cách chính trị theo kiểu chuyển đổi Gen Trung Quốc–Bàn về học tập kinh nghiệmSingapore 2 (2012.11.09) 

Ở Singapore từ trên xuống dưới ai ai đều đã quen thuộc và tiếp nhận sự thực quốc gia của mình chỉ là “một chấm đỏ nhỏ bé” trên bản đồ thế giới. Người Trung Quốc từ trên xuống dưới cũng vì vậy mà sinh ra quan niệm sai lầm cho rằng, học tập mô hình Singapore là một sự việc rất đơn giản mà thôi. Trong con mắt của rất nhiều người Trung Quốc, vì có chung văn hóa cùng chung chủng tộc[3], Singapore chính là Trung Quốc Đại Lục, là một Trung Quốc thứ tư ngoài Đài Loan và Hong Kong.

Thực ra, trên thế giới không có một quốc gia nào hiểu lầm “người bạn lâu năm của nhân dân Trung Quốc” Lý Quang Diệu hơn Trung Quốc.

Tiền đề của Singapore

Trong con mắt của Bộ trưởng Cố vấn Singapore Lý Quang Diệu, ông ta tự nhận bản thân là người Đông Nam Á, là người Singapore, nhưng không phải là người Trung Quốc. Khi nói về Trung Quốc, Lý Quang Diệu nói:

“Đương nhiên chúng tôi cần phải nói về tình bạn. Chúng tôi nói về nền văn hóa thân cận, nhưng thực ra văn hóa của chúng tôi không giống nhau. Chúng ta càng Tây Phương hóa.”


Hard Truths,trang 258.

Ông ta lại nói:

“Chúng ta là người Hoa ư? Nhìn từ góc độ chủng tộc, đúng là như vậy. Chúng ta sở dĩ có thể ngồi xuống cùng nói chuyện với người Trung Quốc, thật sự cảm thấy chúng ta là một phần của bọn họ? Không thể nào. Chính là bởi vì anh nói tiếng Hoa? Không. Những tiền đề chính tồn tại trong đầu của anh chính là khác với họ.”


(Cùng cuốn sách, trang 332).

Vậy thì, “tiền đề chính” mà Lý Quang Diệu nhắc tới là cái gì? Tại sao Lý Quang Diệu và người Singapore sẽ hình thành những “tiền đề chính” bất đồng với người Trung Quốc? Đây chính là những trải nghiệm, lập trường và thế giới quan khác nhau mà Lý Quang Diệu muốn nói.

Nói một cách cụ thể, thế giới quan của Lý Quang Diệu cũng như khi ông ta với vai trò “Quốc Phụ” muốn tạo ra thế giới quan của người Singapore sẽ chịu sự ảnh hưởng của những nguồn tư tưởng sau: Nho giáo Trung Hoa truyền thống cùng với chủ nghĩa duy lý tính của Phương Tây, tinh thần quý tộc địa chủ của người Anh và võ sĩ đạo của Nhật Bản, chủ nghĩa dân tộc của các quốc gia thuộc thế giới thứ ba và chủ nghĩa xã hội Fabian của Công Đảng Anh, chủ nghĩa hiện thực trong lý thuyết quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ cùng lý thuyết các quốc gia phát triển được lấy hình mẫu từ sự phát triển kinh tế của Nhật Bản. Trải nghiệm qua nhiều mô hình văn hóa, nhiều lý thuyết chính trị, nhiều giai đoạn phát triển về kinh tế xã hội, Lý Quang Diệu, một người được cắm rễ từ thuyết tiến hóa xã hội của Charles Robert Darwin, hơn nữa đã pha trộn với thuyết tiến hóa sinh học, phát triển nó thành một mô hình tư duy độc đáo. Lợi ích quốc gia của Singapore, nền tảng chính trị khối ASEAN được tổng hợp từ các quốc gia Đông Nam Á, cơ hội lợi ích thực dụng do Trung Quốc cung cấp, sự bảo hộ về quốc phòng quân sự từ phía Hoa Kỳ, tất cả đưa tới một Singapore chống cộng, lại thân Trung Quốc, vừa dựa vào Hoa Kỳ, lại chống Hoa Kỳ, vừa sùng bái Nhật Bản, lại cũng căm ghét Nhật Bản, đồng thời trong nội tâm lại lo sợ đối với Malaysia và Indonesia, nhưng trên miệng lại tỏ ra khinh ghét bọn họ. Nói tóm lại, Singapore đều có một sự phức cảm Oedipus đối với tất cả các quốc gia đã từng cho nó bú mớm, nhưng từ đầu đến cuối nó chưa bao giờ vứt bỏ tâm thái cởi mở, các giá trị chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa toàn cầu.

Lý Quang Diệu hết sức rõ ràng, thể chế của Singapore có nguồn gốc từ Anh Quốc. Ông ta nói,

“Chúng tôi xuất phát từ Hiến pháp được người Anh định ra, hơn nữa đã làm rất nhiều sửa đổi cần thiết nhằm thích hợp với chúng tôi. Chúng tôi giữ lại những đặc điểm chủ yếu, thứ nhất, tách biệt giữa bộ máy quan liêu, nghị viện và lãnh đạo chính trị. Thứ hai, mỗi năm năm sẽ tổ chức bầu cử tự do. Do đó bất kể là chính đảng nào lên cầm quyền, nó đều có hệ thống vận hành liên tục.”


(Hard Truths, trang 49).

Cũng vì như vậy, Lý Quang Diệu cho phép bầu cử theo định kỳ, công nhận tính hợp pháp của đảng đối lập, chủ trương dùng các thủ đoạn phi bạo lực nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị; hơn nữa, ông sẵn sàng chấp nhận đảng phái của mình từ chức rời khỏi quyền lực, chuyển giao chính quyền cho đảng đối lập nếu họ giành được sự tín nhiệm của dân chúng. Trong khi đó tất cả những điều này, đều là thứ mà Đảng cộng sản Trung Quốc không có cách nào chấp nhận được.

Quýt càng gần sông Hoài thì càng giống chanh

Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc thật sự muốn học tập Singapore, trước tiên cần phải hiểu được rõ ràng đạo lý “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu[4]“, cũng như dự tính tình trạng xấu khi gen di truyền chia tách và bệnh tật dẫn đến bi kịch “Gieo xuống loài rồng, nhận được bọ chét”. Đã từng có một chuyên gia di truyền sinh vật học giải thích cho tôi về khả năng gây ung thư của tế bào, đem mô tả đó là bởi sự mất kiểm soát trong tiến trình truyền đạt thông tin di truyền đã dẫn tới đột biến gây ra quá trình sinh trưởng mất kiểm soát và vô trật tự của tế bào. Thực ra, việc Liên Xô và Trung Quốc thúc đẩy xây dựng chủ nghĩa Marx-Lenin-Stalin chính là kết quả từ sự phát triển tế bào ung thư của phong trào chủ nghĩa xã hội. Thời kỳ xảy ra ung thư chính là thời kỳ chia tách nội bộ của Quốc tế thứ nhất và Quốc tế thứ hai vào thế kỷ 19. Ban đầu chủ nghĩa xã hội là đề xướng công bằng xã hội và hợp tác, dân chủ cùng với tự trị của công nhân. Nhằm thực hiện mục tiêu này, Henri de Saint Simon, Robert Owen và Charles Fourier cùng những người khác chủ trương dùng giáo dục và công xã thực nghiệm nhằm chuyển đổi giai cấp tiến vào chủ nghĩa xã hội. Đến cuối thế kỷ 19, Hội Fabian được thành lập ở Anh Quốc, George Bernard Shaw cùng những phần tử trí thức nổi tiếng khác gia nhập, về sau diễn biến thành Công Đảng; ở nước Đức, Ferdinand Lassalle cùng những người khác thành lập Đảng Công nhân Xã hội Đức, về sau diễn biến thành Đảng Dân chủ Xã hội Đức. Bọn họ đã tập hợp lại hình thành nên làn sóng Đảng Dân chủ Xã hội ở Tây Âu vào thế kỷ 20, chủ trương dùng con đường phi bạo lực như bầu cử nghị viện nhằm giành lấy chính quyền, thực hiện chủ nghĩa xã hội.

Đối chọi gay gắt với cái gọi là “chủ nghĩa xét lại” của Đảng Dân chủ Xã hội, Karl Marx và Friedrich Engels đưa ra một loạt khái niệm như “chuyên chính giai cấp vô sản”, “đấu tranh giai cấp”, “bạo lực cách mạng” và suy diễn ra làn sóng chủ nghĩa cộng sản phản dân chủ. Đến thời kỳ Lenin, “chuyên chính giai cấp vô sản” tiếp tục diễn biến thành “đội tiên phong giai cấp vô sản” đại diện cho nhân dân áp dụng “chuyên chính cộng sản”. Chủ nghĩa xã hội đến Trung Quốc, lại tiếp tục diễn biến trở thành chuyên chính cộng sản lấy nông dân làm cơ sở. Hiện tại, Đảng Cộng sản cầm quyền về cơ bản đã thoát ly khỏi giai cấp công nông vốn là nền tảng của mình, trở thành một giai cấp mới gồm các tập đoàn lợi ích và thành phần tư bản thân hữu tư lợi. Khi mà tính chính danh hợp pháp của nó hoàn toàn được nâng đỡ bởi “đấu tranh giai cấp” và “bạo lực chuyên chính”, con đường cách mạng phi bạo lực bị chặn lại hoàn toàn, lúc này bạo lực cách mạng trở thành lựa chọn duy nhất cho tiến trình diễn biến chính trị.

Bài học lớn từ Singapore

Giống như lúc Lý Quang Diệu tổng kết những ưu điểm của dân chủ đã nói: ư

“Điểm hất dẫn nhất của nó là, anh có thể không dùng bạo lực để thay đổi chính phủ. Ở Trung Quốc, nhược điểm lớn nhất là bạn chỉ có thể thông qua khởi nghĩa để thay đổi chính quyền. Ở đây, nếu như chúng ta đã không còn thích hợp để cầm quyền, chúng ta có thể bị thua cử.”


(Hard Truths, trang 54).

Do đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn đi theo mô hình Singapore, thì họ cần phải nhận thức được rõ rằng chủ nghĩa xã hội Fabian mà Lý Quang Diệu theo đuổi và Đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông với đường lối cộng sản chuyên chính nông dân đã sớm đường ai nấy đi từ hơn 100 năm trước. Nhưng mà những học giả phò đảng trong chính quyền Trung Quốc lại không nhìn thấy được điểm này, ngược lại họ còn cho rằng mô hình Singapore chính là một “đôi giày cũ chỉ cần khẩu khâu đục đục rồi nới rộng chỉ”, khi xỏ lại vào chân sẽ càng dễ chịu hơn, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sao chép nó.

Mặc dù Lý Quang Diệu khăng khăng thứ thuyết giáo chính trị “không còn lựa chọn nào khác” (các quốc gia Phương Tây gọi nó là lý thuyết TINA: There is no alternative), thủ đoạn ông ta duy trì chính quyền độc đảng cũng không thiếu khỏi những chỗ mặt dày tim đen vô sỉ, nhưng chủ yếu là ông ta vẫn còn để ý tới anh tài trong thiên hạ, lũng đoạn năng lực sáng tạo và cung cấp sự lựa chọn chính sách tốt nhất nhằm thu hẹp không gian của đảng đối lập. Ở phương diện tranh đấu chính trị, về cơ bản ông ta còn có thể tuân thủ luân lý chính trị “tôi sống anh cũng sống”. Nhưng cách làm của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện tại nhằm duy trì địa vị cầm quyền của mình đó là dựa hết vào bạo lực, tạo dựng và duy trì một cơ chế đào thải ngược “tiền xấu đuổi tiền tốt[5]“. Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua tước đoạt sinh mạng và tự do nhằm tiêu diệt tinh anh chính trị có tiếng nói khác biệt, thông qua lũng đoạn truyền thông để ngăn chặn những biện luận và lựa chọn về phương án chính sách, để rồi từ đó họ có cách nói thế này: “Chỉ có Đảng Cộng sản, mới có được Trung Quốc mới”.

Từ đó có thể thấy, Singapore tuy là một quốc gia nhỏ bé, nhưng lại mang đến cho Đảng Cộng sản Trung Quốc một bài học lớn. Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn tránh khỏi việc “học tập mô hình Singapore” vào 20 năm sau sẽ lại trở thành một trò cười, thì cần phải nhịn đau hạ quyết tâm vung dao cạo tận vào xương, đem cắt bỏ triệt để nhữung phần bị ung thư. Hơn nữa phần tế bào ung thư này chính là “lý thuyết đấu tranh giai cấp” và mô típ thống trị bạo lực được diễn biến từ lý thuyết trên. Một khi chấp nhận và bảo vệ bạo lực, Đảng Cộng sản Trung Quốc liền không ngừng tạo ra sợ hãi khủng bố, nuôi dưỡng thù hận, rồi sau đó lại dùng dối trá để hợp lý hóa nó. Hiện tại Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất cần tiếp tục và sâu sắc hóa cải cách thể chế chính trị, xây dựng cơ chế đối thoại xã hội và chế độ hiệp thương dân chủ. Nếu những cải cách chính trị của nó thật sự có tiền đồ, liền không thể nào không phải là một công trình sửa đổi di truyền chính trị.

“Thiên hạ vi tư” hay là “Thiên hạ vi công”? Bàn về học tập kinh nghiệm của Singapore phần 3(2012.11.17) 

Các lãnh đạo của trung Quốc rất nhiệt tình quan tâm tới kinh nghiệm của Singapore. Nhưng họ cần phải nhận thức rõ ràng, kinh nghiệm của Singapore có thể chia làm bốn loại: Thứ nhất, thành công của Singapore và thất bại của các quốc gia láng giềng (gồm cả Trung Quốc trong đó) là hai mặt của một đồng xu. Cũng có thể nói, “Trung Quốc không phát triển, là bởi vì Singapore phát triển; Singapore phát triển, là bởi vì Trung Quốc không phát triển”. Lấy ví dụ, Singapore sở dĩ có thể thu hút được một lượng lớn nhân tài và vốn tư bản từ phía Trung Quốc, chính là bởi kết quả từ chế độ pháp luật, liêm chính, tuyển chọn và sử dụng nhân tài cũng nền giáo dục lạc hậu của Trung Quốc. Đặc biệt là kể từ vụ thảm sát trên quy mô toàn thành phố ở Bắc Kinh ngày 4 tháng 6 năm 1989 về sau, trong 20 năm Singapore đã hốt được một mẻ lớn. Thứ hai, những hiểu lầm tư duy và bài học thất bại của Singapore. Ví dụ, tư duy của Singapore đặt nặng phát triển mở rộng thành phố, xem nhẹ bảo tồn văn hoá nếu sử dụng tại Trung Quốc có nền văn minh 5000 năm thì đây là một thảm hoạ văn hoá. May mắn là những di tích lịch sử văn hoá ở Singapore có giá trị không cao, số lượng không nhiều, nhưng những cảnh quan thành thị của Bắc Kinh đang ngày càng giống Singapore, điều này không thể làm cho người ta không suy nghĩ sâu xa. Thứ ba, kinh nghiệm thành công rất rõ ràng của Singapore, ví dụ như trong hai bài viết trước đã liệt kê về sự liêm chính của quan chức nhà nước, hiệu suất của chính phủ, hệ thống chính trị theo chủ nghĩa hiến pháp được kế thừa từ Anh và Hoa Kỳ, các giá trị xã hội bảo thủ của Nho Giáo, nền kinh tế phát triển bao gồm toàn cầu hoá, vân vân.

Kế thừa gia tộc hay là tuần hoàn tầng lớp tinh anh?

Bài viết này tập trung mô tả loại hình kinh nghiệm thứ tư: Kinh nghiệm toàn diện khi pháp quy, chế độ và tinh thần được hoà thành một thể. Nếu muốn bắt chước và cấy ghép những kinh nghiệm dạng này, nhất định phải nhận thức rõ giá trị của hệ thống tổng thể được tạo nên từ bề mặt của chế độ và tinh thần đi kèm của nó. Nếu áp dụng một cách đơn giản chủ nghĩa thực dụng “Trung học vi thể, Tây học chi dụng[6]“ cũng như chủ nghĩa vay mượn, thì nhất định sẽ dẫn tới kết quả học đòi một cách vụng về như cóc đeo guốc, khỉ đeo hoa. Có rất nhiều ví dụ cho sự hấp tấp, hiểu lầm của những kẻ bắt chước. Ví dụ, tầng lớp “thái tử đảng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc với màn kế thừa quyền lực tại Đại hội 18 rất nhanh liền được người ta đem so sánh với việc con trai Lý Quang Diệu là Lý Hiển Long kế thừa quyền lực ở Singapore. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình cho đến Giang Trạch Dân, Lý Bằng (hai người này cũng được xem như con cháu cán bộ cao cấp có “huyết thống đỏ”, rồi đến Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo với xuất thân bình dân, cuối cùng chuyển đến tay của “thái tử đảng” (Tập Cận Bình cùng phụ tá cho ông ta là Trương Đức Giang, Du Chính Thanh cùng Vương Kỳ sơn đều được xem là đại diện). Dưới cái nhìn của một số người Trung Quốc mà nói, quá trình chuyển giao quyền lực này lẽ nào không phải là giống với việc Lý Quang Diệu sau khi lui vào tuyến sau, trải qua trạm trung chuyển Ngô Tác Đống rồi cuối cùng hoàn bích quy Triệu, châu về Hợp Phố, quyền lực lại quay về tay Lý Hiển Long hay sao? Mô hình Singapore có vẻ như đã cung cấp cho những “thái tử đảng” tiếp nhận chuyển giao quyền lực tại Đại hội 18 một dẫn chứng sinh động, cũng tăng thêm động lực để Đảng Cộng sản Trung Quốc học tập mô hình Singapore.

Trong tư duy chính trị của Lý Quang Diệu có quan điểm rõ ràng về “chính trị hiền tài” và “tinh anh trị quốc”. Nhưng mà, trong nhiều phát ngôn công khai thì Lý Quang Diệu bày tỏ, ông ta không hề có ý định thành lập “Vương triều nhà họ Lý”. Ông ta không hề che giấu khi nói về con trai mình, là thủ tướng Singapore hiện tại Lý Hiển Long:

“Chúng tôi đã sớm biết, anh ta có được thiên phú tuyệt đỉnh. Anh ta có được sự kết hợp tốt nhất về DNA tốt nhất của hai vợ chồng chúng tôi.”


(Hard Truths, trang 419.)

Ông ta còn như đếm báu vật trong nhà, khi nói rằng con trai mình có được những sở trường về ngôn ngữ, toán học, âm nhạc, những kinh nghiệm phong phú và sự thông minh đầu óc của con trai ở các phương diện chính quyền, kinh tế và quân sự:

“Anh hãy đưa cho tôi một người có thể làm tốt tất cả những phương diện này đi! Nếu như tôi không phải là thủ tướng, tự bản thân nó sẽ thành công càng sớm hơn. Tôi một mực nói như vậy.”


(Hard Truths, trang 429).

Lý Quang Diệu tin tưởng vào một hệ thống lý thuyết “Sự tiến hóa của di truyền sinh vật học”, vững chắc tin tưởng “tố chất đến từ di truyền”, điều này có vẻ như đang biện hộ cho việc các “thái tử đảng” kế thừa sự nghiệp của cha mẹ, nắm giữ quyền lực quốc gia. Trong cuốn “Hồi Ký 1965-2000”, trang 159 thì Lý Quang Diệu có viết:

“Thói quen tính cách của một người, có 80% là bẩm sinh, khoảng 20% còn lại được quyết định bởi bồi dưỡng ở tương lai.”

Ông ta còn viết:

“Năng lực của trẻ em nằm vào khoảng giữa của cha mẹ, có một số ít sẽ vượt qua hoặc không bằng cha mẹ họ, bởi vậy, một người đàn ông tốt nghiệp đại học nếu lấy một phụ nữ có trình độ giáo dục thấp hơn, thì sẽ không có được điều kiện đầy đủ nhằm tạo ra đứa trẻ có năng lực học lên đại học. Tôi kêu gọi bọn họ kết hôn với những phụ nữ có trình độ học vấn tương đương, cũng khuyến khích những phụ nữ có học vấn cao sinh hai đứa trẻ hoặc nhiều hơn nữa.”

Rồng đẻ ra Rồng, Phượng sinh ra Phượng?

Dưới sự hướng dẫn của loại lý thuyết này, Lý Quang Diệu trong cuốn sách Hard Truths cũng tiết lộ cho thấy ông ta quan sát được các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi trải qua nhiều thế kỷ “bồi dưỡng có chọn lọc”, đã tiếp nhận nền giáo dục với cầm kỳ thư họa. Ông ta nói,

“Chú ý quan sát những người lãnh đạo (của Trung Quốc), quan sát con cái của họ, bọn họ kết hôn với ai. Bọn họ đã là những người tài nổi bật, chính là đang tạo ra một nhóm tinh anh.” (trang 192)

Lý còn nói tiếp:

“Nếu như anh quan sát họ giống như tôi, nhìn vào con trai của Giang Trạch Dân, con trai của Lý Bằng, tôi gần đây còn gặp với con trai của Chu Dung Cơ, tất cả đều là đẳng cấp cao nhất.” “Giống như ở trong mọi xã hội, cuối cùng đều là như thế, dây là một quá trình tự nhiên.”


(Hard Truths, trang 196).

Chúng ta có thể tiến hành biện luận cùng với Lý Quang Diệu như sau đây.

Rút cục là tố chất năng lực đem lại địa vị quyền lực, hay là địa vị quyền lực tạo ra tố chất năng lực? Nghiên cứu về “quá trình tự nhiên” trước đó và “quá trình xã hội” về sau là đúng hay sai? “Thiên tính Nature “ và “bồi dưỡng Nurture “ có phải là có mỗi quan hệ 80% và 20% hay không? vân vân. Lý Quang Diệu thích thú nhắc nhở người khác, trong hôn nhân tình yeu không nên quên lời cảnh cáo của George Bernard Shaw người theo chủ nghĩa xã hội Fabian: Nếu một nhà văn thiên tại cưới một nữ vũ công xinh đẹp, đứa con sinh ra sẽ kế thừa vẻ ngoài của người cha và trí tuệ của người mẹ, vậy thì đó sẽ là một thảm họa cỡ nào cơ chứ. Nhưng có vẻ như ông ta lại quên mất rằng, tác phẩm nổi tiếng của Bernard Shaw là “My Fair Lady Yểu điệu thiếu nữ” nói về câu chuyện một giáo sư làm thế nào để giáo dục một cô gái bán hoa ở tầng dưới chót xã hội London trở thành một thục nữ, hơn nữa cuối cùng cầu hôn đối với cô. Rõ ràng, lý thuyết sinh vật học di truyền và thuyết ưu sinh mà Lý Quang Diệu tin tưởng thì ngay cả Bernard Shaw cũng nhìn ra nó có vấn đề. Cho đến sau thập kỷ 1980, thuyết di truyền học kinh điển của Gregor Mendel mà Lý Quang Diệu tin vào càng là gặp phải thách thức từ “Di truyền học biểu sinh Epigenetics “. Di truyền học biểu sinh cho rằng, con người là sản phẩm của lịch sử, lối sống cha mẹ cùng tổ tiên cũng như môi trường xã hội có sức ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn và chuyển hóa gen di truyền. Mối quan hệ giữa tố chất năng lực cùng địa vị quyền lực hiển nhiên không phải là đơn hướng mà là có tác động tương hỗ lẫn nhau.

Nhiều tư tưởng phức tạp và mâu thuẫn nhau của Lý Quang Diệu được dẫn dắt bởi chủ nghĩa thực dụng. Phân biện, tổng kết và thảo luận hệ thống tư tưởng của ông ta cũng như những giới hạn của nó, không khác gì hơn là đi loại bỏ những tạp chất, giữ lại tinh hoa nhằm giúp người ta học được những tinh túy của mô hình phát triển Singapore. Người xưa nói, “Duy thượng tri dữ hạ ngu, bất di[7]“. Người thông thái như Lý Quang Diệu một khi tiếp nhận một loại học thuyết, liền sẽ rất khó rời bỏ nó, đi tiếp nhận một loại học thuyết mới. Những giải thích về thuyết di truyền học của ông ta không hề có lập luận khoa học, cũng không có căn cứ lịch sử. Lý Quang Diệu sử dụng chúng để gián tiếp luận chứng cho tính hợp lý của việc kế thừa quyền lực từ cha sang con, càng là phá hoại đi tiền đề của chính trị dân chủ hiện đại. Nhưng chúng ta cũng không thể vì thế mà phủ nhận, những lời nói và hành động của Lý Quang Diệu đang gửi tới mọi quốc gia một lời trung cáo quý giá: Tuyển bạt nhân tài, bồi dưỡng quý tộc, đây mới là đạo lý quản trị quốc gia hiện đại.

Chúng ta tin tưởng vào phán đoán của Lý Quang Diệu, rằng Lý Hiển Long dựa vào năng lực bản thân, có thể thu được thành công ở trong bất kỳ thể chế nào. Nhưng cũng rất là khó nói, rằng giáo dục của Lý Hiển Long từ Cambridge đến Harvard, cũng như việc Lý Quang Diệu bản thân tỉ mỉ bồi dưỡng chỉ chiếm vai trò 20% mà thôi. Ngay cả khi chỉ chiếm 20%, trong môi trường cạnh tranh ở xã hội hiện đại, thường thì những sự khác biệt hết sức nhỏ bé sẽ quyết định thắng bại, điều kiện xã hội đối với sự thành công của cá nhân cũng thường là không thể đo đếm được. Do vậy, bất cứ thể chế xã hội công bằng nào, cũng đều cần phải giống như một người cha hiền từ đưa cho mỗi người con một cơ hội bồi dưỡng tỉ mỉ và công bằng. Khi so sánh với các quốc gia trên thế giới, giáo dục của Singapore đã làm được rất tốt. Ngay chính từ gia đình của Lý Quang Diệu, Lý Hiển Long chính là ví dụ điển hình nhất về “Ba đời bồi dưỡng tạo ra quý tộc”.

Lịch sử chỉ có một sự lựa chọn?

Không thể phủ nhận, nhà họ Lý đã có đóng góp nhân tài cho công việc quản trị Singapore. Nhưng liệu con trai của ông ta có phải là “sự lựa chọn duy nhất của nhân dân” hay không, thì kết luận này còn cần những cuộc bầu cử dân chủ có tính cạnh tranh nhằm chứng minh về tính hợp pháp. Điều bất hạnh ở đây là, Lý Quang Diệu vẫn còn rất nhiều thiếu sót trong việc trao quyền lực, nâng cao tự do cho người dân, điều này đã đưa tới tưởng tượng và không gian hơn cho những người phê phán ông ta từ bên trong Singapore lẫn trên thế giới, trực tiếp đưa ra nghi ngờ về năng lực và tính kế thừa quyền lực hợp pháp của Lý Hiển Long. Có thể thấy, trong xã hội hiện đại, tính chính danh và hợp pháp của tầng lớp tinh hoa không nằm ở bản thân năng lực tinh hoa, mà đến từ trình tự bầu cử tự do, mà cơ chế này được sinh ra không phải từ thế tập tinh anh, cũng không đến từ sự phục tùng vui sướng của nhân dân sau nửa đời người.

Cũng giống như sự lựa chọn người kế thừa quyền lực, cùng một đạo lý, sự lựa chọn chính sách, lựa chọn thể chế cũng không phải chỉ là “chỉ độc một nhà, không có cửa hàng chi nhánh”. Sự lựa chọn “ chính trị TINA (There is no alternative)” được giới học thuật Phương Tây nhắc tới về thực chất là “lời tiên tri tự hoàn thành” được tạo ra bởi chuyên chính độc tài chính trị. Dưới sự che đậy của của chủ nghĩa khoa học, lý thuyết lịch sử quyết định và luật lệ tự nhiên, có vẻ như nó đang dùng một loại thủ pháp logic tuần hoàn nhằm tìm kiếm tính chính danh cho bản thân, tước đoạt đi tự do và quyền tự chủ tham gia lựa chọn đa nguyên của công dân đối với một tương lai không xác định. Sự tồn tại của hành vi ích kỷ này cho thấy nhưng sai sót chính trị của Singapore. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp dụng phương thức chỉ định nội bộ người kế thừa quyền lực, bầu cử chỉ với một ứng cử viên, ở phương diện chỉ đạo tư tưởng thì không cho phép đa nguyên hóa tư tưởng, phản đối cạnh tranh đa đảng, “đường lối chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc là đường lối đúng đắn duy nhất” trong phương hướng phát triển, tất cả đều rơi vào vòng luẩn quẩn không có lối thoát.

Càng làm cho người ta lo ngại hơn đó là, Trung Quốc và Singapore vì những lí do khác nhau đã kết hợp thành một liên minh chung nhằm “chống lại các giá trị Phương Tây”. Quá trình học hỏi lẫn nhau giữa Trung Quốc và Singapore rất có khả năng đi chệch khỏi quỹ đạo học hỏi tôn chỉ kiến hiền tư tề[8], bù trừ khuyết điểm của nhau, mà trở thành cơ chế tâm lý xem ai can đảm hơn, xem ai hạ quyết tâm hơn trong việc đối đầu với các quốc gia Phương Tây, tăng cường các chính sách tự bảo hộ. Chúng ta đều biết, khi A.Q và Vương râu xồm không phân biệt rõ được thiện ác xấu đẹp, bọn họ liền sẽ dùng ánh mắt hâm mộ để nhìn nhận những con chấy của đối phương, hơn nữa xem việc tìm kiếm trên người mình càng nhiều những con chấy xem đó là vinh quang. Đây có lẽ là tác dụng phụ lớn nhất của việc học tập kinh nghiệm Singapore.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.netN


Nguồn: Hạ Minh, “Đế quốc mặt trời đỏ”. DCVOnline minh họa


[1] Ở đây từ gốc là “兩個文明建設”: Xây dựng hai chỉ tiêu văn minh

[2]北京共識 Beijing Consensus: Đây là khái niệm được Joshua Cooper Ramo, cựu biên tập của tạp chí Time, đưa ra từ năm 2004. Khái niệm này không phổ biến lắm và ít khi được giới học giả nhắc đến. Ý tưởng của Ramo là một quốc gia (đang phát triển) thay vì chạy theo free market như Washington Consensus kêu gọi thì có thể học tập Trung Quốc ở 3 điểm sau: (1)Sẵn sàng thay đổi và chấp nhận “dò đá qua sông”. (2) Hướng đến tăng trưởng bền vững với một xã hội công bằng. (3)Tự chủ về mặt chính trị.

[3] HNY: Giả định không đúng. Singapore dù cá đa số là di dân gốc Trung Quốc nhưng đây là một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa và đa ngôn ngữ.

[4]種瓜得瓜、種豆得豆: gieo nhân nào gặt quả đó

[5] Trong kinh tế, định luật Gresham là một nguyên tắc tiền tệ nói rằng “tiền xấu đuổi tiền tốt”. Ví dụ, nếu có hai hình thức hoá tệ trong lưu thông, mà được chấp nhận bởi luật pháp là có giá trị danh nghĩa tương tự, loại hoá tệ có giá trị hơn sẽ biến mất khỏi lưu thông. Định luật này đã được đặt tên năm 1860 bởi Henry Dunning Macleod

[6]中學為體、西學為用: tinh thần Trung Hoa, kĩ thuật Phương Tây

[7]唯有上智與下愚而不移: Khó thay đổi ý kiến của người có tầm hiểu biết rộng hoặc kẻ ngu đần

[8] 見賢思齊 Kiến hiền tư tề: thấy người tài đức thì cố gắng phấn đấu để bằng người khác.