Từ chó Pavlov, chó y khoa đến chó công an

Nguyễn Văn Lục

Với hai biện pháp dùng chó thay người này, đất nước Việt Nam có thể có hy vọng khá hơn chăng? Và đến bao giờ huấn luyện được một đàn chó quản trị đất nước? 

Từ“chó thí nghiệm Ivan Petrovich Pavlov” đến “chó y khoa chẩn bệnh” đến chó làm việc qua truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu

Chó của Ivan Petrovitch Pavlov

Tôi chỉ được biết đến con chó của Ivan Petrovich Pavlov (1849-1936), một nhà khoa học Nga ở Leningrad vào năm 1962 khi đang học môn tâm lý thực nghiệm ở năm thứ hai đại học, nghĩa là 26 năm sau khi Pavlov đã qua đời.

Chó của Pavlov là những con chó mà ông đã dùng trong nghiên cứu về phản xạ (sinh lý) có điều kiện. Pavlov thấy rằng nếu đánh chuông hay để máy đếm nhịp đi trước khi cho  chó ăn thì chúng chảy nước miếng. Sau đó con chó sẽ liên kết tiếng chuông hay tiếng của máy gõ nhịp với thức ăn và sẽ chẩy nước miếng khi bị kích thích bằng cách đó. Ivan Filippovitch Tolochinov, phụ tá nghiên cứu của Pavlov, gọi hiện tượng đó là “phản xạ từ xa”. Triết gia Bertrand Russell, đã nhận xét,

“phương pháp của Pavlov có áp dụng bao quát trên tất cả những ứng xử của con người hay không vẫn còn là một câu hỏi, nhưng dù sao đi nữa nó bao trùm một lĩnh vực rất lớn và trong lĩnh vực này chúng đã cho thấy cách áp dụng những phương pháp khoa học với độ chính xác có thể định được.”


Russell, Bertrand (1931). The Scientific Outlook. London: George Allen & Unwin. p. 56

Pavlov’s Dogs By Saul McLeod, updated 2018

Nói chung, khi học hỏi về hiện tượng này thì chúng tôi chỉ hiểu một cách nông cạn rằng, con người có thể có những tập quán, những thói quen do sự lập đi lập lại thêm vào đời sống đến độ nó sau này trở thành “Bản tính thứ hai” hay trở thành thói quen.

Thứ nữa, kết quả nghiên cứu của Pavlov mang tính thực nghiệm, nhưng sinh viênchúng tôi chỉ học trên lý thuyết. Vả lại, chính nghiên cứu này có nhiều hớ hênh, chưa hẳn thuyết phục. Giả dụ, vài lần đánh chuông mà không có thức ăn, chó có còn tiếp tục chảy nước bọt hay không? Và cứ tiếp tục  đánh chuông mà không cho thức ăn thì đến một lúc nào đó con chó có thể sẽ không chảy nước bọt nữa chăng? Như vậy phản xạ có điều kiện có thể không xảy ra nữa?

[DCVOnline: Trong thí nghiệm Pavlov, trước khi chó bị điều kiện hóa khi chỉ rung chuông (và không có thức ăn) thì tiếng chuông không phải là sự kích thích để chó chẩy nước miếng vì tiếng chuông chẳng liên hệ gì đến thức ăn. Sau khi bị điều kiện hóa (nghe chuông  đồng nghĩa với sắp được ăn), chó có đủ điều kiện kích thích (chuông+thức ăn) để phản xạ (chảy nước miếng).

Thuyết Phản xạ từ xa hay phản xa có điều kiện của Tolochinov và Pavlov là điều kiện hóa phản xạ của chó khiến chúng chảy nước miếng bằng cách liên kết thức ăn với tiếng chuông (tiếng máy gõ nhịp hay bất kỳ một âm thanh hay động tác nào đó, chẳng hạn như tiếng búng tay, gọi tên con chó trước khi đua thức ăn.) Không cần phải là một nhà sinh lý học bất kỳ người nào đã nuôi chó đều biết phản xạ sinh lý có điều kiện này.]

 Lại nữa, tôi cũng không hiểu vì lý do gì chó ở nhà quê tôi, cứ nghe tiếng chuông hiệu buổi trưa kêu inh ỏi thì người nông dân ở ngoài đồng ngừng làm việc, quỳ xuống đọc kinh. Còn chó có can hệ gì với tiếng chuông hiệu, chó cũng hùa theo nhau sủa oang oang lên. Hết tiếng chuông hiệu, chó cũng ngưng sủa.

Có phải chó đòi ăn trưa vì đã đến giờ chăng? Nhưng một ngày có bốn hồi chuông tất cả, hà cớ gì chó chỉ sủa hồi chuông nguyện lúc buổi trưa?

Việc học thì sơ suội như thế, hiểu biết chỉ đủ lặp lại cho thế hệ sau như một con vẹt. Vậy mà nay nó trở thành một trong những áp dụng lớn lao và phổ biến trên khắp hoàn vũ.

Lý thuyết phản xạ có điều kiện nay áp dụng vào việc thương mại biến thành một thứ công nghệ quảng cáo hữu hiệu nhất, thành công nhất. Đồng thời áp dụng trong các chính sách tuyên truyền chính trị xảo trá nhất, lừa đảo nhất của các nhà độc tài và của đảng cộng sản trên toàn thế giới.

Hiểu được điều này thì thương thay cho Pavlov, người đã đưa ra lý thuyết! Phát minh của của ông không đem lại cho ông bổng lộc hay đồng xu cắc bạc nào.

Chó Pavlov đã đóng góp vào sự phát triển và tiến bộ của ngành thương mại mà thủa ban đầu không ai nghĩ tới. Và có nên coi chú chó này là ông tổ của các nhà tài phiệt cũng như các nhà chính trị độc tài?

Bởi vì chính nó cùng với chủ đã mở đường cho những tay tài phiệt-đặc biệt là Mỹ- cũng như những tay lãnh đạo buôn thời cuộc như Hitler và cộng sản cho những mưu cầu của họ.

  • Nhờ khéo léo quảng cáo, những tay tài phiệt như chủ nhân ông của các cửa hàng ăn Mc Donald (1940) đều lợi dụng nguyên tắc phản xạ có điều kiện để bắt mạch được tâm lý quần chúng, thâu hút trẻ con và kiếm bạc tỉ bạc tỉ trên toàn thế giới. Ngày nay, Mc Donald có đến 23 chiêu thức quảng cáo để khuyến dụ khách hàng.
  • Ngoài ra, còn có nhiều lối quảng cáo khác đủ loại như:  thay vì để giá tiền chẵn n, cửa hàng sẽ treo giá có xx.99, mua hai tặng một, không tính thuế, quà tặng và hàng trăm mánh khóe khác của con buôn cũng áp dụng nguyên tắc phản xạ có điều kiện của Pavlov.
  • Tất cả các món quà tặng, nhất là cho phụ nữ, trong các dịp lễ lạc như Noel, lễ tình nhân, sinh nhật đều nhất loạt xử dụng chung một chiêu thức: tạo ra một thói quen. Chợt nghĩ rằng nếu Khổng Tử còn sống chắc sẽ quá thất vọng, vì người ta đã lạm dụng chữ Lễ, chỉ chú trọng cái bề ngoài, cái vỏ, cái vật chất xa hoa mà quên nội dung đích thực của chữ Lễ: là sự kính nể, là sự tôn trọng kính trên, nhường dưới. Ông sẽ chán nản về thế thái nhân tình nếu không tự tử thì quyết định bỏ “Kinh Lễ” ra khỏi ngũ kinh của ông. Bởi vì, người ta đã lợi dụng ông để làm giàu. Hàng tỉ bạc vào túi bọn tài phiệt vì lợi nhuận đến từ các lễ lạc này.

Khổng Tử. Nguồn Asia Society.

[DCVOnline: Khổng tử nói “Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời” (“Bất học Lễ, vô dĩ lập” — Luận ngữ, thiên Quý thị.) Nói rõ hơn thì Khổng tử không cho rằng “Lễ” chỉ là sự kính nể, là sự tôn trọng kính trên, nhường dưới.

Lễ ký hay Kinh Lễ của Không Tử gồm Đại Đới Lễ Ký và Tiểu Đới Lễ Ký. Đến đời Tùy Đường Đại Đới Lễ Ký bị thất lạc quá nửa chì còn 39 thiên (chương). Tiểu Đới Lễ Ký gồm 49 thiên là bản Lễ Ký thông dụng hiện nay. Lễ Ký của Không Tử là những phép tắc, nghi thức, lễ lạc chi tiết cho mọi việc “đi đứng ở đời”, từ cách mặc áo tang (thiên “Tang phục tứ chế”), cách quỳ gối cách cúi đầu (thiên “Tế pháp”), Lễ Ký nhắc đến yếu tố “Quý tiện minh, long sái biện” (Sang hèn phân biệt, lớn bé rõ ràng) trong thiên “Hương ẩm tửu nghĩa” mà một số chính quyền ở các xã hội phong kiến chịu ảnh hưởng Nho giáo đã triệt để áp dụng trong chính sách cai trị người dân. Thiên “Đại học” sau tách ra thành cả cuốn sách đầu tiên trong Tứ thư. Tóm lại, Khổng Tử và Lễ Ký đã đóng góp lớn trong việc xây dựng xã hội phong phong kiến ở châu Á.]

  • Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 7000 lễ hội tại các làng xã mở hội thu bạc của thiên hạ nhân danh thánh thần, nhân danh các anh hùng, hào kiệt, nhân danh truyền thống văn hóa mà thật sự chỉ là tạo một thói quen, “một phong tục vẽ hề bôi mặt ” mà tự bản chất là một bọn buôn thần, bán thánh. Ngay cả bọn đầu cơ chính trị, bọn lãnh đạo đảng cũng bị mua chuộc, mua đứt “ thế giới bên kia” bằng cung hiến tiền bạc, đốt vàng mã, “ giải oan”vv..Tôn giáo, đạo lý bị cuốn hút vào vòng quay tiền bạc, nhất là “ buôn xác người chết”, ra giá hẳn hoi..
  • Người tiêu thụ trở thành nạn nhân vung tiền ra mua hàng, quét thẻ tín dụng mà không nghĩ đến ngày mai, chạy đôn chạy đáo mua quà tặng. Những cơn sốt mua quà tặng trở thành ý nghĩa chính cho ngày lễ. Không quà tặng, ngày lễ trở thành nhạt nhẽo, vô vị, buồn phiền nhau. Quà tặng trở thành thước đo mối tương giao con người.
  • Nếu thương mại là lợi dụng quảng cáo thì chính trị dùng thủ đoạn tuyên truyền để đoạt lợi. Đã biết bao nhiêu truyện con buôn chính trị lừa đảo cả một thế hệ, cả một đất nước dân tộc vào các cuộc chiến tranh giữa các triều đại, chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh chủ nghĩa, chiến tranh khuynh đảo, mà kết quả người dân được gì? Lấy một tỉ dụ điển hình là giới lãnh đạo độc tài thường lấy chiêu bài chủ nghĩa dân tộc để thu hút, đánh lừa quần chúng nhân dân.

 Có bao nhiêu loại chủ nghĩa dân tộc cho vừa?

 Từ chủ nghĩa dân tộc gốc Aryens, chủ nghĩa dân tộc Phát Xit Hit le, chủ nghĩa dân tộc kiểu Mao Trạch Đông, chủ nghĩa dân tộc Tập Cẩn Bình, đến chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh và sau cùng là chủ nghĩa dân tộc Nguyễn Phú Trọng với đủ mọi loại khẩu hiệu.

Các khẩu hiệu là tiêu biểu cho các phản xạ có điều kiện, lộng giả thành chân, hư thực không biết đâu mà lường. Người dân mu muội máy móc tuân theo một cách mù quáng.

Chó chẩn bệnh

Trước khi nói về “chó chẩn bệnh”, một khám phá trong chiều hướng sẽ làm thay đổi cục diện ngành y khoa, góp phần tạo dựng nên khả năng con người có thể chế ngự được tật bệnh, xin có đôi lời về vấn đề chó mèo.

Chó, mèo là hai súc vật được con người ưa chuộng hơn cả và cũng gần gũi hơn cả. Người thích chó, kẻ  thích mèo mà xét theo con số thống kê có phần ngang ngửa. Có người thích cả chó lẫn mèo.

Nhưng thường đàn ông có tật quý chó hơn mèo do chúng có những đức tính phù hợp, những chức năng khả thi dính dáng một phần đến phái tính. Chẳng hạn các tay săn thỏ bên Pháp khó thích mèo được. Các tay làm chính trị đi đâu cũng dắt chó theo, chỉ vì chó có một đức tính mà mèo không thể nào có được: Trung thành. Khách quan mà nói điều đó khó nói khác được.

1+1 bằng 2. Nguồn:

Vì thế, mèo theo thói quen của nhiều người thường được chỉ định để chỉ phái nữ. Phải chăng mèo phái nữ có nhiều đặc điểm chung theo sở thích, như vẻ đẹp, thích được vuốt ve chiều chuộng, tính trình diễn xuất hiện. Một người đàn bà đẹp có bên cạnh một con mèo cưng ngồi trong phòng khách như một vật tô điểm làm sáng giá nét sang trọng, đài các của người phụ nữ hơn là  ngồi bên cạnh một thằng đàn ông!

Trong một số báo National Geographic, số tháng tư năm 1964. Vol. 125. No. 4, nghĩa là cách đây đã 55 năm., các tác giả Adolph Suehsdorf và Walter Chandoha có viết một bài nhan đề: The cats in our lives. Theo đó, họ có đề cập đến một số yếu tố như: “The fancy, made up of, exhibitors, devotees and professional breeders”. (National Geographic, 4-1964, trang 513)

Các con mèo đạt được những tiêu chuẩn trên trở thành giống mèo được nhiều người nuôi như giống mèo Siam. T.S Eliot viết: “Cats are much like you and me and other whom we find possessed of various types of mind” (National Geographic Ibid, trg 512)

How to Tell if a Cat is Smart | petMD

 Chỉ biết theo thống kê của Pet food Institute năm 1961 thì có khoảng 22 triệu gia đình Mỹ có nuôi mèo. Nghĩa là cứ 4 gia đình người Mỹ thì có một gia đình nuôi một con mèo. Ấy là chưa kể các trại nuôi mèo cũng như mèo hoang ở đồng quê. Nếu kể  tất cả chắc cũng phải thêm vài triệu mèo nữa.

(National Geographic, 4-1964, trang 513)

[DCVOnline: Theo một thăm dò trên toàn quốc, có tổng cộng khoảng 95,6 triệu con mèo sống trong các gia đình ở Hoa Kỳ vào năm 2017. Trong cùng năm đó, khoảng 68% trong số tất cả gia đình ở Mỹ có ít nhất một thú cưng (chó hoặc mèo). Người nuôi thú cưng ở Mỹ sẽ chi khoảng 75,38 tỷ đô vào năm 2019. Phần lớn doanh thu trong thị trường thú cưng có được do sản xuât và bán thực phẩm, sau đó là chi phí chăm sóc thú y. Nguồn: © Statista 2019]

Cũng phải nhìn nhận sự giống nhau giữa phái nữ và mèo có những điểm chung về cá tính. Nhưng đã công nhận tất cả tùy thuộc vào sở thích, vào cái điểm phù hợp thì hẳn là có nhiều dư luận trái chiều.

Nhặt đâu đó mấy nhận xét của một tác giả khuyết danh viết về phụ nữ rất tiêu cực:

  • Mãnh hổ khẩu trung kiếm.( Gươm trong miệng hổ)
  • Trường xá vĩ thượng châu (Kim trên đuôi con trường xà)
  • Lưỡng ban do vị độc. (Hai cái đều chưa độc)
  • Tối độc phụ nhân tâm (độc nhất là lòng đàn bà)

Rất tiếc là tác giả viết mấy nhận xét bất hủ này cũng biết sợ nên để khuyết danh. Người viết chỉ xin ghi lại nguyên văn. Và cũng phải nhìn nhận, phải ăn mòn bát đũa nhà người ta mới thốt ra những lời cực độc như thế.

Trong khi đó, khác hẳn mèo (tôi chưa được biết mèo có để lại một tấm gương nào cho đời hay không?) nhiều tấm gương của chó để lại cho người đời học hỏi. Đó là sự tuyệt đối trung thành với chủ của nó. Có con chó lạc chủ ở bên Úc, lạc từ bên bờ Đông sang bờ Tây, cách nhau mấy ngàn cây số, vậy mà chỉ mấy tháng sau nó lại tìm được đường về với chủ cũ.

Theo sự hiểu biết về chó như sẽ trình bày tiếp sau đây, tôi nghĩ có thể chó chỉ vì có chức năng khứu giác quá nhạy bén, ngửi được mùi quen thuộc của nhà chủ cũ nên đã lần mò tìm về.

Riêng kinh nghiệm của cá nhân tôi về mèo có phần hơi khác người đời. Cũng chỉ là sở thích riêng thôi. Phần tiêu cực thì nhiều, tích cực thì ít, tất cả đều do mèo mà ra cả.

 Một lần người viết đã phải tìm đủ mọi cách để dụ cho con mèo vào lồng để đưa đi chích ngừa. Nó hiểu ý, nó nghi ngờ, nó đa nghi nên trở nên dữ tợn, cào cấu để thoát ra, hưng rôi cũng vào lồng. Trên đường đi đến thú y, nó kêu gào một cách đầy uất hận, oán thán rồi cào cấu soàn soạt, cố nậy được then gài. Lái xe mà lòng không yên chỉ mong chóng đến nơi. Và khi vừa kịp mở cửa xe thì mèo nhẩy tọt ra ngoài và biến mất luôn, mặc dầu khoảng cách từ nhà đến thú y chỉ là mấy dãy phố. Cả ngày hôm ấy, chia nhau đi dọc theo mấy dãy phố, kêu mèo inh ỏi, hỏi thăm người ta, vẫn mất dạng đành chịu. Phải gọi con mèo này bằng tên gì cho thích hợp đây?

Con mèo này do chú con thích nuôi; chủ nó đi học nên nó nhàn rỗi, thích vào phòng làm việc của tôi, ngồi chễm chệ trên kệ sách của và không nói năng gì cả. Cứ ngồi như thế hằng giờ, tôi không biết trong đầu mèo nghĩ điều gì? Có thể nó nghĩ thằng cha này viết lách gì vô tích sự ngồi cả ngày như thế, ai thèm đọc?

Tôi vốn không ưa cái kiểu cách khi nào cần nịnh chủ thì mèo rên gù gù, uốn éo điệu bộ, cong đuôi, cọ kẹ vào người. Tôi thường không ưa và lấy tay hất ra. Chị mèo cố gắng đôi lần nữa, thất vọng rồi lỉnh đi mất.Tôi quá kinh nghiệm về cái trò khỉ đó rồi. Nịnh thế đấy, nhưng nếu cần thì trở mặt cào chảy máu mình như chơi. Chơi dao có ngày đứt tay là thế.

Khi nào không cần thì dở móng vuốt ra lộ cái hung ác, dữ dằn, mắt long sòng sọc, mấy cái râu dựng ngược dễ sợ, rồi được đằng chân lân đằng đầu, trèo lên đầu lên cổ người khác. Có lần nó cào rách một cuốn sách, tôi hiểu được tại sao mèo cào và không chấp. Nhưng cũng đuổi nó ra khỏi phòng.

Tưởng thế là xong. Nó không biết nhịn, ăn thua đủ. Sau đó, có đêm nó lén vào phòng, hất đổ từ trên kệ sách, không phải một cuốn, mà cả chồng sách xuống sàn nhà? Thế này thì không được; có phải nó ghét và trả thù không? Tôi không biết.

Nhưng từ nay, mèo và người (tôi) không có chỗ dung nạp nhau nữa!

Kinh nghiệm của tôi về mèo rất nghèo nàn, chỉ là trường hợp cá biệt không thể áp dụng chung được. Ghét thì không có, không ưa thì có. Biết làm sao được.

Nó cũng giống như trường hợp con người; nhiều người bạn quen biết từ thời tuổi trẻ cùng học một trường, cùng một khu phố, đến rồi đi, có khi mấy chục năm sau mới gặp lại cũng như nhiều bóng dáng cách này cách khác gặp gỡ như định mệnh, giao tiếp, đi qua đời, vào rồi ra. Có kẻ ra đi thầm lặng, có kẻ ra đi như một ngậm ngùi thương nhớ, có kẻ ra đi quay lại với lời nặng nhẹ, sau hóa thành tượng muối mặn chát.

Nhưng chỉ những tình bạn chân thật còn để lại dấu chân kỷ niệm trong tâm của mình với lời nhắn nhe, ngọt dịu. Tôi vẫn tìm lại quá khứ với những ngậm ngùi khó quên. Còn lại chỉ là những dấu chân trên cát là những dấu chân dễ bị xóa nhất chỉ cần một đợt sóng nhỏ.

Nhưng chó thì khác. Khác hẳn. Chó không còn đóng vai trò “tà lọt”, chỉ đâu đánh đó. Càng ngày, với khoa học phát triển, vai trò của chó càng trở nên quan trọng, nhất là trong lãnh vực y khoa. Phần viết thứ hai này tôi đặt tên cho chó là “chó ý khoa”. Chó nay đóng vai trò một y bác sĩ chuyên khoa, đóng vai trò định bệnh, tìm ra căn do một số bệnh.

Trong một bài “Dogs can smell epileptic seizures” của James Gallagher đăng trên BBC News ngày 28-3- 2019 cho biết

“Nhóm nghiên cứu của Đại học Rennes hy vọng những con chó có “mũi điện tử” ngửi được mùi chính xác của người toả ra khi bị động kinh. Trước đây giới khoa học đã xác định là chócó thể tìm ra ra các bệnh gồm ung thư, Parkinson, sốt rét và tiểu đường.”

Bệnh động kinh (epilepsy) là kết quả của sự rối loạn của các tín hiệu điện trong não. Bịnh có tính gia truyền hay vì bị đột quỵ hoặc do thiếu dướng khí khi mới sinh.”

Theo kết quả nghiên cứu đăng trên Scientific Report, hãng Medical Mutts ở Mỹ, huấn luyện 5 con chó (3 cái 3 đực) từ 2 đến 5 tuổi, có thể ngửi thấy mùi từ thân thể của bệnh nhân tiểu đường, bất an hoặc đang bị động kinh

Trong một tài liệu khác của Pauline Bonnet vào ngày 21-11, năm 2016 với nhan đề: Les chiens peuvent-ils détecter le cancer? (Phải chăng những con chó có thể khám phá ra trường hợp bị ung thư?) Sau đây là phần lược dịch .

 Chó là một loài vật được thiên phú cho một cảm quan rất đặc biệt, nhất là về khứu giác.  Loài chó có khứu giác tinh xảo 25 lần hơn con người, vì thế, nó có thể nhận biết được các mùi mà con người thường không có thể nhận biết được.

Tuy nhiên, từ khả năng có khứu giác cao như thế đi đến chỗ có thể ngửi ra sự xuất hiện của một chứng bệnh hoặc sự bất thường của cơ thể, như trường hợp bị cancer là một kết quả gây ngạc nhiên và ngỡ ngàng. Các nhà động vật học đã để tâm nghiên cứu xem giả thuyết trên có khả tín hay không?

Bài báo đã đưa ra  những luận cứ là bộ óc của loài chó hoàn toàn do bán cầu não thần kinh khứu giác điều khiển, khác hẳn con người là do vỏ não thị giác (Cortex visiuel). Vỏ não khứu giác của loài chó có khối lượng 40 lần lớn hơn vỏ não khứu giác của con người. Vỏ não thần kinh khứu giác của loài chó vì thế có hàng triệu những thần kinh tiếp nhận trong lỗ tai và vì thế loài chó có thể nhận ra mùi vị ở những khoảng cách rất xa và những mùi vị rất khó để phân biệt bởi cái mũi của con người..

Vì thế, chúng ta chẳng nên lấy làm ngạc nhiên khi loài chó có khả năng nhận ra được mùi vượt ra ngoài cả trí tưởng tượng của chúng ta.

Tất cả những khả năng có tính cách di truyền và tiến bộ của loài chó phải được coi như những khả năng ngoại cảm (capacités extra-sensorielles) chẳng những về khứu giác mà còn là những khả năng cảm và nhận biết về những điều mà con người không thể có được. Khả năng kỳ diệu ấy được gọi là những cảm nhận khứu giác.

Từ chỗ ấy, các nhà khoa học đi đến chỗ nhìn nhận trong một luận văn “Olfactory detection of human bladder cancer by dogs: proof of principle study” của Carolyn M Willis et al. đăng trên British Medical journal là những con chó được huấn luyện có khả năng khám phá ra các bệnh tật ngay từ giai đoạn khởi thủy như trường hợp bệnh ung thư bọng đái đến độ 41% chính xác bằng cách ngửi nước tiểu của bệnh nhân.

Trong số các loài chó ấy còn có các giống đặc biệt cho những kết quả khám phá ra bệnh ung thư như chó Labrador, chó Đức hay Áo, chó săn thỏ bên Pháp, chó berger Bỉ, chó đi nhặt các con vật bị săn nằm trong số đó.

Các nhà khoa học còn đi xa hơn cho rằng qua khứu giác, chó có thể định vị trí một cancer, biết được sự bất thường ấy và có thể liếm và ngay cả cắn vào chỗ cancer ấy để lấy ra cục cancer chẳng khác gì một bác sĩ giải phẫu. Và qua sự huấn luyện để ngửi hơi thở và các loại phân người, chó có thể khám phá ra sự bất thường. Thật là một điều kỳ diệu, nhiều khi sau khi làm thử nghiệm có triệu chứng bất thường, chó có thể thông báo bằng những cảnh giác.

Điều này cũng có thể hiểu được là  những chất thải trong một người bệnh bị cancer có những thành phần hóa học khác hẳn của riêng từng loại cancer.

Và chó đã khám phá ra những kết quả không thể tưởng tượng được. Các chuyên viên vì thế cho rằng chó có thể ngửi ra các bệnh cancer về đường ruột, về bọng đái, về phổi, về vú, về buồng trứng và ngay cả về da.

Những đóng góp của chó trong lãnh vực y khoa thật vô cùng quý báu, bởi vì một phát hiện sớm cancer đang được định vị sẽ giúp tránh khỏi tình trạng bị lây lan trên toàn cơ thể.

Một lần nữa, tôi xin kính chào những con chó y khoa và xin phép được vinh danh.

Từ những phát kiến trên về khả năng của chó, có người đặt ra những nghi vấn bên lề về sự khác biệt giữa tiếng chó sủa và tiếng chó tru hay hú thường vào ban đêm. Riêng về chó tru, họ lý giải cho là chó cảnh giác về một điều gì đó hoặc bầy tỏ một mối lo sợ hay nỗi buồn.

[DCVOnline: Chó tru vì nhiều lý do khác nhau: nhớ chủ, gây chú ý, xác định vị trí của mình, liên lạc với những con chó khác hay có khi vì đang bị bệnh hay bị thương hoặc vì đó là một phản xạ có điều kiện. Nguồn: Howling in Dogs, WebMD Veterinary Reference from ASPCA Virtual Pet Behaviorist]

Theo tôi, nếu căn cứ vào khả năng khứu giác của chó có thể ngửi được mùi từ xa đến vài cây số. Thứ đến chó chỉ tru có định kỳ, theo mùa, v.v., mà ở nhà quê người ta quen gọi là thời kỳ động đực. Vì thế chó tru với giọng điệu bi thảm, buồn chán như tuyệt vọng chỉ là một hình thức giao cảm của hai con đực-cái khi ngửi được mùi của nhau. Con này tru một tiếng dài, rồi đến lượt con bên kia tiếp nối như thể một cuộc nói chuyện tay đôi.

Vì thế, việc giải thích chó tru như báo động điềm gì có thể xảy ra cho gia đình, hoặc chó sủa ma là những luận cứ không có gì bảo đảm tính xác thực cả,

Chó làm việc thay người, như một đề nghị cách mạng, nhân đọc truyện ngắn Dòng sông Hủi của  Đỗ Hoàng Diệu

Trong tuyển tập Bóng Đè nxb Đà Nẵng, 2006  của Đỗ Hoàng Diệu, tôi nhận ra một truyện ngắn tên Dòng Sông Hủi bên cạnh truyện Bóng Đè được chọn làm tiêu đề cho cuốn sách. Tại sao gọi là dòng sông Hủi? Người hủi còn hiểu được, nhưng dòng sông?

Phải nhìn nhận cứ khách quan mà nói, có thể phải kinh qua những kinh nghiệm sống của thực tế trong nước với muôn vàn nỗi đau, nỗi khổ, nỗi nhục, bị đè nén, phải chịu đựng, phải im lặng như trường hợp Nguyễn Huy Thiệp mới có thể viết được như vậy!

 Tác giả tỏ ra quá dạn dày với cuộc sống trong truyện. Ăn ngủ, làm tình một cách thản nhiên.

  Nhưng ngoài đời, Đỗ Hoàng Diệu chỉ là một cô gái trẻ như trăm cô gái khác. Vui tươi, nhí nhảnh, thích ăn diện, thích tụm năm tụm bảy với đám con trai, diễu cợt, thông minh và vô tư hầu như không có liên quan gì đến những nhân vật truyện trong Bóng Đè.

 Một sự truyền cảm như một luồng điện vừa phát đi thì nhận được những tín hiệu đáp trả.

Những vấn đề đặt ra cho những nhân vật trong truyện như những nạn nhân, một thế hệ trẻ, đầy sức sống bị vùi dập, bị đeo đuổi, bị gánh chịu của một quá khứ tổ tiên đè nặng trên thân xác họ và họ đã chịu đựng một cách can đảm và phi phàm.

Một trong những gánh nặng ấy nằm trong nội dung câu truyện Dòng sông Hủi.

Mở đầu câu truyện Dòng sông Hủi đã rất sốc.

“Chồng tôi hành nghề kỳ quặc. Kiểm tra trí nhớ của con người. Lấy anh tôi mới khám phá, anh thường xuyên theo dõi những giấc mơ của mình. “ Em có thai phải không. Sau tháng đầu tiên, Công đã dọ hỏi. Tôi lúc đầu tươi tỉnh. Giấc mơ đêm khuya còn sáng hồng bụ bẫm bắp chân hài nhi. Tôi biết chắc, tôi chưa có mang, nhưng làm sao Công biết tôi đã nằm mơ thấy đứa trẻ? Sáu tháng hạnh phúc trôi qua như gió hắt mặt hồ.”


(Đỗ Hoàng Diệu, Bóng Đè. Dòng sông hủi, trang 109)

Người chồng tên Công vốn làm công an nên thói quen nghề nghiệp nhiễm vào người,  anh nghi ngờ người vợ ngoại tình và tìm đủ mọi chứng liệu cho việc bắt quả tang vợ ngoại tình với những câu tra vấn rất chuyên nghiệp.

Tội nghiệp cho chú công an, giỏi điều tra, bắt người, tra tấn tìm ra tội phạm ở đâu không biết. Nhưng đến vợ anh ta thì anh hoàn toàn bất lực. Vợ nhởn nhơ đi ngoại tình với Trí, qua mặt Công như thể đùa giỡn.

“Rồi bất thần, anh xô ngã tôi xuống thảm. Trước khi tôi kịp ngửng đầu lên, chiếc váy đã bị bàn tay lạnh lẽo kéo hất. Công lột quần lót vợ tỉ mỉ, nhướng mắt soi mói sợi chỉ may trên vải sa tanh hồng. Mắt Công ngó chăm chăm giữa hai đùi tôi. Từng cọng cỏ cây hoa lá óng ánh cố xù lên chống đỡ. Nhưng cỏ cây mềm quá, mượt quá, không nhấc nổi thân mình, đành yên lặng chịu đựng người đàn ông coi chúng là vật sở hữu. Khi Công tách chúng ra thành từng cọng xem xét tỷ mẩn, tiếng còi xe cấp cứu hụ rền những tán cây. Giọng Công cất lên khi còi xe cấp cứu đã xa.

Sao cô ở nhà mặc váy ngủ vào giờ này? Ngoài sân có vệt bánh xe máy không phải chiếc Spacy của cô.

Ơn trời, không có gì hệ trọng. Tôi trả lời.

Em nhức đầu, chóng mặt nên xin nghỉ làm sớm. Về nhà chỉ kịp vớ chiếc váy ngủ quàng vào người rồi lăn ra giường đến khi nghe tiếng anh mở cổng.”


(Đỗ Hoàng Diệu, Ibid, trang 110)

Đọc truyện Dòng sông Hủi xong, tôi thiết nghĩ đất nước mình nên dùng chó làm việc trong nhiều lãnh vực.

Việc đầu tiên là không xử dụng chó Việt Nam trong công việc, vì đã hơn 40 năm chúng cũng mắc tật dối trá, ăn lén, ăn trộm và biến thái tính chất trung thành. Ta chỉ nên dùng chó Việt Nam để ăn thịt là hay nhất. Thịt chó Việt Nam ngon hơn các loài chó khác.

Chúng ta sẽ nuôi khoảng 20 triệu chó Đức trong các gia đình. Cho Đức vốn to, khỏe mạnh và nhất là có kỷ luật. Chúng ngoài bổn phận canh giữ trộm cắp vốn như rươi ở Việt Nam. Chúng không ăn bẩn nên không sợ bị bỏ bả chó. Chúng có sức vóc và có thể đối đầu cùng một lúc với hai tên trộm có dao. Nhưng bổn phận chính của chó là giữ “an ninh chìm” trong nhà, không cho bất cứ người thứ ba nào đột nhập vào trong nhà, Chó sẽ giúp những người như Công trong việc khám phá mùi lạ, không phải mùi quen thuộc trong nhà. Mỗi khi có mùi lạ, dù đã được kỳ cọ, tẩy rửa kỹ, vẫn còn mùi son phấn, mùi tóc, mùi quần áo, mùi hơi người bất kể của đàn ông, đàn bà. Chó sẽ theo sủa vang lên báo động, sùng lục ngay chỗ nào có mùi lạ mà không chối cãi được. Chó sẽ là giềng mối bảo vệ hôn nhân và hạnh phúc gia đình mà không súc phạm ai hay quấy rầy ai như trường hợp anh công an tên Công. Gia đình yên vui, xã hội không lộn xộn rối beng, không cảnh đâm chén, tạt át xít,  không kiện tụng, không ghen tuông, không phải thuê du đãng đi rình mò, đâm thuê chém muốn, không ly dị, không ra tòa!

Ngành công an sẽ sa thải 90% nhân viên công an các cấp, bớt được những tên ngồi chơi nước làm tiền dân chúng. Nhưng ngược lại sẽ nuôi loại chó làm công an, loại chó săn thỏ bên Pháp rất thích hợp cho công việc này. Loại chó này sẽ giúp tìm ra bọn bất đồng chính kiến, bọn phản động có âm mưu lật đổ chính quyền. Bởi vì  mỗi khi chúng có ý đồ làm phản thì thể nào cũng có một dòng điện chạy qua võ não khứu giác, tạo ra một mùi và nhờ đó chó phát hiện ra được.

https://youtu.be/C5BlHTKDVAg
Chó công an. Nguồn: YouTube

Với hai biện pháp dùng chó thay người này, đất nước Việt Nam có thể có hy vọng khá hơn chăng? Và đến bao giờ huấn luyện được một đàn chó quản trị đất nước? 

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline đề tựa, hiệu đính, phụ chú và minh họa. ked=”false” Pr