Cái mất và cái được trong vụ cháy nhà thờ Notre Dame de Paris

Nguyễn Văn Lục

Như nhiều người khác trên thế giới, tôi được chứng kiến thần hỏa thiêu rụi một phần mái nhà thờ Notre Dame de Paris trong nỗi bất lực, nỗi kinh hoàng. Nó cho thấy con người đứng trước một tai họa trở thành sẽ thấy mình quá mong manh, nhỏ bé và bất lực.

Hỏa hoạn nhà thờ Đức Bà Paris, 2019. Nguồn: www.in.com

 Nhiều người vẫn tin rằng nhà thờ Notre Dame là bất tử, không thể bị hủy diệt. Nó là điểm Zero. Điểm khởi đầu cho mọi con đường của nước Pháp.

Phần tôi cảm nhận được sức mạnh từ trong chốn lửa “hỏa ngục” ấy. Nó như một răn đe con người. Hay như một cảnh báo về một đại họa tương lai theo cái nghĩa “giờ đã đến”. Nó không còn thuần túy là một sức mạnh thiên nhiên nữa. Nó còn ẩn chứa một sức mạnh siêu nhiên nữa.

Có lẽ chỉ trong những giây phút hiếm hoi ấy, con người mới cảm nghiệm được điều ấy. Ta là ai? Ta đã làm gì? Những điều không dễ diễn tả được bằng ngôn ngữ đời thường. Đôi khi chỉ còn một cách lặng thinh nghe đất trời kể lể. Lối kể lể bằng một sức mạnh như vô tình. Nước lửa đời thường là bạn mà nay sao hung dữ như thế?

Nhiều người không biết giả thích ra sao đành đổ cho quỷ làm. “Diabolus  fecit hoc” (Chính là do quỷ làm). Cái gì khủng khiếp xảy ra mà không do con người thì do quỷ làm. Người Đông Phương thì thường đổ vạ vu vơ là: Trời làm

Đã thế, có thể nhiều người còn chưa biết chuyện là vào tháng 6 năm 2016, nước sông Seine, tràn đập, đã dâng lên ngập nhà thờ Notre Dame khiến mồ mả các giám mục chôn ở đây từ thế kỷ XV, bị bật tung trôi lềnh bềnh. Nhiều cỗ quan tài do sức nước làm bật tấm ván thiên khiến xác người bên trong lộ ra một cảnh rùng rợn.

Nhà thờ Đức Bà Paris trược khi lụt. Nguồn: IBTimes UK
Lụt 1/6/2016: Nhà thờ Đức Bà Paris. Nguồn: IBTimes UK

Tờ París Match, số ra ngày thứ hai 15 tháng tư, như thường lệ giật tít: “Notre Dame. Le coeur de la France en feu (Nhà thờ Notre Dame, trái tim của nước Pháp bốc cháy). Bài bên trong, ký giả nhiếp ảnh gia Ian Langsdon viết: “Phải mất 182 năm để xây dựng Thánh đường này. Nhưng chỉ cần vài giờ đủ để phá hủy nó.” (Paris Match, Lundi 15 avril)

Nhìn ngọn lửa mái nhà thờ bốc cao ngùn ngụt, chung quanh là giàn giáo nặng 500 tấn  bắt người ta nghĩ rằng ở bất cứ thánh địa nào, ở bất cứ đền đài cung điện nào, ở bất cứ kiến trúc cổ xưa nào đạt tới đỉnh cao của cấu trúc nghệ thuật, tồn tại bao đời, cũng là những câu chuyện kể lịch sử đọc được trên từng phiến đá, từng bức tượng, từng tấm kiếng màu.

 Nó đã được nhân cách hóa từ bao giờ? Và có thể được thần cách hóa như một thứ chủ nghĩa duy hồn, một tập tục quen thuộc nơi các dân tộc sơ khai biến cái cây, ngọn núi như có thần linh ngự trị.

 Hầu như trong bóng tối nhập nhòa của tòa kiến trúc – hơn ở đâu hết – hòa với không gian trầm mặc, âm u có ẩn hiện một câu chuyện sử, một nhân vật sử đã từng hiện diện nơi đây. Phải cùng nhau nhìn nhận là nhà thờ Notre Dame đã chứng kiến những giờ phút lịch sử vĩ đại nhất của nước Pháp.

 Nó đã bao thời gian trải dài từ chế độ quân chủ sang đế quốc rồi Cộng Hòa. Đã hàng trăm năm lịch sử xảy ra nơi chốn này với bao trò biển dâu, biến động. Cho nên, mỗi tấm kính mầu của nhà thờ Notre Dame de Paris có thể là một câu chuyện kể về lịch sử một thời đại mãi mãi còn ghi dấu. Nhất là  thời đại lịch sử đạo Thiên Chúa giáo kể từ thời các vua David trước kỷ nguyên.

Notre Dame De París trải qua 850 lịch sử lẽ nào lại thiếu bóng dáng câu chuyện lịch sử  ngự trị? Trong truyện Thằng Gù nhà thờ Đức Bà, Văn hào Victor Hugo cũng đã mường tượng ra một cảnh tượng hỏa hoạn trong bóng tối lập lòa của ngôi Thánh Đường ấy như một lời tiên tri trước đây chăng?

Nếu không cảm nghiệm được điều ấy thì tất cả cái cấu trúc xây dựng, những tháp nhọn, 500 tấn gỗ sồi với những vòng cung, những đà ngang dọc, bắt chéo dù cực kỳ tinh xảo,  cộng với 250 tấn chì của mái nhà thờ đổ xuống cho dù nguy nga đồ sộ tới đâu cũng chỉ là đống gỗ đá, gạch ngổn ngang. Không, nó không phải như vậy, không phải chỉ là gỗ đá. Nó còn là cái gì hơn thế nữa!

Vì thế, nhà thờ Notre Dame De Paris , ngoài cấu trúc cổ kính còn có một tầm vóc lịch sử mà trận hỏa hoạn này có thể làm tiêu tan đi mất.

Đó là cái có thể mất trong trận hỏa hoạn thế kỷ này. Cái hồn tính, cái lịch sử của Notre Dame có thể không còn được như trước nữa. Đó là cái mất lớn lao nhất mà không ai có thể ước lượng được sự mất mát ấy bằng những con số.

Tôi đã từng có những cảm nghiệm sâu xa về sự thất bại chua cay trước một cảnh quan cổ xưa hùng vĩ mà nay suy tàn chỉ còn là những đống gạch vụn vỡ mà tâm hồn hầu như vẫn tro lạnh khi đứng nhìn. Đó là những tháp Chàm cổ xưa dưới sự tàn phá của con người, của lịch sử bị sang trang hay xóa nhòa cũng như sự quên lãng một các vô tình hay bất lực của dòng tộc để cho cỏ mọc rêu phong.

 Sự sống trước mặt chỉ còn là sự sống hung hãn của đám cỏ dại và rêu phong phủ kín hoang dại. Tôi lặng nhìn những phiến đá bị bào mòn, bị vôi hóa qua năm tháng mà không tìm ra vết tích lịch sử của cả một dòng tộc đã từng có mặt nơi đây- đã sinh sống làm ăn mà nay không còn nữa? Họ tất cả đâu rồi. Hỡi vong linh những kẻ đã chết? Hồn linh thiêng sang không hiển hiện về chứng kiến bát nhang đã cháy tro tàn?

 Và từ cảm nghiệm như thế may ra mới thế hiểu rõ ngọn nguồn chữ hồn thiêng sông núi là gì.

Từ những cảm nghiệm riêng tư ấy, tôi nhìn chết lặng hằng giờ trước cảnh ngọn lửa phừng lên thiêu rụi mái nhà thờ Notre Dame De París. Sau này, tự hỏi nó sẽ được xây dựng dưới dạng thức nào? Cái nào giữ, cái nào bỏ là một bài toán nan giải. Bảo trọng quá khứ, nhưng không thể không hướng về tương lai. Quá khứ là cái gì và tương lai là cái chi? Là hơn 10 triệu người đổ xuống lũ lượt mỗi năm để tìm lại dấu chân kỷ niệm gì của quá khứ.

Tính cách tương đối trong những tình trạng tương tự được dịp ló đầu ra như một cảnh giác rằng không có gì là bất diệt, là di sản bất biến. Cái thang chữa lửa cao nhất của Paris cùng lắm chỉ kéo lên được 46 mét trong khi điểm cao nhất của Nhà thờ đến 90 mét?

Nguồn: Newsweek
Nguồn: video.newsflash.one

Hơn 800 năm sinh tồn. Vinh nhục của lịch sử nếm trải đủ như một con người của lịch sử, như một thách đố tồn tại, vậy mà trong phút chốc bỗng chốc trở thành mây khói, tro tàn. Trong đêm tối, hình như chỉ còn tượng Thánh giá còn đứng vững, lóe sáng bởi vì sức nóng nung chảy đỏ rực. Nhiều người bám víu vào đây như một niềm tin, nhưng lóe sáng để làm gì chứ thì không ai có câu trả lời rõ rệt.

Trong nhiều năm tháng trước đây, nhiều thế kỷ đi qua từ Trung cổ qua thời Phục Hưng, nhà thờ Notre Dame De Paris vốn vẫn là nơi tiêu biểu cho trái tim, trí tuệ của nước Pháp. Những trí thức hàng đầu và những đứa con tinh thần của nước Pháp đã từng đến nơi đó rồi dần nối đuôi nhau ra đi.

Tôi đã hiểu sự hưng phế, sự lớn lên rồi tàn lụi theo năm tháng lịch sử.

 Nhà thờ Notre Dame De Paris đã từng chứng kiến những năm tháng huy hoàng, những bước chân lui tới của hoàng thân, quốc khách trong các dịp lễ lạc.

Ngày 2 tháng 12 năm 1804, cuộc đăng quang của hoàng đế Napoléon đệ I có sự hiện diện của Giáo hoàng Pio VII. Đón tiếp Giáo Hoàng Phaolô đệ II, tháng 8-1997. Và cuối cùng Giáo hoàng Benoit XVI, tháng 9-2008. Ngày 26 tháng 8, 1944, tướng De Gaulle và tướng Philippe Leclerc tiến vào Thánh đường trong tiếng hát “Te Deum” (Tạ ơn)  trong ngày giải phóng Paris. Rồi sự có mặt của Fidel Castro, ông Hoàng Monaco 11-1-1996. TT. Nixon và Kissinger 6-4-1974. Và những buổi lễ cầu hồn (Requiem) cho các TT. De Gaulle, TT. Pompidou và Francois Mitterand..Biết bao nhiêu dấu vết lịch sử!! đã được ghi lại ở nơi đây.

 Và cũng chính nơi đây có lúc bị đập phá, bị nguyền rủa và rơi vào tình trạng bị cô lập.

Nhiều khách thập phương khi đến tham quan nhà thờ hẳn đã không biết gì nhiều về 850 năm lịch sử ấy.

Thật vậy, phải tìm hiểu lịch sử và đọc lại những trang sử ấy mới mong hiểu được tính chứng nhân lịch sử của nó, từ sự hình thành, phát triển đến hưng phế trầm luân của Notre Dame De Paris trong suốt gần một ngàn năm lịch sử ấy. Ít lắm lấy từ khởi điểm từ 1900 trở đi cho tròn số.

 Tính ra từ sau cuộc cách mạng Pháp, tinh thần thế trị đã dần thay vị trí thần quyền của giới tăng lữ một cách dứt khoát. Nhiều khuynh hương chống giáo trị đã hình thành và biểu lộ công khai. Sự trộn lẫn thế quyền và thần quyền trước đây đã là nguyên cớ của rất nhiều lạm dụng, nhân danh cái thần thánh để biện hộ và bào chữa cho những sai trái và nhũng điều xấu xa đưa nước Pháp đến một xã hội thối nát, mục rữa bên trong.

Phải lành mạnh hóa nước Pháp bằng cách trả cái thần quyền về chỗ của nó, để cho thế quyền cai quản xã hội bằng pháp luật.

Và sau đó, nước Pháp đã tạo dựng nên một thể chế cộng hòa thế tục. (La République Laique).

Thật vậy vào những năm 1905, luật pháp của cộng hòa Pháp quốc đã chấm dửt một giai doạn về mối liên lạc giữa một nhà nước thế trị với các niềm tin tôn giáo.

Ngay từ điều 1, của đạo luật tách trời tôn giáo khỏi chính quyền năm 1905 (Loi de séparation des Églises et de l’État. Chánh Giáo Phân ly Pháp) ghi lại:

“Article  I: La République assure la liberté de conscience. Elle garantit le libre service des cultes.”

(Nền cộng hòa bảo đảm quyền tự do lương tâm và quyền tự do tín ngưỡng).

Và trong điều khoản 2, áp dụng một cách cụ thể như sau:

“ne reconnait, ne salarie ni ne subventionne aucun culte…”

(nhưng không nhìn nhận cũng không trả lương cũng không tài trợ cho bất kỳ tôn giáo nào.)

(Xem thêm Jacques Marseille, Journal de la France, De 1900 à nos jours, Larousse, trang 38)

Nguồn: By This file was provided to Wikimedia Commons by the Archives Nationales as part of a cooperation project with Wikimédia France., Public Domain, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=28427483.

Luật là thế, nhưng trong việc thi hành gặp rất nhiều trở ngại cũng như chống đối. Đặc biệt từ phía Thiên Chúa giáo. Điều đó cũng dễ hiểu, vì Thiên Chúa Giáo có mối liên hệ sâu xa về hệ thống quyền lực. Giáo hội Thiên Chúa của Pháp vẫn coi vị Giáo Hoàng ở Vatican chẳng những có thẩm quyền chính trị bao trùm trên trên Giáo hội Thiên Chúa giáo mà còn trên cả chính quyền nước Pháp.

Sự tách biệt giáo hội Pháp ra khỏi chính quyền và nhất là qua vụ Dreyfus trong đó giới truyền thông Thiên Chúa giáo vào cuộc một cách công khai và tích cực. (Đại úy pháo binh Alfred Dreyfus, gốc người Do Thái ở trong quân đội Pháp (1859-1935). Ông bị kết án oan vì một lời tố giác của một gián điệp Pháp nằm trong sứ quán Đức đã phát giác một bức thư đã bị xé vứt trong thùng rác. |Trong đó, lá thư bị xé có nét chữ giống hao hao nét chữ của Dreyfus. Vì thế, ông bị tố cáo trao đổi tài liệu quốc gia cho Đức. Ông bị kết tội phản quốc và phía công giáo quyết kết án: Tử hình Giu Đa, tử hình tên Do Thái. Ông bị án chung thân và bị đầy đi đảo Guiana, thuộc Pháp.

Vụ Dreyfus, Alfred Dreyfus (1859-1935) trên đảo Devils (Guiana thuộc Pháp). Trang nhất của tờ báo Le Petit Tạp chí Pháp. Ngày 27 tháng 9 năm 1896.

Sau này, Georges Picquart tìm thấy bằng chứng chính thiếu tá Ferdinand Walsin  mới thực sự là kẻ có tội. Tòa án cho Dreyfus được trắng án.

Vụ án chẳng những gây bất công cho một người gốc Do Thái vốn vô tội. Nó còn tạo ra những xung đột chia rẽ trầm trọng về mặt xã hội, chính trị và tôn giáo nữa.

Chinh phủ của Émile Combes vào thời đó càng tỏ ra cứng rắn hơn người tiền nhiệm như đổ thêm dầu vào lửa và đã đưa đến sự đoạn giao giữa Tòa Thánh Vatican dưới triều Piô X và nước Pháp.

Sự thế tục ấy dần biến nhà thờ chỉ còn là một thứ biểu tuợng của một thời như một cái xác không hồn, đã mất đi cái hồn tính, cái thiêng liêng vốn là di sản từ xưa để lại.

Cái phù du của ngọn lửa thiêu hủy nhà thờ Notre Dame de París nếu chỉ như một ngọn lửa có nhiệm vụ thiêu hủy cái biểu tượng còn sót lại thì có gì đáng để nói?

 Nhưng mặc dầu vậy, lạ thay, nó vẫn có giá trị như cảnh báo mọi người là những di sản do quá khứ để lại không dễ gì bị biến mất. Đó là truyền thống, đó là trái tim của người dân Paris. Cho nên, nó cũng như nhắc nhở cái di sản tinh thần của nhà thờ Notre Dame de Paris đã từng là cái nôi tinh thần của Đại Học Pháp và có thể bao trùm cả Âu Châu với những nhân vật như Pierre Abélard, Pierre Lombard đến Thomas d’Aquin.

Và nó cũng đã tồn tại như một truyền thống của văn minh Hy-La dưới bóng Thánh giá.

 Nó đã chuyển hướng ra khỏi khung cảnh nhà thờ, chuyển hướng các môn học về khoa học xã hội sang các khoa học tự nhiên hoặc về y khoa có tính cách thực tiễn hơn. Hết rồi cái thời mà ngay từ bậc trung học, người sinh viên Pháp  bắt buộc phải học tiếng La tinh, tiếng Hy Lạp trong suốt thời Trung Cổ sang thời Phục Hưng.

Nhiều người dân París đã quỳ gối khóc.  Ai trông thấy cũng đều xúc động. Có một dây truyền cảm xúc động từ người này sang người khác qua những ánh mắt lo âu và cầu khẩn.

Người ta cảm thấy gần gũi nhau trong những giây phút này, gắn bó người này với người kia, bỏ rơi những mặt nạ vốn làm nên sự chia cắt.

Hiểu được những tâm tình bi lụy ấy sẽ hiểu được tại sao họ tiếc nuối cái quá khứ đã một thời như thế, trước sau vẫn là vàng son, huy hoàng và bất di dịch-.

 Nhưng khóc cho đống tro tàn hay khóc cho một quá khứ như chứng nhân lịch sử với niềm hãnh diện mà có thể thực chất không còn nữa?

Hiểu theo cách nào thì một người không phải thường dân Paris không sống gần kề không đủ tư cách để đưa ra những phán đoán về nó. Phải là thường dân Pháp, mỗi ngày nghe tiếng chuông nhà thờ, nhìn hai ngọn tháp và một tòa lâu đài đứng sừng sững như thách đố các biến thiên lịch sử như cuộc cách mạng Pháp, thế chiến hai vv.

Phần đông những người tứ phương chỉ còn biết cúi mình trân trọng.

Sự trân trọng ấy phải được trả lại cho dân chúng Paris. Bởi vì Paris là của họ và là chính họ dù nay đã có nhiều đổi thay. Vì thế, phần đông không ai tin được và cũng chẳng ai muốn tin những gì đang xảy ra trước mắt họ. Nó khủng khiếp quá trong sự vĩ đại đang bốc cháy.

Và mọi người chỉ còn cầu mong trong đám tro tàn ấy còn hy vọng vớt vát được cái gì, một cái gì đó của quá khứ như một chút gì làm báu vật kỷ niệm.

Và cuối cừng, mọi người thở dài, vừa buồn vừa vui, vì rất nhiều báu vật còn được giữ nguyên vẹn.

Mặt tiền nhà thờ dù đen sạm còn đứng sừng sững đó. Cánh cửa vòm cung phía tay phải nhà thờ nhắc nhở vong linh của chàng Quasimodo, thằng gù nhà thờ Đức Bà của Victor |Hugo, còn lảng vảng đâu đây vì vẫn đợi có cái chỗ để về.

Nguồn: pinterest.com

 Dàn orgue với 8000 ngàn ống đồng với âm thanh vang dội chưa bị chảy ra dưới sức nóng của lửa chờ ngày được chỉnh trang lại. Nào còn những mạo gai của Chúa, một cái đinh trên thập giá cũng như nhiều báu vật khác đã được bảo vệ.

Trong nỗi buồn mất mát, người ta tìm được nguồn an ủi vì có nhiều báu vật vẫn còn. Các khung cửa kính mầu mà mỗi khung cửa là một câu chuyện lịch sử phần lớn còn nguyên vẹn.

Riêng chiếc mạo gai quấn bằng rơm và cỏ gai mà quân lính Roma dùng để nhạo báng Chúa và đã đội lên đầu Ngài thì may mắn được vị linh mục Tuyên úy lính cứu hỏa ôm chạy thoát khỏi tai nạn.

Có nhiều người thắc mắc về nguồn gốc thực sự của chiếc mạo gai này? Thật sự ra sao, báu vật ấy vẫn chỉ là một biểu tượng về sự đau đớn tận cùng của chúa Giêsu. Người ta nhắc nhở đến mạo gai ấy là nhắc nhớ đến sự thương khó của Chúa. Phần còn lại thật sự không mấy quan trọng.

Nhưng nhiều người cảm thấy đau lòng và thất vọng khi thấy cây Thánh Giá trên ngọn tháp đổ sụp xuống thì chẳng khác gì một cảnh báo cho người dân Paris, công giáo Paris, trí thức París thấy rằng giờ của họ đã điểm. Họ không còn nhiều thời gian nữa để suy niệm, để ăn năn, để hối cải về những vong động, những tham lam thế tục đã đụng chạm  đến sự thiêng liêng thần thánh của nhà thờ Notre Dame.

Tôi có cảm tưởng như chúa đã chối từ cảnh báo họ!

Trong Nhà thờ Đức Bà trước và sau vụ cháy 2019. Nguồn: HuffPost Canada

Trong Nhà thờ Đức Bà trước và sau vụ cháy 2019. Nguồn: HuffPost Canada

Tôi cũng có cảm tưởng, trong suy niệm, trong những phút giây thầm lặng riêng tư,  đây là sứ điệp quan trọng nhất nhắc nhở mọi người. Cái tích cực là ở chỗ ấy, trong niềm tuyệt vọng có hy vọng, trong đống tro tàn có báo hiệu mầm tái sinh..

Đối với tôi, sự phục hồi lại nhà thờ Notre Dame de Paris là phục hồi lại những giá trị nhân bản, truyền thống tôn giáo, truyền thống văn hóa trong việc bảo trì các di trí lịch sử văn hóa.

Nó không phải chỉ là những lời hứa hẹn một nhà thờ mới sẽ được xây dựng tốt đẹp hơn, nhắm về tương lai, nhắm vào số khách du lịch nhiều hơn, quán ăn nhà trọ đông khách nườm nượp. Tiền bạc đổ vào sẽ không thiếu, gấp nhiều lần sự mất mát vật chất của nhà thờ Notre Dame de Paris hiện nay.

Tất cả những suy nghĩ nông cạn và hời hợt về sự tân trang nhà thờ ở mặt vật chất ấy hẳn không đẹp lòng nhà thờ Notre Dame de Paris.

 Notre Dame de Paris đòi hỏi con người dân ở đây hơn thế nữa. Phải nghĩ tới tha nhân đồng loại, bớt đòi hỏi, bớt xuống đường, bớt tranh cãi. Một xã hội biết sắn tay áo, tin vào  đại cuộc, cho một nước Pháp giàu mạnh và đầy tình lân ái vì mọi người.

Phải chăng đây là sứ điệp tự hủy của Notre Dame De Paris để cứu nước Pháp khỏi sa lầy?

Cho nên, càng suy nghĩ, tôi càng thấy tính cách tích cực “linh thiêng” của cuộc hỏa hoạn rất tình cờ, rất vô lý, nhiều phần chỉ do dây điện chạm trở thành cuộc hỏa hoạn có ý nghĩa nhất của thế kỷ 21 này!

 Hiểu được như thế mới hiểu được hai trái bom nguyên tử, ở một mặt khác, có thể đã cứu nước Nhật như thế nào. Cần có những đau khổ, những khốn nạn, những vùi dập để con người thức tỉnh. Vì thế, cái vô ích trở thành có ích mà ngay một sợi tóc cũng không qua khỏi sự an bài.

Trong sự an bài ấy, đã có nhiều toan tính cũng như những tính toán an bài định mệnh đến không thể tiên liệu trước đầy đủ được.

Chẳng phải phép lạ gì mà nhà thờ Notre Dame de Paris  còn đứng vững với mặt tiền nhà thờ và hai tháp chuông. Cái đó cũng được hiểu như một cái may trù liệu một cách đơn giản của quá khứ, một lối kiến trúc Gothic với vòm cung chụm đầu ở giữa đem lại sự cứng cát và bền vững cho lòng nhà thờ.

Điều thứ hai cũng ít ai ngờ tới là dòng sông Seine vốn là bạn láng giềng của nhà thờ Notre Dame de Paris với các tàu cứu hỏa đã kịp thời cung cấp nước đầy đủ cho việc dập tắt kịp thời ngọn lửa..

Trong cái may có cái rủi. Ngọn tháp với cây Thánh Giá đã sụp đổ như một cành cây rời khỏi cây. Nhưng trên đầu con gà trống bằng đồng. mặc dấu bị sức lửa hun đốt vẫn còn đó.

 Con gà trống như nhắc nhở sự phản bội của thánh Phê Rô chối Chúa trước khi gà gáy. Con gà trống  còn tồn tại là một nỗi vui khó tả đối với người viết bài này, vì lời huấn dụ, cảnh báo của Thiên Chúa đối với thế gian thường tình vẫn còn đó như nhắc nhở: Trước khi gà gáy sáng thì con đã chối ta ba lần!

Đôi lời kết     

RT Published on Apr 16, 2019

Có thể nói tinh thần bảo trì di sản quá khứ là đặc điểm truyền thừa của người dân Pháp.Tinh thần ấy đã được chứng minh trong nhiều giai thoại trong thế chiến thứ hai. Nhờ đó, khi quân Đức thua trận rút lui, nhiều di tích lịch sử của nước Pháp, nhất là tại thủ đô còn nguyên vẹn.

Một lần nữa cái quyết tâm của dân Pháp tu sửa lại nhà thờ Notre Dame chỉ sau một đêm lửa vừa kịp dập tắt. TT Pháp đã long trọng hứa, Notre Dame sẽ được tu sửa lại tươi đẹp hơn. Xin trích dẫn lại một vài ý tưởng của TT Pháp như khép lại bài viết này.

Trong bài diễn văn đọc trước Hội đồng Giám Mục Pháp, ngày 9-4-2018 nhằm xiết chặt mối liên hệ giữa chính quyền và giáo hội Pháp vốn bị buông lỏng trong nhiều năm nay, TT Macron mong muốn: “Réparer le lien” entre l’Église catholique et l’État.” (Hàn gắn lại mối liên hệ giữa Giáo Hội Thiên Chúa giáo và chính quyền).

Bởi vì, cũng theo TT Pháp đặc điểm của tính thế tục “không có nhiệm vụ phủ nhận cái tính siêu nhiên”.

(Trich bài của Cecile Chambrand, ngày 10-tháng 4 nhan đề: Macron veut “réparer le lien” entre l’Esglise catholique et l’Estat.)

Hội đồng Giám Mục Pháp (Conférence des Evêques de France, CE F) đã hưởng ứng lời kêu gọi của TT Pháp kêu gọi người công giáo  Pháp tham gia vào đời sống chính trị, và đem vào đó một cái nhìn đức tin và không còn cảm thấy lẻ loi, đứng bên lề nền cộng hòa và tìm lại được đúng nghĩa vai trò như muối và ánh sáng vào thế gian.

TT Pháp nhìn nhận chính quyền và giáo hội đã có những thời kỳ băng lạnh mà mỗi bên đều có thái độ bi quan yếm thế về phía bên kia. Trước mặt Geoges Pontier, TGM thành phố Marseille, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Giám Mục Pháp.  Cả hai đều hiểu rõ rằng mối liên hệ giữa giáo hội và chính quyền đã có hố chia rẽ sâu xa mà cả đôi bên có bổn phận phải hàn gắn lại.

Cũng theo TT. Pháp, trong nhiều năm, giới chức chính trị đã hầu như bỏ quên không nhận biết vai trò của những người công giáo. Hoặc do những quyền lợi bầu cử, lá phiếu, hoặc do giản lược số người công giáo thành phần “thiểu số chống lại cộng hòa”.

Cả hai điều tiêu cực trên không còn lý do để tồn tại bởi vì người công giáo như là một tấm vải của quốc gia đưa đến mối đe dọa tấm vải bị đe dọa xé rách. Nếu không tìm ra một giải pháp chung.

Trong bài diễn văn, TT Pháp cũng muốn nhấn mạnh thêm, mặc dầu ở hai thể chế hiến định khác biệt, công giáo và chính quyền đều có một tiếng nói chung chính đáng về những vấn đề thuộc quyền lợi chung quốc gia trong đó tiếng nói của Giáo hội đem đến một quan điểm nhìn về con người. Và đó là vai trò của giáo hội Thiên Chúa giáo.

Ông Macron còn muốn nhấn mạnh thêm quan điểm của ông về tính thế tục của nền Cộng Hòa. Theo đó, ông không cùng quan điểm cho rằng tính thế tục không có nghĩa là phải quay lưng hoặc giữ khoảng cách xa chừng nào hay chừng ấy với chính trị. Ông nói : “ Tôi cho rằng tính thế tục không có nhiệm vụ phủ nhận tính thiêng liêng nhân danh tính nhất thời trần thế (temporel), cũng không phải là đào xới phá bỏ gốc rễ các tổ chức xã hội của chúng ta mà một phần không nhỏ đã được nuôi dưỡng bởi tính thiêng liêng nơi các người dân của chúng ta. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “ Tôi không phải là người sáng lập, không phải là người cổ súy cho một tôn giáo quốc giáo có ý hướng siêu việt thay thế cho một sự tin tưởng của nền cộng hòa.”

Và vị TT. Pháp đã tóm tắt quan điểm chính trị của chính phủ ông là một “Humanisme resaliste”. (Một nền nhân bản thực tiễn.)

Quan điểm của Emmanuel Macron đã được đón nhận một cách rộng rãi trong hàng giáo phẩm công giáo Pháp.

Tuy nhiên, như thường lệ, bài diễn văn của |TT. Macron đã gặp một làn sóng chống đối một cách khác thường. Phe hữu đã gọi là bài diễn văn của E. Macron là xúc phạm đến tính cách thế tục của nền cộng hòa. “Mối liên hệ giữa Giáo Hội và Quốc Gia không có lý do để tồn tại”. Macron “đã đi quá xa đến chỗ hầu như vô trách nhiệm.”

Khẳng định và dứt khoát hơn, Tổng thư ký đảng Xã hội Oilivier Faure viết:

“Trong thể chế cộng hòa thế tục, không có một niềm tin tôn giáo nào có thể áp đặt trên luật pháp. Tất cả vẫn chỉ là luật năm 1905. Và chỉ có luật pháp mà thôi.”

Sự chống đối ở đâu không biết, ở nước Pháp là chuyện thường trực với đủ mọi khuynh hướng, trường phái, lý thuyết với đa dạng và trái chiều, tả hữu, rồi cực tả cưc hữu.

Nhưng riêng mối liên hệ giũa Giáo Hội và nhà nước luôn có những xung đột đi đến chỗ đoạn giao giữa Vatican-Paris.

Phải chăng cuộc hỏa hoạn nhà thờ Notre Dame đã giúp dân chúng Paris thức tỉnh nhận ra điều gì qua cuộc đại họa lớn lao của thế kỷ này, giúp dân chúng tìm lại được gốc rễ cội nguồn, những giá trị có thể đã mất đi được tìm lại..đem đến cho dân chúng  tìm lại được một xã hội tình, trong tinh thần tương thân tương ái, một “nhân bản thực tiễn” thay vì một xã hội thế tục dựa trên luật pháp nhiều phần đưa đến những sáo trộn hận thù vô phương hòa giải. Nước Tàu đã có những giai đoạn trải qua giữa đường lối nhân trị và pháp trị?

Chẵng lẽ đào đâu ra được một Jeanne d’Arc nữa cho thời đại hiện nay của nước Pháp.

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  DCVOnline biên tập và minh họa.