Liên Hiệp Quốc phải nhận trách nhiệm về những thất bại ở Myanmar

The Irrawaddy | DCVOnline

Một báo cáo của Gert Rosenthal, cựu bộ trưởng ngoại giao của Guatemala, công bố vào tháng trước cáo buộc Liên Hiệp Quốc đã thất bại không giúp được Myanmar trong lúc nước này khủng hoảng.

Một phái đoàn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chuẩn bị lên một chiếc trực thăng đi đến Maungdaw tại Sân bay Sittwe ở tiểu bang Rakhine vào tháng 5 năm 2018. UN News

Đánh giá lại hiệu năng và những hoạt động của các cơ quan LHQ trong những năm trước khi người Hồi giáo Rohingya phải chạy đi tị nạn để thoát khỏi cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Myanmar năm 2017, đã kết luận rằng những cơ quan của LHQ đã không cùng nhau hành động, đưa đến “những thất bại mang tính hệ thống và cấu trúc.” Nhưng đây không phải là lần đầu tiên nó xảy ra.

Vào tháng 6 năm 2017, các tài liệu nội bộ  chuẩn bị cho Tổng thư ký mới của Liên Hiệp Quốc đã mô tả văn phòng phụ trách Myanmar của LHQ là “rối loạn chức năng” và có “căng thẳng lớn” giữa những cơ quan của hệ thống LHQ. Cuối năm đó, Renata Lok-Dessallien, một điều hợp viên thường trú về hoạt dộng nhân đạo, từ nhiệm. Bà Lok-Dessallien đã bị chỉ trích vì không làm đủ trách nhiệm trước những vi phạm nhân quyền ở Myanmar.

Rosenthal nói,

“Không còn gì để thắc mắc, nhiều sai lầm nghiêm trọng đã xẩy ra và những cơ hội đã đánh mất trong hệ thống của LHQ vì chiến lược bị phân mảnh chứ không phải là do có một kế hoạch hành động chung. Sự thất bại mang tính hệ thống lại được phóng đại vì những khủng hoảng hành chánh và và không thích đáng.”

Gert Rosenthal

Tuần này, Christine Schraner-Burgener, công sứ Liên Hiệp Quốc tại Myanmar, cho biết không có nhiều tiến bộ để giảm bớt những vấn đề đưa đến cuộc tị nạn của người Rohingya và lên tiếng cảnh cáo nếu không có hành động thích đáng thì đã đến lúc phải “rung chuông báo động.”

Rung chuông báo động? Nhưng làm thế nào?

Thật vậy, có sự thất vọng sâu sắc trong cộng đồng quốc tế vì sự không có những tiến bộ để đưa  người Rohingya trở về quê hương. Tương tự như vậy, có sự thất vọng và tức giận sâu đậm trong lòng dân Myanmar đối với Liên Hiệp Quốc, vì tổ chức này đã gởi những thông điệp không rõ ràng đến Myanmar trong hàng chục năm chứ không chỉ vì vấn đề người Rohingya.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, các cơ quan liên hệ của Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về người Rohingya, nhưng vẫn chưa có tiếng nói thống nhất.

Đoàn đại biểu Hội đồng Bảo an gặp Thượng tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của Myanmar, vào tháng 4 năm 2018. UN News

Vào tháng 8 năm 2017, ngay sau khi quân đội Myanmar tung chiến dịch ‘khai quang’ ở Rakhine, Người đứng đầu cơ quan về  Nhân Quyền tại LHQ lúc đó đã mô tả hành động của quân đội Myanmar là “ví dụ điển hình của hành động diệt chủng” và những cơ quan khác đã lên tiếng kêu gọi tức thời  hồi cư dân Rohingya về lại Myanmar. Đồng thời, một số cơ quan phụ trách về nhân đạo nói tình hình lúc đó không có lợi cho việc đưa người tị nạn Rohingya hồi cư trong an toàn và danh dự. Nhưng sự bất đồng này chỉ làm  cho  Myanmar thêm bối rối.

Trên thực tế, cuộc hồi cư hàng loạt sẽ không thể xẩy ra sớm được vì vẫn cò những cuộc đụng độ giữa quân Arakan được gọi là Quân đội Arakan và Quân đội Myanmar ở tiểu bang Rakhine. Tình hình ​​sẽ xấu đi trước khi nó tốt trở lại, vì cuộc chiến có thể sẽ kéo dài. Cũng có những mối quan tâm lớn hơn là nếu cuộc xung đột nội bộ kéo dài, thế lực bên ngoài sẽ chen chân vào cuộc. Trung Quốc là một trong nước đầu tư chính ở tiểu bang Rakhine — đặc biệt với dự án cảng biển sâu chiến lược ở Kyaukphyu — nhưng Ấn Độ, Nhật Bản và phương Tây cũng rất muốn tham gia đầu tư vào khu vực này.

Cường quốc sau lưng

“Tập thể thành viên của Liên Hiệp Quốc, do Hội đồng Bảo an đại diện, phải nhận lãnh rất nhiều trách nhiệm.”

Rosenthal

Năm ngoái Hội đồng Bảo an LHQ đã đến thăm tiểu bang Rakhine, đang bế tắc với các đồng minh của Myanmar Trung Quốc và Nga chống lại  các thành viên phương Tây về cách đối phó với tình hình tại đây. Quân đội Myanmar đã được coi là đang thân thiện hơn với Nga và Trung Quốc. Trong những năm gần đây, chính phủ ở Myanmar cũng thiết lập ​​mối quan hệ nồng ấm hơn với Bắc Kinh.

Schraner-Burgener nói rằng chiến tranh của quân Arakan

“đang có tác động tàn phá đối với cộng đồng địa phương bất kể tôn giáo hay sắc tộc. Nó cũng tác động nhiều hơn đến việc những người tị nạn Rohingya hồi cư tự nguyện trong danh dự và an toàn.”

Schraner-Burgener

Không còn nghi ngờ gì những điều kiện trong khu vực không có lợi cho sự hồi cư của người tị nạn Rohingya. Tuần rồi chính phủ đình chỉ dịch vụ Internet tại tiểu bang Rakhine, khiến các tòa đại sứ  và các nhóm nhân quyền có trụ sở tại Yangon phải lên tiếng bày tỏ quan ngại.

Myanmar hiện đang xếp thứ 138 trên thế giới về tự do báo chí với số phỉ báng gia tăng đáng kể kể từ khi chính phủ của Aung San Suu Kyi lên nắm quyền vào năm 2016. Ảnh của Reuters

Hơn nữa, với cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, Myanmar hiện đang trong tình trạng vận động  bầu cử và không có chính khách nào kể cả Cố vấn Quốc gia Daw Aung San Suu Kyi giám phát biểu lập trường chắc chắc về vấn đề Rohingya. Trong khi đó, quân đội và những người theo chủ nghĩa dân tộc sẽ giữ lập trường cứng rắn của họ đối với người tị nạn.

Công sứ của Liên Hiệp Quốc cũng nói với Đại hội đồng rằng “không có nhiều thay đổi ở hiện trường” chứng cớ là vẫn “còn nhiều thử thách” kể cả khối lãnh đạo dân sự Myanmar phải “léo lái được trong tình trạng cực kỳ khó khăn vì quân đội tiếp tục có rất nhiều quyền lực và ảnh hưởng chính trị.”

Người tị nạn Rohingya băng qua sông Naf trên một chiếc bè ngẫu hứng để đến Teknaf, Bangladesh, vào ngày 12 tháng 11 năm 2017. REUTERS

Mô tả thực tế ở hiện trường, Schraner-Burgener nói rằng “những phức tạp bao la” trong Myanmar đã là “một trở ngại” để giải quyết cuộc khủng hoảng Rohingya.

Bà viện dẫn 70 năm Myanmar bị cô lập, 21 nhóm vũ trang vẫn hoạt động ở nước này, thiếu phát triển, sản xuất ma túy và buôn người. Myanmar là một đất nước của những xung đột phức tạp mà không người ngoài nào có thể hy vọng giải quyết hoặc hòa giải. Sự mỉa mai là công sứ LHQ đẫ cố gắng tham gia cổ xúy “tiến trình hòa bình” của Myanmar cả chục năm qua, nhưng tình hình hiện nay đang chia rẽ hơn bao giờ hết, với ngày càng có nhiều nhóm và sắc tộc vũ trang hoạt động ở miền Bắc Myanmar và các nơi khác. Có thể gọi đây là một tiến trình hòa bình hay không?

Trong báo cáo của mình, Rosenthal cũng chỉ ra rằng hệ thống LHQ tương đối bất lực trong việc hợp tác hiệu quả với chính quyền Myanmar để đảo ngược khunh hướng tiêu cực trong lĩnh vực nhân quyền và củng cố nhưng khuynh hướng tích cực ở những lĩnh vực khác. Ông lưu ý, “có chỉ trích ngày càng nhiều đối với sự lãnh đạo của Daw Aung San Suu Kyi”, người đứng đầu chính phủ trên thực tế, “cũng như việc bà không muốn bày tỏ lập trường khác với quân đội.”

Thật vậy, những câu chuyện về các cuộc xung đột sắc tộc ngày càng sâu đậm ở Myanmar, đặc biệt là ở tiểu bang Rakhine, có thể là yếu tố bất lợi, nhưng giới quan sát nhiều kinh nghiệm biết rằng thay đổi ở Myanmar sẽ phải mất thời gian.

Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây ở Bangkok, với sự tham dự của người lãnh đạo, trên thực tế, của Myanmar Daw Aung San Suu Kyi, cùng giới lãnh đạo của ASEAN, nói trong một tuyên bố chung,

“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì yểm trợ cho lời cam kết của Myanmar để đảm bảo an toàn và an ninh của tất cả mọi cộng đồng ở tiểu bang Rakhine một cách hữu hiệu nhất trong khả năng và tạo hoàn cảnh thuận tiện để dân tản cư tự hồi cư trong những điều kiện an toàn và trong danh dự.”

ASEAN

Như trong quá khứ, sự tham gia của ASEAN là yếu tố quan trọng. Tổ chức này đã được mời tham gia và đã tham gia tìm giải pháp cho vấn đề của Myanmar khi quốc gia này  đã phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng nhân đạo vào năm 2008.

Nhân dịp này, ASEAN đã chủ động phản ứng, đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc phản ứng trước sự tàn phá do cơn lốc Nargisin thổi vào vùng đồng bằng Myanmar, bằng cách thuyết phục chính phủ Myanmar hợp tác với cộng đồng quốc tế bằng cách tự quản lý thiên tai đó. Tuyên bố gần đây của Myanmar về Rohingya thực sự được hoan nghênh, nhưng nó mới chỉ là một sự khởi đầu. Myanmar sẽ phati sẵn sàng hợp tác với ASEAN, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác để hỗ trợ người Rohingya trong tương lai.

Nhưng nếu những sự kiện gần đây ở Myanmar đã dậy chúng ta được bài học nào, thì đó là những thay đổi thực sự sẽ đến từ bên trong — chứ không phải từ bên ngoài.

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  UN Forced to Face Its Track Record of Failure in Myanmar | The Irrawaddy | July 2, 2019.