Những tấm lòng đối với cao nguyên miền Trung (1)

Nguyễn Văn Lục

Đã gần 60 năm tôi xa Đà Lạt. Ký ức về Đà Lạt chỉ còn là “điểm lõm” cái nhớ cái quên, mờ nhạt như những đám sương mù vào những buổi sớm mai bao phủ rất thấp núi đồi owr ddos. Văng vẳng trong ký ức còn bài hát: Đà Lạt Trăng Mờ do nhạc sĩ Hải Linh phổ nhạc. Chúng tôi đã có thời hát bốn bè bài hát này.

Một chút niềm riêng về những kẻ có lòng đối với Tây Nguyên

Phụ nữ miền cao nguyên miền Trung Việt Nam. Nguồn: pinterest.com

Vào thời điểm đó, những cơn bão thời thế chưa đổ sụp tới nên Đà Lạt còn giữ được tính  hoang sơ ở dạng thô với những con dốc thoải thoải, những ngọn đồi cỏ xanh, những thác nước. Nơi đó ẩn nấp những căn nhà xinh xắn sơn nhiều mầu hoặc những biệt thự như nhắc nhở đến một thời quá khứ thuộc địa. Đối với tôi, Đà Lạt đẹp như một bức tranh sơn thủy.

Giấy khai sinh về Đà Lạt cho thấy nó cũng xứng đáng được gọi là vùng “đất mới” mà nhiều người tưởng lầm rằng nó chỉ có được ở vùng Lục Châu. Ở đây nơi quy tụ với nhiều sắc dân đến từ miền Trung trôi dạt về. Họ được tuyển mộ để làm đường xá, xây cất từ thời ban đầu. Lâu dần, họ trở thành “đân Đà Lạt” bên cạnh một thiểu số “Tây thực dân” và những kẻ quyền thế như Bảo Đại với “dinh “ông nọ bà kia.

Riêng Bảo Đại được Tây thuộc địa nhượng cho nhưỡng thổ nầy mà người ta thường gọi là đất “Hoàng Triều Cương thổ”. Thế là từ đấy Đà Lạt-Ban Mê Thuột trở thành chỗ đi về của vị vua không ngai. Đà Lạt dể ăn chơi, Ban Mê Thuột để săn bắn.

 Được cái ngoài việc săn bắn ra ở miền đất cao nguyên. Bảo Đại hầu như không quan tâm gì đến đời sống các “đồng bào thiểu số.” Nhưng chính sự không quan tâm ấy lại có mặt tich cực nhất giúp cho con người cao nguyên vẫn là cao nguyên.

 Phần những gốc dân “trôi sông lạc chợ” tứ tán khắp nơi ấy sau này trở thành dân bản địa như nhiều vùng lục châu ở miền Nam. Họ làm ăn phát đạt và chia phần phúc lợi với những kẻ quyền thế.

Người dân cao nguyên dần dần bị hất ra bên lề, lùi sâu vào trong rừng thẳm, trong cái lẽ thế gian thường tình mạnh được yếu thua. Đó là một sự “nuốt trửng” như hình ảnh một con trăn nuốt một con dê. Và để sống còn, nhiều người dân cao nguyên tự động lăng lẽ cuốn gói đi sâu, đi xa hơn nữa để khỏi bị quấy rầy. Và đấy cũng là đức tính tự trọng ít ai lưu tâm tới cái lòng “tự ái”  của người cao nguyên..

 Sau 1954 thì có đợt sóng người di cư từ Bắc vào đây. Họ không phá rừng làm rẫy. Nhưng họ mua lại hoặc chiếm hữu những mảnh đất bỏ hoang. Đám dân miền Bắc di cư phần lớn có đạo. ojHoj vốn là dân nghèoHọ đa phần là dân nghèo, chỉ rủng rỉnh hơn dân Thượnng một chút. vốn nhẫn nhục và chịu khó chuyên nghề trồng rau. Và với bàn tay lao động cần cù canh tác trên một diện tích trên dưới một mẫu. Nhưng họ đã biến chúng thành hoa mầu với những cây su hào béo mập, cây chou-fleur hay ac ti sô mởn mởn, hoặc những vườn dâu. Đất đỏ cao nguyên nay đối với họ là đất vàng so với thứ đất thịt của miền Bắc.

 Họ cần cù và siêng năng nên rau họ tươi tốt, xum xoe. Hoa trái chẳng những đủ cho dân Đà Lạt mà còn cung cấp cho Sài Gòn. Nghề trồng rau trở thành một kỹ nghệ xanh, nguồn tài nguyên không nhỏ cho Đà Lạt. Đặc biệt đám dân này không do các cha di cư dẫn đạo nên người ta cũng hiếm thấy tháp chuông nhà thờ cũng như trường học thiên chúa giáo.

 Ngoài ra, phải kể đến những kẻ cơ hội, biết khai thác rừng như trồng cà phê, trồng cao su và hột tiêu. Sau này nghiễm nhiên họ là những chủ đồn điền.

Những đồn điền này càng phát triển thì số phận cao nguyên càng có cơ hội bị xóa sổ. Đến một ngày nào đó, số phận cao nguyên cũng tựa như số phận dân Chàm trong cuộc Nam Tiến thưở nào!

Trong số những đồn điền, phải kể đến một số anh Tây thuộc địa, sau 1954, mà gốc gác có thể chỉ là một anh đội, anh cai.  Như trường hợp đồn điền Mercurio mà chủ nhân ông vốn chỉ là một thư ký trong ngành Hải quân Pháp.

Nay ông được coi như một ông vua mà dưới trướng là các bà vợ Việt cũng như vợ “người Mọi” với một đàn con lai giống nửa trắng, nửa vàng, nửa đen. Chủ nghĩa đa thê muôn năm!

Và phải chăng giấc mơ thuộc địa của một De Gaulle, một Leclerc và đám Tây mũi lõ kết thúc ở đây sau gần 100 năm thuộc địa chỉ là đám trẻ lai này?

Chính nhìn hình ảnh của mấy anh chủ đồn điền với đàn con lai này này mà ta nhận thấy sự kết thúc bẽ bàng của chế độ thuộc địa.

Tuy vậy, Đà Lạt cũng như cao nguyên trước 1975 tuy có đổi thay, nhưng ở mức độ tương đối còn chấp nhận được. Vẫn còn những giải đất rừng mênh mông và huyền bí như một cô gái giữ nguyên vẻ hình hài con nhà.

 Nó chưa kịp bị đồng hóa.

Sau 1975, sự phá sản cao nguyên mang tính hung bạo, tham lam, chặt chém, phá hủy môi trường một cách không tương nhượng. Nếu nói một cách công bằng về sự hủy diệt cao nguyên thì trong đó có những thành phần sau đây:

  • Quân đội Pháp và quân đội Hoa Kỳ cũng như quân đội cộng sản và một phần nhỏ lính Quốc gia.
  • Nhưng quan trọng nhất là thời điểm sau 1975 với bọn chủ nghĩa cơ hội với những thương buôn làm giàu đã phá hủy môi sinh, môi trường và nhất là triệt tiêu các sắc tộc cao nguyên bằng sự đồng hóa.

Tuy nhiên, có một điều chẳng ai ngờ rằng chủ nhân ông của vùng cao nguyên này trước đây thuộc về khối dân tộc ít người. Họ đã sống và đã chết ở đây qua nhiều thế hệ mà do thời thế đổi thay vì nhiều áp lực như tôn giáo, chính trị, kinh tế, sức mạnh di dân đã lấn áp họ. Họ trở thành sắc dân thiểu số bị đồng hóa mà tương lai có thể là tuyệt nòi.

 Người đồng bằng đến lập nghiệp đã quên rằng, mảnh đất Đà Lạt cũng như các vùng khác thuộc cao nguyên không phải là mảnh đất vô chủ, là đất giữa trời chẳng của ai hết.

(Nguyên Ngọc, “Hướng tới Phát triển bền vững ở Tây nguyên”, nxb Trí thức. Đăng ngày 18-04-2014)

Nay thì rất hiếm hoi còn thấy đâu đây xuất hiện vài người Thượng từ vùng xa xôi mang măng rừng đổi lấy muối. Sự đổi chác này, trước 1975,  rất “hiền hòa” mà có thể chẳng ai muốn lợi dụng họ như thể chỉ còn là cho và nhận.

 Cái điểm tô của Đà Lạt với những đồng bào Thượng trước 1975 tạo ra một sắc thái riêng mà những người miền xuôi lên Đà Lạt thường có cảm giác lạ đến thú vị như một khám phá ra điều gì mới. Không ai tự hỏi xem họ từ  những ngõ ngách nào xuất hiện với những người đàn ông đóng khố, mình trần dù trời lạnh với cái xà-gạc trên vai. Đàn bà thì với cái eng (váy) truyền thống, luôn có cái gùi trên lưng và ngực để trần.

 Hình ảnh các cô gái Thượng da ngăm đen khỏe mạnh với ngực trần thường được in trên các tấm cartes cho các khách du lịch mua. Nó biểu tượng cho một vẻ đẹp nguyên sơ, lành mạnh, thuần khiết như một loại hoa rừng. Nhưng chỉ cần sinh đẻ một hai lần thì sắc đẹp tàn phai, vú sệ. Gương mặt thêm nhiều vết nhăn, già cỗi do thiên nhiên khắc nghiệt.

Hai mẹ con người miền Thượng tắm suối. OntheNet

Nay tất cả đã đổi thay, đã không còn như thế nữa.

 Đà Lạt với trí nhớ của tôi về người Thượng là như thế, nó phảng phất một không khí êm đềm, buồn hiu. Tuy nhiên, nhớ về cao nguyên, nó vẫn dừng lại ở mặt thuần lý trí mà vẫn thiếu một tấm lòng. Tôi không thể nào chia sẻ cuộc sống của họ, cùng lắm đứng xa để mà nhìn. Vì thế, không lạ gì trong trường đại học, có hai sinh viên Thượng học chung — do chính sách của chính phủ — mà bây giờ tên họ, tôi cũng không nhớ rõ; hình như là Briutt. Tôi cũng  chưa hề bao giờ hỏi về gốc gác, về đời sống của họ ngoài câu chào hỏi xã giao. Chỉ biết họ là người thiểu số mà sau này họ sẽ đảm đương công việc hành chánh của chính phủ trong Bộ sắc tộc.

 Sau 1963 thì các chính phủ kế tiếp chẳng còn quan tâm đến các sắc tộc nữa.

[Phó tổng thống nền Đệ nhị Cộng hòa, còn là Chủ tịch 3 hội đồng, trong đó có Hội đồng các Sắc tộc; Bộ Phát triển Sắc tộc là một trong 19 Bộ thuộc chính quyền trung ương. Từ năm 1969, Tổng trưởng Bộ Sắc tộc lần lượt là các ông Paul Nưr, Ya Ba, cuối cùng là ông Nay Luett (Nay Louette), một lãnh tụ Gia Rai, cho đến năm 1975.DCVOnline]

Không biết có phải vì những hình ảnh lãng đãng quá khứ ấy ám ảnh hay như một món nợ chưa trả xong mà có bài viết này. Nay tôi ngồi viết lại như một tưởng nhớ về cao nguyên với những người cao nguyên thuần bản chất với những thừa sai, lớp người đầu tiên mạo hiểm đến với họ. Kể như đã có một thời đã qua như một lịch sử nay đã sang trang.

Có thể nói thẳng, những người có lòng nhất đối với cao nguyên không ai khác là những vị thừa sai người Pháp, những bà sơ, bác sĩ kế thừa. Nhờ họ, chúng ta biết được cao nguyên. Họ là những người đặc biệt hình như sinh ra chỉ để làm công việc nhân ái vượt sức người. Phải chăng đó là lẽ sống và mục đích đời họ?

Cái công lớn nhất của các thừa sai,  theo tôi, có thể là họ đã giữ cao nguyên trong một thời gian dài ở trạng thái thô sơ, vẫn giữ được cái hồn tính, thiêng liêng với phong tục như tinh thần Già Làng. Mặc dầu sau này không tránh được những đổi thay đáng tiếc.

Hơn ai hết họ hiểu rằng muốn hiểu để mà yêu mến người cao nguyên thì trước hết phải yêu mến sắc tộc đó đã trước khi để có thể hiểu họ.

 Vì thế không lạ gì các thừa sai có thể sống chung, chia xẻ miếng no miếng đói mà còn đi quá xa như trường hợp thừa sai Jacques Dournes, tác giả cuốn Populations montagnardes du Sud – Cochinchine. Cuốn sách này đã được Nguyên Ngọc dịch là: Miền đất huyền ảo. Nguyên Ngọc đã thi vị hóa cao nguyên khi dịch như thế.

Dam Bo, Les populations montagnardes du Sud-Indochinois (Pémsiens)”. Nguồn: France-Asie
  1. Cuốn “Les populations montagnardes du Sud-Indochinois (Pémsiens)” phát hành năm 1950 tại Saigon và Lyon do nhiều nxb khác nhau phát hành – Derain ở Lyon, France-Asie và mp. française d’Outre-Mer ở Saigon. Tác giả là Dam Bo; René de Berval viết lời Giới thiệu.
  2. Jacques Dournes (1922-1993), một thành viên của Hội Thừa Sai Paris (MEP) trở thành nhà nghiên cứu nhân chủng, người mà Andrew Hardy gọi là “nhà nhân chủng học chân trần” (the barefoot antropologist) đã sống 25 năm ở cao nguyên miền Trung Việt Nam (1946-1970); nghiên cứu quan trọng và đáng kể nhất của ông về văn hóa người Jarai là những sắc tộc thiểu số ở cao nguyên miền Trung là “Pötao, une théorie de pouvoir chez les Indochinois jörai”. Một tác phẩm khác của Jacques Dournes là “Minorities of Central Vietnam. Autochtonous Indochinese Peoples”. London. Minority Rights Group. 1980. New Edition. Năm 1970 về Pháp, ông gia nhập Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia và vào cuối những năm 1980, nghỉ hưu ở vùng Gard, dưới chân Cevennes. — DCVOnline/Worldcat.
  Jacques Dournes (giữa). Nguồn: Andre Hardy/EFEO-Silkworm Books series
Nguồn: London. Minority Rights Group. 1980.
Nguồn: NXB Trí thức.

Jacques Dournes chẳng những tìm hiểu họ mà còn có đủ mãnh lực tâm linh để có thể đóng khố như người cao nguyên! Việc ăn mặc theo người cao nguyên đã không được Bề trên của ông đồng ý. Nhưng ông vẫn lén lút mặc. Thật không đơn giản và cũng không dễ hiểu. Phải thế nào mới làm được điều như thế!

Xem ra, nếu chỉ với con mắt thế gian thì mọi đánh giá về họ đều tỏ ra bất cập. Khen cũng không đủ vì bất xứng mà chê thì hỏng việc vì bất công với họ. Có thể nói họ là  một lớp người thuộc một chủng loại đặc biệt để làm những việc mà không mấy người làm được!

Theo tác giả Amai B’Lan, tác giả “Nước mắt của rừng”, ngày nay căn nhà của cha Jacques Dourmes vẫn còn được giữ nguyên vẹn.

“Thật vậy, cha đã cởi bỏ tất cả những gì của người ngoại quốc để trở nên một người jrai thực sự.. Cha ăn mặc như họ, làm lụng như họ, nói năng như họ, sống như họ để hiểu họ trước đã;”

Amai B’Lan, Nước mắt của rừng, Nhân Ảnh 2013, trang 34

“Tôi đúng trước ngôi nhà sàn nhỏ bé và đơn sơ của cha, lẩm cẩm nghĩ về ngày xưa khi cha mới tới đây. Ngày ấy không có nhà cửa xung quanh như bây giờ, vùng này khi ấy còn hoang vu, cọp beo còn rình rập quanh làng, nhà cửa thưa thớt, dân tình đói khổ, khí hậu khắc nghiệt. Cha đã bỏ quê hương, xứ sở, gia đình, cha mẹ, anh em, bạn bè, cuộc sống tiện nghi và những tình cảm riêng tư của mình để đến đây.”

Amai B’Lan, Ibid, trang 55-56

Một điều đáng trân trọng là trong tất cả các sách ấy không trừ, không một tài liệu nào có lời báng bổ phê phán hơn kém về đời sống của người dân cao nguyên.

Ngay cả cuốn: “Le risque de la Mission.” (Những mối hiểm nguy trong việc truyền giáo) nói về các vị thừa sai đã tử đạo ở Việt Nam có đoạn trích dẫn Tông huấn của Giáo Hoàng Alexandre VII thời đó gửi cho các thừa sai như  Francois Pallu và Pierre de la Motte như sau:

 “Các chư khanh đừng vội vã, đừng tìm mọi cách để thuyết phục các dân tộc này thay đổi lễ nghi, phong tục tập quán của họ, trừ khi các điều đó đi ngược lại với tôn giáo và đạo đức. Còn gì vô lý là mang đến cho người Trung Hoa nước Pháp, nước Tây Ban Nha, nước Ý hoặc vài nước Âu Châu khác?(..) Ngược lại là, các chư khanh phải mau chóng làm quen với nếp sống của họ. Hãy tỏ ra kính trọng và ngợi khen họ…”

Le risque de la Mission, do Jean-Christophe Demard điều hành, nxb Dominique Guénot, trang 31

Đây là một đề tài khá quan trọng mà mục đich việc truyền giáo, cách truyền giáo phải được tuân thủ như thế nào? Qua kinh nghiệm quá đau sót khi họ sang truyền giáo trước tiên ở bên Nhật và do những hiểu lầm, họ đã bị thảm sát và trục xuất ra khỏi Nhật về lại Ma Cao. Họ mới nhận thức và vỡ lẽ ra là họ đến đây không phải đi chinh phục mà để chia xẻ.

Từ đó, các giới chức đạo có thẩm quyền cao nhất đã thấu hiểu rõ trách nhiệm truyền giáo như thế nào?

Cũng có thể, ở bình diện cá nhân, vẫn có những nhà truyền giáo lầm lẫn coi việc truyền giáo như một cuộc chinh phục – như một cuộc xâm lăng tinh thần. Tôi đã đôi lần được nghe một linh mục Việt Nam giảng cho đám đông sau này với đầy vẻ tự hào về đạo mình và báng bổ đạo khác.

Thái độ ấy là một sai lạc về thần học thiên chúa giáo. Hạ người khác xuống, tha hóa người khác và một cách gián tiếp là tự mình tha hóa chính mình.

Có lẽ có một số linh mục nên nghĩ lại về vai trò người giao rảng của mình. Bài học vỡ lòng trước hết và ưu tiên hơn cả là học để biết tôn trọng các giá trị tinh thần, giá trị tôn giáo khác. (“Giới thiệu và đánh giá cuốn Opusculum de sectis aput sinenses et tunkinenses”, cùng tác giả, dcvonline.net, ngày 4-2-2018)

Trong một đoạn khác để thấy được quan trọng nhất của việc truyền giáo là tấm lòng là tinh thần chia sẻ, biết yêu thương người khác trong sự khác biệt và đối trọng giữa đôi bên. Xin lược dịch sách của Dorisboure. Dorisboure vì quá suy nhược nên đã được gửi về Saigon để chữa bịnh. Nhân dịp này, ông viết:

 “Ông tưởng như mình đang ở một thế giới khác. Khi ông nhìn bến cảng Saigon với các tàu bè lớn qua lại, các dinh thự lớn như ở các thành phố lớn. Vào nhà thờ để nghe các cung điệu bài hát như thuở nào của ông lúc còn ở bên Pháp.. Nhìn lại mình ông thấy mình chỉ là một tên mán rừng tội nghiệp (pauvre sauvage). Tự nhiên, nước mắt ông ràn rụa. Nhưng rồi ông quyết định chỉ lưu trú trong vài ngày và sau đó ông lại quyết tâm trở lại chốn cũ để chu toàn sứ mệnh.”

P. Dourisboure. C. Simonnet. (Des Missions étrangères de Paris). La Mission des Grands Plateaux- Photographies de Christianne Simonet. Editions France-Empire, 58 rue Jean-JacquesRousseau, Paris(1) Imprimatur Paris,28 Juin 1961, trang 214.

Tâm trạng này của vị thừa sai Dourisboure cũng không lạ gì. Sau này, khi gặp lại một vài vị thừa sai thuộc tu hội Dòng Chúa Cứu Thế ở Montréal, Canada như các lm Trépanier, Louis Roy và Dòng Tên, đặt biệt có lm Paul  Délierres mà tôi có nhiều dịp nói chuyện. Ngài “khoe” học trung học Brébeuf cùng lớp với cựu Thủ tướng Pierre Trudeau. Ngài rất thích được mời đi ăn phở, ghét cộng sản và yêu mến miền Nam. Họ đều có tâm trạng nuối tiếc cái thời gian truyền giáo ở Việt Nam. Dừng như những ngày tháng còn lại nơi chính quê hương, xứ sở của họ trở thành những ngày sống thừa!

Đọc vài dòng hồi ký trên của vị thừa sai P. Dourisboure mới hiểu được tấm lòng của họ  đối với cao nguyên. Nó trong sáng và đẹp biết chừng nào! Chỉ biết nhủ lòng, ôi đã có một thời như thế! Ngày nay nhà thờ của người dân cao nguyên vẫn hát bằng tiếng J’rai, với cồng chiêng và giọng hát của họ.

Nhờ thế mà sau này chúng ta chẳng những biết được cái biểu tượng muôn thuở của đại ngàn với cái ná, cái tên, cái tù và treo trên vách nứa. Còn nữa, con chim ông lão con chim kow-tia hay con chim ka-lơi với tiếng hát trên rừng có còn tức tiếng hát của con chim hoàng oanh hát trong lồng của người miền xuôi?

Và người ta cũng tự hỏi nay cái nai, cái hoãng có còn trên nương rãy nữa hay không? Không. Mọi sự đã đổi thay. Không còn nghe tiếng chim hót trên rừng vào buổi sáng hay tiếng vượn hú vào ban đêm.

 Hỏi là hỏi vậy mà buồn.

Theo linh mục Pierre Dourisboure trong cuốn Les sauvages Bahnars, dịch là Dân làng Hồ, trang 5 cho thấy những thừa sai đầu tiên bước chân đến mảnh đất cao nguyên là các thừa sai Combes, Fontaine và tác giả P. Dourisboure. Đặc biệt có thêm một Thày sáu Việt Nam là thày Sáu Dzo.

Nguồn: Thư viện Đại chủng viện Bùi Chu

Lm Pierre Dourisboure thường được gọi là Cố An. Cuốn “Les sauvages bahnars” của ông được TGM. Kontum dịch sang tiếng Việt là: Dân làng Hồ. Ông được gửi vào Đàng Trong. Sau đó còn có khoảng 10 giáo sĩ khác tiếp nối trong phái đoàn truyền giáo. Nhưng tất cả các vị khác đều chết trong khoảng  trên dưới10 năm vì các chứng bệnh như sốt rét rừng, kiết lỵ và có thể các bệnh khác do nước độc. Chỉ còn độc nhất, cố An sống được 35 năm rồi cũng bị sốt rét rừng và kiết lỵ ảnh hưởng tới gan ruột. Ông được gửi về Pháp, nhưng tàu vừa cập hải cảng Marseille được mấy ngày thì ông qua đời ở tuổi 65.

Cố An còn một cuốn sách khác nhan đề: La Mission des Grands Plateaux. Cuốn này chưa hoàn chỉnh và có thể sẽ ở trong tình trạng mai một thì may thay nó đã được lm C.Simonet tiếp tục công trình soạn thảo lại cuốn hồi ký này.

Những câu chuyện nói trên tưởng xa xôi từ thuở nào. Những nhân vật tưởng chỉ thuộc về một thế hệ cha ông chúng ta kể lại. Không. Hoàn toàn không phải vậy. Một số không nhỏ các nhà truyền giáo này, thế hệ nghững người truyền giáo ở cuối trào, chính cá nhân người viết đã biết, đã gặp họ và ngay cả đã được học họ. Cuộc sống của họ là một mẫu điển hình trổi bật ở một vài thành tố như: Khiêm tốn, tận tụy, hy sinh, thanh bạch,vâng lời, kỷ luật, cởi mở đón nhận, bình dị và chia xẻ.

Một số trường họp họ là những giáo sư kỳ cựu ở bực đại học mà lúc bấy giờ miền Nam Việt Nam còn ở giai đoạn mở đầu còn thiếu sót.

Họ là những người mở đường.

Đó là trường họp lm Đỗ Minh Vọng, cha Cras, qua Việt Nam 1932 mà hầu hết các sinh viên trú ngụ tại Câu Lạc Bộ Phục Hưng Saigòn đều biết. Các linh mục dòng tên ở bên Tàu bị Mao Trạch Đông (1949) xua đuổi đã sang Việt Nam. Phần đông các linh mục dạy triết học Tây Phương và Đông Phương như Yves Raguin, người Đức dạy triết học Ấn Độ và Phật giáo, Claude Larre dạy triết học Trang Tử Lão Tử. Joseph Chen Chung Ling và Mathias Chen Van Dzu. (chúng tôi quen gọi tắt là Chen 1 và Chen 2) dạy văn bản triết học Trung Hoa. Palacios, dạy luận lý, Gauthier,  dạy lịch sử triết học Tây Phương, Albert-Marie Bernard Pineau, dạy Đạo Đức học.

Phải thú thực có nhiều vị dạy, tôi chỉ hiểu lõm bõm, hoặc hiểu một phần. Hai ông Tàu giảng tưởng chừng đang nghe họ nói tiếng Tàu. Ông Palacios, người Tây Ban Nha nói tiếng Tây như nói tiếng Việt khi gặp các chữ O, chữ E, ông đọc như tiếng Việt.

Chữ nghĩa trả lại thầy. Nếu có điều gì học được chính là thái độ sống của họ; đến nay cũng không quên, hình ảnh như còn đọng lại.

Yves Raguin và Claude Larre, ngay từ năm 1966 cùng với một số tu sĩ khác như Yves Camus, Edward Malatesta, Luis Sequeira đã thành lập Viện Instituts Ricci chuyên khảo về văn hóa Tàu. Họ đã cho xuất bản: Grand dictionnaire Ricci de la langue Chinoise et ses dérivés.

 Cái học được nơi họ, chính là thái độ, tư cách người thầy.

 Cũng nhờ tinh thần phóng khoáng, tự do biểu đạt, tả khuynh, hữu khuynh, cấp tiến, bảo thủ đều được tôn trọng và có chỗ đứng. Đó cũng là điều khác biệt giữa hai miền Nam-Bắc. Giới trẻ bên đây biết ngửng cao đầu, bên kia chỉ biết cúi, bên đây có thể nói không, chối từ, bên kia chỉ biết dạ vâng. Bên đây mỗi người mỗi khác, bên kia tất cả chỉ còn là một. Bên đây đa dạng bên kia đồng phục.

Như trường hợp linh mục Đỗ Minh Vọng, hoăc cha thông thái quá, quảng bác quá hoặc chúng tôi dốt quá; hoặc cha không biết cách dạy, hoặc môn học tự nó khó quá, hoặc là tất cả những điều trên! Nhưng hình ảnh Ngài thì không thể quên được. Sau gần 50 năm quên gì không biết, ngay cả những bóng giai nhân đi qua đời chỉ còn thấp thoáng vài nét.

Nhưng hình ảnh ngài và các vị khác như bóng hình vẫn như in trên nền trời trí nhớ. Chỉ bật một cái là hiện lên tất cả. Thường cứ vào chiều chủ nhật vào tầm 5-6 giờ- nểu ra ngồi trước cổng viện nhìn xuống, có thể một bóng dáng áo trắng trên một chiếc xe Lambretta, leo đốc lên đồi cù để đến cổng viện Đại Học. Đó là cha Vọng từ Sài Gòn lên dạy học.

Viện Đại học cung cấp vé máy bay cho tất cả giáo sư. Nhưng chỉ vỏn vẹn có cha Vọng và cha Gauthier cứ nhất định dùng xe Lambrettta lên dạy học. Trẻ không nói làm gì. Nhưng họ đều sấp xỉ 60. Lm Vọng mất sớm lúc 62 tuổi.

Đó là cung cách người thầy. Đó là Aristote trong giảng đường ở Athènes thuở nào.

 Khi giảng, ông giang hai tay lên trời như một nhà hùng biện, dáng điệu thật đẹp và trí thức, giọng oang oang say sưa trong khi dưới lớp học chỉ còn 4, 5 người. Cảnh ấy có lần ngài chỉ bọn chịu khó ngồi lại vừa cười vừa khôi hài: Các anh đích thực là những triết gia.

Viết những dòng này để tri ơn những người thày đã khai sáng cho cả một thế hệ giới trẻ miền Nam (khoảng 130 người) trong dòng giao lưu triết học mà ngày nay không theo gương họ được bao nhiêu..

 Ở đây, xin có vài dòng nói rõ thêm về cha C. Simonet- một nhà truyền  giáo cuối cùng của cao nguyên. Tên đầy đủ của ông là Christiane Simonet, tên tiếng Việt là cố Ngọc; hồi ấy, cha Tây thì gọi là cố, ông là cha chính xứ nhà thờ Cửa Bắc.

 Do duyên ngộ, tôi có may mắn được biết ngài, vì tôi trú ngụ tại ngôi nhà thờ này vào những năm chiến tranh 1946-1950. Các thừa sai Tây thường chọn địa điểm nhà thờ Cửa Bắc để họp mặt trong một vài dịp lễ lớn. Đây là dịp để họ trở về với chính mình. Thường có cả Giám Mục Chaize, Thịnh, về dự. Họ đều dùng xe đạp. Trong số ấy có Cha Caillon- (Cố Năng- cha chính xứ trước cha Ngọc), cha Lạc, cha Kim (sau là giám mục Kontum).

 Cố Ngọc người dong dỏng cao, gầy và xanh vì ngài bị ho lao, bị cắt mất một lá phổi. Ngài rất ít nói. Hầu như không nói. Khi Việt Minh về Hà Nội, sau mấy tháng, tôi được tin ngài đã bỏ xứ Cửa Bắc và tình nguyện lên cao nguyên. Đó cũng là trường hợp của nhiều thừa sai Pháp khác mà tôi đượcc biết như cha Năng (Caillon, về Phan Thiết) và cha Kim (Paul Seitz về Kontum). Giám mục Cassaigne, địa phận Saigon về trại cùi Di Linh.

 Cha Ngọc đã đảm trách việc biên soạn lại Hồi ký bỏ dở của của cha Dourisboure viết năm 1870- người sống sót duy nhất trong các  nhà truyền giáo đến cao nguyên, Việt Nam,  ông đã viết cuốn sách cách đây hơn 80 năm về trước. Cha Simonet- Ngọc- đã tôn trọng nguyên vẹn tinh thần của cha Dourisboure và chỉ chỉnh sửa cho hoàn chỉnh. Và vì thế ngày hôm nay, Hội truyền giáo Paris mới còn bảo tồn được tài liệu quý báu của cha Dourisboure để lại.

Trong lời giới thiệu bộ sách, cha Ngọc viết:

“Và như thế, Pierrre Dourisboure là người đã tới được điểm đích của sứ mạng truyền giáo cho người cao nguyên. Trong 35 năm, lịch sử có mặt của Đạo công giáo trên vùng đại ngàn của Trung Kỳ trên thực tiễn là lịch sử của con người này. Đã đến lúc xin nhường lời cho ông.”

P. Dourisboure. C. Simonnet.Ibid, trang 51

(Còn tiếp)

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập, minh họa và phụ chú