Đừng nổi giận với NBA. Hàng trăm công ty Hoa Kỳ đã khấu đầu trước chính quyền Hoa lục.

Sally Jenkins | DCVOnline

Vâng, NBA đã làm thương mại cùng có lợi với Trung Hoa. Có 800 triệu khán giả Trung Hoa xem những trận đấu của NBA, theo tạp chí Time, và có một quan hệ đối tác truyền thông 30 năm. Quý vị có một vấn đề với điều đó hoặc coi nó là hèn nhát hay không? Nếu thật như vậy thì quý vị có vấn đề với hàng trăm công ty Mỹ.

Lưc sĩ bóng rổ NBA Yao Ming, đã nghỉ hưu năm 2011, đã giúp phổ biến môn bóng rổ tại Trung Hoa. Ảnh: Eugene Hoshiko / Associated Press

Hãy để  NBA yên đi, quý vị chỉ  muốn thể thao trở thành truyện tuổi hoa của tuổi thơ đã mất. Chẳng lẽ vì đội banh Houston Rockets đầu hàng những đối tác kinh doanh Trung Hoa của họ mà Hội Bóng rổ Quốc gia (NBA) bị coi là một kẻ vi phạm nhân quyền? Qúy vị nên nhìn vào công ty General Electric kìa.

Hoặc KFC. Hay Walmart thì sao?

Nó không chỉ là hành động lố bịch của những người từ Ted Cruz đến Beto O’Rourke khi bất ngờ trao cho NBA và Rockets cái nhãn tay sai cho chính quyền ở Bắc Kinh. Nếu muốn vẽ đường phân định như vậy, họ có thể vẽ nó với bất kỳ công ty đang được ưa chuộng của Mỹ — chỉ có điều đó sẽ rất là bất tiện về mặt chính trị, phải không?

Ném đá và tỏ ra phẫn nộ với một tấm bia lớn như lực sĩ nổi danh của đội Rockets, James Harden, theo lệnh của ông chủ, hôm thứ Hai đã xin lỗi Trung Hoa vì đã làm cho họ cảm thấy bị tổn thương. Harden nói “Chúng tôi yêu Trung Hoa.” Tấn công thẳng vào ban quản lý đội Rockets sẽ hả hê hơn nhiều vì họ đã buộc Tổng Giám đốc Daryl Morey xin lỗi vì ông ấy đã tweet ủng hộ những người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong vào cuối tuần qua. Daryl Morey nói,

“Tôi không có ý định tweet để gây ra bất kỳ sự xúc phạm nào đối với người hâm mộ và bạn bè của đội Rockets tại Trung Hoa.”

Daryl Morey

Và, như vậy không phải là một clip âm thanh để dễ dàng cáo buộc toàn bộ NBA là “đặt lợi nhuận trước quyền con người một cách trắng trợn”, như O’Rourke đã làm, và gọi đó là một sự xấu hổ, chỉ vì NBA đã coi câu chuyện là một chuyện “đáng tiếc”  và cố gắng hàn gắn lại với các đối tác Trung Hoa hay sao?

Quý vị tức giận NBA vì đã co rúm lại khi đối diện với chế độ độc tài của Trung Hoa? Quý vị buộc tội Ủy viên NBA Adam Silver là ủng hộ một chế độ độc tài giết người chỉ vì họ tiếp tục thúc đẩy lợi ích kinh doanh ở Trung Hoa? Tốt. Tốt cho quý vị.

Nhưng cũng cần hiểu rằng NBA chỉ bắt chước thái độ trơn tru đó như hàng chục công ty lớn và yêu nước khác của Mỹ — chính họ sáng chế ra lối ứng xử trơn tru đó — khi giao dịch với Trung Hoa. Một nửa tá công ty tài trợ doanh nghiệp Mỹ đã lập khuôn mẫu từ một thập kỷ trước tại Thế vận hội Bắc Kinh, khi họ thông đồng bịt miệng lực sĩ Hoa Kỳ và đã tỏ ra đồng lõa với chính quyền Hoa lục trong các vụ vi phạm nhân quyền.

Hãy nhớ hai công ty hàng vô địch Visa và General Electric đã làm gì khi Trung Hoa từ chối cấp phép cho lực sĩ người Mỹ Joey Cheek vì anh ta đã lên tiếng chống chống lại sự đàn áp nhân quyền ở Darfur? Và cũng không nên quên sự hậu thuẫn “can đảm” mà Coca-Cola dành cho những người bất đồng chính kiến ​​Trung Hoa khi chính quyền Bắc Kinh đàn áp họ trước kỳ Thế vận hội đó?

Đừng bao giờ quên việc  Johnson & Johnson đã làm khi Steven Spielberg rút khỏi vị trí giám đốc nghệ thuật của Lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội vì Bắc Kinh không chỉ không thực hiện một trong những cải cách mà họ đã hứa thực hiện khi giành quyền tổ chứcThế vận hội mà còn thực sự trở thành kẻ khủng bố chống lại công dân Trung Hoa, phá hủy toàn bộ khu phố, dùng lao nô và ném bất cứ ai không thích chế độ vào tù.

Ford. GM. Starbucks. Papa John. Tất cả đang làm kinh doanh lớn với Trung Hoa. Abercrombie & Fitch. Hãng máy bay Boeing. Procter & Gamble. Hãy chỉ trích họ đi. Tất cả những đại công ty đó từ lâu đã biết những điều kiện và phương trình để kinh doanh tại thị trường Trung Hoa.

Nhà báo người Úc Geremie Barmé, đưa tin về Trung Hoa trong nhiều năm, đã tổng hợp vấn đề bằng bốn chữ: “tình bạn đôi co”. Geremie Barmé viết,

“Để trở thành một người bạn của Trung Hoa, người nước ngoài thường chấp nhận những tình cảnh khó chịu và giữ im lặng khi đối diện với những hành vi thái quá. Một người bạn của Trung Hoa có thể được hưởng đặc quyền vì thỉnh thoảng bị cảnh cáo trong riêng tư; trước công chúng, ông ấy hoặc bà ấy phải có ý thức tốt và phép lịch sự  mới là người khách quan. Do đó, khái niệm về ‘tình bạn’, thoái hóa thành một công cụ hữu hiệu để hăm dọa về mặt tình cảm và buộc phải đồng lõa với “người bạn” là chính quyền ở Trung Hoa.

Geremie Barmé

Trong suốt Thế vận hội Bắc Kinh, các công ty Mỹ vẫn im lặng. Chủ tịch Ủy ban Thé vận Hội Quốc tế (IOC) Jacques Rogge cũng vậy. Khi Rogge mở miệng để phản đối hành xử của ai đó, thì đó không phải  là bất cứ ai trong ban lãnh đạo Trung Hoa. Người đàn ông Rogge quyết định chọn để phản đối là người chạy nước rút người Jamaica Usain Bolt, vì cách cư xử tệ khi mừng chiến thắng quá táo bạo. Sự phẫn nộ đối với NBA không chỉ là một chút nhắc nhở về chuyện đó.

Vâng, NBA đã làm thương mại cùng có lợi với Trung Hoa. Có 800 triệu khán giả Trung Hoa xem những trận đấu của NBA, theo tạp chí Time, và có một quan hệ đối tác truyền thông 30 năm. Quý vị có một vấn đề với điều đó hoặc coi nó là hèn nhát hay không? Nếu thật như vậy thì quý vị có vấn đề với hàng trăm công ty Mỹ.

Dân Hong Kong đòi dân chủ 2019. Nguồn: NPR/Kin Cheung/AP

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Don’t be mad at the NBA. Hundreds of U.S. companies have sold out to China’s regime| Sally Jenkins| The Washington Post | October 7, 2019.