Khi nào Trung Hoa sẽ nhận trách nhiệm về coronavirus?

Marcus Kolga | Trà Mi

Canada sẽ phải hợp tác với đồng minh của chúng ta để đánh giá trách nhiệm của chính phủ Trung Hoa khi bàn đến việc lây lan của coronavirus và để buộc Trung Hoa phải nhận trách nhiệm một cách thích đáng

Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình, đồng thời là Tổng Bí thư Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Hoa và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, thăm các bệnh nhân đang được điều trị và gửi lời cảm ơn đến các nhân viên y tế đã chiến đấu với dịch bệnh cả ngày lẫn đêm, khuyến khích họ củng cố niềm tin trong việc đánh bại dịch bệnh, bằng các cuộc gọi video tại Bệnh viện Hỏa Thần Sơn ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Hoa, vào ngày 10 tháng 3 năm 2020. Nguồn: Xie Huanchi/Xinhua qua ZUMA Wire/CP.

Vào tối Chủ nhật, hai ứng cử viên Tổng thống Dân chủ còn lại, Joe Biden và Bernie Sanders, đã vào một phòng thu hình thưa thớt của CNN để tranh luận một đối một; trong cuộc tranh luận đó địa điểm, bối cảnh và nội dung đều bị câu chuyện về đại dịch coronavirus đè bẹp. Trong số các vấn đề hàng đầu là việc hàng triệu người Mỹ sẽ phải chịu đựng những căng thẳng kinh tế do sự bùng phát của virus và chính phủ Hoa Kỳ nên làm gì để khắc phục nó, đặc biệt là với chi phí dự toán ​​lên tới hàng nghìn tỷ đô la.

Một trong những thời khắc lý thú trong cuộc tranh luận là khi phóng viên Dana Bash của CNN hỏi hai ứng cử viên:

“Trung Hoa phải đối diện với những hậu quả như thế nào vì vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này?”

Dana Bash

Trách nhiệm chính xác là những gì chính phủ Đảng Cộng sản Trung Hoa đã tránh né kể từ ngày đầu khi dịch bệnh xảy ra ở Vũ Hán. Đáng chú ý nhất là bác sĩ Li Wenliang (Lý Văn Lượng) đã nêu lên quan tâm của ông về virus vào tháng 12 và sau đó đã bị chính quyền Trung Hoa bắt giữ và buộc phải ký vào một bản thú nhận về việc đưa ra những bình luận sai lệch trên mạng xã hội. Rốt cuộc virus dã lấy đi mạng sống của bác sĩ Lý Văn Lượng vào tháng Hai.

Trong khi Bernie Sanders có thể được tha thứ vì đã ngây thơ thốt ra rằng “bây giờ là lúc để hợp tác với Trung Hoa,” thì chính phủ Trung Hoa không đưa ra bằng chứng nào cho thấy hợp tác chặt chẽ hơn với họ sẽ dẫn đến một giải pháp. Ngược lại, những sai lầm và sơ suất của Bắc Kinh  đã trực tiếp để đại dịch này lan truyền khắp thế giới.

Động lực chính của Trung Hoa trong suốt trận dịch là trốn tránh mọi trách nhiệm hoặc trách nhiệm phải giải thích bằng cách đổ lỗi và đàn áp những lời chỉ trích kể từ ngày đầu tiên của dich bệnh. Chiến dịch tuyên truyền của Trung Hoa hiệu quả đến mức ngay cả các chính phủ nước ngoài (kể cả ở Canada) vẫn giữ im lặng về vai trò của Trung Hoa trong đại dịch. Bản năng của bất kỳ chế độ chuyên chế nào như Trung Hoa là che đậy bất cứ điều gì có thể buộc họ phải chịu trách nhiệm.

Trong đợt bùng phát coronavirus ban đầu,  nhà chức trách ở Vũ Hán tuyên bố rằng không có bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, như đã cho thấy lần đầu tiên trong một nghiên cứu đăng hồi tháng 1 ở tạp chý y khoa The Lancet, hơn một phần ba bệnh nhân không có mối liên hệ nào với chợ ướt ở Vũ Hán và mọi người bắt đầu trở nên bệnh hoạn trước khi chính phủ công nhận.

Nhưng việc gây hoang mang đi sâu hơn nữa. Thay vì thông báo cho dân Hoa lục và thế giới biết về mối đe dọa từ sớm, chính phủ Trung Hoa đã đóng góp trực tiếp vào đại dịch toàn cầu mà chúng ta phải đối phó ngày nay bằng sự thao túng thông tin có động cơ chính trị và chủ động thông tin để đánh lạc hướng. Bằng cách nói dối về sự lây lan ban đầu của virus, kể cả việc không công nhận sự lây truyền từ người sang người khi nó xảy ra khá rõ ràng và bằng cách coi trọng sự ổn định chính trị cao hơn sức khỏe con người, những hành động đó của Trung Hoa trực tiếp dẫn đến sự lây lan nhanh chóng của virus.

Trường hợp đầu tiên nhiễm virus có thể đã xảy ra vào giữa tháng 11 năm 2019. Trong khi xác định một loại virus mới dĩ nhiên cần có thời gian, Đài Loan đã xác định ổ dịch và cấm các chuyến bay từ Hồ Bắc vào Đài Loan trước cuối năm 2019. Để so sánh, khi Trung Hoa sau cùng đã phải công nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình vào cuối tháng 1, thì khoảng năm triệu người đã rời khỏi Hồ Bắc, cho phép dịch bệnh này lan rộng khắp Trung Hoa và thế giới.

Để nói rõ hơn về vấn đề này: Nếu Trung Hoa đã hành động khi Đài Loan hành động (khi rõ ràng là cuộc khủng hoảng đang xảy ra ở Vũ Hán), sự lây lan của virus có thể đã giảm khoảng 95%. Mặc dù cũng đúng là nhiều nước phương Tây đang thất bại bi thảm, hàng ngàn mạng người, ở Trung Hoa và trên thế giới, đã có thể được cứu vãn nếu Trung Hoa gạt bỏ yếu tố chính trị và hành động nhanh chóng.

Chính quyền Trung Hoa đã có thông tin và dữ liệu này nhưng từ chối công bố kịp thời, thay vào đó, họ muốn câu chuyện về sự bùng phát luôn thay đổi khiến việc đánh giá y tế về coronavirus và tác động của nó trở nên rất khó khăn. Những tuần quan trọng đã bị bỏ lỡ đã có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của virus này trên toàn quốc và sau đó trên toàn cầu.

Eto Buziashvili, Hội đồng Đại Tây Dương.Nguồn: Twitter

Gần đây nhất, các cán bộ tuyên truyền của chính phủ Trung Hoa đã quảng bá một câu chuyện kỳ ​​lạ về sự bùng nổ dịch bệnh ở Vũ Hánlà do Quân đội Hoa Kỳ gây ra. Thuyết âm mưu mới nhất này, do Eto Buziashvili của Hội đồng Đại Tây Dương báo cáo, dường như lấy ý từ Chiến dịch Infektion của KGB từ những năm 1980, liên quan đến việc KGB bịa một câu chuyện trên một tờ báo thân Kremlin ở Ấn Độ, nơi người ta tuyên bố rằng HIV/AIDS đã được sáng chế trong một phòng thí nghiệm của CIA ở Fort Detrick, Maryland. Chiến dịch đưa tin vịt của Nga cuối cùng đã di căn trong môi trường truyền thông ở Hoa Kỳ, sau cùng đạt đến tầng lớp báo chí quốc gia chính thống của Hoa Kỳ vào năm 1983.

Buziashvili báo cáo về lời cáo buộc quân đội Hoa Kỳ đã đem coronavirus vào Vũ Hán đã được bịa đặt và được đăng trên giới truyền thông ủng hộ Kremlin hồi tháng 1, và từ đó đã lan sang giới truyền thông theo lý thuyết âm mưu ủng hộ chế độ toàn trị phương Tây, gồm một tổ chức ở Montreal. Những câu chuyện kể từ đó đã được các quan chức chính phủ Trung Hoa, gồm cả Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên, phó giám đốc, Nha thông tin Bộ Ngoại giao), khuếch đại bằng cách đăng nó lên Twitter, và được mạng truyền thông xã hội WeChat do Đảng Cộng sản Trung Hoa kiểm soát quảng bá thêm.

Triệu Lập Kiên, phó giám đốc, Nha thông tin Bộ Ngoại giao Trung Hoa. Nguồn Twitter

Chính sách hung hăng tung hỏa mù thông tin của chính phủ Trung Hoa về coronavirus đang được cố tình củng cố để đánh lạc hướng sự chú ý về  trách nhiệm của chính Bắc Kinh đối với đại dịch toàn cầu.

Mặc dù các chính phủ phương Tây phải duy trì mức chú ý vào việc giải quyết nạn dịch ngay lập tức, chúng ta không thể cho phép chính phủ Trung Hoa tung hỏa mù và điều chỉnh lại sự hiểu biết của chúng ta về đại dịch này và không để họ thao túng việc tính toán cuối cùng phải xảy ra một khi mối đe dọa đã giảm xuống.

Phí tổn để vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch này sẽ rất cao, bất kể những mất mát về vật lý mà quốc gia chúng ta phải chịu. Trong những tháng tới, Canada sẽ phải hợp tác với các đồng minh của chúng ta để đánh giá trách nhiệm của chính phủ Trung Hoa và buộc họ nhận trách nhiệm giải thích khi thích hợp. Điều này gồm bồi thường thiệt hại kinh tế cho công nhân, doanh nghiệp và chính phủ Canada và các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với bất kỳ nhân viên chính phủ Trung Hoa nào được coi là đã cẩu thả trong việc không ngăn chặn được dịch bệnh ở Trung Hoa.

Người Canada, phương tiện truyền thông và chính phủ của chúng ta phải tiếp tục lặp lại câu hỏi của Dana Bash,

“Trung Hoa phải đối diện với những hậu quả như thế nào vì vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này?”

Dana Bash, CNN

Tác giả Marcus Kolga là một chiến lược gia truyền thông kỹ thuật số, một người hoạt động nhân quyền và chuyên gia về thông tin đánh hỏa mù của nước ngoài. Ông là thành viên cao cấp tại Trung tâm Thúc đẩy lợi ích Canada ở nước ngoài thuộc Viện Macdonald-Laurier.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: When will China be held accountable for coronavirus? | Marcus Kolga | MacLean’s | Mar. 17, 2020.