Địa chính trị đang định hình cuộc chạy đua phát minh vaccine ngừa coronavirus như thế nào

Aaron Hutchins | Trà Mi

Nó sẽ lập tức trở thành tài nguyên được cả thế giới muốn có nhất. Mức thịnh vượng của một quốc gia và thế lực chính trị toàn cầu của nó có thể quyết định nước nào sẽ có vaccine ngừa coronavirus đầu tiên.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình. Các quốc gia lớn trên thế giới đang chạy đua để cuối cùng giữ quyền kiểm soát vaccine COVID-19. Ảnh: Artyom Ivanov/TASS/Getty Images

Trở lại năm 2014, Gary Kobinger đang dẫn đầu một phương pháp đột phá để điều trị Ebola. Đó là một công thức gồm ba loại kháng thể, gọi là ZMapp, cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong việc cứu sống giữa lúc có sự bùng phát của loại virus chết người ở Tây Phi. Kobinger, khi đó đang đứng đầu toán nghiên cứu về các mầm bệnh đặc biệt tại Phòng thí nghiệm Vi sinh của Cơ quan Y tế Cộng đồng Canada ở Winnipeg, và muốn giúp được càng nhiều người càng tốt. Nhưng ông chỉ có một lượng thuốc giới hạn. Thuốc của Kobinger vẫn đang trải qua các thí nghiệm lâm sàng với người và còn cần nhiều thời gian để sản xuất.

Sau đó, ông nhận được một cuộc điện thoại từ Trung Hoa. Đại diện của một công ty kỹ thuật sinh học tên là Bắc Kinh Mabworks muốn cho Kobinger biết rằng các chuyên viên nghiên cứu của công ty này đã lấy thông tin trực tiếp từ bằng sáng chế của ZMapp, đã ghi trên sổ phát minh trực tuyến và họ đã dùng chúng để sao chép các thành phần chính. Sau đó, họ đã sản xuất kháng thể ở mức quy mô hơn bằng cách sử dụng các tế bào chuyên biệt. Kobinger nhớ lại cuộc điện đàm,

“Ông ấy nói với tôi rằng họ đã sản xuất được một lượng đáng kể — vài trăm grams. Và chỉ cần năm gram là một liều thuốc đủ để điều trị. Ông ấy nói với tôi rằng họ chỉ muốn thử kỹ thuật của họ và không muốn muốn sử dụng thuốc trong phòng khám, hoặc cướp công của chúng tôi. Đó là một cuộc gọi lịch sự.”

Gary Kobinger

Với độ cạnh tranh và bảo vệ cao trong thế giới dược phẩm, Bắc Kinh Mabworks sẽ sớm phải trả lời những cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ: tác phẩm của Kobinger vào thời điểm đó thuộc về chính phủ Canada và Hoa Kỳ. Và sẽ có những tác động địa chính trị nghiêm trọng khi một công ty Trung Hoa đánh cắp thông tin từ những bằng sáng chế của Canada và Mỹ. Nhưng chính Kobinger không phải là người tố cáo.

Khoa học gia Canada nhớ lại, đối tác người Trung Hoa đã rất ngạc nhiên khi nghe ông trả lời qua điện thoại; Gary Kobinger nói,

“Tôi đã cảm ơn ông ta. Tôi đã nói với ông ấy, ‘Đây không phải là vì tiền. Chúng tôi đang cố gắng cứu mạng sống con người. Cứ sản xuất thuốc của ông đi. Nếu nó đủ tiêu chuẩn lâm sàng và được chấp thuận, ông sẽ cứu được nhiều người.”

Gary Kobinger

Và thực sự họ đã làm. Nhiều tháng sau, các bác sĩ ở Vương quốc Anh đã ghi nhận sự dóng góp của Trung Hoa đối với sự phục hồi của một y tá quân đội Anh mắc bệnh Ebola; lúc đó, nguồn cung ZMapp của Anh Quốc đã cạn kiệt.

Hiện là giám đốc của Trung tâm nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Laval, Kobinger liệt kê các loại vaccine mà ông hiện đang nghiên cứu, kết hợp với các toán chuyên viên cả trong và ngoài nước, để phát minh vaccine chống COVID-19. Mong muốn hợp tác của ông ấy vẫn mạnh như xưa.

“Điều mà tôi rất muốn thấy là 20 loại vaccine ở lằn vôi bắt đầu [để vào thí nghiệm lâm sàng]. Càng nhiều càng tốt — hy vọng sau cùng chúng ta sẽ có được ba đến năm lựa chọn có thể dùng được với dữ liệu về an toàn và hiệu lực vững chắc. Hãy lo cứu mạng con người và không để bị sa lầy vì ‘đây là tài sản trí tuệ của tôi.’”

Gary Kobinger
Nhà khoa học dược phẩm Gary Kobinger của Đại học Laval, Quebec, Canada, đã lãnh đạo việc phát minh vaccine Ebola đầu tiên, được sử dụng để bảo vệ hàng ngàn người. Ông hiện đang nghiên cứu về vaccine ngừa COVID-19. Nguồn: Twitter

Chúng ta đều đang ở cùng một rổ, như ý câu thành ngữ. Nhưng bất cứ loại vaccine coronavirus nào đầu tiên chứng minh được là an toàn và hiệu quả, thì nó cũng không thể có được cho 8 tỷ người ngay trong tuần đầu tiên.

Tùy vào nhu cầu sản xuất vaccine, hoặc nhiều vaccine, có thể mất vài tháng, hoặc ngay cả nhiều năm, từ khi nó vào thị trường cho đến khi mọi người trên thế giới có thể có được một liều thuốc đó.

Đó là một thực tế phũ phàng ít người nhận ra giữa những thông báo cam kết của chính phủ Trudeau gần đây đã chi 1,1 tỷ đô la để phát minh và sản xuất vaccine cho coronavirus mới, như một liều thuốc bổ cho ngành nghiên cứu dược phẩm của Canada. Nhưng sự lạc quan không hợp lý cũng là chuyện dễ hiểu, và sự chi tiêu lu bù của các chính phủ để phát minh thuốc cũng vậy. Ở hầu hết mọi quốc gia, nền kinh tế đang tạm dừng lại để ngăn chặn sự lây lan của virus, vaccine đầu tiên sẽ trở thành nguồn tài nguyên được thèm muốn nhất trên hành tinh. Vì vậy, ai là người đầu tiên sẽ có thuốc? Và ai sẽ quyết định?

Vào đêm Giao thừa, Trung Hoa đã báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới về một loại virus chưa hề biết. WHO tuyên bố coronavirus là một trường hợp khẩn cấp toàn cầu. WHO công bố căn bệnh này sẽ được gọi là COVID-19. WHO đã dẫn đầu một toán công tác chung với Trung Hoa để đánh giá sự bùng phát ở Vũ Hán. Trong suốt đại dịch (và qua nhiều chỉ trích), cơ quan đặc biệt này của Liên Hiệp Quốc đã đi đầu trong các phản ứng toàn cầu, gồm cả sự phối hợp hợp tác quốc tế để tăng vận tốc phát triển vaccine chống lại COVID-19. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ dẫn đầu về việc phân phối vaccine. Volker Gerdts, giám đốc của VIDO-InterVac (viết tắt của Tổ chức Vaccine và bệnh truyền nhiễm — Trung tâm Vaccine Quốc tế) tại Đại học Saskatchewan nói

“Tổ chức Y tế Thế giới sẽ cố gắng ra quy định về thuốc chủng ngừa, nhưng chúng ta đã thấy rằng Tổng thống Trump không sẵn lòng lắng nghe họ. Nếu một công ty Mỹ sản xuất được vaccine, Trump sẽ cố gắng  bảo đảm rằng tất cả số thuốc đó sẽ thuộc về người Mỹ, bất kể những gì WHO đề nghị.”

Volker Gerdts
Tiến sĩ Volker Gerdts là giám đốc và Giám đốc điều hành của phòng thí nghiệm tại Đại học Saskatchewan, một trong những cơ sở nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tiên tiến nhất trên thế giới, đang nghiên cứu vắc-xin COVID-19. Ảnh: VIDO-InterVac/Đại học Saskatchewan

Giữa tháng Tư,  Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố  chính phủ của ông sẽ ngừng tài trợ cho WHO và Trump không phải là người duy nhất chỉ trích cơ quan quốc tế này. Một bức thư ngỏ được nhiều học giả, nhà hoạt động và chính trị gia ký thuận, gồm cả Irwin Cotler, cựu Bộ trưởng Tư pháp Canada (đảng Tự do), đã nói rằng WHO đã coi thường đại dịch vì bị ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Hoa. Phó thủ tướng Nhật Bản, chua chát cho hay WHO có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Hoa đến mức một số người đã gọi nó là “Tổ chức Y tế Trung Hoa” (CHO).

David Fidler, một thành viên y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại và là cựu cố vấn pháp lý cho cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc, nói rằng,

“WHO hiện không có gì để cho họ cái quyền nói các quốc gia trên thế giới làm gì với vaccine.”

David Fidler

Đối với tất cả tinh thần vị tha và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu vaccine, Fidler khuyên nên hình dung sức khỏe toàn cầu như một bộ não của con người. Một bên là các vấn đề có chức năng: khoa học, y học, sức khỏe cộng đồng. Ông nói,

“Là những phần  có khuynh hướng làm việc theo cách để tiến bộ mà không suy nghĩ về chính trị. Để phát minh được một loại vaccine an toàn và hiệu quả là một nhiệm vụ to lớn. Nhưng phần chính nó là một vấn đề khoa học. Nói chuyện lạc quan về sự đoàn kết dễ dàng hơn khi người ta tập trung vào các thách thức về chức năng.”

David Fidler
Một nhân viên lấy mẫu của một vaccine COVID-19 đang thí nghiệm tại một nhà máy sản xuất của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Hoa Sinopharm ở Bắc Kinh.  Ảnh: Zhang Yuwei/Xinhua/Getty Images

Nhưng ở phía bên kia của bộ não y tế toàn cầu là phần chính trị; nó nghĩ về vaccine rất khác, Fidler nói thêm.

“Sự đau khổ, lo lắng, sợ hãi và mất cơ hội kinh tế đang gia tăng mỗi ngày khi chúng ta vẫn đang cố gắng giữ sinh hoạt biệt lập.”

David Fidler

Vì vậy, nếu có một loại vaccine và Hoa Kỳ có hợp đồng từ trước để mua rất nhiều hoặc nếu nhà sản xuất ở trong lãnh thổ Hoa Kỳ, Fidler cho rằng cả hai đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa sẽ giữ càng nhiều càng tốt cho dân Mỹ, ngay cả khi những nước khác trên thế giới đang có nhu cầu lớn hơn. Ông nói tiếp,

David Fidler

“Đó là một thực tế chính trị. Áp lực chính trị sẽ mạnh đến mức những lời cầu xin về công bằng và sức khỏe của các nước thu nhập thấp sẽ không vang đến tai ai cả.”

David Fidler

Được biết chính quyền Trump đã bắt đầu bằng cách cố gắng thuyết phục một công ty dược phẩm sinh học của Đức nghiên cứu về vaccine COVID-19 để chuyển các hoạt động nghiên cứu của họ sang Hoa Kỳ đã gióng lên hồi chuông báo động với giới hữu trách Đức lo ngại Trump đang cố gắng để đạt được thỏa thuận để người Mỹ có vaccine trước. (Công ty của Đức, CureVac, đã có tuyên bố, bác bỏ những tin đồn hiện tại về việc Mỹ mua lại công ty của họ.)

Hầu hết các quốc gia không có khả năng sản xuất để phân phối vaccine toàn cầu, đó là lý do tại sao những người tài trợ cho nghiên cứu vaccine có khả năng bảo đảm có được hợp đồng cho họ quyền kiểm soát phân phối. Volker Gerdts nói,

“Nếu tổ chức Bill và Melinda Gates tài trợ cho một phần trong đó, họ có quy tắc của họ. Nếu phần lớn do chính phủ tài trợ, như nghiên cứu của chúng tôi, chính phủ sẽ quyết định. Và một số quốc gia sẽ nói ‘Công dân của chúng tôi đầu tiên.’”

Volker Gerdts

Gerdts nói, khi các vaccine vào giai đoạn cuối, tiến tới việc thí nghiệm lâm sàng ở người, thì đây là lúc các nhà nghiên cứu cần lập mối quan hệ đối tác với các nhà sản xuất có thể sản xuất hàng triệu liều thuốc, và một phần của quá trình đó sẽ liên quan đến việc đảm bảo quyền sử dụng vaccine cho người Canada.

Tuy nhiên, ngay cả việc chia sẻ giữa các đồng minh vẫn không có gì là chắc chắn. Vào tháng Tư, chính quyền Hoa Kỳ đã ngăn chận sự vận chuyển mặt nạ N95 tại biên giới Canada-Hoa Kỳ để đảm bảo có đủ để cung cấp thêm cho các bệnh viện Hoa Kỳ. Với tiền lệ đó, các chuyên gia giả định rằng chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã cam kết 456 triệu đô la cho công ty dược phẩm Johnson & Johnson, để phát minh vaccine COVID-19 với điều kiện là một số lượng đáng kể sẽ đến với công chúng Mỹ trước tiên.

Mặc dù vậy, Canada rất gần vơi kết quả của vaccine so với hầu hết các quốc gia khác. Vì các quốc gia có thu nhập cao có thể tài trợ cho việc phát triển hoặc mua vaccine, các nước có thu nhập trung bình và thấp hơn, trong nhiều trường hợp, không thể chen chân vào thị trường tự do. Rebecca Weintraub, giám đốc khoa của dự án phân phối sức khỏe toàn cầu tại Đại học Harvard, nêu lên việc phân phối vaccine H1N1 năm 2009, khi các nước giàu hơn đã thương luọng trước các đơn đặt hàng lớn, vượt qua các đối tác ít được ưu tiên hơn. Kết quả là, bà nói,

“Chúng ta phải nói về việc các nước có thu nhập cao không thể độc quyền vaccine COVID-19 được. Sau đó, chúng ta phải sắp xếp việc quản lý địa chính trị quanh vấn đề này.”

Rebecca Weintraub

Có những thực thể đã thiết lập để giúp đỡ các quốc gia đang phát triển, mặc dù chúng chưa bao giờ được thí nghiệm với một đại dịch ở mức độ này. Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (The Global Alliance for Vaccines and Immunisation, GAVI) thành lập năm 2000 — với Melinda và Bill Gates trong số những người ủng hộ đầu tiên — để rút ngắn thời gian đưa vaccine đến các nước đang phát triển sau khi thuốc đã ra thị trường. Nó làm như vậy một phần bằng cách khuyến khích các nhà sản xuất giảm giá vaccine cho các quốc gia nghèo nhất. Kate Elder, cố vấn chính sách vaccine cao cấp của Médecins sans frontières, cho biết,

“GAVI về cơ bản là một quỹ lớn mua vaccine cho các quốc gia đó. Tuy nhiên, họ vẫn luôn bị thách phải huy động đủ tiền để mua các loại vaccine này để có thể cung cấp đầy đủ [cho các nước nghèo].”

Kate Elder

Năm ngoái, GAVI đã tuyên bố một mục tiêu đầy tham vọng là tiêm chủng cho 300 triệu trẻ em ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình trong năm năm tới với 18 loại vaccine mà họ ước tính sẽ cứu được tám triệu người. Nhưng để hoàn thành nhiệm vụ đó, nó đã nói với những người gây quỹ, sẽ cần tới 7,4 tỷ USD. Và đó là trước khi thế giới cần một loại vaccine cho coronavirus.

Gần hơn với sự đi đầu của đổi mới, Liên minh Sáng tạo Chuẩn bị Dịch tễ học (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations, CEPI), một quan hệ đối tác công-tư toàn cầu, đã ra mắt tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017 với mục tiêu phát triển vaccine để ngăn chặn dịch bệnh trong tương lai. Các công ty dược phẩm lớn, những người sáng lập của nó lưu ý, không phải lức nào cũng muốn tài trợ cho nghiên cứu cho một cái gì đó có thể không mang lại lợi tức đầu tư. Tổ chức phi lợi nhuận này có trụ sở ở Na Uy này đã huy động được 690 triệu đô la Mỹ từ các chính phủ quốc gia, Canada gần đây đã cam kết 40 triệu đô la, nhưng vẫn còn thiếu 2 tỷ đô la mà nó cần để tiêu diệt COVID-19. CEPI đang giúp tài trợ cho tám vaccine có triển vọng và hy vọng rằng ba vaccine sẽ đế đích, được phê duyệt theo quy định để sử dụng chung.

Nếu một trong những vaccine đó chứng minh là an toàn và thật hiệu quả, chính sách được sử dụng công bằng của CEPI đòi hỏi rằng nó phải có sẵn trước tiên đối với “quần chúng khi mà họ cần để chấm dứt dịch bệnh hoặc ngăn chặn dịch bệnh, bất kể khả năng trả tiền.” Nhưng tuyên bố nghe có vẻ cao quý đó che khuất một vấn đề, Weintraub lưu ý: không ai trong số 2 tỷ đô la CEPI hy vọng sẽ xin được là ngân sách dùng để phân phối. Hơn nữa, có hơn 70 vaccine khác có triển vọng ngừa được coronavirus không được CEPI hỗ trợ, và không có cùng ngôn ngữ rõ ràng về sự sử dụng công bằng trên trang web của họ.

Vì vậy, nếu điều này được coi là một “cuộc đua toàn cầu” phát minh vaccine, thì nó có phải là cuộc đua chống lại virus hay không? Hay các quốc gia và các công ty dược phẩm đang chạy đua đua với nhau? Kate Elder nói,

“Suy nghĩ trẻ và ngây thơ của tôi sẽ hy vọng cuộc đua toàn cầu là để đến kết cục của việc đáp ứng cho sức khỏe của cộng đồng. Phần dày dạn hơn của tôi biết rằng sức khỏe toàn cầu biết rằng thường có thể  người đầu tiên đưa ra thị trường, là người có quyền kiểm soát độc quyền về giá cả và ai sẽ được mua. Tôi đang cố gắng treo kinh nghiệm của mình về sức khỏe toàn cầu.”

Kate Elder

Elder tự coi mình may mắn tại thời điểm này, mặc dù sống ở Hoa Kỳ, nơi dịch COVID-19 tồi tệ nhất hiện đang xảy ra.

“Tôi có thể tự sinh hoạt xa cách. Tôi đang đọc trên máy tính của tôi mỗi ngày. Tôi vẫn có lương. Ngay bây giờ, tôi là người cuối cùng cần vaccine.”

Kate Elder
lder, cố vấn chính sách vaccine cho MSF. Nguồn: https://www.msf.org/

Tương tụ, nhiều người Canada sẽ tự cho mình may mắn. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ sẵn sàng đợi trong khi thế giới được tiêm chủng vaccine, đặc biệt là nếu tiền Ottawa mang lại kết quả, và các nhà khoa học Canada là những người tìm ra vaccine an toàn và có hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu nguồn cung là một vấn đề thì các nhà nghiên cứu tìm ra vaccine đầu tiên không thể chia sẻ công thức trực tuyến — một hành động vị tha để các nhà sản xuất trên khắp thế giới có thể đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm toàn thế giới được tiêm vaccine càng sớm càng tốt —  hay sao? Volker Gerdts, nhà nghiên cứu của Đại học Saskatchewan, nói,

“Bạn không thể làm như vậy.vì toàn bộ quá trình phát triển vaccine được các cơ quan quản lý [quốc gia] kiểm soát chặt chẽ.”

Volker Gerdts

Các công ty và giới nghiên cứu phải chứng minh cách thức và nơi họ làm nó; Những quy trình và quá trình lên men mà họ sử dụng; họ sử dụng vật liệu gì; chúng từ đâu đến; Công thức của nó như thế nào; làm thế nào cho nó vào lọ thủy tinh; ai là người niêm phong các lọ và mỗi điểm dừng trên chặng đường sản xuát. Nếu chỉ đưa công thức có sẵn cho thế giới sẽ đặt ra những vấn đề về phẩm chất và trách nhiệm, Gerdts nói thêm.

“Nếu có một người nào đó không tuân theo quá trình kiểm soát phẩm chất và có thể xảy ra sự nhiễm bẩn, thì ai chịu trách nhiệm cho việc này? Ai chịu ó trách nhiệm về pháp lý?”

Volker Gerdts

Ngay cả khi các công ty bỏ qua quyền sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế cho chất ai cũng muốn có, như công ty Trung Hoa đã làm trong trường hợp với ZMapp, thì vẫn còn thách thức trong việc tìm kiếm các nhà sản xuất có khả năng thực hiện các đơn đặt hàng cho toàn cầu. Luis Berreto, cựu phó chủ tịch chính sách khoa học và tiêm chủng cho đơn vị vaccine của Sanofi, công ty dược phẩm sinh học của Pháp cho biết,

“Khả năng loại đó không năm yên ở bất cứ nới đâu. Với những công ty có khả năng này, có nhiều nơi đang sản xuất vaccine khác cho trẻ em hoặc người lớn.”  Luis Berreto

Và con có  những căng thẳng quốc tế ngày càng gia tăng mà sự lây lan của virus đã làm chúng nổi bật. Vào tháng 3, một tuyên bố chung được đề nghị về COVID-19 của các bộ trưởng ngoại giao G7 được cho biết đã thất bại khi 6 quốc gia không đồng ý với Hoa Kỳ gọi nó là virus Vũ Hán. Trong khi đó, báo đài nhà nước cộng sản Trung Hoa đã lan truyền những luận điệu sai lệch trên khắp thế giới rằng virus này có nguồn từ phòng thí nghiệm vũ khí sinh học của Mỹ và được lính Mỹ mang đến Vũ Hán trong một cuojc thi đua thể thao quân sự. (Hoa Kỳ không có chương trình vũ khí sinh học nhưng có phòng thí nghiệm phòng thủ sinh học.)

Nếu Trung Hoa tuyên bố đã thắng trong cuộc đua phát minh vaccine và chỉ có một loại duy nhất,thì ho sẽ là người gác cổng kiểm soát quản lý việc sử dụng thuốc tiêm chủng trênn toàn cầu, Fidler thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại cho biết.

“Và Trung Hoa có thể tỉnh bơ biện luận rằng nó sẽ để châu Phi có thể dùng trước Hoa Kỳ. Họ có thể lý luận rằng, một cách công bằng, nhưng có một nọc ộc quan hệ chính trị ở đuôi [đối với người Mỹ]. Điều đó chắc chắn sẽ được giải thích ở Hoa Kỳ là Trung Hoa vũ khí hóa vaccine. Đây là điều làm tôi lo lắng.”

David Fidler

© 2020 DCVOnline


How geopolitics is shaping the race for a coronavirus vaccine | Aaron Hutchins | MacLean’s | April 27, 2020.