Lời thề độc của vàng đen

Hauke Goos | Trà Mi

Tìm được mỏ dầu lớn, Guyana đến bờ thịnh vượng – hay Thất bại

Guyana lúc nào cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất Nam Mỹ. Nhưng bây giờ khi ExxonMobil đã tìm được một mỏ dầu mới ở ngoài khơi, quốc gia nhỏ bé này có thể trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới. Nhưng nó sẽ là một phước lành hay một lời thề độc?

Một con đường ở thủ đô của Guyana, Georgetown. Nguồn: Loureiro Fernandez/The New York Times / Redux/Laif

Có lẽ mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu mọi người có thể thực sự nhìn thấy dầu. Nếu các giàn khoan, các tàu tiếp tế và những con tàu chuyên dụng khổng lồ dùng để tinh lọc và trữ dầu neo ngay ngoài khơi và không ở mãi đường chân trời. Như thế, có lẽ mọi người sẽ hiểu rõ hơn về công trình mà các công ty dầu mỏ phải làm để lấy được dầu. Và hiểu rõ hơn về việc dầu có có thể làm cho người ta giàu lên như thế nào.

Vùng mỏ dầu mà ExxonMobil phát giác ra năm năm trước đây ở cách bờ biển Guyana khoảng 200 km, nơi từng được gọi là Guyana của Anh trước khi người ta nghĩ đến dầu. Kết quả là những ngư dân ngồi hút thuốc và trò chuyện trên bức tường xi măng bảo vệ vùng đất khỏi nhưng đợt sóng của đại dương có thể không nhìn thấy gì hết từ chỗ họ đang ngồi. Những con chim bay lên một cách uể oải trong cái nóng của bầu trời trong khi những con cò quăm màu đỏ tươi đang bay qua cánh rừng ngập mặn. Mọi thứ có vẻ như vẫn vậy, nhưng chóng thôi, tất cả sẽ thay đổi. Đó là niềm hy vọng của nhiều người và nỗi sợ hãi của một số người khác.

Dầu ngoài khơi Guyana thuộc loại dầu thô ngọt nhẹ rất được ưa chuộng, và nó có thể được khai thác dễ dàng. Một số người nói rằng vào giữa thập kỷ này, Guyana có thể sẽ bơm nhiều dầu theo đầu người ra khỏi trái đất hơn cả Kuwait. Năm nay, trước dại dịch coronavirus, chính phủ ở Georgetown đã đưa ra một dự báo về doanh thu dầu trong khu vực lân cận khoảng 300 triệu đô la. Đại sứ Hoa Kỳ tại nước này nói rằng Guyana có thể trở thành “quốc gia giàu nhất ở bán cầu và có khả năng là quốc gia giàu nhất thế giới.”

Thật khó để mô tả cách mà dầu, tiền, biến đổi một đất nước và xã hội. Tất nhiên, một cách đơn giản là thảo luận về các con số. Một thùng dầu thô ngọt nhẹ, 159 lít, tương đương 42 gallon, hiện được bán với giá khoảng 40 đô la. Bạn sẽ giải thích thế nào cho một trong những ngư dân trên bến cảng, ví dụ, chuyện đó có ý nghĩa gì cho đất nước của anh ta nếu Exxon bơm 750.000 thùng dầu ra khỏi mỏ dầu mỗi ngày? Hay một triệu thùng?

Tuy nhiên, hai anh em Mangal, Lars và Jan – cả hai đều lớn lên ở Guyana và cách nhau bốn tuổi – có quan điểm khác nhau. Cha của họ là một bác sĩ người Guyana và mẹ của họ là người Denmark. Việc họ khó nói chuyện với nhau nữa cũng vì mỏ dầu ngoài khơi Guyana. Nó liên quan đến mọi thứ xảy ra khi cả một quốc gia đột nhiên phải đối diện với viễn cảnh trở nên giàu có một cách tuyệt vời.

Câu hỏi là: Tại sao sự giàu có đột ngột áp đảo gần như mọi xã hội? Tại sao dầu, ban đầu dường như là một phước lành, nhưng phần lớn những trường hợp như vậy lại hóa ra là một lời thề độc?

Mỏ dầu ngoài khơi Guyana. Nguồn: kaieteurnewsonline.com

Tốt nhất của tốt nhất

Vào những năm 1960, khi Jan và Lars Mangal ra đời, quốc gia nhỏ bé này mới giành được độc lập từ Anh Quốc. Khi còn nhỏ, hai anh em chơi đùa trong đám lau sậy bên dòng sông Demerara, trôi ngang thủ đô Georgetown trước khi lững lờ chảy vào Đại Tây Dương. Có lúc, họ đã đi ra nước ngoài vì sự nghiệp của họ, như hầu hết những người trẻ được giáo dục tốt trong nước.

Guyana nằm ở góc đông bắc của Nam Mỹ, nằm giữa Amazon và Orinoco, với Venezuela ở phía bắc, Brazil ở phía tây nam và Suriname ở phía đông. Khách du lịch đến đây chính vì nó không thu hút nhiều khách du lịch. Tập hướng dẫn du lịch “Hành tinh cô đơn” viết, Guyana, với 780.000 dân cư đang trong quá trình trở thành một “khu du lịch sinh thái bí mật nhất của lục địa.” Nó có bauxite và vàng, nhưng phụ thuộc nhiều vào mía và gỗ – tất cả chắc chắn sinh lợi, nhưng cũng hơi nhàm chán.

Lars và Jan Mangal đều chọn gầy dựng sự nghiệp trong ngành dầu khí. Lars đã đi làm với Schlumberger, công ty cung cấp dịch vụ mỏ dầu lớn nhất thế giới, trong khi Jan dọn sang Texas để làm việc cho công ty Chevron. Cả hai đã đi khắp nơi và cả hai đều là chuyên gia trong ngành. Họ chia sẻ nỗi rộn ràng vì sự khám phá và sự tự tin của các kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật bắt nguồn từ một hiểu biết thầm lặng là trong số những người giỏi nhất thế giới.

Jan Mangal, người anh, đã chọn một nhà hàng thức ăn cá trên bờ Biển Bắc của Danmark cho cuộc gặp gỡ của chúng tôi, vì ông ta đang thăm gia đình ở châu Âu. Ông ta đã không trở lại Guyana sau hơn một năm và em ông đã cho biết rằng ông ấy có thể không còn an toàn ở đất nước nơi ông sinh ra. Vì vậy, Jan Mangal chỉ có thể theo dõi sự phát triển ở Guyana từ xa.

Năm 2017, Tổng thống David Granger đã thuê ông làm cố vấn về năng lượng. Vào thời điểm đó, hợp đồng mà chính phủ ký với ExxonMobil vừa được đàm phán lại. Về cơ bản, trọng tâm của các cuộc đàm phán là mức độ chia sẻ lợi nhuận từ dầu mỏ của Guyana. Dầu đã được tìm thấy và mọi người đều biết rằng đó là một trong những phát giác quan trọng nhất trong những năm gần đây. Thay đổi trog đàm phán là chuyện bình thường và các chính phủ trong những tình trạng như vậy vẫn có đủ lợi thế.

Chính phủ Guyana đã gửi bộ trưởng tài nguyên thiên nhiên, đại diện cho Guyana, đến Texas để thương lượng. Nhưng đó là một thỏa thuận giữa các đối tác bất bình đẳng: tổng sản phẩm quốc nội của Guyana là 4,1 tỷ đô la, trong khi doanh thu của ExxonMobil trong năm 2019 là 256 tỷ đô la.

Không ai biết ông bộ trưởng yêu cầu những gì, hoặc những gì Exxon hứa hẹn. Nhưng nhóm ExxonMobil đã chiêu đãi và dẫn ông bộ trưởng thăm viếng trụ sở của công ty – và khi ông ta trở về Guyana, hợp đồng đã được ký kết.

Bệnh Hòa Lan

Mangal nói một cách giận dữ vào tối hôm đó ở Danmark, đó là một thỏa thuận thời thuộc địa, có lợi cho Exxon quá sức. Ông nói, bản thỏa thuận đó viết như thể vẫn chưa rõ liệu dầu đã được tìm thấy ở Guyana hay chưa. Tất cả và tất cả, thỏa thuận đó có nghĩa là Guyana đã bỏ lỡ hàng tỷ đô la doanh thu.

Khi đó, Jan Mangal đã khuyên tổng thống nên đàm phán lại thỏa thuận để đạt được điều kiện tốt hơn cho người dân Guyana. Ông nói, hơn nữa, ông đã cố vấn, tất cả các hợp đồng nên được công khai. Sự minh bạch rất quan trọng trong một giai đoạn có thể quyết định cho tương lai của đất nước, trong khi bí mật chỉ thúc đẩy tham nhũng. Ông nói,

“Chúng tôi phải chứng minh với thế giới rằng dầu có thể được sử dụng để giúp đỡ người dân. Điều đó không những chỉ để người giàu trở nên giàu hơn. Chúng tôi phải chứng minh rằng dầu có thể đem lại điều tốt.”

Jan Mangal

Ít nhất là tốt hơn ở Sudan, Nigeria hoặc Guinea Xích đạo. Vài năm trước, 25 chiếc xe “sports” đã bị tịch thu ở Switzerland, kể cả những loại xe hiếm như McLaren, Koenigsegg và Bugatti. Tất cả đều là xe của con trai của tổng thống Equatorial Guinea, mà gia đình ông dường như coi việc kinh doanh dầu mỏ chính là một cách để chuyển tiền cho người thân và bạn bè.

Hoặc hơn nữa, ở Venezuela, nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, tuy nhiên – hoặc có lẽ vì lý do đó – đã rơi vào khủng hoảng, bị tỷ lệ siêu lạm phát, đói và nghèo hiện đã tăng lên 90% bao vây. Trên mọi mặt, sự thịnh vượng bất ngờ đã áp đảo tất cả mọi người – người dân và đặc biệt là chính phủ.

Các chuyên gia gọi hiện tượng này là “bệnh Hòa Lan.” Qua việc bán tài nguyên thiên nhiên, thường là dầu, doanh thu xuất khẩu tăng. Điều đó làm cho đồng nội tệ trở nên đắt hơn, khiến việc xuất cảng trở nên khó khăn hơn. Vì đồng tiền từ dầu khí mang theo lời hứa về sự giàu nhanh, các quốc gia mắc “bệnh Hòa Lan” đã bỏ bê các ngành kỹ nghệ truyền thống và nông nghiệp. Đến một thời điểm nào đó, khi tiền dầu cạn kiệt, hoặc giá dầu giảm đáng kể – như hiện tại – những nền kinh tế của các quốc gia như vậy thiếu khu vực kinh tế khác để thay thế.

Hai anh em Lars (hình trên) và Jan Mangal (hình dưới): “Lars viết … rằng mạng sống của tôi sẽ gặp nguy hiểm nếu tôi trở về.” Nguồn Der Spiegel

Hợp đồng tư vấn của Mangal không được gia hạn: Không ai muốn nghe những lời đề nghị và phê bình của ông ấy. Ông đã rời quê hương. Tuy nhiên, khi ông tiếp tục đưa ra lời cảnh cáo từ nước ngoài và duy trì hoạt động tích cực trên Twitter, em của ông, Lars, đã trở lại Guyana. Tại Georgetown, ông em hiện cung cấp dịch vụ cho những công ty liên quan đến việc khai thác trữ lượng dầu ngoài khơi. Jan Mangal nói,

“Em tôi nặng đầu óc kinh doanh. Một doanh nhân kiểu hung hăng. Ông ấy chỉ quan tâm đến việc tiến về phía trước. Ông ấy không quan tâm đến bất cứ điều gì khác. Nhận thức thông thường và những thứ khác đều không quan trọng.”

Jan Mangal

Jan Mangal nói rằng ông ấy chỉ thỉnh thoảng nói chuyện với em của mình qua WhatsApp.

“Lars sẽ viết thư cho vợ tôi, nói với nhà tôi rằng tôi không nên quay lại Guyana. Mạng sống của tôi sẽ gặp nguy hiểm khi tôi trở về. Có lẽ ông ấy chỉ muốn làm tôi sợ. Ông ấy đang cố giữ tôi không trở lại.”

Jan Mangal

Khi chia tay Jan Mangal nói em ông không quan tâm đến dân chủ hay phát triển bền vững.

“Cứ nói chuyện với ông ấy. Ông ấy sẽ rất thích gặp ông. Ông ấy thích phô trương một chút.”

Jan Mangal

Thủ đô của sự nhầm lẫn

Sảnh đến tại sân bay Georgetown mới và mọi thứ trông như vừa mới được lau chùi. Một biểu ngữ treo trước quày xét số thông hành có dòng chữ: “Guyana, đất của nhiều vùng nước.” Một trong những điều đầu tiên bạn nhận thấy trên đường vào thành phố là vô số lô đất đã được dọn sạch bên  bờ sông Demerara. Bất động sản ven sông rất được giá, vì ngành kỹ nghệ dầu mỏ cần đất xây bến cảng và nhà máy lọc dầu. Dấu hiệu “Để Bán” gắn trên hầu hết các lô đất.

Với thu nhập bình quân đầu người là 5.252 đô la, Guyana là quốc gia nghèo thứ ba ở Nam Mỹ và khám phá của Exxon đã được chào mừng như trúng giải xổ số độc đắc đã chờ đợi từ lâu. Mức độ mà dầu khí đã thay đổi đất nước nhỏ bé này có thể nhìn thấy trong sự sôi sục có thể  nghe, thấy được ở khắp mọi nơi.

Một nhân viên ngân hàng đầu tư cho biết, Guyana, hiện đang trải qua một “cơn sóng thần cơ hội.”  Thủ tướng đương nhiệm nói rằng, Guyana, là “Mỏ dầu Dorado mới”. Người hoạt động môi trường nổi tiếng nhất của Guyana cho biết ngành kỹ nghệ dầu mỏ đang theo đuổi một loại chủ nghĩa thực dân.

“Bầu trời là giới hạn.” Câu châm ngôn đó nằm trên môi của tất cả những người đổ xô đến Guyana từ khắp mọi nơi, bị thu hút vì sự có thể trở nên rất giàu có trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Một luật sư chuyên về tham nhũng, tuy nhiên, có một mô tả khác về nước Guyana: “Kể như bỏ.”

Các chính khách ở Guyana đang thảo luận các vấn đề quan trọng với giới hoạt động môi trường, giám đốc điều hành công ty với luật sư chuyên về quản trị tốt và người dân địa phương với người nước ngoài. Trọng tâm của nhiều cuộc thảo luận như vậy là chủ nghĩa bè phái, tham nhũng và sự tham lam. Một chuyên gia PR điều hành trang web OilNow ở thủ đô cho biết, Georgetown đã trở thành “thủ đô của sự hỗn độn”.

Không giàu lên, nhưng ít nghèo hơn

Đất nước này đã thực sự thiết lập các mục tiêu cụ thể cho tương lai, cam kết sẽ đạt 100% nhu cầu năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2025. Hầu như tất cả các khu vực ven biển đông dân của Guyana đều nằm dưới mực nước biển. Không khai thác nhiên liệu hóa thạch có lẽ là lợi ích cho quốc gia.

Melinda Janki, một người hoạt động vì dân chủ và môi trường ở Georgetown nói, “Và sau đó, dầu đã đến”. Bà tin rằng cả hai – dân chủ và môi trường – đều quan trọng cũng như đang gặp nguy hiểm.

Janki là một phụ nữ nhỏ bé, thiếu kiên nhẫn, sống ở trung tâm lịch sử của Georgetown trong một ngôi nhà được cây cối xanh tươi bao quanh. Du khách phải đi ngang vài cái cũi chó. Bà đa đi học đại học ở London và nói với giọng Anh dễ chịu. Có lúc, bà đã làm luật sư cho BP.

Janki nói, dân Guyana được người ta kể chuyện cổ tích, vì mọi người đều thích nghe những câu chuyện cổ tích. Câu chuyện cổ tích đặc biệt này là gì? Dầu khí đem lại hạnh phúc. Guyana, theo câu chuyện mà mọi người đang kể, giống như một con bạc đã mơ thắng ván bài lớn từ nhiều năm, và rồi đột nhiên, quay cuồng hốt bạc.

Thanh niên trên bãi biển tại Georgetown: Không có gì sẽ nguyên vẹn. Nguồn: AFP/Getty Images

Janki đã xem các con số – số tiền có được nhờ dầu dưới biển, chi phí sản xuất, phí giấy phép và chia phần lợi nhuận. Theo hợp đồng mà bộ trưởng tài nguyên thiên nhiên đã đàm phán với Exxon, Guyana sẽ nhận được 52% lợi nhuận. Tiêu chuẩn toàn cầu là từ 65 đến 85 phần trăm.

Tuy nhiên, trong mọi hợp đồng, có những đoạn xác định cái gì được coi là lợi nhuận – và có rất nhiều cơ hội để gọt con số 52% đó cho đến khi hầu như không còn gì. Melinda Janki càng nói lâu, dường như nó càng rõ ràng rằng theo hợp đồng hiện tại, Guyana sẽ không giàu có một cách tuyệt vời, nhưng trong trường hợp tốt nhất, bớt nghèo hơn một chút.

Mô hình của người Norway

Janki nói, bất kể nơi nào trên thế giới có mỏ dầu, trọng tâm không bao giờ là làm cho người dân địa phương trở nên giàu có hơn.

“Dầu chỉ làm cho các công ty dầu trở nên giàu có.”

Melinda Janki

Tuy nhiên, có một ngoại lệ – và nó là ví dụ cho hầu hết mọi quốc gia có mỏ dầu, đó là Norway.

Cho đến đầu những năm 1970, Norway là một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Âu, với nền kinh tế phàn lớn phụ thuộc vào nông nghiệp, vận chuyển và đánh cá. Nhưng sau đó, việc khai thác mỏ dầu và khí đốt tự nhiên đã phát triển và hầu hết lợi nhuận thu được từ những công ty dầu mỏ phần là của nhà nước đã được đưa vào chương trình lương hưu công cộng. Đây thực chất là bảo hiểm cho tương lai của Norway: Mỗi năm, chính phủ được chi tiêu tối đa 3% quỹ lương hưu cho các dự án có lợi cho xã hội. Ngày nay, người Norway được hưởng một trong những mức sống cao nhất trên thế giới.

Guyana có thể trở thành Norway kế tiếp không? Janki mỉm cười. Bà nói người Noway được giáo dục rất tốt, có nhận thức cao về môi trường và ý thức cộng đồng mạnh mẽ. Và họ có chung một nền văn hóa duy nhất. Guyana, bà nói, là nơi có những rạn nứt sắc tộc sâu sắc và việc quản lý tài nguyên thiên nhiên sai có truyền thống lâu đời. Janki nói, Norway nổi tiếng là một đối tác đàm phán khó khăn, và người Norway đi tìm và lắng nghe những lời cố vấn.

“Chính phủ Guyana không nghe lời cố vấn của chuyên gia, dường như thậm chí họ không biết rằng cần phải nghe lời khuyên của chuyên gia.”

Melinda Janki

Tất nhiên Jan Mangal quen thuộc với ví dụ Norway. Và ông ta cũng biết rằng Guyana không ở vị trí tốt nhất để làm theo ví dụ đó, ngay cả khi nó có thể cải thiện hợp đồng của họ.

Ví dụ, tham nhũng, là một phần của cuộc sống hàng ngày ở Guyana. Người dân nghèo và họ đã quen với việc nhận những món quà nhỏ như một cách cải thiện thu nhập thấp. Về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế lưu giữ, Guyana được xếp hạng 85.

Tham lam hay đơn thuần chỉ là sự bất tài?

Chính phủ tham nhũng yếu, và những công ty mạnh, như ExxonMobil, có thể tận dụng lợi thế. Thật dễ chịu khi đàm phán với các chính khách, những người phần lớn chỉ quan tâm đến việc đưa tiền từ mỏ dầu, càng nhiều càng tốt, vào trương mục ngân hàng cá nhân của họ.

Vào năm 2017, một người lên tiếng tố giác đã liên lạc với Christopher Ram, một trong những luật sư nổi tiếng nhất của Georgetown và cũng là người phê bình nổi tiếng về thỏa thuận dầu mỏ. Kết quả là, một phần của các cuộc đàm phán hợp đồng, ExxonMobil đã trả theo một tiêu chuẩn, nếu thấp, “chi phí ký kết” là 18 triệu đô la. Một thời gian ngắn sau đó, nó đã được tiết lộ rằng Bộ Tài chính đã gởi số tiền vào trương mục tiền mặt thay vì ký thác vào quỹ dành cho mục đích này. Chính phủ nhấn mạnh rằng họ đã tìm cách kiếm tiền lãi để phục vụ đất nước.

Ram có mái tóc bạc dài và không đi giày trong văn phòng, điều này giúp thu hút sự chú ý đến đôi tất màu ngọc lam của ông. Ông ấy viết một chuyên mục trên tờ báo địa phương, Stabroek News, có một chương trình truyền hình của riêng ông ấy và có đủ tiền để thoải mái trình bày quan điểm ​​bất cứ khi nào ông ấy muốn.

Ram nói, thậm chí còn hơn cả lòng tham, việc tìm kiếm dầu đã bộc lộ sự bất tài.

“Tôi nghĩ rằng bộ trưởng tài nguyên thiên nhiên thậm chí không đọc hợp đồng trước khi ký.”

Christopher Ram

Nói chung đây là vấn đề, Ram tin rằng tham nhũng ở nnững người có quyền lực cao nhất.

Có phải ông muốn nói rằng Exxon về cơ bản đã mua được hợp đồng có lợi hồi 2015 với giá 18 triệu đô la?

“Về căn bản, đúng thế.”

Bộ trưởng đàm phán thỏa thuận này tham nhũng?

“Có thể. Tôi nghĩ vậy.”

Ram dựa vào ghế và mỉm cười.

“Cách nhanh nhất để kiếm tiền ở Guyana là làm chính trị. Cách nhanh nhất để trở thành triệu phú là làm chính trị.”

Christopher Ram

Chính phủ phủ nhận tất cả mọi cáo buộc tham nhũng.

Một vấn đề về quan điểm

Vào năm 2015, ngay trước khi tìm được dầu, chính phủ Guyana đã trao quyền khai thác khoáng sản cho hai khu vực ở ngay bên cạnh. Những khu vực đó cũng có thể là nơi có mỏ dầu là rất đáng kể.

Một trong những vùng đó đã giao cho Mid-Atlantic Oil & Gas cùng với JHI Associates Inc. Một thời gian ngắn sau đó, Exxon tham gia với tư cách là “công ty khai thác”. Những khu vực khác được giao cho hai công ty Ratio Energy và Ratio Guyana. Exxon cũng tham gia với họ để thực hiện cuộc thăm dò.

Có nhiều lý do để nghi ngờ rằng các công ty này chỉ là những người rơm. Một trong số họ chỉ mới được thành lập gần đây, với trụ sở tại thiên đường trốn thuế ở Quần đảo Virgin.

Cơ quan điều tra của chính phủ Guyana, Cơ quan phục hồi tài sản nhà nước (SARA), được tổng thống giao nhiệm vụ kiểm soát các công ty, đã nói đến “những sự bất thường đáng kể”. Người đứng đầu cơ quan nói rằng Quần đảo Virgin “rõ ràng là một lá cờ đỏ cảnh cáo.” Christopher Ram nói,

“Nó giống như một cuộn phim hài dưới kính lúp”, Mọi thứ trở nên khá rõ ràng với mọi người từ bên ngoài: tham lam, ngu ngốc, bất tài, tham vọng và mong muốn một lối sống tốt đẹp.”

Christopher Ram

Cuối cùng sẽ lợi cho Guyana? Hay Guyana sẽ bị thiệt thòi?

Duỗi đôi chân mang vớ màu ngọc lam Ram nói:

“Chà, nếu đang làm chủ 100% và cuối cùng chỉ  được 60%, bạn được tăng 60% hay mất 40%?”

Christopher Ram

Thời thú vị

Vào một chiều thứ sáu mới đây, một người đàn ông nhỏ nhắn đi ngang qua một bãi cát và bước lên cầu thang đi vào một cấu trúc bằng thép, nơi có một cuộc họp báo ​​sắp diễn ra. Cấu trúc này là cây cầu cũ của một con tàu, nhưng Lars Mangal, em của cựu cố vấn năng lượng Jan Mangal, đã tháo dỡ tất cả các vật dụng kỹ thuật và đặt hai bàn phía bên trong.

Sau khi làm việc cho công ty dịch vụ mỏ dầu Schlumberger, Lars Mangal gia nhập một công ty nhỏ của Danmark. Ông ấy liên tục đi đây đi đó và hầu như luôn có thể liên lạc được. Đáp lại câu hỏi trên WhatsApp về việc ông có muốn nói chuyện không, ông ấy đã trả lời trong vòng tám phút: “Vâng, tôi có thể trò chuyện.”

Khi Exxon tìm thấy dầu vào năm 2015, Lars Mangal quyết định tận dụng cơ hội này. Exxon sẽ cần tay nghề chuyên môn địa phương ngoài những công nhân người Guyana và Lars Mangal quyết định rằng ông sẽ là người cung cấp cả hai. Ông ta quay trở lại Georgetown, thuê một mảnh bất động sản cách sông không xa và cung cấp dịch vụ của mình cho Exxon.

Đồng thời, ông thành lập một học viện để huấn luyện những người trẻ tuổi làm những công việc trong ngành dầu khí. Vào chiều thứ sáu đặc biệt này, 50 học viên sẽ tốt nghiệp. Họ đang đợi dưới ánh nắng bên ngoài, những chàng trai trẻ và một vài phụ nữ mặc quần đen và áo T trắng. Một số đã từng làm việc trong kỹ nghệ đường. Họ là lớp thứ ba của các học viên tốt nghiệp từ học viện này. Và Jan Mangal nói một cách tự hào, mỗi sinh viên trong số 50 người tốt nghiệp, đã có việc làm.

Ở trên cây cầu cũ của thuyền trưởng, ông ta chào đón thủ tướng Guyana, cao ủy của Anh và bộ trưởng tài nguyên thiên nhiên, một người đàn ông nặng ký, ngái ngủ. Ông ấy là người đã đàm phán hợp đồng với Exxon.

Ông bộ trưởng nói về “thời thú vị” và về lời hứa về tương lai. Thủ tướng nói Guyana đang trên con đường trở thành “quốc gia giàu có nhất trên trái đất, khi được đo bằng thu nhập bình quân đầu người.”

Lars Mangal gật đầu đồng ý với mỗi chữ phát biểu. Ông ấy không gặp khó khăn trong việc tìm  đối tác và người ủng hộ tài chính cho dự án của mình, và bây giờ ông đang nghĩ đến việc mở một chi nhánh ở London. Cuối cùng cũng đến lượt ông lên tiếng, Lars Mangal nói một cách sôi nổi về “một biên cương mới cho kỹ nghệ dầu khí.”

Ông đã đặt tên cho các văn phòng của ông bằng tên của các chuyến thám hiểm không gian như Apollo, Enterprise và Pioneer. Ông cười và nói, chỉ tên của những chuyến du hành không gian thành công thôi. Và ông dùng rất nhiều tĩnh từ phóng đại, nói rằng dự án khai thác một mỏ dầu như vậy tương tự như nỗ lực của Kennedy “đưa một người lên mặt trăng.” Cường điệu là thứ không thiếu ở Georgetown. Mangal nói

“Đây là chuyện độc đáo.” Kích thước, quy mô, tốc độ, lượng dầu đã tìm thấy được, tính đến nay. Ông nói, lượng dầu mà Norway tìm thấy trong 10 hoặc 15 năm, được phát giác ở Guyana trong vòng hai hoặc ba năm. “Mỏ dầu ở đây rất lớn.”

“Điều hành như một công ty”

Lars Mangal nghĩ gì về những lời chỉ trích của ông anh và yêu cầu của ông ấy rằng hợp đồng với Exxon nên được đàm phán lại và nên trì hoãn cấp giấy phép khoan dầu? Và những gì về những nỗ lực để phân phối hàng tỷ đồng lợi tức từ dầu mỏ một cách công bằng nhất vì lợi ích của tất cả mọi người ở Guyana?

“Jan là một người nhiều lý thuyết. Tôi nhìn thấy và tôi nắm lấy cơ hội. Một là tham gia, hoặc hai là không. Nếu muốn ảnh hưởng đến một cái gì đó, bạn phải tham gia. Bạn chỉ có thể thay đổi mọi thứ nếu bạn là một phần của nó.”

Lars Mangal
Ram, người phê bình và Janki, luật sư: “Nó giống như một bộ phim hài dưới kính lúp.” Nguồn: Der Spiegel

Cuối cùng, khi tất cả các sinh viên tốt nghiệp đã nhận được chứng chỉ và tất cả mọi người đã phát biểu, Mangal mời khách uống một ít nước dừa và đồ ăn nhẹ. Bong bóng bay lên trời, mọi người chụp ảnh và trao đổi danh thiếp. Hệ thống âm thanh phát bài hát “Heal the World” của Michael Jackson.

Có lẽ, đó là một trong những đối tác kinh doanh của Lars Mangal – một người đàn ông Singapore nhỏ bé đã đến Guyana trong dịp này – đã mô tả tình hình ở Guyana đúng nhất. Khi được hỏi nên làm gì ở đây, ông nói: “Điều hành nó như một công ty.”

Cuộc bầu cử đã được tổ chức tại Guyana vào ngày 2 tháng 3. Cuộc bầu cử phải được các tòa án ra lệnh vì tổng thống đã bị mất tín nhiệm. Ông đã ra tòa kiện chống lại yêu cầu hiến định đòi phải bầu một  quốc hội mới trong vòng 90 ngày, nhưng vụ kiện đã không thành công.

Ủy ban bầu cử ban đầu tuyên bố đảng cầm quyền thắng cử, bất chấp những nghi vấn ngay từ đầu về cách thức bỏ phiếu. Sau đó, người ta đã quyết định rằng số phiếu sẽ phải được đếm lại.

Kể từ đó, gần bốn tháng trôi qua mà không có đảng nào được tuyên bố đã thắng cử. Jan Mangal nói qua điện thoại,

“Chúng ta đang chứng kiến ​​những dấu hiệu thường thấy của sự thất bại. Đã có tất cả các loại biển cảnh cáo trên đường, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục lái xe, không hề nao núng. Thật đáng buồn cho Guyana.”

Jan Mangal

Muốn kết quả bầu cử cuối cùng được công bố, bất kể ai thắng Lars Mangal nói, “Đáng lo ngạivô cùng.” Theo ông, đã lãng phí quá nhiều thời gian. “Các lựa chọn của chúng ta đang ngày càng hạn chế hơn.”

Hai anh em, nhưng với một người, mọi thứ diễn ra quá nhanh, đối với người kia, quá chậm. Và có thể cả hai đều đúng, điều đó không làm mọi chuyện dễ dàng hơn cho Guyana.

Đây là một ý tưởng điên rồ

Tại sao một chính phủ có ý định tự tin đi vào kinh doanh với một công ty như ExxonMobil nếu nó thậm chí không thể kiểm phiếu cho chính xác được?

Trước cuộc bầu cử thất bại, một buổi tối thảo luận đã diễn ra tại Georgetown, thủ đô của “Oil Dorado” mới. Nó được tổ chức tại Moray House, một công trình kiến ​​trúc thời thuộc địa, bằng gỗ tuyệt đẹp ở góc đường Camp và Quamina, với trần nhà cao và tiếng ríu rít của những con chim ruồi ngoài hiên.

Moray House, một công trình kiến ​​trúc thời thuộc địa, bằng gỗ tuyệt đẹp ở góc đường Camp và Quamina. Nguồn: https://www.morayhousetrust.com/

Moray House, một công trình kiến ​​trúc thời thuộc địa, bằng gỗ tuyệt đẹp ở góc đường Camp và Quamina. Nguồn: https://www.morayhousetrust.com/

Luật sư Melinda Janki đang ngồi phía trước. Bà đã viết trong một email rằng bà sẽ nói về dầu và sẽ cố gắng liên kết các ý tưởng về “phẩm giá” với “di sản thiên nhiên” – nước sạch, không khí sạch, đa dạng của sinh vật. “Vùng đất nhiều nước.”

Janki nhắc nhở người nghe về nghĩa vụ của thế hệ hôm nay đối với thế hệ tương lai và bà đã nói về quyền lập hiến đối với một môi trường lành mạnh. Với giọng Anh dễ chịu, bà đã liên kết mối nguy hiểm của việc đồ đổ trên biển với hiện tượng nóng lên toàn cầu và đặt câu hỏi là điều gì làm cho cuộc sống trở nên đáng sống.

Trong khán giả, Annette Arjoon, người hoạt động môi trường nổi tiếng nhất của Guyana ngồi trên một chiếc sofa ở hàng ghế đầu. Bà sống trong một khu phố gồm những ngôi nhà lớn trên những khu đất rộng lớn tên là Oleander Gardens, chỉ cách Đại Tây Dương vài mét. Mọi người gần đây đã bắt đầu gọi khu phố đó là “Vườn dầu” vì nhiều cư dân mới trong kỹ nghệ dầu mỏ không ngại trả 4.000 đô la mỗi tháng tiền thuê nhà ở đây.

Đến lúc Arjoon lên tiếng. Ngồi thẳng người lên một chút và nói bà ấy chỉ có một câu hỏi duy nhất. Bà nhận thức rõ rằng câu hỏi của bà sẽ đảo lộn mọi thứ – và nó khá không đúng chỗ. Đó cũng là một câu hỏi mà cả Jan và Lars Mangal đều chưa từng nghĩ đến.

Arjoon nói,

“Cứ để yên mỏ dầu trong lòng đất có thể là một việc khả thi hay không?”

Annette Arjoon

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: The Curse of Black Gold | Hauke Goos |  Spiegel International | 26.06.2020