Quyết định về Huawei của Anh Quốc là một phần của căng thẳng chiến lược với Cộng sản Trung Hoa

James Landale | Trà Mi

Quyết đoán hơn ở nước ngoài để khuyến khích tinh thần dân tộc ở quốc nội là một chuyện. Nhưng khi quyết định đi vào một kỷ nguyên căng thẳng kéo dài ở mức độ thấp với phương Tây với nguy cơ leo thang liên tục vào thời điểm bất ổn kinh tế rất lớn lại là một chuyện khác.

Căng thẳng vì mạng 5G của Huawei (Hoa Vi) là triệu chứng của áp lực sâu rộng hơn mà Cộng sản Trung Hoa phải đối phó trên toàn thế giới. Nguồn Reuters.

Trong ngoại giao có lời nói và hành động. Thường thì hai bên có thể trao đổi tu từ nhưng không có cuộc giao tranh để trở thành trận chiến. Nhưng quyết định khó khăn với hậu quả thực tế có khuynh hướng tạo ra phản ứng rõ ràng.

Có thể nó đã như thế là khi Anh công bố các kế hoạch đã được đoán trước nhằm hạn chế hơn nữa sự tham gia của công ty kỹ thuật khổng lồ của Cộng sản Trung Hoa, Huawei, vào mạng viễn thông di động 5G của Anh. Đây là thời điểm mà căng thẳng đang sủi bọt Trung-Anh có thể sôi sục.

Cho đến nay, Cộng sản Trung Hoa đã có những lời đe dọa chung chung mà không đi vào chi tiết cụ thể. Đại sứ của CS Trung Hoa tại London, Liu Xiaoming, cảnh cáo nước Anh sẽ phải “gánh chịu hậu quả” nếu coi cộng sản Trung Hoa là một quốc gia thù địch.

Ông nói, cấm Huawei [vào mạng viễn thông di động 5G của Anh] sẽ gây thiệt hại cho danh tiếng của Anh như một quốc gia thương mại cởi mở. Anh sẽ không được tin là nước sẽ giữ lời đã hứa của nó. Thế giới sẽ biết Vương quốc Anh đã “chịu quy phục trước áp lực của nước ngoài” – ý ông Xiaoming  muốn nói Mỹ – và không còn có chính sách đối ngoại độc lập.

Nhưng khi bị đẩy – bằng cả hai quyết định của Anh Quốc về Huawei và cách để ba triệu cư dân Hong Kong trở thành công dân Anh sau khi Cộng sản Trung Hoa áp đặt luật an ninh quốc gia khắc nghiệt mới – đại sứ CSTH đã từ chối cho biết Bắc Kinh có thể phản ứng như thế nào. Với ánh mắt không mấy vui vẻ ông ta nói,

“Hãy chờ xem.”

Liu Xiaoming

Ngoại giao đường dài?

Phản ứng chậm của CS Trung Hoa không phải là chuyện bất thường. Trung Hoa nổi tiếng có chiến lược lâu dài về ngoại giao. Trong khi nhiều chính khách phương Tây khó có thể nhìn thấy lâu hơn  tuần tới, các chính khách của Cộng sản Trung Hoa thường nhìn lịch sử trong nhiều chục năm, nếu không nói là hàng thế kỷ.

Bắc Kinh biết sự thay đổi của Anh đối với Huawei là một phần của sự đánh giá lại mối quan hệ của họ với Trung Hoa vẫn chưa đi đến kết luận. Cái gọi là “Sự xét lại tích hợp” về chính sách đối ngoại của Anh đang được tiến hành, trong đó sức mạnh đang lên của Trung Hoa có một vai trò trung tâm.

Anh đang đánh giá độ giao tiếp kinh tế với Cộng sản Trung Hoa trước các sự kiện gần đây. Bản quyền hình ảnh của AFP

Do hậu quả của đại dịch Covid-19, chính phủ Anh Quốc đang xét lại mức giao thương kinh tế quốc gia với cộng sản Trung Hoa, không chỉ về mặt dược phẩm hay vật dụng y tế, mà cả những chuỗi cung ứng của những khu vực khác. Chính phủ dùng quyền hạn mới để ngăn chặn sự các tập đoàn Cộng sản Trung Hoa có thể thu mua những công ty của Anh, và còn có thêm luật pháp sắp ban hành dưới dạng Dự luật Đầu tư & An ninh Quốc gia [của Anh Quốc].

Đằng sau để thúc giục chính phủ ở mọi giai đoạn là một quốc hội Anh chủ trương có một đường lối cứng rắn hơn đối với Cộng sản Trung Hoa. Có nhiều nhóm hăng hái mới thanh hình trong phía đảng Bảo thủ – Nhóm nghiên cứu Trung Hoa, Nhóm lợi ích Huawei, Liên minh Nghị viện về Trung Hoa. Phía đảng Lao động cũng đang ráo riết vận động hành lang, với Bộ trưởng Ngoại giao đối lập, Lisa Nandy, kêu gọi kiềm chế đầu tư của Trung Hoa vào những cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, như năng lượng hạch tâm. Khối Dân chủ Tự do muốn Vương quốc Anh cấp quyền định cư cho tất cả mọi người dân Hong Kong chứ không chỉ cấp cho những người có sổ thông hành Anh Quốc.

Vì vậy, phản ứng chính sách của Anh đối với Cộng sản Trung Hoa đang thay đổi. Bắc Kinh có thể chờ xem họ giải quyết như thế nào trước khi quyết định mức giá mà Anh phải trả cho sự quyết đoán mới có của họ.

Một danh sách những cuộc đối đầu ngày càng dài

Bắc Kinh cũng đang chữa cháy trên nhiều mặt trận. Cuộc đối đầu kéo dài với Hoa Kỳ cho thấy không có dấu hiệu kết thúc. Tinh thần chống Cộng sản Trung Hoa vẫn là một chủ đề của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Hoa Kỳ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giới lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Ytung Hoa liên quan đến việc đàn áp người Uighur và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Bộ trưởng Ngoại giao Cộng sản Trung Hoa, Wang Yi, nói về “những thách thức nghiêm trọng nhất trong 40 năm quan hệ ngoại giao” nhưng đáng chú ý, ông cũng nói đến sự cần thiết phải hòa giải.

Còn có một cuộc đối đầu của Cộng sản Trung Hoa với Úc bắt đầu khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về việc Bắc Kinh giải quyết đại dịch coronavirus. Điều này đã khiến Trung Hoa ra lệnh cấm nhập cảng đối với một số mặt hàng thịt bò và lúa mạch của Úc. Hiện tại, Canberra đang nới lỏng các quy tắc nhập cư cho những người muốn rời khỏi Hong Kong, đồng thời đình chỉ luật dẫn độ với thuộc địa cũ của Anh. Úc cũng đã quyết định tăng 40% chi tiêu quốc phòng để chống lại những gì một số người coi là mối đe dọa ngày càng tăng từ phía cộng sản Trung Hoa ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

New Zealand cũng vậy, đang xét lại mối quan hệ ngoại giao với Hong Kong vì luật an ninh mới,  gồm cả những thỏa thuận dẫn độ và tư vấn du lịch.

Quan hệ của Cộng sản Trung Hoa với Canada vẫn ở trong tình trạng đóng băng cứng ngắc, cũng vì chuyện Huawei. Vào tháng 12 năm 2018, chính quyền Canada đã bắt giữ Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của công ty Hoa Vi, theo yêu cầu của Hoa Kỳ về những cáo buộc bà đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Chỉ trong vài tuần sau đó, hai người Canada đã bị Cộng sản Trung Hoa bắt giam bằng cái được coi là “ngoại giao con tin”. Canada đang hạn chế xuất cảng hàng quân sự sang Hong Kong cũng vì luật an ninh mới đang áp dụng và cũng đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong.

Quân đội Cộng sản Trung Hoa và Ấn Độ đã đụng độ tranh chấp biên giới hồi đầu năm nay. Bản quyền hình ảnh của AFP

Như thể tất cả hồ sơ ngoại giao trên toàn thế giới đang chất đống trên bàn của Bắc Kinh, người ta cũng không nên quên cuộc đụng độ biên giới nghiêm trọng lần đầu tiên giữa Cộng sản Trung Hoa và Ấn Độ trong nhiều chục năm nay vừa xảy ra. Và tất nhiên, vẫn có những căng thẳng tiếp diễn với các nước xung quanh Biển Đông khi Cộng sản Trung Hoa khai triển sự hiện diện bằng quân sự trong khu vực.

Vấn đề là những khó khăn về Huawei của Cộng sản Trung Hoa với Vương quốc Anh không phải là một trường hợp đơn độc, chúng là một tiết mục nhỏ trong một danh sách dài những cuộc đối đầu với thế giới mà Bắc Kinh đang phải đối phó và giải quyết.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Tại một thời điểm, tất nhiên, cộng sản Trung Hoa cũng có thể thực hiện một số đe dọa đối với Anh. Họ có nhiều lựa chọn. Bắc Kinh có thể làm cho các công ty Anh khó hoạt động hơn ở các thị trường ở Hoa lục. Nó có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số hàng hóa cụ thể. Nó có thể hạn chế – hoặc thậm chí đảo ngược – đầu tư của Trung Hoa vào Vương quốc Anh. Nó có thể cắt giảm số sinh viên và học sinh Trung Hoa du học ở Anh, gây khó khăn về tài chính cho các trường đại học và trường trung học công đã trở nên quá lệ thuộc vào học phí nước ngoài.

Cộng sản Trung Hoa sẽ mạnh tay như thế nào có thể phụ thuộc vào những quyết định cụ thể như liệu họ có muốn lấy Vương quốc Anh là ví dụ cì chính sách của Anh đối với Hong Kong và Huawei “để khuyên khíc [hay đe dọa] nước khác” hay không. Cộng sản Trung Ho biết rằng ho có khả năng trừng phạt nghiêm khắc Vương quốc Anh vào thời điểm Luân Đôn sẽ cần nhiều thương mại và đầu tư để có thể có được trong thời kỳ suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Hoặc cộng sản Trung Hoa có thể xét đến một chiến lược sâu rộng hơn.  Nó tùy vào việc cộng sản Trung Hoa thực sự muốn đối đầu với tất cả ở mức độ nào. Quyết đoán hơn ở nước ngoài để khuyến khích tinh thần dân tộc ở quốc nội là một chuyện. Nhưng khi quyết định đi vào một kỷ nguyên căng thẳng kéo dài ở mức độ thấp với phương Tây với nguy cơ leo thang liên tục vào thời điểm bất ổn kinh tế rất lớn lại là một chuyện khác.

Úc là một trong số các quốc gia đang tăng cường hợp tác quân sự ở Thái Bình Dương. Bản quyền hình của GETTY IMAGES

Mối nguy hiểm cho Cộng sản Trung Hoa là sự gây hấn của họ đang giữ vai trò xúc tác để đoàn kết các quốc gia chống lại chính họ. Khi Bắc Kinh có thể chọn gây hấn với từng quốc gia một, nhưng vẫn có thể sẽ bị hạn chế hơn nếu nhóm các quốc gia được gọi là Five Eyes – Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand – tham gia lực lượng với các nền dân chủ khác – như Ấn Độ, Nam Hàn, Nhật Bản – và các quốc gia khác – như Việt Nam hoặc Malaysia – để đẩy lùi Cộng sản Trung Hoa. Thứ năm tuần trước, các bộ trưởng ngoại giao thuộc mạng Five Eyes đã thảo luận về những hành động kế tiếp khi cộng sản Trung Hoa có thể tiếp quản Hong Kong. Cái gọi là ‘bộ tứ’ gôgm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ – đang tăng cường hợp tác quốc phòng vơi nahu.

Đã có nhưng cuộc nói chuyện về một nhóm các quốc gia được gọi là D10 mới – G7 cộng với Úc, Nam Hàn và Ấn Độ – để chế tạo ra kỹ thuật phi cộng sản Trung Hoa.

Quyết định chiến lược lớn đối với nhiều quốc gia trong Thế kỷ 21 là làm thế nào để có được sự cân bằng đúng đắn trong mối quan hệ với Cộng sản Trung Hoa giữa cam kết và độc lập, giữa bảo vệ các giá trị của họ và bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh của họ. Và trong khi Cộng sản Trung Hoa đang tham gia vào các cuộc giao tranh ngoại giao trên toàn thế giới, thì quyết định lớn đối với chính quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là họ muốn chiến đấu đến mức nào.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: UK Huawei decision part of wider strategic tensions with China | James Landale | BBC | July 12, 2020.