Trump có thể không muốn từ bỏ quyền lực

Graham Allison | DCVOnline

Tổng thống rời nhiệm sở. Sa Hoàng mãi mãi là vua.

Trong những điều kiện này, hy vọng tốt nhất cho nước Mỹ để thoát khỏi tình trạng khó xử của Sa Hoàng là bầu quyết liệt cho một ứng cử viên  đắc cử một cách bất khả tranh biện.

Bạch Cung. Washington D,C., USA. Getty/The atlantic

Tổng thống Mỹ thường rời nhiệm sở khi cử tri không bầu cho họ nữa. Sa Hoàng, hoàng đế, và những thủ tướng muốn cai trị cả đời sẽ làm bất cứ điều gì có thể để nắm giữ quyền lực. Để kéo dài sự cai trị của mình cho đến năm 2036, Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để sửa đổi hiến pháp của liên bang Nga.  Dù có một số người Nga công khai phản đối việcc làm này, nhưng có ít người nghi ngờ về kết quả của nó. Hai năm trước, Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình đã thành công trong việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch Nước — thiết lập sau cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông, một thời kỳ điên rồ về ý thức hệ đã giết chết hàng chục triệu người,  kể cả các thành viên gia đình của giai cấp thống trị. Trong bài phát biểu năm 2017, Xi đã nêu các mục tiêu cụ thể để Trung Hoa đạt được vào năm 2025, 2035 và 2049, đánh dấu một trăm năm thanh lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngụ ý rằng ông dự định lãnh đạo Trung Hoa cho đến ít nhất là năm 2035 (khi ông 82 tuổi).

Ngay cả trong các nền dân chủ, hoàn cảnh đôi khi cũng cho phép các nhân vật lãnh đạo dù bị nhiều tai tiếng vẫn có thể tại vị. Benjamin Netanyahu đã trở thành người ngồi ghế thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Israel, đã sống sót sau nhiều vụ bê bối. Ông ta hiện đang phải đối phó với một bản cáo trạng về tội nhận hối lộ và gian lận do tổng chưởng lý Israel đưa ra. Trong năm qua, mặc dù ông không thể giành được đa số ở Nghị viện Israel trong ba cuộc bầu cử liên tiếp, Netanyahu đã thành công trong việc mặc cả để giữ vị trí của mình cả ba lần. Hiện giờ là tháng thứ hai của một thỏa thuận ba năm, với Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz, cho phép ông giữ chức thủ tướng trong 18 tháng, Netanyahu đã cam kết hoán đổi vai trò thủ tướng-bộ trưởng Quốc phóng trong 18 tháng tiếp theo. Nhưng nhiều người tin rằng ông ta sẽ nuốt lời hứa hoặc đàm phán lại những điều khoản đó, trước khi Gantz làm thủ tướng.

Putin, Trump, Xi Jinping. Nguồn: CNN/com

Nói tóm lại, ba nhân vật lãnh đạo mà Donald Trump ca ngợi đã kéo dài nhiệm kỳ tại chức. Trong tình trạng này, Trump có thể làm gì? Không còn ngờ gì nữa, một cơn hoang tưởng là điều hiển nhiên trong nhiều tuyên bố về sự lừa bịp có thể xẩy ra hiện đang trong vòng bàn tán. Chưa hết, nỗi sợ rằng Trump có thể không rời nhiệm sở, bất kể chuyện gì xảy ra vào tháng 11, đã trở thành dòng chính. Joe Biden, được cho là ứng cử viên đảng Dân chủ đã nghĩ đến triển vọng “Tổng thống này sẽ cố đánh cắp cuộc bầu cử 2020”, là “mối quan tâm lớn nhất của ông.”

Tất nhiên, Putin, Xi, Netanyahu và Trump đều khác nhau về nhiều mặt. Nhưng mỗi người đều có lý do để nắm giữ quyền lực của mình. Putin, Xi và Netanyahu thực sự có tham vọng lớn. Mỗi người đều muốn mở rộng biên giới biên giới chính thức của họ — Nga muốn lấn vào Ukraine, Israel muốn lấn sang khu vực Bờ Tây, Trung Hoa muốn tái nhập Hong Kong và Đài Loan. Khẩu hiệu của Trump, hứa hẹn sẽ “Làm Mỹ Vĩ đại Trở lai”, và nghĩ rằng điều này có thể gồm vả việc mở rộng lãnh thổ, đặc biệt là việc mua Greenland, cũng đã nảy ra trong suy nghĩ của ông ta.

Lời giải thích rộng lượng nhất cho lý do tại sao những người này có thể tin rằng thế giới này không thể thiếu được họ là đây: Còn ai khác có thể tin được để đạt được nhưng tham vọng của họ? Câu hỏi hoài nghi hơn là: Nếu bất kỳ ai trong bốn người lãnh đạo này rời khỏi chức vụ, ai có thể bảo đảm họ sẽ không bị bắt giam và làm nhục? Ai sẽ bảo đảm sự giàu sang và hạnh phúc của gia đình và bạn bè của ông ấy?

Trong lịch sử, nhiều nguyên thủ quốc gia đã bám chặt lấy quyền lực cho đến khi họ chết hoặc bị lật đổ. Trong số 23 người cai trị Nga từ năm 1547 đến 1917, có bao nhiêu người tự nguyện trao quyền lực cho người kế vị? Không ai cả. Mười lăm người chết vì nguyên nhân tự nhiên, sáu người bị lật đổ và hai người bị ám sát. Trong bốn thế kỷ đó, tương tự, ở Trung Hoa có tất cả 16 vị hoàng đế, nhưng chỉ một trong những triều đại đó đã kết thúc một cách không tự nguyện: vì cái chết hoặc bị bắt buộc thoái vị. Gọi nó là tình cảnh khó xử của Sa hoàng: Dù bị thách thức nguy nan đến đi nữa khi bám giữ quyền lực, nhưng nguy cơ mất quyền thậm chí còn lớn hơn.

Cựu hoàng sau cùng của nhà Thanh và chế độ phong kiến bị buộc phải thoái vị năm 1912. Hình chụp Phổ Nghi năm 1946 như một nhân chứng tại Tòa án quân sự quốc tế về vùng Viễn Đông (Vụ án Tokyo). Nguồn: https://adamcathcart.com/

Những người lập quốc Hoa Kỳ đã nhận ra vấn đề nan giải này. Họ lập nên một nền cộng hòa, thay vì một chế độ quân chủ, với một giám đốc điều hành được dân cử. Nhận thức sâu sắc về sự lạm dụng của “George, vị vua điên”, họ đã viết ra một Hiến pháp mà học giả tổng thống Richard Neustadt gọi là “những định chế độc lập phân quyền”. Bằng cách phân chia quyền lực giữa tổng thống, quốc hội và các tòa án, và bằng cách cấp cho họ những nguồn hợp pháp riêng biệt, họ đã tạo ra một hệ thống phức tạp, trong đó mỗi bên có thể kiểm soát và cân bằng với những định chế khác. Trong khi việc đó đã gây ra cuộc đấu tranh quyền lực liên tục khiến cho việc điều hành quốc gia trở nên lộn xộn và thường không đẹp đẽ, mục đích của họ, như Thẩm phán Louis Brandeis đã giải thích một cách nổi tiếng, là

“không phải để cổ súy hiệu quả mà là để ngăn chặn việc tùy tiện lạm dụng quyền lực.”

Thẩm phán Louis Brandeis

Tăng cường giới hạn hiến pháp với quyền lực tổng thống là tiền lệ khôn ngoan mà George Washington đã thiết lập khi ông từ chức sau hai nhiệm kỳ. Không ai phá vỡ truyền thống đó cho đến khi Franklin D. Roosevelt, người được bầu bốn nhiệm kỳ trong cuộc Đại khủng hoảng và Thế chiến II. Như một trong những đồng sự của ông châm biếm, cách duy nhất ông ấy rời khỏi Bạch Cung là trong một chiếc quan tài. Và đó là cách mà ông đã rời Tòa Bạch Ốc vào năm 1945. Trong vòng sáu năm sau khi ông qua đời, Quốc hội đã thông qua và 3/4 tiểu bang đã phê chuẩn Tu chính án thứ hai mươi hai, hiện nay giới hạn 2 nhiệm kỳ cho tổng thống.

Ngày 12 tháng 4 năm 1945 – Tổng thống Franklin D Roosevelt qua đời trong lúc tại chức. Nguồn: The New York Times

Nhưng Tu chính án đó không khóa chặt những con đường mà một tổng thống có thể tìm cách bám víu quyền lực. Lawrence Douglas, tác giả cuốn “Will He Go? Trump and the Looming Election Meltdown in 2020”, lập luận rằng hệ thống bầu cử hiện tại của Mỹ có một khuyết điểm giống như “khuyết điểm của Chernobyl”: Không có gì trong Hiến pháp hoặc luật liên bang bảo đảm việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình từ một tổng thống đương nhiệm sang người kế nhiệm.

Tại sao một người được bầu đứng đầu chính phủ phải chuyển giao quyền lực to lớn của tổng thống cho một đối thủ mà ông tin rằng có thể là mối đe dọa cho quốc gia, cho cảnh mộng và ngay cả cho chính bản thân mình? Chỉ vì một số người cho rằng đối thủ nhận được nhiều phiếu hơn trong một cuộc bầu cử mà cả hai bên đều tố cáo có sự bất thường và lạm dụng hay sao?

Trung tâm của sự chuyển giao quyền lực dân chủ là một tiêu chuẩn của sự tôn trọng đối với tiến trình. Tất cả các cuộc bầu cử có nhiều mâu thuẫn và sự khác thường. Nhưng các nền dân chủ thành công đòi hỏi một có căn cứ chắc chắn về sự tôn trọng tính hợp pháp của quy trình bầu cử — thực sự, sẵn sàng chấp nhận các kết quả lộn xộn, gây tranh cãi và ngay cả kỳ quái. Tuy nhiên, khi tinh thần bè đảng độc hại đã lan rộng vào mọi khía cạnh của chính phủ, các tuyên bố về việc đàn áp cử tri, bỏ phiếu bầu cử gian lận và lạm dụng trong việc loại bỏ cử tri và kiểm phiếu đang xói mòn giả định đó. Thật không may, quá trình mê cung giữa một cuộc bỏ phiếu của người dân và kết quả của một cuộc bầu cử tổng thống mang lại nhiều cơ hội cho những người nghi ngờ hoặc hoang tưởng cho rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận hoặc kết quả là một sự giả tạo.

Dù công dân trên toàn quốc sẽ bỏ phiếu cho tổng thống vào ngày 3 tháng 11, người đắc cử không phải chỉ được xác định bằng phiếu bầu của quần chúng cử tri mà do số phiếu của Đại cử tri. Tiến trình này có bốn bước, trong điều kiện bình thường, tạo ra một kết quả rõ ràng. Đầu tiên, trước cuộc bầu cử, phiếu bầu của Đại cử tri được phân bổ giữa các tiểu bang theo kết quả cuộc điều tra dân số Hoa Kỳ mỗi mười năm (giả định rằng điều tra dân số được hoàn thành đúng). Thứ hai, công dân bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ lựa chọn (và cử tri đoàn tương ứng) và mỗi tiểu bang sẽ kiểm phiếu theo thủ tục riêng. Thứ ba, các đại cử tri cho ứng cử viên chiến thắng ở mỗi tiểu bang họp, bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ cam kết và gửi báo cáo đó cho Quốc hội. Cuối cùng, vào ngày 6 tháng 1, một phiên họp chung của Quốc hội xác nhận số phiếu bầu cử của tiểu bang và tuyên bố một người đắc cử.

Để đắc cử, một ứng cử viên phải có 270 phiếu đại cử tri. Nhưng nếu không có ứng cử viên nào đạt đến con số đó, vì một số phiếu bầu cử ở tiểu bang đang bị khiếu nại hay không hợp lệ, Hiến pháp nói rằng Hạ viện chọn tổng thống và Thượng viện sẽ chọn Phó tổng thống. Khi đầu phiếu trong cuộc bầu chọn này, mỗi tiểu bang sẽ bỏ một phiếu duy nhất. Việc đảng Dân chủ chiếm đa số trong Hạ viện hiện nay không thành vấn đề. Điều quan trọng là ở 26 trong số 50 tiểu bang, đảng Cộng hòa nắm giữ đa số phái đoàn của Hạ viện. Nếu đảng Cộng hòa giữ được lợi thế này sau cuộc bầu cử tháng 11, họ sẽ bầu Trump. Mặt khác, nếu đảng Dân chủ thành công trong việc giành được một hoặc hai ghế từ đảng Cộng hòa ở một số bang bị chia phiếu khít khao, thì họ sẽ có đa số và sẽ bầu Biden. Nếu đảng Dân chủ chỉ lật được một tiểu bang, không đảng nào đạt được tối thiểu 26 phiếu. Hiến pháp không có hướng dẫn về những gì sẽ xảy ra sau đó.

Ngày 3 tháng 11 này sẽ không giống như bất kỳ cuộc bầu cử tổng thống nào trước đó. Một số tiểu bang đang đòi pahri bỏ phiếu trực tiếp, trong khi các tiểu bang khác cho phép bỏ phiếu qua thư ở mức chưa từng có. Nhiều tiểu bang đang thí nghiệm những cách bầu mới để bảo vệ phiếu bầu khỏi sự can thiệp của nước ngoài. Trong bối cảnh nhiều điều không chắc chắn có thể xảy ra, kết quả của cuộc bỏ phiếu tháng 11 có thể gây nhầm lẫn như cuộc bầu nội bộ ở Iowa vào tháng Hai. Chúng ta có thể thấy những thất bại trong hệ thống bỏ phiếu như thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ Georgia vào tháng trước, hay chờ đợi kết quả như trong các cuộc bầu cử quốc hội gần đây hơn ở New York và Kentucky? Dưới một đám mây mù cáo buộc gian lận và lạm dụng, người Mỹ có thể thấy cả hai ứng cử viên cùng tuyên bố đắc cử?

Đối với một số độc giả, ý nghĩ về một cuộc bầu cử tổng thống mà không có người đắc cử rõ ràng có vẻ huyền ảo. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã phải trải qua một số cuộc bầu cử tổng thống có nhiều tranh cãi nghiêm trọng, mỗi cuộc bầu cử như cậy đều nêu rõ những nguy cơ nó có thể xảy ra một lần nữa trong năm nay.

Trong cuộc tranh cử năm 1824 giữa John Quincy Adams và Andrew Jackson, Jackson rõ ràng đã giành được số phiếu cử tri và có số phiếu Đại cử tri lớn nhất trong mặc dù ông đã thiếu 32 phiếu để đạt đa số. Jackson tố cáo một cách đúng đắn là một “cuộc mặc cả tham nhũng”, khi Adams đã thỏa thuận với Henry Clay, người phát ngôn của Hạ viện, ứng cử viên tổng thống nhưng về hạng  tư trong số phiếu của Đại cử tri. Vì đã ủng hộ Adams, Clay trở thành ngoại trưởng của Adams. Mặc dù ông chấp nhận thất cử, Jackson đã dành bốn năm tiếp theo để tiến hành một cuộc chiến chính trị chống lại Adams, dưới quyền của ông ở Washington và trên khắp nước Mỹ với lý do nhiệm kỳ tổng thống của Adams là bất hợp pháp. Và khi hai người tranh cử một lần nữa vào năm 1828, Jackson đã thắng cử với một tỷ lệ lớn, mở cửa cho cuộc cách mạng của Jackson.

Một thập kỷ sau Nội chiến, cuộc bầu cử tổng thống năm 1876 thậm chí còn nhiều tranh cãi gay gắt hơn nữa. Ứng cử viên đảng Dân chủ, Samuel J. Tilden, đã đánh bại đảng ứng cử viên đảng Cộng hòa, Rutherford B. Hayes, trong số phiểu cử tri, nhưng còn 20 phiếu đại cử tri quyết định vẫn trong vòng tranh chấp. Khi không bên nào đồng ý với một kết quả, nước Mỹ chao đảo trên bờ vực hỗn loạn. Tổng thống sắp mãn nhiệm Ulysses S. Grant đã lập kế hoạch dự phòng sẽ áp dụng thiết quân luật, để đất nước không trở lại cuộc nội chiến. Cuộc bầu cử đó đã không được giải quyết cho đến nhiều tháng sau, khi các bên đi đến một thỏa thuận bí mật. Theo Thỏa hiệp năm 1877, Hayes trở thành tổng thống, nhưng đổi lại, ông đồng ý loại bỏ quân đội liên bang khỏi miền Nam, chấm dứt Thời kỳ tái thiết của Mỹ.

Năm 2000, cuộc tranh cử tổng thống giữa George W. Bush và Phó Tổng thống đương nhiệm Al Gore đã tùy vào một tiểu bang: Florida. Bush đã dẫn đầu đáng kể ở đó khi đêm bầu cử kết thúc. Nhưng đến sáng ngày hôm sau, các mạng truyền hình phải rút lại thông báo của họ về người đắc cử. Không thắng ở Florida, cả hai ứng cử viên đều không đạt được 270 phiếu đại cử tri cần thiết. Khi Florida bắt đầu đếm lại phiếu, các tranh chấp nảy sinh về việc liệu các lá phiếu ăkhông được bấm rõ ràng nên bị loại và cuối cùng, liệu có nên tiếp tục đếm lại phiếu hay không và đếm như thế nào. Vấn đề cuối cùng đã được đưa lên Tối cao Pháp viện, trong một quyết định 5-4 nghiêng về phe Cộng hòa – nói cách khác, đã để cho Bush đắc cử. Trong bài phát biểu nhượng bộ của mình, Gore nói:

“Không còn ngờ gì, dù tôi không đồng ý, tôi chấp nhận quyết định của Tòa án.”

Al Gore

Trong lịch sử, sự khác biệt giữa một tổng thống Hoa Kỳ và một vị Sa Hoàng là một người chấp nhận có thể thất bại ở thùng phiếu. Sau một cuộc vận động tranh cử nóng bỏng một năm trước khi đất nước tan rã trong cuộc nội chiến, Stephen Douglas đã thừa nhận với Abraham Lincoln với lời lẽ

“Tình cảm bè đảng phải nhường chỗ cho lòng yêu nước.”  

Stephen Douglas

Tuy nhiên, nguyên tắc rõ ràng đó có thể lụi tàn trong một cuộc tranh cử sát nút, đặc biệt là nếu tổng thống đương nhiệm khăng khăng giữ lấy quyền lực. Nếu xã hội của chúng ta vẫn còn bị rối loạn trong bối cảnh đại dịch đang tiếp diễn, nếu các biện pháp đàn áp cử tri khiến một số người Mỹ không có tiếng nói, nếu các lá phiếu gởi bằng bưu điện bị trục trặc và sự can thiệp của nước ngoài ảnh hưởng đến số phiếu bầu, và nếu các cuộc thăm dò ý kiến ​​cho thấy cuộc bầu cử đã kết thúc, các kịch bản ác mộng trở nên có thể xảy ra  hơn. Trong những điều kiện này, hy vọng tốt nhất cho nước Mỹ để thoát khỏi tình trạng khó xử của Sa Hoàng là bầu quyết liệt cho một ứng cử viên  đắc cử một cách bất khả tranh biện.

Graham Allison là cựu giám đốc của Trung tâm Belfer về Khoa học và Quốc tế Vụ thuộc trường Harvard Kennedy School và là cựu phụ tá bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ về chính sách và kế hoạch. Ông là tác giả cuốn “Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap?

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Trump Might Not Want to Relinquish Power| Graham Allison | The Atlantic | July12, 2020.
Chúng tôi muốn nghe những gì bạn đọc nghĩ về bài viết này. Gửi thư cho biên tập viên hoặc viết thư cho [email protected].