Tại sao phương Tây cảnh giác với sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Lưu Hiểu Ba | Hồ Như Ý dịch

Nói tóm lại, các quốc gia tự do không thể nào thực sự tin tưởng một quốc gia độc tài, chính quyền độc tài càng mạnh mẽ thì càng không đáng để tin tưởng. Vì vậy, trừ phi Trung Quốc chuyển đổi thành một quốc gia dân chủ, nếu không thì “Mối đe dọa Trung Quốc” sẽ luôn đồng hành cùng sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc.

Matt Harrison Clough

Sự trỗi dậy của một Trung Quốc độc tài thu hút sự chú ý của dư luận thế giới

Trong những năm gần đây, sự trỗi dậy nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng đưa tới nhiều sự chú ý của các quốc gia phương Tây.

Ngày 20 tháng 12 năm 2005, Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Lý Đức Thủy tuyên bố với dư luận: “Cuộc điều tra kinh tế toàn quốc lần đầu tiên đã kết thúc thành công”, nhận thấy rằng đã bỏ sót 2.3 nghìn tỉ Nhân Dân Tệ trong báo cáo thống kê, do vậy tăng trưởng GDP của năm 2004 là 16%, đạt mức 15.98 nghìn tỉ Nhân Dân Tệ, tổng sản lượng nền kinh tế Trung Quốc đã có nước nhảy vọt lên vị trí thứ 6 thế giới, vượt qua Italy. Trên cơ sở này, tăng trưởng GDP của năm 2005 là 9.4%, tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc sẽ lên vị trí thứ tư thế giới, vượt qua Anh và Pháp.

Tuy nhiên Lý Đức Thủy đặc biệt chỉ ra: Không nên chỉ nhìn vào tổng sản lượng GDP, mà cần nhìn vào bình quân GDP, nếu dựa trên bình quân GDP đầu người thì Trung Quốc không lọt vào top 100.

Tuy nhiên, dư luận trong nước cũng rất phấn khích, còn các quốc gia Âu Mỹ thì nối tiếp nhau tập trung sự chú ý vào sự thách thức đến từ Trung Quốc, một lần nữa hâm nóng lại “Thuyết đe dọa Trung Quốc”, thủ tướng Anh Quốc Blair cho biết: Để đáp lại thách thức đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, các quốc gia phương Tây nên đẩy mạnh cải cách.

Sự trỗi dậy có đáng sợ hay không, chìa khóa nằm ở thể chế

Tuy vậy, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất hoặc quốc gia đầu tiên ở Đông Á có sự trỗi dậy về kinh tế. Trên thực tế, trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đều vượt qua Trung Quốc. Trong vòng 10 năm từ 1945 đến 1955, kinh tế Nhật Bản phục hồi trở lại mức trước chiến tranh; kinh tế Nhật Bản bắt đầu tăng trưởng cực nhanh trong thời gian sau đó, mức tăng trưởng GDP hàng năm lên tới 10% và kéo dài tới 18 năm. Vào năm 1968, Nhật Bản với mức GDP 159.7 tỉ USD đã trở thành cường quốc kinh tế tư bản chủ nghĩa, vượt qua các quốc gia khác như Tây Đức, Anh, Pháp. Từ sau năm 1973 thì mức tăng trưởng GDP trung bình là 5%, tiến vào thời kỳ phát triển ổn định, cho đến giữa thập niên 1980 thì trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Nhật Bản không chỉ là tổng sản lượng GDP, mà còn là chỉ số GDP bình quân đầu người. Vào năm 1950, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản chỉ tương đương với một phần mười bốn của Hoa Kỳ (131 USD so với 1897 USD), nhưng đến năm 1987, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản đã lần đầu tiên vượt qua Hoa Kỳ; cũng có nghĩa là, trong khoảng thời gian khoảng 40 năm, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản đã tăng 151 lần. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đem lại lợi ích cho tất cả các tầng lớp xã hội nói chung, không hề bị phân hóa một cách cực đoan thành hai cực giống như Trung Quốc. Nhìn từ góc độ công bằng trong phân phối của cải xã hội, trong số 7 quốc gia chủ nghĩa tư bản phát triển phương Tây, nền kinh tế Nhật Bản tuy có quy mô lớn thứ hai nhưng lại là quốc gia có chênh lệch giàu nghèo nhỏ nhất, cũng có nghĩa là đây là một trong những quốc gia có phân phối thu nhập công bằng nhất, hệ số Gini của Nhật Bản cũng chỉ ở mức 0.285.

Từ đó có thể thấy, tốc độ Nhật Bản đuổi kịp các cường quốc phương Tây còn nhanh hơn tốc độ hiện tại của Trung Quốc, họ chỉ dùng quãng thời gian không đến 20 năm. Quan trọng hơn, hiệu quả xã hội mà sự bắt kịp này sản sinh ra phần lớn là mang tính tích cực, nó không chỉ là sự bắt kịp kép về tổng sản lượng kinh tế lẫn thu nhập GDP bình quân, mà còn là sự đề cao toàn diện về các giá trị, chế độ chính trị và công bằng xã hội.

Nhật Bản và Trung Quốc đều là những quốc gia Đông Á đã từng có chiến tranh với Hoa Kỳ, nhưng sự trỗi dậy của nền kinh tế Nhật Bản đã không gây ra sự lo sợ ở phương Tây, càng không hề có sự thịnh hành của “Mối đe dọa Trung Quốc”; ngược lại, các quốc gia phát triển phương Tây đem Nhật Bản xem là một thành viên của “Nhóm G7”, và chính nhóm này đã trở thành lực lượng chủ đạo thống trị phương hướng, tốc độ và quy mô của kinh tế thế giới.

Trong khi đó, tốc độ và chất lượng sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc đều thua kém rất xa so với Nhật Bản vào thời điểm đó, nhưng lại bị các quốc gia phương Tây xem là mối đe dọa lớn nhất. Nguyên nhân của chuyện này nằm ở chỗ tính tà ác của thể chế chính trị Trung Quốc không hề có sự thay đổi về căn bản. Bài học lịch sử đã cho hậu thế thấy rằng, một quốc gia độc tài có thực lực mạnh mẽ là điều hết sức nguy hiểm. Bởi vì:

Mọi chuyện đang thay đổi. Nguồn: Economist.com
  1. Độc tài tất yếu sẽ bành trướng

Nhìn từ góc độ bản chất của chế độ, chính quyền độc tài luôn có bản tính mở rộng lãnh thổ một cách không có giới hạn, đi cùng với sự gia tăng nhanh chóng về thực lực, ý chí bành trướng của kẻ độc tài lãnh đạo tất yếu cũng tăng lên, sự xuất hiện của ngoại giao nước lớn chính là biểu hiện của loại ý chí bành trướng này. Điều càng quan trọng hơn là, khuynh hướng bành trướng cố hữu của chính quyền độc tài sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm bởi quyền lực tuyệt đối đã khiến nó lũng đoạn trong tay phần lớn nguồn lực quốc gia. Nó có thể hành động tùy ý mà bất chấp sự thừa nhận và ủy quyền của dư luận, có thể nhanh chóng tập trung sức mạnh của cả quốc gia để phục vụ theo ý chí của nhà lãnh đạo độc tài. Chính quyền độc tài Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay đang không ngần ngại chi rất nhiều tiền nhằm tiến hành hiện đại hóa quân sự và các công trình hàng không vũ trụ, đầu tư rất nhiều khoản tiền khổng lồ ở nước ngoài nhằm nâng cao hình ảnh chính quyền (ví dụ như công trình Thế vận hội, công trình văn hóa ở hải ngoại cùng dự án đưa điện ảnh Trung Quốc ra thế giới). Tập đoàn quả đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngần ngại dùng những đơn đặt hàng lớn để tiến hành du thuyết đối với các quốc gia Âu Mỹ, các công ty lớn của Trung Quốc tham gia vào làn sóng mua lại, sát nhập thương mại quốc tế, đặc biệt là trong hai năm qua, họ đã tăng cường viện trợ không hoàn lại cho các quốc gia lưu manh trên thế giới (ví dụ như Hồ Cẩm Đào và các quan chức cấp cao đã có chuyến thăm một loạt quốc gia như Bắc Triều Tiên, Cuba, Sudan, mỗi khi đi tới đâu thì hào phóng ném tiền tới đó).

  1. “Căn tính Sói” trở thành đồ đằng mới của quốc dân

Nhìn từ góc độ tâm lý xã hội, chính quyền độc tài có quyền lũng đoạn về quyền ngôn luận và thông tin, nó có thể thiết lập một ý thức hệ chính thức và thống nhất thông qua việc nhồi sọ và lừa dối mang tính cưỡng ép. Hiện tại, khi mà ý thức hệ chủ nghĩa cộng sản đã sớm bị phá sản từ lâu, nhằm xây dựng lại tính chính danh của một đảng độc tài, nó nhất định sẽ dùng chủ nghĩa dân tộc hoặc chủ nghĩa yêu nước xem là cốt lõi ý thức hệ, về đối nội thì nhồi nhét ý thức về nỗi nhục quốc gia và tự ngạo dân tộc, đối ngoại thì nhồi nhét cảm xúc hận thù và ý thức đối địch, kích động chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt đang ngày càng dâng cao, dung túng căn tính sói mang tính hiếu chiến, khiêu khích nhằm vào các phong trào chủ chống Hoa Kỳ, chống Nhật Bản, chống Đài Loan độc lập. Hiện nay, sùng bái căn tính sói đang trở thành một trong những đồ đằng mới của ý thức quốc dân, nó tràn ngjap trong những ngôn luận của tầng lớp thanh niên trẻ yêu nước và thành phần tân tả phái, cũng thúc đẩy cho cuốn tiểu thuyết “Totem Sói” tiếp tục bán chạy.

3. Mâu thuẫn xã hội thúc đẩy khủng hoảng bùng phát

Từ góc độ ổn định xã hội, sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc đã phải đánh đổi bằng một cái giá rất lớn về công bằng xã hội, những người hưởng lợi chính từ nền kinh tế tăng trưởng cao đều không liên quan đến đại đa số người dân Trung Quốc mà chỉ có một số cực ít những thành phần thân thuộc của chính quyền, khiến cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng được nới rộng và không có dấu hiệu thu hẹp. Đi cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc, hệ số Gini chỉ mức bất bình đẳng trong thu nhập ngày càng tăng trưởng nhanh chóng, ở mức 0.18 vào năm 1978, tăng lên 0.382 vào năm 1988, 0.467 vào năm 1994, hiện tại thì hệ số Gini đối với thu nhập cá nhân và gia đình hàng năm lần lượt là 0.529 và 0.561, vượt xa chỉ số bình quân của quốc tế mang tính cảnh báo là 0.35, và khoảng cách trong thực tế có khả năng còn cao hơn. Bởi vì, những người đứng tên trong bảng xếp hạng tài sản đứng đầu Trung Quốc chỉ là những trọc phú giàu xổi mới nổi, là phần nổi của tảng băng trôi trong quần thể những người giàu có mà thôi. Những lỗ hổng của thể chế xã hội đem lại cảm giác không an toàn khiến cho phần lớn những người giàu có không nguyện ý “để lộ sự giàu có”, đặc biệt là các gia tộc liên quan đến tầng lớp quan chức cấp cao trong chính quyền từ trung ương đến địa phương, họ chính là tầng lớp được hưởng lợi lớn nhất từ công cuộc cải cách khập khiễng của Trung Quốc. Dư luận cũng không biết được những gia tộc tư bản đỏ như gia tộc Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Giang Trạch Dân, Lý Bằng có bao nhiêu tài sản bí mật.

Hiện nay, bất luận là những cuộc điều tra khảo sát về phân phối của cải do Trung Quốc hay nước ngoài thực hiện thì đều chứng cho thấy rằng, Trung Quốc đã được công nhận là một trong những quốc gia có sự bất bình đẳng lớn nhất trên thế giới về phân phối của cải, đặc biệt là khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thông ở Trung Quốc đang đứng đầu thế giới. Chính điều này đã khiến cho những mâu thuẫn dẫn tới khủng hoảng xã hội không ngừng tích tụ, phản kháng của người dân ngày càng kịch liệt, sự ổn định trên bề mặt đang nằm ở tình cảnh hết sức mong manh như nằm trên ngọn núi lửa chực chờ bùng phát. Những bất ổn và khủng hoảng được tạo nên từ những thói tật của chính quyền độc tài cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho các quốc gia phương Tây xem Trung Quốc là một mối đe dọa.

Nói cách khác, cho đến tận hiện tại thì chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn dùng thái độ thù địch với dư luận, không cách nào dùng phương thức mềm mỏng để ứng đối những đòi hỏi bảo vệ quyền lợi từ phía người dân, càng không thể nào tìm được biện pháp để có thể hòa hoãn những nguy cơ mang tính hệ thống. Điều này khiến cho những cuộc xung đột bạo lực quy mô lớn giữa chính quyền và người dân không ngừng xảy ra, rất dễ gây ra những cuộc khủng hoảng xã hội toàn diện. Mà khi một nước lớn với dân số 1.3 tỉ người xảy ra những cuộc khủng hoảng toàn diện, chắc chắn nó sẽ tạo nên những xung đột mạnh mẽ đối với trật tự quốc tế.

Các quốc gia tự do sẽ không tin tưởng và các chế độ độc tài

Mặc dù hiện tại thì Trung Quốc còn xa mới có đủ sức mạnh để có thể chống lại các quốc gia tự do, cũng không thể nói rấngu 20 năm nữa sẽ trở thành cường quốc số 1 xưng bá thế giới. Tuy vậy, một mặt thì sự cuồng vọng quyền lực cùng chủ nghĩa dân tộc bị dẫn dắt bởi chính quyền độc tài đang khiến họ đi về phía mất lý trí và sự cuồng nhiệt mù quáng tiêu diệt những giá trị phổ quá, tất cả đều là những bước chuẩn bị cho sự xưng bá của tâm thái thiên hạ đáng sợ trong tương lai. Mặt khác, chính quyền độc tài không cách nào giải quyết được những khủng hoảng xã hội thâm tầng cũng như hòa hoãn những nguy cơ xung đột giữa chính quyền và người dân đang ngày càng kịch liệt, rất có thể trước khi bùng nổ một cuộc khủng hoảng và xung đột nội bộ, thì chính quyền độc tài Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sử dụng một hành động bành trướng ra bên ngoài để ngưng tụ nhân tâm và chuyển dời mâu thuẫn.

Nói tóm lại, các quốc gia tự do không thể nào thực sự tin tưởng một quốc gia độc tài, chính quyền độc tài càng mạnh mẽ thì càng không đáng để tin tưởng. Vì vậy, trừ phi Trung Quốc chuyển đổi thành một quốc gia dân chủ, nếu không thì “Mối đe dọa Trung Quốc” sẽ luôn đồng hành cùng sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc.

Viết tại nhà riêng, Bắc Kinh ngày 31 tháng 12 năm 2005

Động Hướng số tháng 1 năm 2006


Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”