50 năm những vị thừa sai Canada gieo trồng hạt giống Phúc âm ở Việt Nam

Nguyễn Văn Lục

Nếu tính đến 2020, lịch sử của dòng Chúa Cứu Thế (DCCT, Congregatio Sanctissimi Redemptoris; La Congrégation du Très Saint Rédempteur, CSsR) có mặt tại Việt Nam chỉ còn 5 năm nữa là tròn 100 năm.

Sanctuaire Sainte-Anne-de-Beaupré. Nfuoofn: Google Maps

Nhiều người trong số bạn bè, các vị linh mục thuộc tu hội Dòng Chúa Cứu Thế mà tôi biết đã không còn nữa. Người viết xin được phép ghi lại một số sự việc xảy ra trong những năm này theo những tài liệu chính thức ghi lại và một đôi dòng về những kỷ niệm gần gũi với các vị thừa sai ấy.

 Xin đặc biệt cám ơn anh Hồ Công Hưng đã gởi một số tài liệu thứ cấp như một khởi đầu cần thiết cho bài viết này.

Tài liệu chính, cấp một, phần lớn do các thừa sai CSsR ghi lại như Les nôtres au Viet Nam. Mission accomplie gồm tiểu sử ngắn của 66 thừa sai và những công việc chính mà họ đã làm tại Việt Nam và Les semeurs au Vietnam do Nguyệt san Dòng Chúa Cứu thế chép theo tài liệu do Alexis TRÉPANIER biên soạn, lưu trữ tại trang mạng https://theinquiry.ca/. Tài liệu thứ ba đồ sộ nhất, gồm 14 tập do các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế tỉnh dòng Sainte-Anne-de-Beaupré: Gérard GAGNON, Alexis TRÉPANIER và Michel LALIBERTÉ biên soạn năm 1984 nhan đề 50 ans au Việt-Nam. Tập tài liệu này cũng là cơ sở chính mà tác giả Eric Vincent đã tham khảo để hoàn thành luận án Cao học khoa Sử, Đại học Québec tại Montreal tựa đề La mission des Rédemtoristes Canadiens Francais au Viet Nam entre 1925 et 1975, 2012. Trong những trích dẫn “50 ans au Việt-Nam”, Vincent đã dẫn 7 chú thích liên quan đến Gérard Gagnon và 10 chú thích về Alexis Trépanier.

Bài viết này phần lớn dựa trên tác phẩm nói trên của Éric Vincent.

Năm mươi năm; biết bao nhiêu biến cố chính trị, lịch sử, xã hội, tôn giáo phức tạp tròng tréo lên nhau cần được tìm hiểu, chia xẻ với tư cách người Việt Nam, đối với các thừa sai ngoại quốc, các phe phái bên này bên kia, quả là việc không đoen giản.

Trước hết là một tấm lòng. Người viết muốn bày tỏ lòng biết ơn xâu xa trong 4 năm được học tại trường DCCT từ 1949, lớp 11 đến năm 1953, lớp 8 tại Ấp Thái Hà, Hà Nội. Bốn năm vắn gọn để lại dấu ấn khó quên.

Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam

Fère St-Pierre,
CSsR
Lm Larouche<
CSsR

Khởi đầu, đoàn thừa sai sang Việt Nam tháng 10, năm 1925 gồm 2 linh mục Hubert Cousineau (về nước năm 1932), Eugène Larouche (về Canada năm 1976) và Sư huynh Barnabe St-Pierre (về Canada năm 1936). Lm Larouche được coi như người sáng lập Dòng, còn được gọi một cách thân thương là “Ông nội” bị trục xuất ra khỏi Việt Nam trên chuyến bay từ Tân Sơn Nhất ngày 9 tháng 7, năm 1976).

Họ đã khởi hành từ Québec, từ tỉnh dòng tại Sainte-Anne-de-Beaupré ngày 16-10-1925 trên chuyến xe lửa của Công ty Canadien Pacific và ngày 26-10, họ đến Vancouver, rồi lên tàu Empress of Australia đến Hong Kong ngày 20-11, sang tàu Sông Bô, họ đến Hải Phòng sáng thứ năm 26-11. Từ đây, họ đáp xe lửa vào Huế. (Trích theo cuốn tiểu sử “Cha Eugène Larouche, 51 năm thừa sai DCCT tại Việt Nam” do Lm Nguyễn Tự Do viết. Xuất bản chui năm 2009. Sau này được in lại, có bày bán tại nhà sách 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn.)

Đọc đến đây đã thấy đã thấy phức tạp nhiều mặt về chính trị, xã hội, lịch sử. Những hoạt động của các thừa sai thì quá nhiều, đa dạng thích ứng trong từng thời kỳ biến động chính trị Việt Nam. Eric Vincent trong luận án, sau khi dân chưng một số ví dụ về kinh nghiệm của các thừa sai đã nhận định: “kinh nghiệm của những người truyền giáo là rất nhiều và khó tóm tắt.”

Ces deux exemples et les autres présentés dans les chapitres précédents,
nous amènent à la conclusion que l’expérience des missionnaires est multiple et
difficile à résumer.

Éric Vincent, ibid., trang 92)

Éric Vincent đã nhận xét như thế thì người viết bài này nếu có sai sót cũng xin bạn đọc thứ lỗi.

Việc Vatican quyết định mời dòng Chúa Cứu Thế ở Sainte-Anne-de-Beaupré, Quebec, Canada sang Việt Nam là một quyết định khôn ngoan, có suy tính và chọn lựa. Vincent viết

“Nếu Giáo hội Pháp là lãnh đạo của phong trào truyền giáo này, thì nó đã phải đối phó với những thách thức lớn, chẳng hạn như ở Đông Dương. Ở đó, mối liên hệ quá chặt chẽ, theo khẩu vị của Rôma, giữa những người truyền giáo và thực dân đã khiến Vatican phải kêu gọi các giáo đoàn từ những quốc gia được gọi là “trung lập”.

Éric Vincent, ibid., trang 8.

Trước đó, việc cai trị của Người Pháp đã để lại nhiều tồn tích khen ít, chê nhiều. Ngay chính tại nước Pháp thì từ năm 1905 đã có tinh thần chống giáo trị (anti-clérical). Và các quyền lợi của nhà thờ bị chế tài, xung công tiến sang giai đoạn Thế tục hóa. Thế nhưng, tại Việt Nam, các giáo sĩ thuộc hội Thừa sai Ba Lê (Missions étrangères de Paris, MEP) lại được các chủ nhân ông thuộc địa bênh vực mỗi khi bị bị đàn áp. Tinh thần ấy gây tai hại và làm mất uy tín của các thừa sai M.E.P nhiều với dân bản xứ. Họ mang cái tiếng là “Thập giá-và lưỡi gươm”. Người theo đạo Thiên chúa giáo bị vu cáo là “theo Tây, bán nước”

Tai tiếng ấy không dễ mà rửa cho sạch. Nhưng người dân theo đạo không thể bán những gì mà người ta không có. Giáo dân là nạn nhân số một của chính sách người Pháp, của các thế lực chính trị và sự kỳ thị tôn giáo. Họ phải tập sống co lại thành tập đoàn để sống còn và bảo vệ niềm tin của họ. Cái hay cái dở của điều này cũng dễ nhận thấy và là đối tượng của những phê bình chỉ trich đủ loại. Thiểu số trong nhiều hoàn cảnh tự nó đã là một thiệt thòi, nói chi cũng bằng thừa.

Tòa thánh Vatican nhận thức được điều đó đã mà họ đã phái đoàn truyền giáo sẵn có chủ trương tiến bộ là dành cho Giáo hội bản xứ quyền tự trị, địa phương hóa. Và việc bổ nhiệm 4 giám mục tiên khởi Việt Nam nằm trong cái tinh thần đó. Bên cạnh đó, Vatican muốn có một hàng giáo sĩ truyền giáo đến từ những quốc gia “trung lập”, không có thuộc địa, không mang tiếng “thực dân”.

Lm Patrick Murray (1909-1947). http://www.cssr.news/
Hồng Y Willem Marinus Van Rossum. https://www.zwolleinbeeld.nl

Canada, đặc biệt, CSsR ở Sainte-Anne-de-Beaupré đáp ứng đòi hỏi đó. Hồng Y Willem Marinus Van Rossum, một tu sĩ Hòa Lan dòng Chúa Cứu thế, Giám quản Tông Tòa Tây Nam Trung Hoa thuộc Thánh bộ Truyền Giáo đã yêu cầu Lm Patrick Murray, người Ái Nhĩ Lan, Bề trên Tổng quyền DCCT gửi các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đến Việt Nam. Công tác này được giao cho tỉnh dòng Sainte-Anne-de-Beaupre. Lm Giám tỉnh Thomas Pintal, đã cử một nhóm ba tu sĩ với Lm Hubert Cousineau làm bề trên, và họ thành lập tỉnh dòng tại Huế vào ngày 8 tháng 12 năm 1925. (Nguồn: S. J. Boland C. SS. R. trong A DICTIONARY of the REDEMPTORISTS, 1987 Collegium S. Alfonsi de Urbe đã trích dẫn lại Thomas Pintal, Les Peres Redemptoristes dans l’Indochine Française, Sainte-Anne-de-Beaupre, 1928.)

Nhưng các thủ tục hành chánh đòi hỏi có sự chấp thuận của giới chức có thẩm quyền. Lúc ấy ở Québec không ai có chút ý niệm gì về cánh đồng truyền giáo xa xôi ấy. Họ chỉ biết có nước Tàu ở Viễn Đông nên Bề trên dòng đồng ý chấp thuận đánh điện với hai chữ “Chine acceptée” vào ngày 24-11-1924.

[ DCVOnline: Vào thời điểm này Việt Nam là một nước thuộc địa của Pháp thuộc Indochine (Đông Dương) gồm Tonkin (xứ Bắc Kỳ bảo hộ), Annam (xứ Trung Kỳ bảo hộ) và France Cochinchine (xứ Nam Kỳ, thuộc địa của Pháp)]

Giám mục Huế Eugene Marie Joseph Allys. Nguồn: https://conducmevonhiem.org/

Thánh Bộ Truyền giáo muốn quốc tế hóa sự hiện diện của người truyền giáo ở Đông Dương, nhưng chính quyền thực dân Pháp cấm những nhà truyền giáo thuộc một số quốc tịch nhất định và chỉ cho phép các linh mục được đào tạo tại Pháp đến Đông Dương; trong lá thư ngày 30 tháng 1 năm 1925 gửi cho Hồng y Van Rossum, Giám mục Huế Eugene Marie Joseph Allys quy định rằng các nhà truyền giáo phải có quốc tịch Pháp hoặc đã “đồng hóa” và người Đức hoặc người Mỹ sẽ không thể chập nhận được. Đó là lý do Lm Patrick Murray đã đến Sainte-Anne-de-Beaupré vào năm 1923. (Éric Vincent, Ibid., trang 41-2)

Giám mục Bề trên của M.E.P Jean-Baptiste-Marie Budes de Guébriant. Wikipedia.org

Ngoài ra, Hồng Y Van Rossum phải tham khảo với Bề trên của M.E.P, giám mục Jean-Baptiste-Marie Budes de Guébriant. Mọi cánh cửa hình như thuận lợi vì nhu cầu truyền giáo và Dòng DCCT đã có mặt ở Việt Nam từ năm 1925. Và nhận xét Giám mục Guébriant trong một thông tư của MEP coi việc DCCT đến Đông Dương như một luồng gió mới hay đúng nghĩa nguyên văn “sang neuf”, dòng máu mới cho Việt Nam. Và quả thật làn gió mới ấy đã thổi bay các lớp mây mù thế kỷ kéo dài gần trăn năm Nhưng một số thừa sai Pháp đã nói đến một “La Vieille Ross” (ông già Ross) như một hỗn danh gán cho Hồng Y Van Rossum vì cho rằng ông phủ nhận công trình đóng góp của thừa sai Pháp tại Việt Nam. (Eric Vincent, Ibid., trang 43)

Tỉnh bang Québec, Canada vốn là một xứ đạo thuần thành còn vượt cả nước Pháp đang trên đà suy thoái. Quebéc lúc bấy giờ còn sùng đạo, vì thế hân hoan chào đón quyết định này và hàng ngàn người đã có mặt tại Sainte-Anne-de-Beaupré để tiễn đưa đoàn thừa sai lên đường.

Nói thêm một chút về Québec này cho những ai chưa có cơ hội tiếp xúc. Nhà thờ ở đây rất nhiều và khu phố nào cũng có tháp chuông nhà thờ. Ngày nay đang trong thời kỳ suy thoái trầm trọng. Nhà thờ thì có mà giáo dân thì không. Nhiều nơi phải “nhập cảng” người chủ chiên da đen rành tiếng Pháp như thể có một sự truyền giáo ngược dòng. Ngọn gió Phúc âm đem hạt giống tin mừng đi khắp nơi nay cần tưới tiêu trở lại? Tên các đường phố có rất nhiều tên các vị thánh đủ loại.

Oratoire Saint Joseph. Nguồn: SAINT JOSEPH’S ORATORY

Ngoài ra còn một ngôi đền là Oratoire Saint Joseph, do Frere André Bessette bỏ công gầy dựng để vinh danh thánh Joseph. Thày André vốn được giao trách nhiệm gác cửa và tiếp khách trường Trung học Collège Notre-Dame khi còn sanh tiền. Ông đã được Giáo hoàng Benedict XVI phong là Saint André of Montreal, ngày 17 tháng Mười, 2010 tai Công trường Saint Peter, Vatican City. Đền Saint Joseph hàng năm thu hút hàng triệu khách hành hương trên thế giới dù tôn giáo chỉ còn là những biểu tượng quá khứ đã có một thời. (Đọc thêm Jean Hamelin Histoire de l’Église au Québec)

Nhìn lại thành quả của cánh đồng truyền giáo thời xa xưa trong niềm xót xa lẫn vui mừng mà mỗi luống cầy vỡ đất được xới lên pha đậm mồ hôi, nước mắt và máu nữa. Ngày hôm nay vui mừng mà thấy rằng việc truyền giáo mà cánh đồng nay chỉ cần thợ gặt hơn là thợ cầy. (Đọc thêm Choix des lettres Edifiantes, écrites des Missions étrangères gồm nhiều tập, Paris 1835).

Chuyện ngày xưa

Xin bắt đầu vào chuyện.

Những năm tháng truyền giáo của DCCT ở Việt Nam.

Đây là lúc cần có một sàng lọc chỉ chọn một số những hoạt động nổi bật và tiêu biểu cho 50 năm truyền giáo đưa đến những thành quả tốt đẹp được nhìn nhận..

Điều thứ nhất là chính sách Hội nhập. Có thể nói chính sách hội nhập là khuôn mẫu của DCCT giúp duy trì và vượt qua mọi trở ngại trong suốt 50 năm truyền giáo. Chính sách ấy khởi đi từ thái độ biết lắng nghe và tôn trọng những người Việt đã mở tay đón tiếp họ như người Thiên Chúa giáo nói riêng cũng như người Pháp trong từng chi tiết, nhiều khi nhỏ nhặt. Chẳng hạn không có thái độ kẻ cả ở trên, trịch thượng, “Thuyết giáo” (Proselytisme). Tránh được gọi là các “cố đạo” thay vì “Cha”. Bằng cách nào, từ bao giờ. Tôi luôn nghe họ được gọi là các cha DCCT.

Chỉ cần tỏ ra khác người, hơn người đã là một trở ngại lớn trong việc Hội Nhập và thất bại trong việc truyền giáo mà nguyên tắc là phải được nhìn nhận..

Thành bại là ở chỗ ấy. Tất cả tùy thuộc vào thái độ ứng xử của các linh mục thừa sai DCCT. Ai đã có dịp gần gũi họ đều có thể cảm nghiệm được điều ấy. Thái độ mềm dẻo ấy không có nghĩa là khéo, huề cả làng. Khi cần vẫn chứng tỏ họ can đảm và cứng rắn. Điểm tích cực là các thừa sai còn chịu khó học hỏi, đào sâu văn hóa truyền thống Việt để dùng làm chất liệu khi giảng theo cái tinh thần: Nói phải củ cải cũng nghe. Những nét đẹp còn ở chỗ chọn các thày đã khấn trọn đời sang Việt Nam học chung với các tu sinh người Việt. Việc sống chung đã giúp họ chia sẻ, hiểu tiếng Việt cũng như tập tục xứ người. Đây cũng là tinh thần hội nhập mang đủ ý nghĩa của chính nó. Đây cũng là một luồng gió mới, vì trước đây chỉ có các cha cố được quyền sang giảng đạo.

Các nhà truyền giáo CSSR cũng ngăn cấm việc để râu, hoặc đội cái mũ cô lô nhền (colonial, thuộc địa).

[DCVOnline: Trong tài liệu Les semeurs au Vietnam của Trépanier gồm tiểu sử ngắn của 66 nhà truyền giáo DCCT tại Việt Nam với ảnh chụp chân dung không có tên và ảnh của Lm Hubert Cousineau. 14 trên 66 tu sĩ là những người để râu (thường là râu rậm); Lm Eugène Larouche và Sư huynh Barnabe St-Pierre cũng là hai vị tu sĩ có râu.]

Nhưng tôi vẫn chưa tìm ra lời giải đáp, dù hiệ được, như các thừa sai phải ăn riêng, theo menu Tây. Nhưng còn việc cấm họ không được đi xe đạp thì đành chịu.

Từng chi tiết đã được cân đo, tính toán, cũng như tự lập về tài chánh, không lệ thuộc vào các địa phận. Nói thì dễ, nhưng thực hiện không dễ phải nhờ vào tài xoay sở của các thừa sai. Éric Vincent đã nhấn mạnh điểm này.

Tinh thần luồng gió mới còn có những điểm tiến bộ là vứt bỏ những thành kiến xấu về những người vì nhiều lẽ đã rời bỏ nhà dòng. Tôi đã ngạc nhiên không ít và thich thú vì luồng gió mới thổi bay hai chữ “tu xuất” vốn hàm ý khinh miệt.

Nhiều vị tu sĩ, linh mục triều (linh mục có giáo phận, Diocesan priests) đã đem hăng say tuổi trẻ, nguyện tu hành.. Lúc lớn lên, niềm say mê nguội dần, lòng mộ đạo như bếp tro trấu đã nguội. Nhưng đã không đủ can đảm dứt áo triều bỏ đi ra. Điều đó tạo ra một cuộc sống tu trì như lấy phải người vợ không hợp tính nết. Cái lý lẽ ở đời là sống phải hạnh phúc, có niềm tin vào cuộc sống. Đi tu mà thấy khổ, thấy chán thì không nên tu, vì như thế là tự dối mình và lừa dối người khác.

Phải như thể bài hát dễ thương: “Ai bao chăn trâu là khổ. Chăn trâu sướng lắm chứ..ư..”

Người đề nghị điều này là linh mục Gérard Gagnon. Lại cũng là ông.

Trong phần viết về thành phần những người trở về thế tục (không còn là tu sĩ). Trong hành trình tu trì mà có thể một chọn 10, đã có hằng trăm tu sinh đã bỏ cuộc. Không ai hỏi số phận những 9 người kia đi đâu, họ làm gì. Hội nhập khi đã lớn tuổi đã lỡ một thời tuổi trẻ. Nhất là các nữ tu chỉ có một thời con gái đã qua một lần là không bao giờ trở lại! Vậy mà nhiều người đã chọn con đường khác và vẫn giữ mối liên hệ với bạn bè và giáo sư trong nhà dòng. Sau đó, nhờ được vốn giáo dục họ có thể là những sĩ quan trong quân đội hay giữ nhưng chức vụ trong hệ thống chính phủ, cảnh sát dưới thời Đệ nhất Cộng hòa. Éric Vincent khơi nguồn cho thấy hàng giáo phẩm Việt Nam còn chểnh mảng nhiều thứ như khi các tu sĩ về già, khi đi học tập cải tạo trở về, bị bỏ rơi như những đứa con vô thừa nhận. Một tổ chức ái hữu cựu tu sinh Amicale des anciens juvénistes (ADAJ) đã thành hình từ 13 tháng tám, năm 1944. Họ là một phần của giới ưu tú trong xã hội miền Nam Việt Nam mà chủ tịch danh dự và cố vấn tinh thần là “Ông nội”, Lm Laroucche. Thâm tình thầy trò giữa những cựu tu sinh và nhà truyền giáo bàng bạc trong thư từ trao đổi với nhau. Ví dụ, năm 1972, Laurent Phát, một sĩ quan, tâm sự với người thầy cũ của mình (J.M. Labonté) khi phải đối đầu với những kẻ thù được trang bị vũ khí tối tân hơn. Dù có những ràng buộc tình cảm như thế, nhiều linh mục Quebecois đã chọn quay trở lại Canada và năm 1964. (Eric Vincent, Ibid., trang 91-92).

Xin có một lời trân trọng.

Nhưng về mặt sách lược thì điểm tích cực nhất vẫn là thái độ “trung lập” mà gáo triều Vatican đã kỳ vọng ở nơi họ. Éric Vincent đã trưng dẫn nhiều về điều này đã đem lại cái lợi thế tránh được nhiều những rắc rối về mặt chính trị. Đây là kinh nghiệm kế thừa từ thời Pháp. Người Canada không không phải là thực dân đi chính phục thuộc địa là một ưu điểm.

Người Nhật chiếm Đông Dương trong thời gian 4 năm, từ 1941-1945 cho thấy họ coi thừa sai DCCT không phải là người Pháp, mặc dầu hình hài thể xác khó phân biệt. Nhưng nó như cũng báo hiệu sự có mặt của người Pháp ở Đông Dương đến hồi suy tàn. Các thừa sai DCCT như người ngoài cuộc đứng ngoài các diễn biến chính trị đang xảy ra. Có lúc họ treo cờ Anh như chứng tỏ điều ấy được hiểu lầm “ngoài ý muốn”.

Trong cuộc xung đột giữa kháng chiến Việt Minh và hàng tu sĩ cũng như giáo dân đã trở thành đối tượng của các cuộc truy lùng và tàn sát giáo dân sau khi đã có thời gian Giám mục Lê Hữu Từ có tuần trăng mặt với Hồ Chí Minh, nhận chức cố vấn. Ai cũng ngầm hiểu là chức vụ cố vấn là làm vì, bề mặt để yên cho nhau, kéo dài cho đến năm 1949. Phát Diệm đã xử dụng cái lợi thế là nơi an toàn, tự trị, không theo Pháp nên đã có khoảng 60.000 người quốc gia gồm đảng phái chính trị, tôn giáo đủ loại đã tập trung về Phát Diệm như một khu tự trị để ẩn náu, để chờ cơ hội, nhất là đế tránh sự truy lùng của du kích và các cán bộ cộng sản trong bưng biền. Trong tập tài liệu của Trần Thị Liên Les catholiques et la République Démocratique du Việt Nam (1945-1954) đã nói về sự tranh giành quyền lực giữa hai phía, người công giáo và Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.

Một vài Lm dòng DCCT bị bắt ở Nam Định là Francois Liberté và Roland d’Ostie, được coi như người ngoại quốc; họ chỉ được thả nhờ sự can thiệp của Giám Mục Lê Hữu Từ khi còn làm cố vấn tối cao cho Hồ Chí Minh năm 1947.

Thay vì thụ động chịu trận, DCCT đã chọn thái độ trung lập chính trị để bảo vệ các cơ sở nhà dòng cũng như người của họ. Và có thể cả khu vực Thái Hà là cơ sở duy nhất ngoại ô thành phố Hà Nội, rộng 64 mẫu tây của nhà dòng là không bị xây sát gì au 1946. (Eric Vincent các trang 70-71).

Một trong nhũng cuốn sách của Thầy Marcel Văn (1928-1959) do Lm Antoine Boucher (1907-1991), CSsR dịch sang tiếng Pháp. Nguồn: https://www.suzieandres.com/

Nhưng cuộc di cư năm 1954 đã đưa một triệu người bỏ nhà, bỏ ruộng đất, nhất là tổ tiên dòng họ để vào miền Nam. DCCT một cách nào đó cũng phải thu xếp trôi theo dòng người di cư ấy. Cả khu vực Ấp Thái Hà cuối cùng chỉ còn lại Lm Vũ Ngọc Bích và thầy trợ tá Marcel Nguyễn Tấn Văn. (Thầy Văn đã chết trong tù Việt Minh sau 1955. Ông có một người em ruột là Sơ Anne-Marie Tế ở Đà Lạt được di tản đi trước 1975 đã cùng các cự thừa sai DCCT vận động phong tước thánh cho thầy Văn.)

Lm Boucher
CSsR

Ngoài ra còn có 2 thừa sai ngoại quốc ở lại như tấm bình phong che chắn cho nhà dòng. Nhưng lúc này, Canada hay không đều là người ngoại quốc. Hai vị này sau đó lần lượt cũng bị trục xuất sang Hong Kong, rồi sang Tàu.

Đó là một mất mát lớn không đền bù cho DCCT để lại gia tài không chủ chiên cho mãi đến ít nhất sau 1975.

Vào miền Nam, DCCT tìm cách thiết lập các giáo xứ di cư trên Đà Lạt và nhất là khu Bảo Lộc. Dòng DCCT tại đường Kỳ Đồng nay trở thành trung tâm hành hương, thờ phượng. Giáo dân lũ lượt đến cầu nguyện, thờ phượng, nghe các cha giảng trong các ngày thứ bảy.

Nhưng tâm tư người di cư Bắc Kỳ đã hẳn dổi khác. Tâm tình nhớ miền Bắc, nếp sống đạo cũ một thời nay được trang bị thêm một võ khí mới: thái độ chống cộng sản quyết liệt và về chính trị ủng hộ TT. Ngô Đình Diệm, tham gia vào các cấp quân đội.

Liệu thái độ và sự dấn thân nhập cuộc ấy có ảnh hưởng gì đến thái dộ các thừa sai DCCT không? Vai trò người khách trọ kéo dài được bao lâu. Các sách của Lm Larouche cũng như của Eric Vincent đã không đề cập trực tiếp đến vấn đề này. Trong khi các linh mục Triều bày tỏ một cách quyết xác và công khai thái độ tôn giáo đi liền với thái độ chính trị. Mất nước và mất Chúa là những mệnh đề không cắt rời. Nhiều linh mục triều đã nổi đình đám như Hoàng Quỳnh, Nguyễn Quang Lãm, báo Xây Dựng, Trần Du báo Hòa Bình trong vai trò báo chí và phúc âm.

DCCT đối với chính thể VNCH và người Mỹ có thể có thái độ mà Eric Vincent gọi là Ambiguous – không rõ ràng. Nói chung có quan hệ tốt, nhưng không để bị dính líu vào. Gần mà vẫn xa. DCCT không có mặt trong các buổi lễ như Quốc Khánh hoặc là khách mời trong các bữa yến tiệc trong Dinh Độc Lập. Thái độ hầu như “phi chính trị”, đứng ngoài thế quyền, đứng ngoài cuộc chiến.

Tuy nhiên, một cách nào đó, họ vẫn là nơi trú ẩn an toàn khi cần của giới Thiên Chúa giáo. Nam Phương Hoàng Hậu đã cùng gia đình và 4 gia nhân tá túc tại DCCT 6 tuần từ 19-12- 1945 như cha Larouche viết lại trong tiểu sử của ngài:

“40 giờ sau khi đón tiếp Hoàng Hậu thì chúng tôi được lãnh sự quán Anh ở Hà nội đã gửi cho chúng tôi một lá cờ Anh vừa to vừa đẹp bay phất phới trước tu viện” để chứng tỏ nhà dòng đứng Trung Lập giữa hai lằn đạn. Việt Minh bên bờ sông An Cựu, phía sau nhà dòng và quân Pháp đóng tại trường Providence, bên kia đường đối diện với nhà dòng.”

Lm Nguyễn Tự Do, “Cha Eugène Larouche, 51 năm thừa sai DCCT tại Việt Nam

Đến lượt ông Ngô Đình Cẩn, theo tác giả Nguyễn Văn Minh trong cuốn “Dòng họ Ngô Đình, giấc mơ chưa đạt” thì chính ông là người lái xe đưa ông Cẩn vào trú ngụ ở nhà dòng Chúa Cứu Thế trước khi quyết định đến tòa Lãnh sự Mỹ do khuyến cáo của Đỗ Cao Trí. Phần ông Ngô Đình Diệm, hồi còn chưa là thủ tướng, cũng đã đến tá túc tại DCCT, đường Kỳ Đồng.

Điều đó chứng minh vai trò trung lập của DCCT khi cần vẫn có chỗ dùng được. Tất cả đó là sự tin tưởng, sự tín nhiệm nơi các cha dòng.

Nhưng khi vai trò thừa sai ngoại quốc dần chuyển giao cho các linh mục Việt Nam kể từ sau năm 1954 thì đã không còn như trước nữa với nhiều linh mục đã phá rào, xông xáo ra ngoài đời với những lá bài chống Mỹ, chống chiến tranh, tìm về dân tộc (dân tộc nào?) như trường hợp Nguyễn Nghị, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín và Trần Hữu Thanh.

Theo tài liệu của Eric Vincent có cảm tưởng tác giả không nhẹ tay.

Hai linh mục như cặp bài trùng, một thày một trò đã cho ra tờ Đối Diện. Ông bày tỏ việc một số linh mục trẻ được đi du học, khi về thì quậy phá chứng tỏ cấp tiến. Ông viết:

“Khởi đầu của năm 1970, toàn thể DCCT Saigon gặp nhiều khó khăn. Nhiều linh mục, đặc biệt những người học ở ngoại quốc đã truyền đạt những ý tưởng khuynh đảo và đi đến chỗ khuyến khích các sinh viên rời bỏ sứ mạng làm linh mục. Nhiều linh mục bày tỏ một thái độ nổi loạn như nhiều giáo sư dạy tại Đà Lạt muốn ở Saigon thay vì lên Đà Lạt đưa các tu sinh vào thế có thể phải bỏ ngang việc học tập.”

Eric Vincent, Ibid., trang 111-112

Nhận xét trên đối với trường hợp Nguyễn Ngọc Lan là như vậy. Nó làm buồn lòng những người như linh mục đáng kính Eugene Larouche trong khi đa số nhữung vị khác phải âm thầm im lặng như Trépanier, Gagnon. Xem bài cùng tác giả đã đăng trên DCVOnline, September 23, 2017: Nhận định tổng quan về thành phần phản chiến và lực lượng thứ ba, P4c. Trường hợp Nguyễn Ngọc Lan và Chân Tín. Một số giám mục Việt Nam bày tỏ mối lo ngại một số linh mục chính trị hóa những hoạt động tôn giáo của mình như Giám mục Nguyễn Văn Hiền, Đà Lạt, tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Họ đã ngăn cấm việc giảng dạy của các linh mục này trong giáo phận của họ như trường hợp Nguyễn Ngọc Lan chẳng hạn. Ông này thù dai sau này đã có nhiều lời lẽ xúc phạm rất nặng nề đến G.M Hiền bằng cách chơi chữ xỏ lá: Giám mục mà không có mũ, có gậy là thằng hèn. Chữ “Hiền” bỏ chử I, chỉ gậy, bỏ dấu mũ, chỉ mũ giám mục, thì chỉ còn lại chữ “hèn”. Cũng một cung cách như thế với Tgm Bình. Trong suốt thời Kỳ Mỹ trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến Việt Nam.

Ở Canada, công việc của Dòng Chúa Cứu Thế ở Sainte-Anne-de-Beaupré không thu hút sự chú ý đặc biệt, nhưng sự thù địch với sự có mặt của người Mỹ và và người phương Tây ở Việt Nam khiến các nhà truyền giáo trở thành tâm điểm chú ý. Đã khó chịu với việc phải làm taxi và hướng dẫn viên cho các nhà báo nước ngoài hoặc các nhân vật người Canada đến Việt Nam để tô điểm sự nghiệp của họ hoặc ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Dòng Chúa Cứu Thế phần nào bị lung lay vì một bức thư ý kiến đăng ngày 20 tháng 1 năm 1973 trên nhật báo Le Soleil (ở Quebec city), sau cuộc phỏng vấn với hai nhà truyền giáo Dòng Chúa Cứu Thế đến thăm Quebec. Tác giả bức thư là ông Trần Tam Tỉnh, một cựu linh mục Việt Nam, lúc đó là giáo sư Khoa Văn tại Đại học Laval, đã vẽ nên một bức chân dung súc tích về những người truyền giáo ở Việt Nam, gồm cả Dòng Chúa Cứu Thế, cáo buộc họ tham gia vào một chương trình nghị sự chính trị bí mật nhằm vào đánh giá thấp người châu Á vì lợi ích của đế quốc phương Tây. Linh mục Gérard Trempe, nhà truyền giáo DCCT tại Việt Nam từ năm 1935 đến năm 1959, đã đăng một bức thư ý kiến dài khác mang tựa đề “Nếu một con chuột đến thăm Paris”, trong đó ông đã phản biện hăng say lời cáo buộc và công kích của ông Trần Tam Tỉnh. Xuyên suốt cuộc xung đột này, Dòng Chúa Cứu Thế đã giữ lập trường trung dung trong vấn đề chính trị của Việt Nam, tóm tắt bằng ý kiến của Gérard Gagnon; không mấy thiện cảm với sự hiện diện của quân đội Mỹ, nhưng ông cũng lấy làm tiếc khi không có ai trong giới truyền thông phương Tây đặt câu hỏi về sự tham gia của Moscow và Bắc Kinh trong việc kéo dài chiến tranh. (Eric Vincent, Ibid., trang 107)

Về việc Nguyễn ngọc Lan cho ra tờ Đối Diện chống đối Mỹ và sự can thiệp vào chiến tranh Việt Nam. Ra được 44 số thì 29 số bị nhà cầm quyền tịch thu.

Tiếp theo Nguyễn Ngọc Lan. Một linh mục CSsR xuất hiện muộn màng năm 1974 khi miền Nam ở trên bờ vực của sự sụp đổ không xa. Trần Hữu Thanh. Nó như một cơ hội chuẩn bị cho nguời cộng sản một cửa ngõ vào miền Nam rộng rãi thênh thang hơn, chặt đứt mọi hy vọng sống còn chống cộng với sự tiếp tay của Nguyễn Cao Kỳ.

Lm Trần Hữu Thanh đánh diêm hút thuốc lá cựu Phó TT Nguyễn Cao Kỳ trong buổi họp báo, 27 tháng Ba, 1975, yêu cầu TT Nguyễn Văn Thiệu từ chức trong lúc Cộng quân tiếp tục tấn cồng vào Sài Gòn. Nguồn AP Wirephoto

Dân Thiên Chúa giáo ít chấp nhận các cuộc tĩnh tâm và hoạt động rao giảng bị các hành động chính trị hóa ảnh hưởng của một số tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế: một số giám mục từ chối không nhận họ hoạt động trong giáo phận.

Một trong những nhà luận chiến này, nhưng phê phán các đồng nghiệp của mình trong tạp chí Đời sống rất nặng là Linh mục Joseph Trần Hữu Thanh; ông đã phát động một phong trào chống tham nhũng vào năm 1974, được CIA tài trợ một cách kín đáo, nhắm trực tiếp vào Tổng thống Thiệu. Một số linh mục người Quebec ủng hộ đồng nghiệp của họ về giá trị, nhưng cho rằng lựa chọn thời điểm của linh mục Trần Hữu Thanh không thích hợp. (Éric Vincent, Ibid., trang 112).

Tóm tắt vê phần này là DCCT nay rơi vào một khủng hoảng lãnh đạo. Kỷ luật trở nên lỏng lẻo. Và thẩm quyền của các bề trên dòng càng thêm lung lay. Nhiều buổi họp bắt buộc của nhà dòng mà số vắng mặt tăng cao. Nhiều tu sinh dòng đã rời bỏ tu viện tìm đường sang Pháp học tiếp.

Lm Thanh cũng là người viết một phúc trình bày tỏ sự thất vọng về các linh mục Việt Nam kế thừa cuộc chuyển giao này đồng thời ca ngợi công lao của các thừa sai Canada về những hoạt động hăng say, trái ngược với một số linh mục Việt Nam thường chỉ nghĩ tới lợi nhuận và quyền lợi riêng của những người thân của họ.

Việc vớt vát này không biết sự phê phán có gián tiếp nhằm chính bản thân của linh mục Thanh không?

Sau 1975, nhiều thừa sai Quebec đã ngậm ngùi quay về lại Canada. Một vài vị tiếp tục đi truyền giáo. Những linh mục Việt Nam như Lm Trần Từ Nhãn định cư ở Canada năm 1974, cuối cùng cũng sang Úc giúp đồng bào tỵ nạn bên đó. Phần những Lm như Lucien Olivier tiếp tục sang Mỹ nơi có người Việt Nam tỵ nạn như San Franscisco, Los Angeles…

Còn lại một số linh mục khác như Paquette, Dubé, Labonté và Thomas Côté tiếp tục con đường truyền giáo muộn màng như sang Haiti, Urugay…

Và từ đó đến nay tổng cộng có 66 linh mục (Rev. Père) và thầy (Rev. Frère) DCCT CSsR) sang Việt Nam được gọi về nước rất sớm nhường chỗ cho các thày được đào tạo tại Việt Nam. Có 24 linh mục DCCT được đào tại tại Việt Nam và một sô nhà truyền giáo DCCT Sainte-Anne-de-Beaupré đã chết tại Việt Nam.

Sứ mạng truyền giáo của họ được coi như hoàn tất và họ nhường cho các linh mục Viêt Nam là những thợ gặt mới tiếp tục đảm đang sứ vụ.

Ở đây như một lời tri ân tất cả. Không trừ. Một lời nhắn nhủ những thế hệ sau. Hãy theo gương họ. Deus Gratias.

Về ngôi trường đệ tử dòng Chúa Cứu Thế, Thái Hà

Hồi ký riêng như một lời tri ân.

Năm 1949, tôi được nhận vào học lớp 11, do sự thu xếp của anh lớn tôi, trước khi anh đi du học Pháp năm 1950. Đây cũng là lớp đầu tiên bậc tiểu học. Ngôi trường vốn xưa là tư dinh Hoàng Cao Khải, nằm ngay cạnh Gò Đống Đa, nơi Quang Trung làm nên chiến thắng lịch sử lẫy lừng. Nó cũng là con đường tàu điện duy nhất chỉ có hai toa chạy từ Hà Đông ra Hà Nội.

Khu dinh cơ của Hoàng Cao Khải chiếm một phần tư ấp Thái Hà, ở góc Đông Nam đường cái gồm tư dinh nằm sâu trong cổng chính, cổng phụ, cầu bắc qua hào, tường bao. Phần đất ngoài tư dinh được chia thành lô bán cho các quan lại cao cấp người Việt xây nhà cửa để biến thành một khu quý tộc.. OntheNet

Do tình thế chính trị, hậu duệ của Hoàng Cao Khải có thể đã nhượng lại lại cho các thừa sai dòng Chúa Cứu Thế. Vì thế, trong dinh còn khá nhiều đồ đồng, tủ chè, bàn ghế. Nội gian chính điện có khoảng 6 gian nhà chứa đầy các đồ quý giá như tủ, bàn, ghế, sập gụ và cơ man nào đồ đạc, chất lên đến tận trần nhà đứng ngoài có thể nhìn thấy được, vì các cửa ra vào đều bằng kính. Chưa kể, cái hồ bán nguyệt rộng mênh mang mà góc trái của hồ cấm bơi lội, vì ở dưới có các đồ bằng đồng như đỉnh đồng, tượng đồng.. vv

Tôi có đặt vấn đề ai là người bán mảnh đất 64 mẫu cho nhà dòng và thắc mắc được gửi cho bạn trong nước. Hồ Công Hưng đã tìm đọc cuốn “Cha Eugène Larouche, 51 năm thừa sai DCCT tại Việt Nam” của Lm Nguyễn Tự Do, và viết lại như sau:

“Tôi tìm được trong “Tiểu sử cha Larouche có nhắc đến 2 lần tên chủ miếng đất do DCCT mua lại. Nơi trang 162 nói rõ: “Sau tu viện ở Huế, các thừa sai vừa chiếm lĩnh sở đất có chủ là ông Laguisquet, giá 35.000 đồng thời đó dưới tên cha De Paulis, quản lý địa phận, thuộc Hội truyền giáo nước ngoài Paris (MEP), ngày 10-9-1928.”

Hồ Công Hưng

Cũng như miếng đất ở An Cựu, Huế, rộng 14.285 m2, giá 5600 đô la đúng tên các cha thừa sai Pháp mua ngày 20-9-1927. Bởi vì thời đó, người ngoại quốc không được đứng tên mua bất động sản.”

Tôi vẫn không thỏa mãn hoàn toàn vì thời ấy người đời vẫn quen thói gọi là Dinh Hoàng Cao Khải. Việc đứng tên một ông Tây nào đó vẫn là chuyện bình thường hiểu được. Vấn đề nay là lúc đối diện với chính quyền thành phố Hà Nội để ăn không, cướp không. Dân ấp Thái Hà đã đứng lên chống đối.

Thôi thì xin chia xẻ tâm tình ấy.

Trở lại nhà tu sinh Ấp Thái Hà. Lối vào là một sân sỏi, rồi hồ cá bán nguyệt, có thềm cao, rộng bao la, bát ngát mà sau này thành chỗ bơi lội cho chúng tôi. Trên sân, đối diện hồ cá là các dẫy nhà nhà ngang, dãy dọc toàn bằng gỗ và kính. Nơi đây làm lớp học cho chúng tôi từ lớp 11 đến lớp 5. Nhà ngủ thì ở xa, đi khoảng 15 phút gồm một căn nhà Tây hai tầng. Hai bên đường là những cánh rừng mà đằng sau là những sân cỏ và ruộng, rất thuận thiện cho việc đá banh hoặc những trò chơi lớn và trồng rau muống. Có thể, cả Hà Nội không đâu có một trường học kiểu mẫu như thế. Cũng có thể, chúng tôi là những đứa trẻ đầu tiên biết lễ Noel với các cartes Giáng sinh có tuyết phủ, xe chạy trên tuyết cũng như ông già Noel nơi xứ người qua những phần thưởng mà chúng tôi nhận được mỗi cuối năm. Một thế giới riêng và nơi đào luyện cả một lớp trẻ chuẩn bị vào đời. Thành phần các dự sinh theo tôi hầu hết thuộc dân Hà Nội các khu phố Ngõ Huyện và thiểu số con ông cháu cha như con cháu đời sau gia đình họ Hoàng như Hoàng Cơ Thụy, Hoàng Cơ Bình. Và một thiểu số dân nhà quê như tôi. Đặc biệt trong lớp tôi sau này có anh Nguyến Thế Học nghe đồn là con trai Thế Lữ, sau này nhiều năm sau, chúng tôi gặp lại nhau ở Montréal và Nữu Ước, nơi anh dạy toán.

Tôi ghi lại đây vài kỷ niệm khó quên và không thể quên như thày trợ tá gác cửa. Thày người nhỏ bé, nhưng tấm lòng thì trải rộng và thấy tôi côi cút nên thường chỉ bảo từng chút một. Nguời thứ hai là một soeur cũng chăm nom, săn sóc tôi.. khuyên tôi cố gắng học hành, nghe lời các cha dạy bảo.

Lm Gagnon,
CSsR
Lm Trépamier,
CSsR

Riêng đối với các cha Tây như cha Giám đốc Alexis Trépanier, đầu hói, khổ người như một người Việt Nam. Thoạt gặp lần đầu, tôi sợ khi thày trợ tá dẫn tôi vào gặp, trong một căn phòng chật hẹp, chỉ chừa một lối đi nhỏ. Nỗi sợ ấy dần tan biến khi tôi được đá banh chung với cha. Sau này, ở hải ngoại, khi đã vài năm ổn định, tôi dắt vợ con lên gặp cha. rồi nhân tiện cũng gặp lại cha Gérard Gagnon. Cha đã dẫn hai bà sơ, em ruột cha giới thiệu. Mừng vui lẫn lộn, nhắc lại vài kỷ niệm ở Đà Lạt khi thời sinh viên Đà Lạt mà nhớ nhớ quên quên vì đã có một thời sống đẹp.

Nhưng thôi, chỉ còn kỷ niệm ăn sâu vào tâm hồn một đứa trẻ nhà quê là hình ảnh cha, cứ gọi là cha B. đi. Sau này lên lại nhà dòng vùng Ba Ngòi thì không còn cơ hội gặp lại cha nữa. Có thể cha lại đi truyền giáo tại một nơi xa xôi nào đó. Dù thế nào đi nữa thì dưới mắt một đứa trẻ, cha cũng là một người có tâm hồn cao thượng của bậc thánh nhân.

Tôi không nhớ rõ năm nào, hình như năm tôi đã lên học lớp 9. Tôi bị bệnh phù thũng, bắp chân đầy nước, bấm vào mềm nhũn vì thiếu vitamin B. Tôi không thể đi bộ được nói chi đến chạy nhảy như con sóc khi đá banh.

Cha là người duy nhất trong trường cõng con ngồi trên vai người, tay con nắm chặt tóc cha. Hai chân con, cha ghì chặt đôi chân bé nhỏ để con khỏi ngã. Cứ thế cha vừa đi vừa hát hoặc đọc kinh từ lớp học về nhà ngủ. Đặt con nằm trên giường, để sáng ngày hôm sau lại cùng một cử chỉ như thế đưa con lại lớp học. Và cứ như thế cả tháng trời đến khi con bình phục. Trong phòng ăn, các cha giáo ngồi chính giữa, đã có lác đác vài cha Việt Nam. Như Hồng Phúc, Khâm, v.v.. Mùi bơ, mùi bánh mì thơm phức, con được dọn một phần ăn dành cho các cha để con tẩm bổ lại sức. Nhà ăn có lúc bắt buộc nói tiếng Tây cho quen, tôi còn ú ớ nên ngồi im lặng nên cả đời vẫn là “tây quăng”. Nhờ có giọng tốt nên được chọn “múa chim”. Tôi ăn mặc hóa trang có đôi cánh chim vừa nhảy vừa hát: Vous savez tous qui je suis. L’hirondelle qui chante… Et vous savez tous qui je suis…

Bây giờ thi thì tôi chỉ cầm bút không còn theo “nghiệp” hát nữa.

Nhưng một lần khác, cha đã làm con không hiểu nổi vì vượt quá tầm hiểu của một đứa trẻ. Đã có một lần, một trò nào đó đánh rơi một cái bút máy xuống hố cầu tiêu đổ thùng ở ngoài Bắc. Nó đứng khóc. Mà ai đã có kinh nghiệm, biết các hầm cầu tiêu ấy thì dễ sợ biết chừng nào. Các con bọ nhúc nhúc bò lên hố cầu tiêu.

Cha đã thản nhiên cởi bỏ chiếc áo chùng thâm, áo cánh bên trong, chỉ còn độc nhất chiếc quần đùi. Lần đầu tiên con được nhìn thấy hình ảnh một ông Tây, mình mẩy lông lá như thế. Cha đã nằm rạp lên miệng cầu tiêu, một cánh tay dài như tay vượn, khuấy thùng phân và cuối cùng cha đã tìm thấy chiếc bút máy chết tiệt. Cha rửa sạch vào trao lại cho cậu bé, nở một nụ cười trong sáng đến ngây ngô.

Con đã không tìm lại được lại cha khi con đã trưởng thành để nói: “Con là Lục đây, cha còn nhớ con không?”

Lm Roy,
CSsR

Sang định cư bên này, một lần nữa, tôi gặp lại cha bề trên Louis Roy. (Sang Việt Nam 1936, rời Việt Nam 17-04-1975, qua đời 20-04-2000). Ngài nhờ một gia đình Québecois đứng ra bảo lãnh làm con nuôi cho ba cháu, con các anh chị tôi. Nay các cháu đã trưởng thành và tôi thường được dự những bữa cơm gia đình tại vùng Ste. Thérèse-en-haut. Cha Louis Roy nay đã không còn nữa cũng như ông bố nuôi cũng vậy.

Tôi viết những dòng này thay cho các cháu như một lời tri ân của người Việt Nam thuộc thế hệ “Boat people”.

Amen. Alleluia. Alleluia.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: DCVOnline biên tập, phụ chú và minh họa.